Kem Flan Chia Cắt

Tiết Văn học buổi chiều năm lớp Tám, nắng miền Trung xuyên qua những miếng ngói đỏ tráng lên chúng tôi một lớp nóng rát. Bữa đó học bài "Mùa xuân chín" của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Nhớ miết câu cô hỏi về chữ "trí" trong câu: "Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng" là tâm trí hay là Trọng Trí, tên thật của nhà thơ.

Tiết Văn hôm ấy bớt oi bức hơn khi biết được một trong những tình thơ, tình riêng của nhà thơ khi ấy là Mộng Cầm, thiếu nữ của tỉnh nhà.

Lớp Mười, trong căn gác trọ, người thuê cũ bỏ lại một tập tài liệu hướng dẫn du lịch tên "Phan Thiết - biển xanh, cát trắng, nắng vàng". Trong cuốn tài liệu có ghi về mối tình Hàn Mặc Tử - Mộng Cầm như một dấu ấn lãng mạn của Phan Thiết.

Tài liệu cũng nói về lầu Ông Hoàng, một tàn tích biệt thự của một người Pháp gần tháp Chăm Pôshanư, nơi Hàn Mặc Tử cùng Mộng Cầm mỗi cuối tuần đến ngắm trăng, ngắm biển. "Đường lên dốc đá" ấy trở thành con đường đầy màu thơ và khơi gợi lòng du khách đến để nghe biển vỗ một mối tình buồn...

Thời đó sống ngay Phan Thiết, nhưng sự lo lắng của một cậu bé nông thôn chiếm hết thời gian mộng mơ đi tìm bà Mộng Cầm, người thực của quá khứ văn chương.

Chỉ nghe mọi người trong xóm trọ nói nhà bà hiện nay có một quán kem flan (1) nổi tiếng nhất, ngon nhất và mắc nhất Phan Thiết. Những miếng kem flan do chính tay bà làm. Lúc ấy tô bún bò ngon chỉ ba ngàn đồng mà nghe đâu kem flan Mộng Cầm đến năm, bảy ngàn. Vậy mà quán vẫn đông khách. Chuyện ăn kem flan Mộng Cầm lúc đó là điều không tưởng với một học trò nghèo.

***

Gần chục năm sau, ghé về Phan Thiết dạo những con đường xưa thơm mùi bánh canh và bánh tráng mắm ruốc nướng chợt nhớ đến quán kem flan Mộng Cầm, chợt nhớ đến ngôi nhà của "người tình thơ" năm cũ.

Dò địa chỉ thì quán ở số 394 Trần Hưng Đạo, con đường chính chạy dọc trong lòng Phan Thiết, đổ dốc cầu qua sông Cà Ty một chút là đến. Thì ra ngôi nhà nằm đó mà hồi trước đạp xe qua lại học thêm dưới phường biển cả trăm lần nhưng không để ý. Coi như duyên cũng phải mười năm mới thắm.

Quán chỉ mở buổi tối, khi gió biển lành lạnh thổi vào những góc đường Phan Thiết. Quán cũng chẳng thể gọi là quán vì có vài cái bàn xếp trước sân, như ai đó trong nhà bày ra để uống trà. Vài ngọn đèn nhấp nháy treo trên ngọn cây cho cảm giác ấm cúng, tự tình trong đêm tối như được nhập thân vào một quãng thời gian cố cũ.

Người bưng kem trung niên gầy ốm, kiệm lời là con rể bà Mộng Cầm. Ông chỉ nói nhiều khi nhắc nhở ai đó ồn ào hoặc gác chân lên ghế. Miếng kem flan đổ bằng xoong, một đĩa là một góc sáu cái bánh, không phải theo khuôn nhỏ nhỏ như trăm ngàn cái kem flan khác.

Miếng bánh vàng ruộm trứng gà, dư vị như theo dòng chảy của thơ tràn mát êm đầu lưỡi. Cũng không khó hiểu gì khi quán đắt giá mà vẫn đắt khách mỗi đêm. Tôi không biết lúc bà còn sống, những người khách của quán đêm có được nhìn thấy bà không. Ngày tôi đến thì bà đã mất rồi.

Câu chuyện kem flan Mộng Cầm cứ âm ỉ xúc động trong lòng, tôi viết ra rằng:
"Tại Phan Thiết có quán kem flan của gia đình nữ sĩ, bà giáo Mộng Cầm, người tình nổi tiếng của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Quán đã trở thành "di sản", người ta vẫn tìm đến ngồi trong quán, trước sân nhà của bà, ngắm ngôi nhà tường vàng im lìm và cảm giác như cô gái Mộng Cầm của thời son nữ đang ngồi trong nhà..." (2).

***

Vài tháng sau tôi hăm hở trở lại, mong mỏi đắm chìm vào chút đêm tĩnh lặng có chất thơ da diết thì lòng như muốn ngừng nghẹt. Một quán cà phê sang trọng, hộp đèn hiệu của quán in rõ chữ kem flan Mộng Cầm. Ngó lại bên phải, quán Mộng Cầm cũ vẫn im lìm với cái tủ gỗ đựng kem flan lờ mờ đèn vàng, bàn ghế nép vào một hẻm sân chật hẹp, chỉ đủ để ngồi ăn. Tôi nghe thoáng rằng đã có tranh chấp, chia cắt bằng một bức tường gạch.

Phần ngôi nhà vàng cũ nằm bên quán mới giờ đã là một ngôi nhà lầu tường trắng. Giờ đây đến chỉ còn được ăn kem flan, thấy người bưng kem vẫn ít nói, không còn ngôi nhà tường vàng để ngắm. Thật tiếc cho một phần lãng mạn của quê nhà bị xóa bỏ. Tôi nản nản, viết lên Zalo:
"Ghé lại quán Mộng Cầm thấy buồn quá... Ngôi nhà giờ bị chia đôi bằng bức tường tranh chấp. Ngôi nhà cổ vàng vọt cũng mất, chẳng còn hình bóng của giai nhân trong không gian u hoài. Một di sản tâm hồn của Phan Thiết, một hoài niệm của Hàn Mặc Tử đã mất mát vĩnh viễn...". Có hai bình luận, họ cũng buồn như tôi:

"Người của hậu thế luôn nhân danh thời gian để hồn nhiên tàn phá những thứ tình cảm, quý giá ẩn sâu từ tiền nhân để lại...".

"Thời gian tàn nhẫn, nhưng con người còn tàn nhẫn hơn".

(1): Ở Bình Thuận, bánh flan được gọi là kem flan.
(2): Bài viết: "Biến trang văn thành tour du lịch", Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 7-11-2014.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn