Chương 3: Em về tinh khôi
Tôi dẫn anh Miên và Mai đi dọc theo phố Cầu Đất xuống Nhà hát Lớn, cái nhà hát mà Pháp nó xây khi nào, bây giờ đã treo ảnh Bác. Như một thói quen của một người lính, anh thấy ảnh Bác, ngay lập tức nghiêm, chào rồi mới bước tiếp. Tôi không sao không buồn cười vì cảnh ấy, cái Mai nó còn cười phá lên.
Trần Phú vào thu, nó đông đúc ồn ào lắm. Trong làn gió thu rét tê tê, lá phượng rải xuống như mưa bóng mây, tôi thích nhìn phượng rơi lắm - nó làm tôi nhớ cái cây trước nhà tôi ở xứ Nghệ vô cùng. Mấy anh em rong nhau đi được một lúc thì tôi mấy gợi hỏi:
-Anh Miên đã thu xếp chỗ ở chưa?
Anh thẫn người, có vẻ ngập ngừng. Cái ánh mắt rắn rỏi nhưng chứa bao tâm tư ấy khiến chính tôi cũng phải thẫn thờ. Tôi chắc thầm trong bụng "Chắc anh chưa có chỗ ở nhưng nhà dì thì bé, nhẽ nào lại chung một giường?". Thế rồi tôi lại phân trần với chính mình là dù dì tôi có yêu anh tới cỡ nào cũng không bao giờ dám làm điều lố lăng ấy. Nếu có dám liều mà để thầy u tôi ở quê biết thì chỉ có nước cạo đầu, quết vôi, bêu giếu khắp làng.
Sau cái ngập ngừng, anh cười nhạt, nhìn tôi bảo:
-Anh có chốn chui ra, chui vào rồi. Nhưng nó xa, anh mong dì mi lắm! Anh ở tận Kiến An, mi mấy dì ở đây nhỡ sao thì anh nào tới kịp?
Mấy người yêu nhau ấy, mấy người lớn yêu nhau... tôi không hiểu lắm nhưng sao nghe xót thế? Hải Phòng trong gió thu ngàn, tôi cũng man mác một nỗi buồn gì đó trong lòng, nó da diết như cắt từng khúc ruột. Lặng.
-Thế có nhớ thì anh bắt chuyến xe xuống chứ làm sao phải nghĩ nhỉ?
Mai cười xoà, nó cũng nhìn thấu cái khổ của anh nên mới nói vậy. Chứ nó vui, nó phải cười ha há. Tôi thấy hai bên gò má cao vẫn nhô ra của nó bỗng hây hây, không biết là do gió thu lạnh hay nó ngượng ngùng, e ngại thứ chi.
Thế rồi chẳng ai nói gì nữa, tôi theo chân cái Mai, nó lại theo gót một người lần đầu đặt chân lên phố Cảng là anh Miên. Quanh quẩn trong cái trung tâm thành phố sầm uất một hồi, thoát ra khỏi con đường Trần Phú, xuyên ra Điện Biên Phủ thì tôi lại đớ người ra. Hình như tôi quên gì đó?
-Khuê, mày định đi đến bao giờ? Đã sắp đến giờ dì mày tan ca chưa?
Nói cái đầu óc của tôi chán thật đấy. Cứ mải mê nghe chuyện nà quên mất việc anh Miên đi thăm dì. Tôi ái ngại, ngước gương mặt đỏ au lên nhìn anh:
-Anh Miên, giờ anh về nhà dì hay muốn đi xí nghiệp xem?
-Mi rành phố thì dẫn anh đi thăm dì luôn nghe.
Miên cũng không giận tôi đâu, tôi biết điều ấy. Trong đầu một con mù đường như tôi bỗng ánh lên những con đường ngoằn ngoèo như rắn nước dẫn vào khu xí nghiệp mà dì tôi làm thợ may ở đó.
Tôi bước nhanh nhanh, đạp qua đám lá khô dưới chân mà chỉ đường xuống gần phố Đà Nẵng. Chúng tôi đi vào một ngõ chợ, đến cuối chợ có một cái xí nghiệp dệt may nọ. Đến đây, cả ba lại tần ngần nhìn nhau, nhìn qua cánh cổng sắt đen xì bong tróc của xí nghiệp.
-Rồi mi định làm chi nữa?
-Em nỏ biết. Xem có ai người ta ra vô phỏng thì mình với lại hỏi.
Tôi, anh và Mai đến một quán nước bên mé xí nghiệp ngồi chờ. Khi ngồi đó, trong lòng tôi cứ xôn xao, cứ khác lạ như đang rất mong rất đó. Dáng vẻ hồi hộp, hễ cứ nghe tiếng lạch cạch ở cái cổng sắt là lại ngoái ra khiến cụ bà hàng nước để ý đến. Cụ rót cốc trà đặc để trước mặt tôi rồi bảo:
-Cô tới tìm ai trong đây à? Nhìn cứ nhấp nhô mà tôi cũng cồn ruột thay.
-Dạ thưa cụ, con tới tìm dì. Dì bảo 3 rưỡi tan ca mà giờ chắc cũng ngót 4 giờ mà không thấy bóng dáng đâu!
Cụ bà tay cầm quạt nan phe phẩy gánh hàng rồi thở nhọc. Cụ nhìn tôi, nhìn hai người bên cạnh và lại hỏi bằng cái giọng trầm ồm:
-Thế dì cô tên gì?
-Dạ thưa, dì con tên Mi. Mà cụ biết không ạ? Cái cô cao cao với nước da trắng và mái tóc đến giữa sống lưng ấy ạ.
-À cô Mi hả? Cụ thì lạ gì cái cô đấy, hôm nào tầm trưa chẳng ra quán cụ uống cốc chè. Mà cô Mi tan ca lâu rồi, đi với một "bỉ" nọ trông "te" lắm! (Mà cô Mi tan ca lâu rồi, đi với một người đàn bà nọ nhìn đẹp lắm!)
Cụ vơ cái bánh gai cuối cùng trên cái giảo tre đưa tôi, đứng dậy xếp lại đống thúng.
-Đấy, cái bánh này cho cô cậu mang về nhấm nháp. Giờ cụ dọn hàng chứ tí nữa thì chợ quang, không còn gì mua.
-Dạ vâng, chúng con cám ơn cụ nhiều lắm! Cụ có cần phụ chi phỏng, con phụ giùm.
Anh Miên vươn vai, tươi tắn cười nhìn bà cụ còn loay hoay với đống túng, giá xếp thành từng chồng cao hơn ngực cạnh gánh hàng. Cụ nhìn anh, ánh mắt trìu mến ấy trông mà đến mê. Cụ lắc đầu song ngoái lại, ngắm nghía anh một lượt. Cụ nhìn anh Miên như người bà nhìn đứa cháu trai đã lớn, đã thanh niên. Cụ nheo mắt nhìn tôi:
-Thế anh này cũng là bạn cô Mi hử? Hiếm lắm mới nghe cô Mi có bạn là con giai đấy, các cô nhỉ?
Tôi ngập ngừng, còn bối rối không biết thưa bà cụ thế nào thì cái Mai đã nhanh nhảu trả lời thay.
-Cụ nhầm ạ, anh này là chồng chị Mi. Anh vừa đi bộ đội ngoài đảo về nên ra đây thăm chị đấy ạ! Đây, cụ cứ để thúng đó con xếp vào quang gánh cho.
Cụ bà à lên, gật gù rồi dọn hàng với chúng tôi. Anh Miên nghe Mai nói xong thì mặt mũi đỏ bừng như vừa nốc mấy vò rượu gạo. Thi Thoảng lại tủm tỉm cười một mình, hễ hỏi đến là hắng giọng xong lại không nói.
Thế là đi nãy giờ chỉ là tham quan một góc Hải Phòng thôi, không có thu hoạch gì ngoài cái bánh gai con con. Nắng thu lên, kéo thành những vệt dài như tấm lụa trải từ những mái gạch của những ngôi nhà ven đường xuống tận sân trát xi măng nhưng vẫn gồ ghề, gai góc. Hơi sương, nắng và cả mùi hoa sữa thơm nức mũi khiến lòng người ta nao nao. Hơn nữa, khi chân đặt xuống đất Hải Phòng thì đâu đấy người ta cứ ngỡ cái mùi mặn nồng của muối biển còn chen vào cả không khí, phả vào mặt, vào thịt da mình. Nhìn phố xá này đây, nhìn con người lúc này đây, tôi không còn mường tượng được cái cảnh bao cấp, khốn nạn mà người Hải Phòng phải chịu của hàng nửa thế kỷ trước như trong "Bỉ vỏ" mà Nguyên Hồng viết. Chao ôi, một thành phố luôn vững vàng, vươn mình ra khỏi khốn khó, gian lao giờ đã thay da đổi thịt. Giờ thì còn ai mà nhớ cái đề lao Hải Phòng nó nằm ở góc nào, đám trộm cướp, "chạy vỏ" tụ tập ở đằng nào hay mấy khu nhà mại dâm kinh tởm giờ biến tăm đi đâu? Nhưng cái nhiệt huyết của con người Hải PHòng, tinh thần của Hải Phòng, của con người nơi ni luôn khiến dân ngoại tỉnh mới đến như tôi phải trầm trồ.
Tôi nhớ mấy câu của u tôi nói từ ngót cũng hơn ba, bốn năm - ngay từ khi tôi còn ở Nghệ:
-Mi có lên Hải Phòng thì cứ ở nhà dì mà chơi, mà dọn sửa phụ cho dì chứ lăng quăng chạy ra đường thì bọn "chạy vỏ" nó "khai" mấy "hiếc" cho không còn một xu dính túi. Nghe đấy, nhớ đấy!
-Rứa u nói con mần chi? Mà u nói mấy thứ ngữ ở mô, "khai" là chi mà "hiếc" là chi con có hiểu đâu.
-U mi ở Phòng từ bé cho tới tận lúc thanh niên bị thầy mi cắp vào Nghệ An làm dâu thì mi phải chịu nghe cái ngữ này thôi. "Khai" là nó cắt túi tiền, "hiếc" thì là thò tay vào nhón hết của của mi đi chứ có gì mà không hiểu? Nao, áo mi u cắt xong rồi, ướm thử rồi kêu thầy mi ngắm xem đã đẹp chưa?
...
Nhớ thầy, nhớ u quá! Cái áo lụa năm đó u may tôi vẫn giữ, vẫn mặc vừa. Nhà tôi ở quê không giàu có gì, nhưng may sao thầy u thương tôi hơn vàng bạc, kim cương.
Vừa đi trong tôi cứ nhớ lẫn lộn hai mùa thu của Hải Phòng và mùa thu của Nghệ An. Như u tôi bảo đấy, cái gắn bó với mình từ tấm bé thường rất khó quên như cái gốc rễ không thể cắt nhưng nhập gia tùy tục, tôi phải dần quen với mùa thu hải Phòng.
Đi nhanh thoăn thoắt, nhoáng cái đã về nhà dì tôi. Chúng tôi ồn ào lắm! Đến nỗi cả phố Cầu Đất đều rộn vang những câu chuyện trên giời, dưới biển của ba con người bé tí ấy. Phải mà, con đường, góc phố Hải Phòng đều to lớn! Những dải nắng chớm thu vờn mình với tán lá còn rung rinh. Những con người gầy gò, đen nhẻm nhưng lúc nào cũng vui tươi, sảng khoái. Những hàng quán ven đường lúc nào cũng nhộn nhịp, đông đúc. Những tiếng còi tàu rít vang và tiếng bánh chạy xình xịch khiến trẻ con thích thú. Những chị gái, những mẹ và những bà vẫn thích áo the, quần lĩnh ngồi trước ngõ kể chuyện cho nhau. Những anh trai tráng, khoẻ mạnh phơi khuôn ngực bóng nhẫy mồ hôi, thở phào sau buổi lao động ở sông Lấp, ở nhà máy. Những đứa em tíu tít tay cầm bóng xanh, bóng đỏ chạy lăng quăng cả phố. Đó là Hải Phòng! Một thành phố không biết nghỉ ngơi và buồn bã.
