Mùa Đến, Mùa Đi...

1. Nhiều khi lẩn thẩn quay ngược thời gian, dù hình dung lại được nhiều chi tiết nhỏ của quá khứ nhưng tôi vẫn không nhớ nổi mình bỏ hẳn thói quen xách giỏ đi chợ từ khi nào!

Thế hệ tôi còn vậy, lớp sau này hầu như chưa bao giờ cầm đến giỏ hay thậm chí biết đến hình thù nó ra sao. Từ mẹ tôi rồi đến phiên tôi, người nội trợ gắn liền với cái giỏ mỗi khi ra chợ. Có người thích dùng giỏ nhựa, có người thích giỏ cói, giỏ tre. Cái giỏ làm nên dáng đi và nói lên tính cách người nội trợ.

Người số nhàn nhã cách xách giỏ cũng ung dung, tự tin; người lận đận nhìn tay xách giỏ đã thấy bồn chồn; người hiền hậu bước chân khoan thai; người nóng tính không chỉ bước đi nôn nóng mà tay cầm giỏ cũng thấy không an... Mẹ tôi thường bảo một trong những tiêu chí người xưa chọn vợ cũng từ cách xách giỏ này (!).

Tôi nhớ đâu quãng năm 1988-1989, quà của một người bạn từ Sài Gòn gửi ra là một gói nhỏ trong đó có xấp dày bịch nilông đi chợ. Hồi đó những bịch nilông dày dặn và dùng nhiều lần mới hư. Tôi mang lên cơ quan tặng đồng nghiệp mỗi người ít cái.

Vừa khoe mình "tân tiến" có quà "độc", vừa giới thiệu một sản phẩm tiện dụng đi chợ không phải xách giỏ nữa. Rồi túi nilông ào ạt nở rộ như nấm sau mưa. Bất cứ thứ gì cũng bỏ túi nilông, từ vài cây đinh cho đến hàng điện máy như quạt bàn, nồi cơm... Cái giỏ đi vào cáo chung, may lắm chỉ còn tồn tại trên tay các bà nội trợ thuộc thế hệ 3X. Tôi cũng không ngoại lệ.

Cũng từ đó, những túi nilông bay lông lốc trên đường phố. Những túm rác đôi khi lại nằm không đúng chỗ gây ra hình ảnh không đẹp. Mặt nước ao, hồ, sông.. cũng đầy bịch nilông. Thế nhưng, thói quen nilông đã gắn chặt vào đời sống con người. Tháo gỡ nó là vấn đề quá nan giải!

2. Những ngày Hè còn bé, chúng tôi hay có một kế hoạch nhỏ là dán bao giấy theo đặt hàng của một người dì bán hàng khô ngoài chợ. Tùy theo kích cỡ, bị có thể được làm từ giấy vở học trò, giấy báo hay giấy krapt (*). Bao nhỏ, đựng khoảng 1, 2 lạng thường là giấy vở học trò. Trọng lượng lớn hơn dùng bao giấy báo và bao giấy krapt chứa được khoảng từ 5kg trở lên.

Đó là những ngày Hè rất vui khi cả nhà ngồi lại cùng nhau dán bao, chuyện trò rôm rả. Thường mẹ tôi chuẩn bị xoong hồ khuấy bằng loại bột mì tinh bà mua ở chợ. Dán bao là công việc vô cùng đơn giản, bất cứ ai dù vụng cách mấy cũng làm được. Tuy thủ công nhưng cũng có từng công đoạn và theo dây chuyền, ai phụ trách việc xếp, ai lo việc dán... Mẹ tôi còn tiết kiệm đến mức những miếng giấy không thể dán thành bao, được bà vuốt thẳng và cắt vuông vức để đem ra chợ đổi cho mấy người bán hành, tỏi lấy ớt hay tỏi về ăn mà thật ra không đáng bao nhiêu so với công lao cặm cụi từng miếng giấy nhỏ.

3. Xóm nhà tôi có gia đình làm nghề bán xôi dễ chừng đến 40 năm. Xôi ngon có tiếng. Dòng người buổi sáng xếp hàng chờ đến lượt khẳng định điều này. Đặc biệt hơn cả là xôi được gói bằng lá bàng. Xôi nóng cộng mùi lá bàng tạo hương vị đặc trưng riêng chăng? Hay ở cái thời mà mọi thứ đều bủa vây bởi nilông thì lá bàng làm nên thương hiệu cho hàng xôi?

Thành phố tôi ở vẫn còn khá nhiều cây bàng. Lâu năm có, mới trồng cũng có. Bàng - có lẽ là cây duy nhất gắn liền với bất cứ ai, ghi nhớ đời học sinh. Bài văn tả cây bàng, những trò chơi dưới gốc cây bàng, bọn con gái nhặt lá bàng chơi đồ hàng, bọn con trai kiếm cục đá đập trái bàng lấy hạt ăn... Bạn tôi kể chuyện món ăn ngày còn bé khó quên đối với gia đình chị là món mứt bàng. Phải là một người mẹ chịu khó cỡ nào, các con mới có được món ngon nhớ đời như vậy! Đập biết bao nhiêu trái bàng mới nên một chảo mứt?

Với tôi, bây giờ cây bàng còn là một thứ đo thời gian. Mới chớm Xuân những chiếc lá bàng xanh nõn in trên nền trời như những chấm bông bi. Ngày qua, nhìn lại đã thấy lá to và tươi xanh đậm rồi. Loay hoay chưa kịp làm gì lại thấy lá rụng và cây trụi lá để bắt đầu một chu kỳ khác. Dòng thời gian vô tình trôi đi như thế trên những cây bàng. Những mùa Hè cả nhà chúng tôi xúm lại ngồi dán bị giấy đã qua lâu lắm rồi và có thể chẳng ai còn nhớ nữa. Chỉ còn những chiếc lá bàng. Không hiểu khi vợ chồng bà hàng xôi tuổi già sức yếu, con cái ông bà có tiếp tục những gói xôi gói lá bàng hay mọi thứ rồi cũng tiện dụng bằng túi nilông?

Mùa đến, mùa đi, có thứ cáo chung, nhưng túi nilông thì còn mãi đến trăm năm, nghìn năm chăng?

__________

(*): loại giấy từ bột giấy hóa học của gỗ mềm xử lý bởi các quá trình kraft, là sản phẩm thân thiện môi trường, dễ phân hủy.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn