#2: BẾP LỬA

VĂN BẢN 2

BẾP LỬA

                                   Bằng Việt

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa!


Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi,
Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy,
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!


Tám năm ròng, cháu cùng bà nhóm lửa
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa
Khi tu hú kêu, bà còn nhớ không bà?
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế.
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!
Mẹ cùng cha công tác bận không về,
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe,
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học,
Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc,
Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà,
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?


Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh
Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh:
"Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,
Mày có viết thư chớ kể này kể nọ,
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!"


Rồi sớm rồi chiều, lại bếp lửa bà nhen,
Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn,
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng...


Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi,
Nhóm niềm xôi gạo mới, sẻ chung vui,
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ...
Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!


Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu,
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
- Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?...

1963

(In trong Bằng Việt - Thơ với tuổi thơ, NXB Kim Đồng, 2002)

I. Trải nghiệm cùng văn bản

1. Tác giả

- Bằng Việt tên khai sinh là Nguyễn Việt Bằng, sinh năm 1941, quê ở huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây, nay thuộc Hà Nội.

- Sau khi tốt nghiệp khoa Pháp Lý, Đại học Tổng hợp Kiev, Liên Xô, (nay là Đại học Quốc gia Kiev, thuộc Ukraine) vào năm 1965, Bằng Việt về Việt Nam, công tác tại Viện Luật học thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam.

- Ông đã thể hiện nhiều thể loại thơ không vần, xuống thang rồi bắc thang, tất cả những hình thức đã có trong thơ Việt Nam và thơ thé giới. 

2. Tác phẩm

a) Hoàn cảnh sáng tác

- Bài thơ Bếp Lửa được sáng tác năm 1963, khi tác giả đang là sinh viên học ngành Luật ở nước ngoài.

- Bài thơ được đưa vào tập Hương cây - Bếp lửa (1968), tập thơ đầu tay của Bằng Việt và Lưu Quang Vũ. 

b) Bố cục

- Phần 1 (ba dòng đầu): Hình ảnh bếp lửa khơi nguồn cho dòng hồi tưởng, cảm xúc về bà

Phần 2: (bốn khổ tiếp theo) : Hồi tưởng những kỉ niệm tuổi thơ sống bên bà và hình ảnh người bà gắn liền với hình ảnh bếp lửa

Phần 3: (hai khổ thơ tiếp theo): Suy ngẫm về bà và cuộc đời bà

Phần 4: (khổ cuối): Nỗi nhớ về bà

c) Nội dung

- "Bếp lửa" của Bằng Việt là những hồi tưởng và suy ngẫm của người cháu đã trưởng thành, nhớ lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà và tình bà cháu. Qua đó, bộc lộ những tình cảm sâu nặng đối với gia đình, quê hương đất nước.

d) Nghệ thuật

- Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa biểu cảm và miêu tả, tự sự và bình luận. Thể thơ tám chữ kết hợp với 7 chữ, 9 chữ, chữ phù hợp với việc diễn tả dòng cảm xúc và suy ngẫm về bà. Giọng điệu tâm tình, thiết tha, tự nhiên, chân thành. Sáng tạo hình ảnh bếp lửa - hình ảnh vừa thực vừa mang ý nghĩa biểu tượng.

II. Suy ngẫm và phản hồi

1.Phân tích mối quan hệ giữa hình ảnh bếp lửa và hình ảnh bà trong bài thơ. Hình ảnh bếp lửa có sự thay đổi như thế nào qua các khổ thơ?

- Mối quan hệ giữa hình ảnh bếp lửa và hình ảnh bà trong bài thơ là mối quan hệ gắn bó và bổ sung cho nhau. Hình ảnh bếp lửa khơi nguồn cảm xúc về bà, về những hồi ức đẹp đẽ của tuổi thơ, về tình bà cháu.

- Hình ảnh bếp lửa có sự thay đổi qua các khổ thơ là:

+ Khổ 1: thể hiện sự tần tảo sớm hôm, chịu thương, chịu khó của người bà.

+ Khổ 3: ngọn lửa của niềm tin và sự sống, của tình yêu thương gia đình và đất nước vô bờ bến.

+ Khổ 4: thể hiện biết bao ước mơ, hi vọng về tương lai. Ngọn lửa thắp lên tương lai cho người cháu.

2. Nêu một số biện pháp tu từ được sử dụng trong bài thơ và làm rõ hiệu quả của chúng.

- Cụm từ "một bếp lửa" lặp lại hai lần.

=> Cụm từ được đặt ở đầu hai dòng thơ mang đến âm hưởng ngân vang, sâu lắng và nhấn mạnh rằng hình ảnh bếp lửa có ý nghĩa đặc biệt, luôn khắc sâu trong tâm hồn nhân vật trữ tình.

- Điệp từ "trăm", "có" kết hợp cùng thủ pháp liệt kê.

=> Nhằm diễn tả sự thay đổi, tìm thấy những niềm vui mới của người cháu. Thế nhưng, giữa thế giới bộn bề rộng lớn, cháu vẫn không bao giờ quên đi hình ảnh bà gắn với bếp lửa, những kỉ niệm thời sống bên bà, từng bài học mà bà dạy dỗ...

3. Sự kết hợp giữa yếu tố biểu cảm với miêu tả, tự sự trong văn bản có tác dụng gì?

- Sự kết hợp giữa yếu tố biểu cảm với miêu tả, tự sự trong văn bản giúp cho văn bản:

+ Làm cho câu chuyện trở nên sinh động, sâu sắc hơn.

+ Giúp thể hiện được thái độ, tình cảm của nhân vật trong bài thơ trở nên ý nghĩa, gần gũi hơn.

4. Xác định mạch cảm xúc và cảm hứng chủ đạo của văn bản.

- Mạch cảm xúc của văn bản: đi từ quá khứ đến hiện tại, từ kỉ niệm đến suy ngẫm theo dòng hồi tưởng.

- Cảm hứng chủ đạo của văn bản: Tình cảm yêu thương của người cháu đối với người bà tần tảo, hi sinh vì gia đình.

5. Hãy chỉ ra một vài nét đặc sắc về kết cấu của bài thơ.

- Thơ tự do: 8 tiếng/ câu

- Gieo vần: Vần chân và vần liền - theo cặp câu.

- Kết hợp nhuần nhuyễn giữa biểu cảm với miêu tả, tự sự và bình luận.

=> Góp phần thể hiện lòng kính yêu trân trọng và biết ơn của người cháu đối với bà và cũng là đối với gia đình, quê hương, đất nước.

6. Theo em, tác giả muốn gửi đến người đọc thông điệp gì qua văn bản này?

- Tác giả muốn gửi đến thông điệp qua văn bản là:

+ Phải biết trân trọng tình cảm và yêu thương những người thân xung quanh ta.

+ Yêu thương gia đình, quê hương và đất nước.

7. Bài thơ thể hiện tư tưởng gì? Các động từ "nhóm", "nhen" và hình ảnh "bếp lửa" đã góp phần như thế nào vào việc thể hiện tư tưởng đó?

- Bài thơ thể hiện tư tưởng về tình cảm bà cháu, tình yêu quê hương, đất nước.

- Các động từ "nhóm", "nhen" góp phần thể hiện thái độ nâng niu, trân trọng trong tình cảm của hai bà cháu; đặc biệt hình ảnh "bếp lửa" đã thể hiện tình yêu và hi vọng về một tương lai tươi đẹp.

8. Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) thể hiện tình cảm với người có ảnh hưởng lớn đến em 

Bài mẫu:

Khi có ai đó hỏi em rằng: Người mà em yêu thương và kính trọng nhất trong cuộc đời này là ai, em không chút ngần ngại mà đáp rằng: Đó chính là mẹ. Mẹ, người phụ nữ với dáng hình nhỏ bé nhưng trái tim rộng lớn như biển cả, luôn âm thầm hy sinh mà chẳng cần đòi hỏi điều gì cho riêng mình. Mỗi ngày, mẹ cần mẫn với những công việc tưởng chừng như giản đơn: nấu từng bữa cơm thơm lừng, ủi từng chiếc áo phẳng phiu, dọn dẹp từng ngóc ngách trong nhà. Nhưng có mấy ai hiểu, phía sau những việc ấy là bao nhiêu nỗi vất vả, nhọc nhằn mẹ phải gánh vác. Ngày nào mẹ cũng dậy khi trời còn mờ sương, và chỉ khi trăng đã treo cao mẹ mới khép mắt nghỉ ngơi. Thế nhưng, chưa một lần em thấy mẹ than phiền hay buồn bã, thay vào đó là nụ cười dịu dàng luôn hiện hữu trên môi, ánh mắt tràn đầy sự yêu thương và bao dung vô tận. Mẹ không chỉ gửi gắm tình thương qua từng bữa cơm nóng hổi, chiếc chăn ấm áp hay chiếc áo trắng tinh khôi, mà hơn hết, là sự động viên, ủng hộ vô điều kiện cho từng bước đi của em trong cuộc đời. Tình yêu mẹ dành cho em như dòng suối trong veo, len lỏi vào từng kẽ tim, chảy mãi chẳng ngừng. Chính vì thế, em luôn tự nhủ phải cố gắng hết sức mình, học tập và sống thật tốt để có thể mang lại niềm vui và sự tự hào cho mẹ – người đã dành trọn cả cuộc đời vì em.

Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ của em về bài thơ Bếp Lửa của Bằng Việt.

*Gợi ý:


*Mở đoạn:

- Tác phẩm: Bếp Lửa

- Tác giả: Bằng Việt

- Cảm nghĩ chung: Trân trọng, yêu mến tình bà cháu

*Thân đoạn:

- Cảm xúc, suy nghĩ về nét độc đáo của bài thơ:

+ Hình ảnh Bếp lửa

+ Hình ảnh người bà (những hành động của người bà)

- Làm rõ tác dụng của các biện pháp tu từ:

+ Điệp ngữ

+ So sánh

+ Nhân hoá

+ Ẩn dụ

=> Tác dụng

* Kết đoạn:

- Nêu cảm nghĩ, ý nghĩa của bài thơ đối với bản thân.

Bài mẫu

Tôi rất yêu thích tác phẩm Bếp Lửa của nhà thơ Bằng Việt là bởi nó nói về tình cảm bà cháu gắn bó, tha thiết và cao đẹp. Nổi bật trong bài thơ là hình ảnh bếp lửa và hình ảnh người bà. Trước hết là hình ảnh bếp lửa "chờn vờn sướng sớm" và "ấm iu nồng đượm" cho tôi thấy một hình ảnh bếp lửa thật ấm áp và thiêng liêng. Bởi bếp lửa gắn liền với người bà, gắn liền với tuổi thơ của tác giả. Ngoài ra, những hình ảnh về người bà cũng được tác giả khắc hoạ rất rõ nét, chân thực qua từng câu thơ. Bà hay "nhóm lửa", "kể chuyện" cho cháu nghe, "bà dạy cháu làm' bà chăm cháu học", bà dặn cháu "có viết thư chớ kể này kể nọ, cứ bảo nhà vẫn được bình yên". Những chi tiết ấy đã gợi lên cho tôi thấy rằng người bà là người tần tảo, chịu thương chịu khó, luôn yêu thương cháu hết lòng hết dạ. Bên cạnh đó, tác phẩm không chỉ thành công về mặt nội dung mà còn về mặt nghệ thuật. Điệp từ "bếp lửa" và "bà" xuất hiện xuyên suốt trong bài thơ, nói lên được tình cảm yêu thương da diết và nỗi nhớ khôn nguôi về bà của người cháu. Câu hỏi tu từ ở cuối khổ thơ số ba như là tiếng lòng của nhà thơ đang hồi tưởng về những kỉ niệm ấu thơ với người bà. Nhà thơ tự hỏi rằng liệu bà còn nhớ tiếng tu hú kêu trên những cánh đồng xa hay không, nhưng còn ông thì vẫn luôn nhớ về nó. Bằng những nghệ thuật đặc sắc, tinh tế và lối hành văn giàu chất thơ đã giúp cho tác giả thật sự chạm đến cảm xúc và trái tim của người đọc, gợi nhắc về tình bà cháu thiêng liêng. Qua bài thơ Bếp Lửa, tôi cảm thấy như thêm yêu, thêm trân trọng và quý mến người bà thân thương của mình. Tôi chợt nhận ra rằng, bà là người đóng một vai trò quan trọng trong tuổi thơ của chúng ta, luôn yêu thương và tất bật chăm sóc cho con cháu. Và cho đến khi ta lớn lên, thì tình cảm ấy vẫn luôn như thế, không bao giờ phai đi, mà vẫn luôn thiêng liêng, ấm áp và tràn đầy yêu thương.

*Note: Đây là đoạn văn do tôi tự viết. Nếu các bạn cần ý tưởng, hãy tham khảo bài mẫu trên và gợi ý tôi đã cung cấp. Xin đừng sao chép toàn bộ nội dung!


-HẾT- 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top