Mật Mã Maya - Tập 1 - Phần 1
VH-PROJECT (VH-P) xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc ebook Mật Mã Maya của tác giả Brian D’Amato
Nguyên tác IN THE COURTS OF THE SUN
Brian D’Amato
Ebook được thực hiện bởi các thành viên của VH-P và TVE
Chụp ảnh – tạo bìa - chỉnh sửa hình ảnh: Yew
Chế bản PRC và PDF: Chút
Sửa lỗi chính tả - chỉnh sửa bản word: apple-socola, may&nui, phượng xồ, giangcoi163
Đánh máy: jik2040, nph268, to_you, lananha1, jella, hongleo, phượng xồ, tinh251993, Smilehd, hanhung3012, ndviet, svcntnk42a1, nguyen_ly, iamvltt2, minh_trang, Iris, doushite, greengrass2709, tulipden112, TT8571, hakhanhbk2010, Ella_mEn, Ddeath, mainame, rouge2011, o0tinhtritam0o, hoangha2192, SmallEgg, Mr.Cent, winki, phamdung90, Chinh phục ™, to_you, rkj, MatTo89, thuanga, kdungrau, ghostgirl_12606, bluesky29, Tyty1803, Nerissa, thuy_trang89, Vanessa1811
Ngày hoàn thành: 09/09/2010
Nguồn: vhproject.hnsv.com
Thông tin sách: MẬT MÃ MAYA
Tên sách: Mật Mã Maya
Nguyên tác: In The Courts Of The Sun
Tác giả: Brian D’Amato
Dịch giả: Phong Diệp
Nhà xuất bản: Trẻ
Số trang: 836
Kích thước: 16x24cm
Ngày xuất bản: 2010
Trọng lượng: 1450 gram
Giá bìa: 179.000 VNĐ
Giới thiệu
“Mật mã Maya” tập hợp những phẩm chất làm nên một cuốn sách hay như sự ly kỳ liên quan đến ngày tận thế, phiêu lưu mạo hiểm ở quá khứ và hiện tại, nền văn minh ít người biết tới, sự lãng mạn.
Jed Delanda là hậu duệ người Maya sinh tại Guatemala, có tài năng thiên bẩm về toán học. Khi còn nhỏ, Jed đã được người mẹ truyền dạy một trò chơi của người Maya: cờ Hiến tế. Đây là cách đặc biệt sử dụng linh tính để dự đoán các sự việc sẽ diễn ra, hay nói cách khác là một kiểu tiên tri.
Sau khi đến Utah làm con nuôi trong một gia đình người Mỹ theo đạo Mormon, anh ta được phát hiện là có năng khiếu thiên tài về lịch học; cùng với những hiểu biết về cờ Hiến tế, anh ta đã thu hút được sự chú ý của giáo sư Taro Hyaku, chuyên gia về lý thuyết trò chơi. Sau một chuyện hiểu nhầm, Jed đã ngừng cộng tác nghiên cứu với Taro, quay sang dùng cờ Hiến tế để đầu tư chứng khoán và vớ được những món hời lớn tới hàng triệu USD.
Cuộc đời Jed rẽ sang một hướng mới khi anh ta được biết nhóm nghiên cứu của Taro đã giải mã được một cuốn sách cổ của người Maya mà chính anh ta cũng rất muốn xem. Anh ta liên lạc lại với vị giáo sư (lúc này đang làm việc cho tập đoànWarren) và được biết họ đang lập trình cho Leon- một chiếc máy tính để nó có thể chơi cờ Hiến tế.
Taro giới thiệu Jed với “sếp lớn” là MarenaPark, một phụ nữ thông minh và đầy bí ẩn. Tại đây, Jed đã chơi cùng Leon và hé lộ tài dự đoán của anh ta về thảm họa sắp xảy ra tại một nơi được coi là biểu tượng của nước Mỹ. Sau sự kiện đó, Jed gia nhập dự án nghiên cứu của tập đoàn Warren để tìm hiểu và ngăn chặn thảm họa sẽ xảy đến vào ngày 21/12 theo lời tiên đoán của người Maya cổ.
Jed được chọn làm người tình nguyện trở về quá khứ để học cách chơi cờ Hiến tế đỉnh cao và gửi những gì học được về hiện tại. Cuộc hành trình trở về quá khứ của anh ta được các nhà khoa học tiến hành dưới hình thức sao chép ký ức và gửi đến bộ óc của một người Maya cổ sống vào năm 664 sau công nguyên. Theo kế hoạch, ký ức của Jed sẽ được chuyển vào bộ não của một vị vua đang trị vì vào năm 664 CE.
Nhưng mọi việc không như dự tính, thay vì trở thành vua, một sự nhầm lẫn lớn đã biến Jed trở thành Chacal - một người hiến tế mạng sống của mình bất đắc dĩ. Điều này dẫn tới tình cảnh anh ta phải chia sẻ ý thức với Chacal và dấn thân vào nhiều cuộc phiêu lưu đầy nguy hiểm.
Đến phần kết của cuốn sách, nhân vật chính Jed đã biết mình phải làm gì. Nhưng liệu anh ta có làm điều đó thật hay không?
Lời khen tặng
D’Amato đã viết nên một câu chuyện phiêu lưu tuyệt vời với nhiều chi tiết thú vị về nền văn hóa Maya. Nếu bạn từng ao ước được quay trở về thời đại của người Maya thì đây chính là cơ hội… - The Agony Column, 24 tháng 2 năm 2009.
“Mật mã Maya” là một trong những cuốn sách gây bất ngờ nhất năm 2009 về cả chất lượng lẫn tính giải trí và nó vượt hẳn lên trên những cuốn tiểu thuyết ly kỳ về những vấn đề bí ẩn khác. – Fantasy Book Critic, 15 tháng 4 năm 2009.
“Mật mã Maya” là tác phẩm độc đáo và vô cùng thú vị, một cuốn tiểu thuyết có tính sáng tạo phi thường khiến người đọc bị cuốn theo không ngừng. Với bàn tay điêu luyện của một người kể chuyện bậc thầy, D’Amato kết hợp lịch sử Maya, khoa học hiện đại, lý thuyết trò chơi và lời dự đóan về ngày tận thế của người Maya để dệt nên một câu chuyện hết sức ly kỳ. – Douglas Preston, tác giả cuốn sách The Codex và The Monster of Florence.
Một tác phẩm nổi bật, xuất sắc, độc nhất vô nhị. Đồ sộ về tầm vóc, tính sáng tạo, tham vọng và sự hiểu biết. Tóm gọn trong một từ: Tuyệt vời. Hoặc: Sáng chói. Hoặc thành hai từ: Tuyệt vời và sáng chói. – Raymond Khoury, tác giả cuốn sách The Last Templar và The Sanctuary.
“Độc giả hâm mộ Michael Crichton sẽ chào đón cuốn tỉeu thuyết ly kỳ này. Các chi tiết liên quan đến văn hóa và lịch sử thuyết phục không kém gì sách về người Aztec của Simon Levack” – Publishers Weekly.
PHẦN ZERO
0
Tôi nhìn thấy là một chấm màu đỏ trên nền xanh lơ. Rồi một chấm nữa xuất hiện phía trên, lệch về bên trái, chấm thứ ba hiện ra ngay sát dưới chấm thứ hai, và một chấm nữa, một chấm nữa, năm, rồi chín, rồi mười ba. Những chấm đỏ lớn dần lên và loang ra, khi gặp nhau, chúng hòa vào làm một, chảy thành dòng, và tôi nhận ra đó chính là máu từ lưỡi tôi nhỏ xuống tờ giấy tế lễ màu xanh.
Quỷ thần ơi, - tôi thầm nghĩ, - nó có tác dụng thật.
Bây giờ không còn là năm 2012 nữa. Mà là năm 664. Ngày 20 tháng 3 năm 664 Công nguyên theo Tây lịch. Hay theo cách tính của người Maya, hôm nay là ngày Rắn đất 3, ếch mưa 5 củauinal (Cách tính thời gian của người Maya, 1 uinal có 20 ngày) 11, tun (1 tun gồm 360 ngày) 11, k’atun (1 k’atun gồm 7.200 ngày, tương ứng với gần 20 năm theo Tây lịch) 11,b’ak’tun (1 b’ak’tun gồm 144.000 ngày, tương ứng với 394.52 năm theo Tây lịch) 10. Lúc này khoảng 4 giờ 48 phút sáng. Chủ nhật.
Hừm.
Tôi có cảm tưởng việc này cũng giống như một biến cố lớn nào đó xảy ra trong đời mà người ta chỉ có thể nhận biết sau khi đã đờ người ra một lúc lâu, kiểu như: “Chúa ơi, mình bị bắt thật!”, hay “Chúa ơi, mình vừa bị đâm một nhát!”, hay “Chúa ơi, mình lấy vợ thật rồi!”, hay “Chúa ơi, mình có con rồi!”, hay “Chúa ơi, mình bị chơi khăm đến ba lần!”, hay “Chúa ơi, tòa nhà kia đang sập thật kìa!”, và mỗi lần như vậy, người ta đều có cảm giác rằng chưa từng có chuyện gì nghiêm trọng đến thế xảy ra với mình. Hijo de pita (Chết tiệt! – tiếng Tây Ban Nha)! Tôi ngước lên và nheo mắt nhìn qua ô cửa hình thang nhỏ xíu. Bầu trời đã phớt màu tím xanh nhưng không hiểu sao tôi vẫn nhìn thấy rất nhiều sao, nhiều chưa từng thấy, độ sáng và độ phân tán của những ngôi sao đã giảm xuống cấp thứ tư (Mức độ sáng của các ngôi sao được những người Hy Lạp cổ đại chia thành 6 cấp, cấp sáng nhất là cấp 1). Chúng đã di chuyển vị trí, dĩ nhiên, nhưng Taro đã tính toán dung lượng tải xuống trên máy tính sao cho đầu điếu xì gà của Mèo Rừng 1, tương ứng với vị trí của ngôi sao Algenib thuộc chỏm Thiên Mã, vẫn nằm ở vị trí gần như lúc trước trong ô hình thang, ngay bên phải trung điểm. Có một ngôi sao lạ nằm bên trái nó và bên phải ngôi Homam (Tên gọi cổ xưa của ngôi Zeta Pegasi thuộc chỏm Thiên Mã), nó sáng đến mức có thể sánh ngang với ngôi Gamma Andromedi (Ngôi sao sáng thứ ba trong chòm Tiên Nữ). Ngôi sao đó ắt hẳn sẽ tắt khoảng một trăm năm gì đó sau thời điểm này, bằng không nó đã được al-Khawarzimi (al-Khawarzimi: Nhà thiên văn học người Ba Tư(khoảng 780 – 850)đặt tên.
Không thể tin được, - tôi nghĩ, - họ làm được điều đó thật. Vẫn cùng vị trí đó, chỉ có thời gian là khác đi.
Tôi không hẳn vẫn ở nguyên vị trí trong vũ trụ, đương nhiên, mà điều đó cũng chẳng có gì quan trọng. Hệ mặt trời đã dịch chuyển rất nhiều trong 1347 năm. Nhưng tôi vẫn đứng ở nguyên vị trí cũ trên trái đất. Tôi vẫn đứng trong căn phòng nhỏ sát đỉnh kim tự tháp cao nhất của thành Ix mà trong tương lai chính là tỉnh Alta Verapaz thuộc miền trung Guatemala. Nhưng vào lúc này, căn điện thờ đang nhuốm một màu vàng cam bởi ánh sáng sáng từ những ngọn đuốc; những chuỗi chạm trổ hình bọ cạp trên tường nhẵn bóng, không hề tróc lở, với nhiều màu sắc pha trộn: đen, xanh lam và đỏ son. Và thành phố này đang sống. Tôi có thể nghe thấy tiếng của đám đông bên ngoài, hay nói đúng hơn, qua bức tường đá tôi có thể cảm nhận được những tiếng cầu nguyện rầm lầm của họ. Tôi cho rằng vị trí trong không gian của tôi không thay đổi, nhưng tôi đã…
Hừm. Tôi suýt định nói rằng tôi đã được đưa về quá khứ. Nhưng tôi không muốn bắt đầu câu chuyện theo cách đơn giản hóa đi như thế.
Vấn đề nằm ở chỗ việc đi xuyên thời gian là không thể. Tôi muốn nói đến việc đi ngược về quá khứ. Nếu muốn đến tương lai một cách chóng vánh hơn, anh chỉ việc tự đóng băng mình (Người ta cho rằng có thể đưa một người đến tương lai bằng cách đóng băng, hay nói cách khác là làm đông lạnh anh ta. Rồi vào một thời điểm nào đó, rất lâu sau, khi khoa học tiến bộ hơn, người đó sẽ được rã đông, sống lại và như thế là anh ta đã đến tương lai). Nhưng đi về chiều ngược lại là không thể, chắc chắn không bao giờ làm được vì những lý do hiển nhiên ai cũng biết. Đầu tiên là thuyết nghịch lý “Ông nội” (Học thuyết do tiểu thuyết gia viễn tưởng Rene Barjuvel đề xuất năm 1943), nghĩa là anh có thể trở lại quá khứ, giết ông nội mình và ắt sẽ không bao giờ có mặt trên đời để thực hiện hành vi lúc đầu. Thứ hai là cho dù anh không làm gì lúc ở quá khứ đi chăng nữa, thì cũng xảy ra mâu thuẫn là trong cơ thể anh sẽ tồn tại những phân tử đã tồn tại trong chính anh ở quá khứ, hoặc những phân tử đó phải di chuyển trong không gian và tái hợp thành cơ thể anh. Như vậy, các phân tử đó sẽ phải ở hai nơi cùng một lúc. Mà điều đó thì không thể xảy ra. Lý do thứ ba là vấn đề cơ học đơn thuần. Cách duy nhất để về quá khứ mà ai cũng từng nghe là hành trình hố giun(Hố giun: Đây là một khái niệm trong vật lý, “hố giun” là một không-thời gian tạo nên đường đi tắt trong không gian và thời gian) nổi tiếng qua một lỗ hổng hoàn toàn trống rỗng. Nhưng đưa vật chất qua lỗ hổng này chẳng khác gì đút một cái bìnhMeissen(Bình Meissen: Một loại bình gốm ở châu Âu) qua máy cắt mì sợi. Mọi thứ đi qua nó và ra ở đầu kia đều bị nghiền vụn, nát tung và chẳng được tích sự gì nữa.
Thế nhưng… thế nhưng… thế nhưng… vẫn còn một cách khác.
Sự nhìn xa trông rộng của những người ở phòng thí nghiệmWarren là ở chỗ họ biết nếu không đưa được vật chất về quá khứ thì điều đó không có nghĩa là mọi khả năng khác đều bị loại bỏ. Nếu anh không đưa được gì, thì anh có thể đưa “không gì cả”. “Không gì cả” ở đây bao gồm cả sóng điện từ. Họ đã phát triển một phương thức để đưa các chùm năng lượng qua một ống Krasnikov (Ống Krasnikov: Là một đường đi xuyên không – thời gian được giả định tạo thành bằng cách uốn cong không – thời gian, từ đó tạo ra các con đường siêu quang) nhân tạo. Họ tính toán rằng hành trình của các chùm năng lượng có thể truyền đi một số thông tin. Và quả đúng thế, nó đã truyền được rất nhiều thông tin. Trong tín hiệu họ chuyển về quá khứ có mã hóa toàn bộ ký ức đã được cô đọng lại, chính là tất cả những gì tạo thành một ảo giác mà người ta gọi là nhận thức về bản thân. Mà trong trường hợp này chính là tôi.
Vấn đề tiếp theo đương nhiên là phải có ai đó hay thứ gì đó nhận và lưu trữ ký ức ấy ở đầu bên kia. Nhưng ở thời đại chúng tôi cần quay về lại chưa có bất cứ thứ gì kiểu như chảo ra-đa, ổ đĩa, chíp silicôn, ăng ten thu phát tín hiệu hay radio tinh thể. Vào khoảng năm 664, chỉ có một thứ duy nhất có thể nhận và lưu giữ nhiều thông tin đến thế. Một bộ não.
Tôi bắt đầu cử động được con ngươi. Tôi bắt đầu nhận thấy tay phải đang nắm một sợi thừng gai của mình mới to lớn, rắn chắc làm sao và chỗ lòng bàn tay sát cổ tay chai sần ghê tởm đến mức nào. Những cái móng dài, sắc, nạm đá đỏ hình chữ T, những ngón tay xăm trổ nhiều vằn dài màu đỏ và đen nom như hình rắn san hô. Một vòng xuyến xếp vảy màu ngọc bích quấn từ cổ tay lên tới gần khuỷu. Cũng giống như một phần của bộ ngực trần mà tôi có thể nhìn thấy, đầu gối trái nổi chai sần của tôi trát đầy một thứ đất sét màu xanh lam sáng.
Điểm đầu tiên cho nhóm Thứ Sáu Kỳ Quặc – tôi nghĩ. Tôi đang thực sự sống trong cơ thể một người khác. Chính xác thì tôi đang ở trong bộ óc của một người có cái tên Chim Ruồi Có Nanh 9.
Chúng tôi – tức là những người tham gia dự án Warren – có biết đôi chút về ông ta. Ông ta là tù trưởng của thị tộc Mèo Rừng, là ahau, tức là vua, hay chúa tể, hay chiến binh đứng đầu của thành Ix và gần hai ngàn đô thị, thôn làng khác quanh Ix. Ông ta là con trai của vị ahau thứ mười hai, người được gọi là Rừng Cháy 22, và hoàng hậu Tiếng Gió Lốc. Hôm nay, ông ta tròn 48 tuổi 6 ngày. Ông ta đang ngồi đó, nhịn ăn đã bốn mươi hai giờ liền. Và ông ta đang chuẩn bị đứng lên, vào đúng phút rạng đông để nhận ngôi vị ahau lần thứ hai, sau hai mươi năm trị vì lần thứ nhất.
Cách đầu gối trái tôi khoảng năm inch (1 inch = 2.54 cm)về hướng bắc có một chảo than hồng. Một cách vô thức, tôi bóc tờ giấy hình chữ nhật thấm đầy máu khỏi chiếc chiếu sậy, giơ nó lên trên chảo than nóng. Ánh sáng của đám than hồng hắt le lói qua tờ giấy một lúc lâu và tôi có thể nom thấy những hình vẽ trang trí ở mặt bên kia, thấy dòng chữ “hãy trông nom, che chở chúng con”, và cuối cùng là thấy hình vẽ nhìn nghiêng của một con đại bàng.
Chính xác hơn đó là con yêu quái đại bàng Harpy.Thrasyaetus harpyia (Con yêu quái được thể hiện bằng hình ảnh một phụ nữ mình người cánh chim). Trong tiếng Tây Ban Nha, nó được gọi là arpion, còn trong ngôn ngữ của người Maya, nó được gọi là hunk’uk, tức “kẻ đào vàng”. Những người Aztec(Aztec: Một bộ tộc da đỏ cư trú ở miền Trung Mexico) thì gọi nó là “sói có cánh”. Đó là biểu tượng của một thị tộc, thị tộc của tôi, tức thị tộc của người mà tôi đang nắm quyền điều khiển bộ óc. Tờ giấy đó chính là một bức thư, là lời thỉnh cầu mà thị tộc tôi muốn gửi tới Mèo Rừng 1 đang ngự trên đỉnh bầu trời. Một cách vô thức, tôi gập tờ giấy dính nham nháp đó thành một khối hình tam giác – đó là một chuỗi thao tác phức tạp, giống như thao tác xếp hình một con sếu origami (Nghệ thuật xếp giấy của người Nhật Bản), mà tôi, hay đúng hơn là người chủ cũ của thân xác tôi, hẳn đã thực hành hàng trăm lượt – và đặt nó vào chảo than. Tờ giấy chắc đã được ngâm tẩm một thứ muối đồng nào đó vì nó kêu xèo xèo và bốc lên ngọn lửa màu xanh lá cây.
Lưỡi tôi giật giật. Tôi rụt nó lại… không, chờ đã. Tôi rụt lại… Hừ.
Chẳng có gì xảy ra sất.
Tôi ra sức nuốt vào để cố ngậm miệng lại. Mặt tôi cứ như thể bị đóng băng vậy. Không có một chuyển động nào.
M’AX ECHE? – Tôi nghĩ trong đầu bằng tiếng Ch’olan Mayan, - Ngươi là ai? (Ch’olan Mayan: Phiên bản tiếng Maya hiện đại được những người Ix và một số dân tộc Maya khác sử dụng ở thế kỉ 21)
Không, khoan đã.
Đó không phải ý nghĩ của tôi. Đó là tiếng của một ai đó khác.
Có vẻ như tôi đã nghe thấy một giọng nói, nhưng tôi biết thực ra tôi không nghe thấy gì cả ngoài tiếng lao xao của đám đông trên quảng trường bên dưới và âm thanh trầm trầm, đùng đục của những chiếc trống hở làm từ thân cây tuyết tùng đang vang lên dai dẳng theo nhịp 5/4 kỳ dị. Có lẽ sẽ đúng hơn nếu diễn tả là tôi có cảm giác như đã đọc câu nói đó từ một hàng tít chạy ngang trước mắt. Và mặc dù nó không gây tiếng động, nhưng nó vẫn vang lên, hay chính xác hơn là gây ấn tượng như thể được viết bằng chữ hoa. Cứ như thể chính tôi đã nghĩ nó mà không nghĩ…
-M’ax eche?
Ôi, quỷ sứ ơi.
Không chỉ có mình tôi trong cái xác này.
Tôi chỉ có một mình trong căn phòng, nhưng trong bộ óc thì không.
Ôi, cái đồ chết toi!
Đáng ra bước đầu tiên trong kế hoạch Thứ Sáu Kỳ Quặc là phải tẩy sạch trí nhớ của đối tượng và để lại cho ý thức của tôi một tờ giấy trắng tinh mà hoạt động chứ. Nhưng rõ ràng là bước đầu của kế hoạch đã không đạt, hay chí ít là chưa đạt như mong muốn. Ông ta vẫn biết mình là mình.
- M’ax eche?
- Tôi là Jed Delanda. – Tôi đáp trong ý nghĩ.
- B’A’AX UKA’AJ CHOK B’OLECH TEN? Đại khái là: “SAO NGƯƠI KHỐNG CHẾ TA?”
- Tôi không khống chế ông, - tôi nghĩ trong đầu, - chỉ là, tôi đang ở trong… ý tôi là… ý thức của tôi đang ở trong ông, bởi vì họ đã gửi tôi đến ông…
- T’ECHE HUN BALAMAC? (NGƯỜI LÀ MÈO RỪNG 1 Ư?)
- Không. – Tôi đáp, quá vội vã. – ý tôi là…
Mẹ kiếp. Ngu thật.
Nào, Jed – tôi nghĩ, - như Winston đã nói, nếu ai đó hỏi mày có phải là Chúa trời không, hãy trả lời: “đúng thế”. Mày hiểu chứ? Hiểu rồi.
Bắt đầu thôi.
- Đúng thế? – Tôi trả lời ông ta trong đầu, một cách có chủ ý hơn. – Ta là Mèo Rừng Ocetarian. Ta là Mèo Rừng vĩ đại đầy quyền lực…
- MA-I’IJ TEC. (KHÔNG, KHÔNG PHẢI VẬY)
- Không, không phải, - tôi nghĩ, - tôi… ôi, demonio. – Lừa tay này quả không dễ. Cũng chẳng có gì lạ. Ông ta nghe thấy mọi ý nghĩ của tôi. Và mặc dù ông ta chỉ biết tiếng Ch’olan còn tôi thì nói lẫn lộn cả tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ch’olan nhưng chúng tôi vẫn hoàn toàn hiểu nhau. Thực sự việc này giống như đang tranh cãi với chính mình hơn là đang nói chuyện với người khác, kiểu như: “Jed, mày nên làm thế này” và “không, Jed, mày nên làm thế kia”, chỉ có điều khác là trong cuộc đối thoại thầm này, một bên thì tự chủ và điềm tĩnh hơn, còn bên kia, tức là tôi, thì đang gặp rắc rối trong việc tập hợp ý nghĩ của mình.
- VÌ SAO NGƯƠI ÁM VÀO TA?
- Vì sao à? – Tôi đáp, hay nghĩ trong đầu thì đúng hơn. – Tôi đến để tìm hiểu về cờ Hiến tế. Đó là sự thật.
- Vì sao?
- À, bởi vì… bởi vì tôi đến từ những ngày cuối cùng của thế giới, từ baktun thứ mười ba. Thế giới của tôi đang gặp tai họa rất, rất lớn nên chúng tôi cần tìm hiểu trò chơi để xem có thể cứu vãn nó hay không.
- HÃY CÚT ĐI, - Ông ta nghĩ.
- Tôi không thể.
- CÚT ĐI.
- Xin lỗi, tôi thực sự, thực sự không thể. Ông là người…
- IM 0T’ XEN. (CÚT RA KHỎI BỘ DA CỦA TA)
- Tôi không làm được. – Tôi trả lời trong ý nghĩ. – Nhưng ông hãy nghe này, thế này có được không, tôi có thể…
- THẾ THÌ GIẤU MÌNH ĐI. – Ông ta nói. – NÍN ĐI, YÊN ĐI, ĐỪNG NÓI GÌ HẾT.
Tôi ngậm miệng lại. Tôi có cảm giác không lành.
Bàn tay tôi đưa lên cái miệng đang há ngoác và nắm lấy một sợi thừng gai, chính xác là một sợi dây đầy gai nhọn, được xâu qua một lỗ hổng ngay chính giữa lưỡi tôi. Tôi giật mạnh. Năm nút gai kéo đánh soạt một phát qua cái lỗ làm máu tóe ra trước khi sợ dây tuột xuống.
Hừ, đau đấy, - tôi lơ mơ tự nhủ.
Thực ra đau như thế đủ làm cái thân xác cũ của tôi kêu gào cả tiếng đồng hồ, nhưng bây giờ tôi thậm chí còn chẳng quằn quại. Kỳ quặc hơn, tôi cũng không có cảm giác sợ hãi, cái cảm giác sợ bị chảy máu cố hữu của một người mắc chứng máu khó đông mà tôi không bao giờ tránh được khi còn là Jed. Tôi cuộn sợi dây lại thành cuộn tròn một cách máy móc như người phi công sau khi nhảy dù cuộn tấm dù lại vậy. Nó thâm đen và xoắn lại. Máu cháy khiến căn phòng sực mùi khói đồng.
Tôi nuốt một cục đờm máu lớn. Ngon. Tiếng cầu nguyện lầm rầm bên ngoài to hơn lúc trước và tôi chợt nhận ra tôi đã nghe được rõ các từ, và mặc dù tiếng Ch’olan thời này có khác so với tiếng được cải biên ở thế kỉ 21 của chúng ta, nhưng tôi vẫn hiểu:
“Uuk ahau K’alomte yaxoc…
Hỡi chúa trời, tổ tiên,
Hỡi ông bà
Hỡi Mặt trời cao quý, hỡi Mèo Rừng cao quý
Người chiến thắng 25 kẻ thù ở Hồ Ba Núi
Người chiến thắng 1000 tên giết người ở Vũng Trời Mấp Mô…”
Chúng tôi duỗi thẳng chân ra. Tay chúng tôi vuốt phẳng lại chiếc khăn đội đầu – sờ vào nó có cảm giác như sờ vào một cái gối phồng cứng, được trang trí bằng những túm lông mèo – nhưng không lau máu trên mặt đi.
“Người chiến thắng 17 cơn bão cát ở Núi Cháy,
Người bảo vệ, người coi sóc chúng con
Chim Ruồi Có Nanh 9 cao quý
Khi nào người sẽ hiện ra
Từ hang đá trên cao
Để nhìn chúng con, để nghe chúng con cầu khẩn?”
Chúng tôi trườn đến ô cửa nhỏ, cúi đầu và nhoài người ra ngoài khoảng không. Một sự im lặng đột ngột bao trùm lấy đám đông trên quảng trường và rồi những tiếng thở dồn dập lại cùng một lúc bật ra từ nhiều buồng phổi đến mức tôi cảm thấy áp suất trong không khí dường như đột ngột nhẹ đi. Chúng tôi đứng lên. Chiếc vòng xếp vảy màu ngọc bích và những chuỗi hạt hình vỏ hàu chơm chởm va vào nhau kêu lanh canh khắp người chúng tôi. Dường như chút máu còn lại trong người đã cạn ráo khỏi đầu, và tôi đoán rằng vào những lúc bình thường thì ngay cả cơ thể này chắc cũng đã chết ngất, nhưng giờ đây, một loại hoóc-môn hưng phấn nào đó đã giúp ông ta tỉnh táo, và chúng tôi thậm chí không hề loạng choạng trên đôi dép cao gần như chiếc cà kheo với cái đế dày ít nhất tám inch. Tôi cảm thấy thân hình tôi nhỏ bé hơn Jed. Nhẹ nhõm hơn, khỏe khoắn hơn. Tôi hoàn toàn không có cảm giác của cái tuổi 48. Tôi cảm giác mới chỉ 16. Lạ thật. Tôi nhìn lên. Ix trải rộng bên dưới chúng tôi và bao trùm toàn bộ thế giới.
Cặp mắt chúng tôi chỉ bị hút vào nó chừng hai giây rưỡi trước khi ngước lên nhìn ngôi sao Algenib. Nhưng chừng ấy thời gian cũng đủ để tôi nhận ra một điều rằng không ai trong số chúng ta ở năm 2012 – và trong vòng cả năm thế kỷ trở về trước – có được chút khái niệm chính xác về bộ mặt của nơi này trong quá khứ.
Còn hơn cả nhầm lẫn, - tôi nghĩ, - chúng ta thật ngu ngốc. Chuyện này cũng giống như chúng ta đi qua một sa mạc và tìm thấy năm khúc xương trắng từ năm 206 hoặc những thứ xương xẩu gì đó tương tự giúp chúng ta hình dung được bản phác họa ban đầu. Nhưng thay vì chỉ tìm hiểu tuổi tác, giới tính, gen di truyền của kẻ đã chết, hay bất cứ điều gì khác mà người ta có thể suy diễn một cách hợp lý từ mấy cái xương sống và xương sườn rồi dừng lại ở đó thì chúng ta lại vẽ vời ra cả một kịch bản về cuộc đời cô ta, nào trang phục, nào sở thích, nào tên tuổi những đứa con và những thứ đại loại như thế, và rồi chúng ta tiếp tục viết ra cả một cuốn tiểu sử chi tiết với những biểu đồ hình khối tròn xám xỉn và những hình minh họa nhợt nhạt bôi bằng bột màu lem nhem. Còn giờ đây tôi đang đứng trước con người sống thực sự, không những vẻ bề ngoài của cô ta rất ít giống những gì chúng ta đã dựng lại mà tính cách, câu chuyện cuộc đời cũng như vị trí xã hội của cô gái đó cũng khác xa những phán đoán tẻ nhạt của chúng ta.
Những vụn tàn tích tồn tại được đến thế kỷ 21 cho ta biết không đầy năm phần trăm câu chuyện thực, chỉ phần nền móng bằng đá của thành phố thôi không thể khiến người ta hình dung được cả một đô thành, xứ sở của những đồ thủ công đan từ liễu gai, được dệt, tết, bện từ sậy, xơ cây thùa và tre trúc, hoàn toàn khác xa những gì trước đây tôi có thể tưởng tượng từ những di tích còn lại kia. Chúng tôi đang quay mặt về hướng chính đông, nơi có con sông chảy ngang qua, phía bên kia là Cerro San Enero, đỉnh cao nhất của dãy núi bao quanh thung lũng Ix. Núi lửa này đã tắt từ thế Pleistocene (Thế Pleistocene: Là thế thứ ba trong kỷ Neogen hay thế thứ sáu của đại Tân Sinh, kéo dài từ khoàng 1.806.000 tới 11.550 năm trước ngày nay. Sự kết thúc của thế thế Pleistocene tương ứng với sự kết thúc của thời kỳ đồ đá cũ), nhưng vào thời điểm này nó lại đang phun trào, phả lên màn trời màu tím hoa cà trước lúc bình minh một cuộn tàn tro đen sì… không, từ từ đã, - tôi nghĩ. Không phải, đó không phải núi lửa phun trào thực sự. Chắc họ đã nhóm một đống lửa lễ hội bằng gỗ cây cao su trong miệng núi lửa đã tắt. Nhưng cả những ngọn đồi cũng không giống như trước. Lúc trước là rừng rậm bao phủ còn giờ đây tất cả đều trống trơn, được gọt đẽo thành các bậc thang và quảng trường dốc xuống theo triền đồi như hình dáng của những khu hồ có thác nước đổ vào, trên mỗi đỉnh đồi đều có đặt một vòng tròn gồm những cây sậy cắm xuống đất tỏa đều như chiếc vương miện tượng trưng cho tự do. Phía trước những ngọn đồi và kim tự tháp là các vệt, hay đốm li ti, hoặc thứ gì đó tương tự đang đu đưa, trong nửa giây đầu tiên, tôi những tưởng đó là ảo giác của cặp mắt mới, hay những tia chớp lóe của cơn đau nửa đầu, hoặc những vằn óng ánh ngụp lặn trong chất dịch trong mắt tôi, nhưng ngay một tích tắc sau, tôi nhận ra chúng là những con diều kết bằng lông vũ to bằng người thật, hình tròn hoặc ngũ giác với màu sắc chủ đạo là trắng, đen và đỏ tươi, bay lơ lửng trong làn không khí nóng bỏng phả ra từ hơi thở của đám đông khiến thành phố nom như một cái hồ trong không trung.
Họ bắt đầu bài cầu nguyện khác theo một nhịp điệu mới:
“Hun k’in, ka k’inob, ox k’inob…
Một mặt trời, rồi hai mặt trời, rồi ba mặt trời…”
De todos modos (Thôi được – Tiếng Tây Ban Nha), - tôi nghĩ. Tập trung vào. Định thần lại.
Phải tìm một mốc nào đó. Con sông đâu rồi nhỉ? Tôi có ấn tượng là nó đã lan rộng ra thành một cái hồ nhưng lại không nhìn thấy tí nước nào. Thay vào đó là một khoảng trống xếp đầy bè mảng đan bằng cói và những chiếc xuồng khổng lồ, xen giữa chúng là những dải màu vàng sáng nom như hằng hà sa số bông cúc vạn thọ đang nổi bập bềnh. Tôi có ấn tượng là ở bờ bên kia có lớp lớp những khu trại liền kề nhau, những ngôi nhà dài có hình dáng tựa như lưng của loài khủng long lưng gai, những ngọn tháp có trụ đỡ với phần nhô ra bất chấp định luật về lực hấp dẫn, chông chênh đến mức phải nhẹ như lông vũ thì mới đứng nổi, chắc chúng được xây bằng lưới và trát bằng bột ngô… nhưng như tôi đã nói, đó chỉ là ấn tượng của tôi mà thôi, bởi mọi chiều ngang và dọc của không gian, từ các đỉnh đồi xuống đến quảng trường ngay dưới chân tôi đều tràn một không khí sôi sục những người là người. Những dãy dài ajche’ejob, hay những Người Cười, tức người dân thành Ix, đang đứng chen chúc thành từng đám đông trên quảng trường, tay bám lấy những cây sào và dàn giáo một cách đầy phấn khích, giống như những đám pô-líp bò thành từng mảng gợn lăn tăn trên dải đá ngầm một ngàn năm tuổi phơi bộ xương san hô trên mặt biển. Nơi duy nhất không có người là các bề mặt dốc đứng của bốn mul cao sừng sững, tức là bốn kim tự tháp phụ vươn cao giữa đám đông hỗn độn như những khối thủy tinh các-bon bị cắt lát chéo. Và ngay cả những kim tự tháp này cũng không hề để lộ ra bất cứ một mạch đá nào, tất cả đều được trát kín, nhuộm màu, phủ dầu bóng, kết cánh hoa trang trí, tô vẽ những đường viền màu vàng, đen và ngọc lam – những mảng bột màu có độc ghê gớm thực sự. Mỗi mul đều có một tháp mái lớn và khói tỏa ra từ những lỗ thông hơi nằm ở vị trí khuất. Có bao nhiêu nghìn người ở dưới kia? Năm mươi? Bảy mươi? Tôi chỉ nhìn thấy một phần rất nhỏ. Cứ cho là có hai nghìn người trên một quảng trường rộng chừng hai mẫu rưỡi, và có khoảng ba mươi quảng trường cùng kích thước đó ở… thôi, đừng bận tâm chuyện đó. Quay lại nhiệm vụ của mình đi. De todos modos. Chim Ruồi Có Nanh 9 đâu nhỉ? Phải cố bắt chuyện lại với ông ta mới được.
“Wak k’inob, wuk k’inob…
Sáu mặt trời, rồi bảy mặt trời…”
Chà.
Có chuyện gì đó không ổn.
Ngoài việc người này vẫn ở trong bộ óc của ông ta, vẫn còn chuyện gì đó không ổn. Không ổn, và rất đáng sợ. Đó là gì thế nhỉ?
Tôi cố lắng nghe ý nghĩ của ông ta, cũng như ông ta đang cố nghe tôi. Và quả thực tôi nghe thấy điều gì đó, tôi tóm được một vài hình ảnh lóe lên: những khuôn mặt nông dân nhăn nheo, móm mém, những đứa trẻ trần trụi, cổ to phềnh, nhoai người ra khỏi căn lều dựng bằng cành cây, những vết chân vấy máu trên mặt đường nắng vàng mắt, những trải bóng to và nặng rơi vèo trong không trung, lao đến rồi vụt đi… đó không thể là ký ức của một vị tù trưởng. Bằng cách nào đó, ý thức về bản thân của ông ta ngấm vào tôi, và tôi nhận ra là mình biết tên ông ta:
Chacal.
Không phải Chim Ruồi Có Nanh 9. Là Chacal.
Và anh ta không phải tù trưởng. Không… tôi là… anh ta là… một người chơi bóng hông (Một trong những trò chơi bóng nằm trong nghi thức tế lễ của người bản địa Châu Mỹ).
Phải rồi. Hỏng rồi. Có sai lầm gì đó thực sự nghiêm trọng.
Người này được mặc trang phục của ahau, và anh ta ở đây, trong căn phòng đặc biệt dành riêng cho ahau, nhưng anh ta không phải…
“Bolon k’niob, lahun k’niob,” – đám đông cầu nguyện;
“Chín mặt trời, rồi mười mặt trời…
Mười một mặt trời, mười hai mặt trời…”
Đó là một cách đếm ngược. Mặc dù đang họ đếm xuôi đến mười chín.
Chuyện quái quỷ gì đang diễn ra thế nhỉ? Người này không phải ahau, nhưng anh ta đang chuẩn bị… anh ta đang đóng…
Sự thật trút xuống người tôi như một cơn mưa chì. Anh ta đang thế chân Chim Ruổi Có Nanh 9.
Và đây không phải là lễ đăng quang lần thứ hai, - tôi nghĩ, - đây là một lễ tế. Anh ta là vật hiến sinh. Một vật hiến sinh vui vẻ tự nguyện. Họ đang đếm ngược đến giây phút anh ta nhảy xuống. Sau khi đếm đến “mười chín”, số đếm sẽ trở về “không”. Và đó là lúc tôi lao đầu xuống.
Ôi, trời ơi.
Thật ngu xuẩn. Đáng ra phải lường trước điều này chứ. Tình huống này hoàn toàn có thể xảy ra.
Thực tế, khi nghĩ đến đó, tôi mới nhớ ra là đã từng đọc được ở đâu đó về sự việc này. Đó là một bài viết trong “Tạp chí phân tích tâm lý văn hóa xã hội” có tựa đề “Lễ hiến sinh vô thức ở châu Mỹ thời tiền Columbia (Là thời kỳ trước khi người châu Âu đặt chân tới châu Mỹ)” Giả thuyết cho rằng vào thời kỳ xa xưa – tức là những ngày rất, rất xưa, trước cả thời kỳ này – các vịahau chỉ có thể ở ngôi trong vòng một k’atun. K’atun là một chu kỳ kéo dài khoảng hai mươi năm. Sau thời gian đó, trước khi vịahau trở nên già nua, mỏi mệt và khiến cả nền cai trị yếu đuối theo, ông ta phải chuyển giao thành phố cho một người thừa kế trẻ tuổi hơn rồi tự vẫn. Nhưng đến một ngày, một vị ahau khôn ngoan nào đó đã nghĩ ra cách để vứt bỏ gánh nặng này cho bản thân mà vẫn không đi ngược lại với luật tục. Thế là ông ta tổ chức một lễ hội lớn để trao lại tước hiệu và y phục của mình cho một người khác – người đó không cần có dung mạo giống ông ta, có khi chỉ là một tù nhân, hoặc một người tự nguyện, hoặc bất cứ ai – người đó sẽ đóng giả ông ta và trở thành ahau trong vòng năm ngày. Hết năm ngày đó, anh ta sẽ tự hiến mình. Cách này giống như đốt hình nộm vậy. Nhưng là hình nộm sống. Và khi sự việc kết thúc, vịahau thật sẽ tổ chức một nghi lễ khác để tự đặt cho mình một cái tên mới và tiếp tục trị vì thêm một k’atun nữa.
Hừ, tốt thôi. Chí ít tôi cũng biết chuyện gì đang diễn ra. Chuyện đang diễn ra là tôi đang ở trên cái chỗ chết tiệt này, trong cơ thể một người xa lạ, hoàn toàn đơn độc – thực thế, tất cả những người tôi quen biết đều chưa ra đời – và bây giờ té ra tôi sẽ phải tự sát. Tiếp theo là gì nữa đây?
Nào, nào. Đừng làm gì xốc nổi. Mày vẫn có thể ngăn chuyện này lại. Vậy là mày đã chui vào nhầm người. Ve al grano (Hãy nhìn thẳng vào vấn đề - Tiếng Tây Ban Nha). Đây chỉ là một thất bại nhỏ thôi. Phải không? Rất may là chúng ta còn có kế hoạch phòng ngừa cho những trường hợp lộn xộn như thế này.
Ngoài nhóm Chocula và Thứ Sáu Kỳ Quặc… đến đây tôi nhận ra mấy cái tên này tuôn ra quá nhiều thuật ngữ cùng một lúc… Warren còn lập thêm một nhóm nghiên cứu ngôn ngữ gọi là nhóm Connecticut Yankee (Lấy theo tên cuốn tiểu thuyết “AConnecticut Yankee in King Arthur’s Court” của Mark Twain viết về đề tài du hành xuyên thời gian). Nhiệm vụ của nhóm này là viết ra một danh sách những gì tôi cần nói hoặc làm khi gặp phải rắc rối kiểu này. Họ huấn luyện tôi kỹ đến mức tôi thuộc làu từng bài như thuộc lời bài hát chúc mừng sinh nhật vậy. Thích hợp nhất cho tình huống bất ngờ này là chiến lược có tên Bài diễn thuyết Núi lửa. Rồi. Tôi nhẩm lại trong đầu vài lần, dùng một thứ tiếng Ch’olan xa lạ đến kinh ngạc. Bueno (Tốt rồi – Tiếng Tây Ban Nha). Nhớ rồi. Không có trục trặc gì.
Sẵn sàng chưa? Chỉ cần gào những câu ấy lên thôi. “Ta là người che khuất mặt trời”, và cứ thế tiếp tục. Họ sẽ nghe thấy lời tiên đoán, họ sẽ chờ xem nó có xảy ra thật hay không, và khi nó xảy ra tôi sẽ trở nên quá đáng giá, không thể giết bỏ được. Có khi họ còn thu xếp cho tôi một cung điện riêng ấy chứ. Một cung điện khiêm nhường với năm mươi phòng, ba hoặc bốn trăm cô hầu gái xinh đẹp trẻ măng và một, thậm chí hai kim tự tháp. Chả khéo họ lại tôn tôi làm ahau. Giống như chuyện Jim – Chúa tể rừng xanh gặp tai nạn máy bay, rơi xuống khu rừng già ấy. Hắn ta chỉ bật cái bật lửa để châm điếu xì gà và thế là đám mọi rợ ăn thịt người lập tức vớt hắn ra khỏi nồi hầm và gọi hắn là Bwana (Bawana: Cách tôn xưng kính cẩn ở một số vùng châu Phi) Trắng. Dễ không ấy mà. Được chứ? Được rồi.
Estas bien (Tốt – Tiếng Tây Ban Nha). Hít thật sâu vào. Bắt đầu thôi.
Bắt đầu.
Chẳng có gì hết.
Nào. Lại nào.
Chẳng có gì.
Lại đi. Nào. Gào lên. Làm đi nào!
Nó cứ trơ ra.
Ôi, quỷ thần ơi.
Nào, Jed, mày biết phải nói gì mà. Phun ra đi. Ta là người che khuất mặt trời sắp lên. Nào. Mở miệng ra. Mở miệng ra. Tất cả việc cần làm chỉ là mở miệng…
- Miệng này là của ta.
ối giời ơi, ma quỷ ơi. Ni mierditas (Đồ chết tiệt – Tiếng Tây Ban Nha)!
Nào, cố lên, anh bạn, cố lên… nnnnnNNNNNNh!!!
Tôi căng hết cả người để cậy hàm mở ra nhưng kết quả duy nhất nhận được là cơn đau điếng như cắn phải cục gạch
Ôi, lạy chúa Jesu. Chuyện này không thể xảy ra được. Chacal không thể nào còn điều khiển cơ thể này được. Nó là của mình cơ mà. Nào, cử động đi. Làm gì cũng được. Vặn vẹo người đi. Kêu trời đi. Giơ tay lên vậy.
Chẳng có gì sất.
Đưa tay lên.
Không được.
Đưa tay lên. Đưa tay lên. Giơ ngón tay lên…
Chết tiệt.
Môi chúng tôi cứ mím chặt lại. Ngu xuẩn, ngu xuẩn, ngu xuẩn.
Chúng tôi trang trọng bước năm bước ra rìa cầu thang. Tông gồng mình ghìm chân anh ta. Chẳng có kết quả gì. Tôi có cảm giác như đang mắc kẹt trong mình một con rô bốt, giống như con trong phim “Người ngoài hành tinh” ấy, nó cứ thế bước đi như đã được lập trình còn tôi thì không thể tìm thấy bàn điều khiển. Chúng tôi dừng lại. Mười ngón chân chớm chìa ra ngoài khoảng không.
Tôi biết chúng tôi đang ở cách quảng trường Mèo Rừng bên dưới đúng 116 feet rưỡi (Số nhiều của foot, đơn vị đo của Anh.116,5 feet bằng xấp xỉ 35,51m) theo chiều thẳng đứng, và nếu tính theo đường chéo thì là hai trăm sáu mươi bậc thang, dài 389feet. Nhưng giờ đây tôi có cảm giác nó cao gấp đôi, và không chỉ vì cơ thể tôi nhỏ đi so với lúc trước. Chúng tôi nhìn xuống các dãy cầu thang xoáy sâu hun hút. Cảm giác chóng mặt ập đến. Những bậc cầu thang màu ngọc lam ánh lên những vết bọt màu hồng mà tôi đoán là rượu thùa (Rượu thùa: Một loại nước uống lên men của người Maya, ủ bằng nước chiết từ cây thùa) và máu của những kẻ hiến sinh trước hòa vào nhau. Các bậc thang được lát những phiến đá hình tam giác khiến chúng nom lởm chởm như lưỡi cưa kim loại. Kiến trúc gì mà như vũ khí vậy.
Ý tưởng của việc này là tôi sẽ nhảy xuống từ bậc thang này một cách đầy duyên dáng, và khi chạm đến đất, tôi sẽ tan xác thành từng mảnh. Họ sẽ xúm lại chộp lấy tôi và biết đâu sẽ trộn xác tôi thành món thịt tamale để đem chia khắp các nhà trong vùng kim tự tháp tam giác này.
Ôi giời ơi. Thế thì thật xui xẻo. Có lẽ tôi đã hy vọng quá nhiều. Tôi nghĩ đơn giản là sẽ quay về đây một cách ổn thỏa, chui vào bộ óc trắng tinh của vị ahau cai trị cả vùng này, và rằng một khi đã chui vào được rồi, tôi sẽ làm được tất tật những gì tôi muốn, tôi sẽ có cơ hội ngon lành để tìm hiểu mọi thứ liên quan đến trò chơi, tôi sẽ xây lăng mộ của mình theo đúng cách tôi thích, sẽ sống xa xỉ hơn một tẹo. Không vấn đề gì. Nếu mọi chuyện…
Dừng lại nào, - tôi nghĩ, - quay lại thực tế đi.
Thực tế ở đây đơn giản là tôi không điều khiển được các tế bào thần kinh chỉ huy vận động của Chacal. Tôi chỉ đang ở nhờ trong cơ thể anh ta, đang quanh quẩn đâu đó trong vỏ não anh ta. Anh ta đang rất cung kính, quyết tâm một cách ngu đần đi tự sát sao cho oanh liệt và ngoạn mục chỉ trong vài giây nữa thôi.
“Mười bốn mặt trời, mười lăm mặt trời…”
Những tiếng cầu nguyện cất cao hơn. Họ đang reo hò chúc mừng tôi, xúi giục tôi; trước sự trông đợi của họ, cảm giác thúc giục muốn nhảy xuống trào lên trong tôi. Họ đang tràn đầy háo hức và hy vọng, họ chỉ cần một điều rất nhỏ nơi tôi mà thôi. Tôi cảm tưởng như bất cứ ai trong hoàn cảnh này cũng sẽ nhảy xuống chỉ vì phấn khích. Có lẽ đây là một việc nên làm…
Không. Dừng ngay cái ý nghĩ ấy lại. Nào, Jed. Hãy đẩy cái thằng ngu kia ra khỏi tay lái, nắm lấy vô lăng và quay cái xe chết tiệt này lại. Đám thổ dân kia sẽ mắc bẫy thôi. Dễ thôi mà…
- MA, - Chacal rít lên với tôi, - không!
Có thứ gì đó đang siết chặt lấy ý nghĩ của tôi, hàm tôi co cứng lại, và trong một khoảng thời gian tưởng như dài đằng đẵng, tôi chỉ cảm thấy nỗi sợ tê cứng và ngạt thở. Có lúc tôi tưởng mình đã kêu được lên, nhưng rồi tôi nhận thấy miệng tôi không mở, ngực không phập phồng, và chẳng có gì xảy ra hết. Tôi vẫn đứng đó, rất đáng yêu, nhưng ruột gan thì rối bời, hồn xiêu phách lạc, liên tục kêu thầm trong bụng: “ôi, giời ơi, giời ơi”; và rồi tôi nghĩ tôi nghe được, hoặc cảm nhận được tiếng cười rất tỉnh táo của Chacal, anh ta gần như hoan hỉ, gần như vui sướng tột độ.
Hừ, thế đấy. Giờ phút cuối cùng trước khi đi vào lãng quên của Jed thân mến xem ra mỗi lúc một hay ho như thế này đây.
Estoy jodido (Đồ con hoang - Tiếng Tây Ban Nha). Mẹ kiếp. Nó là như vậy ư? Cái chết. Nó là như thế này sao? …
Khoan đã nào. Bỏ cái tật ấy đi. Tập trung vào. Suy nghĩ đi!
En todos modos (Thôi đành vậy – Tiếng Tây Ban Nha).Thật đen đủi. Lại nào. Nghĩ cách khác vậy.
Việc cần làm bây giờ là… ờ… việc phải làm bây giờ là kéo cái anh bạn Chacal quý hóa này về phe mình.
Phải rồi. Đúng thế.
-Chacal? – Tôi gọi anh ta trong đầu, - Ta thư thư lại một tý nhé. Prenez un chill pill (cậu không cần phải làm việc này).
Im lặng , ý tôi là sự im lặng trong ý nghĩ.
- Chac man? Compadre? (Thế nào, anh bạn?)
Để tôi nói cậu nghe điều này nhé. Được không? Những thứ quanh đây không phải là tất cả thế giới. Thế giới còn nhiều điều lắm. Hãy nhìn qua ký ức của tôi mà xem. Cậu có thể thấy nó, đúng không? Hãy nhìn mà xem: châu Âu, châu Á, máy tính, kẹo dẻo… cậu thấy mọi sự vật liên quan đến nhau thế nào không? Hãy nhìn vào ký ức tôi. Cá là cậu không biết trái đất hình cầu. Thú vị đấy chứ, hả? Và còn nhiều điều khác nữa. Chúng có khiến cậu nghĩ lại đôi chút không?
- NGƯƠI LÀ GIÒI BỌ CỦA KẺ REO RẮC GHẺ, ĐÂY LÀ TRÒ LỪA ĐẢO CỦA NGƯƠI, - Chacal đáp.
- Hở? – Tôi đáp. Tôi không thực sự hiểu hết câu đó. Nhưng ít nhất chúng tôi cũng nói chuyện được với nhau. Thế là tốt rồi. Chacal? Nghe này. Cậu biết tôi không nói dối. Bây giờ chúng ta là một. Chúng ta đang cùng ở trong này. Về phần tôi, tôi thấy thế cũng ổn. Cậu nghĩ sao?
- Tôi nghĩ ta sẽ phối hợp với nhau rất tốt. Phải không Chacal?
- NGƯƠI LÀ ĐỒ BẨN THỈU VÀ NGƯƠI SỢ HÃI. TA SẼ KHÔNG ĐỂ NGƯƠI LÀM Ô UẾ NƠI THANH SẠCH NHẤT NÀY.
- Tốt thôi, - tôi đáp, - sao cũng được. Nào, nghe tôi, anh bạn. Tỉnh lại đi. Cậu đang bị lợi dụng đấy.
- QUÁ MUỘN VỚI NGƯƠI RỒI. TA ĐÃ CÓ QUYẾT ĐỊNH ĐẦY TRÁCH NHIỆM.
- Ồ, được thôi, Rất tốt, tôi tôn trọng điều đó, ít ra thì cậu cũng biết là không có Mèo Rừng 1 nào trên đời, phải không? Không có trên đỉnh bầu trời hay bất cứ nơi nào khác. Đó chỉ là cách người ta tuyên truyền thôi. Cậu biết tuyên truyền là gì chứ? Dù sao đi nữa, dù đây có là quyết định đúng đắn tại thời điểm này, là việc nên làm ngay lúc này, dù là để giúp đỡ gia đình, giả dụ vậy, thì chí ít cậu cũng nên nghe xem tôi có đề nghị gì, rồi sau đó…
- ĐỒ GIÒI BỌ NHÀ NGƯƠI IM ĐI.
“Mười bảy mặt trời, mười tám mặt trời…”
- Được rồi, cậu nghe này, Chaco, hãy thử một lần thôi, sao cậu không để tôi nói điều tôi muốn nói, rồi ta sẽ xem chuyện gì xảy ra. Tôi hứa với cậu rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp với cả hai chúng ta…
- KHÔNG MỘT LỜI NÀO TỪ MIỆNG NGƯƠI.
- Chỉ một giây thôi. Tôi thực sự có điều cần nói. Thêm vài ngày nữa và cậu sẽ được tôn làm thủ lĩnh. Đập tan kẻ thù và đem phần thưởng đến cho những người bạn. Hãy tận hưởng điều đó. Tôi có phép thuật. Những điều tôi sẽ nói thực sự có uy lực…
- KHÔNG!
Đó là câu trả lời cuối cùng của anh ta.
Áp lực lại càng đè nặng lên tôi, bóp nghẹt hơn. Không thở được. Thậm chí không thể suy nghĩ được.
Nnnn…
Nào. Hãy cưỡng lại. Phải buộc hắn nói ra câu đó, bằng bất cứ giá nào. Hãy nghĩ ra cách gì đó đi.
Nnnnn…
Được rồi. Cố lên, Jed. Mày vẫn có thể điều khiển được cử động của hắn. Hắn chắc gì đã là kẻ áp đảo. Chỉ là hắn nghĩ vậy thôi. Đây có lẽ chỉ là vấn đề cách nhìn, là sức mạnh tinh thần thôi. Hãy chiếm lấy vị trí của hắn. Hãy làm kẻ mạnh một lần đi.
Nào. Hãy cho hắn thấy mày mạnh hơn hắn. Nói đi! Ta là người che khuất mặt trời sắp lên. Nói đi. Nào, Jed, hãy khẳng định cái tôi chết tiệt của mày một lần đi. Ta là người che khuất mặt trời sắp lên. Nào, nhúc nhích đi! Nói ra! Ta là người che khuất mặt trời…
Nnnnn...
“Mười chín mặt trời…”
Cố lên, Jed. Cưỡng lại cái thằng ngu ấy đi. Không phải vô ích đâu.
Tôi gắng sức.
Nnnnn…
Jed! Nào! Gắng lên!
Mày phải làm gì đó. Nói, gào thét, gầm gừ, gì cũng được…
NnnnnmmmmNNNzzznnkk. Mẹ nó chứ! Chẳng khác gì táo bón nặng, quằn quại rặn mãi mà chẳng được gì, chẳng có gì ra hết, chẳng có gì…
“Không mặt trời”
Nào, Jed. Hãy cứu dự án, cứu hành tinh này, cứu chính cái thân mày nữa, nào, chỉ một lần này thôi, phải làm gì đó đi, làm gì đó, hãy làm gì đó khôn ngoan…
PHẦN I
THÀNH PHỐ CHẾT MEGACON
1
Gượm hẵng nào. Hình như tôi hơi rườm lời thì phải.
Có lẽ tôi đang kể quá nhiều chuyện một cách đột ngột. Chúng ta cần phải biết vài điều căn bản đã. Suy cho cùng, đây là truyện được thuật lại và có một số việc cần tường trình. Vì vậy có lẽ tôi nên nghiêm túc hơn một chút, bớt hoa mỹ đi và kể lại cho các bạn ngắn gọn tại sao tôi lại ở cái chỗ chết tiệt kia. Có lẽ các bạn đang mù mịt về câu chuyện này chẳng kém gì mù tịt về tương lai.
Tên đầy đủ của tôi là Joaquín Carlos Xul Mixoc DeLanda. Khác với những người Maya bản địa khác, tôi được sinh ra trong một bệnh viện thực thụ tại môt thành phố nhỏ tên là San Cristobal Verapaz thuộc tỉnh Alta Verapaz, miền trung Guatemala, cách vịnh Honduras ba mười dặm về phía tây, cách CG, tức là Cidad Guatemala hay Guatemala City (Guatemala City: thủ đô nước cộng hòa Guatemala), chừng chín mươi dặm về phía đông bắc, và cách làng T’ozal, mà thực ra chỉ là một thôn nhỏ nơi tôi lớn lên, đúng mười dặm về phía tây. Ba ngày sau khi ra đời, ngày mùng 2 tháng 11 năm 1974 mới là ngày quan trọng - ngày tôi được làm lễ đặt tên. Theo cách tính của người Maya chúng tôi, đó là ngày Gầm rú 11, Trắng 4 của uinal 5, tun 1, k’atun 18,b’ak’tun 13, cũng là b’ak’tun cuối cùng. Đó đúng là thời điểm một triệu tám trăm năm mười tám ngàn và bảy mươi mốt k’inob - nghĩa là mặt trời, ánh sáng hoặc ngày – sau ngày đầu tiên của hệ thống lịch Long Count (Long Count: là phương thức tính thời gian mà người Maya tiếp thu từ bản địa khác xa xưa hơn) - tức là ngày Chúa tể 4, Bóng tối 8, 0.0.0.0.0 hay ngày 11 tháng 8 năm 3113 trước Công nguyên; đồng thời đúng là thời điểm mười ba ngàn chín trăm hai mươi tám ngày trước khi mặt trời lặn trước ngày Chúa tể 4, Gân vàng 3, là ngày cuối cùng của k’atun cuối cùng của b’ak’tun 13 tương ứng với ngày 21 tháng 12 năm 2012, tức là thời điểm, mà các bạn có thể nghe nói, ánh sáng ngày sẽ chấm dứt vĩnh viễn.
Cha tôi là một thổ dân nói tiếng K’ekchi (K’ekchi: ngôn ngữ người Maya ở Guatemala và Belize sử dụng) mang nửa dòng máu Tây Ban Nha và được coi là người có học thức của địa phương. Ông theo học tại học viện Santiago Indigenous ởGuateCity và sau đó quản lý hệ thống trường sơ cấp trong vùng. Mẹ tôi nói tiếng Ch’olan, trong số các thứ tiếng Mayan, đây là tiếng gần nhất với ngôn ngữ Mayan phương nam cổ xưa. Nhà ngoại tôi chuyển từ Chiapas về đây từ năm 1930 và lập nên một cộng đồng nhỏ nói tiếng Ch’olan nằm biệt lập với cộng đồng lớn của họ về phía tây bắc. Hơn tất cả các đứa trẻ khác trong vùng, tôi được học về quá khứ dân tộc tôi, lịch sử đất nước tôi và mọi điều khác. Nhưng tôi vẫn không hiểu rõ nhiều chuyện. Chúng tôi biết rằng xa xưa, chúng tôi đã từng là những nhà kiến trúc, những vị vua và giờ đây chúng tôi trở nên khốn khổ. Nhưng tôi không biết nền văn hóa của chúng tôi đang chết dần. Tôi cứ ngỡ thế giới này nhỏ hẹp và jon-ka’il – quảng trường thị trấn và akal - ngôi nhà có tường xây bằng xỉ than đóng bánh và lợp rạ - của chúng tôi là trung tâm của cái thế giới ấy. Và… lạy Chúa, tôi đã lớn lên dưới một mái nhà lợp rạ. Vì Chúa, tôi cứ như thành viên khảo cổ vậy, đôi khi chính tôi cũng không thể tin được là mình lại như thế. Khi nhìn lại, tôi thấy mình đã bị kìm hãm trong sự ngu dốt. Nhưng tôi thực sự cho rằng hiểu biết của tôi về lịch sử khi ấy không kém mấy so với những đứa trẻ học ở trường công lập Mỹ bây giờ. Phần lớn mọi người đều biết đâu đó dưới phía Nam có những kim tự tháp đố nát, hình dạng kỳ cục. Một số ít hơn thì biết rằng ở đó có những dạng người cổ xưa gọi là người Aztec, người Toltec, người Inca và người Maya. Nhiều người đã biết đến dân tộc Maya qua một bộ phim của Mel Gibson, hoặc đã tới thành phố Mexicovà được thấy di tích Teotihuacán (Teotihuacán: khu di tích kiến trúc và đô thị cổ thời Colombus ở Mexico)đổ nát. Nhưng chẳng mấy khi gặp được người Mỹ nào kể được cho anh nghe sự khác biệt, ví dụ, giữa người Aztec và người Toltec, hoặc biết rằng có những tộc người khác tuy ít được biết đến hơn nhưng không kém phần phát triển như Mixtec, Zapotec hay Tarascan đã từng sinh sống khắp một vùng từ miền trung Mexico đến Honduras mà ngày nay chúng ta quen gọi là Mesoamerica, hoặc biết rằng người Inca trước kia sống trên một vùng đất nào tách biệt, cách xa hàng ngàn dặm về phía tây nam và vì thế, theo suy nghĩ của người Maya chúng tôi, họ còn sinh sống trên cả sao Hải vương nữa.
Giai đoạn phát triển rực rỡ của những nền văn minh này cách nhau rất xa. Nền văn minh của người Toltec lên đến đỉnh cao vào khoảng năm 1100. Phần lớn đô thị Teotihuacán bị bỏ hoang từ năm 650 đến 700. Giai đoạn gọi là Cổ Maya kéo dài từ 600 đến 850 Công nguyên; và đến khi nền văn minh của người Aztec chuẩn bị trỗi dậy, tức là khoảng 600 năm sau, thì cũng là lúc nền chính trị của người Maya đi vào thoái trào. Trong nghiên cứu giới thiệu về Mesoamerica, có một cách ví von thường gặp là nếu người Maya Cổ được coi là những người Hy Lạp cổ đại thì người Aztec và Toltec là những người La Mã. Tuy nhiên, người Maya và người Hy Lạp chỉ có một điểm chung duy nhất là tài năng.
Thời nay, hiển nhiên các bạn cho rằng mỗi nên văn hóa, hay bất cứ thứ gì khác, đều có đặc điểm nổi bật. Hồi tôi còn đi học, một hôm, ở Bảo tàng nghệ thuật của trường đại học, người ta đi vòng quanh và thay đổi tất cả các biển chú thích, thay vì viết rằng: “Tín ngưỡng tôn thờ sự ô uế, Bộ tộc Ookaboolakonga, thế kỷ 19” thì người ta viết lại là: “Tín ngưỡng tôn thờ sự ô uế, Nền văn minh Ookaboolakonga, thế kỷ 19”. Cứ như thể năm cái lều với một bản khắc gỗ đã là một nền văn minh vậy. Nhưng có một điều đáng buồn là văn hóa cũng như giới nghệ sĩ, chỉ có một số ít là thiên tài thực sự thôi. Trong tất cả các nền văn minh phát triển cao nhất trên thế giới, nền văn minh Maya dường như đã thăng hoa một cách bất ngờ nhất. Chỉ có duy nhất ba dạng chữ viết dưới dạng ngữ âm đã được phát minh: một ở Trung Quốc, một ở Lưỡng Hà(Teotihuacán: khu di tích kiến trúc và đô thị cổ thời Colombus ở Mexico) và một bởi tổ tiên của người Maya. Khái niệm “số không” cũng chỉ được phát hiện duy nhất hai lần: một ở gần vùng đất mà ngày nay là Pakistan, và trước đó là bởi những người Maya. Dân tộc Maya đã từng và đến nay vẫn là một dân tộc rất đặc biệt, đó là tất cả những gì bạn nên biết.
Ngay cả điều ấy cũng không mấy ai hay. Có thể có hai lý do. Thứ nhất: định kiến đơn thuần. Thứ hai: nói một cách công bình thì có lẽ chưa có một nền văn minh nào, và chắc chắn chưa từng một nền văn minh nào có chữ viết lại bị nhổ tận rễ như thế. Nhưng vẫn còn đó hai triệu rưỡi người nói tiếng Mayan, hơn một triệu trong số đó đang định cư ở Guatemala và rất nhiều trong số chúng tôi còn biết ít nhiều về ngày xa xưa. Đặc biệt là mẹ tôi. Nhưng tôi chưa từng có cảm giác rằng bà có điều gì đặc biệt ngoại trừ bà là người quan trọng nhất trên đời đối với tôi. Và tôi đoán các bạn cũng sẽ nói vậy. Ngoại trừ một điều nho nhỏ bà đã dạy tôi vào mùa mưa năm 1981, năm ấy tôi bị ốm nặng đến mức “suýt ra đi”, theo lối diễn đạt đầy duyên dáng của ngài mục sư.
2
Tôi bị mắc chứng mà bây giờ người ta cho là sốt xuất huyết. Ngày đó nó nguy hiểm hơn bây giờ nhiều; khi cơn sốt lên tới đỉnh điểm, tôi bị xuất huyết trong phổi và khạc ra máu, và cuối cùng, té ra tôi còn mắc chứng thiếu yếu tố đông máu số 8, tức là chứng máu khó đông tuýp B. Suốt ba tháng trời tôi nằm co ro sau nền lò sưởi, đếm những đường chỉ màu đỏ tươi trên chiếc chăn bông và nghe tiếng chó sủa. Mẹ tôi mớm cho tôi món cháo ngô suông và sữa Incaparina (một loại sữa chiết xuất từ thực vật), kể chuyện cho tôi nghe bằng lối ngâm nga khe khẽ, lúc thì bằng tiếng Tây Ban Nha, lúc thì bằng tiếng Ch’olan. Những người khác trong nhà, kể cả em gái tôi, khi đó đều đang làm việc ngoài đồng, dưới vùng đất thấp. Một tối, tôi đang nằm nghiêng người và cố kìm cơn nôn mửa, bỗng tôi nhìn thấy một con sên bò lên theo một vệt ẩm trên bức tường xỉ. Nó hình nón tròn giống quả lắc, có màu xanh da trời ngả xanh lục với những sọc vằn màu da cam và đen, một giống sên mà sau này tôi biết có tên khoa học là Liguus fasciaticus bourboni. Mẹ tôi nói con sên đó là chanul thứ hai của tôi, một “chanul de brujo”, tức là một “linh hồn của thầy phù thủy”.
Mỗi người Maya truyền thống đều có một chanul, hay theo tiếng cổ Maya là uay. Nó nằm ngoài thân xác con người nhưng là một phần của linh hồn. Nếu người đói, nó cũng đói, nếu ai đó giết nó thì người cũng sẽ chết theo. Một vài người có mối liên hệ vớiuay mật thiết hơn những người khác, và một số rất ít người có khả năng tự biến mình thành hình dáng như uay của họ và đi lại trong lớp vỏ động vật. Nó hơi giống các linh hồn động vật trong cuốn “His Dark Materials”, chỉ có điều nó chiếm một phần lớn hơn trong người. Tôi đã có một uay như những người khác, đó là một con sa’bin-’och, từa tựa như con nhím, nhưng theo lời mẹ tôi, con sên kia cũng sẽ là uay của tôi. Nó quả là một uay khác thường, xem ra không được mạnh mẽ lắm. Nhưng cũng có nhiều uay của các thầy phù thủy rất nhỏ bé và nhút nhát.
Cũng trong khoảng thời gian đó, mẹ tôi bắt đầu chơi với tôi một trò đếm. Đầu tiên tôi đoán rằng bà muốn dạy tôi làm quen với các chữ số. Không bao lâu sau, tối nào chúng tôi cũng chơi trò này. Mẹ tôi thường cuộn chiếc chiếu cói cạnh chỗ tôi nằm lại. Trên nền đất sét, chỗ chiếc chiếu lúc trước, bà đào hai mươi nhăm cái lỗ nhỏ theo hình chữ thập, ý coi chữ thập đó là ở trên trời còn tôi đang nằm ngửa dưới mặt đất, đầu hướng về vị trí của mặt trời vào giờ đó, hướng đông nam.
Bà thường trải một tấm vải trắng mỏng lên hình chữ thập đó và ấn nó lún xuống một chút ở những chỗ có lỗ, bà nhai một nhúm thuốc lá rồi phun nước thuốc lên mé trong bắp đùi trái mình. Khi tôi tập làm theo, bà dạy tôi xát nó lên đùi phải. Bà mở chiếc hộp chứa đồ quý báu hiệu Tupperware của mình và lấy ra grandeza,tức là chiếc túi đựng bùa hộ mạng, những viên đá và nhiều thứ đồ lỉnh kỉnh khác, đổ ra một đống hạt tz’ite đỏ - hạt rắn của một loại cây san hô (tên gọi thông tục chỉ chung một số cây họ đậu), - bày ra những viên đá thạch anh mà tôi cứ dí mắt vào để nhìn những tia sáng lấp lánh bên trong. Tôi chưa từng hiểu được hành động tiếp theo của bà: bà quệt một vệt ướt màu đen ngang mặt, bắt đầu từ chỏm tai trái, chạy qua phía dưới mắt trái, đè lên môi trên, chạy xuôi má phải xuống cạnh hàm. Chuỗi động tác tiếp theo là chúng tôi mỗi người bốc một nhúm trong đống hạt tz’ite vừa rải lên viền tấm vải theo các lỗ ở hai hướng đông và tây, vừa cầu khẩn sự giúp đỡ của các vị thần bảo trợ ánh sáng ngày. Sau đó, mẹ tôi vỗ tay xuống đất năm lần và đọc:
- Hatz – kab ik,
- Ixpaayeen b’aje’laj…
Nghĩa là:
- Con xin mượn hơi thở của mặt trời hôm nay,
Xin mượn hơi thở của mặt trời ngày mai
Con đang vãi và gieo hạt,
Rải những hạt đen và những hạt vàng,
Thêm vào sọ màu đen và sọ màu đỏ,
Đếm những mặt trời lục lam,
Đếm những mặt trời nâu xám.
Trong tiếng Chh’olan, từ “sọ” cũng có nghĩa là “hạt ngô”. Tiếp theo, chúng tôi thay phiên nhau đếm và nhặt các hạt vào từng ô, cứ bốn hạt một lượt và dùng các hạt đậu đặt lên trên để đánh dấu ngày tháng của hôm đó. Sau đó, mẹ tôi lấy ra một mảnh đá thạch anh carnelian trong suốt nhỏ bằng cái móng tay. Đó là quân cờ.
Cũng như trong trò chơi Parcheesi (một trò chơi thịnh hành ở Mỹ, được cải biên từ trò chơi Parchisi của Ấn Độ, từa tựa như trò cá ngựa ), các quân cờ sẽ di chuyển quanh bàn cờ theo con số ngẫu nhiên trên xúc xắc. Nhưng thay vì xúc xắc, chúng tôi dùng các hạt ngô, một mặt có chấm một chấm đen. Người chơi tung các hạt ngô lên và đếm xem có bao nhiêu hạt rơi xuống với mặt có chấm đen ngửa lên. Khác với trò Parcheesi, số hạt ngô mà người chơi được tung phụ thuộc vào vị trí của họ trên bàn cờ. Có nhiều quy tắc đếm khác nhau được áp dụng, ví dụ: nếu nhúm hạt ngô cuối cùng của anh còn ba hạt thì đôi khi anh có thể chia nó làm hai, một nhóm hai hạt và nhóm kia một hạt rồi tính đó là một số chẵn và một số lẻ.
Trò chơi còn nhiều thứ phức tạp khác. Có hẳn một bài thơ vần điệp gồm những câu hỏi đáp, mỗi câu hỏi đáp được bắt đầu bằng một cái tên-gắn-số của một trong hai trăm sáu mươi ngày theo lịch tế lễ. Mỗi tên ngày trong số đó lại có thể kết hợp với ba trăm sáu mươi tên ngày khác theo lịch dương. Mỗi sự kết hợp đều có những câu ngạn ngữ riêng đi liền với nhau và những ẩn ý riêng gắn với ngữ cảnh. Vì vậy, hơi giống với Kinh Dịch hay Ifa (một hệ bói toán của người Yoruban ở châu Phi ) của người Yoruban, trò chơi này cho kết quả là những cụm từ ngắn mà người ta có thể đọc lên thành câu. Và vì có vô vàn cách kết hợp nên người chơi có cảm tưởng rằng có ai đó đang đối thoại với anh ta theo một cách gần như không thể đoán biết trước. Mẹ tôi thường nói đó là nữ thánh Theresa, một kiểu như vị thần của trò chơi, đang đưa cho chúng tôi lời giải đáp. Nhưng nếu lời giải đáp là một điềm gở thì mẹ tôi nói đó là thánh Simon lên tiếng. Thánh Simon là một người đàn ông có râu ngồi ở chính giữa bàn cờ, chỗ các đường đi cắt nhau; cũng có người gọi ông ta là Maximón.
Nhìn chung, trò chơi này ná ná như sự kết hợp của một cái bản đồ, một cái bàn tính và một quyển lịch vạn niên. Các bước di chuyển của viên đá thạch anh, hay “quân cờ”, cho người chơi những kết quả nhất định, tùy thuộc anh muốn đọc tiếp bài thơ đến đâu và anh muốn dựa vào linh cảm đến mức nào. Đôi khi tình hình sáng sủa hơn chỉ sau hai bước di chuyển hợp lý. Ngoài ra, có một cách đặc biệt để sử dụng linh tính một cách có lợi. Mẹ tôi dạy tôi cách ngồi im và chờ đợi tzam lic, nghĩa là “chớp máu”. Đó là một cảm giác rung hoặc giần giật dưới da, từa tựa như một cơn co cơ nhẹ. Tôi đoán nếu là các bạn thì các bạn sẽ cho đó là một cơn rùng mình ớn lạnh. Khi cảm giác đó đến, cường độ, vị trí và hướng của nó trên cơ thể người chơi sẽ chỉ dẫn cho anh ta nước đi mà anh ta đang phân vân. Ví dụ, nếu nó xuất hiện ở mé trong đùi trái nơi có vết nước thuốc thì có nghĩa là một người họ hàng nam giới sắp từ mạn đông bắc xuống thăm anh, còn nếu nó xuất hiện ở mé ngoài cũng bên đùi đó thì có nghĩa vị khách là một phụ nữ. Thông thường, mẹ tôi chỉ tìm cách tìm hiểu – tôi không muốn dùng từ “tiên đoán” - những điều quan trọng, chủ yếu là về mùa màng, ví như liệu bọ cánh cứng hại cây bí sắp phá hay chưa. Bà cũng thường dự đoán thời tiết bằng một quân cờ màu đỏ tượng trưng cho mặt trời và những quân khác tượng trưng cho mây hoặc núi. Hay có khi quân cờ được dùng để tượng trưng cho những người thân thích hay hàng xóm láng giềng khi mẹ tôi xem giúp họ những việc quan trọng như cưới xin hay khi nào thì lành bệnh. Tôi nhớ có lần tôi xin bà xem giúp cho bà nội của một cô em họ đằng ngoại đang nhiễm giun sán rất nặng và mẹ tôi liền bỏ dở ván bài giữa chừng. Rất lâu sau tôi mới hiểu được hành động này, đó là vì mẹ tôi thấy trước bà già ấy không thể qua khỏi.
Như mẹ tôi nói, trò chơi tiên đoán này sẽ không chính xác lắm nếu dùng để xem những chuyện vặt vãnh. Vài lần tôi nói tôi muốn đoán xem lúc nào thì cha tôi đi làm về, lúc đầu mẹ tôi từ chối vì chuyện đó quá vớ vẩn, nhưng rốt cuộc bà vẫn cho phép tôi thử di chuyển viên đá thạch anh giả làm tata (bố - tiếng Tây Ban Nha) còn bà thì đấu lại ông. Và vì thế số lượng hạt ngô của tôi phải luôn lớn hơn số hạt đậu của mẹ tôi vì tôi là người chạy trước. Nếu cuối cùng mẹ tôi chặn được tôi ở chỗ cái ô ở hướng tây bắc thì có nghĩa là cha tôi sẽ về rất muộn vì bận việc trong thành phố nằm ở phía tây bắc nhà chúng tôi. Nếu quân cờ tượng trưng cho ông bị bắt ở hướng nam thì có ông vẫn đang làm việc ở trường. Nếu bị chặn ở ô nằm chính giữa thì có nghĩa là ông sắp về đến nhà. Và lần nào cũng vậy, chỉ vài phút sau đã thấy ông cúi mình chui qua cửa.
Ở đây chẳng có gì có vẻ giống với bói toán, tử vi hay những trò tạp nham tương tự. Nó giống một môn cờ hơn, hoặc để cho câu chuyện mạch lạc, ta hãy gọi nó bằng cái tên tự đặt trước là Cờ Hiến tế, mặc dù tôi biết tôi chưa trình bày được đầy đủ khái niệm về trò chơi này, nhưng có lẽ cờ Hiến tế sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn những gì đã nghe từ nãy tới giờ. Có bận, một ông chú của tôi kể rằng ngày xửa ngày xưa, tổ tiên chúng tôi có cặp mắt tinh như cú vọ, đến nỗi có thể nhìn xuyên qua cả vòm trời, qua các vách núi để thấy các hang động nơi trú ngụ của những người đã chết và chưa ra đời. Nếu ốm đau, chúng tôi có thể nhìn xuyên qua da mình, đến tận nội tạng để tìm ra bệnh. Chúng tôi có thể nhìn thấy sự ra đời của mình trong quá khứ và cái chết đang chờ đợi mình phía trước. Nhưng kể từ khi cặp mắt chúng tôi bị vẩn đục, chúng tôi chỉ còn nhìn được một phần rất nhỏ của thế giới, chỉ thấy những gì hiện diện trên mặt đất. Tôi đã tập luyện trò chơi một cách chăm chỉ. Vào ngày đầu tiên của tz’olk’in (năm âm lịch của người Maya, gồm 260 ngày) thứ mười hai của tôi - tức là năm tôi tám tuổi rưỡi - mẹ tôi hướng tôi trở thành một h’men.
H’men dịch ra ngôn ngữ của chúng ta là “người canh giữ ngày tháng”, “người canh giữ thời gian”, “người canh giữ mặt trời”, hoặc thậm chí là “thủ quỹ mặt trời”. Nhưng chính xác nhất theo nghĩa đen thì phải là "người cộng mặt trời" hoặc "người đếm thêm mặt trời", nhưng ta cứ thống nhất gọi là “người đếm mặt trời”. Người đếm mặt trời đại để là pháp sư của làng, một người không theo đạo nhưng có vị trí tương đương với linh mục Thiên Chúa giáo. Nhiệm vụ của họ là tìm hiểu xem nếu một phụ nữ trong làng bị ốm thì có phải do hồn vía người thân đã chết đang có chuyện bất hòa với chị ta không, nếu đúng thì chị ta nên cúng lễ những gì để hồn ma đó im tiếng, và chị ta nên treo những loại cây thuốc nào quanh nhà để chóng lành bệnh. Khi nào thì nên đốtmilpa, tức là cánh đồng ngô của nhà? Hôm nay có tốt ngày để bắt xe buýt lên tỉnh không? Ngày nào tốt lành để làm lễ rửa tội cho đứa trẻ mới sinh? Tín ngưỡng của chúng tôi pha trộn với đạo Thiên chúa, vì vậy chúng tôi cũng thực hiện một số nghi lễ như người công giáo. Miệt thị một chút thì các bạn có thể gọi họ là thầy lang kiêm phù thủy làng. Còn lý do họ được gọi với cái tên người đếm mặt trời là vì nhiệm vụ chính của họ là theo dõi lịch tế lễ cổ truyền. Tất cả lễ lạt mà chúng tôi thực hiện, kể cả cờ Hiến tế (nếu muốn, bạn có thể gọi nó là trò bói toán) đều phụ thuộc vào lịch này.
Theo quan niệm của người Ch’olan, mọi việc xảy ra đều có đôi, nhất là chuyện không lành. Và điều đó đã xảy ra với tôi hai năm sau khi bắt đầu học cờ Hiến tế.
Cần biết một điều rằng tại một đất nước như Guatemala thì sự xâm lược vẫn còn tiếp diễn. Ở Guatemala – đây đơn giản là sự thật lịch sử - cuộc sống của hầu hết người dân bản địa chúng tôi đã rất yên ổn từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20; đến tận đầu những năm 50, tình hình vẫn chưa đến nỗi tồi tệ lắm. Nhưng mùa hè năm 1954, CIA (cơ quan tình báo trung ương Mỹ), dưới sự điều khiển của UFC mà sau này là Chiquita Banana (UFC – Unit Fruit Corporation – một công ty hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực mua bán và nhập khẩu trái cây, đặc biệt là chuối, từ các nước thuộc thế giới thứ 3), đã sắp đặt một âm mưu liều lĩnh nhằm lật đổ vị tổng thống được dân bầu và dựng Carlos Castillo Armas lên làm tổng thống bù nhìn. Ngoài việc tuân theo mọi ý muốn của pulpo - tức là con bạch tuộc, biệt danh chúng tôi đặt cho UFC – ông ta còn bắt đầu thực thi chính sách thanh lọc thiểu số bài trừ người Maya. Liên hợp quốc đã đưa ra con số 200,000 người Maya bị sát hại hoặc mất tích trong khoảng thời gian từ 1958 đến 1985, đẩy Guatemala xuống vị trí nước có nhân quyền thấp nhất Tây bán cầu. Đối với dân tộc chúng tôi, đó là thời kỳ khủng khiếp nhất sau cuộc xâm lăng của người Tây Ban Nha vào thế kỷ 16.
Quốc hội Mỹ quyết định chính thức ngừng viện trợ cho Guatemala từ năm 1982 nhưng chính quyền của tổng thống Reagan vẫn tiếp tục âm thầm gửi vũ khí và bí mật huấn luyện kỹ năng chống phiến loạn cho các sĩ quan quân đội Guatemala tại trường Huấn luyện Americas tại Fort Benning (nay là Viện hợp tác an ninh Tây bán cầu, nằm gần thành phố Columbus, bang Georgia, Mỹ). Có lẽ chỉ một vài trong số đó là những người kỳ thị cộng sản thực sự, cho rằng quân du kích cách mạng là mối hiểm họa, còn 97% còn lại thì chỉ muốn chiếm đoạt đất đai; đến năm 1983, khi thảm họa diệt chủng lên tới đỉnh điểm với mười bốn người da đỏ bị sát hại mỗi ngày thì cuộc nội chiến lộ rõ mục đích là thâu tóm ruộng đất. Chúng ập đến, tuyên bố “tất cả các người đều là quân du kích”, và thế là xong. Chỉ một năm sau, mọi mảnh đất có thể sinh ra hoa lợi đều đã vào tay người da trắng.
Ở nước Mỹ, phần lớn người dân đều nghĩ CIA là một thứ gì đó thật hào nhoáng, một tổ chức bí mật đầy tài năng với những nhân viên bảnh chọe và thiết bị tân tiến. Nhưng người dân châu Mỹ La tinh thì biết CIA cũng chỉ như những tập đoàn tài chính, đồ sộ, vụng về, nhưng lắm tiền nhiều của, hoạt động vì lợi ích của kẻ mạnh và bóp nghẹt kẻ yếu. Vào những năm 70 và 80, quân đội đã cho xây hàng ngàn đường băng nhỏ khắp các vùng nông thôn Guatemala, bề ngoài là để giúp những loại người thua kém, thiệt thòi như chúng tôi đưa được sản vật ra bán ở thị trường bên ngoài, nhưng thực tế là để có thể nhào xuống bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào để đá đít những kẻ bị coi là ăn bám ấy. Quanh T’ozal, có ít nhất hai đường băng như thế. Một ông bác rể của bố tôi tên là Generoso Xul có một mảnh đất nhỏ; một hõm, ông đánh dấu khoanh vùng mấy khoảnh ruộng ngô trên bãi đất chung của làng để đốt và hóa ra chỗ ruộng ấy lại nằm hơi sát đường băng. Đến cuối tháng 7, Generoso mất tích, cha tôi cùng vài người khác đi tìm. Sáng ngày thứ hai, họ tìm thấy đôi giày của ông bị buộc chằng vào nhau và treo trên một cành cây khuynh điệp, đó là một kiểu dấu hiệu báo “đã được cho đi ngủ với giun”.
Cha tôi kể lại chuyện này với một người mà ông biết trong đội quân kháng chiến địa phương, một nhân vật từa tựa như Subcomandante Marcos (bí danh của một nhân vật tự xưng là người phát ngôn của phong trào nổi dậy ở Mexico), có tên là Teniente Xac mà chúng tôi thường gọi là chú Xac, Tio Xac (tức “chú Xac” - tiếng Tây Ban Nha) nói ông đoán cánh nhà Soreano đã “habian dado agua al Tio G”, tức là đã giết chết Generoso. Cha tôi nhờ các nông dân và lũ trẻ con nhà họ theo dõi các chuyến bay, ghi lại số đăng ký trên các mẩu giấy gói thuốc lá và mang đến cho ông. Ông tập hợp được một danh sách khá dài. Một người bạn của ông ở thủ đô Guate đã kiểm tra danh sách đó trong cơ sở dữ liệu của AeroTransport - đất nước Guatemala tận tụy với những kẻ ngoại bang kia đến nỗi chẳng mấy khi buồn bận tâm đổi các số đăng ký – và té ra rất nhiều trong số những chiếc máy bay đó là do hãng cho thuê máy bay Skyways điều hành từ Texas và Florida, và rất lâu sau, cha tôi mới phát hiện ra đó là một công ty vỏ (loại hình công ty tham gia làm trung gian cho các giao dịch kinh doanh nhưng bản thân lại không có tài sản hay hoạt động kinh doanh gì), là tài sản của John Hull tại Costa Rica. Hull là một người Mỹ đã rửa tiền và vận chuyển côcain thô cho lính của Oliver North (một nhân vật trong bộ máy quân sự Hoa Kỳ). Điều này nghe có vẻ ám muội mà lại ngớ ngẩn nếu nó không được ghi rõ trong một số tài liệu, chẳng hạn như tài liệu năm 1988 của Tiểu ban nghị viện Kerry (tiểu ban chịu trách nhiệm điều tra hoạt động buôn lậu của Lực lượng chống đối): “Báo cáo của ban tham mưu về chương trình Hỗ trợ bí mật và Lực lượng chống đối (tên chỉ chung một số băng nhóm phiến loạn) ngày 14 tháng 10 năm 1986, có thể tìm đọc dễ dàng tại Thư viện tổng thống Ronald Reagan, số 40 đường Presidential Drive, Simi Valley, California, trong mục “Lực lượng thực thi luật pháp Nhà Trắng: Tài liệu lưu trữ, ô 92768”. Hầu hết số tiền được chuyển cho lực lượng chống đối tại El Salvador, nhưng các-ten North cùng phe cánh của Bush và Ríos Montt – Montt là tổng thống bù nhìn của Guatemala vào thời đó – cũng vơ được hàng triệu. Tôi đoán Chú Xac muốn dùng danh sách đó để lừa mị một chút, hoặc để hướng sự chú ý của mọi người vào nhà Soreano, một gia đình đại gia trong vùng mà ai cũng ghét, hoặc nhằm làm mất uy tín của các tướng lĩnh nhà ấy trong lần bầu cử tới, điều đó đủ để các bạn thấy ông ta ngây thơ đến mức nào.
Đúng dịp lễ giáng sinh năm 1982, tôi lại bị một trận viêm phổi sau khi mất máu, cha mẹ tôi đưa tôi tới bệnh viện từ thiện của các bà xơ ở San Cristobal. Lúc đó chắc tôi đã mê sảng. Một bà xơ trẻ, xơ Elena, chăm sóc tôi rất ân cần, luôn miệng hỏi han tôi có khỏe không. Tôi nghĩ xơ ấy thật tốt. Từ đó trở đi, ngày nào tôi cũng nghĩ đến xơ Elena, thậm chí giờ nào cũng nghĩ, chí ít là những lúc tôi không mê sảng. Todo por mi culpa (Tôi thật có lỗi - tiếng Tây Ban Nha). Bốn ngày sau khi nằm viện, vào lễ gia đình Thiên chúa (một ngày lễ không bắt buộc, thường là ngày chủ nhật đầu tiên sau lễ giáng sinh), ngày 29 tháng 12 năm 1982, xơ Elena cho tôi hay quân đội chính phủ đã bao vây T’ozal và đang tra hỏi các Cofradias, tức là các vị chức sắc, một kiểu như hội đồng bô lão làng. Sau này tôi mới biết thêm các chi tiết khác. Hôm đó là ngày chợ phiên, hầu hết mọi người đều đổ về làng. Một chiếc trực thăng Iroquois màu trắng pha xanh nước biển với tiếng loa oang oang xuất hiện và lượn vòng quanh như một con bói cá lớn, ra lệnh cho tất cả mọi người tập trung ở quảng trường để họp và thông báo nhiệm vụ tuần tra dân sự của năm sau. Cùng lúc đó, quân lính đã tiến vào qua hai con đường đất mới mở. Theo một cậu bạn tôi, José Xiloch có biệt danh Không Đời Nào, người đã nhìn thấy đội quân từ xa, thì không mấy người tìm cách ẩn nấp hoặc chạy trốn. Phần lớn binh lính là người Maya được tuyển mộ từ Suchitepequez (một tỉnh thuộc Guatemala), nhưng còn có hai người đàn ông khác, cao lớn, tóc hung đỏ và đi giày thủy quân lục chiến Mỹ; khác với lệ thường, toàn bộ đội quân đó được chỉ huy bởi một viên thiếu tá: Antonio García-Torres.
Ngày hôm đó, chỉ có hai người bị bắn chết trên quảng trường. Cha mẹ tôi cùng sáu người khác bị tống lên xe tải và đưa đến căn cứ quân sự ở Coban. Chiều tối, quân đội cho thiêu rụi căn nhà chung của làng cùng mười một người quyết tâm kháng cự đang bám trụ bên trong, đó là một cách khủng bố vào thời ấy. Đó cũng là lần cuối cùng có người nhìn thấy các anh trai tôi, nhưng không ai rõ chuyện gì đã xảy ra với họ. Rất lâu sau tôi mới biết tin tức về em gái tôi, nó rốt cuộc đã đến một trại tị nạn ở Mexico. Quân đội cho dân hai ngày để san bằng ngôi làng sau đó tống tất cả lên xe tải để đưa đi nơi khác.
T’ozal là một trong bốn trăm bốn mươi ngôi làng mà chính phủ Guatemala hiện nay chính thức xếp vào danh sách bị hủy diệt. Danh sách liệt kê cuối cùng có tên của 38 người được xác minh đã chết và 26 người mất tích. Tôi khẳng định 90% rằng cha mẹ tôi đã phải chịu trò tra tấn mà người ta gọi là “tàu ngầm”, tức là bị dìm xuống nước cho ngạt thở, và có lẽ họ đã bị nhốt trong những cái thùng cao, chỉ một tư thế duy nhất là ngồi xổm (ôi, tôi thật có lỗi) và ngửa mặt nhìn lên trời. Một nhân chứng kể lại rằng cha tôi đã chết khi chúng bịt lên đầu ông một chiếc mũ trùm ngâm thuốc trừ sâu hòng ép cung khai. Tuy nhiên, cũng chưa rõ đó có phải nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông hay không, và thậm chí cũng không chắc việc ấy có thực sự xảy ra hay không. Xác cha mẹ tôi hầu như chắc chắn bị vùi dưới một trong tám hố chôn tập thể đã được phát hiện ở Alta Verapaz, nhưng cho đến nay, Trung tâm Điều tra và Lưu trữ về người Maya vẫn chưa tìm được thi thể nào có ADN khớp với tôi.
Tôi còn đần độn đến mức nhiều năm sau mới bắt đầu ngờ rằng cha mẹ tôi gửi tôi đến nơi khác vì họ biết trước sẽ có biến. Có lẽ đó là sáng kiến của mẹ tôi. Bà đã dùng trò chơi để bói xem liệu có nguy hiểm gì từ phía G2, tức là lực lượng cảnh sát mật, hay không. Và có lẽ bà đã thấy trước điều gì đó.
Một tuần sau, các bà xơ nhận được lệnh đưa tôi và bốn đứa trẻ khác cùng làng T’ozal lên tàu thủy tới thủ đô Ciudad Guate để chuyển tới nơi tái định cư, trong số đó có José Không Đời Nào, anh bạn nối khố duy nhất của tôi còn sống đến bây giờ. Tôi không nhớ được gì nhiều về Trại Trẻ Mồ Côi Thiên chúa giáo bởi tôi đã tẩu thoát ngay ngày đầu tiên, tuy gọi là tẩu thoát thì cũng hơi quá vì tôi chỉ việc bước ra khỏi cửa là xong. Tôi đi xuyên thành phố, tìm được một nhà tế bần dành cho trẻ em tương đối sung túc hơn gọi là AYUDA nằm dưới quyền cai quản của các tu sĩ dòng Thánh ngày cuối, hay còn gọi là những người Mormon, mặc dù họ không thích cái tên sau cho lắm. Có tin đồn rằng trẻ con ở đó đang được đưa tới Mỹ, đất nước mà ngày đó tôi mường tượng giống như một khu vườn địa đàng tràn đầy hạnh phúc, với những bụi cây mọc ra khoai tây rán và những dòng suối nước cam mát lạnh. Một phụ nữ vóc người rất đỗi cao lớn với mái tóc sáng màu gác ở cửa sau đã phá lệ cho tôi vào sau vài phút lưỡng lự. Tôi chỉ trông thấy bà ấy đôi lần nữa và cũng không biết tên bà ấy là gì, nhưng cứ mỗi khi nhìn thấy một mái tóc vàng bạch kim là tôi lại nhớ đến người phụ nữ ấy. Sau này, khi tôi được chính thức liệt vào danh sách trẻ mồ côi, họ đưa tôi đến một nơi gọi là Nông Trại Thung Lũng Thiên Đường của Những Vị Thánh Ngày Cuối, ở ngoại ô thành phố.
Phải mất một thời gian dài tôi có được chút ý niệm về những chuyện đã xảy ra với gia đình mình, và thực tế đến tận bây giờ tôi vẫn chưa biết hết. Tôi chưa hề biết chính xác rằng cha mẹ tôi đã chết, đó chỉ là cảm giác chấp nhận mỗi ngày một lớn dần lên. Thứ bảy là ngày nghỉ ở Nông Trại Thung Lũng Thiên Đường và lũ bạn cùng trường tôi nếu còn người thân sẽ được họ đến thăm ở một phòng học phía sau, trong xó nhà lạnh lẽo, giữa hai bức tường xỉ quét vôi màu xanh vỏ đỗ và sàn nhà trải vải sơn màu xanh vàng khè để nhìn mọi người. Tuyệt nhiên chẳng có ai đến tìm tôi. Lũ bạn trêu chọc tôi về điều ấy nhưng tôi làm ngơ như không biết gì. Đến bây giờ tôi vẫn chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh của ngày thứ bảy, tôi cứ có cảm giác bồn chồn, thường xuyên nhìn ra ngoài cửa sổ hoặc kiểm tra đi kiểm tra lại email, có đến mười lần một giờ.
Tôi ở lại Nông Trại Thung Lũng Thiên Đường gần hai năm trước khi được tham gia chương trình sắp xếp dành cho người châu Mỹ bản địa, nó một phần là quỹ tìm gia đình nhận nuôi trẻ em tị nạn, và ngay sau lễ đặt tên thứ mười sáu tính theo năm tz’olk’in, tức là năm tôi mười một tuổi, một gia đình, nhà Ødegârds, đã đón tôi đi máy bay đến Utah (một bang năm ở miền tây nước Mỹ)với một chút tiền hỗ trợ của nhà thờ.
Nói một cách công bằng, các tu sĩ dòng Thánh Ngày Cuối đã làm rất nhiều việc thiện cho người dân châu Mỹ bản địa. Ví như họ đã giúp người Zuni giành được một khu định cư rộng lớn nhất từ tay chính phủ Mỹ mà chưa một cộng đồng bản địa nào giành được. Họ cũng làm từ thiện khắp khu vực Mỹ La tinh, bất chấp thực tế rằng trước năm 1978, Giáo hội vẫn là một tổ chức công khai ủng hộ thuyết chủng tộc da trắng ưu việt. Họ tin rằng một vài bộ tộc bản địa châu Mỹ - những bộ tộc có nước da sáng màu hơn – là hậu duệ của nhà tiên tri Do Thái Nephi, nhân vật chính trong cuốn Kinh thánh Mormon. Nhưng ai cần biết động cơ của họ là gì chứ? Phải vậy không? Họ đã lo cho cuộc sống của tôi và rất nhiều đứa trẻ khác. Trong suy nghĩ của tôi, nhà Ødegârds quá ư giàu có. Họ chẳng những dùng nước máy chảy vào tận nhà mà còn có cả một kho kẹo dẻo vô tận, cả kẹo cứng lẫn kẹo mềm. Tôi hồ như có ý nghĩ rằng chúng tôi đã bị người Mỹ chinh phục và tôi là tù nhân bị giam giữ trong một nhà tù lộng lẫy giữa thủ đô xa hoa. Phải rất lâu sau tôi mới nhận ra rằng, theo mức sống ở Mỹ, họ chỉ là tầng lớp trung lưu thấp, ý tôi là họ thuộc loại người gọi bữa tối là bữa khuya và thậm chí bữa trưa là bữa tối, trong bếp nhà họ có cả một tấm khảm treo tường trên ghi công thức làm món “bánh quy bơ đường của Chúa” với nguyên liệu là “một miếng thông cảm” và “một nhúm ngoan đạo”. Ngoài xã hội, họ được coi là những người có học thức. Vì vậy, tôi cũng khá nhọc công mới thành được kẻ hiểu biết khác người như bây giờ. Tuy nhiên, ông bố và bà mẹ cũng là những người tử tế, hay muốn làm những người tử tế thì đúng hơn, mặc dù vậy, họ vẫn tốn rất nhiều sức lực mới kiềm chế cái ảo giác rằng chẳng lấy đâu ra nhiều thời gian mà lo cho từng đứa con một. Mấy ông anh hờ của tôi thì thuộc loại kinh khủng - hễ rời mắt khỏi chiếc TV và trò chơi điện tử là chúng quay sang thư giãn bằng cách hành hạ những con vật nhỏ - nhưng dĩ nhiên cha mẹ chúng vẫn nghĩ chúng là các thiên sứ được chính đức Jesus lựa chọn.
Khỏi phải nói, tôi không hề cải sang đạo Mormon, hay “được khai sáng” theo cách nói của họ, tức là ngộ ra rằng mỗi người khi sinh ra đã là một vị Thánh ngày cuối. Theo chương trình, họ sẽ không cải đạo cho trẻ em trước khi chúng đủ lớn, và đến tận khi đó, tôi mới bắt đầu nhận ra rằng việc rửa tội cho người quá cố, dùng tay ban phép thánh hay mặc quần dài theo kiểu Hội Tam điểm hoàn toàn không phải là cách cư xử bình thường, ngay cả El Norte (miền Bắc - tức là Bắc châu Mỹ, ý nói nước Mỹ). Họ cũng đưa tôi tới nhà thờ Công giáo một hay hai lần gì đó, nhưng ở đó không có mùi hương, cũng không có những vị thần linh hay những chiếc bình bày trên mặt đất giống như ở Guatemala, vì vậy, tôi nói với họ là không cần phải đưa tôi đến đó nữa. Họ nhìn chung khá thoải mái về chuyện ấy, theo cách riêng của họ. Thực ra, mặc dù không thể chịu được họ nhưng thỉnh thoảng tôi cũng gọi họ là bố Ø và mẹ Ø. Còn mấy ông anh hờ của tôi, mỗi lần hỏi đến là y như rằng mỗi ông lại vừa cho ra đời một cặp sinh đôi; sự kết hợp của quan niệm (đạo Mormon khuyến khích tín đồ sinh đẻ nhiều) và thuốc kích thích rụng trứng khiến chúng sinh sôi nảy nở chẳng kém gì tôm nước mặn.
Thay vì trở thành một vị thánh sống (theo tín điều đạo Morton, mỗi tín đồ đều có thể trở thánh một vị thánh), tôi đi theo con đường ngoại khóa, bắt đầu với việc tham gia đội cờ vua và cờ tỉ phú. Các vị ở trường phổ thông Nephi ép tôi học đàn cello, thứ nhạc cụ lố bịch nhất trong dàn nhạc. Tôi chơi không được hay. Tôi cho âm nhạc là một thứ toán học giản lược. Tôi dành nhiều thời gian náu mình trong thư viện xem những bức tranh có chú giải trong từ điển để lấy lại kiến thức. Tôi học tiếng Anh qua sách của H.P Lovecraft (một nhà văn viết sách khoa học giả tưởng và kinh dị của Mỹ), và đến giờ, theo lời mọi người, tôi vẫn ăn nói theo lối trong những cuốn sách ấy. Tôi luôn lịch sự từ chối chơi trò vớt táo bằng miệng vào dịp lễ Halloween ở trường - ừm… thực ra là tôi khóc ré lên và chạy khỏi phòng – vì tưởng sắp bị tra tấn bằng cách dội nước. Tôi tham gia các nhóm lập trình, trò chơi điện tử và trò chơi chiến thuật. Hẳn bạn nghĩ một người tham gia nhiều hội thế thì ắt phải giao thiệp với nhiều học sinh khác, nhưng tôi lại không. Phần lớn thời gian tôi phải ngồi chầu rìa các hoạt động thể thao vì bệnh máu khó đông. Họ cho tôi và những đứa tàn tật khác ngồi trên thảm, giả vờ vươn người và nâng tạ. Môn thể thao duy nhất mà tôi chơi tốt là bắn bia. Cả nhà Ødegârdsđều là những tay mê mẩn súng ống và tôi phải ăn đũa của họ. Tôi còn tham gia cả nhóm Toán học, mặc dù tôi nghĩ thật ngớ ngẩn khi coi toán là môn thể thao đồng đội. Ngớ ngẩn không kém gì lập nhóm thủ dâm. Có lần huấn luyện viên nhóm toán giao cho tôi một lô câu hỏi về hình học tô-pô và sửng sốt khi thấy tôi làm đúng tất. Ông ta, cùng với một giáo viên khác, kiểm tra tôi thêm một chút rồi tuyên bố rằng tôi là một tài năng về lịch học, và rằng thay vì nhớ như những người khác, tôi có thể tính toán được ngày tháng. Mặc dù đáng ra tôi có thể tự nói cho họ biết điều đấy. Tuy thế, khả năng này không phải loại đem ra bán kiếm tiền được. Đó là loại khả năng mà trong mười nghìn người chỉ một người có, tương tự như khả năng tự liếm mông mình vậy. Cũng khoảng thời gian đó, tôi gia nhập thêm nhóm nghiên cứu cá cảnh. Hệ thống bể cá đầu tiên của tôi được ghép từ vòi nước tưới vườn và hộp Tupperware cũ. Tôi quyết định khi lớn lên sẽ trở thành một tay cờ chuyên nghiệp. Ngồi trên xe buýt tôi cũng đội mũ bảo hiểm trượt ván. Tôi quyết định khi lớn lên sẽ trở thành một tay chơi trò nhím Sonic (một trò chơi điện tử) chuyên nghiệp. Bộ dạng tôi hệt như nhân vật “J” trong nghiên cứu có tên “Tài năng thiêm bẩm của các bệnh nhân vị thành niên mắc hội chứng sau nghẽn mạch” của tạp chí “Giả thuyết Y học”. Tôi quyết định học làm đàn cello thay vì chơi thứ nhạc cụ ấy. Tôi nghe nhạc của Cocteau Twins thay vì Mötley Crüe. Tôi kiếm được một ngàn đô la đầu tiên nhờ mua bán thẻ Magic. Tôi bị đặt biệt hiệu là thằng lập dị. Tôi phê thuốc lắc một mình.
Những phương pháp điều trí mới giúp kiểm soát được chứng máu khó đông của tôi, nhưng cùng lúc đó, người ta lại chuẩn đoán tôi có vấn đề về “phát triển cảm xúc liên quan đến rồi loạn căng thẳng sau chấn thương” và “có một vài khả năng thiên bẩm và trí nhớ chính xác bằng hình ảnh rời rạc”. Rối loạn căng thẳng sau chấn thương có thể coi là một loại bệnh tự kỷ. Nhưng tôi không hề có những biểu hiện tự kỷ thông thường, chẳng hạn như tôi vẫn thích học ngoại ngữ và không khó chịu với “những cuộc thăm dò trong môi trường giáo dục mới”. Một vị bác sĩ ở Salt Lakenóirối loạn căng thẳng sau chấn thương là một thuật ngữ rộng và nó không thực sự diễn tả chính xác các biểu hiện tôi có, hay đúng hơn là không có. Tôi đoán như thế có nghĩa là tôi sẽ không được nhận tí tiền hỗ trợ nào từ căn bệnh của mình.
Tháng 9 năm 1988, buổi nói chuyện của một sinh viên cao học khoa nhân chủng trường đại học Brigham Young tại trường cấp hai nơi tôi đang theo học đã thay đổi hướng đi cuộc đời tôi. Cô ta cho chúng tôi xem vài đoạn băng ghi hình những căn nhàkiva và điệu nhảy mừng mùa ngô của người Zuni, vừa lúc tôi sắp ngủ gật thì phim chiếu đến hình ảnh các kim tự tháp Maya và tôi ngồi dậy. Tôi thấy phấn chấn lên và đặt vài câu hỏi. Cô ta yêu cầu tôi giới thiệu mình từ đâu đến, và tôi giới thiệu trước cả lớp. Vài ngày sau, tôi cùng vài học sinh gốc da đỏ khác được nghỉ học để đến dự buổi hội thảo về học bổng trong chương trình sắp xếp dành cho người châu Mỹ bản địa do chính cô sinh viên đó chủ trì ởSaltLake. Buổi hội thảo được tổ chức trong phòng tập thể thao của một trường trung học và có những hoạt động như đánh đá lửa và vẽ mặt tự do bằng bột màu. Một giáo sinh giới thiệu tôi với nữ giáo sư June Sexton. Khi tôi kể cho giáo sư biết gốc gác của mình, bà liền bắt chuyện với tôi bằng tiếng Yukateko (ngôn ngữ được người Yucatan Maya sử dụng ngày nay, một phiên bản của nhánh ngôn ngữ này từng được sử dụng vào thời cổ) rất trôi chảy khiến tôi phải kinh ngạc. Trong câu chuyện, bà có hỏi rằng tôi đã chơi el juego del mundo bao giờ chưa. Thấy tôi không hiểu từ này, bà bèn giải thích rằng nó còn được gọi là “alka’ kalab’ceraj” hay “cờ Hiến tế”, nghe rất giống từ mẹ tôi đã dùng. Tôi trả lời rằng đã, thế là bà liền lấy ra một chiếc hộp hiệu Altoids đựng đầy hạt cây tz’ite màu đỏ lạ mắt. Lúc đầu, tôi không sao chơi được vì một thứ cảm giác mà tôi cho là nhớ nhà, hoặc gần như nhớ nhà. Khi tĩnh tâm lại, tôi chơi được với bà ấy vài vòng nhạt nhẽo. Bà ấy nói rằng một đồng nghiệp dạy môn toán của bà đang nghiên cứu về thuật bói toán của người Maya và ông ta sẽ rất vui nếu tôi có thể dạy lại cho ông ta bài thơ vần tôi biết. Tôi trả lời đồng ý sau một thoáng suy nghĩ, nhưng nói không thể dạy được sau giờ học. Làm gì cũng được, miễn là thoát giờ thể dục.
Thật khó tin, một tuần sau, một chiếc xe tải màu xanh lá cây từ một nơi gọi là FARMS - Quỹ tài trợ nghiên cứu cổ xưa và giáo phái Mormon - đến đón tôi đi thật, ngay trước giờ nghỉ trưa; chiếc xe chạy về hướng bắc, đi vào vùng núi, đến trường đại học Brigham Young tại Provo. Giáo sư June đáng mến dẫn tôi vào một tòa nhà xoàng xĩnh và giới thiệu tôi với giáo sư Taro Mora. Theo cảm nhận của tôi, ông ta giống một nhà hiền triết thông thái, nhang nhác như Pat Morita trong phim “Thiếu sinh Karate”, cho dù ông ta mới chỉ bốn mươi tuổi. Văn phòng của vị giáo sư này hết sức giản dị với một bên tường xếp đầy sách và những cuốn tạp chí về cờ vây – một môn cờ của người châu á sử dụng những quân cờ màu đen và trắng – và một bức tường nữa để tài liệu liên quan đến toán học xác suất và lý thuyết trò chơi. Ông ta làm việc trong lĩnh vực dựng mô hình thảm họa (môn khoa học sử dụng tính toán trên máy tính để dự tính thiệt hại của một số loại tài sản nhất định trong trường hợp có thiên tai). Ông ta nói đã sưu tầm được một số dị bản của bài thơ trong cờ Hiến tế từ nhiều khu vực khác nhau khắp Trung Mỹ, nhưng bản mà tôi học được là bản mà chỉ có một vài người từng được nghe đến và nó có nhiều điểm khác biệt đáng chú ý so với cờ Hiến tế thông thường. Trước hết, ở hầu hết các nơi, khách xem bói chỉ đến và yêu cầu: “Xin hãy thỉnh ý sọ/hạt về việc này giúp tôi” và người đếm mặt trời sẽ làm tất cả những việc còn lại. Nhưng theo cách chơi của mẹ tôi thì khách xem bói lại chơi cùng người đếm mặt trời. Thứ hai là mẹ tôi bày bàn cờ theo hình chữ thập trong khi những người khác chỉ xếp hạt theo các hàng dọc trên miếng vải trơn. Và điểm cuối cùng, cũng là điểm kỳ lạ nhất, đó là tôi đã học trò chơi từ một người đàn bà.
Điều này thì gần như chưa từng ai nghe đến. Trong khu vực sinh sống của người Maya, phải đến 98% người đếm mặt trời là đàn ông. Taro nói tuy không phải là chuyên gia về nhân chủng học nhưng ông đoán rằng mẹ tôi là người kế tục một tín ngưỡng nào đó còn sót lại của một cộng đồng nữ giới Ch’olan bí mật đã biến mất từ thời kỳ người Tây Ban Nha đến chinh phục châu Mỹ.
Giáo sư Taro gặp tôi một tuần hai lần, cứ thế cho đến tận cuối học kỳ, khi ông ta phải quay về New Haven. Cũng tới lúc đó, tôi mới biết ông ta là người đứng đầu một tổ chức nghiên cứu gọi là “Dự án Parcheesi”, và rằng ông ta cùng các sinh viên cao học tham gia nghiên cứu đã đưa ra một giả thuyết cho rằng tất cả, hoặc hầu hết, các trò chơi hiện đại ngày nay đều có nguồn gốc từ một tổ tiên duy nhất, một ur-game (một trò chơi cờ có nguồn gốc từ thành phố Ur ở khu vực Lưỡng Hà. Người ta đã phát hiện được bộ bàn cờ của trò chơi này, có niên đại từ năm 2600 trước Công nguyên, vì thế, nó được coi là môn cờ cổ xưa nhất) nào đó. Họ đã bắt tay vào tái hiện lại môn cờ này bằng cách sưu tầm trò chơi của các bộ lạc ở miền Trung Á, nhưng chẳng bao lâu sau, những nghiên cứu đã dẫn họ tới châu Mỹ.
Vào thời điểm ấy, ý tưởng trên đã bị nhiều nhà nhân chủng học bác bỏ. Nhưng Taro đích thực là một nhà toán học và ông ta bỏ tất cả ngoài tai. Ông ta là một nhà nghiên cứu thuần túy và là một trong số rất ít người nghiên cứu kết hợp nhiều lĩnh vực bao gồm lý thuyết thảm họa, tính chất lý học của các hệ thống phức hợp và lý thuyết trò chơi tái tổ hợp, viết tắt là RGT. Về cơ bản, RGT là một lý thuyết về các trò chơi như cờ vua hay cờ vây, là những trò chơi mà trong đó các quân cờ hợp thành nhiều lực lượng khác nhau trên bàn cờ. Lý thuyết trò chơi cổ điển - chủ yếu liên quan đến cờ bạc – đã được các nhà kinh tế học, các vị tướng soái và mọi người nói chung sử dụng từ thời Thế chiến II, còn lý thuyết trò chơi tái tổ hợp mới chỉ được áp dụng từ những năm 90, ý tưởng của Taro là việc sử dụng phiên bản được tái hiện lại của cờ Hiến tế để xây dựng một giao diện rô-bốt (chương trình máy tính có khả năng giao tiếp với người sử dụng như một thực thể sống) có thể giúp cải thiện đáng kể khả năng lập chiến lược, ví như mô phỏng các hiện tượng kinh tế, chiến tranh hay thậm chí cả thời tiết. Trước khi gặp tôi, ông ta đã thực hiện một số thí nghiệm thành công, nhưng ông ta vẫn muốn đạt thêm nhiều kết quả mỹ mãn hơn trước khi công bố. Phòng thí nghiệm của ông đã dựng lại hàng tá phiên bản khác nhau của bàn cờ cổ xưa. Chúng tôi đã cùng bỏ ra hàng trăm giờ đồng hồ, cả trước và sau khi tôi vào đại học, để tìm hiểu chúng. Nhưng có một thứ cứ ngáng đường chúng tôi, đó là mặc dù nắm khá rõ cấu trúc của bàn cờ, nhưng chúng tôi không sao biết được quy tắc đếm chính xác đã được người xưa sử dụng và họ đã dùng bao nhiêu hạt, bao nhiêu viên đá thạch anh. Vì thế, Taro quyết định thử một phương pháp tiếp cận khác. Ông ta dùng đến những chiếc máy chụp cắt lớp não.
Tôi vẫn còn giữ năm viên đá thạch anh đem theo từGuatemala. Thực tế, chúng là thứ duy nhất từ quê nhà mà tôi còn giữ được kể từ khi các hạt tz’ite bị vụn ra thành đám bụi cám màu hồng và tôi phải dùng những viên kẹo bon-bon để thay thế. Tôi chỉ rải chúng ra - tức là chơi cờ Hiến tế - có vài lần từ khi đến Mỹ. Nhưng khi lần đầu tiên ngồi trong căn phòng Ganzfeld dưới tầng hầm ở Provo, hồi hộp đến cứng đơ người, xem ra tôi lại tiến bộ hơn sau một thời gian dài không luyện tập. Đầu tiên, họ sắp xếp người tập trung trong một căn phòng phía bên kia tòa nhà, diễn nhiều cảnh khác nhau và tôi phải dự đoán các cảnh đó. Tôi đoán khá chính xác. Sau đó, chúng tôi phát hiện ra rằng các dự đoán sẽ chính xác hơn nếu liên quan đến mất mát tiền của, thương tích hay những sự việc có thật. Vài tháng sau, chúng tôi bắt tay vào thử với những sự kiện trong đời thực, như dịch AIDS, cuộc chiến dầu lửa đầu tiên hay bất cứ vấn đề khó kiểm soát nào khác. Chúng tôi nỗ lực và đạt kết quả ngày một khả quan, nhưng vẫn vấp phải những khó khăn luẩn quẩn. Taro nói chính khả năng thiên bẩm về tính toán ngày tháng đã giúp tôi chơi nhanh hơn, nhưng cho đến giờ vẫn chưa đủ sâu. Nghĩa là tôi chưa đủ tập trung, ừ thì, tôi mới chỉ là một đứa trẻ vị thành niên, tôi tập trung thế nào được cơ chứ? Tuy nhiên, năm năm sau, khi tôi quay lại cộng tác cùng Taro tại trường đại học Yale, ông ta đã từ bỏ các thí nghiệm biệt lập để quay sang tìm hiểu cách bố trí bàn cờ. Trong những ván chơi cuối cùng trước khi tôi bỏ đi, chúng tôi đã sử dụng hai quân cờ và chơi trên bàn cờ thử nghiệm tốt nhất nhưng Taro vẫn không nghĩ đó là cách bố trí chính xác của bàn cờ cổ xưa. Bàn cờ đó khiến trò chơi trở nên khó nắm bắt hơn nhưng cũng dễ chơi hơn mặc dù nó phức tạp hơn cách bố trí bàn cờ của mẹ tôi.
Tôi đã ngừng cộng tác với Taro vì một chuyện hết sức ngớ ngẩn. Tôi tưởng tiền trả cho những bài truyền đạt về cờ Hiến tế của tôi đến từ quỹ Berlancamp và phòng thí nghiệm của Taro ở Yale, nhưng té ra chúng đến từ FARMS, cái tổ chức điên rồ mà ông ta cộng tác ở Provo. Trước đó một thời gian, tôi đã biết FARMS là một tổ chức nghiên cứu giáo phái Mormon, nhằm chứng minh người da đỏ châu Mỹ là hậu duệ của bộ tộc Joseph(một trong các bộ tộc từ thời xa xưa ở Israel). Từ khi tôi gia nhập tổ chức Liên minh của người Maya, điều đó làm tôi khó chịu và tôi bắt đầu cặn vặn Taro. Người ta chẳng ai cũng dễ chịu, phải không? Tôi thật là kẻ vô ơn. Đúng vậy đấy. Taro trả lời rằng dù sao chăng nữa, số tiền đó cũng không hẳn đến từ FARMS, nó thực ra đến từ chính người tài trợ cho thí nghiệm này, và ông ta không thể nói cho tôi biết đó là ai. Tôi nổi nóng và bỏ đi. Tôi nghĩ tất cả chuyện này khá khẩm lắm thì cũng chỉ là trò mua bán, chẳng qua là một đám người hám lợi muốn tìm cách kiếm chác ngoài chợ.
Cũng có một vài thay đổi khác nữa xảy đến với tôi. Trước khi Taro rời Utah, ông ta giới thiệu tôi với một nhóm nghiên cứu tại trường đại học Texas, họ đang tìm liệu pháp chữa trị chứng “thiếu cảm xúc” mà người ta cho là tôi mắc phải. Ông ta đã kiểm tra chắc chắn sao cho tôi không bị xếp vào nhóm đối chứng (tức là nhóm bệnh nhân không được chữa trị mà chỉ được dùng để so sánh và đánh giá hiệu quả điều trị) và đã được điều trị một khóa trọn vẹn. Vừa hay đến lúc tốt nghiệp đại học và cuốn gói khỏi New Haven, tôi đã có được cái cảm giác gọi là cảm xúc thực. Tôi bắt đầu làm quen với những điều mới mẻ về con người. Ví như, lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu được thế giới bí mật của biểu hiện nét mặt và ý nghĩa của chúng, và biết con người ta làm cách nào để che giấu cảm xúc thật hoặc biểu lộ những cảm xúc giả dối. Những điều hết sức kì quặc! Cả một thế giới mơ hồ của phép xã giao đang ẩn nấp đâu đó ngoài kia với những sự làm bộ làm tịch, những tấm mặt nạ, những câu bóng gió mập mờ và những lời trí trá. Tôi trở nên nhạy cảm với vẻ bề ngoài của mình, hay nói đúng hơn, tôi bắt đầu nhận ra mình có một vẻ bề ngoài. Tôi giảm được ba mươi pao và giữ ở mức đó. Tôi đọc một cuốn sách có nhan đề “Tán gái như thế nào”. Tôi hít đất 182.520 lần. Tôi chuyển tới Grand Avenue ở Los Angeles. Tôi vớ lấy vài cô ả để nhân tình nhân ngãi. Tôi quyết định sẽ trở thành nhà điểu cầm học. Tôi bắt đầu sử dụng trò chơi vào việc đầu tư và lập tức kiếm ra tiền, nhưng có lẽ cũng chỉ do may mắn. Tôi làm việc này là có lý do, bởi khi đó, việc điều trị dự phòng bệnh máu khó đông tuýt B tốn khoảng ba trăm ngàn đô la một năm, mà nếu không điều trị thì anh sẽ phải suốt ngày bận tâm đến những vết bầm tím, xướt xát và quanh năm lo cầm máu chẳng khác gì Super Mario (nhân vật trong trò chơi điện tử chiến đấu để giải cứu công chúa). Tôi từ bỏ ý định với môn điểu cầm học vì tôi phát hiện ra rằng người ta đã biết tất cả những gì cần biết về lũ chim chóc ấy rồi. Tôi quyết định đi chuyên sâu vào môn cờ vua. Tôi nâng thứ hạng của mình trong Liên đoàn cờ vua quốc tế lên 2380. Nhưng đến ngày 11 tháng 5 năm 1997, khi Kasparov bị Deep Blue đánh bại (Gary Kasparov – nhà vô địch thế giới môn cờ vua đã bị Deep Blue – một chương trình máy tính đánh bại năm 1997), tôi đã từ bỏ ý định chơi cờ chuyên nghiệp. Chơi cờ chuyên nghiệp để làm gì cơ chứ? Cũng chỉ như một cái máy thôi. Tôi quyết định chuyển tớiSeoul và học chơi cờ vây chuyên nghiệp. Tôi học ít tiếng Hàn Quốc. Rồi té ra muốn học tiếng Hàn Quốc thì phải học tiếng Trung Quốc trước, nên tôi đi học tiếng Trung Quốc. Tôi từ bỏ ý định chơi cờ vây chuyên nghiệp vì té ra ở châu á không có empanadas de achiote (một món bánh quen thuộc của người Guatemala). Tôi quyết định trở thành một nhà nghiên cứu sinh vật biển. Tôi rờiLos Angeles và chuyển tới Miami. Tôi từ bỏ ý định nghiên cứu sinh vật biển vì cái trò xét nghiệm mẫu nước và ghi lại tất cả các loại chất thải độc hại điển hình thật chán không để đâu cho hết. Tôi quyết định học sinh vật và chuyên sâu về phản ứng giác quan trước kích thích hóa học. Tôi từ bỏ việc làm đàn cello vì cái đống nào sơn dầu, nào vec-ni, nào keo dán. Tôi quyết định học khứu giác học. Rồi tôi lại bỏ ý định trở thành nhà hóa học bởi lĩnh vực ấy bị công nghiệp hóa đến nỗi nếu mọi việc cứ tiến triển nhanh như vậy thì tôi bắt kịp được một phân tử đã là may mắn lắm rồi. Tôi quyết định rời bỏ khoa học để viết tiểu thuyết. Tôi chuyển tớiWilliamsburg, Brooklyn. Tôi viết vài bài báo về trò chơi điện tử và những thứ linh tinh khác cho các tạp chí như Wired, Artforumhay thậm chí cả Harper’s Bazaar.Vị biên tập viên ở đó bảo tôi rằng giọng văn hài hước và xấc xược là điều bắt buộc. Tôi đi lang thang, uống rượu whisky và tán tỉnh vài cô ả. Cuộc sống như vậy không kéo dài lâu. Tôi bắt đầu giao dịch hàng hóa qua mạng. Tôi từ bỏ ý định trở thành tiểu thuyết gia vì khi đi sâu hơn vào lĩnh vực ấy, tôi phát hiện ra rằng thậm chí đến thời buổi này, người ra vẫn còn thích các nhà văn viết về một số vấn đề ít ỏi nhất định. Người ta thích anh viết về những thứ như cảm xúc, động lực, biểu hiện bản thân, các mối quan hệ, gia đình, tình yêu, sự mất mát, giới tính, chủng tộc, sự chuộc tội, đàn ông, đàn bà, đàn ông và đàn bà, bản sắc cộng đồng, chính trị, chính trị cộng đồng, nhà văn, Brooklyn, các nhà văn ở Brooklyn, các độc giả ước mình là nhà văn ở Brooklyn, bản thể, khách thể, bản thể và khách thể, giới học giả, chủ nghĩa hậu thực dân, sự trưởng thành, ngoại ô, thời kỳ 1970, 1980, 1990, trưởng thành tại vùng ngoại ô vào những năm 1970, 1980, 1990, cá tính, địa danh, con người, những con người cần con người, tính cách, nhân vật, đời sống nội tâm của nhân vật, sự sống, cái chết, xã hội, nhân bản và có khi cả Ireland nữa. Và dĩ nhiên, tôi chẳng có chút hứng thú nào với những thứ ấy. Ai cần nghe chuyện đời sống nội tâm của nhân vật cơ chứ? Tôi thậm chí còn chẳng hứng thú với nội tâm của chính mình. Tôi quyết định trở thành tay chơi Hold’em (một hình thức chơi bài poker phổ biến nhấ hiện nay) chuyên nghiệp. Tôi chuyển tới sống tại Reno, bangNevada. Thời ấy, quanh bàn cờ bạc có nhiều thằng ngu đến mức hầu như gã nào chỉ biết đếm là có thể kiếm được tiền. Tôi cũng kiếm được ít nhiều. Tôi thực hiện vài tính toán giúp các sòng bạc tại khu dành riêng cho người da đỏ bản xứ ở Utah, Arizona, Florida và nhờ thế đã tìm ra mánh khóe mới để lòe dân da trắng. Thế là lại kiếm thêm được ít tiền. Tôi từ bỏ ý định kiếm sống bằng trò ảo thuật với bài poker vì giao dịch hàng hóa đã đem lại cho tôi nhiều hơn số tiền mà tôi kiếm được ở cả chiếu bạc thật lẫn ảo trên mạng mà lại đỡ được vô khối công sức giao tiếp với thiên hạ. Tôi liên tục viết bài cho tạp chí Strategy. Thế là lại kiếm thêm được ít tiền.
Tiền. Phải rồi. Tôi nghĩ nên đề cập đến chuyện đó.
Đến năm 2001, nếu không quá bận tâm về chuyện phải mặc áo vét may sẵn thì tôi đã có đủ tiền để làm những gì tôi muốn. Tôi đi tìm Không Đời Nào, anh bạn chí thiết của tôi ở làng T’ozal – vào thời điểm đó, Không Đời Nào đang tham gia tổ chức kháng chiến Enero 31 (nghĩa là 31 tháng Giêng - tiếng Tây Ban Nha), tổ chức đi vào hoạt động bí mật từ sau thỏa thuận ngừng bắn năm 1996. Tôi lưu lại bốn năm ở Guatemala. Tôi làm việc cho người quen của cậu ta ở tổ chức CPRs – Đoàn thể kháng chiến nhân dân – và âm thầm tìm hiểu xem chuyện gì xảy ra với cha mẹ tôi (tôi thật có lỗi). Tôi đến gặp rất nhiều vị h’men lớn tuổi để hỏi về cờ Hiến tế. Tôi xác nhận nhóm nghiên cứu của Taro đã đúng, đã từng có một phiên bản hoàn chỉnh và phức tạp của trò chơi, nhưng giờ chỉ còn là một ký ức lơ mơ và rời rạc. Hầu hết các h’menob’ già đều sử dụng cùng một lối chơi như nhau, bị lược bỏ rất nhiều và thậm chí dựa chủ yếu vào bản năng, họ giống như những bệnh nhân Alzheimer (một chứng tâm thần phân liệt), tuy không thể chơi bài bơ-rít đúp được nữa nhưng thỉnh thoảng vẫn chơi trò “đi đêm”.
Tôi không lần ra được phiên bản nào hoàn chỉnh hơn của trò chơi. Nhưng mục tiêu bí mật thứ hai lại gây cho tôi nhiều rắc rồi tới mức đến tận năm 2011, cơ quan cảnh sát trung ương vẫn còn gửi trát bắt giữ tôi. García-Torres vẫn ở trong quân đội và đã lên hàm tướng, theo đúng kiểu ở Guate. Không Đời Nào và tôi lập hẳn một hồ sơ về hắn - hắn có những thói quen gì, có bao nhiêu cơ ngơi và ở những đâu, hay lui tới những sới chọi gà nào và vào những lúc nào, vệ sĩ riêng của hắn sống ở đâu, tất tật. Nhưng hẳn là tôi thực hiện việc này chưa đủ kín đáo, bởi một đêm, Không Đời Nào – người có uay là một con chó sói, có khả năng di chuyển lặng lẽ trong bóng đêm – đã lén thám thính và cho biết cậu ta nghe đồn cảnh sát mật đã nắm được hết thông tin về tôi. Cậu ta nói tôi có hai lựa chọn, hoặc là chuồn đi trước khi trời sáng, hoặc là bốc hơi. Tôi chuồn đi. Tôi chuyển tới Indiantown, nơi sinh sống của cộng đồng người Maya di cư, nằm bên bờ hồ Okeechobee, cách bờ Đại Tây Dương của Florida chừng hai mươi dặm về phía đất liền.
Ở Florida đã xuất hiện những lời xì xào về khả năng dự đoán chính xác của tôi thông qua cờ Hiến tế và tôi không thể tránh khỏi việc phải tiếp một vài khách hàng. Tuy thế, tôi vẫn không thể trở thành một người đếm mặt trời vĩ đại của cộng đồng. Rắc rối đầu tiên là một người đếm mặt trời phải chén chú chén anh rất nhiều, chí ít là ở một ngôi làng truyền thống, mà rượu cồn thì chưa bao giờ giúp hàn gắn được vết thương của tôi. Đối với tôi C2H6O (công thức hóa học của ethanol, tức rượu cồn) là thứ ma túy dành cho những kẻ đáng thương, bất kể người ta đóng chai nó đẹp đẽ đến mức nào. Vấn đề nữa là phần lớn công việc của nghề này là làm cho người lắng nghe, làm cây cột trụ vững chắc cho truyền thống của cộng đồng, làm nơi chứa đựng toàn bộ tri thức của địa phương. Thế thì có gì hay ho kia chứ? Làm bác sĩ tâm thần cũng vậy thôi, người chuyên giải quyết rắc rối của kẻ khác. Vả lại, nói thật, phần lớn người đếm mặt trời cũng làm nhiều trò lừa đảo như hỏi dò, tìm hiểu trước, dùng chân gỗ hay thậm chí cả làm trò ảo thuật.
Và tôi không thể thực hiện những việc liên quan đến tâm linh với cảm giác tội lỗi, tôi ghét mị dân như một số kênh truyền hình vẫn làm. Thật đau lòng khi chứng kiến họ tuyệt vọng và cả tin đến mức nào. Thiên hạ đã không ít lần nói tôi hơi quái tính quá về việc này vì nó nghe như một trò bịp bợm thôi chứ có gì đâu. Có lần người ta thực hiện khảo sát về những nghề được coi trọng và không được coi trọng, nghề “bói toán” được xếp vào hàng gần bét, ngay trên nghề tiếp thị qua điện thoại.
Điều này dẫn tới một câu hỏi tế nhị: “Nếu Jed có thể làm được như anh ta nói, vậy sao anh ta không giàu?”
À, câu trả lời hết sức đơn giản: thực ra tôi có giàu.
3
Tôi ghét tự truyện của chính mình. Thiên hạ ghét tất cả các loại tự truyện. Tự truyện là thứ văn chương kinh tởm thứ nhì trên thế giới, chỉ sau loại thơ hai-kư (Thể thơ ba câu của Nhật Bản)được viết ra ở Anh. Lần cuối cùng bước chân vào một hiệu sách – chỉ là tiện đường rẽ vào uống một tách cà phê cannabispresso(Một loại cà phê pha với thảo mộc và mật ong) - tôi vớ lấy một cuốn tự truyện của Ava Gardner trong lúc chờ đợi, và câu đầu tiên như sau: “ở hạt Johnston, Bắc Carolina, anh không thể làm nông dân nếu không có lừa”. Ừ hứ, dễ thương đấy, Ava, nhưng nói thật, nếu đến cuối trang này mà chị vẫn chưa ngủ với Horward Hughes, Frand Sinatra, Johnny Stompanato Artie Shaw, Mickey Rooney hay một kiểu kết hợp nào đó giữa những nhân vật trên – hay trừ phi chị dẫn dắt câu chuyện đến sự ví von của giữa dái của con lừa ấy và của Frank – thì cuốn sách của chị sẽ lao đầu vào sọt rác. Tất cả các cuốn tự truyện đều y sì nhau, luôn là “được thôi, vì tôi đã thu hút được ít nhiều sự chú ý nên tôi kéo anh đi xem một lượt tất cả những việc đã xảy đến với tôi cho dù đến 99,44% trong số đó đều là những sự nhảm nhí có thể xảy đến với bất kỳ ai”. Vì thế, nếu độc giả đọc được điều gì đó trong cuốn sách này thì đó cũng phải là đề tôi mặc dù tôi có xuất hiện trong đó. Đó không phải là chuyện về tôi, mà là chuyện về cờ Hiến tế.
Ồ, được rồi. Nói một cách ngắn gọn, chúng ta sẽ coi trò chơi như một mỏ vàng. Nào, bây giờ hãy cùng quay sang một câu chuyện khác.
Vào giờ canh đêm thứ tư của ngày Cú 4, Vàng 4, 12.19.17.16, - hay theo cách tính mới là 4 giờ 30 phút sáng ngày thứ 6, 23 tháng 12 năm 2011, chỉ số Nikkei (Chỉ số chứng khoán của Nhật Bản) đóng cửa tăng 1,2% và đẩy tổng giá trị ước tính của danh mục đầu tư của tôi lên trên mức năm triệu đô la. Lúc ấy tôi đang ngả ngốn trên sàn nhà, - tôi thích nằm thư giãn trên sàn đá hoặc sàn xi-măng – mắt hấp háy nhìn lên một màn hình lớn trên trần thấp của cái mà tôi gọi là nhà, nằm chếch về phía Tây Indiantown, cách hồ Okeechobee đúng một khu nhà bỏ hoang, nơi cư trú của lũ ếch ương lưỡng tính lắm hoóc môn sinh dục nữ. Nhà không hẳn ra nhà mà là một cửa hiệu bán cá cảnh bị vỡ nợ có tên là “Lenny’s Reefin’ Stall”, cái cửa hiệu ấy tôi đã tịch thu để trừ nợ cùng với toàn bộ tài sản bên trong và giờ đã trở thành một cuộc thí nghiệm đời sống chung giữa nhiều loài động vật, trong một không gian 450.000 feet khối. Nguồn sáng duy nhất của căn phòng là ánh xanh biếc sáng rực rỡ hắt ra từ chiếc bình trụ 440 ga-lông(Tương đương khoảng hơn 1664 lít) chứa những con Bajaja nudibranchs, một loại sên biển màu sắc sặc sỡ có mai.
Cha mẹ ơi, tôi nghĩ, nheo mắt nhìn lên màn hình. Sau bao nhiêu năm xoay sở mò mẫm, cuối cùng tôi đã tìm ra cách sử dụng trò chơi để kiếm ra tiền thật. Trò chơi cũng không hữu ích ở sòng bạc, dĩ nhiên, bởi nó quá chậm. Nó cũng không lợi ích gì với trò xổ số vì trò này gần như hoàn toàn hú họa. Trò chơi chỉ bói được những việc mà người chơi hiểu về chúng. Về cơ bản, nó giúp anh ta nhận thức được sự việc. Điều đó không giống như tiên đoán trước tương lai, nó cũng chỉ mò mẫm trong bóng tối như hầu hết mọi người. Nói đúng ra, trò chơi cũng hơi có kết quả với trò đua ngựa và cá cược thể thao, nhưng tôi đã phải tìm hiểu mọi điều có thể về đường đua và các con ngựa được đưa vào danh sách đua, và đến khi hết vài lượt thì tôi chỉ còn vừa đủ thời gian để đặt cược trước khi có chuông kết thúc. Vì vậy, tôi cần tìm món gì đó diễn biến chậm hơn. Tôi bèn tìm hiểu về chứng khoán một cách nghiêm túc. Nhưng trò này hú họa hơn tôi tưởng và tôi suýt thì bỏ cuộc khi thử chen chân vào thị trường ngô giao sau (Một hình thức giao dịch hàng hóa trên thị trường chứng khoán, trong đó mặt hàng là ngô. Các nhà đầu tư mua và bán ngô từ trước khi được thu hoạch với giá cả dao động tùy thuộc vào dự đoán của họ về giá cả ngô tương lai).
Lợi thế của trò giao dịch hàng hóa là chu kỳ gặt hái kéo khá dài. Vả lại, sân chơi này cũng ít người tham gia. Vì thế, tôi thu thập thông tin của hầu hết các nhà đầu tư lớn và đặt họ vào vị trí của những người chơi vắng mặt trong một ván cờ Hiến tế lớn. Thông thường, tôi mô phỏng khoảng hai mươi lượt để dự báo thời tiết trong tương lai xa, sau đó mua quyền chọn phái phát sinh (Tức là quyền mua hoặc quyền bán) của mặt hàng nào có xu hướng kém rõ rệt. Chẳng bao lâu sau, tôi bắt đầu thấy thích thú với trò chơi này, chưa quá ham mê, nhưng rõ ràng là có. Sáu tháng trước, tôi gửi ngân hàng nửa triệu đầu tiên và bây giờ, tôi sắp mua được máy bay riêng. Nói đến chuyện này, tôi nghĩ bụng, mình phải thu lại ít tiền mới được, ý hay đấy. BÁN 3350 HỢP ĐỒNG GIAO THÁNG 12 với giá 223 trên THỊ TRƯỜNG vào GIỜ MỞ CỬA, tôi nhấp chuột. A ha. Tôi nhấn nút HOÀN TẤT GIAO DỊCH, đếm các con số không tới hai lần và lại ngả lưng xuống sàn.
Hết sảy, tôi nghĩ. U ra! Ta là CHÚA TỂ của cả cái vụ CHẾT TIỆT này! !! DOMINO EL MUNDO!! (Thống trị thế giới này! - tiếng Tây Ban Nha). Ta thống trị thế giới ảo!!! Rốt cuộc, tôi đã là kẻ ăn người chứ không phải để người ăn. Cứ như là hai con mắt vốn nằm ở hai bên đã di chuyển vào giữa khiến tôi nhìn thông tỏ mọi việc như một cái ống nhòm vậy. Là kẻ ăn thịt chứ không phải con mồi. Quỷ tha ma bắt nó đi. Các ngươi sẽ thấy Jed này giàu có xa xỉ đến mức nào.
Ừm, tiếp theo nên làm gì đây? Hừ, tôi tự nhủ, quyền lực vĩ đại đi liền với trách nhiệm to lớn. Tôi phải sử dụng khả năng của mình vào mục đích tốt.
Tôi gọi điện cho Todd Rosenthal của Nasples Motorsports(Hàng sản xuất và phân phối ô tô thể thao). Hắn là một con cú ăn đêm sớm và hắn đã vớ được mẻ làm ăn này.
- Được, tôi lấy con Cuda, - tôi nói. Đó là một chiếc Metalflake Aztec Red 1970, mui cứng hình bán cầu có thể gấp lại, khối xy-lanh đường kính 383, không kim loại tái chế, công nghệ điện tử tiên tiến, một con xe khổng lồ còn “zin” mà tôi đã để mắt đã lâu. Tôi mặc cả xuống còn 290 ngàn đô la. Todd nói hắn sẽ cho chuyển chiếc xe cùng toàn bộ giấy tờ đến vào lúc 9 giờ sáng, thế là tôi chẳng còn đủ thì giờ mà nghĩ lại. Xong.
Phào. Một việc đáng làm. Góp phần mình vào một thế giới tốt đẹp hơn. Tôi không muốn để một con khỉ làm xiếc (Ý nói kẻ phô trương lố bịch) nào đó mua được một kiệt tác nghệ thuật như thế này. Tôi đã có một chiếc “73 Road Runner” đỗ ngoài cửa, thêm một chiếc Barracuda gửi ở ga-ra Villanuevas, nhưng vẫn chưa thỏa mãn. Ý thích của tôi thuộc loại khác thường. Nhưng như vậy hay hơn là giống bình thường. Nào, thêm gì nữa nhỉ? Hay là một ngôi nhà nhỏ gần biển. Một khu đất tầm tầm thôi, với một ổ bánh mì, một bình nước cam, một bể san hô cá cảnh hai mươi ngàn ga-lông, một bể sục Jacuzzi năm ngàn ga-lông, hai cô nàng diễn viên khiêu dâm Nhật Bản và nhạc Rock Columbia triền miên. Những thú vui thật đơn giản. Những ả đàn bà Á Đông đàng điếm thì chỉ thích tiền trả ngay. No problemo (Không thành vấn đề - tiếng Tây Ba Nha).
Dĩ nhiên, cơn bốc đồng đó không kéo dài lâu. Hai giờ đồng hồ sau, tôi vẫn ngồi ở đúng chỗ yêu thích của mình trên sàn nhà, nhìn lên màn hình phía trên đầu và xem bói cho một khách hàng – một trong số ít người mà tôi không nỡ từ chối – Xơ Flor de Mayo, đến từ trường Grace Rural. Xơ đang băn khoăn suy tính liệu có nên nghỉ hưu trong năm nay hay không.
- ¿Podré caminar después de la operación ? (Sau phẫu thuật liệu tôi có đi lại được nữa không? - tiếng Tây Ban Nha)– Giọng nói già nua của bà xơ vọng qua thiết bị loa ngoài.
- Déme un momento (Xơ chờ con một phút), tôi đáp. Tôi gặp chút khó khăn vì lịch phẫu thuật của xơ ấy rơi vào buổi sáng, và vì một số lý do nào đó, trò chơi luôn tỏ ra hiệu quả hơn so với những sự việc xảy ra vào cuối ngày. – Estoy dispersando estas semillas amarillas y las semillas negras…(Con đang rải nốt chỗ hạt vàng và hạt đen này).
Thư tịch cổ. Từ đó bỗng nhiên nhảy vào dòng thứ tự ưu tiên trong cửa sổ tìm kiếm Google trên màn hình dùng cho việc giao dịch của tôi. Tôi nhấp chuột. Thường thì những gì xuất hiện ở đây đều được đăng tải từ những nguồn mà ít người biết tới, ví như Tổ chức nghiên cứu cổ Mesoamerican hay trang web Cyberslugs Webring, nhưng đây lại là một bài viết của tạp chí Times:
Cuốn sách cổ…
Oa, Tzam lic.
Cảm giác chớp giật dưới da.
Cuốn sách cổ còn nguyên giá trị
đến ngày nay
được giải mã tại Đức
“Thư tịch Nurnberg (thành phố nằm ở Đông Nam nước Đức) – một cuốn sách của người Maya dày tám mươi trang nằm lưu cữu và bám dày bụi từ những năm 1850 trong thư viện quốc gia Germanisches đặt tại thành phố rốt cuộc đã được giải mã.
Tấm ảnh chỉ chụp nửa trên một trang của cuốn sách Maya, một bức tranh tinh tế vẽ hình cái mà họ gọi là “Báo đốm hoa súng” nằm giữa những đường viền chạm khắc theo phong cách thời kỳ cổ Maya. Tức là những họa tiết đó có từ năm trước năm 900 Công nguyên.
Ni modos. Không thể nào, tôi nghĩ.
- ¿ Joaquinito? ¿ Está alli? (Joaquinito, cậu có ở đấy không?) – Tiếng Xơ Flor hỏi.
- ¿Mardre? Perdóneme,(Xơ đấy ư? Con xin lỗi) – tôi đáp, - No estoy teniendo mucha suerte con las calaveras esta noche. ¿Usted piensa que podría venir mañana y la intentaremos otra vez? (Tối nay con không may mắn lắm với các hạt sọ. Hay ngày mai sơ quay lại, chúng ta thử lại nhé?)
Xơ ấy trả lời dĩ nhiên, con thân mến. Tôi cảm ơn và đóng màn hình đó lại.
En todos modos (Đành vậy).
Tôi phóng to bức hình chụp cuốn sách – kể từ khi xuất hiện một thành tựu đỉnh cao của con người gọi là chuột laze Logitech, tôi chỉ cần vẩy môt ngón tay là làm xong việc ấy – và xoay cận cảnh vào những họa tiết hình con số. Hừm. Tôi thấy kiểu chữ này hơi có dáng dấp của thời kì hậu cổ điển. Tuy nhiên, nom nó không có vẻ gì là giả mạo cả. Những chữ giả mạo thường hoặc quá xấu, hoặc quá đẹp. Và theo tôi được biết, cuốn Thư tịch Nurnberg có xuất xứ khá rõ ràng. Người ta dự tính lên kế hoạch giải mã cuốn sách này từ ít nhất là năm mươi năm nay. Có lẽ đó là một cuốn sách từ thời cổ được sao chép vào thời kỳ hậu cổ điển…
Hừm.
Một nhóm ký hiệu ngày tháng có vẻ hơi nhòe. Tôi phóng to lên và tăng độ nét. Nó hơi mờ nhưng hình như là Chim đuôi seo 7, Dơi 7, 12.19.17.7.7, tức là ngày mùng 2 tháng 6 năm 2010, trùng với thời điểm xảy ra vụ sập máy gia tốc phân tử tại trường đại học Công nghệ Mixteca tại Oaxaca (Một bang của Mexico). Hai thành viên của một tổ chức Zapatista (Tổ chức thuộc phong trào Quân đội giải phóng miền Nam của Mexico) của người Tzotzil đã vào tù vì tội phá hoại, người ta cho là họ, bằng cách nào đó, đã gây ra vụ việc này, nhưng tôi và tất cả những người có suy nghĩ đúng đắn đều cho rằng họ vô tội. Cảnh tượng khu vực bị sập nhìn từ trên cao cho thấy một khoảnh đất rộng khoảng hơn nửa dặm bị khoét nông, bao quanh bởi một viền cát bị nung nóng chảy thành chất thủy tinh màu xanh tối.
Hừm…
Sau khi rời Tân Thế Giới để đến với châu âu, những trang sách làm từ vỏ cây sung – có lẽ được viết từ hơn một ngàn năm trước – dã dính chặt lại với nhau trong nhiều thế kỷ thành một thứ gần như cục gạch cứng. Trước đây, các nhà nghiên cứu không sao tách được các trang giấy được xếp gấp lại do người Maya đã sử dụng kỹ thuật in với một hợp chất dính như keo làm từ da sống của động vật. Giải pháp là: Kính hiển vi âm học chụp xuyên thấu hay STAM, một thiết bị có khả năng “nhìn thấy” mực xuyên qua các trang giấy dính nhau.
“Đây là sự kiện lớn nhất trong lĩnh này của chúng tôi kể từ sau lần phát hiện ra quần thể lâu dài của trung tâm nghiên cứu Mesoamerica tại trường đại học Central Florida kiêm giám đốc dự án giải mã cuốn sách, cho biết, - “Rất ít di khảo văn tự của người Maya sống sót được qua thời kỳ chinh phục”. Ý ông ta ám chỉ cuộc chinh phục châu Mỹ của người Tây Ban Nha bắt đầu vào khoảng năm 1500 Công nguyên.
Ôi chao, cuộc chinh phục châu Mỹ!
Cuốn thư tịch (nhiều nội dung sẽ được đăng tải trên tạp chí Dân tộc học đầy uy tín vào năm tới) là một trong bốn “cuốn sách” duy nhất của người Maya thoát khỏi tay các thế lực Thiên chúa giáo.
Weiner và nhóm nghiên cứu của ông đến nay vẫn chưa tiết lộ nội dung chính xác của văn bản dưới dạng chạm khắc trong cuốn sách. Tuy nhiên, trong giới học giả Maya đã xuất hiện tin đồn rằng trong cuốn sách có một bức vẽ mô tả “cách bố trí bàn bói toán” hình chữ thập, đó là một loại trò chơi dùng để đoán trước tương lai, cùng một chuỗi những dự đoán chính xác đến kỳ lạ những thảm họa có thật, rất nhiều trong số đó xảy ra hàng thế kỷ sau khi cuốn sách được viết ra.
Người Maya hưng thịnh ở khu vực Trung Mỹ từ khoảng năm 200 Công nguyên và những điều thần bí của họ suy tàn vào năm 900. Nền văn minh của họ phát triển rất cao với hệ thống chữ viết phức tạp và nền toán học, thiên văn học, kiến trúc, xây dựng bậc thầy, bằng chứng là những kim tự tháp đồ sộ được xây dựng khắp nơi, từ Honduras đến bán đảo du lịch thời thượng. Nét bí ẩn hơn nằm trong đời sống tâm linh độc đáo của họ với những nghi lễ đẫm máu và tục hiến sinh, cũng như hệ thống lịch liên hoàn phức tạp, có khả năng dõi theo diễn biến của các vì sao và dự đoán những sự việc sẽ xảy ra trên mặt đất trong tương lai xa. Ít nhất, một trong những ngày tháng đó từ lâu đã trở nên quen thuộc với giới học giả Maya và trong vài năm trở lại đây, cũng đã được giới không chuyên biết đến: đó là ngày 21 tháng 12 năm 2-12, với cái tên quen thuộc hơn là ngày Chúa tể 4.
Ý họ là ngày Kan Ahau, Ox K’ank’in, tức là ngày Chúa tể 4, Gân vàng 3, 13.0.0.0.0. Lại một tin đồn thất thiệt về ngày tận thế. Rõ lũ ngốc.
Có lẽ tôi nên kể chuyện này, từ hồi còn học lớp bảy, tôi đã có vấn đề tương đối lớn với cái ngày này. Thiên hạ lúc nào cũng hỏi tôi về nó và tôi cứ phải giải thích mãi rằng việc coi ngày đó là ngày phân xử cuối cùng là một cách lý giải cực kỳ, cực kỳ cường điệu. Ngày 21 là một ngày hệ trọng, điều đó không phải bàn cãi, nhưng nó không nhất thiết phải là ngày chấm dứt một điều gì đó, chứ chưa nói đến chấm dứt tất cả mọi điều. Nó trở nên to chuyện chẳng qua vì đời có quá nhiều kẻ cuồng tín ngu xuẩn, và họ thất vọng vì chả có mấy thảm họa xẩy ra vào thời điểm chuyển giao giữa hai thiên niên kỷ theo Tây lịch, và họ lại hoàn toàn không ngờ đến sự kiện 11 tháng 9. Vì thế họ phải moi ra cho một ngày khác hợp lý để làm ngày tận thế. Khi nào thế giới đi đến hồi kết thúc thì nhà thờ chắc chắn sẽ lên ngôi. Bởi vì, các bạn biết đấy, cứu rỗi để làm gì nào? Một trò lừa đảo cũ rích nhưng chưa bao giờ lỗi thời.
Nếu anh tình cờ có dù chỉ một phần tám dòng máu thổ dân bản địa trong người, anh sẽ hiểu thế nào là cảnh những kẻ đầu óc rỗng tuyếch tìm đến mình và cư xử như thể người anh bốc ra mùi linh thiêng vậy. Nếu một nhân vật thổ dân xuất hiện trong phim thì đến chín mươi tám phần trăm khả năng anh ta có khả năng ngoại cảm, nếu không thì là biết di chuyển đồ vật từ xa, bàn tay chữa lành được vết thương, đôi khi còn có cả mắt sau gáy. Và thứ nhảm nhí về năm 2012 là quá đáng nhất. Mỗi người suy diễn một kiểu, và điểm chung duy nhất giữa các cách suy diễn đó là tất cả đều sai. Nào là người Maya phát hiện được một hành tinh sẽ va vào trái đất vào ngày đó. Nào là người Maya đã rời thành phố của họ để bay lên sao Kim và họ sẽ quay về vào khoảng thời gian đó. Nào là người Maya biết ngày hôm đó sẽ xảy ra một trận động đất, một trận núi lửa phun trào,một trận dịch bệnh, trái đất sẽ quay về kỉ băng hà trong chớp mắt, nước biển cạn bất thình lình, hoặc cả năm thứ trên. Nào là họ biết đến ngày đó, hai cực trái đất sẽ đảo ngược. Nào là đến ngày đó mặt trời vàng của chúng ta sẽ tắt và mặt trời xanh lam sẽ thay thế. Nào là Quetzalcoatl (Đấng sáng thế, vị thần bầu trời theo quan niệm cũ của người Aztec) sẽ trở về trong một cơn lốc xoáy đa chiều, trên một chiếc đĩa bay màu xanh ngọc. Nào là thể hợp nhất thăng hoa của năm nhân tố vũ trụ là đại dương, bầu trời, mặt đất, thánh thần và sự thật sẽ được tự động gieo rắc khắp nơi nhờ thể plasma vũ trụ. Nào là thời gian sẽ quay trở lại điểm xuất phát. Nào là bò rừng châu Âu và voi răng mấu sẽ chạy loạn trên đường cao tốc I – 95. Nào là lục địa Mu bị chìm đắm sẽ nổi lên từ nền đứt gãy Galápagos (một nền địa chất nằm dưới đáy biển). Nào là Joseph Smith Jr (Vị tiên tri giáo chủ đầu tiên của dòng Thánh Ngày Cuối) – vị thánh vĩ đại không kém gì một Madhi (Hậu duệ của đấng tiên tri Mohamad theo quan niệm của người Hồi giáo Shia) thực sự sẽ xuất hiện trên đỉnh Golan trong chiếc áo phông in hình ban nhạc U2. Nào là Shirley MacLaine (Diễn viên điện ảnh người Mỹ) sẽ trút bỏ bộ lốt con người và hiện nguyên hình là Minona (Vị nữ thần châu Phi, chuyên coi sóc mùa màng và bảo vệ thế giới), hay Minerva(Tên khác của nữ thần Athena trong thần thoại Hy Lạp), hay Mama Cocha (“Mẹ biển” – nữ thần của biển khơi theo truyền thuyết của người Inca), hay Yoko (Tinh cáo, theo quan niệm của người Nhật Bản), hay Mori (Thần rừng, theo quan niệm của người Nhật Bản), hay Mariammar, hay Mbabamuwana, hay Minihaha (Các vị thần trong tín ngưỡng của thổ dân Bắc Mỹ). Nào là diễn viên Scarlett Johansson sẽ đẻ ra một con bò rừng trắng như tuyết. Nào là chỉ số chứng khoán NASDAQ sẽ chạm mức 3.000 điểm. Nào là lợn sẽ biết bay, ăn mày sẽ đổi vận, mèo lại hoàn mèo, vân vân và vân vân.
Tuy vậy, mặt khác, các bạn cũng phải công nhận rằng tính chính xác của ngày tháng, ngày 21 tháng 12 năm 2012, thực sự ẩn chứa điều gì đó đặc biệt gở, khiến người ta có cảm giác ghê ghê. Ý tôi là nó không giống những lời sấm mở của Nostradamus(Chiêm tinh gia người Pháp nổi tiếng với những lời sấm khó hiểu) mà người ta có thể suy diễn thành bất cứ thứ gì và thứ gì nghe cũng có vẻ hợp lý. Cố nhiên, chúng tôi, tức là người Maya chúng tôi, luôn khá tự tin với tiên đoán của mình.
Đó là ngày mà người ta chờ đợi đã lâu, ngày cuối cùng trong hệ thống lịch Long Count, hệ thống lịch tế chuẩn xác một cách đáng kinh ngạc của người Maya, có thể suy ra theo lịch Thiên chúa giáo một cách chính xác. Một năm nữa, vào ngày đó, vòng quay thời gian của người Maya sẽ kết thúc.
Thái độ của Weiner đối với viễn cảnh tận thế rất thờ ơ: “Chúng tôi chưa có kế hoạch công bố kết quả nghiên cứu sau ít nhất là một năm nữa, chúng tôi muốn hoàn tất việc nghiên cứu trước. Tuy nhiên, trước tất cả những lời đồn đại về vụ sao chổi kia, tôi nghĩ chúng tôi đã công bố một vài kết quả thú vị liên quan đến Ixchel”.
Liệu có phải người Maya đã dựa vào chu kỳ xuất hiện của sao chổi Exchel để tính lịch? Các nhà thiên văn học của trường đại học Swinburne, bang New South Wales, những người phát hiện ra ngôi sao chổi này và đặt tên nó theo tên của nữ thần Ixchel(Nữ thần dưới lốt báo đốm, bảo trợ việc sinh nở và chữa bệnh trong văn hóa cổ của người Maya), hẳn nhiên nghĩ vậy. Sao chổi Ixchel có chu kỳ quay quanh mặt trời – hay quỹ đạo – là 5.125 năm, lần gần đây nhất nó xuất hiện là vào năm 3011 trước công nguyên (tương ứng với năm thứ nhất theo lịch Long Count của người Maya), chẳng bao lâu nữa người ta lại có thể quan sát được nó bằng mắt thường. Nếu có dân tộc cổ đại nào quan tâm tìm hiểu sự trở lại của nó thì chính là dân tộc Maya. Những người nhất quyết tin vào ngày tận thế sẽ phải tìm một hiểm họa khác thôi, vì khối đá lẫn khí đóng băng đó sẽ đâm trượt mục tiêu trái đất ít nhất năm mươi ngàn dặm.
Đối với 2,3 triệu người Maya hiện đang sinh sống tại khu vực Trung Mỹ ngày đó đánh dấu một sự kiện thực tế hơn: ngày 21 được chốt là ngày cuối cùng cho những vòng đàm phán trong nỗ lực gia hạn hiệp ước giữa đất nước Trung Mỹ nhỏ bé Belize, chính phủ bảo hộ Anh quốc và nước cộng hòa Guatemala; vào năm 2010, Guatemala đã lần thứ tư trong suốt một trăm năm bất đồng, lên tiếng đòi Belize trở thành departamento (hay bang) thứ 21 của họ.
Nếu cơ hội ấy qua đi, thì ngày 21 sẽ mang đến một kỷ nguyên thảm họa mới cho người Maya, nhưng một nghị quyết mới có thể mở đầu một kỷ nguyên hòa bình ở vùng đất hỗn loạn này.
Những nỗ lực của Mỹ trong việc thúc đẩy tiến trình hòa bình đã bị phức tạp hóa bởi thực tế là chính phủ Mexico quy trách nhiệm về vụ sập máy gia tốc hồi năm 2010 tại thành phố Huajapan de Leson, bang Oxanca khiến hơn 30.000 người thiệt mạng, cho các tổ chức đấu tranh cho quyền lợi của dân bản xứ của những người theo phong trào Zapatist và các tổ chức cách mạng của người da đỏ hoạt động tại Guatemala và Belize. Nếu tình hình khu vực không được ổn định, sẽ xảy ra một rắc rối nữa liên quan đến truyền thông: ủy ban Olympic thế giới có thể sẽ dành quyền đăng cai Olympic Mùa hè 2020 cho một địa điểm khác chứ không phải Belize.
Vậy Thư tịch Nurnbreg chứa đựng những manh mối gì? Ngoài các thông số thiên văn học quen thuộc như trong các văn tự Maya khác, được biết cuốn sách còn nhắc đến ngày tháng xảy vụ sập máy gia tốc và một sự kiện thiên văn nào dó rất có thể liên quan đến sao chổi Ixchel. Nhưng việc tiên đoán tương lai dựa trên hình ảnh của các “con giáp” như thỏ, rết…
Oa.
Vệt chớp tzam lic quen thuộc bên đùi trái của tôi. Có điều gì đó không ổn ở từ cuối cùng đó. Rết.
Tôi không nắm bắt được điều không ổn đó là gì, nhưng chắc chắn nếu tôi càng cố thì nó sẽ càng tuột đi. Quay lại chuyện ấy sau vậy.
… rết, hươu xanh lam và báo đốm xanh lục thì quả là hơi cường điệu. Ít nhất thì việc giải đoán cũng sẽ là một quy trình dài khó khăn.
Ngoài Thư tịch, liệu bản thân trò chơi bói toán có gì để chúng ta tìm hiểu không? Giáo sư Mora, nhà vật lý học kiêm chuyên gia nghiên cứu các loại hình bói toán, người đã và đang nghiên cứu trò chơi của người Maya với sự giúp đỡ của Weiner, cho điều đó là hiển nhiên. Vị giáo sư này tuy sáu mươi tám tuổi nhưng vẫn còn rất hăng hái, vẫn làm việc mười tám tiếng một ngày và dành phần lớn số thời gian đó để “dạy máy tính cách tự học”. Ông tỏ ra vô cùng phân khích trước những điều có thể khám phá.
“Có rất nhiều điều để chúng ta học hỏi trong những phương pháp tiếp cận khoa học cổ xưa”, - Mora cho biết, - “Chúng ta đang sử dụng trò cờ vây (một trò chơi chiến thuật cổ truyền của người Nhật Bản) để phát triển những nhận thức cơ bản cho máy tính, cũng như vậy, ta có thể dùng các trò chơi khác để dạy máy tính những vấn đề khác”
Đúng đường rồi đấy, Tar thân mến . Đấy đúng là đường để đi sâu đấy, nếu ngài thực sự muốn nghiên cứu.
Khi được hỏi liệu trò chơi có ẩn giấu điều tiên liệu nào về sự chấm dứt tồn tại của thế giới không, giáo sư Mora đã hài hước trả lời rằng: “Không, nhưng nếu vũ trụ thực sự biến mất thì ít nhất chúng ta cũng biết là người Maya đã biết trước điều đó”.
Liệu “ngày cuối cùng” có báo trước biến cố gì không hay đối với tín ngưỡng của người Maya, hay thậm chí đối với cả thế giới? Nếu vậy, chúng ta phải làm gì?
Câu trả lời chung của nhiều người có thể sẽ là: “Nhập gia tùy tục, hãy làm như người Maya”. Hàng ngàn người thuộc đủ thành phần từ khắp nơi trên thế giới đang lên kế hoạch đến Chichén Itzá và các khu di tích Maya nổi tiếng khác để chờ đợi giây phút nhìn thấy ngôi sao chổi, chào đón bình minh và cầu khẩn các vị thần ban cho con người tồn tại thêm năm trăm năm có lẻ nữa. Còn phần lớn chúng ta, tuy không đi quá xa như thế, nhưng chúng ta cũng nên sẵn lòng xem xét khả năng của những người Maya bí ẩn kia thực sự có khả năng nhìn xa đến tương lai của họ… và có thể là của chúng ta nữa.
Pendejos (Lũ ngốc – tiếng Tây Ban Nha), tôi nghĩ. Đồ đần độn.
Không, chờ đã. Tôi mới là người đần độn.
Tôi đã bỏ Taro lại một mình đúng vào giờ phút – không, đúng những năm tháng – mà ông ta đã bắt đầu đi đúng hướng. Tôi cảm giác như đã ôm một cổ phiếu trong suốt ba mươi năm và bán đi ngay trước lúc nó lên giá.
Hừm , - tôi nghĩ, - tôi không thể chờ đến lúc các anh quyết định công bố kết quả được. Tôi muốn nhìn thấy bàn cờ đó ngay phút này. Ngay giây này. Ngay tích tắc này.
Tôi tìm trang web của Taro. Trong đó thông báo ông ta đang làm việc ở trường đại học Central Floria – UCF, và rằng phòng thí nghiệm của ông ta hiện đang được tài trợ bởi Chương trình trao đổi giữa doanh nghiệp và UCF – tôi chỉ cần tọc mạch một chút là tìm hiểu ra – đến từ Ban mô hình thảm họa của Phòng mô phỏng giao dịch thuộc Tập đoàn Đầu tư Warren. Tôi nhớ công ty này vì họ thuê rất nhiều lao động ở thành phố Salt Lake, tôi đã đọc trên tờ Barron’s rằng vài năm trước họ có chút vấn đề đạo đức liên quan đến năng lượng thay thế gì đó. Chậc, sao cũng được.
Tôi thử lại mật khẩu được Taro cấp trước kia. Nó vẫn hoạt động và cho phép tôi tiếp cận hòm thư cá nhân của ông ta. Tôi không thể nghĩ ra câu xin lỗi nào khác nên chỉ viết rằng tôi đã đọc bài báo và tự hỏi liệu có thể đến gặp ông ta hay không, ngay hôm nay chẳng hạn. “Gửi đi”, tôi ra lệnh. Bức thư được gửi đi.
Estas bien (Tốt rồi – Tiếng Tây Ban Nha). Tôi chuyển màn hình sang chế độ kiểm tra các bể cá cảnh. Máy tính thông báo bể Vịnh đang thiếu can-xi, nhưng tôi đã chẳng có hơi sức đâu giải quyết chuyện đó. Chắc gì ông ấy đã trả lời, tôi nghĩ. Không, ông ấy sẽ trả lời thôi. Thời buổi này có cái hay là anh có thể mất liên lạc với người nào đó suốt nhiều năm rồi lại gặp lại trong nháy mắt. Hoặc thậm chí chỉ trong nửa cái nháy mắt. Chỉ có điều anh sẽ phải viện ra nhiều lý do hơn thôi.
Hừm. Chúa tể 4. 21 tháng 12 năm 2012. Thế là lại thành to chuyện đây.
Ừ, thì chỉ cần chờ đến ngày 22 là biết. Chả có gì chóng rơi vào quên lãng hơn là một thảm họa không xảy ra.
Phải vậy không?
4
Chiếc Barracuda của tôi được lắp thêm tấm kính chắn gió di động, và trên đường đến thành phố Orlando, tôi tranh thủ tìm hiểu về nhà tài trợ mới của Taro: tập đoàn Warren. Té ra Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc của họ là Lindsay Warren, đại gia bất động sản và là nhà từ thiện lớn ở thành phố Salt Lake, người xây dựng các sân vận động phục vụ đại hội thể thao Olympic mùa Đông năm 2002. Tôi thường khám bệnh tại một bệnh viện mang tên ông ta. Có thể ông ta chính là nhà tài trợ cho Taro thông qua FARMS. “Đại gia đình công ty của Warren” đương nhiên là một trong những tập đoàn phát triển nhanh nhất nước Mỹ. Tuy nhiên, bốn năm trước, họ đã phải đóng cửa vì vỡ nợ, và theo những gì tôi biết, không ai rõ điều gì đã giải cứu họ. Có lẽ họ trở nên kếch xù nhanh chóng như vậy là nhờ trò chơi.
Warren có vòi bạch tuộc trong mọi lĩnh vực, từ những lĩnh vực thần bí cho đến những thứ rất đỗi bình thường. Họ sản xuất thiết bị và đồ lưu niệm thể thao. Họ phát triển các biện pháp thúc đẩy con người, các hệ thống quản lý nhân sự, các phần mềm “không gian kiến thức” và các trò giải trí tương tác, tất tần tật mọi thứ dành cho các khách hàng của cả một thế kỷ mới có vô số thời gian rảnh rỗi. Đúng vào thời điểm này, họ đang tung ra một sản phẩm gọi là “Sleeker”, hình như là một loại giày hoặc giày trượt không bánh xe, có độ ma sát thấp, chạy trên nền nhựa đường được xử lý đặc biệt. Họ cũng tham gia lĩnh vực không gian vũ trụ và hợp tác nghiên cứu. Năm 2008, một trong các phòng thí nghiệm thương mại của họ đã nổi rùm beng trên báo chí với tuyên bố rằng họ đã tạo ra được cái gọi là hố giun thu nhỏ. Thứ nổi đình nổi đám nhất mà họ nhắc đến là Giao thức chuyển đổi ý thức, theo người ta nói, nó sẽ lớn hơn cả Dự án nghiên cứu Gerome (Gerome: Tập hợp chứa toàn bộ thông tin di truyền) ở người, nhưng ít nhất phải một thập kỷ nữa mới xong. Tuy nhiên, theo báo cáo hàng năm gần đây nhất, dường như nguồn thu nhập chủ yếu của họ lại là các công trình giải trí – các bảo tàng danh nhân, công ty nhượng quyền thương mại eXtreme ParX và cái mà họ gọi là công nghiệp xây dựng hình ảnh xã hội. “Tập đoàn Warren là công ty phát triển bất động sản hàng đầu trong việc xây dựng cộng đồng chuyên biệt”, đó là dòng chữ ghi trên trang web của họ. Có lẽ Phòng mô phỏng giao dịch đã bắt tay vào chu kỳ tái xây dựng, người ta liên tục phá hủy mọi thứ còn họ thì cho ra đời những thứ đẹp như thời kỳ Phục hưng, và thế là họ nhận được hợp đồng xây dựng cộng đồng dành cho dân quanh năm ghiền phim Star Trek, và giờ đây, chỉ một thập kỷ sau, họ đã chiếm lĩnh tới 95% trong một khu phát triển dân cư mới rộng mười dặm vuông tên là Erewhynn, cách thành phố Orlando chừng năm mươi dặm về hướng Bắc. Người ta dự kiến nó sẽ giống như ngôi làng Cotswolds vào thế kỷ 18. Người dân sẽ tham dự các lớp học nghề thủ công và thổ ngữ Scotland, người ta sẽ tổ chức lễ thánh Mi-xen và các ngày hội tháng Năm và tất cả những lễ hội tương tự. Và họ còn có một khu cộng đồng chuyên biệt khác nữa có tên Blue Lagoon Reef, nằm trên một hòn đảo riêng thuộc quần đảo Bahamas. Có một khu phong kiến Nhật Bản ở Bắc Califonia. Có những nhà máy ủ rượu bia lớn ở châu Mỹ Latinh và vùng Viễn Đông. Một trang web có tên Warren Kinh Tởm tuyên truyền rằng tập đoàn Warren đang muốn xây dựng những đế quốc kinh doanh sử dụng những loại tiền tệ riêng và áp dụng những luật lệ riêng của mình, rằng họ đang chõ mũi vào các vấn đề chính trị, tuyên truyền thông qua giải trí và thay đổi suy nghĩ của chúng ta chẳng kém gì phong trào tái hợp bộ tộc và rằng, về cơ bản, họ kinh tởm.
