Nắng chiều quê nội - Duyên Anh
NẮNG CHIỀU QUÊ NỘI
Mùa thu rắc lấm tấm hoa vàng lên bè rau muống già lềnh bềnh bên bờ sông hẹp. Từng cơn gió heo may mang từ cánh đồng lúa sữa về bến đò hương thơm dìu dịu và lướt nhẹ trên mặt nước làm lạc hướng lũ gọng vó. Những cánh rau rút, sợ gió hôn, thẹn thùng cúp cả lại. Giàn mướp trước cửa xơ xác mấy cái lá già, trơ trọi vài quả giống sạm nắng hè, đong đưa theo gió. Bây giờ, vắng bóng những con ong tệ bạc, những con bướm lả lơi, những con cánh cam đỏm dáng. Cảnh đìu hiu đã xào xạc trong bụi tre sau nhà. Thỉnh thoảng, có đêm im vắng, tiếng súng từ mạn Nam-định vọng sang, nghe rõ mồn một. Nỗi lo âu bắt đầu hiện lên khuôn mặt hiền lành của dân đồng nội tỉnh Thái-bình.
Mẹ tôi tỏ vẻ sợ sệt. Mẹ chắt bóp từng đồng để ngộ nhỡ tản cư. Giữa lúc đó, cô tôi từ làng bên mò sang báo tin cho mẹ tôi hay là ông nội tôi ốm nặng. Ông tôi muốn gặp mẹ con tôi trước khi vĩnh biệt cõi đời.
Hôm cô tôi bước chân vào quán hàng, anh em tôi đang nằm dài trên chõng tre, thương nhớ vu vơ. Chúng tôi hững hờ nhìn cô, chẳng khác gì nhìn khách lạ. Mẹ tôi bối rối giây lát rồi mẹ gượng cười đon đả chào cô. Mẹ tôi chỉ anh em tôi, nói với cô:
- Hai cháu đấy cô ạ ! Cháu Hữu, à đáng lẽ tên cháu...
Mẹ tôi ngừng lại. Mẹ thấy hình phạt tinh thần tê tái lắm vì mẹ tôi đã trải qua tháng ngày sống nhờ túp lều sau vườn nhà ông ngoại. Cô tôi chừng hiểu thế. Cô cúi gầm mặt, vân vê tà áo. Mẹ tôi, một phút lỡ lời vì mối sầu dĩ vãng, đã trở về ngay bản tính cố hữu của người đàn bà Việt Nam quê mùa, người mẹ suốt đời chịu đựng và sẵn sàng tha thứ. Mẹ tôi tiếp lời bỏ dở:
- Cháu Hữu, cháu Mai cô ạ ! Hai con lạy cô đi.
Cô tôi xua tay dễ dãi:
- Các cháu còn lạ, chị ạ ! Thôi đừng bắt tội chúng.
Tự nhiên tôi sững sờ. Em tôi run run làm tuột cuốn sách khỏi tay. Chúng tôi hỏi nhau bằng mắt, bằng sự im lặng, xem có phải người đàn bà đứng kia là em ruột của cha tôi, là em ruột chú Nghị? Cô tôi nhỏ bé xinh xắn. Cô chưa lấy chồng. Tôi thoáng cảm thấy cô có đôi nét giống em Mai. Nhưng nỗi buồn quê nội mơ hồ đột khởi, vẻ hiền dịu của cô tôi, khoảnh khắc, biến mất. Tôi không hiểu tại sao mẹ tôi niềm nở, thay vì mẹ tôi cúi mặt làm ngơ.
Cô tôi nhẹ nhàng đến gần anh em tôi. Cô nắm tay tôi khen ngoan ngoãn, giống cha như đúc. Tôi gỡ vội tay ra khiến cô tôi ngỡ ngàng xấu hổ. Trong tâm tưởng, tôi vẫn thường mường tượng những người bên nội, trừ chú Nghị, phải ác nghiệt, hung bạo. Những người ấy thu lượm sao nổi cảm tình thừa thãi của anh em tôi. Cô tôi bẽn lẽn quay lại đưa gói cùi dừa và năm sáu tấm bánh đa nướng cho em Mai, âu yếm vuốt ve em. Điều đó chẳng làm em Mai cảm động. Em vùng vằng chạy về phía mẹ tôi, vất trả cô tôi quà bánh.
Anh em tôi đã trả thù giùm mẹ tôi. Lòng tôi hả hê khôn xiết. Tôi nghĩ mẹ tôi sung sướng, mẹ tôi sẽ khen ngợi chúng tôi. Tôi đợi nụ cười trìu mến, thiết tha của mẹ tôi. Nào ngờ, mẹ tôi tức giận nghiêm giọng mắng:
- Đồ hư thân mất nết, lạy cô đi.
Cô tôi lại xua tay:
- Thôi chị ạ ! Các cháu còn dại, với lại các cháu còn lạ.
Mẹ tôi lấy ngón tay dí vào trán tôi, đe dọa:
- Chốc nữa thì chúng mày biết tao. Đồ mất dạy.
Tôi sững sờ hơn. từ xưa có bao giờ mẹ tôi mắng mỏ anh em tôi tàn tệ đến thế đâu. Lại gọi anh em tôi là "chúng mày" và xưng "tao." Tôi len lén nhìn mẹ và thấy mắt mẹ tôi đỏ ngầu, đôi dòng lệ lăn tăn trên gò má, mà nhìn rõ, tôi mới hay má mẹ tôi đã có vết nhăn. Tôi biết mẹ tôi đau đớn khi bắt đứa con thân yêu xưng cháu với người cô xưa kia đọa đầy mẹ nó hồi nó còn nằm trong bụng mẹ, chịu đựng chung khối tủi nhục cùng mẹ nó. Cô tôi cũng khóc. Những giọt nước mắt của cô chưa rửa sạch ngay mọi ý nghĩ oán hờn của anh em tôi. Nên anh em tôi miễn cưỡng vâng lời mẹ, cúi đầu chắp tay chào cô tôi, chào người đàn bà mười mấy năm về trước đã hắt hủi, xua đuổi mẹ tôi như xua đuổi con chó dại.
Cô tôi xoa đầu anh em tôi. Xoa đầu em tôi còn được, chứ xoa đầu tôi thì tôi ức lắm. Tôi mười lăm tuổi rồi mà. Tôi ngắm nghía cô tôi, hai hàm răng nghiến mạnh muốn nát tan niềm uất ức. Mẹ tôi yếu đuối quá. Tâm hồn mẹ trĩu nặng tình cảm, dễ xúc động, giàu lòng vị tha. Tôi nhớ hồi cha tôi chết, họ hàng bên nội có ai thèm tìm đến quấn giúp anh em tôi mảnh khăn tang đâu. Mẹ con tôi đói rách, khổ sở, có ai thèm ngó ngàng săn sóc đâu. Trời ơi, vẫn chỉ một mình chú Nghị. Thế mà hôm nay, bỗng dưng, cô tôi cất công sang mời mẹ tôi về chịu tang ông nội. Cha tôi đã bị từ bỏ rồi, anh em tôi còn nghĩa lý gì nữa. Đáng lẽ, mẹ tôi từ chối, mẹ tôi lại nhận lời. Cô tôi không dám hỏi chuyện anh em tôi, dặn dò mẹ tôi rồi xin phép về ngay. Mẹ tôi cố mời cô tôi bớt chút thì giờ dùng bữa cơm đạm bạc. Cô tôi từ chối, nại cớ bên nhà bận rộn. Trước khi con đò nhổ sào đưa cô qua sông Đồng-đức, cô tôi còn nhẹ nhàng vẫy đôi tay thon nhỏ, nhắn nhủ anh em tôi:
- Ông bà mong các cháu đấy, cả các cô các chú nữa, sang nhé Hữu, Mai nhé!
2.
Tối hôm ấy, mẹ con tôi thức khuya sửa soạn mọi việc. Mẹ tôi đem mấy bộ quần áo mới nhất của anh em tôi, vuốt ve phẳng phiu rồi bắt anh em tôi mặc thử. May mắn cho tôi là bộ quần áo cắt năm ngoái mẹ tôi đã cẩn thận dặn bác phó may đo dài rộng để hòng lớn. Bởi vậy tôi mặc vừa vặn. Còn em Mai, bác Kỳ quên cắt phòng xa, thành thử, cái áo mỡ gà co lại. Em tôi lớn mau như thổi, mặc vào như bó lấy thân hình. Cái quần nái thâm thì ngắn cũn cỡn. Đã thế, mấy con dán khốn nạn lại cắn thêm vài lỗ nhỏ. Mẹ tôi bảo chả hề chi, đẹp chán. Em Mai buồn thiu, em biết mẹ nói dối. Tội nghiệp em tôi, thiệt thòi đủ thứ. Em phụng phịu hỏi mẹ:
- Mặc quần áo đẹp làm gì hở, mẹ?
- Về quê cha phải khăn áo chỉnh tề, ai cũng vậy.
- Nhưng quần áo của con chật thì sao?
- Chật đâu, hỏi anh con xem nào, vừa vặn ghê...
Bỗng nhiên, em tôi nói:
- Sao lúc trưa mẹ mắng anh em con là "chúng mày," mẹ xưng "tao" hở, mẹ?
Mẹ tôi à à rồi quay mặt đi. Lát sau, tôi thấy mẹ tôi đưa vạt áo lên thấm mắt. Tôi sợ em Mai khơi nỗi buồn khiến mẹ tôi đau khổ, nên nhanh miệng khen em:
- Áo của em vừa lắm, quần hơi ngắn một tí thôi. Ngắn đỡ mất công xăn, dài chỉ tổ vấp ngã chứ ăn thua gì.
Mẹ tôi nhân dịp đó nói thêm:
- Đấy, con xem, anh con nói có đúng không?
Em Mai cười toe toét:
- Thật hở, mẹ?
- Ừ.
Mai nhảy vào lòng mẹ tôi, nũng nịu. mẹ tôi ôm ấp em tôi, mắng yêu:
- Bố mày, khéo vòi vĩnh là...
Mai vờ mếu máo, lải nhải:
- Bắt đền mẹ đấy, gọi con là "mày" nữa.
Mẹ tôi cười dỗ dành em:
- Thôi đứng dậy rồi mẹ đền. Mẹ đền cái tát nhé!
- Ứ, ừ.
Em tôi ngoan ngoãn nghe lời mẹ. Và, trong khi mẹ tôi gấp quần áo của anh em tôi xong gối đầu giường thì tôi ngồi nghĩ đến chú Nghiêm. Tôi hằng ấp ủ ý định mai mốt học giỏi, tôi sẽ cho chú Nghiêm biết tay. Song tôi vẫn ngại mình còn bé, mai tôi về quê nội gặp chú. Tôi đã đọc mấy nhà văn tả quê nội. Sao mà tha thiết thơ mộng thế! Tôi sợ quê nội nhà tôi chẳng được như vậy, vì có túp lều bên khóm chuối tiêu, nơi ấy, mọi người đều rõ, một đêm vắng vẻ, tôi cất tiếng khóc chào đời.
Không, tôi không oán hận cái hình ảnh ấy. Chú Nghị an ủi tôi rằng: "Cháu sẽ nên người nhờ khóm chuối tiêu quê nội..." Nên cái hình ảnh tôi oán hận nhất là chú Nghiêm. Chú là đàn ông mà tâm hồn hẹp hòi hơn cả đàn bà. Mẹ tôi kể chú Nghiêm đỗ tú tài, lấy vợ thành thị. Chú Nghiêm làm việc ở Hà-nội, thiên hạ gọi chú là ông Phán. Chú khinh người ra mặt nhưng sợ vợ đến nỗi phải giấu giếm tiền nong mua quà bánh gửi về quê biếu cha mẹ. Chú chưa có con trai. Vợ chú đồng bóng, lễ bái, đàn chay, tốn khối công của mà trời vẫn làm ngơ. Tôi đoán chừng thế ông tôi mới cần đến mẹ con tôi. Giá chú Nghiêm có con trai thì dễ gì ông tôi đoái thương tới đứa cháu đích tôn bị ruồng bỏ. Tôi thấy tủi thân quá. Tôi hỏi mẹ tôi:
- Chú Nghiêm ác lắm hở, mẹ?
- Chắc chú đổi tính rồi. Có vợ con, phải khác chứ.
- Con sợ!
- Sợ gì?
- Sợ chú ấy hất hủi mẹ con mình.
Mẹ tôi nín thinh. Tôi hỏi tiếp:
-Tại sao ông lại gọi sang?
- Ông ốm nặng mà.
- Trước kia ông không ốm nặng à?
- Không.
- Hay đừng sang mẹ ạ!
- Con sợ gì?
- Con sợ mình mồ côi cha, thiếu cha thì hay bị người bắt nạt.
Mẹ tôi nhìn tôi, thương hại. Rồi mẹ im lặng tưởng nhớ cha tôi. Tôi nghĩ thế. Giây lát, mẹ tôi nói nhỏ cơ hồ không muốn ai nghe thấy, ngoài mẹ con tôi, tuy ở bến đò vào những đêm trở gió lạnh, vắng tanh vắng ngắt. - Mẹ đợi dịp này mười lăm năm rồi con ạ! Cha con hồi còn sống giận ông ghê lắm nhưng nhiều lúc cha con cũng mong được ông đoái thương. Mẹ chả muốn sang làm gì. Sang thì ăn vàng ăn bạc gì. Khốn nỗi, mẹ sợ nhỡ Trời Phật không thương mẹ con mình mà bắt mẹ chết thì các con bơ vơ. Nên mẹ đưa các con về, dẫu thế nào chăng nữa thì "giọt máu đào còn hơn ao nước lã."
Mẹ ngừng lại, suy nghĩ một lát, rồi nói tiếp:
- Mẹ con ta cứ sang thăm ông bà. Hễ sao, mình lại về bến đò bán hàng, mẹ con đùm bọc nhau, lo gì.
Em Mai tự nãy vẫn ngồi yên chăm chú nghe chuyện. Em khêu bấc đèn cho sáng thêm, đoạn em hỏi mẹ bằng giọng nói đầy lo lắng:
- Nhỡ ông nội bắt anh em con rồi đuổi mẹ đi, thì sao?
Mẹ tôi đưa tay níu em Mai, vuốt tóc em, âu yếm:
- Thì con ở với ông bà.
Mai ngúng nguẩy:
- Ứ ừ, con thèm vào.
- Hỗn con, ở với ông bà sung sướng hơn ở với mẹ.
- Nhưng con thích mẹ, con không thích sung sướng.
Mẹ tôi trêu em:
- Không thích, ông cũng bắt sang. Mẹ nghèo, hết gạo nuôi con rồi.
Em Mai tưởng thật, òa lên khóc. Mẹ tôi lại vỗ về em:
- Nín đi con ngoan của mẹ, mẹ nói đùa mà, ai dám bắt con của mẹ. Mất con thì mẹ chết.
Mẹ tôi lau mắt cho Mai. Em ghì chặt thân hình mẹ như sợ người ta cướp mất mẹ. Em thỏ thẻ:
- Mẹ đừng để ông bắt con nhé, mẹ nhé!
- Ừ, vậy đi ngủ đi.
- Vâng ạ ...
Mẹ tôi dặn tôi:
- Mai sang ông, nhỡ chú Nghiêm mắng mỏ, con phải nín lặng nhá!
- Sao phải nín lặng hở, mẹ?
- Để chú nghĩ rằng con mồ côi không mất dậy.
Tôi chưa kịp trả lời. Mẹ tôi đứng dậy đi về phía bàn thờ cha tôi. Mẹ thắp hương, khấn vái thì thầm. Anh em tôi, phần cảm động, phần nhớ cha, ôm lấy nhau. Những con mắt non nớt rươm rướm lệ.
3.
Con đường đất nhỏ nhô lên, thụt xuống, từng khúc ngắn như những bậc thang. Hai bên, cỏ dại mọc xanh um, hoa hèn đua nhau nở. Sương mùa thu vương mắc long lanh khiến hoa đã hèn càng hèn, cỏ đã dại lại càng dại chẳng khác chi mấy cô gái xấu son phấn tô điểm dung nhan. Mặt trời chắc đêm qua thức khuya, hôm nay dậy muộn. Gió thổi mát rượi mang theo hương lúa thơm ngon.
Em Mai chừng đã mỏi chân, bước đi uể oải. Một tay giữ chặt quai nón cho gió khỏi tung, một tay em xách đôi guốc. Anh em tôi nói chuyện huyên thuyên để quên đường dài. Thọat đầu là truyện Quốc-văn Giáo-khoa Thư. Mai hỏi tôi:
- Anh có nhớ những bài trong sách Quốc-văn không?
- Nhớ như in.
- Anh nói khoác.
- Chả tin em đố anh mà xem.
- Thật hở?
- Ừ.
- Em đọc một câu, anh phải trả lời ở quyển nào tên bài là gì nhé?
- Đọc đi.
Không cần ngẫm nghĩ, Mai đọc:
- "Một đêm, nằm mãi không ngủ được, tôi lắng tai nghe."
- Bài Tiếng động ban đêm, lớp dự bị, vẽ hình người đàn ông nằm ngủ, tay vắt ngang trán, chân phải gác lên gối chân trái.
- Đúng. "Cơm nước xong xuôi, trời vừa tối..."
- "...Ngọn đèn treo ở giữa nhà." Bài Tối ở nhà, lớp dự bị, vẽ hình...
- Thôi đừng nói hình nữa. "Thằng Sửu thấy ở trên cành cây có một tổ chim chích chòe..."
- Bài Không nên phá tổ chim, lớp sơ đẳng.
Mai lè lưỡi ngạc nhiên:
- Anh giỏi ghê.
- Bây giờ anh đố em nhé?
- Vâng.
- Anh chắc em thua.
- Thì anh cứ đọc xem nào.
- "Ba, ra ngoài sân cầm cái rổ vào đây cho tao. - Con sợ lắm. - Sợ cái gì? - Trời tối lắm, con sợ ma!"
Tôi đọc xong, nhìn em, mỉm cười. Em tôi có vẻ suy nghĩ. Rồi em tôi nói bừa:
- Bài Phải bạo dạn, lớp sơ đẳng.
- Sai.
- Thế lớp dự bị.
- Cũng sai. Em thua mà.
- Chắc anh lấy ở sách khác.
- Ừ.
- Thảo nào, chứ hai lớp sơ đẳng với lớp dự bị, em thuộc lòng.
- Anh biết thế nên anh đố em bài trong quyển Luân lý Giáo khoa Thư.
Anh em tôi cười vang. Quãng đường ngắn dần lại. Mẹ tôi bảo, hết quãng đường này, qua nhịp cầu mong manh vắt vẻo ngang con ngòi là vào tới đất làng Trường-an. Tôi nóng lòng muốn biết quê hương, quên cả mỏi mệt. tâm hồn tôi mỗi lúc một trải rộng. Mẹ tôi cũng thế. Tôi thấy nét mặt mẹ hớn hở vui tươi.
Rồi qua nhịp cầu tre, mẹ con tôi không ai bảo ai mà tim đánh thình thịch, bước chân run rẩy. Mối cảm xúc dần lên cùng với nỗi lo âu hồi hộp. Em Mai đã xỏ guốc vào chân. Em ngây thơ hỏi vớ vẩn khiến tôi bớt sợ hãi.
- Anh ơi, ông nội mình có râu không nhỉ?
- Chắc có.
- Có, thì ông hiền.
- Sao em biết.
- Em thấy sách vẽ "Ông tôi" râu dài, tóc bạc, ông ngoại mình không có râu, lại đầu trọc, nên ông ác, anh ạ!
Câu nói ngộ nghĩnh ấy, lúc khác thì tôi đã ôm bụng cười. Nhưng, bây giờ, chân tôi đang in vết trên lối ngõ quê cha, tâm hồn tôi đang xao xuyến, tôi không thể cười được. Mẹ tôi bước nhanh, mẹ bỏ rơi anh em tôi một khúc đường. Rồi mẹ đợi chúng tôi tới. Mẹ tôi chỉ tay về phía túp lều trống không bên bờ ngói, nói rằng đây là nơi cha mẹ tôi đã gặp nhau. Đi thêm vài chục thước nữa, thì rẽ sang tay phải. Mẹ tôi bảo: ông ngoại bắt mẹ đánh đập và gọt đầu bôi vôi ở khúc rẽ này. Mẹ tôi nhắc từng mẩu dĩ vãng đau buồn. Từ căn nhà lụp sụp mà cha tôi gửi gấm mẹ tôi hồi mẹ tôi bụng mang dạ chửa đến cái ao tù mà mẹ tôi đã phải ngoi ngóp dưới nước vớt bèo, kiếm rong nuôi lợn suốt cả mùa đông lạnh lẽo. Mắt mẹ tôi chớp mau rươm rướm lệ.
Kỷ niệm xa xưa không còn mơ hồ nữa. Quê nhà tôi, ai biết đâu lại chở chất bao nhiêu tình thương yêu, bao nhiêu niềm mong nhớ, bao nhiêu nỗi u sầu. Tôi tưởng tượng mỗi khóm cây, mỗi lối mòn đều để dành cho anh em tôi những cảm tình thắm thiết. Và, hôm nay, tôi trở về thu lượm dần những mối tình thắm thiết rơi rụng sau mười lăm năm xa vắng. Anh em tôi rón rén nép sau mẹ, nghĩ ngợi mông lung. Mẹ tôi dặn dò:
- Nhớ lời mẹ dạy chưa, các con?
- Thưa mẹ nhớ rồi ạ!
- Sắp đến nhà ông, Hữu sửa lại quần áo đi.
- Vâng.
4.
Bây giờ anh em tôi bớt lo sợ. Nhưng sự uất ức đang nhóm lửa. Chú Nghiêm nhìn tôi chằm chằm. Chú hất hàm hỏi tôi:
- Mày học lớp mấy?
Mẹ tôi đưa mắt nhìn tôi, ngầm ý khuyên nhủ "hãy lễ phép." Tôi đưa mắt nhìn mẹ tôi, nhìn em tôi, nhìn tất cả đám người họ nội đang quây lấy mẹ con tôi như thử thách, như bắt nạt. Nước mắt tôi muốn tuôn ra. Tôi chợt nhớ lời chú Nghị khuyên tôi phải luôn luôn can đảm, nên tôi dằn lòng, nghiến răng chịu nhục. Thím Nghiêm hằn học nói:
- Nó câm à?
Cô tôi (ba bốn cô song tôi chỉ biết mặt cô sang nhà tôi hôm trước) đỡ lời:
- Cháu nó nhát.
Cô tới gần tôi vỗ về:
- Cháu trả lời chú đi, cháu học lớp mấy?
Tôi ức quá, nói với cô tôi:
- Cháu không nhát. Mẹ cháu nghèo, cháu không đi học, nhưng mẹ cháu không gọi cháu là mày. Ai gọi cháu là mày, cháu không trả lời.
Chú Nghiêm ghét tôi, chẳng thèm hỏi nữa. Còn thím Nghiêm bĩu môi, mỉa mai:
- Mẹ con mày tưởng giỏi lắm đấy.
Tôi cãi lại:
- Cháu không giỏi nhưng cháu không mất dạy. Cháu mất dạy đã có mẹ cháu, cháu không thèm nhờ ai.
Mẹ tôi chắc giận tôi. Mẹ ngồi im lặng. Bà tôi kéo mẹ tôi xuống bếp nói chuyện gì không biết mà bà tôi và mẹ tôi khóc nức nở. Các cô tôi săn đón em Mai. Cô nào cũng nhận em tôi giống mình. Tôi bỏ rơi hiện tại để thăm quá khứ, bỗng tôi nghi ngờ tất cả. Giả dối hết. Mẹ con tôi chưa được thăm ông tôi. Điều đó tôi nghĩ chả cần vì, sự thực, cho tới lúc này, tôi đã thương ai ở bên nội đâu, trừ chú Nghị.
Tôi lén ra vườn sau nhưng không thấy túp lều mà chỉ thấy dăm bảy khóm chuối tiêu, trái đang chờ chín. Một nỗi buồn thoáng lọt trong tâm tưởng tôi. Tôi trở vào đúng lúc các cô tôi tìm tôi bảo là ông tôi vừa tỉnh giấc.
Các cô đưa tôi lên nhà trên. Ở đây đã tụ họp nhiều người. Mẹ tôi ngồi bên bà tôi. Em Mai chạy sang phía tôi. Bao nhiêu con mắt cùng đổ dồn vào một ông già đang thiêm thiếp ngủ trên giường nệm trải vải trắng toát. Ông tôi đấy. Qua bức màn lan tiêu, anh em tôi thấy ông tôi tóc bạc râu dài. Em Mai bấm tay tôi đưa mắt hỏi han. Tôi cúi thấp xuống. Em ghé miệng gần tai tôi thì thầm:
- Ông có râu dài.
Tôi nhăn mặt, bấm tay em, ra hiệu im mồm. Nhưng em tưởng tôi ăn ý nên kiểng chân lên nói tiếp:
- Tóc ông bạc, anh ạ!
Ngay lúc đó, ông tôi cựa mình và đôi mắt chơm chớp rồi mở to dần dần. Bà tôi đi lại chỗ ông nằm, chỉ tay về phía anh em tôi. Bà nói thong thả từng tiếng một:
- Hai cháu ông kia kìa...
Anh em tôi đứng ngây. Tôi nhớ rằng tôi có ông bà, song dường như hai tiếng thiêng liêng ấy đã bỏ anh em tôi chuỗi thời gian xa xôi quá nên giờ đây tôi chưa cảm thấy gì. Ông tôi khó nhọc nghiêng mình, nhìn anh em tôi. Ông tôi vừa thở vừa nói đứt khúc, mỏi mệt:
- Mẹ... chúng... nó... đâu...
Mẹ tôi không dám đứng dậy, mẹ lết người tới. Ông tôi đặt tay lên đầu mẹ tôi, ông nói:
- Con... dâu... tôi...
Mẹ tôi chỉ kịp nghe tới đấy đã vội òa khóc. Mười mấy năm rồi, mẹ tôi chờ đợi ngày hôm nay, ngày đứa con gái bỏ nhà theo giai được công nhận làm dâu họ Nguyễn.
Ông tôi bắt vén màn lên. Bà tôi đỡ mẹ tôi lui xa. Mẹ tôi khóc sướt mướt. Ông tôi nhìn anh em tôi bằng đôi mắt yếu đuối. Ông nâng cánh tay gầy đét, khẳng khiu một cách khó nhọc vẫy vẫy anh em tôi. Cô tôi giục tôi tới ông. Anh em tôi cứ đứng nhìn ông mãi, đến khi thấy hai dòng lệ ngắn ứa ra từ đôi mắt già nua của ông tôi thì tim tôi tự nhiên đập mạnh. Chỉ hai dòng lệ ngắn ấy cũng đủ rửa sạch mọi ý nghĩ hờn oán của anh em tôi suốt thời thơ ấu tối tăm dài đằng đẵng. Ông tôi bị bịnh xuyễn, ông muốn nói rất nhiều, rất nhiều với anh em tôi, nhưng đờm còn vướng ở cổ họng. Bộ mặt ông tôi lúc này thiểu não uất nghẹn. Cái thứ uất nghẹn của một người thèm nói mà không nói nên lời. Ông tôi cơ hồ cố thu góp hời thở thành tiếng, gọi anh em tôi:
- Cháu... cháu... đích tôn... của... ông...