Vừa đến gần cây cột điện ở ngõ nhà, tôi đã nghe tiếng xe máy nổ giòn và cái giọng đàn ông quen quen dội đến:
-Khuê đấy à?
Cái Mai đi cạnh tôi nhíu mày, lúc nó nhìn rõ người đó thì anh ta đã tắt máy, chạy đến gần chỗ chúng tôi. Mai chỉ vội à lên một câu và làm như giật mình vì đã quên khuấy chuyện gì. Nó thò tay vào túi quần, lôi ra mảnh giấy đưa tôi.
-Tí chết! Ấy đây, tối xin dì sang nhà cậu Tùng ăn cỗ. Nay cúng mà tao quên nhắc mày.
-Thế rồi anh xuống nhà tôi mần chi?
Tôi liền quay sang Len, không mấy vui vẻ mà hỏi. Tôi không biết sao thấy Len mà lòng mình vừa bồn chồn, vừa ngượng ngạo đến mức chỉ có thể bưng bộ mặc khó ưa ra nhìn anh.
Len gãi gáy, cười ngại nhìn tôi. Đến giờ tôi mới để ý, nụ cười của anh này sáng lắm, nó đẹp. Anh cúi mặt, có lẽ ngượng đến đỏ mặt nên cúi xuống đất nói:
-Thì cậu bảo anh sang gọi chị Mi với em qua nhà cậu phụ dọn cỗ.
-Anh quen cậu dì tôi?
-Ừ, thì hàng xóm quen thân cũng coi như người một nhà mà. Mà cái giọng của em đấy, bớt đanh đá đi thì mới dễ thương.
Anh cười hì hì. Tôi ngượng chín mặt. Quay lại nhìn anh Miên và cái Mai thì cả hai người họ đã tủm tỉm, lầm bầm gì đó. Tôi bối rối, hoá ra mất bình tĩnh liền đưa tay túm lấy vai áo, đạp cho Len một cái lăn cả ra đất. Anh vừa rơi bịch xuống thì đã nghe thấy tiếng dì tôi thét lên:
-Cái con bé này, mày làm cái gì thế?
Và.
-Khuê, mi có nhận ra u phỏng?
Dì tôi chạy tới đỡ anh Len dậy. Đằng sau dì có một người phụ nữ ăn vận đẹp lắm, áo lụa đỏ, quần lĩnh đen, tay xách cái làn đi chợ đầy ắp những của ngon. Tôi chẳng quản có nhìn rõ hay không nhưng nghe giọng nói đó, tôi chắc chắn là u tôi. Nước mắt tôi trào ra, tai tôi đỏ tía, gào ầm lên:
-U ơi!
Tôi chạy đến ôm chặt lấy cổ u như đứa trẻ con tập đi sà vào lòng u nó. Chao ôi, được ôm ấp, hít ngửi mùi trầu thơm quen thuộc phả ra từ người u tôi mới đê mê làm sao! U vỗ lưng, mắng yêu:
-Mi con gái con lứa, sao lại đánh anh như thế?
-U quen anh Len đấy sao?
-Thì lại không quen, quen lắm con ạ!
U lau nước mắt tôi, vuốt mấy sợi tóc mai sang vành tai và vẫy tay, gọi Len đến gần. Len cười, hồ hởi như vớ được vàng:
-U đến mà không gọi con đi đón?
-Thằng khỉ này, sao mi lớn rứa con? Trông bảnh quá!
-Ơ này, đây u tôi chứ sao lại u anh?
Tôi trừng mắt nhìn muốn nhìn thiêu rụi con tròng mắt của anh Len. Song ánh nhìn của tôi trượt qua vai áo của anh, thấy dì tôi bần thần đứng nhìn anh Miên. Dáng vẻ nghẹn ngào không nói lên lời ấy khiến anh Miên cũng đến bủn rủn. Như muốn tháo bỏ cái im lặng khó chịu đó của dì tôi và anh Miên, tôi buông tay khỏi cổ u, xách cái làn đi chợ rồi thong thả bước tới.
-Ơ hay, thế dì không chào hỏi anh à?
Tôi đẩy lưng dì. Anh Miên chầm chậm đi đến gần dì tôi, nắm lấy bàn tay run run đó, nhìn thẳng mắt dì mà nói:
-Mi ơi, anh về rồi! Em... em... em...
Dì tôi nhau mày, véo tay anh một cái.
-Em cái gì mà em? Rồi em cái gì?
-Em... em lấy anh nhá?
Anh Miên nuốt nước bọt ừng ực, run như cầy sấy mà nói. Thật là con trai Nghệ An tính thẳng thắn, bộc trực lại thêm cái quân nhân ngoài đảo mới về thì không biết ăn nói thế nào. Nghe vậy mà lòng tôi cũng nhẹ nhõm đôi ba phần. Mắt dì tôi đỏ sọng, nước mắt trào ra ngoài, nhảy lên ôm chầm lấy cổ Miên, nói rất to:
-Anh có biết bao năm anh đi em chỉ mong anh về, chỉ mong anh nói câu này hay không? Miên ơi... em yêu anh nhiều lắm!
Tôi che miệng, cười:
-Ôi những con người yêu nhau, những người lớn yêu nhau!
-U ơi, u gọi thầy sắm hồi môn thôi! Dì con đi lấy chồng.
Nói đến đây thì trời cũng sầm sầm rồi, không còn sáng sủa gì. Mai chen vào:
-À thôi đi, muộn rồi! Sang nhà cậu dọn cỗ thôi. Để con về bảo mẹ con hãng nhé dì, nhé bác!
Thế rồi con bé lon ton chay về nhà, í ới gọi mẹ nó. Mẹ và cả bố nó dong xe ra, nó đi với bố. Mẹ nó chở u tôi bằng con xe đạp cũ, y hệt chiếc của tôi nhưng xỉn màu hơn. Thế rồi chiếc xe thân yêu của tôi cũng bị con người khi nào cũng chê lên chê xuống nó - Miên lấy để đèo dì.
Vâng, và thế là tôi lại rơi vào tình thế như này.
-Thế có đi không anh đèo đi? Định đi bộ từ Cầu Đất xuống tận Đông Hải cũng hơi mệt hơi nhé!
-Ghét của nào giời trao của ấy! Không dính không được. - Tôi lầm bầm trong họng.
-Sao nào? Hay cứng đầu, đi bộ?
Tiếng bô xe kêu giòn lắm, chêm cả mấy tiếng giục giã của u, của dì tôi. Tôi đành lên xe Len đèo, đây chỉ là lần đếm trên đầu ngón tay tôi được ngồi trên xe máy - vẫn hơi không quen. Ngồi yên đệm vẫn êm hơn ngồi yên sắt, lại không lạnh mông.
-Ngồi gần vào, ôm eo!
Len nói.
-Không đấy! Ai lại thế?
-Không là anh không đi đâu. Lỡ ngã em thì ai đền? Nhà anh chỉ cho em được anh thôi!
Len vẫn chỉ vặn ga, không đi. Nghe mà tôi cũng không vui trong lòng , chỉ dám ngồi lui vào một chút, víu vào vạt áo sơ mi xanh của anh.
....
Xin lỗi các anh con giai còn nhắm ngó dì tôi, dì tôi sắp đi lấy chồng rồi!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top