Khóc Đi

Cái đám ma đầu tiên trong đời mà tôi biết là đám ma ông nội. Ông bị ung thư bao tử. Năm đó tôi 6 tuổi, hay theo ông vào rẫy thơ thẩn đi bắt châu chấu hoặc nhặt cành cà phê về chất thành đống bên hông lều.

Bữa đó tôi cũng đang nhặt thì ông quay về lều hỏi tôi "Có biết cạo gió không?". Tôi bảo không, ông nói: "Dễ lắm, để ông chỉ cho". Ông đưa cho tôi cái thìa, một ly nước và bảo đổ dọc theo xương sườn ở sau lưng, rồi chỉ cách cạo. Tôi làm theo lời ông. Cạo xong ông nằm ngửa ra vẻ rất mệt mỏi. Sau đó hai tuần thì ông nhập viện.

Một thời gian sau thì bệnh viện trả ông về nhà. Ông nằm một chỗ, không tự đi lại được. Nhà có cái mâm cơm phần chia ngăn tử tế bằng sứ màu nâu đất, bữa cơm nào cô Thủy cũng lấy đầy thức ăn vào đó rồi mang lên nhà cho ông ăn. Sau khi về nhà được hai tuần thì ông mất.

Nửa đêm, má gọi tôi dậy bảo: "Ông chết rồi". Tôi ngơ ngác. Hồi đó tôi không hiểu được chết nghĩa là gì. À không. Tôi hiểu chết nghĩa là người ta sẽ không quay lại nữa, nhưng mức độ "nghiêm trọng" của việc một ai đó vĩnh viễn không quay lại nữa thì tôi chưa thể hiểu được. Hôm sau nhà phát tang, bà con chòm xóm kéo đến rất đông. Ông nội nằm trên giường, mặc bộ vest xám xanh mà ông hay mặc, hai tay ôm quyển Kinh Thánh đặt trên ngực. Anh trai tôi đứng khóc thút thít ở góc nhà. Tôi cứ đực mặt ra nhìn tất cả mọi người. Má nói nhỏ vào tai tôi: "Khóc đi! Khóc đi!". Tôi vẫn nghệt mặt ra nhìn.

Sau này nghĩ lại, tôi đoán có lẽ má cũng phần nào bị áp lực, sợ mọi người nhìn vào thấy tôi chẳng nhỏ ra một giọt nước mắt nào tiếc thương ông nội, người luôn rất yêu thương và cưng chiều hai anh em tôi, thì sẽ trách má tôi. Thật ra ngay lúc đó tôi cũng lờ mờ nhận ra được là mình nên khóc khi tất cả mọi người xung quanh đều khóc lóc rất thảm thiết, nhưng thật sự tôi không cảm thấy gì cả. Tối hôm đó về nhà, má trách nhẹ tôi: "Cái con này, ông chết mà chẳng chịu khóc gì cả!".

Mãi sau này thỉnh thoảng nghĩ lại chuyện này, tôi đều ráng lục soát trí nhớ xem sau đó mình có cảm thấy buồn vì nhớ ông nội hay không. Hình như là không. Nhưng chẳng hiểu sao sau đám ma tôi hay vào thăm mộ ông, như là đi chơi vậy. Buổi chiều 4g tan học tôi thường rủ con Hiếu học cùng lớp vào nghĩa địa thăm mộ ông. Nghĩa địa cách trường một cây số, cứ đi thẳng vào trong đồi là tới. Lần đầu tiên đi ra mộ ông, tôi bảo "Cháu chào ông", rồi tha thẩn quanh đó chẳng biết làm gì. Con Hiếu có vẻ sợ, giục tôi về. Những lần sau con Hiếu không dám đi nữa, tôi đành đi một mình.

Ông mất vài tuần thì có một bác hàng xóm cũng bị tai nạn giao thông và mất. Bác hàng xóm chết thì tôi khóc. Tôi khóc vì chiều hôm bác chết, tôi nghe một bà chị của bác vật vã gào lên rằng: "Chúa ơi, có phải cái chết là tận thế của mỗi người không?". Tự nhiên lúc đó tôi hiểu ra mọi thứ. Tôi hiểu tận thế, tôi hiểu cái chết, tôi hiểu sự mất mát và sự "không bao giờ quay lại" của một ai đó. Vậy là tôi đứng khóc.

Bây giờ khi đã phải dự rất nhiều đám ma, rất nhiều mất mát, tôi nhận ra một điều: cái chết thật sự mang lại sự yên nghỉ. Một nhát cắt đoạn tuyệt, và tất cả mọi người đều thống nhất với nhau rằng ở nhát cắt đó, mọi thứ chấm dứt. Không ai còn hi vọng gì vào người đã chết, không còn chuyện gì xảy ra khi người đã chết, và người còn sống sẽ nguôi ngoai dần nỗi đau mất mát theo thời gian.

Nhưng có những cái chết không mang lại sự yên nghỉ. Đó là những cái chết trong suy nghĩ về nhau. Ở cái chết đó, người chết trong tâm tưởng của người khác thì không biết, nhưng cái "người khác" kia, kẻ phải mang cảm giác đó, thì chết dần chết mòn vì cái chết của người này. Đó là một cái chết ở trong cái chết, khi tất cả vẫn còn đang sống, đang thở. Mỗi lần có một cái chết xảy ra trong suy nghĩ như vậy, tôi lại mất đi vài thứ trong lòng mình.

Nếu như cái chết ngoài đời thực làm người ta trở nên bao dung hơn, độ lượng hơn và thấm thía tình thương nhân loại hơn, thì những cái chết trong suy nghĩ lại làm người ta trở nên hẹp hòi hơn, hoài nghi hơn và hèn nhát hơn. Người ta sống cùng mớ hỗn loạn đó ngày qua ngày, và đợi đến ngày nó nuốt chửng mình. Ta sẽ không còn gì bên trong, chỉ còn là cái xác tồn tại chẳng biết để làm gì, và thừa thãi đến độ không biết giấu vào đâu cho hết.

Khi đó, ta sẽ phải làm gì?

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn