1.1. Chuyện cây cau đầu làng

Đầu làng tôi có một cây cau già.

Từ hồi tôi còn bé xíu, nó đã là cột mốc quan trọng đánh dấu con đường đất dẫn vào quê ngoại của tôi, là hình ảnh mà mỗi khi tôi nhìn thấy cũng sẽ reo lên như một thói quen, a, sắp đến nhà bà rồi. Khi sang nhà bà, mẹ và tôi sẽ bắt gặp rất nhiều lối đi như thế, và thú thật là cây cau đầu làng chẳng có cái vẻ uy nghiêm hay cao lớn gì hơn để mà nổi trội so với những cây khác cả. Cũng là cái thân cao, thẳng đuột và vững chãi, cũng là những tàu lá chìa ra tua tủa như đuôi gà, cũng là những buồng quả xanh đong đưa tít trên cao. Nhưng hẳn là trong một khoảnh khắc nào đó, tôi đã tình cờ chiêm ngưỡng nó ở một góc độ thật đặc biệt, để rồi có thể tự tin khẳng định rằng, tôi vẫn sẽ nhận ra cây cau đầu làng dẫu nó không còn đứng ở vị trí cũ đi chăng nữa.

Ấy thế mà năm tôi lên lớp bảy, trong một dự án mở rộng đường cái, người ta chặt phéng nó đi. Mới cuối tuần trước tôi đạp xe qua thăm bà còn bắt gặp nó, vậy mà vài hôm sau đã chỉ thấy còn trơ trọi một gốc cau cụt. Lúc ấy tôi hơi ngỡ ngàng, nhưng không buồn cho lắm. Chỉ là sau này tôi vẫn thỉnh thoảng bắt gặp mình ngoảnh đầu quanh quất tìm bóng cau già mỗi khi trở lại lối đi quen thuộc, dẫu là năm mười ba tuổi, hai mươi ba hay ba mươi ba.

Gần đây tôi nhận ra rằng, cái cách tôi nghĩ về anh Mạnh dần dà đã trở nên giống với cái cách tôi vẫn hồi tưởng về cây cau nọ. Nghĩa là gắn liền với làng, là dấu hiệu tôi vẫn tìm kiếm đầu tiên mỗi lần về quê ngoại, và nếu anh không còn đó, những ngày thơ ấu của tôi cũng sẽ chẳng còn đẹp đẽ và vẹn nguyên như xưa nữa. Hẳn là tôi đã từng nhìn anh bằng một cảm xúc đặc biệt nào đó, để rồi đến mãi về sau cũng không quên anh nổi.

Tôi không thực sự nhớ cái cách tôi và anh Mạnh gặp nhau lần đầu. Tôi chỉ biết rằng anh vẫn luôn ở đó, như một lẽ tồn tại đương nhiên tựa ánh nắng miên man những buổi trưa hè oi bức, và là một phần không thể thiếu trong trường ký ức tuổi thơ xa xôi của tôi, về ngôi làng đã cất giữ không biết bao nhiêu vui buồn của tôi mười bảy năm đầu đời. Trong suốt những năm tháng ở làng, tôi từng tưởng tượng ra vô số hoàn cảnh gặp gỡ khác nhau giữa tôi và anh - một hành động kể ra thì khá vô nghĩa, nhưng chẳng hiểu sao lại khiến tôi hứng thú vô cùng. Sau này, giữa những bận bịu khẩn trương trong công việc, tôi lại dùng cách đó để làm dịu lại trong lòng những cơn sóng gay gắt mỗi khi chúng khiến tôi không thể tập trung vào điều gì ngoài nỗi nhớ và anh.

Có thể, trong một buổi trưa nào đó, đứa trẻ hay ăn rong là tôi đã được bà ngoại cho đi loanh quanh khắp xóm, cuối cùng vào đến khoảng sân rộng rãi lát gạch đỏ trồng một cây hồng, một cây khế và một cây bưởi sai trĩu quả - người làng tôi là vậy, hàng xóm láng giềng có việc chạy qua chạy lại nhà nhau rất tự nhiên, không cần gọi cửa. Bà ôm tôi ngồi xuống cái xích đu màu xanh kêu cót két dưới gốc cây hồng, vừa đung đưa chân vừa ngọt ngào dỗ dành, nhưng thằng cháu cứng đầu của bà vẫn mím môi quay đi. Vậy là thấy anh Mạnh đang tha thẩn dùng gậy chọc chọc mấy cây bắp cải gần đó, bà mừng rỡ gọi anh lại, nhỏ nhẹ:

“Mạnh ơi, con làm mặt xấu cho em Hải ăn giúp bà đi.”