Phòng thí nghiệm nằm trong khuôn viên của UCF tại một khu biệt lập xấu xí xây dựng theo lối trại ấp, hãy còn mới. Người ta vẫn còn thấy đường dây điện chạy trên mặt cỏ St. Augustine(St. Augustine: Loại cỏ được trồng ở nhiều nơi trên nước Mỹ) mới trồng. Mặc dù hôm nay mới là ngày đầu tiên sau lễ Giáng sinh nhưng hình như ai cũng đang làm việc. Chỗ nào cũng có những tay bảo vệ lực lưỡng như những con vượn. Họ cứ đứng bàn nhau mãi rồi cuối cùng mới gọi cho Taro qua cái đống tai nghe Bluetooth làm người trông cứ như gia súc vừa giết mổ xong. Đây, tôi đây, đã bỏ về đây, tôi nghĩ. Liệu ông ấy còn giận tôi không? Có khi cứ hỏi ông ấy. Này, ông còn giận tôi không? Không, đừng. Đừng làm ông ấy ngại. Hoặc làm chính mình ngượng mặt. Ông ấy có thể đoán ra là mày đã biết mày sai lầm. Mà có khi ông ấy đúng. Tôi biết tôi từng coi Taro chỉ là một thứ con buôn, và tôi từng cảm thấy chán ghét, nhưng nãy giờ tôi cũng không nhớ chính xác tại sao tôi lại cảm thấy thế.
Taro gặp tôi ở cửa thứ ba. Trông ông ta không già đi nhiều, nhưng trong trí nhớ của tôi, ông ta có tính tình tựa như vị thần Hotei (Hotei: Vị thần biểu trưng cho hạnh phúc và sự hài lòng trong tín ngưỡng của người Nhật Bản) vui tính, còn giờ đây ông ta giống Tuân Tử (Tuân tử: nhà tư tưởng của Trung quốc cuối thời Chiến Quốc) hơn, nghiêm nghị và khô khan hơn. Giống như tất cả những người gốc Nhật Bản, ông ta vẫn mặc chiếc áo choàng hồ bột xanh lơ dùng trong phòng thí nghiệm của trường đại học Tokyo.
- Rất vui được gặp anh – ông ta nói. Ông ta nắm lấy ta tôi một giây. Đối với ông ta, hành động đó trìu mến như liếm mặt tôi vậy. Bàn tay ông ta mềm mại, khô ráo, hơi gờn gợn lên như vỏ con ốc anh vũ.
- Rất vui được gặp ông – tôi đáp. Xem ra ông ta thực sự vui mừng khi gặp tôi. Ừ phải, ông ta là người chất phát – tôi tự nhủ. Nếu ông ấy nói vui thì có nghĩa là vui thật. Tôi những muốn ôm chầm lấy ông ta, nhưng thay vì vậy, tôi chỉ lắc lắc bàn tay khô ráo. Cả hai chúng tôi đều không thuộc loại thích biểu lộ tình cảm. Về mặt này, tôi không có tính cách của người Mỹ Latinh. Tôi có tính cách của thổ dân. Cũng như vậy, ông sếp mặt đá kia cũng không bày tỏ cảm xúc gì nhiều.
- Cảm ơn đã mời tôi đến đây, - tôi nói lí nhí, - ông biết đấy, tôi thấy có phần hơi ngại khi xuất hiện sau những chuyện đã xảy ra.
- Không sao đâu, đừng nên ngại, - ông ta đáp. Giọng ông ta không hề lơ lớ - ý tôi là ông ta nói cũng hơi giống giọng địa phương Oxbridge, nhưng không hề có âm sắc Nhật Bản – nhưng trong lối diễn đạt của ông ta rõ ràng có điều gì đó mách bảo ta rằng vẫn còn ẩn chứa ngôn ngữ của người Đông Á. – Tôi biết mọi chuyện đôi khi rất khó khăn.
Mặc dù không muốn, tôi vẫn bất giác mơ hồ cảm thấy một luồng ấm áp, hình dung như anh là một muỗng kem và có ai đó rắc kẹo bơ nóng lên khắp mình. Tôi rất ghét mỗi lần có cảm giác ấy. Tình cảm thầy trò hẳn là thứ quan hệ kỳ khôi nhất trên đời. Hừm, có thể ông ta đã đoán tôi sẽ liên lạc lại ngay khi đọc bài báo trên tạp chí Times.
- Ta đi xem vật thí nghiệm tí chứ? – Taro hỏi.
- Hay quá – tôi đáp.
Xuống phòng thí nghiệm. Xem có gì mới nào!
Chúng tôi đi qua hai lớp cửa nữa và bước vào một thang máy đóng chốt. Brừ. Trong này lạnh cóng. Chúng tôi đi qua ba tầng để xuống tầng hầm phụ. Phòng lạnh của Taro nằm cuối một căn sảnh dài. Tôi cảm giác khu liên hợp này chủ yếu dành cho việc nghiên cứu và phát triển công nghiệp. Có những cánh cửa với những cái tên như “phản ứng xúc giác” hay “vật liệu ít ma sát”. Taro đưa bàn tay lên trước chiếc máy soi và cánh cửa rít lên khe khẽ, mở ra.
Căn phòng nom rộng chừng bốn mươi mốt feet rưỡi, trần cao mười tám feet, toàn bộ màu trắng tinh với những điểm nhấn màu ngà và hàng ngàn luồng sáng huỳnh quang không tạo bóng. Thứ duy nhất nổi bật là chiếc máy tính lớn nằm giữa phòng: một chiếc bể Lucite trong suốt to bằng khoảng chiếc xe tải Ford Explorer nằm phía sau. LEON, tên gọi tắt của Máy tự học 1.9, nằm lơ lửng trong bể, đó là một vật màu đen trông giống như chiếc tủ đồng hồ. Những cuộn ống và dây nhợ từ dưới gầm bể chạy ngang nền nhà lát epoxy đến một chỗ đống nào máy tạo chất làm lạnh, Ehoim và các ổ đĩa Acer 6000, tất cả được xếp dựa vào một trong bốn bức tường xỉ không cửa sổ. Bốn vị sinh viên cao học chẳng rõ là nam hay nữ tất bật bên máy tính đặt trong góc phòng, vừa gõ vừa tự lẩm bẩm một mình bằng thứ ngôn ngữ của máy móc.
- Chúng tôi đã thay thế phần lớn các chip Silicon bằng chấtgermani hóa lỏng, - Taro nói, nhưng hao tổn nhiệt vẫn lên tới gần ba trăm oát. Vì thế, hiện giờ chúng tôi phải làm lạnh nó như ướp tôm đồng vậy. Chất lỏng làm lạnh chính là loại huyết tương người ta vẫn dùng để truyền máu nhân tạo đấy.
Ông ta dẫn tôi đến xem cái bể như dẫn khách du lịch thăm quan tượng đài đá vậy. Tôi nhòm vào. Nhìn gần, có thể thấy cỗ máy màu đen đó không phải là một khối mà là những bảng mạch màu đen mỏng như tờ giấy xếp thành chồng cao, mỗi tấm rộng chừng ba feet vuông và cách nhau một phần tư inch. Những làn hơi nóng tỏa ra từ các lớp bản mạch dưới nước nom giống như hơi nhiễu xạ bốc lên trên đường cao tốc vào mùa hè.
- À há, hay thật đấy – tôi nói. Demonio, cái phòng này lạnh thật. Nhiệt độ chỉ khoảng 60oF (60oF: Khoảng hơn 15oC). Mình đến phải đắp chăn mất, - tôi nghĩ. Cứ như chích liền hai liều Tres Aflos vậy. Brừ…ừ.
- Dĩ nhiên đây chỉ là cây CPU thôi, các ổ đĩa nằm ở một tòa nhà khác. Còn thiết bị lưu trữ thì… ờ, tôi không biết tất cả các thiết bị lưu trữ ở đâu. Dễ là ở Hàn Quốc.
- Tốc độ xử lý thế nào? – Tôi hỏi.
- Ngay bây giờ thì nó đạt khoảng sáu triệu tỷ phép tính một giây.
- Ái chà.
Nghe có vẻ xa xỉ đây, tôi nghĩ thầm trong bụng.
- Hiện LEON đang mô phỏng giả định hai trăm năm mươi sáu thế giới ảo sớm hơn thế giới thực của chúng ta mười phút. Và đối với mỗi thế giới giả định đó, nó xử lý đồng thời hơn năm tỷ trường hợp phát sinh của cờ Hiến tế. Mỗi trường hợp có ba lựa chọn.
- Ông mô phỏng đồng thời bao nhiêu giao dịch? – Tôi hỏi.
- Áng chừng hai mươi ngàn giao dịch một ngày, - ông ta đáp, - tôi không biết về giao dịch thực tế.
- À, - tôi nói. Đó là một điểm rất hay trong tính cách của Taro. Hầu hết những người khác sẽ lảng tránh và hỏi lại một câu đại loại như: “Anh nghe được ở đâu chúng tôi đang mô phỏng giao dịch thế?”. Nhưng ông ta thì không có cái kiểu ấy.
- Anh muốn chơi cùng LEON một ván không?
Tôi trả lời rằng có.
- Anh đã chơi với ba viên đá bao giờ chưa?
Tôi trả lời rằng đã. Tôi nghĩ là tôi đã giải thích cách chơi này rồi: nghĩa là người chơi sử dụng ba viên đá, một viên tượng trưng cho điều thực sự sẽ xảy ra, quân cờ này sẽ chạy trốn hai viên đá còn lại tượng trưng cho các khả năng khác có thể xảy ra. Điểm mấu chốt là, nó không phải chỉ khó hơn cách chơi một viên đá có ba lần. Nó được nhân lên tới 33 lần, có nghĩa là khó gấp 27 lần. Nó cũng giống như khi chơi cờ vua, xử lý ba nước thì khó hơn rất, rất nhiều lần so với nước đôi. Vì thế, tôi thường chỉ dùng hai viên đá. Nhưng tôi cũng có tìm hiểu cách chơi với ba viên. Tôi nghĩ kiểu gì tôi cũng xoay sở được với cái máy tính ấy. Thật đấy, máy tính làm sao chơi được trò chơi này cho ra hồn chứ.
Taro kê một chiếc ghế đẩu và tôi ngồi xuống trước màn hình 3-D NEC cũ. Taro nâng ghế của mình lên mặt bàn làm việc bằng fooc-mi-ca và bắt đầu gõ tay lên bề mặt chuột cảm ứng.
- Anh biết não người trung bình xử lý được hai tỷ phép tính một giây chứ? – Ông ta hỏi giữa những tiếng gõ tap tap.
- Ừm, thế thì đạt được mức trung bình cũng vất vả đấy, - tôi đáp.
- Và sau đó chúng tôi sẽ đưa ra sáu hoặc tám tỷ phép tính của riêng chúng tôi để tạo ra thế song song.
Tôi gật đầu, làm như tự tôi cũng biết điều đó.
- Tiếp nữa, chúng tôi phải làm sao chúng thành hai để lưu trữ và dự phòng cho an toàn. Như thế chúng ta đạt được tốc độ hai mươi tỷ phép tính một giây. Nếu cứ chạy với tốc độ bình thường thì chúng ta không phải lưu trữ gì trong LEON cả, và thế là đủ.
- Rất tuyệt, - tôi nói.
Nhưng đủ cho cái gì, tôi băn khoăn tự hỏi. Đủ để tạo ra một vật vô cơ thuộc loài thượng đẳng biết tất cả mọi thứ trên đời ư? Ừ, chí ít thì đến lúc đó tôi cũng sẽ có người để trò chuyện cùng. Phải, nếu có cuộc tranh chấp cuối cùng giữa con người và máy móc, tôi biết tôi sẽ đứng về phe nào…
- Nhưng tôi nghĩ nó không thể thắng được đối thủ là con người – Taro nói – Ngay cả khi LEON có bộ não lớn như của con người… điều đó cũng không có nghĩa là nó sẽ có được trực giác như bộ não của con người.
Cờ Hiến tế giống cờ vây chứ không giống cờ vua, vì thế con người có thể chơi giỏi hơn máy tính rất nhiều. Một người chơi dưới trung bình vẫn có thể đánh thắng được chương trình cờ vây thông minh nhất thế giới. Cờ vây là trò chơi có tính mô tả cao, gần với cái mà dân lập trình gọi là môi trường sạch. Cờ Hiến tế còn mạch lạc hơn rất nhiều, liên quan đến đời thực hơn rất nhiều, vì thế cũng khó lường hơn ít nhất là vài triệu lần.
- Ấy, ông chớ tự đánh giá thấp mình như thế - tôi nói – ít ra là trước các hội đồng tài trợ…
- Tự họ cũng đoán được điều ấy rồi – ông ta đáp. – Thế cho nên chúng ta mới phải… hợp tác với doanh nghiệp như thế này.LEON có vai trò chủ yếu là hỗ trợ thôi. – Ông ta lại kéo tôi đến chỗ một dãy màn hình OLED. – Nó cải thiện khả năng của những người đếm mặt trời mới và nghề. Giống như cờ vua nâng cao ấy. (Đó là cách chơi cờ trong đó người chơi đánh cờ với sự tham vấn của hai máy tính).
Tôi gật đầu.
Ông ta ngồi xuống. Tôi cũng ngồi xuống.
- Chúng tôi đang làm việc với năm sinh viên – ông ta nói. – Hai trong số họ học chơi cờ Hiến tế từ cộng đồng người Maya, số còn lại được đào tạo ngay tại đây. Một người tỏ ra rất hứa hẹn, tuy trước đó anh ta chưa từng làm người đếm mặt trời.
Tôi chờ ông ta nói câu: “Nhưng anh ta không xách dép được cho anh đâu, anh là số một”.
Nhưng ông ta không nói. Thay vào đó, ông ta chỉ cho tôi xem mấy cái biểu đồ và chỉ ra những quãng biểu đồ đi lên tại những khoảng mà chúng tôi gọi một cách hoa mỹ là “không gian sự kiện toàn cầu”. Nói tóm lại, các biểu đồ đó khẳng định rằng cờ Hiến tế phát huy hiệu quả nhất khi dự báo về phản ứng của các nhóm người trước các tình huống khủng hoảng.
- Điều này cố nhiên vẫn rất hữu ích, - Taro nói, - và trong tương lai nó sẽ đem lại lợi ích vô cùng lớn.
Nhưng nó không phải là loại dự đoán mà những người tài trợ cho Taro cần. Ví dụ, nó không dự đoán được thị trường mà chỉ tiên liệu được hoạt động của các đối tượng tham gia thị trường. Các bạn sẽ nghĩ như vậy chẳng khác gì nhau vì thị trường phụ thuộc vào tâm lý con người. Nhưng thực tế còn nhiều yếu tố phi con người khác có ảnh hưởng đến sự lên xuống của thị trường như công nghiệp đình trệ, nguồn vốn, thời tiết, vân vân và vân vân, và để kết nối những hiện tượng đó với yếu tố tâm lý thì cần khả năng suy diễn. Dạy cho máy tính khả năng đó là vô cùng khó, có khi là không thể.
Vì vậy, Taro đang vấp phải vấn đề đại thể như tôi trước kia… nhưng, - tôi ngẫm nghĩ, - …hừ-ừm. Cứ cho là các giao dịch mô phỏng của họ chiếm trung bình 0,02 phần trăm toàn thị trường thì như vậy vẫn đủ để một công ty kiếm vài triệu đô vài phút. Thời buổi này, chỉ một chút lợi thế thôi cũng đủ biến bất cứ ai thành một con quái vật ngốn sạch thị trường. Tập đoàn Warren chắc đang trên đường trở thành công ty giàu nhất thế giới. Tuy các bạn sẽ nghĩ đáng ra họ phải giàu hơn rồi chứ. Có lẽ họ đã chi tiêu nhiều hơn báo cáo. Điều đó cũng giải thích tại sao họ quá kín tiếng về cờ Hiến tế như vậy. Nếu không vì lý do đặc biệt nào đó thì hẳn họ đã làm rùm beng khắp nơi thành quả của vụ đầu tư này rồi chứ. Bây giờ người ta không vội vàng phủ nhận những nghiên cứu về trò chơi nữa. Hễ có là người ta đều cố giành lấy một miếng ngay. Ai cũng muốn thuê một Johnny von Neumann (Johnny von Neumann: Nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu lý thuyết trò chơi) thứ hai.
Hay có khi họ không muốn xoay tiền của kẻ khác, họ muốn làm sinh sôi tiền của chính mình chẳng hạn. Có khi Lindsay Warren cùng vài thành viên hội đồng quản trị khác muốn tranh thủ mua lại cổ phiếu đang giao dịch ngoài thị trường trước khi thông tin được hé ra. Hay có khi họ lo ngại nếu chính phủ phát hiện ra họ đang nắm giữ điều gì đó có thể hữu ích cho quân đội, họ sẽ bị tịch thu mất. Điều đó cũng đang lo ngại tí chút chứ, phải vậy không? Giả sử Warren và một vài người nào đó phát triển được trò chơi trên một mức cao hơn thì sẽ xảy ra chuyện gì nhỉ? Họ rốt cuộc sẽ sở hữu tất cả mọi thứ và nắm trong tay toàn bộ thế giới ư? Nếu thế chẳng khác gì Taro đang chỉ huy dự án Manhattan(Dự ánManhattan: Dự án liên minh giữa Mỹ, Anh và Canada nhằm sản xuất vũ khí hạt nhân trong thế chiến II), chỉ khác cái là ông ta được một công ty tư nhân tài trợ thay vì làm việc cho Bộ Chiến tranh.
Có lẽ tôi nên đưa tất cả những gì tôi biết về cờ Hiến tế lên mạng. Có lẽ ngay hôm nay. Tôi đã suy nghĩ việc này một thời gian và đã viết ra gần hết. Như vậy chí ít mọi người đều biết bí mật đó. Nhưng tôi vẫn chần chừ chưa làm được vì… ờ, vì vài lý do. Tôi cảm giác mình vẫn chưa nắm bắt được tất cả. Trò chơi vẫn rất khó học và để chơi giỏi thì còn khó hơn. Vả lại, tôi còn vài việc cần lo cho bản thân trước thu hút sự chú ý của thiên hạ, nhưng có lẽ tôi nên thành thật với bạn đọc, vì chúng ta cũng quen nhau hơn chút ít rồi – sự thật tôi đang tiết kiệm một chút ít tiền để nặc danh thuê người tẩn García Torres. Nhưng thời buổi này làm việc đó không dễ vì người được thuê luôn tìm cách kéo anh vào cuộc cho dù họ mới là người thực hiện công việc. Tuy nhiên, tôi nghĩ… nhưng mà, còn một sự nữa, đó là tôi không chắc công bố cho toàn thế giới biết về cờ Hiến tế có phải là cách tốt nhất hay không. Biết đâu lại như vũ khí hạt nhân ấy, để cho cánh chính trị gian xảo sở hữu đã tồi tệ rồi, như thế vẫn còn hơn là giao nó cho tất cả lũ gàn dở trên hành tinh này. Hừ-ừm, hừ-ừm, hừ-ừm…
Còn một chuyện nữa, nếu Warren đang cố giữ kín chuyện này thì tại sao họ lại để Taro trả lời phỏng vấn trên tại chí Times? Nếu họ không thể ngăn việc công bố cuốn Thư tịch vì đã có quá nhiều nhà nghiên cứu Maya biết về nó, họ chỉ yêu cầu ông ta nói điều gì đó vô thưởng vô phạt…
- Anh muốn xem bàn cờ chúng tôi đang sử dụng không? – Taro hỏi.
Tôi đáp dĩ nhiên.
- Đáng ra tôi không nên cho anh xem vì nó tuyệt đối bí mật. Nhưng đương nhiên vì anh đã giúp xây dựng nó nên tôi biết chúng tôi có thể tin anh.
Tôi nói cảm ơn. Chết tiệt, tôi nghĩ thầm, mình đúng là đồ chết dẫm. Tất cả những chuyện này làm tôi thấy nghẹn cả họng.
Taro đưa hình ảnh bàn cờ lên màn hình:
Oa, tôi thốt lên trong bụng. Đơn giản. Thanh nhã. Có những thứ mà chỉ nhìn thôi anh cũng biết nó hoàn hảo.
Khỉ thật. Sao tôi không nghĩ ra cái này nhỉ?
- Ái chà, - tôi nói, - ờ, bàn cờ này dựa trên cuốn Thư tịch… ờ… Nympheberg phải không?
Taro đáp qua quýt rằng phải.
Tôi di chuột quanh bàn cờ chừng nửa tiếng đồng hồ, thử các nước đi khác nhau và làm quen với giao diện bàn cờ mới. Nó không đến nỗi khó thích ứng như tôi tưởng. Người ta thường có xu hướng nghĩ các bàn cờ luôn có kích thước chuẩn, ví như tic-tac-toe (tic-tac-toe: Một trò chơi tương tự cờ ca-rô) có 9 ô còn ở cờ vua có 64 ô. Nhưng điều đó không hoàn toàn đúng. Đôi khi người ta dạy cho dân mới vào nghề chơi cờ vua trên 36 ô. Shogi hay còn gọi là cờ Nhật có 81 ô. Bàn cờ vây chuẩn có 361 điểm nhưng ngay cả người chơi khó tính đôi khi cũng chơi “tàu nhanh” trên bàn 81 điểm. Dân chơi tic-tac-toe nghiêm túc họ thường chơi trên bàn cờ lớn hơn hoặc đa chiều. Ở Nhật Bản thời phong kiến, các vị tướng lĩnh và quan lại thường chơi Shogi trên bàn cờ 625 với những quân cờ kỳ lạ hình rồng xanh, quỷ sói và voi say. Và ai cũng biết, trong các phần 1-2, 1-3, 1-20 và 3-14, Kirk và Spock(Kirk và Spock: Hai nhân vật chính trong loạt phim nhiều tập Star Trek rất nổi tiếng vào thập kỷ 60) đã chơi cờ vua trên bàn cờ ba tầng mà bây giờ bạn có thể mua được bản sao từ hãng Franklin Mint. Cờ Hiến tế cũng vậy, bạn có thể chơi trên bàn cờ lớn hơn hoặc nhỏ hơn mà không cần thay đổi luật chơi, thậm chí không phải thay đổi nhiều chiến thuật chơi. Nhưng phải mất nhiều thời gian mới có thể chơi tốt với một hệ thống chia ô mới. Suốt mười năm trời tôi chẳng làm được gì ngoài việc chơi vớ chơi vẩn với trò này, đến giờ tôi đã có thể kiếm được hàng tỷ, chứ không phải hàng triệu bọ. Công ty tài trợ cho Taro hẳn phải gặt hái được khối với phiên bản này. Nếu không thì họ không bình thường. Thôi, đừng bận tâm chuyện đó. Tập trung vào.
- Tôi nghĩ tôi sẵn sàng thử rồi – tôi nói.
- Được – Taro đáp – tôi sẽ hỏi câu đầu tiên.
Tôi moi từ túi áo ra một chiếc hộp đựng thuốc lá nhai.
- Ajpaayeen b’aje’laj k’in ik’… - tôi nói. (Con xin mượn hơi thở của mặt trời hôm nay).
Tôi vỗ tay vào màn hình năm lần, rải các “hạt ảo” lên khắp bàn cờ và liếc nhìn ra sau, về phía LEON. Chất lỏng sủi gợn lên lăn tăn khi máy bắt đầu động não. Tôi gật đầu ra ý sẵn sàng.
Taro hỏi vài câu dễ rồi bắt đầu những câu khó hơn. Bỗng nhiên, bàn cờ nom có vẻ rộng hơn tôi tưởng lúc trước, tưởng như các quân cờ của tôi sẽ lạc lối giữa đồng không mông quạnh và không thể quay về trước khi xảy ra vụ co lớn (Vụ co lớn: Một giả thuyết về sự quy tụ trở lại một điểm sau khi nó ngừng nở ra sau vụ nổ lớn). Còn LEON thì quả là khó chơi. Tôi lập tức nhận ra nó là một trong những tay chơi khá nhất mà tôi từng gặp. Và dĩ nhiên cũng là tay chơi nhanh nhất. Nhưng với lần thử đầu tiên này, tôi đã chơi không tệ. Cờ Hiến tế là một thứ duy nhất trên đời mà tôi không thiếu tự tin.
- Anh chàng sinh viên chơi giỏi của chúng ta đang trên đường tới đây – khoảng hai tiếng đồng hồ sau, Taro nói – anh muốn chơi trò đoán việc đang xảy ra không?
Tôi trả lời có. Nhưng lại cảm thấy hơi run. Đọ tài chưa bao giờ là thế mạnh của tôi.
- Phòng BL ở tầng dưới – Taro nói. Ý ông là phòng biệt lập. Tôi đáp thế thì hay quá.
Ông ta định làm gì vậy nhỉ? Tôi thắc mắc.
Tôi hít một hơi dài. Tôi đi lên tầng trên, mua bốn cốc cà phê espresso và một gói kẹo dẻo Jelly Bellies từ máy bán hàng tự động rồi lại quay xuống. Taro dẫn tôi xuống một tầng hầm phụ thấp hơn nữa, đi qua một hành lang lạnh lẽo, vào một phòng họp nhỏ.
- Cứ như là một bài kiểm tra ấy nhỉ - tôi nói.
- Ừ, anh biết tôi thích kiểm tra tất cả mọi thứ mà – Taro đáp.
- Nếu làm tốt, tôi có được xem cuốn thư tịch không?
- Chúng tôi sẽ phải gọi đến Marena Park để xin ý kiến – ông ta trả lời. Thoạt tiên tôi nghĩ ông ta muốn nói đến một địa điểm nào đó (Một địa điểm nào đó: Park trong tiếng Anh có nghĩa là công viên). – Cô ta là sếp lớn.
Tôi nói được thôi.
- Tony đã tập luyện với bàn cờ này được hơn một tháng – Taro nói – Vì thế tôi không mong anh có thể thắng anh ta.
Tôi gật đầu ra ý nói: Tôi cũng chẳng trông mong gì, vì tôi chẳng qua là một môn sinh tầm thường thôi mà.
- Nhưng tôi biết anh sẽ chơi tốt hơn dưới áp lực thi đấu.
- Đúng vậy – tôi đáp.
Cảm ơn – tôi nghĩ. Phải rồi, tôi cần một chút động viên mà. Các bạn biết đấy, tôi thậm chí còn chơi tốt hơn dưới ánh đèn pha xenon soi vào mặt và điện cực kẹp vào dái đấy chứ. Tôi lại bắt đầu nhớ lại vì sao tôi rời bỏ dự án này.
Có tiếng gõ cửa. Hai người bước vào. Một cô gái gốc Đông Nam Á, dáng người thô bè bè, đeo kính mà Taro giới thiệu là Ashley Thieu và một anh chàng có khuôn mặt lai Maya tên là Tony Sic. Chúng tôi chào nhau bằng tiếng Anh, sau đó Sic nói bằng tiếng Yukateko rằng theo anh ta thấy thì tôi đến từ Alta Verapaz. Tôi đáp rằng đúng vậy. Anh ta để đầu húi cua rất ngắn, nhưng không có vẻ gì là lính tráng cả. Anh ta kể rằng vừa đi chơi bóng về. Anh ta mặc quần soóc, xỏ một đôi Diadora RTX 18 mà nếu tôi nhớ không nhầm thì loại giày đó dành cho dân thể thao chuyên nghiệp, và bạn có thể ngửi thấy từ người anh ta mồ hôi đàn ông rất dễ chịu. Tôi há cả mồm ra để thở.
- Chiếc xe màu xanh ngoài kia là của anh à? – Anh ta hỏi bằng tiếng Anh.
- Phải – tôi đáp.
- Đẹp đấy.
- Cảm ơn, nhưng đi cũng tã rồi.
- Anh trai tôi ở Mérida cũng có một chiếc như thế. Chỉ có điều nó được lắp ráp lại từ nhiều xe cũ khác, như Frankenstein(Frankenstein: Nhân vật tiểu thuyết giả tưởng, được ghép từ cơ thể của nhiều người chết) ấy.
Tôi kể với anh rằng tôi đã từng làm hai tháng tại một viện bảo tàng ở Mérida. Anh ta hỏi có phải viện bảo tàng đó nằm trênCalle (Đường, phố - tiếng Tây Ban Nha) số 48 không, tôi trả lời rằng không, nó nằm trên phố 58, và anh ta mỉm cười.
Chúng tôi đi qua một cánh cửa khác, bước ra một hành lang trống trải. Các bức tường, sàn và trần nhà đều bằng gạch DuraStone thô, cốt để khó giấu đường dây hay máy phát tín hiệu mà người chơi có thể dùng để làm sai kết quả thử nghiệm. Sic mở một cánh cửa bằng thép đặc và một mình bước vào căn phòng dành cho anh ta. Họ đưa tôi vào một phòng cách đó bốn cánh cửa. Trong căn phòng bê tông chẳng có bất cứ thứ gì ngoại trừ một bóng đèn huỳnh quang treo trên trần, một màn hình tinh thể lỏng cũ, một chiếc ghế chẳng mấy tiện lợi, một máy quay không thu phát được tín hiện từ bên ngoài, một máy ghi âm EEG và một bàn làm việc bằng fooc-mi-ca với bàn cờ đã được sắp sẵn trên màn hình cảm ứng.
Mẹ kiếp, tôi nghĩ, họ nghiêm túc thật đây. Chắc chắn họ phải có vấn đề gì đó. Và họ cần đến những tay chuyên nghiệp. Phải vậy không? Phải đấy.
Ashley gắn chiếc máy ghi âm lên đầu tôi – cô ta gặp ít phiền toái với đám tóc – và nói: “ổn rồi, chúng tôi sẽ rời khỏi chỗ anh”. Ý cô ta là “sẽ để lại anh một mình trong phòng này”. Tôi định nói tôi không mắc bệnh sợ phòng kín, nhưng thay vào đó tôi chỉ lầm bầm, như mọi khi. Sic và tôi sắp sửa chơi và đoán cũng những sự việc như nhau, xảy ra cùng một thời điểm như nhau, Taro sẽ điều khiển cuộc thi này và theo dõi chúng tôi qua băng ghi hình. Nhưng giữa hai căn phòng sẽ không có bất cứ sự liên lạc nào, vì vậy không ai trong số chúng tôi có khả năng gây ảnh hưởng đến nhau. Sic và tôi không hẳn sẽ đấu với nhau, mà là đua với nhau, cả hai sẽ cùng coi Taro là một khách xem bói thông thường và thay mặt ông ta để chơi cùng với một vị thần vắng mặt.
Tôi lấy thuốc lá ra nhai, xát nó lên người và ngồi xuống. Trong căn phòng của mình Sic cũng là tương tự.
- Xong cả chưa? – Taro hỏi qua chiếc loa. Tiếng ông đã được chuyển thành giọng máy tính để chúng tôi không tìm được gợi ý qua giọng nói. Sic hẳn đã trả lời “xong”. Tôi trả lời “xong”. Vậy là, tôi nghĩ, mình chỉ việc gây ấn tượng với ông ta ngay từ vòng đầu tiên. Không khó đâu.
Đoạn băng kiểm tra xuất hiện trên màn hình.
5
Đây là một đoạn ghi hình trực tiếp liên tục từ một chiếc camera theo dõi an ninh đặt trên một plaza hay một quảng trường nào đó tại một nước rõ ràng là Hồi giáo, hoặc phần lớn theo Hồi giáo. Ở đó đang là đêm, nhưng quảng trường vẫn chiếu sáng bởi một thứ ánh sáng màu xanh làm chói mắt. Tôi đoán đó là ánh đèn pha của quân đội. Phía dưới màn hình là một đám đông lớn toàn đàn ông vận áo thùng màu trắng bẩn thỉu. Máu từ vết cắt do họ tự gây ra trên đầu chảy thành từng dòng xuống cổ nom như những vết men đen trên đồ gốm sứ. Chính giữa là một hàng rào mắt cáo với mười hay mười lăm binh sĩ gì đó đứng phía sau. Đám lính để râu quai nón, mặc đồ kaki và thứ gì đó nom giống trang phục SA-120, nhưng tôi không thấy có phù hiệu gì. Họ có ánh mắt gờm gờm của những người đang cố tỏ ra không sợ hãi. Phía sau toán lính là một tòa nhà xem ra là cơ quan công quyền, chắc là một tòa đại sứ quán, màu trắng với trụ bổ tường cũng trắng và hai cánh cửa gỗ kiểu thời Victoria sẫm màu. Trên cánh cửa có các ký hiệu nhưng mờ quá, không đọc được. Tiếng bị tắt đi, những hình chữ nhật màu xanh nước biển che kín phần dưới và góc phải bên trên màn hình để che đi những hàng chữ mà hãng tin đã chèn vào thuyết minh. Và mặc dù vài người trong đám đông có giương những biểu ngữ tự làm nhưng chúng hoặc được quay sang hướng khác, hoặc chữ nghĩa xiêng xẹo. Chết tiệt, đáng ra mình nên làm bài tập về nhà mới phải, tôi nghĩ bụng. Chỉ cần hiểu biết hơn một chút về trang phục và kiểu râu của đàn ông ở thế giới đạo Hồi là có thể lần ra manh mối ngay… nhưng, được rồi, động não đi nào, đây là cái chỗ quái quỷ nào thế nhỉ? Ờ có vẻ như không còn chút ánh sáng ban ngày nào và cứ cho rằng đoạn băng ghi hình này quay trực tiếp, điều này thì tôi chắc chắn, như vậy thì quá muộn so với giờ của Trung Đông, vì từ đây đến kinh độ 7 vẫn còn là ban ngày, cho nên tôi đoán cảnh đang nhìn thấy là ở Bắc Ấn Độ. Thực ra, tôi có thể đánh cược rằng chỗ này là đâu đó gần hoặc trong lãnh thổ Bangladesh vì hiện đó đang là điểm nóng. Rồi. Và đầu họ bị thương vì… hừm, theo tôi biết hôm nay không phải là ngày lễ đạo Hồi, cũng không phải là ngày lễ của đạo Hindu… nghĩa là họ đang phản đối điều gì đó.
Xem nào, tôi cũng đoán đây không phải là một thành phố lớn… vậy phải cho đây là một tòa thị sảnh chứ không phải đại sứ quán. Và đám dân Hồi giáo dữ tợn này muốn… họ muốn gì nhỉ? Không phải chỉ muốn xả rác ra chỗ đó rồi… không, pues (Vậy thì – tiếng Tây Ban Nha), họ muốn được vào trong tòa nhà đó. Phải vậy không? Có lẽ họ đang sợ chiến tranh nổ ra, những người Hindu chiếm đa số sẽ đem họ ra hành hình.
Đại loại thế. Không có bất cứ dấu hiệu nào chỉ dẫn cho tôi biết họ sắp làm gì.
Chúng tôi xem và ghi nhớ cảnh tượng. Một phút sau, màn hình chuyển sang màu đen.
- Được rồi – giọng máy tính chuyển đến lời của Taro – chúng tôi muốn cả hai anh trả lời ba câu hỏi sau. Một: Liệu đám đông kia có trèo qua hàng rào và tấn công tòa nhà không? Hai: Nếu điều đó xảy ra thì nó sẽ xảy ra khi nào. Và ba: Nếu điều đó xảy ra, liệu họ có thành công và chiếm được tòa nhà không? Các anh có ba mươi phút. Có ai có câu hỏi gì không?
Ừ, có đấy – tôi nghĩ – màu nâu Crayola giống màu bút chì số 2, hay…
- Được rồi, vậy là không có câu hỏi – ông ta nói – xin mời bắt đầu.
Tôi rải các hạt ảo lên bàn cờ. Chúng nảy hơi cao, nhưng đấy không phải vấn đề. Ván đề là cả trong đối tượng của câu hỏi, tức là sự kiện ở châu á kia, và trên bàn cờ đều có sự ngẫu nhiên. Chắc chắc nhóm nghiên cứu của Taro sẽ áp dụng chương trình quy ước đối với đoạn băng trên, kết hợp với các số liệu khác thu thập được trên mạng. Họ sẽ sử dụng các chương trình dựng mô hình thảm họa đám đông giống chương trình mà Bộ An ninh Hoa Kỳ sử dụng để chống bạo loạn, và cả chương trình riêng của dự ánLEON nữa. Nhưng tôi vẫn sẽ làm tốt hơn. Phải vậy không? Tôi đặt quân cờ của mình lên cái ô nằm chính giữa.
Nói ngắn gọn, mục tiêu của cờ Hiến tế là bắt quân cờ. Nếu anh chơi với một quân cờ thì có nghĩa thì một người chơi chỉ có một quân cờ còn đối thủ của anh ta thì có vô số. Nhiều người thấy điều này ngớ ngẩn, nhưng rất nhiều trò chơi ở thế kỷ 21 cũng chơi theo cách tương tự. Phổ biến nhất có thể kể đến “Thỏ và Chó săn” hay “Dê và Sói” và những trò tương tự. Ở châu Á, số lượng còn nhiều hơn. Nói chung chúng được xếp vào loại trò chơi không có tính đối xứng cao, trong đó, một người chơi sử dụng một vài quân cờ nhanh hoặc mạnh hơn, những người còn lại dùng nhiều quân chậm hoặc yếu hơn để đuổi theo. Nếu anh là quân chạy trốn – hay con mồi, hay bất cứ cái tên nào khác người ta muốn đặt – thì mục tiêu của anh là chạy khỏi quân đuổi theo hay “kẻ đi săn”. Với trò “Thỏ và Chó săn”, chơi trên bàn cờ như cờ đam nên nhiệm vụ chỉ là chạy sang phía bên kia của bàn cờ. Còn với cờ Hiến tế, anh phải bắt đầu từ thời điểm xuất phát, tức là giữa bàn cờ, và để thắng, anh phải đến được một trong bốn điểm an toàn nằm ở bốn góc của bàn cờ. Song làm điều đó không dễ chút nào, không chỉ bởi vì những quân đuổi theo mà còn vì nước đi phụ thuộc một phần vào việc đổ súc sắc. Ngoài ra, trong cờ Hiến tế, quân cờ chạy trốn luôn để lại dấu ở những nơi đã đi qua. Mỗi lần quân cờ dừng lại ở một ô nào đó, hay đúng hơn là một điểm nào đó, anh phải để lại một viên đá dể đánh dấu. Con đường đó tượng trưng cho những sự kiện thật đã xảy ra, đối ngược với phần còn lại của bàn cờ tượng trưng cho mê cung rộng lớn của những điều có thể xảy ra. Mỗi bước di chuyển lại đánh dấu một thời điểm nào đó. Vì vậy, bàn cờ của cờ Hiến tế có phần giống loại lịch vạn niên mà trước đây người ta từng tự chế bằng bốn vòng tròn và những cái cọc, bảy cái cọc tượng trưng cho bảy ngày trong tuần, ba mươi mốt cái tượng trưng cho một tháng và vân vân. Như vậy, khi di chuyển anh cũng sẽ để lại một con đường thời gian tượng trưng. Và nếu anh có thể đọc được và ngoại suy được những sự kiện trên con đường đó và đoán được nước tiếp theo, thế có nghĩa là anh đang tính được tương lai.
Mỗi trò chơi hay đều tạo ra một trạng thái thôi miên riêng ở những người chơi ham mê, và cờ Hiến tế có một sức hút riêng đặc biệt khó diễn tả. Chắc hẳn khi còn nhỏ, Các bạn cũng từng chơiParcheesi, hay những trò cải biên từ Parcheesi như “Sorry!”hay “Aggravation”. Và hẳn các bạn còn nhớ cảm giác lắc con súc sắc, đưa những quân cờ hay hòn bi nhỏ ra khỏi chuồng, bước vào vòng đua lý thú ra sao, cảm giác đưa được phần cuối cùng về đích khi đối thủ bám ngay phía sau cách có vài ô hú vía đến mức nào, rồi cảm giác tan tành chưa từng thấy khi bị đá đít về chuồng sau khi đi cả một hành trình dài, chỉ còn cách đích có vài bước và trên đời chỉ có một điều duy nhất khiến bạn chịu đựng được chuyện đó, ấy là ý nghĩ nó sẽ nguôi ngoai đi sau khi làm được điều tương tự với kẻ khác. Và không bao giờ có chuyện ngừng chơi giữa chừng hay thậm chí chỉ là rời khỏi phòng một lúc. Trò chơi thực sự như thật. Mặc dù Parcheesi theo cách chơi ở phương Tây là trò chơi dành cho trẻ em nhưng nó lại là gốc của vô số môn chơi dành cho người lớn, chẳng hạn như cờ tào cáo. Và hiển nhiên cờ tỷ phú, một trong những môn cờ phổ biến nhất thế giới hiện nay, chính là dạng của Parcheesi. Nhìn chung, sự hấp dẫn cơ bản của các trò chơi này nằm ở chỗ rất khó nắm bắt và cưỡng lại càng khó hơn.
Tôi cho rằng với cờ Hiến tế, sự hấp dẫn chính là nó đưa người chơi vượt lên trên sự mơ hồ hỗ độn. Con người đang lướt trên những con sóng của tương lai, nơi hai nửa của vũ trụ - sự cố nhiên và ngẫu nhiên – va đập và chồng chéo lên nhau, nhưng trong thế giới nhỏ bé này, chúng ta hoàn toàn có thể chế ngự được điều đó, anh chỉ cần hai con súc sắc đánh dấu hai con sóng khác nhau, một là con sóng của những sự việc thường xuyên xảy ra lập đi lập lại với đỉnh sóng cao nhất khi súc sắc đổ ra sáu điểm, và một là con sóng của những sự việc bất thường bắt đầu dâng vào lúc hai điểm và lên đỉnh điểm lúc mười hai điểm. Ngay cả những người chẳng biết tí gì về toán học, đó cũng là một chuyển động thôi miên, giống như cảm giác của một đứa trẻ khi chăm chú nhìn cái biển hiệu cắt tóc, cứ thắc mắc không biết những đường sọc sẽ trượt tiếp đến đâu sau khi chạy ra hết bề mặt chiếc ống (Ở Mỹ, các cửa hiệu cắt tóc thường dùng một dấu hiệu chung là một chiếc ống hình trụ có sọc xanh đỏ chạy vòng quanh), hoặc cảm giác khi bạn nhìn vào cái nhãn có hình xoay tròn của chiếc đĩa Vertigo.
Tiếng Taro lại vọng qua loa:
- Hết giờ.
Tôi nhìn lên bàn cờ. Quân cờ của tôi còn cách góc Tây Bắc hai ô. Xem ra có vẻ không có lợi. Nghĩa là không có lợi về trước mắt. Còn có điều gì đó phía trước nữa, một cảm giác rằng toàn bộ cảnh tượng này đang nhanh chóng tiến đến một kết cục, nhưng tôi tôi không sao xác định được cụ thể. Chết tiệt.
- Những người biểu tình sẽ tràn qua hàng rào sau khoảng hai tiếng rưỡi nữa tính từ bây giờ - tôi nói – Họ sẽ cố chiếm lấy tòa nhà nhưng sẽ không thành công. Rất nhiều người trong số họ, tôi cho là hơn năm mươi người, sẽ bị chết hoặc bị thương nặng.
- Rồi – Taro đáp.
Tôi giải thoát cho cái đầu trước khi Ashley kịp bước vào rồi đi ra phòng họp.
Màn hình trên tường chiếu cảnh đoàn biểu tình, bây giờ thì có tiếng và ai nấy đều đang xem. Té ra sự việc đó đang diễn ra ở một thị trấn nằm ở phía Bắc Calcutta, và tòa nhà kia là trụ sở của Assam Rifles, một lực lượng nổi dậy ở vùng đông bắc, và đám đông mohajir, tức là dân Hồi giáo tị nạn, đang tìm cách giải thoát cho những người cầm đầu của họ đang bị giam giữ ở bên trong. Tôi không bực vì không nắm được chi tiết đó. Nhưng hình như có những toán người Hindu đang đe dọa họ ở chỗ khuất của màn hình.
Sic bước vào cùng Taro. Họ ngồi xuống cạnh bàn. Một phút ngượng ngịu.
- Thế, anh đoán thế nào? – Sic hỏi tôi.
Tôi nói lại những gì tôi nghĩ. Anh ta nói anh ta đã đoán rằng đám đông kia sẽ lao vào tòa nhà sau không đến nửa giờ đồng hồ nữa và họ sẽ chiếm được nó.
Tôi ậm ừ với vẻ thân thiện tự nhiên nhất có thể tỏ ra được.
Taro nói nhận định chuyên môn như thông lệ của các quan sát viên NSA – Cục an ninh Quốc gia – và đánh giá của chương trình máy tính đều cho rằng những người biểu tình sẽ giải tán trước khi kịp xảy ra thương vong. Tất cả chúng ta đều gật đầu. Ashley Thieu đứng dậy và bê vào một khay sô cô la nóng, bánh quy bạc hà và một ít trà thảo mộc rẻ tiền, chán ngắt. Trên màn hình, sự thay đổi đáng kể nhất chỉ là có vài người leo lên đứng trên thứ gì đó và bắt đầu diễn thuyến bằng tiếng Urdu. Tất cả chúng tôi ngồi quây tròn như đám sinh viên ngồi xem kết quả bầu cử. Thật ra, cảnh đó đặc biệt giống cuộc bầu cử năm 2000, kéo dài mãi không dứt, và mỗi lần anh muốn bỏ đi và đập phá thì lại có một nguồn hy vọng mới trỗi dậy, anh lại ngồi xuống xem tiếp, và cắn móng tay, và hy vọng, hy vọng ngay cả khi trong thâm tâm anh biết tất cả những chuyện này sẽ kết thúc bằng một thảm họa.
Hai mươi phút sau, một người đàn ông leo lên hàng rào. Một lính gác bắn một phát súng cac-bin lên trời, tiếng súng nổ yếu ớt bất lực. Hai giây sau, bức rào kín đặc người và thêm ba tiếng súng nữa. Một người ngã khỏi hàng rào nhưng không thể nói chắc anh ta bị bắn hay chỉ là trượt chân. Rất khó theo dõi chuyện gì xảy ra tiếp theo vì bức rào chiếm mất hai phần ba màn hình, nhưng chưa đến năm phút sau, trên cửa sổ tầng hai của tòa nhà, ai đó đã căng một lá cờ tự làm màu đen với những ký tự ả rập màu trắng.
Họ đã vào được bên trong. Tôi đã sai lầm. Sic đã đoán đúng. Tôi đã rối đầu rối óc lên. Tôi thậm chí không dám nhìn vào Taro. Tôi muốn rời khỏi phòng để nôn nhưng những người khác xem ra không ai định nhúc nhích. Tôi cạy vết bỏng san hô trên ngón trỏ bàn tay trái ra. Nó vẫn chưa lên da non. Tiên sư lũ san hô lửa. Tao sẽ vớt tiệt chúng mày ra khỏi bể cho chết ngạt hết đi. Tôi xin phép ra ngoài cho ấm một chút.
- Cứ xem tiếp đã – Sic nói – Chưa hết mà.
Tôi nói tôi sẽ vẫn xem và kết nối điện thoại với hệ thống trong phòng. Tôi mất một phút để tìm thấy thang máy và lúc ra được đến ngoài, vừa hay tôi hết chịu nỗi cái máy thông gió.
Khí trời ấm áp làm tôi tỉnh người ra đôi chút. Sao người ta có thể chịu được cái máy điều hòa nhỉ? Tôi có thể hiểu nếu họ đến từ Phần Lan hay những nơi đại loại như thế, nhưng có phải đâu. Sic là dân vùng nhiệt đới và trông hắn cũng bình thường đấy chứ.
Mẹ kiếp. Sic. Đồ con hoang.
Hừ, tôi làm gì bây giờ? Tôi đang đứng giữa một khu kiến trúc bằng gạch rẻ tiền chẳng mấy thẩm mỹ, rộng chừng một dặm vuông với nhiều lối vào đã hư hỏng và vô số cây bụi bản xứ mọc hoang. Tôi ngồi xuống một vật gì đó bằng gạch. Trời đã phủ đầy sương và chuyển sang màu xanh lá cây xám nhờn nhợt như tông nền #6699CC (#6699CC: Tông nền màu xanh nhạt trong bảng màu thiết kế website) khiến chân trời nom đầy vẻ đáng sợ như tiếng Đức. Thật u ám, tôi tự nhủ. U ám. U ám. Tôi không dừng được việc lén nhìn vào điện thoại. Hình như không còn tín hiệu, nhưng khi nhìn sát hơn vào màn hình, tôi biết chắc khoảng màu xám hơi hồng đó là một đám mây bụi. Người ta đang la hét, và tay bình luận viên nói anh ta không biết chuyện gì đang xảy ra. Tôi theo dõi. Một lát sau, bụi tan bớt đi, tôi nhìn thấy phần lớn tòa nhà không còn ở đó nữa. Tay bình luận viên nói “hình như” tòa nhà đã bị nổ tung. Anh ta không nói ai đã làm việc đó nhưng ngay cả tôi – một người chẳng biết gì về trò cháy nổ - ngay cả tôi cũng có thể nói chắc rằng vụ cháy nổ quá lớn, một người không thể đủ sức mang từng ấy thuốc nổ vào bên trong. Hẳn kẻ nào đó trong lực lượng cảnh sát đã đặt thuốc nổ trước khi đám đông nổi loạn tràn vào và hắn đã cho nổ vào lúc đó để sát thương nhiều nhất.
Ừ thì tôi đoán sai thời gian, nhưng đã sao nào. Sic còn sai nhiều hơn tôi. Hóa ra lại đúng. A ha! Thắng cậu rồi nhé, Sicko. Ta là chúa nhẫn! Ta là… Thôi nào, Jed. Pasido. Người ta đang chịu cảnh chết chóc ngoài kia. Nếu mày nhìn vào đống đổ nát kia, mày thấy hai cái xác nằm còng queo dưới chân màn hình như thế nào. Trông họ như được nặn từ đất sét xám, như tất cả mọi thứ xung quanh. Khốn nạn thật. Mình là cái đồ cục súc. Đồ chết tiệt, tôi rất ghét cái cảm giác đi ngược lại tính cách thật của mình và phát hiện ra mình không đủ tử tế để làm vậy. Anh ước mình có thể buồn hơn chỉ vì điều đó biến anh trở thành người tử tế hơn. Mặc dù có khi việc mong muốn mình có thể buồn cũng tốt không kém gì buồn thực sự.
Phải vậy không?
6
Khoảng hai giờ đồng hồ sau - Ờ, thôi được, vào đúng 4 giờ 32 phút 29 giây, buổi chiều, theo đồng hồ trên kính chắn gió, tôi đỗ xe lại trước cửa văn phòng công ty Warren Entertainment nằm bên bờ tây hồ Tohopekaliga, phía nam thành phố Orlando. Chiến thắng oanh liệt của tôi trước Sic đã đem lại cho tôi một cuộc gặp mặt với Marena Park, sếp của Taro và cũng là người đứng đầu Phòng nghiên cứu tương tác. Trong lúc lái xe, tôi đã tìm hiểu thông tin về cô ta trên Google và hoá ra cô ta cũng mới làm việc cho Warren. Mới hai năm trước, cô ta còn là giám đốc sáng tạo của Disney’s Game Worl tại Epcot. Sau đó, Warren đã lôi kéo cô ta về để nghiên cứu cho ra đời Neo – Teo, trò chơi chiến đấu ưa thích của tôi. Hầu hết những tay chơi cờ vây hoặc chơi bài Poker hay các loại cờ bạc chuyên nghiệp khác đều không coi trò chơi điện tử như vậy là “trò chơi”, và quả thực, nói nghiêm túc thì chúng cũng không giống thật, tuy thế tôi vẫn thích vì nó giúp tôi xả căng thẳng. Neo – Teo căn bản là một phiên bản được đơn giản hoá của thần thoại Maya, trong đó người chơi phải lén đi qua các lâu đài kiểu Puuc(Một phong cách kiến trúc của người Maya) bí ẩn, mang theo những vũ khí thô sơ và moi ruột lũ quỷ báo bằng một ngọn giáo. Trò chơi có rất nhiều điểm phi lý và vớ vẩn khiến tôi mới đầu phát bực, thế nhưng nó lại có điều gì đó vô cùng cuốn hút và đến bây giờ tôi vẫn chơi tuy không còn quá mải mê. Và phần giao diện, do Park thiết kế, đúng là rất tuyệt. Cô ta hẳn đã lấy ý tưởng cho những đường trang trí hình cuộn khói hay hình lưỡi mác từ những chiếc bình Maya cổ. Sau đó cô ta đã giành được một giải Oscar dành cho thiết kế xuất sắc với bộ phim xây dựng dựa trên phiên bản trò chơi. Điều đó khiến người ta lại phải thắc mắc; cô ta làm gì ở dự án của Taro? Cô ta không phải nhà khoa học. Mối liên hệ ở đây là gì? Trừ phi, theo tôi đoán, tất cả những việc này chỉ nhằm phục vụ cho ngành kinh doanh biểu diễn.
Có một chiếc cổng trường quay lớn và tôi khai báo với những gã bảo vệ to con rằng tôi là ai. Theo cái cách họ kiểm tra thì tôi có cảm giác bà Park là một nhân vật có cỡ. Tay bảo vệ đưa tôi một chiếc phù hiệu cảm ứng và tôi đeo nó vào cổ tay phải. Tôi lái xe vào và đỗ ở chỗ hắn chỉ. Khu vực này đẹp dễ sợ với những toà nhà thấp xây theo lỗi Dryvit, nằm rải rác trong một khuôn viên đầy cây xanh với một bức phù điêu màu lá cây khổng lồ hình ba vòng tròn lồng vào nhau soi bóng xuống một mặt hồ hình quả đậu lớn. Tòa nhà chính gồm sáu tầng, cao hơn các tòa nhà khác. Cánh cửa kính mở ra và tôi bước vào một khoảng không được lọc khí quá kỹ. Tiền sảnh lớn có một dãy phòng hội thảo, phòng thể thao và một cây linh sam Duglas khổng lồ trồng trong chậu, trên đeo những quả trang trí hình tròn vẽ khuôn mặt vui vẻ của những nhân vật trong cuốn sách Những đứa trẻ ở Many Lands. Cô gái tiếp tân chào đón tôi với cái tên bị đọc nhầm và đưa tôi đi vòng qua khoảnh sân hình chữ nhật có một quán cà phê Healthy Gourmet và một lò nướng bánh pizza lớn bằng đá. Một toán những tay trượt ván thiện nghệ lượn quanh chúng tôi, người thì trên những chiếc Segway, người thì trên những chiếc mà tôi đoán là Sleeker.
- Ở trên này, - cô ta nói với một cái vẫy tay ra hiệu như muốn nói “nào, sẽ thú vị lắm đấy, rồi anh xem”.
- Vâng, tôi đáp, - cảm ơn.
Tôi làu nhàu sau lưng cô ta. Thử tưởng tượng xem, khi có công có việc thì có gì mà thú vị, - tôi nghĩ bụng. Rồi tôi sẽ vãi tè ra cho mà xem. Đùa vậy thôi. Tôi cũng có vãi tè. Nhưng thỉnh thoảng thôi.
- Giáo sư Hyaku nói với tôi anh là một trong số những người Mayan, - cô ta hướng về phía tôi, nói. Cô ta nhấn nhả giọng như đang hát kinh ngợi ca vậy.
- À, vâng, người Ch’olan Maya, - tôi đáp. Đến đây, tôi nghĩ bụng đến lần thứ mười mũ “n” lần rằng số nhiều của từ “người Maya” thì vẫn là “Maya”, còn Mayan là ngôn ngữ Maya chứ không phải là người. Nói chuyện Maya bằng tiếng Mayan.
- Tôi nghĩ tất cả những điều đó hết sức thú vị, - cô ta nói.
Cô ta cao lớn với những lọn tóc vàng xoăn như lông cừu và cũng xInh theo lối một con cừu, tôi cho là vậy
- Những điều gì cơ ? – tôi hỏi lại.
- Đến từ Nam Mỹ và những thứ tương tự í mà.
- Trung Mỹ chứ.
- Xin lỗi?
- Chúng tôi không phải đến từ Nam Mỹ, - tôi đáp, - chúng tôi đến từ Trung Mỹ. Như bắc Panama chẳng hạn, cô biết chứ?
- Oa, thật là thú-ú vị, - cô ta cười phá lên.
Chúng tôi đi theo một đường dốc thoải lên tầng hai, qua một phòng chiếu không có người.
- Anh biết gì không? - Bộ tóc ngộ nghĩnh hỏi tôi, - Hai tuần trước tôi đã đến xưởng dạy nghề sơ cấp của Halach M’en đấy.
- Thế à?
- Anh ta dạy tôi làm chuông giữ mộng (Một loại chuông gió) của người Mayan.
- Ồ, hay quá. Nó dùng để làm gì vậy?
- Anh ta nói người Mayan rất phát triển về văn hoá tinh thần.
- Vậy ư ?
- Chúng ta đến nơi rồi, - cô ta nói.
Cô ta dẫn tôi vào một phòng đợi sàn lát màu đen và những chiếc sô-pha Djinn màu xanh lá cây, giống hệt tấm phim âm bản của một cảnh trong phim 2001. Từ đấy, hai chúng tôi đi tiếp đến một khu vực giống như một sàn giao dịch với những nhân viên mặt mũi tươi tỉnh ngồi trong những khoang làm việc bằng kính hoàn toàn riêng biệt, có những chiếc máy bán cà phê và đồ ăn nhẹ cùng những gói gia vị nho nhỏ, những chiếc máy pha cà phê Capresso, những hình nộm Sub-Zero (Nhân vật trong một trò chơi điện tử)bé xíu đeo trên ngực những dòng chữ kiểu như SữA RAU DềN ĐÂY. Chúng tôi bước vào một khu có trải thảm, cô gái lễ tân liếc vào qua cánh cửa khép hờ. Người ngồi bên trong chắc đã vẫy tay gọi nên cô ta đưa tôi vào.
Marena Park ngồi khoanh chân vòng tròn trên mặt bàn làm việc, mắt nhìn vào một màn hình máy tính xách tay màu xanh rộng đặt trên lòng. Đó là một kiểu máy hiện đại có khả năng cảm nhận từ xa chuyển động của tay người sử dụng, cô ta đang dùng ngón tay vẽ vẽ thứ gì đó trong không khí bên ngoài màn hình. Trông cô ta nhỏ nhắn hơn trong ảnh, thấp hơn tôi ít nhất một cái đầu, khiến cô ta có dáng dấp của một cô gái mới lớn. Khuôn mặt nhìn tèn tẹt và đặc Hàn Quốc hơn lúc đã trang điểm, nhưng tôi lại nghĩ thực ra thế này nom hấp dẫn hơn, một “khuôn mặt như trăng rằm” đúng như cách nói trong cuốn Nghìn lẻ một đêm. Cô ta vận một bộ quần áo xếp nếp bằng xám hiệu Issey Miyake thiết kế theo lối trang phục trượt tuyết, như thể cô ta đến từ một thế giới tương lai nào đó sang trọng và rất thể thao. Cô ta giơ một ngón tay ra hiệu chờ một lát. Tôi đảo mắt nhìn quanh căn phòng. Có một chiếc bể 125 ga-lông gắn vào trong tường, nuôi cá vàng đỏ Monsanto giống mới. Tôi cố kìm một cái cười khẩy lộ liễu khi nhìn thấy chúng. Những con cá này miễn dịch rất kém do bị lai cùng dòng, chỉ cần anh gõ vào mặt kính hai lần là đủ để chúng nhiễm nấm đầu. Dưới sàn nhà, sát chân bàn làm việc, có một bàn cờ vây làm từ gỗ katsura xẻ xiên khá dày, hai chiếc bát cổ màu dâu chín cũ kỹ có lẽ đã từng đựng một bộ quân cờ vây màu hồng nay không đâu còn nữa. Nếu thế thật, bộ quân cờ ấy phải đáng giá hàng trăm ngàn đô la Mỹ. Khuôn cửa sổ phía sau bàn làm việc hướng ra đằng tây bắc và tôi có thể nhìn thấy quả cầu Epcot (Biểu tượng trong khu giải trí Epcot nằm trong khu giải trí Disney World tại Orlando) khổng lồ đang lơ lửng bên trên đám lá cây màu xanh lục giống như một quả bóng đá cũ nổi trên mặt ao phủ đầy rong rêu. Marena ngẩng đầu lên.
- Xin chào, anh chờ một tích tắc nữa nhé, - cô ta nói. Giọng cô ta nhỏ nhưng không cao, nghe như giọng những tay jo-kê(Người đua ngựa) nam. Im lặng một chốc.
- Thế thì dịch nó sang tiếng Phạn hay bất kể cái thứ tiếng chết tiệt nào họ nói ở đấy đi, có gì đâu mà nhặng lên thế?
Phải mất một giây sau tôi mới hiểu ra là ở một bên tai cô ta có gắn tai nghe. Tôi không ngồi xuống. Tôi nhận thấy quả tim đang đập thình thịch trong lồng ngực. Tôi giúi hai tay vào túi quần và lại gần xem một cái giá đồ chơi treo trên vách tường phía đông. Đồ vật lớn nhất và đáng chú ý nhất trên giá là một chiếc đồng hồ cách điệu bằng đồng thau, nom có vẻ như được chế tạo từ những năm 1950. Nó có năm bánh xe quay luân phiên, bốn trong số đó chạy theo lịch Maya, còn chiếc lớn nhất ở ngoài cùng thì chậm rãi điểm giờ theo lịch Gregori (Tức là Tây lịch vẫn dùng hiện nay), suốt từ năm 3113 trước Công nguyên cho tới ngày 21 tháng 12 năm 2012. Còn có một vòng tròn những biểu tượng chạm khắc, nhưng trông chẳng giống cái gì cả. Chắc chỉ là tác phẩm tưởng tượng của ai đó. Ngay bên cạnh có một chiếc đồng hồ khác, nhỏ hơn với mặt kính hình tam giác biểu tượng của hội tam điểm, trên đó ghi: “Waltham/17 Jewels/ Hãy yêu thương đồng loại” và rằng bây giờ là “bùa” giờ, “bay” phút; những vật còn lại trên giá đều là các giải thưởng: những chiếc cúp bạc nhỏ của môn cờ vây và leo núi, hai cúp Webby, một giải thưởng World Shareware, một đống giải thưởng E3 Game Critics, hai chiếc cúp thuỷ tinh hình kim tự tháp khẳng khiu của Viện khoa học và Nghệ thuật Giải trí tương tác cùng vô khối giải thưởng khác mà chẳng ai biết tới, và tít sâu bên trong cùng, như thể cô ta không muốn tỏ ra quan tâm đến, là bức tượng Oscar trong trang phục của Neo – Teo nhỏ bằng một phần sáu nhân vật thật, nó đứng kiêu hãnh như đức Jesu trước sự ngưỡng mộ của các Nephite (Những hậu duệ của nhà tiên tri Nephi theo kinh thánh Mormon). Cô ta cũng giống mình ư, - tôi tự hỏi. Giống một phần nhỏ trong tôi, bá chủ của thế giới này? Tôi ước sao có ai đó để cảm ơn. Ờ, tôi nghĩ tôi sẽ cảm ơn quỷ Sa-tăng, hẳn đã cho tôi bán linh hồn để đổi lấy giây phút này. Trên khoảng tường phía trên cái giá là một bức vẽ của trẻ con được quấn dải băng, họa hình ông già Nô-en tay cầm một chiếc điều khiển từ xa to kềnh, điều khiển một dàn tuần luộc rô-bốt, nó che khuất một phần tấm ảnh lồng khung của Park, đang dùng ngón chân bám vào gờ đá granite màu vàng, đu đưa trong tư thế lộn ngược đầu, cô ta hẳn có những ngón chân có thể cầm nắm. Dòng chữ bên dưới tấm ảnh viết: Cuộc thi leo núi sô-lô “Chữ thập ngoặc sô-cô-la”, Hallam View Buttress, Gritstone, ngày 14 tháng 9 năm 2009. Tiếp đến là một tấm ảnh đóng khung nhỏ hơn rất nhiều, chụp bằng máy Kodak từ những năm 50, quá thiên về màu xanh nước biển và nâu đỏ, trong ảnh là một người Hàn Quốc trẻ, khuôn mặt đầy nhiệt huyết, mặc trang phục phi công của hải quân Hoa Kỳ, đứng khoác tay một vị đại tướng trông quen quen, họ đứng trước một chiếc B-29 (Một loại máy bay Boeing) bụi bậm màu nâu đỏ sậm với dòng chữ Tất cả hoặc không gì cả sơn trên mũi. Một dòng chữ viết tay nguệch ngoạc trên góc trái tấm ảnh đề: Tặng Pak Jung - Cảm ơn sự phục vụ của anh trong chiến dịch "Cao hơn và Xa hơn". Tổng tư lệnh các lực lượng đồng minh, Tướng Douglas C. MacArthur, Kadena, ngày 27 tháng 12 năm 1951.
- Được, - Marena nói với khoảng không. Im lặng. - Tạm biệt.
Cô ta hướng mắt vào tôi.
- Chào anh.
Cô ta vẫn không đứng lên. Thường thì tôi lấy làm mừng vì người ta không hay bắt tay nữa, nhưng lần này tôi lại không phiền nếu tiếp xúc tay chân một tẹo. Tôi đáp lại: xin chào. Tôi phân vân không biết có nên giới thiệu mình là ai không, mặc dù cô ta biết rồi. Tôi quyết định không.
- Taro thực sự nghĩ anh là người giỏi nhất đấy, - Marena nói.
- Tôi rất lấy làm phấn khởi.
- Tôi cá là anh biết chơi cờ vây, phải vậy không?
Tôi gật đầu. Có lẽ cô ta đã thấy tôi nhìn bộ bàn cờ. Thật lạ lùng là người ta luôn có thể đoán biết được tôi. Từ trước đến giờ tôi luôn có cảm giác đang sống trên một hành tinh của những người có khả năng ngoại cảm. Cố nhiên, có thể đó là do chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương mà người ta giả định là tôi mắc phải.
- Anh ở cấp nào? – Cô ta hỏi.
- Ở lục đẳng. Nghiệp dư thôi.
- Ác thật, - cô ta đáp. – Tôi mới ngũ đẳng thôi. Lúc nào đó ta phải làm một ván mới được.
- Được lắm, - tôi đáp.
Ngũ đẳng thực ra là một thành tích khá ấn tượng rồi, nhất là vì hầu hết dân trong ngành công nghiệp giải trí đều khó chơi qua nổi dù chỉ một ván Cootie (Một trò chơi đơn giản của trẻ em). Ở Châu Á, cờ vây được coi không khác gì một môn võ và đẳng thì tương tự như đai. Một người chơi cờ vây lục đẳng cũng tương đương với đai đen lục đẳng trong võ thuật. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa là gì so với dân chơi cờ vây chuyên nghiệp. Nhưng dù sao, lục đẳng vẫn đứng trên ngũ đẳng một bậc và vẫn đủ để anh có một ván cờ nhiều lợi thế. Cô ta và tôi sẽ chơi thâu đêm trong căn phòng trải chiếu trúc của cô ta, và khi tôi tỏ ý xin lỗi vì lại thắng thêm bảy mươi mốt điểm rưỡi nữa, cô ta liền đẩy bàn cờ sang một bên và nắm lấy...
- Setzen Sie sich(Mời anh ngồi - tiếng Đức), - cô ta nói.
Tôi ngồi xuống. Cái ghế nhìn thì có vẻ cứng nhưng nó lún xuống khi tôi ngồi và tự xoay cho vừa với người tôi, vì thế hai chân tôi bị hẫng mất một giây. Rõ đồ nhà quê.
- Này, tôi là một người hâm mộ cuồng nhiệt đấy, - tôi nói, - tôi chơi trò chơi của cô suốt.
- Vậy sao? Cảm ơn anh. Anh lên tới trình nào rồi?
- À, ba mươi hai
- Vậy là rất cừ đấy.
- Cảm ơn cô.
Mặc dầu đó là sản phẩm của cô ta, nhưng tôi vẫn ngượng ngùng khi thú nhận rằng tôi đã đốt quá nhiều thời gian vào trò đó.
- Vấn đề là, - cô ta nói, - tuy đấy là sản phẩm của tôi nhưng tôi thực ra cũng chẳng hiểu gì về Maya cổ.
Đừng đùa, - tôi nghĩ.
- Có khi tự anh cũng nhận thấy điều đó khi chơi rồi, - cô ta nói, chặn trước được ý nghĩ của tôi.
- Ừm ...
- Nó cũng tạm được, nhưng chỉ là theo trí tưởng tượng thôi. Tôi biết nó không chính xác về mặt lịch sử.
- Đúng vậy, - tôi đáp.
Tôi nhận ra mình vẫn chưa bỏ mũ. Chết tiệt. Tôi đội thứ này ở những nơi mà để đầu trần thì nom kì cục, nhưng khi vào trong nhà rồi tôi lại quên không cởi ra. Tốt hơn là bỏ nó ra thôi, tôi tự nhủ. Không, quá muộn rồi. Nhưng cô ta sẽ nghĩ mình hơi quái gở về chuyện mũ mão, phải không? Không, đừng làm thế. Đấy là phong cách của mình. Phong cách đội mũ. Cứ thoải mái đi. Được chứ? Bueno(tiếng Tây Ban Nha). Vậy là ngài Mũ vẫn ở lại.
- Anh nói tiếng Mayan từ nhỏ phải không? – Marena hỏi.
- Phải, - tôi bỏ mũ ra. - Thực ra, ngôn ngữ đó ở chỗ tôi gọi là Ch’olan.
- Taro nói anh quê ở Alta Verapaz.
- Đúng thế.
- Anh có từng nghe về những phế tích ở đó không, ừm, quanh Kabon ấy?
- Xin lỗi? ở đâu kia? Río Cahabôn chăng?
- Đúng nó đấy, Michael đã kể về một khúc quanh của con sông nào đó.
- Hạ lưu Tozal phải không?
- Nghe có vẻ giống thế.
- Khắp vùng đó đều có phế tích, - tôi nói. - Người ta vẫn biết những quả đồi ở đó không phải đồi tự nhiên. Các ông chú, ông bác tôi thường kể cho chúng tôi rằng những người lùn đã xây dựng nên chúng trước trận Đại hồng thủy.
- Những người lùn nào vậy?
- Chỉ là, cô biết đấy, những người lùn có phép ấy mà, người bùn, người đá cuội hay những gỉ những gì đó đại loại vậy. Tôi thường hình dung đó là những gã lùn to béo, có giọng nói choe choé và, như kiểu, đầu to ấy.
- Ồ, tôi hiểu rồi.
- Sao cô hỏi tôi chuyện đó? Cô biết vùng ấy chứ?
- Tôi biết trên bản đồ thôi. Nhưng Michael đã từng thử xin phép khai quật các lăng mộ cổ trước khi cái đập nước được xây dựng và xé nát cả vùng ấy.
- Ừm, điều đó cũng tốt...
- Anh biết không, có lẽ tôi không nên nói điều này, nhưng nhìn anh chẳng giống người da đỏ bản xứ lắm.
- Không sao đâu, tôi hiểu ý cô mà. Người Maya có ngoại hình không giống người Navajo (Một tộc người bản xứ châu Mỹ) hay các tộc người khác. Thậm chí có lúc người ta còn nhầm chúng tôi với người Đông Nam Á.
- Anh không giống người châu Á đâu. Cũng không giống Mỹ La tinh.
Cô ta mỉm cười để tỏ ý câu chuyện vừa rồi chỉ là chuyện gẫu tầm phào thôi, như thể cô ta sợ mình có vẻ phân biệt chủng tộc. Nhưng điều đó quả đúng, trông tôi đúng là không giống ai. Người Maya thường có xu hướng thấp và mập mạp, nhưng tôi lại hao hao giống người lai Tây Ban Nha, nhờ tất cả lượng can-xi mà tôi đã hấp thụ ở Utah nên trái với thông thường, cơ thể tôi không hề thiếu chất lactose, và tôi đã đặt chân xuống một hành tinh nơi mà sữa là thứ đồ uống duy nhất được chấp nhận nên tôi cao vọt lên tới năm feet rưỡi (Khoảng 1m80), cao hơn những người trong họ nhà tôi tới một cái đầu. Hiện giờ tôi nặng khoảng 135 pound(khoảng gần 62kg), cho nên tôi không thể mua đồ ở khu Huaky vì đồ ở đó làm mặt tôi càng dài nhẵng ra. Một người Maya chính gốc thường có khuôn mặt rộng, nhìn nghiêng có nét như chim diều hâu còn nhìn thẳng thì như chim cú. Nhưng tôi lại nhang nhác như người miền nhiệt đới. Lắm khi người ta nghe tên họ tôi rồi hỏi có phải tôi đến từ Philippine không, Sylvana, bạn gái cũ của tôi, thường nói mái tóc dài mà tôi để khiến tôi nom giống một bản sao xấu xí của Keanu Reeves trong phim Tiểu Phật. Tôi định kể tất cả những chuyện này cho Marena nhưng lại thôi. Vì chúa, hãy giữ lại một chút bí mật cho mình đi.
Nếu mình im lặng, có khi cô ta lại quan tâm một tí.
- Anh không thấy trò Ix game chướng quá đấy chứ, phải không? - Cô ta hỏi.
- Ồ, không đâu...
- Tôi e là chúng tôi đã xây dựng các nhân vật Maya hơi quá, anh biết đấy, ờ...
- Man rợ?
- Đúng đấy.
- Ừm ..., - tôi đáp, - ít ra thì cô cũng không làm họ thành ra đáng yêu.
- Không.
- Dù sao tôi cũng nghĩ vào thời đó tất cả đều man rợ.
- Phải, người ta móc tim và đại loại những chuyện tương tự.
- Thực ra người Maya không làm thế, - tôi đáp, - ý tôi là, đến giờ chưa ai biết là họ từng làm thế.
- Thật vậy sao?
- Có thể là sau này, vào khoảng thế kỷ mười bốn chẳng hạn, nhưng vào thời cổ Maya thì không. Câu chuyện về tim gan ấy là của người vùng Mexico thì đúng hơn.
- Ồ, tôi xin lỗi. Nhưng họ vẫn có tục ăn thịt người và những chuyện tương tự khác chứ, đúng không?
- Tôi không rõ, - tôi trả lời, - có lẽ đó chỉ là do người Tây Ban Nha phao tin lên vậy thôi. Đúng là họ có hiến tế người vào một số dịp. Nhưng họ có ăn thịt hay không thì không rõ.
- Ồ, tôi xin lỗi.
- Vả lại, nếu có thế thật thì có gì mà to chuyện? ý tôi là vào thời điểm đó, ăn thịt người là chuyện phổ biến, như đánh gôn thôi mà.
- Hà, dĩ nhiên.
- Cô cũng biết đấy, ngay cả ở Anh, bài thuốc ăn thịt người chữa bệnh còn tồn tại đến tận thế kỷ mười chín cơ mà.
- Như kiểu bụi xác ướp à?
- Đúng thế, và còn nữa, ví dụ họ nghĩ máu của những người bị chết đau đớn có thể chữa được chứng động kinh chẳng hạn, hoặc như ở Lincoln’s Inn Fields, các dược sĩ đã từng lấy máu người vừa bị treo cổ, đem pha loãng đi và hoà lẫn với cồn, và cô có thể mua thứ ấy ở quầy thuốc Harris.
- Thật kinh khủng.
- Vâng, và bây giờ, ở đâu đó vẫn còn vài kiểu gọi là, ờ, giáo phái đồng thuận ăn thịt người Cơ đốc hoá, nó được gọi là Giáo hội của cộng đồng giáo hữu cực phàm tục hay gì gì đó.
- Oa, đúng, đúng, đúng, tôi đã nghe về chuyện đó, Hừm, có khi đó chỉ là một kiểu giảm béo kỳ cục nào đấy thôi.
- Có thể.
- Nhưng tôi nghĩ anh nói đúng, chuyện đó chẳng có gì mà to chuyện. Ý tôi là, tôi cũng ăn nhau thai của mình mà.
Câu đó làm tôi im bặt
- Xin lỗi, chuyện đó làm anh khó chịu à? – cô ta hỏi.
- Ừm ...
- À, - cô ta nói, - Taro kể rằng anh biết về thiên văn.
- Vậy sao?
- Phải.
- Ông ta có kể tôi biết dùng miệng bắt đĩa bay đồ chơi không?
- Ôi, thôi nào. Hãy chiều tôi một lần đi.
- Thôi được, cô chọn một ngày đi.
- Ngày gì? – Cô ta hỏi lại.
- Ngày gì cũng được.
- Được thôi, ờ, ngày 29 tháng 2, ừm, năm 2594.
- Năm ấy không phải năm nhuận.
- Được rồi, thế ngày 28 tháng hai thì sao?
- Đó là ngày thứ sáu.
- Anh chỉ đùa tôi thôi.
- Thật mà
- Thật á?
- Phải. Còn nữa, tôi có thể nói thêm với cô là vào ngày hôm đó, mặt trời, cứ cho là vẫn còn, sẽ mọc vào lúc sáu giờ năm mươi phút sáng. Giờ EST(Múi giờ chuẩn ở khu vực phía Đông nước Mỹ). Mặt trời sẽ lặn vào khoảng sáu giờ hai mươi tư phút chiều.
- Phải rồi, - Marena nói, - và tôi là Anastasia Romanov(Công chúa của vị Sa Hoàng cuối cùng).
- Gượm hẵng, vẫn còn nữa. Vào ngày đó, sao Kim sẽ mọc vào lúc tám giờ năm mươi bảy phút sáng - mặc dù đương nhiên cô sẽ không nhìn thấy nó – và lặn lúc chín giờ năm mươi sáu phút tối. Ý tôi là ở múi giờ này. Còn sao Thổ sẽ mọc vào lúc bốn giờ ba mươi tư phút sáng...
- Nhảm nhí.
- Cô tra thử trên Google mà xem.
- Thôi, đừng bận tâm, - cô ta nói. Cô ta có nụ cười rất rộng miệng – Anh ác thật đấy.
Rõ ràng ác thật là một cách nói tuyệt vời kiểu mới.
- Vậy bao nhiêu người có thể làm được như anh?
- Tôi không biết ai khác cả. Có những người làm được những việc khác...
- Hừm, - cô ta khẽ cười rúc rích.
Được rồi, - tôi nghĩ, - tôi là người tử tế. Tôi sẽ giúp cô gỡ viên Ru-bic cũ, tôi sẽ giúp cô giải quyết nốt những trang Sudoku(Một trò chơi đố) chưa giải xong, tôi sẽ tính thuế giúp cô bằng hệ thập lục phân, miễn là cô cho tôi xem cuốn Thư...
- Có đúng là anh nói được mười hai thứ tiếng không? – Marena hỏi.
- Không, không, không hề, - tôi đáp. – Tôi chỉ nói được ba thứ tiếng thôi, trừ khi cô tính mỗi thổ ngữ Mayan là một thứ tiếng. Tôi biết gần như tất cả.
- Vậy anh nói tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Mayan?
- Phải. Tôi cũng hiểu được vài thứ tiếng khác nữa. Nghĩa là có thể đọc được. Và nói có lẽ cũng đủ thạo để mua được cà chua.
- Ví dụ?
- Chỉ những thứ tiếng thông dụng thôi. Tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Hy Lạp, tiếng Nahuatl, tiếng Mixteca, tiếng Otomi...(Ngôn ngữ của các dân tộc bản địa khác của châu Mỹ)
- Thế thì, xem nào, - cô ta nói, - anh nghĩ gì về ngày tận thế? Anh có cho rằng điều đó sẽ xảy ra không?
- Ờ... à...
Tôi lưỡng lự. Chúng ta có tí vấn đề rồi đây, tôi nghĩ thầm trong bụng. Một mặt tôi cũng hơi lo lắng về chuyện đó, mặc dù không muốn. Mặt khác tôi lại chẳng có chút thông tin chắc chắn nào. Và cố nhiên tôi muốn nói rằng chuyện đó có vấn đề và tôi có thể giúp cô ta, nhưng rồi tôi lại có cảm giác rằng Marena Park là một đứa trẻ khó phỉnh phờ hơn các chica alegre (cô gái dễ tính(tiếng Tây Ban Nha)) bình thường khác.
- Ờ ...à, - tôi nói, - không, tôi không chắc chắn gì về chuyện này. Sao thế? Mọi người quanh đây lo lắng chuyện đó à?
- Một số người thôi, và rồi, sau đó tôi đoán Taro nói chuyện đó chắc chỉ đúng với những gì liên quan đến người Maya thôi... không, chuyện đó dĩ nhiên cũng chẳng có gì quan trọng đâu.
- Ồ, dĩ nhiên là không không rồi, cô đừng ngại, - tôi đáp.
- Nhưng, nói một cách nghiêm túc, anh nghĩ gì về chuyện này?
- Ừm, đó hiển nhiên là một ngày có ý nghĩa quan trọng, - tôi đáp. Nếu như thời xưa, chí ít người ta cũng sẽ tổ chức một ngày hội lớn. Họ sẽ tập hợp những vị thông thái cao tuổi hay đại loại vậy để tính xem tiếp theo nên làm gì. Có thể họ sẽ làm lại một cuốn lịch mới.
- Nghĩa là chẳng có chuyện gì to tát ở đây cả.
- Thôi cho là không.
- Hừ, Marena nói, nghe giọng cô ta gần như thất vọng. - Thế việc người Maya... Ờ... tôn thờ thời gian có phải sự thực không?
- Ừm, điều đó hơi... sẽ là công bằng nếu nói rằng từ trước đến nay chưa từng có nền văn minh nào bị ám ảnh bởi thời gian cả.
- Nhưng đúng là họ có những ngày tháng phức tạp đến khó tin với những cái tên và con số kỳ lạ mà.
- Thực ra, nếu cô đem hệ thống số của người Maya ra dạy trẻ con, chúng sẽ nói nó dễ hiểu hơn hệ thống số ả-rập đấy. Nó chỉ như các quân cờ đô–mi–nô thôi mà, chỉ là những dấu chấm và gạch.
- Ồ, vâng, nhưng Taro đã có lần thử giảng giải cho tôi về những ngày tháng ấy và tôi đã rối tinh cả lên. Tôi đúng là đồ ngu độn.
- Cái đồng hồ này đẹp quá, - tôi nhận xét.
- Cảm ơn anh. À, hồi trước nó thuộc về John Huston, anh biết đấy, đạo diễn phim ấy mà, như phim Kho báu ở Sierra Madre chẳng hạn, anh biết chứ?
- Rất hay.
- Và nhóm Neo–Teo đã tặng nó cho tôi sau vụ nhận giải thưởng của Viện Khoa học và Nghệ thuật.
- Hay quá.
- Nhưng, như tôi đã nói, tôi không hiểu được nó. Mặc dù người ta nói nó vẫn đang chạy.
- Ồ, không khó đến mức ấy đâu, - tôi đáp.
- Ý anh là lịch của người Maya không khó hiểu đến mức ấy?
- Phải. Có vài điểm khá đánh đố, nhưng khái niệm cơ bản thì rất đơn giản. Nếu... ờ, thế này nhé, cô đừng nghĩ nó là cái đồng hồ tính giờ, hãy coi nó là cái đồng hồ đo cây số, cô biết đấy, như đồng hồ trong xe ô tô ấy, ý tôi là trong xe ô tô loại cũ trước khi có đồng hồ điện tử ấy.
- Được rồi.
- Ừm, vậy là bộ phận đo tổng số dặm đã đi nằm ở hai bánh răng, phải vậy không? Và mỗi lần một bánh răng quay một nhịp thì bộ phận đo sẽ dịch chuyển ba mươi độ. Tức là một phần mười hai của một vòng tròn. Còn với ngày tháng của người Maya, mỗi bánh răng lại được chia thành hai mươi nấc, chỉ có duy nhất một bánh răng đặc biệt có mười tám nấc. Ngoài ra còn một bánh răng quan trọng nữa có mười ba nấc, đó chính là lịch tế lễ và là loại lịch mà ngày tháng có tên. Như vậy cứ sau mười ba chu kỳ hai mươi ngày, sẽ lại có một cái tên kết hợp số được lặp lại. Giả dụ, nếu hôm nay là ngày Dơi 0 thì hai trăm sáu mươi ngày nữa sẽ lại có một ngày Dơi 0. Và vì vậy, khi có nhiều chu kỳ cùng kết thúc vào một thời điểm thì đó sẽ là một sự kiện lớn, giống như...
- Giống như khi đồng hồ đo cây số chuyển sang một trăm nghìn dặm mới và lũ trẻ con ngồi ở ghế sau háo hức nhoi lên trước để xem.
- Đúng thế đấy, - tôi nói. - Chỉ có điều mỗi ngày có cùng tên và số như thế sẽ thuộc về một tun, tức là một chu kỳ gồm 360 ngày, khác nhau. Và mỗi k’atun thì gồm 20 tun, cứ hai mươik’atun thì thành một b’ak’tun. Và mười tám b’ak’tun...
- Rồi, tôi hiểu rồi.
- Rồi. Ngoài ra còn những cách tính khác liên quan đến sao Kim và các hiện tượng thiên văn khác, các ngày lễ kỷ niệm và các sự vật siêu nhiên. Mỗi ngày lại có những vị thần bảo trợ và khắc tinh riêng. Nó từa tựa như việc mỗi vị thánh Cơ đốc giáo đều có những ngày riêng, có điều...
- Có điều phức tạp hơn rất nhiều.
- Ừm... có điều những thứ như vậy ngày nay rất nhiều, phải vậy không? Ví dụ như Thế vận hội Olympic và bầu cử tổng thống có chu kỳ bốn năm, rồi bầu cử thượng viện có chu kỳ sáu năm, có điều các chu kỳ này so le nhau, và còn có, ví dụ như, các chu kỳ kinh tế và kế hoạch năm năm, và còn nạn châu chấu chu kỳ mười bảy năm và cây tre có chu kỳ nở hoa một trăm ba mươi năm. Ờ, John Travolta(Diễn viên điện ảnh Mỹ) cứ mười lăm năm rưỡi lại có một lần tái xuất nổi đình nổi đám...
- Rồi, tôi hiểu rồi.
- Dẫu sao, cô cũng chỉ cần biết một thôi, đó là chu kỳ của mặt trời. Là 360 ngày, là tzolkin (Năm âm lịch của người Maya, gồm 260 ngày (chú thích của tác giả)), là các chu kỳ hai mươi và mười ba, là những gì hợp thành ba’k’tun. Tổng cộng khoảng 256 năm. Năm tzolkin định ra thủ phủ luân phiên và...
- Thủ phủ luân phiên là gì?
- À, đó là... đó là thứ đại loại như thủ phủ tạm thời, nơi họ tổ chức hiến tế, nơi họ ra các quyết sách của một thành phố, hay có thể nói đó là một khu đền thờ nơi tất cả các tù trưởng họp mặt và quyết định các chính sách chung, quyết định thời điểm lễ hội và những vấn đề tương tự. Và đến cuối chu kỳ hai mươi năm, khu đền thờ đó sẽ bị xoá sổ theo nghi lễ. Chẳng hạn như họ sẽ ngừng việc khắc bia, hoàng tộc sẽ rời đi và họ sẽ phá bỏ các tượng đài và những thứ khác. Sau đó khu vực ấy sẽ trở thành khu vực cấm, và trong hai mươi năm tiếp theo, thủ phủ sẽ nằm ở một nơi khác.
- Vậy đó chính là lý do người Maya rời bỏ các thành phố của họ.
- Phải, đó là một khả năng khiến các trung tâm nghi lễ đó bị bỏ hoang, nhưng...
- Dù sao, - Marena nói, - theo tôi hiểu thì anh dùng cờ Hiến tế để chọn mua cổ phiếu.
- Cụ thể là hàng hoá.
- Phải rồi. Và anh chơi bằng tay, phải vậy không?
Ý cô ta là không phải chơi bằng máy tính.
- Ừm, tôi vẫn còn giữ phần mềm cũ của Taro, - tôi trả lời, - nhưng đúng thế, chủ yếu bằng tay.
- Anh có chiếc túi đựng những viên sỏi nhỏ... gọi là cái gì đó... không?
- Grandeza, - tôi đáp, - có.
- Anh có đem theo không?
- Có đây.
Cô ta không hỏi xem nó. Chắc như thế thì hơi đường đột quá.
- Nhưng cô biết không, - tôi nói, - tôi không phải chiêm tinh gia hay gì cả. Chuyện này chẳng liên quan gì đến những điều siên nhiên.
Hê, - tôi nghĩ, - sao cô không cho tôi xem cuốn sách, đổi lại tôi cho cô xem túi đá nhỉ?
- Tuy thế, trò chơi không thực sự giúp anh tiên đoán. Phải vậy không?
- Hừ, tiên đoán nghe như... nghe như việc của thầy bói.
- À, - cô ta ngưng lại.
Đừng thật thà quá, Jed, - tôi tự nhắc mình. Nếu cô ta không nghĩ mày có gì đặc biệt thì cô ta sẽ chẳng cho mày xem gì sất. Phải vậy không? Mặt khác, cô ta sẽ nghĩ mày định bán mềm (Một cách bán hàng dựa trên thuyết phục). Dù sao cũng không phải mày đang cố hẹn hò với cô ta. Ngay cả khi cô ta thuộc loại hấp dẫn. Tất cả những gì mày cần bây giờ là làm sao để cô ta cho mày xem cuốn thư tịch thôi. Phải vậy không?
- Vậy, - Marena nói, - vậy anh muốn nói là người Maya cổ không thực sự tiên đoán điều gì cả?
- Ừm, không, họ... cô nghe này, tôi muốn nói rằng họ không coi điều đó là tiên đoán. Nhiều khả năng họ coi đó là, đại loại như đặc tính cố hữu hay hương vị riêng mà mỗi ngày mang trong mình một cách tự nhiên. Nó cũng giống như cuốn lịch niên giám của nông dân ghi rằng sẽ có tuyết vào một ngày nào đó, chỉ khác là ở đây nó là bệnh dịch, là chiến tranh hay gì đó khác. Và hương vị đó càng ngày càng được thêm mắm thêm muối vào, nếu xảy ra một trận chiến lớn vào đúng ngày hôm ấy thì từ đó trở đi người ta sẽ có định kiến rằng cái ngày đó là ngày chiến tranh. Y như quan niệm cho rằng ngày sinh của vua chúa là ngày may mắn ấy. Ý tôi là ngay cả bây giờ người ta vẫn còn nghĩ vậy.
- Tôi hiểu ý anh.
- Nhưng thực ra cờ Hiến tế không cho cô thấy được tương lai. Nó chỉ giúp tăng tính chính xác của các dự đoán thôi.
- Như thế nào?
- Hừm, nó một cách thật đơn giản, tôi nghĩ nó tăng tốc bộ não bằng cách nào đó. Hoặc giúp não tập trung hơn khiến ta có cảm giác hoạt động nhanh hơn. Nó tạo ra những giờ chơi. Vì vậy, giống như...
- Gượm đã, giờ chơi nào, ý anh là như ở nhà trẻ á?
- Không, ờ... đó chỉ là một thuật ngữ của StrategyNet. Họ dùng nó để diễn tả cách tính thời gian khác thời gian bình thường của mỗi trò chơi. Ví dụ, cô biết đấy, các trò chơi chiến thuật theo lượt sử dụng một cách tính giờ khác, nó không dựa trên khung giờ cố định hay độ dài của ván chơi mà phụ thuộc vào diễn biến của chính ván chơi đó. Cô hiểu chứ?
- Tôi hiểu.
- Về cơ bản, một ván chơi được đo bằng nhịp độ. Tức là các nước đi. Nếu một người chơi đi một nước mà không đem lại kết quả gì, nghĩa là anh ta đã lỡ mất một nhịp. Thời gian tính theo đồng hồ chỉ là một cách tính chẳng có gì liên quan đến tốc độ của một trò chơi.
Cô ta gật đầu.
- Như vậy giờ chơi có thể hiểu là thời gian tính theo sự thay đổi thế trận, chứ không phải độ dài.
Cô ta gật đầu.
- Như vậy có nghĩa là, cô cũng biết đấy, khi cô chơi một trò chơi nào đó thì mọi sự vật xung quanh dường như chậm lại.
Cô ta gật đầu.
Đến đây thì tôi im lặng.
- Vậy là, - cô ta nói, - ý anh là tất cả những gì anh làm chỉ là đọc trước.
Trong môn cờ vây, đọc trước có nghĩa là tính các nước tiếp theo. Một tay chơi cờ vây chuyên nghiệp có thể đọc trước tới một trăm nước.
- Đúng vậy, - tôi đáp. - Chính xác là như thế.
Phải đấy, - tôi nghĩ thầm trong bụng. Đúng là một tay chuyên nghiệp! Bậc thầy về trò chơi! Bậc thầy về cờ bạc! Nào, theo lẽ thường thì bây giờ cô sẽ muốn cho tôi xem cuốn sách chết toi đó chứ. Phải không?
Phải.
Vấn đề là, chúng tôi, những người chơi trò chơi nghiêm túc- trò chơi nghiêm túc là từ mà các nhà toán học dùng để chỉ các trò chơi như cờ vây, cờ vua, cờ shogi, bài bơ-rít, bài poker, có Hiến tế và một số ít trò chơi điẹn tử như Sim game chẳng hạn - biết, hoặc có cảm giác mình biết, rằng có một thế giới nào đó duy ý chí hơn đang tồn tại, tạo thành cơn sóng mạnh hơn áp đảo. Nhưng sự nhận biết đó biến chúng tôi thành những kẻ lập dị. Và dĩ nhiên, nó cũng khiến chúng tôi có cảm giác mình hơn hẳn những kẻ khác - bất kể những kẻ đó khoẻ mạnh hơn, hạnh phúc hơn và thành công hơn chúng tôi về cả địa vị xã hội lẫn tiền bạc – và thế là chúng tôi trở thành loại người không thể nào chịu đựng được.
- Dẫu sao, - Marena nói, - đọc được trước sự việc cũng đủ để đầu tư ngon lành rồi.
- Tôi đoán vậy.
- Theo tôi hiểu thì anh vừa mua bán được vài vụ thành công.
- Xin hỏi thông tin đó từ đâu ra vậy?
- Từ hãng, - cô ta đáp, giọng nói có chút thay đổi tiêu cực.
- Hừm.
- Anh đừng bận tâm chuyện đó.
- Được thôi.
- Dù sao... này, anh không nhìn thấy trước ngày tận thế nào đấy chứ... ý tôi là ngày tận thế đang chờ chúng ta vào năm tới ấy? Có không?
- Ý cô là ngày Chúa tể 4? Ngày cuối cùng của cuốn lịch?
- Đúng. Ngày 21 tháng 12 năm 2012 ấy.
- Không, tôi không thấy, - tôi đáp, - chưa thấy.
- Tôi nghĩ vậy là tốt.
Tôi bắt đầu cảm thấy chúng tôi đang đi đến phần kết của câu chuyện, giống như tiếng động phát ra khi chai nước sắp được đổ đầy. Nào, cố lên, Jed. Làm thế nào để biến mình thành vô giá trước người phụ nữ này? Hãy nói gì đó thật thuyết phục, thật hoành tráng, thật gây sốc vào... không, đừng thử cách ấy. Cứ hỏi câu gì đó thôi.
- E hèm, tôi muốn hỏi chút, - tôi lên tiếng.
- Anh nói đi.
- Tại sao một phòng nghiên cứu giải trí lại đi tài trợ cho những nghiên cứu của Taro? ý tôi là, chúng có thực sự liên quan đến giải trí đâu.
- Thời buổi này cái gì cũng là giải trí cả, - cô ta đáp.
- Ừ, phải.
Cho tôi xem cuốn sách đi nào, - tôi nghĩ. Đưa sách cho tôi. Đưa tôi... sách. Sách... tôi.
- Nói chung, Lindsay từ trước đến giờ vẫn giỏi việc biến bất kỳ thứ gì thành giải trí... anh biết đấy, đó là lý do vì sao hãng phim của chúng tôi dựng lại bộ phim Silent Running(Một bộ phim giả tưởng với viễn cảnh toàn bộ giới thực vật bị tiêu diệt, trừ một vài loài trồng trong nhà kính được một nhà sinh vật học cứu sống.) chỉ vì ông ta đã mua lại Botania, một công ty chuyên thuỷ canh theo quy trình khép kín.
- Phải.
- Và nó rất hợp với bộ phim.
- Ừmm.
- Tuyệt đấy, tôi nghĩ bụng. Chủ nghĩa duy trì sinh tồn đây mà. Lại thêm những ý tưởng ngu độn kiểu bọn Mormon. Tích trữ để chờ ngày Khổ nạn đến. Không muốn phải trình diện đức Jesu với cái bụng rỗng.
- Họ vẫn đang tiếp tục các nghiên cứu liên quan đến duy trì sinh tồn đấy.
Cô ta đọc được ý nghĩ của mình thì phải. Quỷ tha ma bắt, - tôi nghĩ. Mình ghét trò đoán được ý nghĩ người khác này.
- Phải, - tôi đáp, - phải, tôi lớn lên ở Utah...
- Ồ, phải rồi ...
- ... cho nên cũng biết ít nhiều về những chuyện đó.
- Phải.
- Phải
- Ý tôi là, đó là sự thực. Linsay là một nhân vật quan trọng của giáo phải Mormon. Ông ta vừa được bầu chọn vào Hội đồng Bảy mươi tông đồ.
- Hay thật đấy.
Hội đồng Bảy mươi tông đồ là giáo hội đứng đầu Những Vị Thánh Ngày Cuối, tương tự như Hội đồng Hồng y.
- Nhưng tôi hiếm khi nói chuyện với họ. Anh biết đấy.
- Vậy ư.
- Họ đến là đáng sợ.
- Phải.
- Ừ, - tôi nghĩ, - cô ta thật tốt khi muốn làm mình yên lòng. Không...
- Nhưng Lindsay sáng suốt hơn những người còn lại... nói chung, bọn họ tài trợ cho những thứ mà chẳng ai khác buồn dính vào.
- Như phản ứng hạt nhân năng lượng thấp?
- Ừ, đúng vậy, - Marena trả lời, - và hàng ngàn thứ khác nữa. Và chẳng phải thứ gì cũng tròn trịa.
Để giải thích cho những ai có cái may mắn không phải sống hoặc làm việc ở khu vực Salt Lake, những sự kiện mà Marena và tôi vừa nhắc đến là: thứ nhất, năm 1989 trường đại học Utah công bố rằng họ đã thực hiện thành công phản ứng hạt nhân năng lượng thấp nhưng đó chỉ là sự nhầm lẫn; thứ hai là vụ xì-căng-đan liên quan đến con tàu vũ trụ Callenger khi người ta phát hiện ra rằng giáo hội Mormon đã giao việc sản xuất nó cho Morton-Thiokol và công ty này đã hớt đi hàng triệu đô la của dự án, và, vài người có thể còn nhớ, nó đã cho ra một sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Và đó chỉ là hai trong số rất nhiều. Tất cả những nghiên cứu kỳ dị mà Những Vị Thánh Ngày Cuối trả tiền cho thật cứ như một trò đùa vậy. Nhưng đó là kiểu khoa học ở miền Tây Nam. Các tổ chức của giáo phái Mormon đã tiêu hàng triệu đô la mỗi năm cho các nghiên cứu tâm linh, khả năng nhớ theo di truyền, nghiên cứu phả hệ liên quan đến ADN, khảo cổ học liên quan đến thờ cúng, nơi ẩn náu khi đến ngày tận thế, túi cứu sinh(Là một túi đồ chứa đầy đủ những gì cần thiết để một người có thể sống sót trong bảy mươi hai giờ khi có thảm họa xảy ra, rất phổ biến trong cộng đồng người theo chủ nghĩa duy trì sinh tồn.) phát miễn phí và hàng tá lĩnh vực khác nữa. Thực ra, chuyện nực cười nhất có lẽ là vào năm 1998, khi hai nhà nghiên cứu của Viện Vật lý ứng dụng Layton tuyên bố họ đã kích thích các hạt lượng tử và tạo ra một vũ trụ bong bóng. Tức là, có lẽ là lần đầu tiên sau vụ nổ lớn, một bản sao vũ trụ đã được tạo ra bên trong vũ trụ ban đầu. Họ nói thêm rằng hai vũ trụ đó giống hệt nhau vào thời điểm phân đôi, nhưng vì những thay đổi ngẫu nhiên bên trong nguyên tử nên chúng sẽ bắt đầu biến đổi khác nhau tương đối nhanh. Khi một phóng viên của CNN hỏi người phụ trách rằng vũ trụ mới ấy ở đâu, ông ta đã trả lời : "Chúng ta đang ở bên trong nó". Không có gì đáng ngạc nhiên khi các kết quả nghiên cứu của họ không được tái tạo lại thêm lần nào.
- Dù sao, - Marena Park nói, - sẽ tiện hơn nếu dùng ngân sách của phòng tôi vì tôi cũng đang thực hiện nhiều dự án liên quan đến Maya.
- Phải, - tôi đáp.
Lại một khoảng im lặng nữa. Hừ, tuyệt đấy, - tô nghĩ, - tôi đoán thế có nghĩa là cô không cần tôi nữa. Tôi chỉ còn việc cụp đuôi vào giữa hai chân mà bước ra ngoài và...
- Anh đọc được chữ Maya phải không, - Marena hỏi.
- À, vâng, tôi đọc cũng tạm được. Nhưng cô biết đấy, nó không hẳn là đọc như bình thường, chúng thường không hẳn là các câu, và phải suy diễn rất nhiều.
- Được rồi. Vậy tôi đoán anh cũng muốn xem cuốn Thư tịch, phải không?
- Ồ, dĩ nhiên, dĩ nhiên rồi, - tôi đáp.
Xong rồi!!! – tôi reo thầm trong bụng.
- Vấn đề là nó vẫn chưa được công bố, vì vậy đáng ra tôi không được cho ai xem. Đó là bí mật lớn chỉ sau vụ các mũi của Natalie Portman thôi đấy.
- Ồ.
Lại im lặng.
- Nhưng tôi không biết nữa, - cô ta tiếp, - nếu anh cộng tác lại với Taro, có lẽ anh có thể vào cuộc khi Taro bắt đầu giai đoạn thử nghiệm tiếp theo... nhưng sẽ không sớm đâu.
- Ồ, được thôi.
Dĩ nhiên rồi, cảm ơn vì đã từ chối tôi như thế. Mày là đồ thua cuộc, Jed. Bàn tay tôi bất giác siết chặt lấy thành ghế như muốn bẻ cong nó lên. Tôi cảm thấy một cơn thất vọng tràn trề ngấm vào từng phân tử, giống như rơi tự do từ trên đỉnh tháp Power ở công viên Six Flags Over Texas xuống. Thôi, mặc xác nó, có lẽ đó chỉ là một cơn quá khích thôi. Họ đang cố biến nó thành một vụ thư cảo Biển Chết(Những văn bản còn sót lại của kinh Do Thái cổ được phát hiện tại một địa điểm ven biển Chết, những văn bản này bị trì hoãn công bố khiến xảy ra rất nhiều tranh cãi trong giới học giả.) thứ hai đây mà, và có khi thực ra họ chẳng có gì sất, có khi cuốn Thư tịch chỉ là một mớ biểu đồ sao Kim và vài cái tên cổ, có khi chỉ là công thức nấu món guacamole... (Món nước sốt quả lê tàu.)
- Anh muốn xem trang viết về ngày Tận thế chứ? – Marena hỏi. - Tôi chắc sẽ không có rắc rối gì nếu chỉ để anh xem trang đó thôi.
- Ồ, dĩ nhiên.
Ôi, chúa tôi. Lạy chúa toàn năng! Ô hô! U hu! A ha!
- Nào.
Cô ta thò tay xuống ngăn bàn bên dưới, không cần nhìn, rút ra một chiếc điện thoại di động màn hình rộng, và bấm bấm trong vài giây. Tôi đẩy chiếc ghế lại gần, nhưng không quá gần. Hết sảy.
- Cô cần tôi ký một cái giấy biên nhận hay gì không? – tôi hỏi.
- Ồ, anh có thể để lại con tin.
- Tôi là con tin rồi đây.
Cô ta đặt chiếc điện thoại lên bàn, xoay đầu lại để đẩy về phía tôi. Nó có màn hình hiển thị OLED – 3D kiểu mới, không có dấu vết nào của ảnh điểm, chỉ có hình một trang giấy dài, hẹp, hiển thị ba chiều, nét chỉ kém phím Zeonex.
Do trang giấy vỏ sung bị thạch cao hoá này không phải tiếp xúc với mặt trời đã hàng thế kỷ nên chất mực dễ phai vẫn được bảo quản nguyên vẹn và phương pháp xử lý hình ảnh siêu quang phổ lại làm chúng đậm thêm một chút nên chúng nổi lên giữa trang giấy đen như thuỷ tinh màu bị phai.
7
Bàn cờ nằm giữa trang giấy, hai bên có hai hình vẽ. Một vị vua trong trang phục hậu duệ báo đốm ngồi bên trái, hai tay khoanh lại. Theo mẩu chú thích của Michael Weiner lơ lửng một cách khó chịu phía trên bức hình, ông ta có thể là một vị ahau có tên Chim Ruồi Có Nanh 9, trị vì từ năm 644 đến khoảng năm 666 tại một thành phố thuộc địa phận Alta Verapaz mà nhóm nghiên cứu của Weiner xác định là thành Ixnich’i-Sotz – hay theo cách gọi đơn giản của dân địa phương ngày nay là Ix. Dòng ký tự biểu tượng chạm khắc phía trên hình vẽ thứ hai ngồi ở góc tây nam bàn cờ, hướng mặt về tương lai, hình như là Ahau-Na Hun Koh, nghĩa là Công Nương Răng 1.
Nửa dưới mặt bên phải của bà ta được tô đen, bàn tay phải cũng vậy, và có lẽ do nhầm lẫn gì đó mà dường như bàn tay kia có tới bảy ngón. Trang phục bà ta vận có phần giống kiểu Teotihuacán, đô thị lớn nhất miền cao nguyên Mexico thời đó. Phía trên hình người là một hình vẽ con chim Muwan và một thanh ngang hình rắn hai đầu, phía dưới là một sinh vật mà các nhà nghiên cứu Maya gọi là quái vật Cauac – con vật hình dáng thô cứng, be be, nửa cóc nửa cá sấu, nằm ngoắc hàm, sẵn sàng nuốt gọn gàng toàn bộ bức tranh. Dãy ký tự chạm khắc trên cùng ghi rằng cuộc chơi này đã diễn ra vào ngày Chúa tể 9, Sum họp 13, 9.11.6.16.0, tức là ngày Thứ 5, 28 tháng bảy năm 659. Dãy ký tự thứ hai, nằm dưới cùng ghi lại ngày đầu tiên của lịchMesoamerica. Dưới bức hình khắc mười ký tự sau:
Đây rõ ràng là một phần của một bản ghi chép cảnh báo sự kiện. Tức là danh sách mà trong đó một người giải đoán nào đó đã ghi lại những ngày tháng quan trọng, đi kèm ghi chú về những sự kiện thiên văn lớn, những sự kiện lịch sử và sự kiện tương lai giả thiết sẽ xảy ra vào ngày tháng đó. Một vài con số được viết với phần dấu quy ước bị biến đổi đi, những số khác lại được viết với những dấu chấm và gạch chú thích. Thời gian, chúng xuất hiện ở khắp nơi.
Hừm. Mặt khác, nếu chỉ nhìn vào các động từ, toàn bộ ghi chép này sẽ cho ta ấn tượng rằng đây là một bản ghi kết quả của một trận bóng hông – tương tự như “điểm” trong môn cờ vua. Đó là thuật ngữ chỉ cách tính điểm mà người Maya từng sử dụng trong các trận bóng nghi lễ của họ. Các bạn có thể hình dung đó là một môn thể thao lai giữa bóng ném, bóng chuyền và bóng đá, sử dụng một quả bóng đặc biệt bằng cao su to bằng quả bóng rổ và tâng nó lên chủ yếu bằng hông. Nhưng bất kể nó kỳ cục thế nào, nếu nó chỉ là một trong tám mươi trang của cuốn sách thì cuốn sách ấy hẳn phải chứa đựng vô vàn thông tin. Vấn đề khó khăn nhất đối với các nhà nghiên cứu văn tự chạm khắc Maya là có quá ít văn bản bằng chữ cổ tồn tại đến ngày nay. Vì có quá nhiều ký tự chỉ gồm duy nhất một hình đơn lẻ, ví dụ như…Chắc Marena vừa hỏi gì đó mà tôi không trả lời.
- Jed? – cô ta gọi.
- Hả? Xin lỗi. Tôi mải mê quá. Được xem thứ này với tôi là cả một sự kiện lớn đấy.
- Tôi gọi anh là Jed được không?
- Hở? ồ, được thôi. Đây là nước Mỹ mà, kể cả những người chưa từng gặp tôi cũng gọi tôi là Jed.
- Được lắm. vậy anh nghĩ sao?
- À, ừ…- tôi trả lời, - ừ, ngôn ngữ này chắc chắn là thuộc thời cổ đất thấp Maya. nhưng cách viết, ý tôi là cách vẽ, lại hơi giống thời hậu cổ điển. Có thể trong khoảng từ năm 1100 đến 1300 Công nguyên. Chỉ là phỏng đoán thôi.
Liệu đây có phải là một bài kiểm tra không nhỉ. Nếu không giải đoán được điều gì đó thì thôi, không được xem trộm thêm phần nào nữa?
- Đúng đấy, - Marena nói, - Michael cũng nói nó là một bản chép lại vào khoảng bảy hoặc tám trăm năm sau. Tuy thế, nó vẫn thuộc về…ờ…thời tiền khai phá (Tức là trước khi có sự tiếp xúc giữa văn hóa châu Âu và châu Mỹ bản địa).
- Michael Weiner có nói nhân vật Công nương Koh này chắc chắn có nguồn gốc Maya không? Hay bà ta đến từ Teotihuacán?
- Tôi không rõ, - Marena đáp, - ông ta không nói gì về việc này. Anh phát âm từ đó đúng như thế à?
- Sao cơ? à, phải, - tôi nói. – Tay-oh-tee-hwha-cun.
- Chết tiệt, tôi vừa sản xuất một trò chơi có liên quan và từ trước tới giờ tôi toàn đọc sai.
- Ừm, nếu là thôi thì tôi chẳng lo lắng lắm đâu, - tôi nói, - chẳng ai biết rõ lắm về nơi nấy, kể cả tên của nó.
- Thật à?
- Phải. Địa danh đó rất bí ẩn.
Đó là sự thực. Không ai biết họ đã nói thứ ngôn ngữ gì, hay họ tự gọi mình là gì, hay hậu duệ của họ là ai. Nhưng bí ẩn lớn nhất là mà không ai biết, hay đúng hơn, điều gây ngạc nhiên nhất, đó là làm thế nào mà thành phố của họ lại tồn tại được lâu hơn tất cả các thành phố khác ở châu Mỹ và phát triển rực rỡ thành trung tâm của Mesoamerica trong suốt tám trăm năm. Ngay cả sau khi đã bị phá hủy, khu vực đó vẫn duy trì được tầm ảnh hưởng nhất định. Bảy trăm năm sau, dưới thời kỳ thống trị của người Aztec, nó trở thành nơi đặt thành phố lớn nhất ở Tây bán cầu, và năm trăm năm sau nữa, chính là bây giờ đây, nó lại đóng tiếp vai trò ấy.
- Anh còn ấn tượng gì khác về trang sách này không? – Marena hỏi.
- À, những ngày tháng này có vẻ khó dễ hiểu – tôi đáp, - nhưng một số động từ lại khó hiểu. Tôi cá rằng rất nhiều trong số này là các biến thể tương đối đặc biệt. Tôi phải bỏ ít thời gian ra tra lại từ điển mới được.
- Anh chạm vào một chữ nào đấy đi, sẽ hiện ra phần dịch của Michael Weiner.
Tôi làm theo. Dòng chữ Maya xám đi và xuất hiện những chữ tiếng Anh màu xanh da trời sáng. Nhìn qua thì thấy Weiner đã dịch được gần chín mươi phần trăm văn bản.
- Hừm, - tôi lẩm bẩm. Đọc qua thì tôi không thấy có lỗi gì. Trước giờ tôi luôn coi Michael Weiner là loại ngớ ngẩn, nhưng xem ra không phải. Dù sao, tôi cũng không quen ông ta. Tôi chỉ nhìn thấy vài lần trên chương trình Những bí ẩn cổ xưa. Đó là một người gốc New Zealand to béo, nói giọng nam trầm, để râu quai nón, bằng cách nào đó ông ta đã chen chân được vào lĩnh vực khảo cổ ở Tân Thế giới, và kênh truyền hình Discovery đang cố đặt ông ta ngang hàng với Steve Irwin trong lĩnh vực nghiên cứu vẽ Mesoamerica. Ông ta chỉ việc đi một vòng quanh quảng trường họp chợ ở Teotihuacán và nói những câu đại loại như “Đây là Rodeo Drive (Khu thương mại sầm uất nổi tiếng ở California)của Mexico thời cổ”. Giới thiệu hay đấy, ông bạn. Và ông là Benny Hill (Người dẫn chương trình truyền hình của Mỹ. Ý nói: đối với khảo cổ, ông chỉ là một tay dẫn chương trình truyền hình chứ không phải nhà khoa học) của giới khảo cổ.