Tiếng ông tôi thoang thoảng như một cung đàn gần đứt. Anh em tôi lắng nghe. Và nghe xong không đứa nào bảo đứa nào, nước mắt trào dâng, chạy xô lại ôm lấy ông tôi, nức nở. Tự nhiên, con đờm xuôi xuống, ông tôi khỏe mạnh lạ thường. Ông tôi vuốt ve anh em tôi. Ông tôi nhắc lại câu ban nãy:
- Cháu đích tôn của ông.
Tôi xoa ngực ông tôi, nói trong cơn thổn thức:
- Ông ơi...
Ông tôi khe khẽ gọi:
- Cháu ơi!
- Dạ.
Giọng ông tôi trở nên nghẹn ngào, trắc ẩn. Ông nắm chặt tay tôi:
- Cháu khổ sở nhiều, hả ?
- . . .
- Chẳng đứa nào ngó ngàng hai cháu của ông, hả ?
- . . .
- Không ai đền bù cho các cháu được đâu.
Nước mắt anh em tôi rơi rụng trên mình ông tôi thấm qua hai lần áo dầy, ươn ướt làn da nhăn nheo. Tôi nói:
- Ông đền bù chúng cháu rồi.
Em Mai vuốt râu ông, thủ thỉ:
- Ông khỏe ông kể chuyện cổ tích cho anh em cháu nghe, ông nhé?
Ông tôi nhếch miệng cười. Ông gọi chú Nghiêm dặn dò, rồi đuổi mọi người ra, trừ anh em tôi. Chúng tôi trèo lên giường, mỗi đứa nằm một bên ông, cố thu về hơi ấm mất mát từ lâu. Ông tôi ôm ấp anh em tôi. Chúng tôi nằm im, mặc cho tình thương len lỏi mạch máu, vào thớ thịt. Hơn nửa tiếng sau, tôi không nghe thấy hơi thở của ông tôi nữa. Chả biết khi con đờm vít kín cổ họng, ông tôi có đau đớn không. Chắc ông tôi chết trong nỗi niềm sung sướng. Tôi mới tin rằng ông tôi đã đền bù cho anh em tôi nụ cười cuối cùng trước khi sang bên kia thế giới.
5.
Buổi chiều ở quê nội nhà tôi lung linh màu sắc. Anh em tôi tha thẩn ngoài ngõ nhìn nắng vàng rớt rơi trên nội cỏ ngàn cây. Nắng chiều mong manh thật. Bừng sáng rực rỡ rồi tắt đi vội vàng. Mẹ tôi thường hay nói:
- Nắng cứ sắp tắt thì lóe lên đẹp đẹp là...
Hôm nay trông rõ nắng sắp tắt, tôi chợt hiểu tại sao mẹ tôi mong đợi ngày về quê nội. Lòng tôi xốn xang, tôi cất tiếng hát đuổi theo bóng nắng đang lướt nhẹ bên bờ giậu: "Quê nhà tôi chiều khi nắng êm đềm chạy dài trên khóm cây, đàn chim ríu rít ca..." Em tôi hòa điệu: "Bao người ra ngồi hay đứng bên thềm, chuyện trò vui với nhau, đời sống thần tiên..."
Bài hát này tôi học năm tôi bảy tuổi. Bây giờ hát lên, tôi mới thấy thấm thía.
1962
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top