Anh Mạnh sẽ không làm mặt xấu, tôi chưa thấy anh làm mặt xấu bao giờ kể cả sau này khi dỗ mấy đứa cháu của anh, nhưng bằng một cách rất bản năng nào đó, anh biết lừa tôi. Anh bảo tôi nhìn lên những chiếc lá vẫy vẫy theo gió trên đầu, nhìn đến há hốc cả mồm, và rồi chỉ chờ có vậy, bà nhanh tay dộng vào họng tôi một miếng cháo to tổ chảng.

Lúc ấy tôi còn chẳng biết mình bị lừa.

Hoặc có thể, tôi và anh bắt đầu chơi với nhau chỉ đơn giản qua một món đồ chơi. Một cái xúc xắc có tiếng kêu vui tai, một chiếc mặt nạ Tôn Ngộ Không mỏng dính bán đầy trước cổng trường tiểu học vào dịp Trung thu, một quả bóng nhựa đỏ tròn tròn biết lăn qua lăn lại, biết chuồi khỏi tay tôi khi tôi chồm người ôm lấy, chỉ ngoan ngoãn ở yên một chỗ khi bị tôi chặn lại bằng hai chân. Biết đâu vào một ngày xa xưa, tôi đã tia thấy một trong những món đồ chơi hấp dẫn đó trên tay anh Mạnh, bị nó thôi miên, lao đến giành nhau với anh để rồi hai đứa cùng ngoạc mồm ra khóc.

Mẹ anh thì mắng anh:

“Con phải biết nhường em bé chứ.”

Còn bà ngoại tôi lại quay sang nạt tôi:

“Đồ chơi của anh, sao con lại giành?”

Mà đâu có biết trong mắt chúng tôi chỉ có độc món đồ chơi nọ, đâu có quan tâm cái con người vừa giật của mình là ai, cứ thấy đồ chơi bị lấy khỏi tay mình là khóc thôi. Cuối cùng, giải pháp được đưa ra sẽ là hai đứa ngồi chung trong một góc nhà nào đó, chia nhau món đồ nọ, mỗi đứa cầm lấy lắc lắc hai ba phút rồi đưa cho đứa kia. Thế là hòa.

Hồi tôi nhận ra những băn khoăn của mình về bối cảnh tôi với anh Mạnh gặp nhau lần đầu tiên, đã có lần tôi đem chúng đi hỏi bà ngoại, người hầu như không rời mắt khỏi đứa cháu của bà ngày nó còn bé tí xíu. Nhưng bà bảo bà nhớ không nổi. Nguyên văn câu trả lời của bà là:

“Thì cùng xóm mà, hai đứa chơi với nhau có cần ai cho phép đâu. Con hỏi thế bà biết sao được.”

Mẹ anh Mạnh cũng không nhớ. Anh Mạnh lại càng không. Có khi ngày đó anh còn chẳng hiểu vì sao quả bóng đỏ bỗng dưng bay khỏi tay anh nữa.

Vậy là những băn khoăn của tôi đã chẳng bao giờ có lời giải đáp cả. 

Nhưng dù tất cả những gì tôi trình bày ở trên đều là giả thiết, thì có một điều mà tôi vẫn luôn chắc chắn.

Tôi biết anh, trước cả khi tâm trí tôi đủ phát triển để nhận ra sự tồn tại của anh trên đời. Tôi gắn bó với anh trước cả khi tôi hiểu được vì sao con người ta trong thế giới rộng lớn này lại cứ phải tìm đến nhau. Và tôi đã nhớ anh, trước cả khi tôi ý thức sâu sắc rằng nỗi nhớ đó sẽ làm tôi phiền muộn đến mức nào.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #2819