Tuy nhiên, tôi nghĩ, hẳn ông ta cũng rút ra được khối điều từ trang sách này. Tất cả các văn tự Maya được phát hiện đến nay đều cụt lủn đến phát ngán. Nhưng đây là văn bản chạm khắc có tính chất tường thuật rõ ràng nhất mà tôi từng thấy, nhưng vẫn rất ngắn gọn. Cụm từ đầu tiên, b’olon tan, nghĩa là “bàn thứ chín”, có thể hiểu là đã có tám bàn thắng, hoặc tám lần bắt được đối phương, được ghi ở những trang mà tôi chưa được xem. Điều đó cũng có nghĩa rằng trận đấu được chơi với ít nhất chín “quân cờ” thay vì một, quân cờ ở đây có thể được hiểu là “người bị đuổi theo”, hoặc thậm chí là “quả bóng”. Và nó khiến trò chơi khó gấp 260 lần – tức là 1.411.670.956.537.760.000.000.000 – so với phiên bản chơi với một viên đá mà tôi và Tara đang dùng. Và có vẻ như mỗi lần quân cờ lại bị bắt ở một đường giao khác nhau trên bàn cờ, và mỗi đường giao nhau này lại tương ứng với một ngày tháng riêng theo lịch của người Maya. Còn nữa, trên trang đính kèm, mỗi ngày tháng đó – Weiner đã quy đổi chúng sang ngày tháng tương ứng theo Tây lịch thông thường – lại có một cột ký tự chạm khắc bên dưới, viết rằng có chuyện gì đó đã xảy ra, hoặc sẽ xảy ra, vào đúng ngày ấy. Phần nhiều trong số đó là các sự kiện thiên văn, nhưng đến gần cuối, các cột chữ bắt đầu nhắc đến các sự kiện lịch sử. Dòng chạm khắc đầu tiên cạnh nơi quân cờ thứ mười hai bị bắt giữ bắt đầu bằng Răng 3, Kền kên nạm ngọc 15, 10.14.3.9.12, Weiner đã tính chính xác ngày đó thành ngày 30 tháng 8 năm 1109. Trên dòng chú thích, Weiner viết: “Chichén bị xóa bỏ?”. Bất cứ tay hướng dẫn viên du lịch nào cũng có thể giải thích cho anh rằng Chichén Itzá là chính thể Maya lớn nhất vào thời đó. Ngày tháng tiếp theo là ngày 14 tháng 5 năm 1430. Dòng chú thích ghi: “Các chiến binh Mexico chiếm được Champotón”. Thời bấy giờ, Champotón, thuộc địa phậm Campeche (Một bang của Mexico) ngày nay, từng được gọi là “thủ phủ luân phiênk’atun” – gần như thủ phủ của toàn bộ tộc Maya. Những điều này với tôi chẳng có gì khó hiểu, nhưng khi tôi kích vào để xem phần chú thích, trên đó ghi rằng Weiner đã phát hiện ra các dữ kiện về địa lý từ các con số liên quan đến thiên văn. Khi tôi xem kỹ các ký tự liên quan đến thiên văn thì thấy nó quả thực có lý. Mỗi nhóm ký tự đều có một cụm từ giống nhau mang nghĩa “thuộc nơi” đứng trước một cụm từ ghi ngày tháng của ngày thiên đỉnh đầu tiên. Ngày thiên đỉnh đầu tiên tức là ngày đầu tiên của mùa xuân khi mặt trời nằm ở đỉnh cao nhất trên bầu trời vào đúng giữa trưa, và cứ tiến lên một vĩ độ về hướng bắc thì ngày thiên đỉnh lại muộn đi một ngày.
- Cô có biết gì về vụ vĩ độ này không? – tôi hỏi Marena.
- Xin lỗi?
- Tôi chưa từng thấy văn bản chạm khắc Maya nào chỉ rõ vị trí vĩ độ cả. Ý tôi là tôi hiểu cách suy luận của mọi người, nhưng rõ ràng đây là một cách viết lạ.
- Hừm.
- Tôi có thể xem các trang khác không?
- Ừm…thôi, cũng được. Anh đừng kể với ai đấy nhé.
Cô ta nhìn xuống, nguệch ngoạc vội vàng cái gì đó lên một màn hình cảm ứng. Tôi được chuyển sang một trang khác. Không có hình vẽ nào trên trang này, nhưng nó viết rằng sự kiện sắp tới sẽ xảy ra vào năm 1498 Công nguyên, tại Mayapan, và nó còn viết gì đó về việc những “người cười”, tức là những người dân thành Ix, sẽ bị ăn thịt bởi “carnelian”, nghĩa là đá ruby hay chính là cách ám chỉ mụn nhọt. Weiner ghi chú đoạn này như sau: “Người Tây Ban Nha truyền bệnh đậu mùa chăng?”. Nơi quân cờ thứ mười lăm bị bắt là ngày 20 tháng 2 năm 1524. Cuốn Thư tịch đã đánh dấu nó bằng dòng chữ: “Nước mắt (dưới) người khổng lồ bằng đồng”, và Weiner chú thích bên dưới: “Cánh quân khởi nghĩa Maya cuối cùng đầu hàng Pedro de Alvarado (Vị tướng Tây Ban Nha nắm chức toàn quyền tại Guatemala thời kỳ đó.) tại trận Xelaju”. Tiếp theo là một ngày mà tôi biết rõ như thể nó được xăm trên cổ tay tôi: Ngày Lưỡi dao 10, Trứng đen 16, 11.17.2.17.18, tức là ngày 12 tháng 6 năm 1562. Weiner ghi: “tai hoạ định mệnh tại Mani”. Đó là ngày Fra Diego de Landa cho thiêu cháy toàn bộ những thư viện còn lại của người Maya tại Yakatán. Tôi luôn ước sao mình chẳng dính dáng họ hàng gì với cái đồ con hoang ấy.
Tự dưng tôi có cảm giác ngồ ngộ về việc này. Tôi lại có ý nghĩ cuốn sách này hẳn là đồ giả. Nhưng nhìn nó lại không giống một cuốn sách giả mạo thông thường. Nó quá kỳ quặc. Trong khi những tay làm giả có nghề luôn có xu hướng làm hơi thận trọng một chút. Cuốn sách không chỉ kỳ quặc ở nội dung mà còn kỳ quặc ở chỗ có quá nhiều ký tự hình dạng khác thường, thứ mà người ta chỉ mong nhìn thấy khi tìm được một mớ chữ nghĩa lạ tại một thành phố nào đó tương đối biệt lập với nền văn minh chung. Điều này chỉ có thể do một bàn tay làm giả thực sự thông minh bịa ra…nhưng tôi vẫn cảm giác văn bản này là thật. Một sự thật nghe có vẻ trái tai.
- Taro có nói ông ta nghĩ họ dùng bao nhiêu viên đá không? – tôi hỏi.
- Gì cơ? – Marena hỏi lại.
- Ờ, số lượng quân cờ í mà. Đó là thứ họ dùng khi chơi cờ Hiến tế.
- Tôi không biết nó là gì cả.
- Không sao, tôi sẽ hỏi Taro sau vậy.
Tại nơi quân cờ thứ mười bảy bị bắt, ứng với ngày 13 tháng 3 năm 1697, Martín de Ursúa y Arizmendi đã bắt sống được Ahau Kan Ek’, vua của thành Nojpetén tại Tayasal, bên hồ Petén Itzám thành trì cuối cùng của nền văn minh Maya truyền thống chưa khuất phục Tây Ban Nha. Đó là nơi cuối cùng người ta còn giữ lịch Long Count. Tiếp đó là ngày 29 tháng 7 năm 1773, ngày xảy ra vụ động đất ở cố đô Antigua Guatemala khiến người ta quyết định chuyển thủ đô về địa điểm như ngày nay. Tiếp nữa là ngày 4 tháng 5 năm 1901, ngày mà tướng Bravo chiếm được Chan Santa Cruz, thành lũy cuối cùng của quân nổi dậy Maya ở Yakatán. Ngày tháng thứ tư từ cuối đếm lên là ngày 9 tháng 11 năm 1954, dòng chú thích dịch đại ý như sau:
B’ak’tun cuối cùng
K’atun thứ 17
Tun thứ nhất
Unial 0
Trúc 6, Trắng 4
Kaminaljuyu (Một khu vực văn minh Maya thời tiềnColombia, thuộc lãnh thổ phía tây Guatemala)
Không phải Kaminaljuyu
Bị lừa gạt quá đủ
Bởi ahau xa lạ
Chúng ta gánh lấy tai vạ
Chúng ta trốn chạy
Khỏi những kẻ thối tha kinh tởm
Chúng ta rúc vào bụi rậm
Như lũ chuột, lũ khỉ
Chúng ta sẵn sàng cho sự đen tối.
Đó là ngày Castillo Armans tiến quân vào thành phố Guate trong chiến dịch táo tợn của CIA – tôi nghĩ tôi đã đến chuyện này rồi – khiến cục diện trở nên thực sự tồi tệ. Tiếp theo chỉ còn lại ba ngày tháng nữa. Một là ngày mà tôi đã nhìn thấy trong bài báo trên tạp chí Times, ngày xảy ra vụ nổ ở Oaxaca:
B’ak’tun cuối cùng
K’atun thứ 19
Tun thứ 16
Unial thứ 7
Mặt trời 0
Chúa tể 4
Nai đực 18
Giờ đây,
Dưới Choula
Tên của chúng ta bị bôi nhọ
Giữa một bể dao nhọn
Và chúng ta gánh lấy tai vạ
Ngày cuối cùng là một sự kiện trọng đại, chỉ còn cách không đầy một năm nữa: Kan Ahau, Ox K’ank’in, tức là ngày Chúa tể 4, Gân vàng 3, 13.0.0.0.0, hay ngày 21 tháng 12 năm 2012, ngày cuối cùng của hệ thống lịch Maya và là ngày mà những người tính tình vừa u ám vừa cả tin cho là ngày thời gian sẽ chấm dứt.
B’ak’tun cuối cùng
K’antun cuối cùng
Tun cuối cùng
Unial cuối cùng
Mặt trời cuối cùng
Lửa báo hiệu cuối cùng
Chúa tể 4
Gân vàng 3
Với cặp mắt không mờ khói
Con Ma Róc Thịt nhìn thấy
Bốn trăm chàng trai
Và những gì họ nói.
Họ nhiều hơn lúc trước
Nhưng vẫn chưa có ai.
Họ nài xin Con Ma Róc Thịt
Thứ mà ông ta
Chỉ có thể từ chối
Tất cả mặt trời
Của những lễ hội
Tất cả mặt trời
Của sự khổ đau:
Một trong hai thứ
Dễ dàng chiến thắng.
Nếu tìm kiếm nơi
Dành cho khước từ
Và sự phản bội
Ngươi sẽ không thấy.
Tìm kiếm khắp nơi
Hòng thấy Con Ma Róc Thịt
Ngươi có thể bắt
Nhưng không thấy được
Bộ mặt ông ta
Những mặt trời không tên,
Những cái tên không mặt trời:
Lấy hai từ mười hai:
Sẽ được kẻ láu cá
Hoàng đế Mèo Rừng 1.
Hừm…, tôi nghĩ.
Những thứ này không được rõ ràng lắm. Phải tư duy thêm.
En todos modos. Ngay trước này này là ngày bao nhiêu nhỉ?
Tôi quay lại ngày thứ hai tính từ cuối lên: Imix 9, K’ank’in 9.12.19.19.0.1, tức ngày 28 tháng 12 năm 2011, Thứ 4. nghĩa là cách hôm nay năm ngày nữa. Dòng chú thích viết đại khái như sau:
B’ak’tun cuối cùng
K’atun thứ 19
Tun thứ 19
Unial 0, mặt trời đầu tiên
Rắn biển 9 và Vàng 9
Bây giờ một số tháo chạy về phương bắc
Đến một thành phố
Của những người hành hương dưới ánh mặt trời.
Nó kết thúc vào mặt trời 0
Khi thầy phù thủy đánh lửa
Từ lưỡi dao và đá cuội
Và chúng ta gánh lấy tai vạ
Weiner cũng giải thích kỹ thêm nghĩa đen của bốn ký tự nằm giữa khổ cuối:
Đúng là ký tự nằm xa nhất về phía bên trái, hình cái đều để bàn tay dưới cằm, có thể nghĩa là số “0”, nhưng cũng có thể nghĩa là “hoàn thành” hoặc “bắt đầu”. Bàn tay nghĩa là người đó sắp bị xé hàm, đó được phỏng đoán là một trong những cách trừng phạt độc ác và thường dùng nhất của tổ tiên. Song tôi cho rằng nếu bàn tay là của chính người đó thì lại là dấu hiệu tốt. Tuy nhiên, ở ký tự thứ hai, bàn tay lại với đến một món đồ trang sức nhưng không nắm được nó, điều đó hẳn nhiên có nghĩa là “kết thúc”. Ký tự biểu thị chuyến đi, hay chuyến hành hương, tương đối dễ hiểu…nhưng thành tố thứ hai của ký tự thứ tư với khung viền kín cả bốn mặt thì tôi chưa từng thấy.
Hừm…cũng có khả năng, các bạn biết đấy, rằng Công Nương Koh, hay bất cứ ai viết ra cuốn sách này, cũng không chắc chắn lắm về chữ ấy. Có thể bà ta lúc ấy có những ý nghĩ nào đó mơ hồ và cứ thế gắn chúng vào với nhau thôi. Chuyện ấy cũng từng xảy ra với tôi ở phòng thí nghiệm của Taro. Tôi nắm bắt được những ý niệm hoặc hình ảnh nhưng không thể gắn được chúng vào một thời gian, một địa điểm hay thậm chí một đối tượng nào. Và khi kết quả nó thường không đúng như hình dung trong đầu tôi.
Mặt khác…hừmm. Những số liệu về thiên văn có vẻ chuẩn, nhưng câu chuyện liên quan đến vĩ tuyến xem ra không được rõ ràng lắm. Có điều gì đó hơi rối rắm trong câu “xa hơn mặt trời trên đỉnh đầu” mà Weiner chỉ hiểu đơn giản là “phía trên Hạ chí tuyến”. Ông ta viết: “Monterrey, Mexico?”, ý nói đó có thể là nơi xảy ra sự kiện. Còn gì nữa…
Khoan đã nào, tôi kêu lên trong bụng. Ôi, quỷ sứ ơi. No mames (Không thể nào! Tiếng Tây Ban Nha). Điều đó là không thể. Không thể.
Đừng đùa thế…
- Anh đang xem ngày 28 đấy à? – Marena hỏi.
- Ừ.
- Anh nghĩ sao?
- Ừm, nó có vẻ kỳ lạ. – Tôi chưa kể với các bạn là chính tôi cũng có những tiên liệu đáng sợ về ngày này. Tôi không muốn giống một thằng đồng cốt phao tin vỉa hè.
- Nó là một ngày thực sự tồi tệ ư?
- Ờ, nó còn phụ thuộc vào việc cô là ai. Cô biết không, nó giống như cơn gió độc ấy mà…
- Được rồi, được rồi. Nào, anh nghĩ thế nào về nhận định của Michael về ngày đó?
- Ừm… Trước tiên, tôi cho rằng điều cốt yếu là ký tự đầu tiên này là tên một địa điểm. Nó không chỉ có nghĩa là một thành phố nào đó như Weiner giải nghĩa. Nó chỉ một thành phố cụ thể.
- Rồi. Vậy đó là thành phố nào?
- Đây, cô nhìn đi, - tôi nói xoay chiếc điện thoại lại và đẩy về phía cô ta. Cô ta cúi xuống làm tóc gần như quyệt vào trán tôi, - trung tố này có một, ờ…
- Trung tố là gì?
- Nó đại loại như một thành tố đặt vào giữa một từ. Trong trường hợp này, nó là phần giữa của ký tự chạm khắc. Tiếng Anh có tiền tố và hậu tố nhưng không có trung tố.
- Được rồi. Khoan đã, thế fucking thì sao?
- Sao cơ? – tôi hỏi lại.
- Anh biết đấy, như trong từ, ờ, specfuckingtacular ấy mà.
- Ồ, phải, ừ, cô nói đúng đấy, có lẽ đó là từ duy nhất.
- Rồi, mian hamnida (Xin lỗi anh - Tiếng Hàn Quốc) , anh nói tiếp đi.
-Vâng, ừm…thành tố chỉ địa danh, tức là cái hình nằm bên trong ký tự này… có phải là một hình chữ thập với bốn hình có dạng kim tự tháp nhỏ không?
- Phải.
- Weiner chưa thực sự giải thích được hình đó. Nhưng nó không giống với các ký tự thể hiện tên thành phố khác. Nó là một hình biểu tượng vũ trụ, rất giống với một bàn cờ của cờ Hiến tế. Cô biết công trình nghiên cứu của Taro về trò chơi này, phải không?
- Tôi biết một chút thôi.
- Ừ, và cô biết bàn cờ có năm hướng chứ?
- Chứ không phải bốn à?
- Bốn hướng tỏa ra xung quanh và thêm một ở giữa nữa.
- Tôi hơi hiểu.
- Điểm chính yếu là mỗi hướng mang một màu sắc riêng, cô biết chứ?
- Phải. Thực ra mọi dân tộc châu Mỹ bản địa và rất nhiều dân tộc châu á nữa cũng đều quan niệm về phương hướng theo lối ấy.
- Vậy sao? Dù sao, chắc Taro đã nói với cô về Jaipur rồi chứ?
- Gì cơ? – cô ta hỏi lại, - chưa.
- Cô biết thành phố Jaipur ở ấn Độ chứ?
- Aniyo, - cô ta khẽ lắc đầu, kể cả người không biết tiếng Hàn Quốc cũng hiểu như thế có nghĩa là “không”.
- Được rồi, ừm…thế này nhé, cô biết mục đích của tất cả những nghiên cứu mà Taro đang thực hiện là để khẳng định rằng một phiên bản nào đó của cờ Hiến tế chính là gốc của hầu hết các trò chơi hiện đại chứ? Mà cũng có khi là tất cả. Cô biết đấy, ngay cả cờ vua và cờ vây cũng có cùng một cấu trúc bốn cạnh cân xứng như thế, ý tôi là, khởi nguồn chúng đều là trò chơi dành cho bốn người. Và hiển nhiên tất cả những trò chơi như mạt chượt, bài bơ-rít và cờ tào cáo đều…
- Tôi tưởng ông ta nói nó giống như trò Parcheesi chứ?
- Phải, - tôi đáp, - chính xác thì hậu duệ gần nhất của nó mà ngày nay người ta vẫn còn chơi là trò Parcheesi cũng đồng thời tựa như một thanka (bức tranh Phật). Cô biết chứ, một mandala(biểu đồ đồng tâm thể hiện tinh thần tín ngưỡng và tâm linh của đạo Phật và đạo Hindu) ấy mà. Để suy ngẫm hay những việc đại loại như vậy chẳng hạn.
- Anh thấy đấy, tôi có cảm giác mình như con ngốc vậy. Vì tôi làm nghề thiết kế trò chơi mà bây giờ té ra tôi lại chẳng hiểu biết gì mấy về chúng.
- À, những điều này cũng bí hiểm, chẳng mấy ai biết đâu.
- Vâng.
- Dù sao, điều tôi muốn giải thích ở đây là các mandalakhông phải chỉ để chiêm bái. Chúng còn dùng được người ta dùng trong trò chơi hoặc để đi vòng quanh trong đó. Các ngôi chùa ở Đông Nam á được xây dựng trên nền mandala. Hay cô có thể nói cách khác là trên nền bàn cờ Parcheesi. Cô biết đấy, nó cũng giống như các nhà thờ công giáo được xây dựng trên nền hình chữ thập. Và khắp châu á, cô có thể thấy tất cả các tháp xá lị, đền, chùa…
- Ôi trời ơi.
-…và cả thành phố Jaipur đã được thiết kế theo hình dáng một bàn cờ Parcheesi.
- A, narohodo, - cô ta nói. Nó có nghĩa là “tôi hiểu rồi”. Cô ta phát âm từ ấy với một cái thở phào thật mạnh. Đến từ cộng đồng thiểu số cũng có cái hay là anh có thể dùng giọng điệu để bỡn cợt mà chẳng phải e ngại gì.
- Nhưng cờ Hiến tế không phải là duy nhất, ngoài nó ra, ở châu Mỹ bản địa còn hàng mớ phiên bản từa tựa. Phiên bản của người Aztec được gọi là patolli. Montezuma (Tức là Montezuma đệ nhị, vị vua thứ 9 của người Aztec. Cortés: Vị tướng Tây Ban Nha, người dẫn đầu cuộc viễn chinh đánh bại đại đế chế của người Aztec.) đã chơi trò này với Cortés. Cũng giống như trường hợp ở châu á, chúng không chỉ là những bàn cờ. Các sân chơi bóng hông của người Maya, có khi cả kim tự tháp và các thành phố của họ nữa, đều được thiết kế như hình dáng của bàn cờ. Và như trường hợp ở Jaipur, họ cũng cử các nghi lễ, các đám rước và những thứ đại loại vậy, đi từ hướng này sang hướng khác nhằm thể hiện một ý nghĩa nào đó…ờ, cô hiểu chứ?
- Tôi nghĩ là có, chắc là có.
- Mỗi phần, hay mỗi hướng của bàn cờ – cũng là của thành phố, lại có một vị thần cai quản riêng, những ngày, giờ riêng, thậm chí là thức ăn riêng và nhiều thứ khác riêng nữa. Hướng tây nam và tây bắc được coi là mặt đất và âm ty, hướng đông bắc và đông nam được coi là bầu trời và các vì sao. Và cuối cùng, trung tâm được coi là hướng thứ năm.
- Sao không phải là sáu hướng, với hướng thứ năm và sáu là trên và dưới chẳng hạn?
- Trên và dưới thuộc về một hệ thống quan niệm khác hẳn. Chúng như thể một chiều khác hẳn của vũ trụ. Còn hướng trung tâm ở đây chỉ có nghĩa là: Ta Đang Ở Đây (Tức là hiện tại). Hoặc…hình như tôi đi quá xa với đề tài này rồi.
- Không, không, xin anh, - Marena nói, - anh nói tiếp đi.
- Các hướng cũng đồng thời có liên hệ với thời gian. Hướng đông là tương lai và hướng tây là quá khứ. Hướng tây bắc thuộc về nữ giới, đó là theo giả thiết họ tự định ra, còn hướng đông nam thuộc về nam giới. Họ cũng lý giải rằng hướng đông nam có thể dẫn tới hiện-tại-và-tại-đây ở hướng trung tâm.
Thông minh có tự tin không nhỉ? – Tôi phân vân. Ngồi thẳng lên nào. Được rồi. Đừng có thẳng quá thế…
- Xin lỗi, tôi bị đứt mạch câu chuyện rồi, - Marena nói. – Những chuyện đó thì có liên quan gì đến tên địa điểm kia?
- À, điều tôi muốn nói là theo tôi thấy, ký tự thứ tư chính là một bản đồ thu nhỏ được cách điệu của trung tâm một thành phố kiểu Maya. Ở đây, họ ghi là “lâu đài bậc thang quý giá”, nhưng ý nghĩa của nó thực sự là “khu đền thờ”.
- Rồi.
- Và phần tiền tổ là…nó chỉ một thứ đại loại như “thủ phủ luân phiên k’atun”. Điều đó có nghĩa rằng dù là chuyện sẽ xảy ra trong năm ngày tới, nó cũng sẽ xảy ra với một thành phố được chia thành bốn màu, hoặc năm kiểu tính cả hướng chính giữa. Và người dân thành phố đó phải coi nó là trung tâm của thế giới. Hay chí ít cũng là trung tâm của cái gì đó hết sức quan trọng.
- Vậy chắc nó là một khu vực Maya cổ nào đó.
- Không, không, tôi không nghĩ vậy. Tôi đoán họ muốn ám chỉ một trung tâm lễ hội nào đó vẫn còn hoạt động ngày nay. Không phải một phế tích hay thứ gì đó tương tự. Bởi trong cụm từ đó có một ký tự lót mang nghĩa “thủ phủ k’atun”.
- Phim hoạt hình gì vậy? (K’atun đồng âm với Cartoon : phim hoạt hình)
- Nó là quãng thời gian khoảng hai mươi năm theo lịch mặt trời.
- Ồ, tôi hiểu rồi.
- Rồi. Vậy “thủ phủ k’atun” ở đây có nghĩa là họ đang nói tới một thành phố quan trọng nhất trong hai thập kỷ tới. Một thủ đô chẳng hạn. Dù thế nào đi nữa, nó cũng phải là một thành phố quan trọng và đang phát triển ở đỉnh cao vào khoảng thời gian này.
- Được rồi, vậy là họ muốn nói đến D.C (Thủ đô nước Mỹ). Eo, nghe hơi rợn đấy.
- Ừ, cũng có thể, - tôi đáp, - nhưng theo tôi đoán thìWashington không phù hợp với cái trát đòi này lắm.
- Sao không?
- Tôi nghĩ Washington là một thành phố quá bình thường. Từ này thực ra ám chỉ một thành phố giống như một khu vực đền thờ. Một thành phố nghi lễ vương giả, chứ không phải một thành phố chính trị. Người dân thậm chí có thể không sinh sống tại đó. Người ta hành hương tới đó để cầu xin sự che chở của một người đã chết có uy quyền nào đó. Và trên đường đi họ cũng phải mua sắm, đương nhiên. Và các tòa nhà, các phòng ốc và tất cả các không gian khác ở trung tâm đó chỉ có người vào những dịp đặc biệt, như lễ hội chẳng hạn. Vả lại, Washington không hề có những màu sắc hay thời gian đặc biệt ứng với mỗi khu vực. Và dù gì chăng nữa, D.C. cũng xa hơn về phương bắc so với, ờ, những chỉ dẫn về vĩ độ của tiến sĩ Weiner.
- Được rồi, được rồi, - Marena nói, - thế anh nghĩ họ muốn ám chỉ nơi nào?
- Ờ, nó có thể là nơi nào đó tập trung rất nhiều người đã đi cả một chặng đường dài để đến nơi, có thể là một địa điểm nào đó cụ thể trong đời sống của họ, hoặc dành cho một lứa tuổi nhất định. Và như tôi đã nói, nó có thể là nơi nào đó có một khu vực thiêng liêng có hình dạng như thế, ý tôi là có các góc một phần tư ứng với các hướng khác nhau. Mỗi hướng phải ứng với một màu sắc khác nhau và một khoảng thời gian khác nhau.
- Vậy thì nói đi nào, suy đoán của anh là gì?
- Công viên giải trí Disney World.
8
- Sao kia? - Marena hỏi lại.
- Tôi nói nghiêm túc đấy, - tôi đáp.
- Anh giai ơi, chúng ta đang đứng ngay trong Disney World đấy. Anh có thể nhìn thấy quả cầu Epcot ngay từ đây.
- Phải, tôi nhìn thấy rồi…
- Tôi làm việc ở Rat bao nhiêu năm rồi. Thực ra tôi vẫn đang sống trên tầng trên cùng của tòa nhà ấy. Walt đã xây nên ngôi nhà của tôi.
- Xin lỗi,tôi không biết nói gì. Từ khi sự đoán của tôi sai, và cuốn sách cũng có thể sai…
- Dù sao đi nữa, vấn đề là… anh nhìn đi. - Marena quay người lại và nhìn ra ngoài cửa sổ, về phía Disney World, và tụt xuống khỏi bàn. Cô ta thấp nhưng mảnh dẻ. - Anh nhìn đi, ở Disney World, màu sắc khác với những gì anh nói. Ví dụ sắc chủ đạo của Fantasylan là màu xanh tím, nhưng sắc chủ đạo đó không rõ rệt, anh thấy đấy, anh chỉ nhìn thấy màu đỏ trên các tấm biển, trên đồng phục của nhân viên, trên các đường ngầm và những nơi tương tự. Tôi cũng không thấy rõ lắm liên hệ về thời gian, ý tôi là, Advanturelad (Vùng đất phiêu lưu) và Frontierland (Vùng đất của những người khai hoang) là hai khu nằm ở hướng tây, mà theo anh nói đó là hướng của quá khứ, phải không?
- Phải, - tôi nói và đứng dậy.
- Và Tormorrowland (nghĩa là “Vùng đất ngày mai” ứng với hướng đông là hướng của tương lai) nằm ở hướng đông. Điều này thì đúng rồi. Nhưng ở hướng nam chỉ là Main Street USA (Công viên giải trí có chủ đề hiện đại nhất trong số các Công viên kỳ diệu thuộc khu MagicKingdom của Disney World.).
- Phải rồi, - tôi nói, - đó chẳng phải là hiện tại sao? Hoặc là quá khứ rất gần?
- Ồ, được rồi, nhưng Fantasyland thì sao? Nó nằm ở phiá bắc. Và nó không liên quan đến thời gian nào cả.
- Có thể nó giống như một giả định, - tôi đáp, - trong quan niệm của người Maya, nó được gọi là điều chưa được hé lộ.
- Hừmm.
Một khoảng im lặng kéo dài.
- Quái quỷ thật.
- Phải.
Trông cô ta có vẻ bối rối, nhưng tôi không chắc cô ta coi việc này nghiêm túc đến mức nào.
- Được rồi, - cô ta nói. - Anh nghe này, anh nghĩ… anh nghĩ sẽ xảy ra chuyện gì?
- Tôi cũng không biết nữa. Dù sao tôi cũng không dám chắc về dòng chú thích… nó không…
- Sao cơ?
- Ờ… có một vấn đề… cô nhìn này, Weiner dịch các ký tự mô tả sự kiện của ngày hôm đó là… gì nhỉ… “thầy phù thủy đánh lửa từ lưỡi dao và đá cuội”. Phải không?
- Phải.
- Đến đây thì như thế nghe cũng ổn, nhưng nó không khiến cô hiểu được câu chuyện. Ý tôi là, ông ta đã dịch nó, nhưng không giải nghĩa được nó.
- Vậy anh nghĩ nó có ý nghĩa gì?
- Hừm, tôi cũng không biết, - tôi đáp, - nhưng, ví dụ, từ”phù thủy” vốn xuất phát từ một câu thành ngữ Maya có nghĩa là “kẻ reo rắc ghẻ”.
- Nghĩa là gì?
- Là người ném bệnh ghẻ vào người cô từ xa. Như kiểu họ có thể làm cô bị ốm bằng cách tưởng tượng ra điều đó. Phù thủy ấy mà.
- Được rồi.
- Nhưng vấn đề nằm ở chỗ từ này lại ở dạng động từ, như thế nó có nghĩa là “ai đó rao rắc ghẻ” thì đúng hơn. Như vậy cụm từ này sẽ mang ý nghĩa: ai đó đem đến điều bất hạnh hoặc bệnh tật.
- Được rồi.
- Và tiếp đến là sản phẩm nói về “đánh lửa”, nó có phần giống chủ ngữ hơn. Đấy là theo ý tôi. Và “lửa” ở đây có thể là ánh sáng, hoặc lửa, hoặc ban ngày. Sau đó là “đá cuội”, từ này tôi đoán nó giống “giữa một hòn đá” hay “bên trong viên đá” hoặc gì đó đại loại như vậy hơn.
- Thế nó thực sự có ý nghĩa gì?
- Tôi sẽ nói nó nghĩa là “ánh sáng bắn ra từ trong lòng đá, và chúng ta gánh lấy tai vạ”.
- Tôi hiểu, - cô ta nói.
Im lặng
- Như vậy ư? - cô ta hỏi.
- Đó là tất cả những gì tôi có thể nghĩ được.
- Nó có cho ta biết gì hơn những điều ta biết không?
- Ừm có lẽ không…, - tôi bỏ lửng câu nói.
Lại một khoảng im lặng nữa, căng thẳng hơn.
- Ý tôi là, như vậy chưa có gì rõ ràng, phải không? - Marena hỏi. - Anh không thể nói với mọi người là hãy coi chừng hay đại loại vậy.
Tôi lắc đầu.
- Thôi được,anh nghe này, - cô ta nói tiếp, - vấn đề là… anh biết đấy, tôi không biết mình có nên lo lắng về chuyện này hay không? hay nên phát hoảng? hay cứ kệ nó?
- Tôi không hiểu ý cô.
- Chắc hẳn người ta phải suy đoán theo nhiều cách khác nữa.
- Phải, luôn thế.
Tôi không muốn nói ra câu này: Và dĩ nhiên, luôn có khả năng cuốn sách của cô chỉ là một cú lừa đảo ngoạn mục.
Nhưng cô ta có thể đánh hơi ra ý nghĩ ấy của tôi mất.
- Vậy anh thực sự nghĩ gì? Cá nhân anh thôi?
- À, tôi biết việc này là thật, vì có thể tôi coi nó là chuyện nghiêm túc. Nhưng tôi cũng có thể đoán sai. Tôi nên kiểm tra nó vài lần nữa.
- Ý anh là bằng cờ Hiến tế?
- Phải.
- Ý hay đấy, - cô ta nói. Cô ta đi vòng quang theo hình số tám bên cạnh bàn. Tôi không chắc mình cũng đi như thế thì có được hay không nên cứ đứng nguyên cạnh cái ghế của mình. Chúng tôi cũng nên lấy thêm ý kiến của một người nữa. Hoặc một vài người nữa.
- Phải đấy.
Chúng tôi đứng lại một vài giây. Hừ, điều này chắc chắn đã làm không khí thêm ảm đạm. Cuối cùng, tôi nói:
- Hay chúng ta gọi cho Taro và xem xem ông ta nghĩ gì về việc này.
- Được thôi, - Marena nói, - anh gọi cho ông ta nhé. Tôi muốn xem xét mọi việc ở đây một chút.
Tôi làm theo. Bây giờ là sáu giờ chiều, Taro sắp sửa kết thúc một ngày làm việc kéo dài mười chín giờ đồng hồ của ông ta, nhưng vẫn còn ở trong phòng thí nghiệm. Ông ta nói chúng tôi nên quay về đó. Tôi trả lời rằng tôi sẽ về, nhưng tôi không biết cô Park có đi cùng không. Cô ta đã lại đeo tai nghe lên và ra mệnh lệnh.
- Phải giữ hắn ở dưới chân anh, - cô ta nói với ai đó, - cầm máy nhé. Anh kiểm tra cái này đi, - cô ta nói với tôi.
Cô ta xoay màn hình máy tính về phái tôi. Trên đó viết rằng vào thời điển này trong năm, quận Cam “đón tiếp gần một phần tư triệu khách du lịch mỗi ngày” và điểm ra một danh sách các sự kiện sẽ diễn ra vào ngày 28 tới ở khu vực Greater Orlando. Có một lễ hội đường phố kiểu Jamaica, một buổi triển lãm tính năng ô tô, một buổi triển lãm ô tô kiểu cổ, một buổi trình diễn ngoài trời, một cuộc diễu hành với loại xe Magic coach (Một loại xe Limousine.) cổ lỗ nào đó, một cuộc diễu hành của Disney để giới thiệu đoạn phim Bạch Tuyết II, một lễ thắp cây lễ hội mùa đông tại khu giải trí tái hiện lễ hội các nước, một lễ hội Grinchmascuối mùa tại khu giải trí Universal và một buổi biểu diễn hiệu ứng ánh sáng đặc biệt của gia đình Osbourne tại trường quay MGM. Còn một buổi lễ tiền khai mạc giải bóng gỗ Capital One Bowl, đội nhạc diễu hành Magie đang trình diễn tại đấu trường lớn, trò chơi Cướp biển được tổ chức tại trung tâm Civic, một buổi diễu hành thủy quân tại CityWalk và giải đấu gôn Cha và Con tại ChampionsGate. Mùa Mega-Con – một sự kiện lớn quy tụ các loại truyện tranh, khoa học, viễn tưởng, các trò giải trí, đồ chơi, vân vân – năm nay diễn ra sớm hơn thường lệ hai tháng và đến hôm đó sẽ bước sang ngày thứ ba tại Hội trường William Hendrix. Hội đồng quốc tế của Liên hiệp các Quốc đảo nhỏ đanh họp trong thành phố, ngoài ra, có tới hai mươi tám hội nghị nhỏ hơn của các nhà điểu cầm học, vi khuẩn học, định giá bất động sản, của thợ lợp nhà, của các công ty cung cấp tấm lợp, của giới thiết kế web, của các công ty sản xuất đồ chơi khiêu dâm và của các chuyên gia về cầm cố. Đâu đó trong bang còn có những cuộc diễn tập hải quân tại pháo đài Lauderdale, một cuộc đua thuyền lớn ở Tampa và một lễ hội La tinh ở Miami. Những lúc bình thường thì tôi đến ngủ gật trước khi đọc hết cái danh sách, nhưng giờ đây, mọi chuyện có vẻ đáng sợ đến nỗi khó mà có cảm giác buồn ngủ được.
- Anh phát hiện ra điều gì không? - Marena hỏi.
Tôi trả lời không và rằng tôi cũng không mong phát hiện ra điều gì bởi các cuarandero (Thầy bói kiêm thầy lang theo quan niệm của người châu Mỹ bản địa) không làm theo cách ấy.
- Giá như tôi là một tay thầy bói giỏi hơn, - tôi nói, - nhưng tôi lại không phải. Tôi cần ngồi xuống và…
- Không sao, bỏ qua chuyện ấy đi, - cô ta nói, - này, anh nghĩ chúng ta nên làm gì bây giờ? Nếu suy đoán của anh là đúng.
- Ừmm…
- Bởi vì, anh biết đấy, nếu hai chúng ta cứ gọi cho mọi người và loan báo chuyện này thì sẽ chẳng mấy ai coi nó là chuyện nghiêm chỉnh gì đâu.
- Đúng thế.
Bất chấp những chuyện khác, tôi thấy có cảm tình với cách cô ta nói “hai chúng ta”.
- Ngay cả khi phòng thí nghiệm của Taro có coi chuyện này là nghiêm chỉnh thì họ cũng không… ý tôi là họ đã thực hiện được một số việc cho các cơ quan chính phủ, nhưng phần lớn những dự đoán của họ chỉ liên quan đến lĩnh vực kinh tế và họ biết nội bộ với nhau thôi. Nó không phải là một quỹ đầu tư nên không phải công bố tin tức hay báo cáo gì với cổ đông về những vấn đề đó cả.
- Tổi hiểu.
- Vì thế nên họ nói thêm vào thì sẽ có tiếng nói hơn, nhưng… ý tôi là, này, anh phải… chúng ta phải tìm thêm số liệu mới được.
- Dĩ nhiên.
Cô ta lấy ra từ ngăn kéo bàn ra một thứ nom như chiếc hộp đựng thuốc Ronson cũ, tráng men xanh lá cây, rút ra một điếu Camel không đầu lọc, nhìn nó, đút lại vào trong hộp và cất vào ngăn kéo.
- Được rồi, - cô ta nói, - có điều hay là Lindsay có những mối quan hệ bí mật với DHS (tôi đoán cô ta muốn nói đến Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ). Có lẽ ông ta có thể thuyết phục họ lên tiếng về việc này, như thế sẽ tốt hơn là chúng ta nói.
- Dĩ nhiên, - tôi đáp. Tôi đang nghĩ trong đầu rằng: phải đấy, nghe có vẻ ổn, nếu tai họa đó thực sự xảy ra, nhưng còn có một việc nữa tôi có thể làm, đó là tôi sẽ đưa lên càng nhiều blog càng tốt mọi điều tôi biết về cờ Hiến tế, về phần mềm của Taro, về cuốn Thư tịch, tất tần tật. Có thể sẽ có người lý giải được điều gì đó.
Marena nhìn tôi. Tôi có cảm giác rờn rợn rằng cô ta biết tôi đang nghĩ gì. Tôi có một ý muốn mơ hồ kỳ quặc là quay người lại, chạy thẳng ra khỏi cửa, tự khóa mình trong một phòng kín và bắt tay vào đánh máy ngay lập tức. Cálmate, Joaquín (Bình tĩnh nào), tôi tự nhủ, đó chỉ là cơn hoảng sợ của kể yếu trước kể mạnh thôi, sẽ không có ai tóm lấy mày và đưa mày quay lại…
- Sao anh không quay lại chỗ Taro còn tôi sẽ gọi đến đó sau? - Marena hỏi. Tôi định trả lời thì thư ký - xin lỗi, trợ lý - của cô ta ghé qua cánh cửa đang mở và thông báo ai đó tên là Laurence Boyle đang chờ máy cô ta ở đường dây số 5.
- Được rồi, tôi đang nối máy với Lindsay, - cô ta nói. Cô ta vẫy tay như thể tôi đã bước ra cửa rồi. Tôi có cảm giác như cô ta đang nói: “Xin lỗi, tôi có cuộc hội đàm qua điện thoại với Kim Jong Il (Tổng bí thư Đảng Lao động (Bắc) Triều Tiên), David Geffen (Người sáng lập hãng phim Dreamswork) và Đức Giáo hoàng”. Tôi cứ như bị ẩn lùi ra khỏi cửa.
Phần lớn nhân viên đã ra về, nhưng vẫn còn Bộ Tộc Ngộ Nghĩnh đi cùng tôi ra tận bến xe. Bên trong văn phòng sáng sủa và mát mẻ trong khi ngoài trời đang u ám và ngột ngạt, vì thế tôi có cảm giác như đang bước vào nhà chứ không phải bước ra ngoài. Tôi uống thuốc, tiêm một mũi thuốc hỗ trợ đông máu và lái xe về chỗ Taro. Hừ, cô ta không hề bảo mình phải giữ kín chuyện, - tôi nghĩ, - có thể cô ta tính toán rằng nếu bảo mình làm thế, mình sẽ làm ngược lại, ngoặc cô ta đã nói mình là thằng hoang tưởng ngay từ lúc mình bước vào.
Taro và tôi nói chuyện một tiếng đồng hồ. Ông ta nói ông ta không chắc về chuyện liên quan đến công viên Disney nhưng ông ta sẽ đặt nó vào hàng ưu tiên. Ông ta nói ông ta nghĩ tác giả cuốn Thư tịch hẳn đã chơi với chín quân cờ.
- Mặc dù điều đó gần như không thể, - ông ta nói.
Tôi nói tôi cũng thấy điều đó là không thể. Chơi với chín quân cờ thì mỗi nước sẽ có 99 khả năng tiếp theo. Một ván chơi với một quân cờ trung bình có 1024 nước đi. Nếu vậy tính ra một ván chơi với chín quân cờ sẽ có nhiều nước đi hơn số nguyên tử electron trong vũ trụ.
Đến khoảng tám giờ, ông ta đưa tôi đến trước một màn hình máy vi tính. Tôi moi thuốc lá ra, cắm rễ xuống ghế và bắt đầu chới thử với ba quân cờ, tìm kiếm bất cứ thứ gì gợi tôi nhớ về cuốn Thư tịch. Rất khó. Một sinh viên của Taro mang cho tôi mấy cái bánh kẹp. Tony Sic đến. Taro kể cho anh ta nghe dự đoán của tôi về ngày 28. Anh ta vào một phòng riêng để chơi một ván về việc đó. Lát sau có thêm hay người đếm mặt trời tập sự bước vào. Họ không phải là người Maya mà là dân chơi game người Hàn Quóc hay gì đó, tôi không quen mặt cả hai. Họ ngồi xuống và bắt đầu chơi như dân chuyên nghiệp.
Tận mười giờ tối Marena mới gọi điện. Cô ta nói chuyện với Taro một lúc lâu và nói với tôi chừng hai phút. Rõ ràng cô ta đã họp bàn với bầy đoàn của mình. Cô ta nói Micheal Weiner – nhà Maya học trên truyền hình – đã gạt bỏ suy đoán của tôi. Cô ta nói cô ta và Laurence Boyle – một thằng cha vơ chú váo nào đó – đã nói chuyện với ai đó ở văn phòng thị trưởng Orlando, nhưng vì không có gì cụ thể để nói với họ nên không ai dám chắc họ có thể hành động ầm ĩ đến mức nào.
Tôi thậm chí không muốn nhắc đến mối quan hệ với Maya kia, - cô ta nói, - vì như thế chẳng khác gì nói chúng tôi đang tìm kiếm các phi hành gia thời cổ đại.
Thay vào đó, họ đã nói rằng đó là một kết quả bất ngờ đến từ nghiên cứu mô phỏng của Taro, như vậy chí ít cũng có chút đáng tin cậy về mặt lý thuyết. Nhưng ít nhất cũng có Taro ủng hộ tôi. Ông ta nói với Marena rằng ông ta không muốn là kẻ hoảng báo, nhưng tôi “thường có dự đoán đúng trước các sự việc” (ông nói “thường” nghĩa là sao, - tôi nghĩ bụng, - nếu là về vụ giải World Series năm 1992 thì nghĩ lại đi, ông sẽ nhớ ra là rôi đã bảo đặt cược như thế là không ổn) “vì thế có lẽ chúng ta nên xem xét nghiêm túc suy đoán của anh ta”.
- Sáng mai tôi sẽ đến gặp người ở DHS, -cô ta nói, -tôi sẽ báo lại kết quả với anh.
Tôi trả lời thế thì hay quá. Tôi quay về với cái bàn phím. Tôi cứ có cảm giác có điều gì đó mà Taro chưa nói với tôi. Hừ, sao cũng được.
Tôi xát thêm một ít nước thuốc là sợi, mặc dù phần chân dưới đầu gối tôi đã bắt đầu rung rung. Có cảm giác như nó đang tỉnh khỏi “cơn buồn ngủ”, như cách người ta vẫn nói ở đây.Bueno.
iAjpaayeen b’aje’laj k’in ik,”
Được rồi.
Nên hỏi gì bây giờ nhỉ?
Hừ, để đặt được câu hỏi, anh phải biết là anh muốn biết chuyện gì. Anh không thể suy đoán về một thứ mà anh chẳng biết là thứ gì. Anh không cần phải biết quá nhiều, nhưng chí ít cũng phải biết đôi chút. Thường thì sự biết đó đến từ việc đọc rất nhiều tin tức. Tôi bấm chuột vào dòng chứ “Điểm tin”.
Tin tiêu điểm: Năm sinh viên đại học bang Michigan mất mạng trong cuộc bạo loạn… Hai người chết tại Tháp Rùng rợn ở trường quang Universal... Bangladesh yêu cầu giải trình về vụ rơi máy bay chở lính… Sử thi Vanessa của Bob Zemechis, dựa trên cuốn sách Cuộc đời của nghệ sĩ Vanessa Bell, sẽ công chiếu lần đầu ngày hôm nay… Một người thiệt mạng trong cuộc thi nhổ hạt… Gió xoáy tại Heartlands…
Hừm.
Tôi mặc định nguyên nhân giả thiết của thảm họa giả thiết - mà chúng ta vẫn gọi là Giáo sư X –là màu đên, đặt công chúng là màu vàng. Tôi lấy màu đỏ, như mọi khi. Còn đối thủ của tôi là màu trắng, cũng như mọi khi. Vì chúng ta chỉ nhìn đến tương lai năm ngày tới nên tôi sẽ chỉ dùng ba dãy vòng ngoài. Rồi. Tôi đặt các mặt trời.
Bueno.
Tôi tập trung vào uay của mình một phút, đủ để cảm thấy mình thu nhỏ lại. Tôi nghĩ tôi đã nói rồi, uay của tôi là một con sên. Nhưng tôi tưởng tượng nó là một con sên biển để có thể di chuyển nhanh hơn. Tôi rải và đếm các hạt và bắt đầu bơi đến ngày 28 – Rắn biển 9, Vàng 9 – len dần vào chuỗi những sự kiện không chắc chắn. Chẳng mấy chốc sau, tôi bắt đầu phải nhảy. Tôi đoán rằng thật khó mà tưởng tượng một con sên mà lại nhảy lên. Nhưng nếu các bạn quan sát nó dưới nước thì đúng là nó nhảy được, nó chậm chạp nhảy từ hòn đá này xuống hòn đá khác. Dù sao, tôi nghĩ, mọi chuyện cũng đang tiếp diễn như thế. Phải rồi. Nào, đi đường này. Không. Được rồi, bây giờ thì tôi nghĩ nó sẽ đi đường này. Claro (Rõ là thế (tiếng Tây Ban Nha)). Nó di chuyển, tôi cũng di chuyển. Rồi nó phản ứng lại. Primero, segundo (Lần thứ nhất, lần thứ hai (tiếng Tây Ban Nha)), điều đó xảy ra, và chúng lại phản ứng lại điều đó. Được rồi. Claro que si (Dĩ nhiên là thế (tiếng Tây Ban Nha)). Bueno. Không. Chờ đã.
Mẹ kiếp. Tôi cứ có cảm giác gì đó, một cảm giác rằng có những thứ như… tôi không biết nữa… những hình thù cứ di chuyển hỗn loạn xung quanh trong một màn sương mù hơi đỏ, những đám lổn nhổn gì đó cứ lặng lẽ và chậm chạp xoay tròn. Nhưng anh không thể gọi chính xác nó là thứ gì.
Tôi chơi liền bốn tiếng đồng hồ. Tôi nghỉ một lát. Tôi chơi tiếp năm tiếng đồng hồ nữa. Đến khoảng gần sáng, tất cả mấy người chơi chúng tôi cùng đứng túm tụm quanh chiếc máy bán cà phê espresso tự động và so kết quả với nhau. Chúng tôi cùng đi đến những kết quả tương tự nhau. Mọi người đều nói họ lo ngại sẽ có chuyện xảy ra ở khu vực đó, vào ngày đó, nhưng sự kiện đó rất mơ hồ,và không ai nghĩ nó sẽ xảy ra ở Disney World nếu không biết trước thông tin từ cuốn Thư tịch. Tôi không còn đủ sức suy nghĩ để chơi thêm nữa nên vào đánh một giấc trên sàn một căn phòng và lái xe về nhà vào buổi trưa đêm Giáng sinh.
Tôi bảo dưỡng lại các máy lọc nước. Tôi chuẩn bị túi đồ lánh nạn để sẵn sàng cho mọi chuyện có thể xảy ra ngày mai. Tôi cài phần mềm tối mật của Taro vào máy tính riêng (Ông ta tin tưởng mình! Tôi nghĩ) và cho khởi động lên màn hình. Phải mất tới một giờ đồng hồ mới cài xong và chạy được, sau đó tôi bắt đầu chơi nhưng cũng chẳng tiến được bao xa so với lúc trước. Khoảng thời gian sau ngày 28 chỉ là một khoảng trống trơn. Điều đó không có nghĩa là thế giới sẽ chấm dứt sau ngày đó, nó chỉ có nghĩa là mọi nghuyên nhân và hậu quả đều quá khó để đọc ra. LEON cũng chẳng cho được kết quả gì, mà cũng chẳng ai trong chúng tôi nghĩ nó có thể làm được. Nó biết không đủ nhiều. Dù nó có đọc được bao nhiêu thông tin đi nữa, nó cũng chẳng hiểu chúng có ý nghĩa gì. Tôi không quan tâm nó có thể chơi bao nhiêu ván cùng một lúc. Tốc độ không phải là tất cả.
Tôi không ăn mừng lễ Giáng sinh, và cả lễ Phục sinh nữa, mặc dù khách hàng xem bói của tôi không ai biết điều đó. Thậm chỉ cả sinh nhật, cả nghỉ cuối tuần cũng không. Và hôm nay tôi lại càng không ăn mừng lễ Giáng sinh. Tôi miệt mài với trò chơi suốt cả ngày. Những con số như 84, 209, 210 và 124.030 cứ xuất hiện đi xuất hiện lại, nhưng tôi không rút ra được điều gì từ đó. Marena gọi điện lúc sáu giờ chiều. Có tiếng trẻ con khóc ré lên trong điện thoại. Cô ta nói DHS sẵn lòng nâng mức cảnh báo lên “báo động vàng” (Mức giữa trong 5 mức cảnh báo an ninh quốc gia của Mỹ) vào ngày 28 ở các quận Cam, Polk, Osceola, Hardee, DeSoto và Highlands. Họ nói cảnh sát và lính cứu hỏa sẽ ở trong tình trọng sẵn sàng giải tỏa vào ngày hôm đó. Tôi đoán như thế có nghĩa là họ sẽ giúp người dân rút chạy nhanh hơn khi có sự cố. Hoặc sẽ chỉ làm tê liệt tất cả, tôi nghĩ bụng. Ừ, dù sao thì quý bà Marena đó cũng đã xong phần việc của mình, tôi đoán vậy. Còn tôi thì có thể làm gì nữa nhỉ? Hoặc, còn điều gì có thể khiến mọi việc tồi tệ hơn không?
Đến cuối ngày 27, vẫn không ai tiến được thêm bước nào. Nghĩa là không ai trong số những người ở phòng thí nghiện của Taro, kể cả tôi nữa. Tôi chỉ nghĩ ra được một thứ duy nhất làm manh mối để dựa vào, đó là bản dịch của Michael Weiner. Trong bản dịch ấy vẫn có điều gì đó làm tôi băn khoăn, nhất là mẫu chữ“kẻ reo rắc ghẻ”. Như tôi đã nói, cụm từ này thường có nghĩa là pháp sư hay thấy phù thủy, nhưng ở đây, nó lại dùng như một động từ, có nghĩa là “làm phép” thì đúng hơn, mà tôi không nghĩ trong tiếng Maya có cách dùng từ như vậy.
Mặc dù, hiển nhiên ngôn ngữ cổ có sự khác biệt, nhưng… thôi, dù gì nó cũng chẳng đi tới đâu. Đấy chỉ là chuyện vớ vẩn thôi mà, - tôi nghĩ, - mày cả nghĩ quá rồi. Có thể tất cả chuyện này chẳng qua là vì mày cứ lo lắng thái quá mà thôi. Tôi bỏ cuộc vào thời điểm đúng hai phút sau mười hai giờ đêm. Điều gì đến sẽ phải đến thôi.
Ngày 28 là một ngày đẹp trời ở miền trung Florida, ngoại trừ sương mù dày đặc hơn bình thường. Cảnh báo an ninh của DHS đã được thông báo trên bản tin trong vùng nhưng phản ứng của dân tình xem ra thờ ơ. Họ đã quá mệt mỏi những ngày này rồi. Chắc phải có rất nhiều người chết đến nơi may ra mới có thể gây được sự chú ý của họ. Mặc dù thế cũng phải thôi, anh không thể nào bảo tất cả mọi người giải tán đi chỉ vì một nhóm dựng mô hình thảm họa nào đấy đã có một cảm giác không lành, chỉ hoàn toàn là mơ hồ và vô đoán, về một địa điểm đông đúc nào đó, vào một thời điểm vu vơ nào đó – mặc dù Taro đã nói ông ta tính ra có ít nhất năm nhóm khác cũng tính toán rất nghiêm túc sự kiện này, tiện thể nói luôn, trong đó có cả nhóm của DHS với một cỗ máy vi tính gần bằng LEON mà họ rất đỗi tự hào. Suốt cả ngày, tôi ngồi xem tin tức, các mẩu tin nhanh chưa chính thức và vào các diễn đàn mạng. Mặc dù tôi đang ở khá xa Orlando nhưng tôi cứ có cảm giác như mới bước nửa bàn chân ra khỏi đó. Hễ bắt gặp một dòng tin nào nom lạ lạ là răng tôi lại gần như đánh cầm cập vào nhau. Song tin tức tồi tệ nhất chỉ là ở khu Công viên có vài vụ báo cháy nhầm và một nhúm người bị ngộ độc thức ăn ở quán Pinocchio Village Haus. Chẳng hề có gì đáng gọi là thảm họa. Tôi đi nằm lúc quá nửa đêm.
Giời ơi. Mệt quá.
Tôi đã thức suốt gần hai mươi tám tiếng – đối với tôi, thực ra chuyện này cũng chẳng có gì bất thường. Tôi mắc hội chứng DSPS – hội chứng rối loạn muộn giấc ngủ - nặng hơn bất kì bệnh gì khác. Nhưng tôi đoán lần này tôi hơi bị căng thẳng. Không sao. Chỉ cần chợp mắt thôi. Có tiếng chó sủa ở đâu đó – không phải con chó giống Xoloizcuintle của nhà Villanueva, là một con nào đấy to hơn mà tôi chưa nghe tiếng bao giờ - và nó cứ làm tôi nhớ đến con Desert. Tôi đoán là tôi chưa kể cho các bạn nghe về con chó ấy, ngoại trừ việc tôi vừa nhắc đến nó xong. Đó là một câu chuyện chẳng lấy gì làm vui vẻ. Chết tiệt. Hừm, nói ngắn gọn, Desert là một con chó xấu xí màu vàng xám, giống chó sục, chó săn hay chó đồng cỏ gì đó mà Ezra, ông anh hờ thứ hai của tôi nói rằng nó đã tấn công anh ta trong lúc anh ta đang cắt cỏ ngoài sân gôn, mặc dù tôi không tin chuyện đó. Gần chỗ nhà máy thạch cao có một lô chuồng cừu và chuồng gà cũ, Ezra nhốt con chó vào một trong những cái chuồng đó. Khi mấy ông anh cho tôi xem con chó, nó chẳng còn cái móng chân trước nào. Chỉ còn hai bàn chân cụt nát tươm. Có lẽ nó bị thương bởi một vật gì đó, hay đúng hơn là bị kẹt vào hàng rào, hoặc bẫy nên đã giật rút cả móng ra. Bạn hẳn cho rằng nó sẽ chảy máu đến chết, nhưng không hề, hai vết thương đang lành lại và nó đang bò loanh quanh trên nền chuồng mạ kẽm, chồm len rồi lại xuống, cặp mắt nó to và sợ hãi trước chúng tôi. Chúng đã nhốt con chó ở đó mà không có nước hay bất kì thứ gì khác. Tôi hỏi Ezra rằng cái gì…
- …không phải diễu hành Jed? Tôi đây. Nhấc máy lên. Tôi nói nghiêm túc đấy.
Hở.
Tôi nhấn vào cái loa ở cửa trước.
- Ở đây không bán cá nữa đâu, - tôi làu nhàu, nhưng vừa mới nói đến từ ‘bán’ thì tôi nhận ra mình vẫn nằm trên giường và đã giữa trưa rồi. Rõ là tôi đã quá mệt.
- Jed? - giọng lại gọi tiếp, - Marena đây.
Oa, tôi nghĩ, cô ta làm cái quái gì ở đây vậy? Trong phòng ngủ của tôi? Thực sự nó cũng không hẳn là một căn phòng, nó là một capsera của hãng Mitsubishi, một dạng như cái kén ngủ bằng sợi thủy tinh, cách âm, có điều hòa nhiệt độ mà người ta vẫn dùng trong các khách sạn rẻ tiền ở Nhật.
- Tôi nói nghêm túc đấy, khẩn cấp lắm, nhấc máy đi. – Giọng cô ta phát ra từ điện thoại của tôi. Tôi hơi ngạc nhiên một chút vì tôi không nhớ đã cho cô ta số điện thoại khẩn cấp của mình.
- Xin chào, -tôi thử giọng xem còn nói được không. Nghe như giọng một lão già vậy.
Tôi thử lại: “Xin chào!”. Khá hơn rồi. Estas bien. Tôi tìm cái máy và nhấn nút “nghe”.
- Xin chào, - tôi chào vui vẻ.
- Chào anh, tốt quá, - cô ta nói, - anh vẫn còn sống.
- Hở? ồ, vâng, tôi không đến nỗi thế đâu…
- Có một sự cố nhỏ ở Disney World. Có thể cũng không có gì nghiêm trọng, nhưng, anh biết đấy.
- Chuyện gì cơ? Con lừa của Balaam á?
- Gì cơ?
- À… ờ, xin lỗi cô, không có gì đâu.
Chắc tại giấc mơ bị ngắt quãng giữa chừng, mặc dù tôi đã kịp quên nó nhưng vẫn còn cái cảm giác như vừa mới dừng chuyến đi xuyên qua một không gian nào đó rộng lớn và phức tạp.
- Jed?
- Vâng.
Trò chết tiệt gì thế này nhỉ, tôi tự hỏi. Tôi đã ngủ cả ngày à? Không thể nào. Nếu thế thật thì tôi phải cảm thấy khó chịu rồi chứ. Tôi tìm thấy thứ cần tìm và ấn nút xem giờ. Những chữ số laser lớn màu xanh lá cây hiện lên màn hình trên trần nhà:2:55:02P.M… 29-12-1… 2:55:05P.M.
- Ừ, có chuyện gì thế? - tôi hỏi.
- Tôi cũng không rõ nữa, - Marena đáp, – tôi chỉ biết được một tí thông tin thôi, nhưng một người bạn của tôi ở chỗ làm cũ nói đó không phải là một vụ ngộ độc thức ăn và có đến tám mươi người.
- Ồ.
Tám mươi người làm sao, tôi tự hỏi. Chết à? Nôn mửa à? Hay làm loạn?
- Dù sao, chúng tôi đang ở số nhà 441 đại lộ Orange, - cô ta nói, - vì chuyện đó đã xảy ra nên tôi nghĩ chúng tôi nên ghé qua. Chỉ để đề phòng thôi.
- Ghé qua đây ư? - Cô ta chỉ cách đây có bốn mươi nhăm dặm thôi.
- Phải.
- Ồ, dĩ nhiên.
Không thể nào, tôi nghĩ, cô ta không thể vào đây được. Ở đây chỗ nào cũng là liệt sên chết, lông nhện đen và những thứ khỉ gió tương tự. Nếu tôi có học được những điều gì về các cô gái thì đó là họ không thích các loài không xương sống.
- Ừm, nhưng sao cô lại đi theo hướng này? ý tôi là, như thế thật tuyệt, nhưng cô biết đấy…
- Vì gió thổi tới từ hướng đông nam, - cô ta đáp.
- Ồ, - tôi đáp. Hừ, tôi nghĩ, ra là khí gas à. Chết tiệt. - Được, tốt thôi, ờ… cô biết tôi ở đâu không?
Đương nhiên là cô ta biết rồi, - tôi lại nghĩ. Tôi luôn tránh công khai địa chỉ của mình, nhưng thời mà người ta có thể làm việc đó đã qua lâu rồi.
- Có, tôi biết rồi. Này, anh muốn… ờ… anh muốn ra đường U.S. 98 và gặp tôi ở đó không? Tôi đã vào xe rồi, chúng tôi sẽ tới đó trong khoảng ba nhăm phút nữa.
- Ừ…
- Chờ một chút nhé. – Cô ta quay ra nói với ai đó trong xe : Dĩ nhiên, đi thôi. Không, tôi làm đây. Tạm biệt. Xin lỗi, Jed. Vậy bốn mươi nhăm phút nữa nhé, được không?
- Ừ, được.
- Được rồi, tôi sẽ gọi lại cho anh.
- Được.
Cô ta nói “tạm biệt” nhưng lại dập máy trước khi kịp nói hết câu.
Chẳng có chuyện gì đâu, tôi nghĩ. Ngày nào chẳng có chuyện gì đó không hay xảy ra. Phút nào cũng có ấy chứ. Có lẽ chỉ là sự trùng hợp lạ thường thôi.
Có lẽ chỉ là cô ta hoảng quá thôi. Hay cô ta muốn ghé qua và tỉnh tò với mình cũng nên. Hê, hay có khi cô ta đang sốt đỏ người lên, hòa với nước da vàng của tôi sẽ thành ngọn lửa màu cam đam mê. Esta belleza (Cô ta quả là đẹp (tiếng Tây Ban Nha), uay của cô ta hẳn là một con báp màu đen. Mình nên đi tắm thôi.
Tôi bật màn hình, nhấp chuột vào TRANG CHỦ→TIN TỨC→TIN ĐỊA PHƯƠNG. Trên đó ghi: TẠM NGỪNG VÀO CỬA KHU CÔNG VIÊN.
Quỷ sứ ơi!
9
Dưới hàng tít, bài báo viết rằng sự việc bắt đầu vào khoảng ba giờ chiều hôm qua, mọi người bắt đầu nôn mửa và “phàn nàn về các triệu chứng khác như nổi ban đỏ và chóng mặt”, và rằng mọi chuyện vẫn chưa chấm dứt. Nghe không giống lắm và họ cũng chẳng nhắc gì đến hơi gas. Tôi tìm từ khóa ấy bên ngoài bài báo nhưng chỉ tìm được một manh mối duy nhất trên diễn đàn của những người làm việc tại khu vực công viên ấy, họ nói về việc “tại sao ai cũng hoảng loạn lên như thế” và “tại sao lại phải chờ đến hai tiếng đồng hồ trong phòng cấp cứu”. Không ai nhắc gì tới hơi gas. Chẳng giống gì cả, tôi nghĩ. Cô ta chỉ cuống lên thế thôi. Hừ, sao cũng được. Dù gì mày cũng thích cô ta, phải không? Một cuộc hẹn dễ dàng. Phải rồi. Thư giãn đi.
Tôi chui ra khỏi cái kén ngủ, chuyệnh choạng đi ra rồi lại đi vào phòng tắm, lau người với một chiếc khăn tắm hiệu PDI Super Sani Cloth Germicidal Degradable WipeTM thay vì tắm, dùng miếng chải răng xát lên hai hàm thay vì đánh răng, ăn một thìa bánh kem bơ lạc, kiểm tra đồng hồ đo, xem qua các bể cá. Nhiệt độ bể, xong. Máy hút cặn, xong. Máy cho ăn tự động, xong. Máy kiểm soát hóa chất, xong. Kết nói hệ thống trong nhà với điện thoại, xong. Thức ăn cho cá, xong. Tốt rồi. Tóc, hơi thở, lăn khử mùi. Xong. Tôi mặc vào người bộ lễ phục mùa đông sạch sẽ, đặt lại chế độ cho máy cho ăn tự động, máy định liều lượng và chuông báo động, nuốt thêm một thìa bánh kem bơ lạc đầy và lừng khừng đi ra cửa đằng sau. Trời khá nóng so với tháng 12. De todos modos (Chẳng sao – Tiếng Tây Ban Nha). Ví, chìa khóa, xắc-cốt đựng tiền, hộ chiếu, điện thoại. Xong. Mặt nạ phòng hơi gas. Xong. Túi dụng cụ, khăn tay, thuốc. Xong. Mũ. Giày, áo sơ mi…
Ấy quên.
Tôi quay vào trong nhà, lục cái két cũ của Lenny, người chủ trước đây, lấy ra hai chiếc ví đeo cổ chân – chúng khá to và nặng vì mỗi chiếc chứa ba mươi đồng vàng Krugerrand, mười ngàn đô la tiền trăm và hai ngàn đô la tiền hai chục – tôi đeo chúng vào để phòng khi có một cuộc chiến tranh hóa học thật sự. Xong rồi. Chuông báo động, xong. Khóa chính, xong. Then, xong. Ta lên đường thôi.
Trời quá nóng để trùm áo vét nhưng tôi vẫn cứ mặc. Trời trong. Nước hồ Okeechobee lặng nhưng không lấp lánh, nom giống như da bụng của loài cá kiếm. Bầy quạ đang náo loạn lên vì thứ gì đó ở cuối con đê. Ngoài ra, mọi chuyện có vẻ bình thường. Thậm chí bình thường đến vô vị. Đúng như cách mà chúng ta thích nơi này. Chiếc Cuda đẹp mắt nằm giữa chiếc Mini Cooper cũ và chiếc xe tải Dodge trong khu đỗ xe riêng chứa được mười chiếc của tôi. Phải đưa nó đến bãi xe ở khu ColonialGardens để sạc ắc quy mới được. Bỏ mấy cái bánh xe hiệu Geoffrey Holders này đi và kiếm lấy một bộ Pirelli 210s. Tôi đi bộ qua ba dãy phố về hướng tây. Ông bố, bà mẹ và tất cả lũ trẻ nhà Villanueva đang làm việc ngoài sân, và tất cả cùng chào tôi như thể tôi là Squire Stoufellow vậy. Mình có nên đánh động cho họ rời khỏi chỗ này không nhỉ, - tôi phân vân. Chẳng có lý do nào hợp lý, phải vậy không? Hai chiếc máy bay chở lính, có lẽ là loại C-17, đang ầm ì bay ở độ cao khoảng mười ngàn feet về hướng tây đến căn cứ không quân MacDil. Tôi luôn có cảm giác những cỗ máy đó ầm ĩ quá sức, dù tôi vẫn biết là chúng vốn ầm ĩ. Điện thoại của tôi rung. Tôi đeo tai nghe và nói: “xin chào”. Marena nói cô ta sắp tới mốc 710.
- Được rồi, - tôi đáp, - nếu cô xuống xe ở mốc 76, sẽ có một quán Baja Fresh, tôi sẽ ở đó.
- Chúng tôi sẽ không ra khỏi đường cao tốc đâu.
Hừ.
- Ừ, cũng được, thế thì tôi sẽ…tôi sẽ đứng cách khoảng một trăm yard…
- Anh bật hệ thống định vị lên được không?
- Ồ, được, - tôi đáp, - được thôi.
Tôi tìm thấy chức năng đó trong mục “Kết nói GPS” và khởi động.
- Được rồi, tôi thấy anh rồi, - cô ta nói.
Không, tôi nghĩ bụng, cô chỉ thấy một cái chấm thay cho tôi thôi.
Tôi lại lọc cọc đi lên phía đường cao tốc và đứng phơi mặt ra giữa gió phần phật. Mẹ nó chứ, - tôi nghĩ, - khó chịu rồi đấy. Tôi cho hiển thị trang Local6.com (Một trang tin tức địa phương) lên màn hình điện thoại và nghiêng nó đi để đọc dưới ánh mặt trời lóa mắt. Rõ ràng không phải chỉ có một vài người, mà là một trăm thì đúng hơn, và cảnh sát đã tấn công họ bằng một thứ gọi là Hệ thống ngăn chặn tích cực, tức là một loại bước sóng gây đau đớn nhưng không thương vong. Song như vậy cũng có gì nghiêm trọng lắm đâu, tôi nghĩ. Cô ta chỉ xoắn lên thôi. Có thể thông cảm được. Được không nhỉ?
Được chứ.
Hừm. Ban đỏ nghĩa là da mẩn đỏ lên đúng không? Có thể bị như thế vì ngộ độc thức…Một chiếc Cherokee màu đen hiện ra đằng xa và miễng cưỡng dừng lại. Trên biển số có dòng chữ “i©otown”. Tôi đoán thời buổi này © cũng được coi là một chữ cái. Cửa bên mở xoạch ra và tôi bỗng có cái cảm giác lo sợ cố hữu rằng tôi bị lừa và sắp sửa bị bắt. Cálmte, mano (Bình tĩnh nào, anh bạn – Tiếng Tây Ban Nha.), tôi tự nhủ. Nếu anh đến từ một nơi mà “biến mất” là một động từ có nhiều ẩn ý thì việc anh toát mồ hôi mỗi khi nhìn thấy một chiếc xe lớn tối màu lừ lừ đỗ lại gần mình là chuyện hết sức bình thường thôi. Nhưng nước Mỹ vẫn là nước Mỹ. Phải không?
Tôi chui vào ngồi trên tấm đệm giả da. Chúng tôi chào nhau. Cái xe tỏa ra mùi nhựa, mùi nước hoa quả và mùi gì đó tựa nướchoa Shiseido Zen, xếp theo thứ tự giảm dần của độ đậm đặc. Chiếc xe lại lao đi trước khi cánh cửa kịp đóng lại. Một góc màn hình đôi trên bảng đồng hồ điều khiển xe đang chiếu bản tin New6, phát ra tiếng khe khẽ:
-…là Anne-Marie Garcia-McCarthy. Chào anh, Ron, rất vui được gặp anh.
- Rất vui được gặp chị, Anne-Marie, lũ trẻ khỏe không?
- Rất khỏe, cảm ơn anh, Anne-Marie cười rạng rỡ.
- Hay quá. Xin chào tất cả các quý vị,- Ron nói. Anh ta ngừng lại một lát rồi tiếp.- Trận đấu giữa hai đội Magic và Jaguar đã bắt đầu…
- Jed, đây là Max, - Marena nói, - Max, đây là chú Jed. Mẹ kể với con rồi nhỉ?
- Chào chú,- một giọng trẻ con cất lên.
Tôi quay lại và đáp “ xin chào”. Nom thằng bé như một bản sao thu nhỏ của Marena với mái tóc uốn quăn lại như được nhúng trong trà loãng. Khắp người nó chằng dây bảo hiểm, cặp kính râm Sony VRG được đẩy lên đỉnh đầu, chiếc áo ngoài to sù sù in hình vua sư tử Simba ăn thịt nai Bambi. Tôi đoán nó sắp lên chín. Băng ghế sau xe chất đống những vỏ bao thức ăn nhanh. Nó nghía cái mũ của tôi, rồi nhìn xuống tôi, rồi lại ngước lên cái mũ.
- Rất vui được gặp chú, - nó vẫn còn nhớ câu nói đó.
- Anh nhìn này, - Marena nói. Cô ta chỉ vào dòng chữ TÌNH HÌNH KHU VỰC HIỆN TẠI trên màn hình định vị. Trên đó viết “ XE TẢI RƠ-MOOC GÃY TOA DO TAI NẠN, LỀ PHẢi ĐƯỜNG”. Một chấm màu da cam nhấp nháy cách vị trí của chúng tôi một xăng-ti-mét, tại cảng Mayca. “ THỜi GIAN CHỜ GIẢI TỎA DỰ KIẾN 45 PHÚT”
- Chúng ta đang đi đâu đây? – Tôi hỏi.
- Về phía nam.
- Thế thì cô có thể quay lại một quãng, trên đó có một đường nhỏ rải sỏi để chạy tắt sang Beeline.
- Ý hay đấy, - cô ta đáp.
Cô ta tìm được một điểm quay đầu xe ở giữa hai làn đường và cho xe rẽ sang trái, đi vòng quanh một lối rẽ hình chữ U ngập nước, không khác gì một chiếc thuyền buồm đang xoay đầu. Tín hiệu báo động rung lên trên màn hình và một dòng chữ đỏ hiện lên trên màn hình cảnh báo:
“ CẢNH BÁO, ĐƯỜNG NÀY BỊ ĐÁNH DẤU NGUY HIỂM KHÔNG ĐƯỢC PHÉP QUA LẠi”.
Marena nhập một dòng mật khẩu gồm mười hai kí tự lên bàn điều khiển bánh lái. Dòng cảnh báo và màn hình định vị tối đi nhưng tiếng báo động vẫn kêu đều đều.
- Shi pyong shin, a shi ! – cô ta lẩm bẩm, chắc là một câu chửi trong trò chơi Zerg.
- Con xử lý được vụ này, Max nói, nó len người vào giữa hai chiếc ghế để nhoài lên, dùng ngón tay cái nhấn vào bàn điều khiển và lập lại trật tự bằng cách chuyển chiếc xe sang chế độ chạy trên đường phi tiêu chuẩn.
- Cảm ơn, - Marena nói khi thằng bé đã ngồi lại chỗ của mình.- Con phải thắt đai bảo hiểm vào đi.
Nó làm theo.
- Còn anh khỏe không? – cô ta hỏi tôi.
- Tôi ổn … ừm …tôi không tìm hiểu được nhiều lắm về những chuyện đang xảy ra ở đây, - tôi đáp.
- Không sao, chúng ta sẽ kiểm tra lại sau, - cô ta nói. Có lẽ cô ta không muốn nói chuyện ấy trước mặt đứa trẻ.
- Cháu thạo đặt chương trình cho xe chạy, - Max giải thích với tôi, - cháu chuyên điều khiển xe bằng lời thoại đấy.
- À , phải, rõ là thế…
- Chú xem nhé, - nó nói, -Nigechatta dame da! (chạy trốn cũng không ích gì - tiếng Nhật - đây là một khẩu lệnh được đặt cho chiếc xe, không có ý nghĩa gì về mặt ngữ nghĩa)
- Gió thổi lộng lên quanh chúng tôi, tiếp đến là ánh sáng tràn vào. Thằng bé vừa mở ô cửa trên nóc xe.
- jAy, muy listo (Ấy, giỏi quá)! – tôi hét to lên với nó.
- jDe nada (Không có chi) !- thằng bé đáp. Tất cả các cậu bé vui tính đều nói được một ít tiếng Tây Ban Nha.
- Cũng hay đấy, nhưng chúng ta cần nói chuyện với nhau, - Marena gào lên, - con biết đóng nó lại không?
- Có , xong ngay, xem nhé, - thằng bé nói, - Saite!
- Quả là ấn tượng đấy, - tôi nói khi trong xe yên tĩnh trở lại.
- Vâng, - Max nói, - Chú lúc nào cũng đội cái mũ này à?
- Sao cơ? – tôi hỏi lại, - à, không đâu, không, chú có vài cái khác nhau.
- Nhưng lúc nào chú cũng đội mũ à?
- Ừ,- tôi đáp,- phải.
- Nhưng đầu chú có vấn đề gì à?
- Không phải vấn đề có thể nhìn thấy, không, chỉ là … một vài tộc người da đỏ có quan niệm không đội mũ là không phải phép lắm.
- Chú có chiếc nào gắn lông chim đại bàng không?
- Không, đó là kiểu của những tộc người da đỏ khác. Có thể trước kia bọn chú cũng có những cái mũ như thế. Nhưng đa số những chiếc mũ cổ xưa của bọn chú có gắn đầu các con vật cơ.
- Chú có tấm ảnh nào cho cháu xem không?
- Ờ, chưa có, - tôi đáp, - xin lỗi cháu nhé.
- Chán quá.
- Phải.
- Chú có chơi Neo – Teo không?
- Ồ, có chứ. Dĩ nhiên, chú rất thích Neo – Teo, - Ngón tay cái của tôi lại ngứa ngáy muốn mở điện thoại ra nhưng tôi ghìm chặt nó lại.
- Trình của chú bao nhiêu?
- À, ba mươi hai.
Nó hít vào một hơi:
- Cháu bảy mươi.
- Oa, - tôi nói,- này, có phải mẹ cháu nghĩ ra trò ấy không?
- Vâng, - thằng bé đáp, - thế chú có những hình đại diện gì?
- Ờ, chỉ có mỗi hình vệt máu hình chuồng vẹt thôi.
Nó lại hít vào một hơi.
- Chú có muốn thử tìm ngọc bích trong hẻm núi không?
- Ờ, chú không giỏi như…
- Cháu sẽ giúp chú lên tay mà.
- Ờ…
- Mẹ không nghĩ chú Jed muốn chơi bây giờ đâu, - Marena nói.
- Lát nữa ta chơi vậy nhé, được không? – Tôi đề nghị.
- Khi nào ạ? – Max hỏi lại.
- Để sau, - Marena nói.
- Con ghét “để sau”.
- Nếu con lên được một trình nữa thì con sẽ giúp chú Jed thoát ra dễ dàng hơn nhiều khi chú ấy vào, - Marena nói.
Max phì ra một hơi bực bội. Nó che mắt, bịt tai lại và vung vẩy cái găng tay một cách có chủ ý. Thỉnh thoảng nó lại quay đầu sang hướng này, hướng khác và thổi phì phì, giả cách như đang thổi ống xì đồng. Ít ra thì nó cũng không nhổ nước bọt.
- Tôi cá là anh đang nghĩ tôi phản ứng thái quá.
- À, không, bất cứ ai…
- Chỉ vì, tôi là một bà mẹ nên tôi hay giật mình, cảm giác đó cũng như khi ta rời khỏi thành phố vào ngày thứ Hai và đến tận bây giờ vẫn chưa đi đủ xa khỏi đó, cho nên…anh biết đấy, như khi anh có hóoc-môn bản năng bảo vệ con non ấy mà. Bất cứ ai lại gần hang tôi và nhìn con tôi với ánh mắt là lạ sẽ nhận được một vết nanh vào động mạch cảnh.
- Tôi nghĩ cô làm thế là đúng, - tôi đáp, nhưng lại nghĩ: “chả hiểu gì sất”.
Cô ta chuyển màn hình sang kênh CNN trong nước. Có một bức ảnh minh họa chụp một luống hoa hình đầu chuột Mickey tại công biên Disney Word.
- Bật tiếng lên, - Marena ra lệnh.
- …Anne-Marie García-McCarthy, tuyền…truyền hình trực tiếp từ Winter Heaven. Tôi sẽ quay trở lại lúc sáu giờ. Bây giờ mời anh, Ron.
- Cảm ơn, Anne-Marie, - giọng của Ron tiếp tục, - cảm ơn chị đã ở đó để ghi hình. Tất cả chúng tôi đều mong gặp lại chị. Xin chào, tôi là Ron Zugema ở Orlando. – Anh ta ngừng lại một lát. – Cảnh sát tại khi vực Công viên Orlando thông báo có hơn năm trăm khách viếng thăm công viên đang được chăm sóc y tế do ngộ độc thức ăn. Các nhân viên y tế cho biết tám nạn nhân đã chết vì những chất độc chưa xác định.”
Cảm giác sợ hãi quen thuộc hơi nhói lên đâu đó dưới bụng tôi, anh bạn cũ đó vẫn chưa gõ cửa mà mới chỉ báo trước cho tôi biết vài lời rằng anh ta có thể sẽ muốn ghé qua một lúc nào đấy.
- Ngoài ra, còn có một báo cáo chưa được xác minh cho biết vài người khác đã chết do tiếp xúc với nạn nhân, nhưng những người này vẫn chưa được xác định. Ngay lúc này, người dân và khách du lịch đang được cảnh báo tránh xa khu vực công viên trung tâm và luôn sẵn sàng gọi xe cấp cứu y tế. Đây là…
Marena nhìn tôi, vẻ mặt như muốn nói: tình hình này không lạc quan chút nào.
Đúng thế, không lạc quan chút nào, - tôi nhìn lại, - thực tế, nó…
Cô ta quay lại nhìn đường và thế là ngắt lời tôi. Cách lái xe của cô ta theo tôi là hơi ẩu, có lẽ cô ta tin tưởng đai an toàn, túi khí và những thiết bị hiện đại khác có thể bảo vệ cô ta. Nhưng tôi không nhận xét gì cả.
- Ron Zugema đưa tin, - Ron tiếp tục, - bây giờ đến lượt chị, Kristin.
- Cảm ơn anh, Ron, - một cái đầu tóc vàng hoe tiếp lời, - Quả là một tình huống bi kịch đang định hình ở đây. Xin chào các quý vị, bây giờ là ba giờ bốn mươi hai phút chiều, đây là WSVN TV. Tôi là Kristin Calvaldos. Thời điểm sôi động giữa mùa giải lại đến với các fan hâm mộ bóng đá khi…
Marena tắt màn hình.
- Anh nghĩ sao? – cô ta hỏi.
- Tôi không biết nữa, - tôi trả lời, - nó không có vẻ nghiêm trọng…ý tôi là khi có người bị giết, luôn luôn…
- Tôi hiểu, - cô ta nói, - phải, những chuyện như thế này hoàn toàn có thể xảy ra.
- Phải.
- Ừm, vậy, nếu chuyện này không có gì nghiêm trọng thì tôi xin lỗi đã kéo anh ra khỏi nhà.
- Không, có sao đâu, - tôi đáp. – Tôi thích đi xe mà. Thích có người chở.
- Tôi sẽ gọi vài cuộc gọi, - cô ta nói.
- Được thôi.
Tôi cũng đeo tai nghe của mình lên. Để tỏ ra không kém cỏi. Tôi bắt đầu gọi điện và gửi e-mail cho vài người bạn. Té ra là tôi cũng chẳng nhiều bạn bè lắm. Tôi bắt đầu gọi cho các cơ quan và doanh nghiệp, như Trung tâm cộng đồng và trường Rurai Grace. Hầu hết mọi người đều đã ra ngoài. Tôi không biết nói gì, đành bảo rằng tôi muốn cảnh báo trước cho họ vài việc và sẽ gọi lại sau. Trong lúc đó, tôi đồng thời lướt mạng trên điện thoại xem có tin tức gì mới không. Mạng rất chậm và nhiều trang bị lỗi không tìm được máy chủ. Cuối cùng, tôi cũng vào được một trang gọi là TomTomClub, một trang không chính thức, gần như hoạt động ngầm, chuyên đưa tin nóng về các tệ nạn trong bộ máy công quyền địa phương, được sự ủng hộ của những người theo đảng Tự Do, các cựu chiến binh bất mãn, các nhà lý luận và phong trào có cái tên Hợp pháp hóa mọi thứ. Việc này thực chất chỉ là một vài tin tặc nào đó nghe lén và ghi lại những câu chuyện của cảnh sát và quân đội trao đổi với nhau, chọn lấy chuyện nào hay ho nhất và đăng tải lên mạng gần như tức thời, kèm theo bình luận riêng của họ. Trong này họ bàn tán với nhau rằng dù chuyện gì đang xảy ra ở công viên đi chăng nữa thì số người chết cũng nhiều hơn rất nhiều so với con số báo cáo. Các phòng cấp cứu của hai bệnh viện Orlando Regional và Winter Park Memorial đang quá tải. Ngoài ra chỉ còn một đám cháy ở Kissimmee, có lẽ do những người phá rối gây ra. Chắc người dân đang cố rời khỏi Epcot nhưng lính bảo vệ không để họ đi.
- Được rồi, gọi lại cho tôi nhé, - Marena nói. Cô ta tháo tai nghe ra và xoa xoa tai. – Ai cũng nói mọi rắc rối chỉ ở quận Camthôi, - cô ta nói với tôi, - tốt nhất là ta cứ đi xuống phía nam.
Tôi trả lời một câu thờ ơ rằng tôi thấy thế cũng ổn hoặc đại loại vậy.
- Jeep (Gọi chiếc xe), tính thời gian đi từ đây tới Miami.
Một thông báo hiện trên màn hình cho biết thời gian đi sẽ lâu gấp đôi bình thường. Tôi nhìn sang cô ta, nhưng cô ta chỉ nhìn thẳng phía trước. Nhìn nghiêng, khuôn mặt cô ta ít đáng yêu và nom kênh kiệu hơn. Cô ta rẽ vào đường 91 và cắt ngang đầu một chiếc xe nhà di động Winnebago lớn. Một chiếc máy bay hình thù kỳ dị bay ù ù phía trên đầu ở độ cao dưới hai ngàn feet. Max vặn vẹo người dưới sợi đai an toàn.
- Loại máy bay gì thế nhỉ? – thằng bé hỏi.
- Mẹ không biết, - Marena đáp.
- Đó là một chiếc Grumman AEW Hawkeye, - tôi nói, - Cái thứ kỳ dị ấy chuyên dùng để lấy mẫu khí.
- Ác chiến thật, - Max nói. Suốt dọc đường nó cứ quay lại đằng sau để nhìn ra ngoài.
- Phải, - tôi đồng tình.
- Này, anh xem, - Marena hạ giọng nói. – Nó đã bay vòng vòng phía trên MagicKingdom ít nhất một giờ đồng hồ rồi.
Cô ta chạm vào hai biểu tượng nào đó và hình ảnh thu từ vệ tinh hiện lên trên màn hình.
- Hiện trên màn hình ghế khách, - cô ta ra lệnh cho chiếc máy.
Hình ảnh hiện lên cả màn hình bên cạnh tôi. Tôi chờ được nhìn thấy hình ảnh từ một vệ tinh Google Earth lỗi thời nào đấy, nhưng hóa ra nó lại là từ một trang gọi là 983724jh0017272.gov, và là hình ảnh trực tiếp. Đó cũng không phải những hình ảnh lờ mờ của Cơ quan quản lý khí quyển và đại dương quốc gia. Đó là thông tin của quân đội. Màn hình hiện lên dòng chữ 3324CC6/92000 FT/W4450FT/ORLANDO/ HIệN TạI. Tôi nhận ra hình dáng của hồ Apopka nằm bên phía tay trái, nhưng hình ảnh rộng quá nên tôi không nhìn thấy mốc nào cả.
- Hê, hay thật đấy, - tôi nói, - tôi không hiểu sao cô làm được.
- Tôi cá anh nghĩ tôi làm việc cho chính phủ.
- Ờ… cô biết đấy, tôi nghĩ ai cũng…
- Chỉ cần một dòng mật mã là anh vào được ngay thôi mà.
- Tuyệt thật, - tôi nói. – Chúng ta phóng to hình ảnh hơn được không.
- Không, nhưng cứ vài phút một lần nó sẽ tự động phóng to hình.
- Tuyệt.
Cô ta vòng xe tránh xác một con thỏ đã bị chẹt gần nát bét. Mang nó đến Cung điện Tứ Xuyên (một nhà hàng ẩm thựcTrung Quốc) thì ngon đấy, tôi nghĩ.
- Sao mọi chuyện lại xảy ra vào ngày hôm nay nhỉ? – Marena thắc mắc, - đáng ra nó phải xảy ra từ ngày hôm qua rồi chứ.
- Tôi không biết. Hôm qua không có ai bị sao à?
- Tôi đoán là không.
- Ừ
- Anh không nghĩ chuyện này có liên quan, phải không?
- Ừm… không hẳn, - tôi đáp. – Có lẽ chuyện này… tôi cũng không biết nữa, kẻ nào gây ra chuyện này hẳn đã xem cuốn Thư tịch và cũng có suy đoán giống tôi .
- Chưa ai được xem cái cuốn Thư tịch chết tiệt ấy cả. Ý tôi là, số người đã đọc nó có thể đếm được trên đầu ngón một bàn tay. Chắc lại do một cái đầu đội khăn xếp (ý chỉ người Hồi giáo)nào đó gây ra thôi. Tôi đánh cược đấy.
- Tôi chắc là cô đúng.
Marena gọi khoảng mười lăm cuộc gọi trong vòng năm phút, cho đài CNN trong nước, Bloomberg (một hãng tin tức lớn của Mỹ) trong nước, cho Dự án cảnh báo sớm dân sự, cho cảnh sát Orlando, cho cảnh sát bang và cảnh sát khu vực công viên. Theo những gì tôi nghe được, những cuộc gọi hình như không đem lại kết quả. Cô ta gọi đến trường tiểu học của Max, văn phòng củaWarren ở Orlando và ít nhất năm người bạn, thúc giục họ rời khỏi thành phố. Cô ta không quên nhắn tin kèm theo tất cả các cuộc gọi. Cô ta cố gọi cho Taro, cho phòng thí nghiệm của Taro, và tất cả các số máy ở đó. Chẳng được gì cả. Chẳng đánh động được ai. Tôi cũng lây cái tâm trạng ấy và bắt đầu nhắn tin đến hòm thư ởMexico City của Không Đời Nào và yêu cầu anh ta gọi lại. Tôi gặp được bà Villanueva trên điện thoại bèn xui bà ta đưa cả gia đình và bất cứ ai quen biết lên xe và đi xuống phía nam. Bà ta cứ hỏi mãi: “¿Qué?“¿Por qué?” ( Sao cơ? Sao lại thế? - tiếng Tây Ban Nha) nên cuối cùng tôi chỉ nói “ Por favor” ( Xin chị đấy - Tiếng Tây Ban Nha) rồi thôi. Tôi lại cố liên lạc lại với Không Đời Nào.
- Tôi phải đỗ lại chỗ nào có máy rút tiền tự động mới được, - Marena nói.
Tôi hỏi lại xem có phải câu đó là nói với tôi hay không. Đúng là nói với tôi. Tôi liền bảo:
- Tôi có ít tiền mặt.
- Không, tôi phải đỗ lại thật mà. Tôi chỉ còn có năm cent thì phải.
- Tôi nói nghiêm túc đấy. Tôi có mang theo tiền dự phòng khẩn cấp. Tôi có… ờ… nhiều lắm. Cô không phải đỗ lại đâu. Vả lại, có khi những cái máy ấy không hoạt động cũng nên. Vả lại, tôi biết cô là người tử tế.
- Cái gì nhiều lắm cơ? – cô ta hỏi. Tôi giải thích. Cô ta nói được thôi, sẽ không đỗ lại. Cô ta có vẻ bớt căng thẳng một chút. Không khí chung trong xe là hoảng hốt nên cả hai chúng tôi đều không dám quay về hướng Disney World trước ngày mai, cho dù đó chỉ là cảm giác sợ hãi lây nhau.
- Xin lỗi, - một giọng nữ vọng ra từ điện thoại di động của tôi, - số thuê bao bạn gọi hiện không liên lạc được.
- Anh đang trục trặc gì với cái điện thoại à? – Marena hỏi.
- Tôi á? – tôi hỏi lại. – à, phải.
…chỉ với năm mươi cent, - tiếng trả lời tự động vẫn tiếp tục, - chúng tôi có thể giúp bạn thực hiện lại cuộc gọi hai phút mỗi lần…
- Tôi chẳng gọi được cho ai cả, - Marena nói, - tôi thử gọi vào máy anh nhé, được không?
Tôi trả lời được và tắt cuộc gọi đang dở.
- Gọi cho Jed DeLanda, - Marena ra lệnh cho chiếc điện thoại. Tôi ngơ ngẩn giơ điện thoại của mình lên cao cứ như là làm thế nó sẽ bắt sóng tốt hơn không bằng, mặc dù tín hiệu phải được chuyển tới một ăng-ten, lên vệ tinh ngoài không gian, xuống một ăng-ten khác rồi mới quay lại đây. Tóm lại là cái máy không rung.
- Chẳng có gì hết, - tôi nói, - xin lỗi.
Có lẽ họ, chẳng biết được thời buổi này họ ấy là ai, đã rút phựt ổ cắm của cái máy cung cấp dịch vụ điện thoại di động rồi.
Tôi chuyển sang dùng dịch vụ của Panaudio, một dịch vụ mới thông qua hội thoại sử dụng giao thức Internet, được coi là có thể kết nối với bất kỳ thiết bị liên lạc nào. Ít nhất thì nó cũng được FBI sử dụng. Marena làm theo và chúng tôi nối máy được với nhau. Một cảm giác thật dễ chịu. Tuy nhiên, bên ngoài xe, tình hình liên lạc vẫn không ổn lắm. Tôi gọi được cho một số người, nhưng không gọi về được điện thoại nhà mình, không gọi được cho ai ở Indianatown và không gọi được cho Không ĐỜI NÀO, Skype, UMA và ba dịch vụ giao thức Internet lớn khác đang hoạt động. Chấp nhận đi, Jed, cánh cửa để mày báo động cho người khác, hay nhận sự giúp đỡ của người khác, đã sập lại rồi.
Tôi nghiêng màn hình điện thoại đi để Marena không nhìn thấy vào vào trang Schwab(một trang về đầu tư chứng khoán trên mạng). Cổ phiếu của Disney đã ngừng giao dịch. Dấu hiệu xấu đây. Tôi kiểm tra các giao dịch quyền chọn ngoài phiên trên sàn Chicago. Giá ngô đang đi lên. Chết tiệt, lũ con hoang ấy phản ứng nhanh thật. Ngũ cốc có điểm thú vị là chúng luôn tăng giá sau khủng hoảng, dù là khủng hoảng nhỏ. Chủ tịch hội đồng quản trị chỉ cần vấp một ngón chân thôi là giá ngô tăng ngay lập tức. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ một “Đại gì đó Thế giới lần thứ III” đến gần thì các lệnh giao dịch quyền chọn sẽ lại không khớp được. Tiền mặt mất giá. Nếu có khủng hoảng thực sự thì ngay cả vàng, bạch kim hay bất cứ kim loại nào khác cũng mất giá vì một cú sốc kinh tế lớn sẽ khiến các thủ tướng…
- Mẹ? – Tiếng Max nói ngay sát tay tôi, - xem này, con xuống được tầng địa ngục thứ chín rồi này!
- Mẹ!
- Mẹ không xem được ngay bây giờ,- Marena nói, - nhưng tuyệt đấy.
- Phải, rất ấn tượng đấy, - tôi nói.
- Mẹ sẽ xem khi chúng ta đến nơi,- Marena nói. – Này nhìn kìa.
Cô ta chỉ tay ra ngoài cửa sổ, lên trời. Hai quả khí cầu Aeroscraft đang lượn trên cao với những sợi thừng neo đu đưa như râu cá trê.
Max nhìn lên. Nó ngồi lại chỗ cũ, vào lại ván chơi và đi tiếp vào Bolgia Nono (Tầng địa ngục thứ chín). Dân chơi gamenào cũng sẽ làm thế. Tôi dùng điện thoại để vào xem trang Cảnh báo dân sự của DHS. “…KHUYẾN CÁO NGƯỜI DÂN ĐANG ĐI CHUYỂN NÊN ĐI VỀ PHÍA NAM HOẶC TÂY NAM”. Dòng chữ viết như vậy, ừ, thì chúng tôi đang làm thế đây. “NHỮNG NGƯỜI KHÁC NÊN Ở YÊN TRONG NHÀ HOẶC NƠI LÀM VIỆC”.
Quái quỷ thật.
Tôi kiểm tra hệ thống an ninh nhà mình tại Indiantown. Cửa vẫn khóa, máy phát điện vẫn kêu o o, và trên máy quay, mọi thứ đều có vẻ ổn. Tôi kiểm tra các chỉ số của bể cá cảnh. Toi rồi, bể nuôi san hô sừng của tôi hỏng rồi. Mức amoniac đang lên quá cao. Nhiều năm nay rồi, tôi vẫn điều chỉnh sao cho nó có thể tự vận hành trong vòng một tuần, nhưng thực ra chẳng bao giờ được thế cả. Lenny đang ở cái chỗ quái quỷ nào nhỉ? Chỉ thêm ba ngày thế này nữa thôi là cái bể của tôi sẽ thành con kênh Love (Con kênh lớn ở Mỹ, được coi là một thảm họa môi trường khi người ta phát hiện ra 21.000 tấn chất thải được chôn gần đấy) thứ hai. Tôi liên lạc với đám cùng hội trên StrategyNet. Chỉ có hai người đang vào mạng, mà lại ở tận Nhật Bản. Giúp tớ phân tích các số liệu liên quan đến tình hình hiện tại ở Orlando, Florida, - tôi viết cho họ, - chúng tớ đang ở đó, tớ sẽ gửi các cậu thông tin thực địa nếu có. Khẩn. Cảm ơn. Jsonic.
Chúng tôi rẽ vào đường 95 và đi thẳng xuống phía nam. Giao thông trên tám làn đường có vẻ đông đúc hơn thường ngày, nhưng cũng không đến nỗi như ngày tận thế. Và cứ đi theo cái cách người ta điều khiển xe thì có thể đoán tâm trạng họ cũng bình thường thôi.
Hừm. Nếu tình hình trở nên thực sự nguy hiểm, thì thứ nên mua vào bây giờ, - tôi nghĩ,- là vũ khí. Tôi vào lại trang Schwab, đặt lệnh mua cổ phần của Halliburton, Bechtel và Raytheon (các công ty hóa chất và dịch vụ quân sự), mỗi công ty 3,000 cổ. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi lại đặt mua thêm vài trăm cổ phần của General Electric. Các lệnh mua có vẻ xong xuôi ổn thỏa, nhưng khi tôi kiểm tra lại thì hóa ra giao dịch đang tạm ngừng trên tất cả các sàn. Tiên sư nó. Tôi gập bàn phím lại. Nó sập xuống đánh cạch một cái rất lạnh lùng. Tôi nhìn quanh. Hình như có tiếng máy bay gầm ghì trên đầu nhưng tôi cũng chẳng buồn kéo cửa kính xuống để nghe cho rõ hơn. Hừ, không khí căng thẳng rồi đây. Đây có lẽ là lúc thích hợp để vỗ vai làm yên lòng cô Park một cách thật đàn ông. Nhưng mặt khác cô ta cũng có thể cắn đứt tay tôi.
- …không sao đâu, thế cũng tốt, - cô ta đang nói qua điện thoại. – Cứ đẩy vào một cái giường cũi hay gì cũng được. Thế nhé.
- Này cậu, ở đây, - Max nói với ai đó trong trò chơi Neo- Teo, - ở đây. Con Blister ngã rồi.
- Hãng của tôi có sở hữu một khách sạn trên đường Collins, tên là Roanoke thì phải, - Marena nói. – Họ sẽ lo cho chúng tôi. Nhưng phòng của anh có thể rất nhỏ đấy.
Tôi đáp rằng tốt quá. Mặc dù cứ với tốc độ này thì sẽ phải ngồi xe thêm năm tiếng nữa. Chúng tôi đi ngang qua một tấm biển quảng cáo chuyến khám phá động vật chân đốt trên đảo Vẹt Rừng Già. Nó đang hiện hình ảnh một con rết vàng khổng lồ đang tấn công ống kính máy quay.
Tôi chợt nghĩ ra một chuyện.
- Này, tôi đang nghĩ là, - tôi lên tiếng, - vấn đề với…
- Aigo jugeta! – Marena ra lệnh, mắt nhìn vào màn hình điều khiển xe. Hình ảnh truyền từ vệ tinh được phóng lớn lên như cô ta vừa ra lệnh, nhưng tôi vẫn phải mất một phút mới phân biệt được những gì chúng tôi đang nhìn thấy. Từ trên cao nhìn xuống, chỗ nào trông cũng lạ vì anh có thể thấy các nóc nhà tráng nhựa lòe loẹt, các tán cây và tất cả những thứ khác. Cuối cùng tôi nhận ra được tòa nhà tàu lượn vòng siêu tốc SpaceMountain và các ngọn tháp thu nhỏ của lâu đài Lọ Lem. Vệ tinh đang tập trung vào khu vực Magic Kingdom.
Tôi cho dừng hình, đưa con trỏ vào giữa công viên – tức là sân trước của lâu đài Lọ Lem, nằm điểm tận cùng phía bắc của Main Street USA, hay còn gọi là điểm trung tâm. Tôi phóng to và tăng độ nét hình. Trời đất ơi, - tôi nghĩ, - họ biết hết. Sự thật là họ đã biết hết.
10
Sáu con đường gặp nhau tại điểm Trung tâm, hợp với nhau thành một đường hình xoáy tròn. Chính giữa là một bồn hoa cũng hình tròn, giồng lay-ơn và hoa trạng nguyên, bao quanh tượng đài “Bằng hữu”, tạc hình Walt và chuột Mickey. Có những mảnh gì đó dật dờ quanh bồn hoa như những mẫu hoa giấy confetti lớn, chúng đọng lại dưới các tán cây và quanh các ki-ốt. Nếu coi những cái cây có kích thước bằng những thanh ray trong mô hình tàu hỏa có độ thu nhỏ bằng 1 phần tám mươi bảy kích thước thật thì những mảnh hoa giấy mới được coi là kích thước bình thường. Một mảnh nằm ngay chính giữa, ở vị trí một giờ so với bức tượng, nhìn nó là lạ mà cũng quen quen, và khi độ nét được tăng lên, nó dần hiện thành hình bộ trang phục hóa trang thành chú chó của chuột Mickey, to tướng và xù xì, trải ngửa trên nền đá lát đường hoa văn lấm chấm, với cái đuôi đen thẳng đơ chỉ về hướng tây. Khó nói chắc, nhưng có vẻ vẫn còn người chui trong bộ quần áo. Còn một bộ nữa, có lẽ là trang phục của viên tể tướng trong phim Aladdin, nằm nhăn nhúm dưới mép màn hình. Tôi nhìn xiên vào những mảnh confetti. Có những hình thù gì đó trăng trắng, cong queo và góc cạnh bên trong, và không hề giật mình, tôi nhận ra chúng là những cơ thể người, đủ mọi kích thước, nhưng hầu hết là nhỏ. Ôi, quỷ thần ơi, tôi cố lấy tay che ánh nắng và ghé mắt nhìn gần hơn nữa vào màn hình. Tất cả đều méo mó hình dạng, bám dính lấy nhau, co mình lại…ôi, lạy chúa…thật thương tâm. Chúng co quắp lại, run bần bần. Lạy chúa, lạy chúa. Có đôi khi, anh nhìn thấy ai đó, dù ở cách cả dặm, nhưng anh cũng biết họ không thể sống sót. Và dưới kia đang có quá nhiều người không thể hy vọng tất cả cùng sống sót. Nhân viên cấp cứu đâu? Cảnh sát đâu? Trời đất ơi. Cái gì đã gây ra cảnh này thế này?
Qua hình ảnh này, tôi đoán là ở khắp các khu vực khác trong công viên, người ta đều bị như vậy, họ cố chạy đến đây và không chạy xa hơn được nữa. Chuyện này diễn ra đã bao lâu rồi nhỉ? Nó không thể xảy…tôi cũng không biết nữa, hẳn là nó…
- Tệ thật đấy, - Marena nói.
- Đó không phải điều đã xảy ra, - tôi nói, - ý tôi là đó không phải là ngộ độc thức ăn.
- Không hề.
Cô ta quay đầu lại và kiểm tra Max. Nó không thể nhìn thấy màn hình từ chỗ đang ngồi, nhưng nó đang liếc chúng tôi bằng một mắt, dù vẫn đang chơi điện tử, người hơi nhổm lên nhổm xuống và hạ gục những con quái vật bằng các tia vô hình.
- Nó chắc chắn phải là thứ gì đó như VX, - tôi nói, - hoặc một vài loại…
- Nó là cái gì thế?
- Là khí gas, - Tự dưng, tôi nghĩ đến nhân vật Buddy Love trong phim Giáo sư điên khi anh ta nói câu ấy, - Nó là một loại khí chết người được vũ khí hóa…
- Rồi, rồi, đừng nói ra điều gì đáng tởm quá nhé, được không? Nó chỉ giả vờ không nghe thấy gì thôi.
- Sao cơ? Tôi thắc mắc, - à, phải rồi, - Tôi phải mất một giây mới hiểu ra ý cô ta là Max đang để tai nghe, và mất hai giây nữa để đoán ra cô ta cố ý dùng một từ cổ để thằng bé không hiểu được. Thi thoảng tôi cũng hơi chậm hiểu.
- Cô biết đấy, bởi vì, những người này thậm chí không tìm cách chui vào những chỗ trú ẩn, họ chỉ…
- Thôi đi, được chứ? – cô ta nói, vươn tay ra trước mặt tôi và tắt xoẹt màn hình. Tôi nhìn sang cô ta. Cô ta đang nhìn thẳng phía trước, hàm hơi động đậy như thể đang nghiến răng. – Đừng nói gì hết.
- Xin lỗi.
Mày là thằng đần, Jed. Thằng đần. Bốn lần ngu đần. Được rồi, bình tĩnh đi. Đừng làm thằng bé sợ. Nhưng thể nào chẳng có ai đó trong trò Neo – Teo nói cho thằng bé biết chuyện ấy ngay bây giờ. Tôi chợt bắt gặp cái cảm giác chán ghét rằng càng già đi, con người ta càng ít cảm giác choáng váng, đau buồn hay giận dữ. Khốn nạn thật. Lũ trẻ. Có bao nhiêu đứa ở đó? Có lẽ chuyện này chỉ xảy ra trong khu Magic Kindom thôi, không phải khắp Disney World. Có lẽ nhiều người đã thoát ra được hoặc không bị ảnh hưởng gì. Mẹ kiếp. Tôi phải ráng không hình dung ra những tiếng kêu gào. Đó là thứ tệ hại nhất trên đời. Tôi không phải là fan hâm mộ nhiệt thành của giống người, nhưng tôi nghĩ ai cũng có chút bao dung với trẻ nhỏ, trước khi chúng lớn lên, trở nên bẩn tính và ngu xuẩn một cách lộ liễu. Điều đó không có nghĩa là tôi không muốn có mặt người khác trong nhà hay gì, nhưng…Thôi bỏ mẹ rồi, tôi nghĩ. Tôi có một cái mặt nạ NBC, tức là mặt nạ chống các chất phóng xạ, tác nhân sinh học và hóa chất, nhưng tôi lại để nó ở nhà. Ngu thật. Khẩu Heckler và Koch P7 cũ Sylvana cũng ở đấy, nhưng tôi không có giấy phép sử dụng vũ khí nên xách nó theo cũng không phải là ư hay. Tuy thế, đáng ra tôi vẫn nên mang nó theo. Trong hoàn cảnh này…
Chiếc xe vấp phải ổ gà và tôi đập đầu vào cái màn hình nóng rẫy, - Au, - tôi nói, - tôi không sao.
- Những nhân vật giả trang này thật kỳ dị, - Marena nói.
- Cái gì kỳ dị cơ?
- Những nhân vật hoạt hình giả trang lớn ấy, anh biết không? Họ đều là cảnh sát đấy. họ có đủ mặt nạ phòng hơi gas, thiết bị điều hòa không khí, kính phát hiện khí mê-tan, điện đàm, súng sốc điện và mọi thứ khác ngay ở đó.
- Ờ, có thể sự việc xảy ra quá nhanh. Hoặc loại khí đó có thể xuyên qua được cả màng lọc.
- Hừm.
Chúng tôi vượt qua con kênh Hungryland Slough. Một tấm biển báo ghi “Đường cao tốc tưởng niệm Moroso”. Và sắp đến, - tôi nghĩ, - sẽ là sông Chết và thung lũng Xấu hổ, nhớ dừng lại ở thành phố Đổ nát và đón ngài Chán nản lên xe.
- Được rồi, cứu tớ đi, - Max nói qua tai nghe với ai đó trong trò Neo-Teo, - Lần sau, ngay khi nó ngã xuống, chúng ta sẽ đồng loạt bắn sang mụ phù thủy Jade nhé, lý do ta xử lý nó cuối cùng là vì da nó rất dày, lâu chết lắm.
- Dù sao, anh cũng đã đúng, - Marena nói.
- Tôi cũng không biết nữa, - tôi đáp, -không, tôi đã làm mọi người cuống quýt lên, đáng ra tôi nên…
- Nghe này, Jed. Tôi biết tôi chưa đủ hiểu anh để nói câu này, nhưng đừng bắt đầu bằng câu ấy, được chứ?
- Ừ, được, - Tôi định hỏi, hay nói với cô ta câu gì đấy, nhưng giờ thì tôi quên tiệt.
- Dù sao, nếu chúng ta ngăn chặn được chuyện này thì có nghĩa là cuốn Thư tịch sai.
- Sao…ồ, không, không, không phải thế đâu, - tôi đáp, - nó không phải một quy luật siêu nhiên, nó chỉ là một khả năng có thể xảy ra.
- À há.
- Nó không nhìn thấy trước tương lai, nó chỉ nhìn vào các hiện tượng và để đưa ra suy đoán có cơ sở hơn thôi.
Marena không trả lời. Tôi cũng ngậm miệng lại. Chết tiệt, tôi nghĩ, mình thà gọi điện đe dọa đánh bom và ngồi tù còn hơn là thấy cảnh này. Những đứa trẻ ấy đang hưởng một ngày thật hạnh phúc, chúng vui vẻ và đùng một cái, tất cả sụp đổ vĩnh viễn. Chia sẻ sự đau đớn với lũ trẻ như vậy không phải là quá nhiều. Đó thực là sự thất vọng. Phải lớn lên đã là ngán ngẩm lắm rồi, nhưng khi tất cả mọi chuyện cùng ập xuống đầu cùng một lúc thì anh biết là chẳng gì có thể xoa dịu được chuyện đó và thà rằng thế giới này chưa từng tồn tại .
Tôi vào xem trang tin địa phương bằng điện thoại của mình.“… Phòng cảnh sát bang tại quận Cam, - đó là giọng của cô gái có cái tên Kristin, - cho biết các báo cáo được đưa ra lúc trước về một vụ tấn công bằng khí gas là vô căn cứ. Ron?
- Cảm ơn chị, Kristin, Người dân đang làm tắc nghẽn đường các tuyến đường cao tốc, - Giọng Ron tiếp lời. – Trên các đường dốc, đường nhánh và ngay cả trên các tuyến đường ngoại ô, những người đi nghỉ và người dân Florida đang tháo chạy khỏi khu vực trung tâm bang lo sợ về chất độc hóa học hay một vụ tấn công bằng khí gas theo kiểu quân sự nào đó chưa được xác minh tại Orlando, bất chấp việc National Guard(National Guard: Lực lượng quân đội có nhiệm vụ bảo vệ an ninh nước Mỹ) vừa cảnh báo người dân nên ở trong nhà, và rằng thời điểm cần di tản…(một sự ngừng lời đầy ẩn ý)…đã qua. Đối với một thành phố du lịch lớn như vậy, đây quả là…
Tôi tắt phụt tiếng. Mẹ nó, - tôi nghĩ, - họ chẳng biết gì sất. Hoặc đó đơn giản là những thông tin hoàn toàn mị dân…
- Jed này? – Marena gọi.
Tôi thưa.
- Ngay cả khi họ nói chạy dạt đi như thế chẳng để làm gì, tôi nghĩ tôi vẫn cứ muốn chạy. Như vậy được không?
Tôi trả lời tốt thôi.
- Và mọi người đều nhất trí rằng hướng nam đồng nghĩa với an toàn, phải không? Vậy tôi sẽ tiếp tục chạy theo đường 95.
- Nhất trí, - tôi đáp.
- Xin lỗi vì có thể đã kéo anh khỏi công việc thường ngày vì một chuyện không đâu.
- Ồ, không, - tôi đáp, - không đâu, cảm ơn đã cứu mạng tôi. Nếu tôi cứ ngồi quanh quẩn ở đó, cô biết đấy…
- Đừng nhắc đến chuyện ấy, - cô ta nói.
- Không được đâu, - Max nói, - cậu không thể đánh lại được Chúa tể thứ chín của Đêm tối nếu như chưa lên được cấp sáu mươi nhăm.
Tôi bật tiếng để nghe bằng tai nghe. “... tấn công với một tỉ lệ chưa xác định. – đó là giọng của Ron, - có thể là một loại vũ khí phun hóa chất nào đó. Điều đó có nghĩa rằng mối hiểm họa ở ngay trong không khí và có thể lan khắp một khu vực lớn. Do một sự trùng trình nào đó, vẫn chưa có khu vực nào được xác định là có thương vong xảy ra. Chúng tôi sẽ quay lại sau phần tin vắn…
Tôi chuyển sang trang C-SPAN. Có một vị dáng dấp như bác sĩ đang phát biểu trước một hội đồng nào đó. Ông ta đang liệt kê ra các triệu chứng. Đầu tiên là đỏ ửng, ngứa ngáy, đau đầu dữ dội, rộp đỏ và mất phương hướng. Những vết bong da không lành được. Những vết thương phồng rộp của các nạn nhân tại Trung tâm ung bướu Moffitt tại Tampa đang bị mở miệng trở lại, ngay cả những chứng vật như mụn đỏ hay cá đỏ cũng trở nên nguy kịch. Tôi lại bắt đầu thấy cảm giác ngứa ngáy rõ rệt đằng sau gáy. Gãi đi. Không, thề là không gãi nữa. Chuyển sang YouTube(YouTube: Một trang web chia sẻ các đoạn băng video) đi. Đoạn băng đầu tiên có hình đầu và vai của một phụ nữ có khuôn mặt sưng phù, đỏ rộp, chiếm hết cả màn hình. Ngay cả trên cái màn hình tí tẹo của chiếc điện thoại, tôi cũng nhìn thấy những đám nhọt màu hồng có nhân đỏ trên cằm và má trái. Tôi kích vào mũi tên.
- Chúng tôi đang ở Disney World, - bà ta nói, - Chúng tôi đến đây để nghỉ lễ Giáng sinh, - Bà ta rên rỉ, kéo dài từng từ vẻ đau đớn, - Và bây giờ chồng tôi đang…ông ấy…tôi thậm chí không thể diễn tả, ông ấy…ông ấy…thâật kiiinh khủng. – Bà ta ngừng lại và hỉ mũi. – tôi bị sưng phồng hết cả người lên. Không nhấc được cánh tay lên nữa. Tất cả bọn họ đều bị sưng phồng. Vậy mà chúng tôi đến đââây để nghỉ leêễ đấy! Và đây là Disney World, thật kiiinh khủng, kiiinh khủng…
Hừ, tôi tắt đi. Nghe có vẻ không đúng lắm. Tôi tìm thông tin về VX. Ở bất cứ trang nào, tôi cũng đọc được thông tin hậu quả đầu tiên phải là buồn nôn, sau đó là đau thắt hoặc co giật, tiếp nữa là khó thở. Không thấy nói gì về nổi mụn hay phồng rộp cả. Có thể đó là dạng như hơi cay chăng? Nhưng các nạn nhân dường như không gặp vấn đề gì về khả năng nhìn cả. Và hẳn nhiên đây không hề có gì giống với ngộ độc thịt hộp, bệnh than, nhiễm độc ri-xin hay những thứ tương tự. Hừm.
Chúng tôi đang đi qua sân bay lớn của quận North Palm Beach. Người và máy bay cứ cuống cuồng chạy đi chạy lại, nhưng chẳng có chiếc nào cất cánh cả. Phía trước chúng tôi, mặt trời cũng đang phồng to lên trên những ngọn thông màu nâu tối xỉn.
Tôi lại kiểm tra tin tức. Chẳng có gì mới, và vẫn chẳng có tin gì về những điều chúng tôi đã nhìn thấy qua vệ tinh. Đồ con hoang. Cả một lũ quan liêu. Tôi lướt qua các tin không chính thức. Chí ít, một vài bài cũng đưa tin có người đã thấy những hình ảnh trên vệ tinh đó – và họ phát hoảng lên, dĩ nhiên - nhưng dường như không ai biết chuyện gì đang xảy ra. Chết tiệt, - tôi nghĩ. Người ta cứ nghĩ chúng ta đang tiến đến thời đại của công nghệ thông tin, nhưng khi có chuyện nghiêm trọng xảy ra thì thông tin lại hiếm hoi đến mức kỳ cục. và người ta có cảm giác bị tách biệt lạ lùng. Mặc dù thực ra nếu anh tham gia đầu tư cổ phiếu hoặc giao dịch hàng hóa, hay anh chỉ cần hiểu biết về một lĩnh vực gì đó thôi – trừ những thứ đại loại như ca sĩ nhạc rốc hay mèo – anh sẽ nhanh chóng nhận ra rằng thông tin về những gì đang thực sự diễn ra lúc nào cũng hiếm hoi.
- Anh có nói với người nào mà tôi không biết không? – Marena hỏi. – Về cuốn Thư tịch ấy?
- Không, tôi không nói.
- Hoặc về những ngày tháng trong cuốn sách ấy?
- Tôi không nói với ai cả, - tôi đáp, - thôi nào, tôi là kẻ mắc chứng hoang tưởng đa nghi đấy. Tôi có tới hai mươi ba mật khẩu khác nhau và cứ hai ngày một lần lại đổi đấy. Tôi không nói gì với ai cả. Chỉ có cô và Taro thôi. Tôi thậm chí còn không kể với lũ sên của tôi.
- Được, tôi tin anh, - cô ta nói – xin lỗi anh nhé.
- Không sao, - tôi đáp, - tôi cũng đang nghi hoặc chuyện đó. – Tức là liệu có kẻ nào đó đã nhìn thấy hoặc nghe được chuyện về ngày nay trong cuốn Thư tịch và đi đến quyết định rằng điều đó có xảy ra hay không là phụ thuộc và hắn, và hắn đã khiến nó xảy ra. Nó cũng giống như câu chuyện về một gã ở Trung Quốc đã giết khoảng hai nghìn người gì đó bằng cách hòa ri-xin trong một hồ chứa nào đó và nói rằng hắn đang cố giết tất cả mọi người vì ngày phán xử cuối cùng đáng lẽ phải xảy ra hai tháng trước đó rồi. Những kẻ đó luôn nghĩ Chúa cần sự giúp đỡ.
Chúng tôi chạy qua Lake Worth, Lantana và Hypoluxo. Các cửa hiệu mở hai bên đường trương biển hiệu đề Xăng dầu, Thức ăn, Ngủ trọ, Burgers, Tacos (Burgers, Tacos: Các loại bánh kẹp ăn nhanh), Vỏ sò hiệu Sheila lấy từ Bãi Biển, Bánh mì Cheeburger, Câu lạc bộ Golf ‘n’ Flog S&M, Kem Twistee Treat, Xem tử vi, Xăm hình, Dưỡng sinh Trung Quốc, Thú cảnh lạ, Xỏ khuyên, Điện máy, Đồ thêu, Thú cảnh, Đồ khiêu dâm….
Điều mình đặc biệt không hiểu là, - tôi ngẫm nghĩ, - nhưng chuyện này thì có gì liên quan đến người Maya. Chẳng lẽ là vì người Maya chúng tôi ở đông quanh đây? Hay chỉ liên quan ở chỗ chúng tôi phải gánh lấy tai vạ? Có lẽ một vài người Maya nào đó sẽ bị tai vạ. Mình chẳng hạn, có thể lắm chứ. Mẹ kiếp. Tất cả đều là lỗi của mình. Ngay cả khi mình chẳng có lỗi gì.
Chúng tôi chạy rất nhanh qua thành phố Boca, nhưng đếnDeerfield, xe chỉ chạy được với tốc độ trung bình ba mươi lăm dặm một giờ. Trên đường cao tốc, những ngọn đèn đường màu cam đã sáng. Đầu óc tôi, thứ mà tôi kiểm soát không được tốt lắm, cứ xoáy mãi vào cuốn Thư tịch. Có thể đó là lý do mà người củaWarren đã đợi đến ngày mười tám mới công bố thông tin về cuốn sách trên tạp chí Times, tôi nghĩ, để nếu có chuyện gì xảy ra thật thì cũng đã quá muộn để trở tay. Hoặc kẻ nào đó trong công ty củaWarren đã biết điều này từ trước. Hoặc chính họ đứng đằng sau vụ tấn công này. Không chỉ là chứng hoang tưởng của mày thôi.
- Tôi nghĩ lẽ ra chúng tôi nên lấy ý kiến của anh về cuốn Thư tịch sớm hơn, - Marena nói.
- Tôi không biết nên nói sao về chuyện này, - tôi đáp.
- Cứ nói những gì anh nghĩ.
- Ờ, cô biết không, nó có vẻ giống một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
- Ý anh là gì?
- Không có gì, chỉ là, cô biết đấy, cuốn sách đã tồn tại hơn ba trăm bốn mươi tám năm, và rồi khi chỉ còn năm ngày trước ngày áp chót… thôi, bỏ qua chuyện này đi.
- Anh muốn nói gì vậy?
- Không có gì, - tôi đáp, - tôi chỉ, cô biết đấy…
- Anh muốn tôi nói cho anh biết chuyện gì? – cô ta hỏi, trong giọng nói có cái gì sắc lẻm như lưỡi dao cạo chém vào quả táo bọc đường. – Thôi được, thế này nhé, Warren là một thứ quỷ quyệt, như kiểu một công ty lừa đảo ấy, một thứ đại loại như SPECTRE (Burgers, Tacos: Các loại bánh kẹp ăn nhanh), anh biết chứ? Và chúng tôi đang cố reo rắc những chuyện này, chúng tôi đã làm giả mạo cuốn sách Maya, và bây giờ chúng tôi sẽ thủ tiêu anh. Nhưng trước tiên chúng tôi sẽ giải thích cho anh mọi điều, sau đó sẽ để anh lại trong một cái bẫy nham hiểm nào đó mà anh có thể thoát ra. Nghe thế nào?
- Rất hợp lý, - tôi đáp, - tôi chỉ…
- Có thể lỗi là của hai chúng ta, - cô ta nối, - anh đã bao giờ nghĩ đến chuyện ấy chưa? Có thể vì chúng ta đánh động mà khiến chuyện đó xảy ra. Kẻ nào đó thấy người ta nói tai họa sẽ leo thang vào ngày mai và hắn quyết định đẩy nó lên ngay từ hôm nay.
- Nghe này, - tôi nói, - tôi xin lỗi, chúng ta đừng…
- Chúng ta đừng đoán mò linh tinh nữa, - cô ta nói.
- Được rồi, được, tôi…
- Được rồi, đừng nói nữa. Tôi nói nghiêm túc đấy.
Miệng tôi ngậm lại. Chết toi, - tôi nghĩ, - giờ thì cô ta ghét mình rồi. Tôi liếc nhìn cô ta. Tôi không nói là miệng cô ta đang mỉm cười lại một cách nghiệt ngã, nhưng rõ ràng là nó có mím lại. Như tôi nghĩ là tôi đã nói, tôi gặp rắc rối trong việc phán đoán cảm xúc của người khác. Cô ta không cáu với mày đâu, Jed. Bình tĩnh nghĩ mà xem. Điều đang thực sự diễn ra là: cô ta đang cố tỏ ra như không có chuyện gì, nhưng trong bụng thì khiếp vía, không phải cho bản thân, mà cho Max. Cô ta là một bà mẹ. Mà các bà mẹ thì chẳng phải người nữa. Vậy nên, hãy thông cảm chuyện đó. Mày có thể không hiểu, nhưng có thể thông cảm.
Chúng tôi đến sông Miami, nơi đầu tiên có thể nhìn thấy biển. Trông nó có vẻ đáng yêu trong ánh chạng vạng. Một chiếc xe cấp cứu lao tới trên làn đường cho xe chạy về hướng bắc trống tanh. Trên xe có dòng chữ “ĐIỀU KHIỂN TỪ XA”. Chí ít thì người ta cũng không để những người làm việc trong nhà nước phải tiếp xúc với nguy hiểm. Ở Cutler Ridge, giao thông lại lình xình trở lại, chỉ chạy được với tốc độ bốn mươi dặm một giờ. Chắc thiên hạ đã hóng được tin đồn. Chuyển động của những chiếc xe quanh chúng tôi có vẻ gì đó bất ổn, tôi đoán nó xuất phát từ cuộc trốn chạy khỏi hiểm họa mà tất cả vẫn hy vọng chỉ là tưởng tượng. Một tốp máy bay F- 18 xếp thành hình chữ V rít ầm ầm trên đầu chúng tôi, thẳng tiến về hướng bắc đến khu vực “đỏ”. Đến vùng chuyên canh cam Naranja, xe chúng tôi chạy chậm chẳng khác gì khúc gỗ trôi dưới nước, trung bìnhh không đến mười lăm dặm một giờ. Còi xe inh ỏi xung quanh. Chúng tôi bị huých mấy lần khi các xe khác muốn chen ngang. Marena lùi xe huých lại mạng hơn. Đánh xuỳnh một cái. Max rất khoái trá, nó nghĩ thế này giống trò ô tô điện. Một toán choai choai người Puerto Rico vượt qua chúng tôi trên những chiếc xe máy Yamaha, luồn lách giữa đám ô tô. Đi bằng phương tiện ấy được đấy, tôi nghĩ. Hay là ăn trộm một chiếc nhỉ? Phàm thứ gì có gắn cờ của nước Mỹ thì đều có thể coi là miếng mồi để bất cứ ai xâu xé một cách bình đẳng mà. Ta phải cướp của ai đó mới được. Ba chúng tôi ngồi trên một chiếc xe máy có được không nhỉ? Không, quên ngay cái ý nghĩ này đi.
- Con lại khát rồi. – Max nói.
- Còn một hộp nước hoa quả cơ mà.
- Con uống rồi.
- Con chờ một lúc nữa được không? Nếu phải dừng lại trước khi lên được tàu, chúng ta sẽ kiếm thứ gì đó để uống quanh đây.
Thằng bé đồng ý.
Tôi quay lại kiểm tra mẩu tin nhắn đã để lại trên StrategyNet. Thật không ngờ, đám cùng hội cùng thuyền đã giúp được tôi. Cô đến năm mươi tám tin nhắn trả lời, vài cái có cả biểu đồ nữa. Một người bạn trên mạng – một tay chơi cờ vây ở Los Angeles – có nick là Statisticsmaven, đã vẽ hẳn một biểu đồ các vụ ngộ độc trên một bản đồ trò chơi mô phỏng chiến tranh và chú thích rằng, nhìn vào sự phân bố và thời điểm ngộ độc bùng phát thì “chất chưa xác định” đó chắc chắn phải là một chất độc phát tác nhanh được chuyên chở bằng máy bay, và rằng nó phải nặng hơn không khí một chút bởi nó không phát tán được xa hơn khỏi vị trí bùng phát. Một anh chàng nào đó tên là Hell Ret cũng đồng tình với anh ta và nói thêm rằng lúc trước anh ta đã phán đoán sai nhưng bây giờ thì anh ta nghĩ nó giống chất độc phóng xạ. Một người nick là Hourgeoiseophobus bực tức phản bác lại cả hai rằng không phải vậy.
Bất cứ chất gì mới đi vào phổi hoặc máu từ hôm qua mà hôm nay đã khiến nạn nhân hấp hối thì phải có LƯỢNG PHÓNG XẠ CỰC LỚN, tối thiểu là MƯỜI SI-VE. Về mặt lý thuyết, các anh phải cầm hai tay hai khối bom nguyên từ đồng vị 230PU và đập vào nhau mới có thể tạo ra mức phóng xạ đó. Một gián điệp người Nga đã phải qua tới ba tuần mới chết vì mười micro-gram đồng vị 210 của Polonium. Chất này không thể là chất phóng xạ được. Các anh phải nghĩ kỹ đi trước khi to mồm giảng giải cho người khác.
Đồng vị 210, tôi nhớ ra, số 84 trong bảng tuần hoàn, Idiota(Idiota: thằng ngu, tiếng Tây Ban Nha). Sự kinh hãi khó hiểu cứ lớn dần lên, khiến tôi có cảm giác như thể ruột mình là một cái ống hút bụi đang hút thật lực.
Không sao. Bình tĩnh nào. Bình tĩnh. Yên nào. Bình tĩnh.
Tôi ngồi im lìm, như cách vẫn thường làm hồi mới lên năm. Và như thường lệ, cảm giác đó tan biến đi.
- Đó là chất polonium, - tôi lên tiếng.
- Xin lỗi, anh nói gì cơ? – Marena hỏi lại.
Tôi giải thích, nhưng không được rành rọt lắm. Phải mất một lúc và Marena có vẻ không hoàn toàn bị thuyết phục, nhưng chí ít thì cô ta cũng không xem thường chuyện đó.
- Tôi sẽ gửi nó đi, - cô ta nói. Ý cô ta là sẽ chuyển nó cho Lindsay Warren và ông ta sẽ chuyển tiến thông tin đó cho quan hệ bí mật của họ ở DHS.
Marena khởi sự bấm điện thoại, chỉ dành một ngón tay trái để điều khiển vô lăng. Thỉnh thoảng cô ta mới liếc nhanh một cái ra đường. Quỷ tha ma bắt cái là sau tất cả những chuyện này, - tôi nghĩ bụng, - chúng tôi sẽ chết chỉ vì một tai nạn giao thông hết sức vớ vẩn và hoàn toàn có thể tránh được. Thế thì có nực cười không? Hừ, thực tình thì không. Không, giời ơi, không. Té ra chỉ là một cú xóc.
- Chữ “Polonium” đánh vần thế nào nhỉ? – cô ta hỏi. Tôi đọc. Cô ta lại bấm tiếp. Tôi cứ lén nhìn cô ta, cố đoán xem cô ta đang dùng chương trình mã hóa nào, nhưng không đoán được. Hiển nhiên, cho dù bây giờ DHS chưa nghĩ chúng tôi gây ra chuyện này, - tôi nghĩ, - thì rồi họ cũng sẽ nghĩ thế. Ðó không phải việc chúng tôi cần lo, cho dù tôi có lo.
Marena đã xong việc. Cô ta đặt điện thoại xuống đùi. Được rồi, - tôi tự nhủ, - cố nghĩ đi. Nếu là ngộ độc polonium…hừ, điều đó có nghĩa là phạm vi ảnh hưởng sẽ rất rộng: chúng ta có thể an toàn, cũng có thể đang bị hun nóng như cửa địa ngục mà không biết. Có thể vài tháng sau các triệu chứng mới xuất hiện nhưng nó vẫn giết chết anh như thường…hừ, đừng vội kêu gào cho đến khi chúng ta…Mẹ nó chứ, không thể nghĩ ra được, không nghĩ ra được, không nghĩ ra được…
Điện thoại Marena kêu tít tít. Cô ta ấn nút và nghe đọc tin nhắn bằng tai nghe.
- ổn rồi, họ đảm bảo với tôi là đang giải quyết việc này, - cô ta lên tiếng sau một phút.
Tôi trả lời thế thì hay quá và hỏi rằng những người bạn ở Lầu năm góc của cô ta có xì cho cô ta biết mẹo ngầm nào mách nước cho chúng tôi phải làm gì để sống sót không.
- Anh ta nói cứ tiếp tục đi về hướng nam và để ES lo việc của họ, - Marena đáp.
- Được thôi, - tôi trả lời.
ES là cái gì thế? Tôi thắc mắc. Có phải cô ta muốn nói đến… từ từ đã, có lẽ ta nên dừng lại mua ít i-ốt, chỉ để phòng khi…không…thực ra, đừng đề cập chuyện ấy. Giao thông đang ì ạch lại. Chỉ cần dừng một phát thôi là chúng ta sẽ vĩnh viễn đứng lại đâu đó.
Chúng tôi bị tắc lại ngay rìa nam thành phố Florida. Bây giờ là 7 giờ 14 phút. Marena phóng to bản đồ trên GoodleTraffic. Hình như chúng tôi chỉ còn cách điểm đường cao tốc chuyển từ bị đánh dấu “nguy hiểm” sang “an toàn” có mười thân xe nữa. Còi xe tạo ra tiếng động gần như liên miên không dứt, cứ như người ta nằm đè hẳn lên còi vậy, nó không tương phản mà thậm chí còn hòa vào với dàn đồng ca của sự tuyệt vọng. Bên tay trái chúng tôi là chân trời màu hồng pha ngọc lam nom rất rẻ tiền, giống như những đường trang trí của cái khách sạn Deco hạng hai nào đó trên đường Ocean Drive. Chí ít thì nó cũng có vẻ là nơi thích hợp để lìa đời.
Chúng tôi ngồi yên một phút. Marena bồn chồn. Trên trang web của CNN, người ta đang thông báo rằng hàng trăm chiếc xe đã bốc cháy tại hai thành phố Winter Park và Altamonte Springs, và rằng, chỉ tính riêng ở quận Cam, đã xảy ra ít nhất mười hai đám cháy không kiểm soát được. Họ đăng tấm bản đồ Belle Glade, một thành phố của dân nghèo nằm ở rìa nam Okeechobee, và cho biết một toán lính trọc đầu nào đó đã bất ngờ tấn công một khu nhà ở di động trên xe moóc của người nhập cư vì nghi nó là trụ sở củaLa Raza, theo tôi đoán thì họ quy trách nhiệm về các đám cháy cho tổ chức này. Mười tám người thiệt mạng. Dân nghèo da trắng với những ngọn đuốc ư, tôi nghĩ, thế thì các Phù thủy vĩ đại (Phù thủy vĩ đại: tên lóng ám chỉ những người đứng đầu các tổ chức chiến đấu bí mật ở Mỹ ) sắp sửa trỗi dậy rồi. Kinh quá. Bức ảnh chụp sáu xác người nằm trên đường nhựa.
- Cháu ghét người chết, - Max nói.
- Ừ, chắc con không thích xem thứ này đâu, - Marena đáp. Cô ta chạm vào biểu tượng và màn hình chuyển sang phim hoạt hình Bọt Biển.
- Sao người ta không để dấu hiệu “Khuyến cáo người xem cân nhắc trước khi xem chương trình” nhỉ? – cô ta hạ giọng hỏi tôi.
Tôi đáp rằng có thể người ta không tìm được từ một âm tiết nào để thay cho từ “cân nhắc”.
- Chúng ta có bị thanh toán không? – Max hỏi.
- Không, - Marena đáp. – Nguy hiểm đã lùi quá xa rồi. Chúng ta xem chương trình này đi.
- Ìn ì, ố à Bạch Uộc ôi a (Ìn ì, ố à Bạch Uộc ôi a: Nhìn gì, đó là Bạch Tuộc thôi mà! (Một câu nói ngọng của nhân vật Bọt Biển trong bộ phim hoạt hình cùng tên))! - Bọt Biển nói.
Chúng tôi ngồi yên. Tôi cố gọi cho Trung tâm cộng đồng Indiantown. Chẳng được gì. Tôi vào diễn đàn TomTomClub. Một người có nick là BitterOldExGreetBeretCracker nói đứng sau vụ tấn công không phải là một tổ chức Hồi giáo mà là một tổ chức của người châu Mỹ bản địa gọi là Trâu Trắng. Lý do anh ta đưa ra không được rõ ràng. Bourgeoiseophobus thì nói thủ phạm có thể là nhóm Hawkingers. Chẳng ai biết đấy là ai. Một người khác là Gladheateher tuyên bố anh ta chắc chắn đó là phong trào Quốc gia Hồi giáo. Còn Bọt Biển thì đánh bại Bạch Tuộc trong một cuộc thi khiêu vũ cặp bốn. Cuối cùng thì Marena hết chịu nổi.
- Tôi lên trên kia xem thế nào, - cô ta nói.
- Để tôi, - tôi nói và chuẩn bị bước ra.
- Không, tôi muốn xử lý chuyện này. – Cô ta lục túi, lấy ra một máy quay phim cài áo với biểu tượng ba đường tròn lồng nhau của Warren, bật lên và gài nó vào ve áo.
- Con cũng muốn ra ngoài, - Max nói.
- Không, xin lỗi, hai người phải ngồi yên đây một lúc, - cô ta đáp, - tôi chỉ lên đó xem chuyện gì đang xảy ra thôi.
- Nghiêm túc đấy,- tôi nói, - tôi có thể…
- Tôi biết mình đang làm gì mà. Sẽ không sao đâu. Tên khu căn cứ quân sự ấy là gì nhỉ?
- Khu gần nhất à? – tôi hỏi lại, - Là căn cứ Homestead.
- Phải rồi. Nào, thế này nhé, hai người, không được cho bất cứ ai vào xe, bất kể họ nói gì hay mặc đồng phục gì. Tôi đã nối máy quay với điện thoại và mở máy, hai người có thể xem hết qua TV. Tôi sẽ quay trở lại sau khoảng hai phút.
Max và tôi nhìn nhau và nói: được thôi.
Cô ta vẫn để máy nổ, mở cạch cửa và lách ra khoảng trống giữa chiếc xe và lan can đường phía bên tay trái. Một luồng hơi nóng ẩm ướt tràn vào xe. Tôi chuyển sang ghế lái. Nó chật hẹp và hơi cao nhưng tôi không dám động vào bộ điều chỉnh. Max nhảy lên ghế trước và nhìn vào màn hình. Tôi cũng nhìn. Tôi có cảm giác thót ruột lại. Ờ, ừ, đây cũng chẳng phải lần đầu. Bắt đầu từ dãy đầu tiên, những chiếc xe dường như hết hơi và tiếng còi cũng lịm đi. Những hình ảnh rung bần bật từ chiếc máy quay của Marena tiến sát vào những cái lưng to bè bè của một đám đông.
- Xin lỗi, xin nhường lối cho VIP, - giọng ra lệnh của Marena vọng vào chiếc micro. Thật kinh ngạc, những cái lưng to lớn rẽ ra cho cô ta đi vào. Cũng có vài lời cằn nhằn nhưng không ai chất vấn gì cô ta. Lũ khờ khạo. Tôi thoáng nhìn thấy một con bé bện tóc kiểu luống ngô với một hạt xoàn lớn lủng lẳng giữa hai mắt.
- Con có cần đi vệ sinh không, - giọng mũi của một phụ nữ cất lên đâu đó, - Nathaniel! Nếu con cần đi vệ sinh thì đi ngay đi.
- Xin lỗi, xin nhường lối cho VIP, - Marena nói, - Xin lỗi, cảm ơn, xin nhường lối cho VIP.
Cô ta lách ra được một khoảng trống giữa đám đông và một dải chặn đường màu cam vạch trắng bạc. Một viên sĩ quan cảnh sát chui đầu trong chiếc mũ hình cầu trong suốt đang lừng khừng đi đi lại lại, khua lên trong không trung một thanh dùi cui phát ánh sáng đỏ, tín hiệu nguy hiểm. Nhìn từ ngực áo của Marena thì các lối vào thành phố Florida đã chật cứng. Nhưng phía sau dải chắn đường là một con đường nhựa bằng phẳng, rộng rãi và trống trải chạy thẳng xuống phía nam tới Cuba.
Marena tiến lại gần viên sĩ quan và chặn đường hắn.
- Chào anh, - cô ta hỏi với qua chiếc mũ, - Anh làm ơn cho tôi biết phải làm gì để ra khỏi đây bây giờ?
- Vâng, chị chỉ cần quay về xe và chờ đến lượt được đi vòng. – Hắn nói với giọng hơi sắc lạnh. Có lẽ họ cố tình đặt chế độ âm thanh như vậy để nghe đáng sợ hơn.
- National Guard ra lệnh cho chúng tôi chạy xuống phía nam qua đường này, - cô ta nói dối.
- Rất tiếc, nhưng…
Chúng tôi có thể quay xe sang làn đường chạy về hướng bắc, nhưng dĩ nhiên chúng tôi không muốn chống lại lệnh chính phủ…
- Cả hai làn đường đều đang cần cho các xe cấp cứu. Vả lại, chẳng có lý do gì để mọi người cố rời khỏi khu vực này cả. Tất cả đều phải quay về nhà hoặc nơi làm việc, - hắn đáp rồi quay đi.
- Anh nghe này, sĩ quan Fuentes, - Marena chặn trước mặt và gọi hắn bằng cái tên viết trên phù hiệu, - tôi cuộc là anh cũng có con phải không? Anh biết chuyện gì đang xảy ra không? Những kẻ vô liêm sỉ ở Homestead đã đẩy anh ra đây để chúng có thể đưa người của mình thoát đi trước. Và chúng để anh ở đây chịu trận. Anh sẽ mất mạng ở đây còn sếp anh thì sẽ ngồi trên bãi biển uống cốc-tai. Anh hiểu tôi đang nói gì chứ? Cho nên tôi nghĩ việc chúng ta nên làm bây giờ là dẹp vài cái chắn đường này đi để những chiếc xe này quay sang làn đường chạy về hướng bắc, ít nhất là thế. Anh thấy thế nào?
- Bản sao khổ A4 á? – Hắn nói qua chiếc micro trong mũ, - Petro đấy à? Bob ở khu vực 5 đây. Xin chào, tôi có một tình huống rắc rối ở đây.
- Nathaniel, con có cần đi vệ sinh không? – Giọng người phụ nữ kia lại hỏi.
- Anh biết tôi đang quay lại tất cả cảnh này, phải không? – Marena hỏi, - Và nếu rối cuộc những người này sẽ chết ở đây hôm nay thì cảnh này sẽ được loan đi khắp nơi. Đây sẽ là câu chuyện thu hút sự chú ý của công chúng, và anh sẽ trở thành một biểu tượng của sự sai trái của đất nước này, anh sẽ không bao giờ còn ra đường mà không bị người khác chỉ chỏ nữa. Anh sẽ phải để râu che mặt và quay về San Juan đấy. (San Juan: Một thành phố của Puerto Rico).
- Phải, cho xin hỗ trợ, - viên cảnh sát nói, - vài phút nữa sẽ có một chiếc xe cảnh sát đến áp tải chị về xe-e-e của mình.
Marena đứng yên và nhìn hắn ta vài giây. Hắn ta cũng nhìn lại.
- Con có chắc là không cần đi vệ sinh không? – Giọng người phụ nữ kia lại hỏi.
- Thứ vàng vàng trên áo ông ta là cái gì thế ạ? – Max hỏi tôi.
- Đó là bình nitrox, - tôi đáp, - nếu màng lọc trên mặt nạ của anh ta bị bít lại, anh ta có thể mở nó và lấy thêm được một lượng khí đủ để hít đầy phổi năm mươi hai lần.
- Ồ, hay thật.
Fuentes chấm dứt cảnh nhìn nhau chòng chọc trước và quay đi. Marena ngoái cổ lại và chạm mặt một dám đông khoảng ba mươi người đã đánh liều ra khỏi xe để xem có chuyện gì. Những cảnh tiếp theo trên màn hình hơi lộn xộn. Nhưng ba giây sau, chúng tôi lại nhìn thấy họ từ một góc khác, từ trên cao. Khi Marena cúi người nhìn xuống chân, chúng tôi mới nhận thấy cô ta đã leo lên nóc một chiếc SUV cũ màu xanh lá cây đậu ngoài cùng dãy xe. Cô ta đang đứng dẫm chân lên các đường ống mạ crôm nằm giữa hai tấm ván buồm đặt lật ngửa, đưa mắt dò xét đám đông. Qua thấu kính góc rộng đang đung đưa trên người cô ta, đám đông nom chẳng khác gì bình thường, nhưng vì một lý do nào đấy, tất cả đều trắng bệch.
- Được rồi, xin mọi người chú ý, - cô ta vươn người nói với đám đông. – Tôi xin lỗi phải làm thế này nhưng tôi nghĩ mọi người ở đây có thể có nhiều quan điểm khác nhau, mà mỗi chúng ta đều cần sự giúp đỡ của nhau, chúng ta phải đoàn kết lại nếu muốn tìm ra lối thoát.
Họ chỉ ngước nhìn cô ta.
- Nathaniel, - người phụ nữ nọ lại tiếp tục hỏi, - con có chắc là không cần đi vệ sinh không?
- Tôi là MarenaPark. Tôi là một phóng viên chuyên nghiệp, một phát thanh viên và là một người mẹ, và tôi đang đứng đây, tại điểm giao nhau giữa hai trục đường U.S 1 và 821 này, nơi một hàng rào chắn đã được dựng lên một cách thiếu suy nghĩ để khóa chặt tất cả các đường xuống phía nam. Rất nhiều người trong số chúng ta đang lo ngại về cách chính quyền xử lý tình huống này, vì thế, ngay bây giờ, chúng ta sẽ đối thoại với một sĩ quan cảnh sát, người tự nhận mình chịu trách nhiệm ở đây. Nào, bây giờ tôi muốn nghe các vị nói sao trước việc này. Sĩ quan Fuentes đây vừa nói chúng ta sẽ không được phép dùng cả hai tuyến đường U.S 1 và 997 để ra khỏi vùng tâm nguy hiểm, bởi vì các sĩ quan ở khu căn cứ Homestead cần dùng hai con đường đó trước.
- Tôi không hề nói thế, - giọng viên sĩ quan vọng đến từ xa, Marena lờ anh ta đi, - Và đó không phải sự thực…
- Nhìn kìa, ngài sĩ quan Fuentes đây được trang bị kín mít để phòng độc, còn chúng ta chẳng có gì sất. Còn nữa, hệ thống định vị của tôi cho biết cả hai con đường đó đều trống không suốt từ đây đến tận quần đảo Keys. Nhưng, các vị, đừng để tôi một mình nói hết thế, toi muốn nghe xem các vị nghĩ gì.
Tôi hình dung ra cặp mắt Marena nhìn thẳng vào hết khuôn mặt này đến khuôn mặt khác. Chẳng ai nói gì, trừ một người phụ nữ trẻ đang lẩm bẩm điều gì đó một cách khổ sở, như thế cô ta sắp la hoảng lên.
- Bà nghĩ sao? – Marena hỏi. Rõ ràng cô ta đang nhìn ai đó, nhưng chúng tôi không nhìn được đó là ai, - Bà có nghĩ chúng ta đang được nghe sự thật ở đây, rằng chúng ta nên ngồi yên? Hay tất cả những chuyện này chỉ là một sự mị dân khác nữa?
- Ta hiểu con đang nói gì, con yêu quý, - ai đó lên tiếng. Max đã phát hiện ra đó là ai và cho chiếu gần vào người đó trước khi tôi kịp động tay. Marena đã chọn bà già bé nhỏ này, bà ta cao chừng bốn feet rưỡi, nặng khoảng chín mươi nhăm pound, khoảng chín mươi nhăm tuổi, tóc xanh như da trời, cặp mắt xanh xám, da trắng xanh, một người đã sống đủ đời người.
- Cảm ơn ý kiến của bà, - Marena nói.
- Con biết đấy, - bà già nói tiếp, - ngày nay, đến chín mươi nhăm phần trăm những gì con nghe nói đều là chuyện nhảm nhí.
Một khoảng im lặng. Ngay cả cái bà “vệ sinh” kia cũng đã im miệng.
- Mẹ cháu lúc nào chả làm những việc như thế này, - Max thì thào vẻ bí mật.
- Mẹ cháu rất dũng cảm, - tôi nhận xét.
- Nào, có ai còn ý kiến gì nữa không? – Marena hỏi, có vẻ như đang nhìn quanh.
- Họ cần đường để cho các nhân viên cứu hộ, - ai đó nói, - họ biết mình đang làm gì.
- Tốt, chúng ta đã được nghe ý kiến phản biện. Được rồi, có bao nhiêu…
- Tôi có điều cần nói, - viên sĩ quan Fuentes lên tiếng, nhưng rõ là chiếc mũ anh ta đang đội không có loa to vì người ở ngoài không thể nghe rõ được như chúng tôi, và ai đó với giọng nói lớn hơn nói chen vào. Đó là một người đàn ông da màu, khoảng bốn mươi tuổi đứng cạnh hai đứa trẻ mà tôi đoán là con với vợ cũ, anh ta đang đưa chúng về nhà mẹ sau chuyến đi chơi ởMagicKingdom:
- …đừng có thờ ơ với chúng tôi như thế, - anh ta nói, - nếu đi được xuống phía nam, chúng tôi có thể sống sót và nếu cứ ở trong đất liền như thế này, chúng tôi sẽ chết, chỉ đơn giản thế thôi. Gã này có cả một bộ phi hành gia chết giẫm trên người và hắn đang bảo chúng ta…
Sau đó, hình ảnh lại lộn xộn. Người phụ nữ “lẩm bẩm” rõ ràng đang hét lên “chúng ta sẽ chết, sẽ chết”, cứ thế lặp đi lặp lại. Nhiều người khác đã ra khỏi xe và tiến đến, hỏi nhau xem chuyện quái gì đang xảy ra. Ngài sĩ quan “thân thiện” thì nói gì đó về “cần những biện pháp chống khủng bố tại đây, ngay lúc này”.
- Các vị, - giọng Marena vang lên phía trên đám đông hỗn loạn, - tôi nghĩ chúng ta đang ngả sang chiều hướng không tin tưởng vào cách mà chính quyền giải quyết vấn đề này. – Có những tiếng hoan nghêng đồng tình như thể được giác ngộ và cả những câu quen thuộc như “Tiếp đi, bà chị!”. Tuy thế, những người khác vẫn tiếp tục tranh cãi. Nathaniel, tôi nghĩ thằng bé đang nói gì đó về việc nó không cần đi vệ sinh. Tôi không nhìn thấy viên sĩ quan Fuentes đâu cả, có lẽ hắn ta đang thực hiện theo đúng quy trình đối phó với đám đông nguy hiểm và rút vào trong xe rồi.
- Được rồi, thế này nhé, chúng ta sẽ bỏ phiếu vậy, - Marena nói, - Xin các vị chú ý. Nếu chúng ta không đồng lòng về vấn đề này thì sẽ chẳng có gì biến chuyển hết, dù là theo hướng nào. Thế nào, mọi người? Nào, tôi muốn biết các vị có ý kiến gì.
Tiếng tranh cãi lắng xuống nhưng không im hẳn.
- Được rồi, - Marena tiếp tục, - trước tiên, những ai cho rằng lực lượng cảnh sát ở đây thực sự vì lợi ích của chúng ta và rằng chúng ta nên quay về xe ngồi chờ, xin hãy nhấn còi một lần hoặc hô “bác bỏ”, được chứ? Nếu muốn chờ đợi hãy hô “bác bỏ”. Nào tất cả, một hai, ba.
Tiếng ồn khá lớn, trong đó có thể nghe rõ từ “bác bỏ”.
- Rất tốt, - Marena nói. Lúc này cô ta đã thu hút được sự chú ý của 95% đám đông. – Những ai nghĩ cảnh sát ở đây không vì lợi ích của chúng ta, thực ra họ chẳng buồn đoái hoài đến chúng ta, những ai muốn được đi qua cái rào chắn này, nên nhớ họ không thể bắt tất cả chúng ta- thực ra tôi đoan chắc họ sẽ không bắt bất kỳ ai trong số chúng ta, kể cả tôi – tất cả những ai muốn tiến lên phía trước, xin hãy nhấn nhiều hồi còi nhanh hoặc hô to “đồng ý”. Được chứ? Một, hai, ba…ĐồNG ý!
Cô ta nhận được rất nhiều phiếu đồng ý.
- Được rồi, - cô ta nói.
Đám đông không hẳn sôi sục lên nhưng họ nhào về phía trước, không có nhiều tiếng hô hào, chỉ đây đó có những tiếng “được” và “tiến lên nào”. Dù sao mục đích cũng đã đạt được. Oa, tôi nghĩ, thần Tự do đang dẫn đường! Khác gì ở ngục Bastille! Ông bố “đã ly dị” nhấc thanh chắn đầu tiên lên vai và một chiếc xe lao ngay qua trước khi nhiều chiếc khác cùng bám theo. Marena trèo xuống và lách vòng qua đám đông, gắng quay về chỗ chúng tôi mà không lại gần bất cứ ai khác. Ai đó gọi cô ta, nhưng cô ta lờ đi. Những chiếc xe vây quanh xe chúng tôi bắt đầu nhích dần lên phía trước. “Ngon rồi”, - cô ta lầm bầm.
- Mẹ? Các xe khác đang đi rồi, - Max gọi cô ta qua điện thoại.
- Mẹ về ngay đây, anh béo, - giọng Marena đáp.
Cô ta hiện ra trên tấm kính chắn gió. Những chiếc xe con, xe tải và xe nhà di động đang gầm rít quanh cô ta như muốn xéo nát người vừa giải cứu chúng. Cô ta vào xe, đóng cửa lại và ngồi vào ghế lái, một chuỗi động tác mà tôi muốn mô tả là êm như nước chảy.
- Con cần vào nhà vệ sinh, - Max nói.
- Con nhịn vài phút được không? – cô ta hỏi.
Thằng bé đồng ý. Chúng tôi nhích dần qua những thanh chắn đường bị lật đổ, và rồi thấy như vừa được kéo ra khỏi đầm lầy.
- Thật là, thật là ấn tượng, - tôi nói, - nếu là tôi thì tôi chẳng biết phải làm chuyện đó như thế nào. Cô ta thật giống một…
- Jeanne de Are chăng? (Jeanne de Are: Nhân vật nữ anh hùng được phong thánh trong lịch sử nước Pháp, bà đã lãnh đạo quân đội giành nhiều chiến thắng trong cuộc chiến tranh Trăm năm).
- Sao cô luôn biết tôi sắp nói gì thế?
- Thực ra cũng chẳng co gì đâu, anh biết đấy, chúng tôi phải quản lý rất nhiều nhân sự, có một vài từ nhấn mạnh…
- Không, không, thật đấy. Sao cô biết bà già ấy đứng về phía mình?
- Ừm, anh có thể theo học một lớp đào tạo kỹ năng đó mà. Người ta luôn tỏ ít nhiều thái độ gì đó khi đồng tình hoặc không đồng tình với anh.
Cô ta tăng tốc. Hình như chúng tôi đã lãng mất ý tưởng về việc ngủ lại khách sạn ở Miami.
- Phải.
- Trên đảo Key West có một bến du thuyền của Warren. Bắt máy bay ở đó dễ thôi.
- Hay quá. – Nếu chúng ta đến được đó, - tôi nghĩ.
- Và nếu chúng ta không đến được đó, - cô ta nói tiếp, - thì chỉ cần đến đâu đó gần mặt nước, họ sẽ cho thuyền đến đón nếu chúng ta bị kẹt lại. BVNVCC của tôi khá cao.
Có tiếng rít cộc lốc của một chiếc máy bay quân sự đang bay quá tốc độ trên đầu chúng tôi.
- Xin lỗi, - tôi nói, - tôi không hiểu cái đó nghĩa là gì.
- Bảo vệ nhân viên chủ chốt. Bảo hiểm ấy mà. Công ty sẽ điều ES đến đón tôi.
- Ồ, hay quá.
- Max, không làm thế nữa, - cô ta nói.
- Vì sao ạ? – tiếng Max hỏi lại.
- Vì ý chúa. Con đang làm Chúa hài đồng phải khóc thét lên đấy.
- Được rồi, được rồi, - thằng bé trả lời. Chắc nó đã dừng trò đang làm, chẳng biết trò gì nữa. Tôi vào xem tin tức CNN bằng điện thoại. Bản tường thuật tin cho biết một số người có triệu chứng tương tự như các nạn nhân ở Disney World đã được phát hiện ở Chicago, Seattle và một số thành phố khác nằm khá xa như Lima, nhưng phần lớn trong số họ đã phát bệnh ở sân bay và nhiều khả năng họ đều là khách du lịch đã ở Orlando ngày hôm qua. Chúng tôi chậm chạp tiến vào Miami. Vì lý do nào đó, thành phố nom có vẻ bẩn thỉu hơn bình thường. Tôi đã nghĩ lại sắp gặp một cơn ác mộng giao thông nữa, thế nhưng chúng tôi vẫn qua được. Có lẽ mọi người đều đang ở ngoài bãi biển. Sau khi đi qua thành phố, có một đầm lầy dài bảy dặm, tiếp đó là một con đường đắp cao, đường U.S.1, chạy qua bến du thuyền Blackwater Sound tại đảo Cross Key. Sau năm dặm nữa sẽ đến đảo Key Largo. Tôi mò mẫm trên mạng để tìm thông tin về Trâu Trắng. Họ có một trang web nhưng chỉ có mỗi cái logo, vài câu trích dẫn của Leonard Peltier (Leonard Peltier: Nhà hoạt động xã hội người Mỹ, thành viên của phong trào người Mỹ gốc da đỏ) và một ô đăng nhập đòi mật khẩu. Tổ chức này có thể là một nhóm ly khai của AIM, tức là phong trào Người Mỹ gốc da đỏ. Trên CNN, người ta đang nói rằng Nỗi Kinh Hoàng ở Disney World- hình như bây giờ người ta gọi nó bằng cái tên ấy- được chính thức xác định là một vụ Tai nạn thương vong hàng loạt. Cũng mừng là họ thành thực công nhận điều đó. Những bài viết trên trang tin Drudge cho biết, theo như các báo cáo y học trên đài phát thanh, đám mây chết kia, dù nó có là chất gì đi chăng nữa, cũng không chỉ bao phủ Magic Kingdom mà còn ảnh hưởng khắp một khu vực kéo dài đến tận hồ Tohopekaliga ở phía nam, tối thiểu là ngoại ô Orlando về phía tây, và một dải dài tản theo hình lông chim lan đến tận vùng hồ Harris ở phía tây bắc. Khu vực có người mắc các triệu chứng thì rộng hơn rất nhiều, song vì họ đã di chuyển từ nơi này đến nơi khác trong khoảng một ngày kể từ khi tiếp xúc với chất độc nên khó xác định đám mây chết đã lan bao xa. Và một vị nào đó tên là Octavia Quentin, người được giới thiệu là chuyên gia chẩn đoán rủi ro của DHS, phát biểu rằng một vài triệu chứng “khớp với ngộ độc kim loại nặng và /hoặc nhiễm xạ ion hóa cực cao”. Những kẻ reo rắc ghẻ, - tôi ngẫm nghĩ. Reo rắc ghẻ. Từ trong lòng đá. Đánh lửa từ một viên đá.
Bản tin News6 thông báo những tin đồn về bạo loạn tại khu Công viên đang lan rộng.
- Hoảng loạn đang kích động hoảng loạn lan nhanh, - một chuyên gia có tiếng cho biết, - Đó là hiện tượng mà chúng tôi gọi theo thuật ngữ là phản ứng tự lực.
Chương trình Di tản Dân cư Khẩn cấp một cách An toàntại khu vực Orlando của Cục Quản lý Tình huống Khẩn cấp Liên Bang đã không thành công, và lúc này giao thông tại khu vực trung tâm bang cứ thông rồi lại tắc. Các sân bay ở Kissimmee,LakeLand, LakeWales và Vero không hoạt động. Các bệnh viện ở xa tận Tampa, St.Pete, Gainesville và Fort Lauderdale cũng phải tiếp nhận nhiều bệnh nhân được chuyển đến bằng máy bay trực thăng, nhiều đến nỗi quá tải. Các nhân viên cứu hộ của bang từ chối chạm vào “các con sâu phát sáng”, họ gọi những người bị nhiễm độc như vậy. Tôi đoán đó là một từ lóng Nhật Bản chỉ những người bị nhiễm phóng xạ ở Nagasaki và Hiroshima. Một từ kiểu như hibachi, nhưng bây giờ tôi không có đầu óc để nghĩ đến chuyện đó. Cảnh sát cũng sợ vì họ phải làm việc quanh các bệnh viện, hoặc vì hễ họ không có mặt là bọn trộm cắp lại “tham gia cướp bóc có tổ chức”, không chỉ đập phá cửa sổ các cửa hiệu mà còn khuân toàn bộ kho của các cửa hàng điện máy lên xe tải và lái hàng đoàn xe ra khỏi bãi chứa xe của các cửa hàng bán ô tô.
Đến đảo Fat Deer Key, giao thông lại dày đặc trở lại. Song không giống đa phần những người khác, chúng tôi vẫn tiếp tục đi, vì một khi anh đã ở trên con đường chạy qua đầm lầy này thì chẳng còn đường nào khác ngoài đi thẳng đến Keys. Trên mạng định vị giao thông của Marena, có vẻ như phía sau lưng cách chúng tôi vài dặm đã chẳng còn xe nào chạy nữa. Cô ta đã làm đúng, bỏ chạy ngay khi có dấu hiệu bất bình thường đầu tiên. Khi chứng hoang tưởng có lợi, nó thường có lợi lớn. Max đang nhìn qua cửa sổ lên giời, tôi cũng ngó ra. Toàn máy bay là máy bay, từ cánh máy bay quân sự, những luồng khói vẽ nên một đám vệt lộn xộn lồng vào nhau, đủ mọi hình dạng và kích cỡ, hệt như cảnh đàn cá mập điên cuồng lao vào xé mồi, những chiếc EF2000 giống như cá mập búa, AV-8 Harrier giống cá mập xanh, Globemaster giống cá mập trắng lớn, Starfighter giống cá mập bò. Thậm chí theo tôi, chiếc B-2 còn giống đuôi của con cá đuối. Cả một phi đội quỷ sứ. Tôi thử lại hệ thống báo động ở nhà. Nó không bắt tín hiệu. Tôi lại gửi thư vào hộp thư của Không Đời Nào. Cũng vậy.
- Me, con đói, - tiếng Max gọi.
- Con vừa ăn hết miếng pizza xong đúng không? – Marena hỏi lại. Thằng bé nói phải. Cô ta bảo nó phải đợi thêm nửa tiếng nữa vì chúng tôi đang thực thi một nhiệm vụ biệt kích tối mật và phải để những việc kia lại cuối cùng. Tôi cố ngồi yên và bĩnh tĩnh lại. Điều tử tế nhất mày có thể làm bây giờ, Jed, đồ con lai già đời, là đừng làm tâm trạng lo lắng của mày lây sang người đang phải cầm tay lái. Chúng tôi đang ở trên đường Islamorad, nơi có thể tiến vào trung tâm quần đảo Keys. Từ đây, người ta không còn nhìn thấy đường viền của bán đảo Florida nữa, chỉ có một con đường nổi nối những hòn đảo nhỏ như những chấm san hô màu xanh lục, và phía bên tay phải là bộ khung đường ray xe hỏa cũ rỉ nát. Theo tin tức của CNN, có vẻ như chúng tôi đã đi khỏi Miamivừa đúng lúc. Có một cuộc bạo động ở Pompano Beach, còn ởHialeah, một đám đông hoảng loạn đã lao vào một hàng rào lính khi những người này dùng một loại súng mới phun chất nhờn hay gì đó vào họ. Eh bueno (Eh bueno: Ừ, cũng tốt), tôi nghĩ, ít nhất chúng tôi vẫn còn biết chuyện gì đang xảy ra qua mạng. Chúng tôi không phải bỏ lỡ phút nào cuộc tàn sát đau đớn đó. Trong thời đại của truyền hình thực tế này, như vậy là hoàn toàn tốt. Chúng tôi qua trạm bảo vệ bờ biển ở cực nam đảo Plantation Key. Lạ sao, nó vắng như nghĩa địa hoang chẳng hề có thuyền trên bến hay ô tô trong bãi xe. Hàng đoàn máy bay hối hả lao về hướng tây bắc trên đầu chúng tôi.
- Hừ, tôi vẫn đoán là chính nó, - Marena nói.
- Xin lỗi?
- Về cái gọi là reo rắc ghẻ ấy. Đúng không? Những người đó, ý tôi là những nạn nhân, họ đã nổi rất nhiều nốt ghẻ.
- Phải, tôi đoán chính là nó.
- Tôi đoán anh đã nghĩ ra từ trước rồi.
- Phải.
Một sự im lặng kéo dài, ảm đạm, xám xịt và buồn tẻ. Cuối cùng, cô ta quay sang nhìn tôi.
- Này, - cô ta nói, - anh có biết…
11
Thoạt tiên, tôi cứ ngỡ mặt trời đang ló ra bởi có một vệt dài, nom giống như giải phân cách làn đường, rực lên một màu hồng tím kỳ dị, còn mặt đường thì sáng lóe lên với màu vàng chói quá mức. Nhưng mặt trời vừa bắt đầu lặn được một lúc thôi mà. Có phải không nhỉ? Lát sau, dường như có một sức ép đặc quánh nào đó làm những tấm kính cửa xe rung lên trong khung đệm, rồi một lúc sau nữa, dường như tôi nghe thấy một âm thanh, một thứ ầm ì cứ rống to dần lên như tiếng kêu của kẻ tội lỗi trong bàn tay giận dữ của Chúa, HRURWWRRWRSHHH, và cuối cùng kết thúc bằng một tiếng nổ, ắt là của một vụ nổ thật, một tiếng nổ sâu, tàn nhẫn, àầmmmm. Có cảm giác như chiếc xe bị kéo lùi về phía sau, lệch về bên phải do không khí bị hút mạnh về phía tâm vụ nổ.
- Con ơi! Marena hét lên không thành tiếng. Cánh tay phải quay vụt về phía sau và chộp lấy Max. Còn một cánh tay nhỏ xíu của thằng bé thì với nhanh như chớp qua khoảng trống giữa hai ghế trên đến chỗ vô-lăng, nhưng Marena giữ không cho nó chạm vào và đặt tay nó lên đùi mình. Tôi quay sang nhìn nó. Đầu nó bị lèn giữa hai chiếc ghế, cặp môi dành ra để lộ hàm răng. Sỏi cát đập rầm rầm vào lớp vỏ thép của chiếc Cherokee. Nước táp vào kính chắn gió và tôi còn nhìn thấy cả những mẩu san hô nhỏ cùng thứ gì đó nom như vảy cá lẫn trong đó. Cần gạt nước gạt hết được chúng đi thì lại đến một lớp khác bám vào. Điều kỳ quặc là những chiếc xe chạy cùng làn đường với chúng tôi vẫn lừ lừ chạy. Các bạn có thể cảm thấy chuyển động mỗi lúc một xa dần của chúng, gần như thấy cả vẻ mặt và nghe thấy tiếng của những người lái xe, Chuyện quái quỷ gì thế này? Chuyện quái quỷ gì thế này? Chúng ta đã chết chưa? Song tất cả chuyện này diễn ra quá nhanh khiến chẳng mấy ai kịp phản ứng gì.
- Đây không phải bom hạt nhân, - tôi nói. – Không phải bom hạt nhân. Không phải bom hạt nhân,
Nhưng dĩ nhiên Marena không nghe thấy. Chúng tôi vẫn ngồi yên trong không gian chết lặng, với những tiếng ù ong ong trong tai và một cảm giác như đang hồi lại sau vết thương. Nặng nề quá. Tôi nhìn quanh. Không thấy đám cháy nào, chỉ có một mảng gì đó màu trắng đang loang rộng ở khoảng cách chúng tôi năm giờ. Nhìn nó hư ảo đến mức một phút sau tôi mới nhận ra đó là hơi nước. Vụ nổ cách đây bao xa? Khoảng cách giữa ánh chớp lóe lên và tiếng nổ hẳn phải kéo dài ít nhất là một giây. Nhưng bây giờ tôi cũng không nhớ nữa. Vậy là năm dặm chăng? Không, gần hơn. Tôi nhìn Marena. Các ngón tay trái của cô ta vẫn ghì lấy vô-lăng, chúng trắng trợt ra đến mức tôi nghĩ cô ta sắp sửa bóp nát nó. Nhưng tôi đoán người ta đúc chiếc vô-lăng cũng khá rắn. Cô ta đang hỏi Max câu gì đó, đại khái là nó có sao không? Cô ta hỏi mãi một hồi. Không thấy tiếng Max trả lời và cô ta cứ hỏi đi hỏi lại, cuối cùng, khi lấy lại được hơi, Max trả lời câu gì đó đại khái là “con không sao, con không sao”.
Tôi nhận thấy chúng tôi đang đỗ ở cột mốc đánh dấu dặm thứ 78 trên cầu Indian Key, ngay sát Uper Matecumbe. Marena hỏi tôi câu gì đó, hình như là tôi có sao không.
- Đó không phải bom hạt nhân, - tôi nói, - không phải bom hạt nhân.
- Anh ổn chứ?
- Đó không phải bom hạt nhân. Nhìn mà xem, những cánh cửa sổ này, chúng không hề vỡ, nghĩa là chúng ta không sao. Đó không phải bom hạt nhân.
- Không, tôi hỏi anh có sao không?
- Tôi à? – tôi đáp, - tôi không sao.
Một thứ mùi hơi chay cháy bắt đầu luồn vào xe qua hệ thống thông hơi.
- Tốt rồi.
- Đó không phải bom hạt nhân, - tôi tiếp tục nói.
- Tôi biết, - cô ta đáp.
- Cô và Max có sao không? – tôi hỏi. Thằng bé đã leo lên lòng cô ta từ lúc nào mà tôi không biết.
- Không sao.
- Tốt rồi.
- Phải.
- Tôi cũng không cho đó là nổ vũ khí, - tôi nói. Đến lúc này, mảng màu trắng đã gần như bao phủ kín chúng tôi và đen dần đi ở khoảng giữa.
- Sao cơ?
- Tôi nghĩ đó là một đường ống dẫn.
- Đường ống dẫn?
- Như ống dẫn khí tự nhiên chẳng hạn, - tôi giải thích. Hầu hết khoảng không quanh chúng tôi đã đen kịt. Khói dầu, - chỉ có điều bây giờ ở đó có cả dầu đang cháy. – Tôi nhận thấy răng mình đánh lập cập.
Đến lúc này, những chiếc xe phía trước chúng tôi đã dừng lại. Ở yên nào, răng của tôi ơi.
- Chúng ta có chết không? – Max hỏi.
- Không, chúng ta đang ở rất xa mọi rắc rối, - Marena đáp.
- Chú Jed, chúng ta có chết không?
- Không, - tôi đáp, - chúng ta đang ở nơi tốt nhất có thể. Chúng ta đang ở trên mặt nước và đường sẽ không thể bốc cháy.
- Vâng, - thằng bé đáp. Nghe giọng nói thì hình như nó đã qua cơn sợ hãi. Tôi đã từng thấy điều này. Lũ trẻ hoảng hốt nhưng nếu người lớn tỏ ra bình tĩnh thì chúng chỉ mất một giây để hết sợ. Chúng còn chưa biết thế nào là bình thường.
- Max, mẹ muốn con thật cứng rắn ngay bây giờ để chăm sóc cho mẹ và chú Jed, - Marena nói. – Vì con biết rất nhiều về những chuyện như thế này mà.
- Có thể sẽ lại nổ tung lên ngay tại đây, - thằng bé đáp.
- Không, không, sẽ không thế đâu, - tôi nói. – Ở đó có các van, tất cả nhiên liệu sẽ chảy về nơi có chỗ nứt và cháy đi. Vả lại, các đường ống không được đặt gần đường đi, chúng ở đâu đó ngoài vịnh cơ.
- Vâng, - thằng bé trả lời. Thực ra, - tôi nghĩ, - mình cũng cho là có thể có một vụ nổ đường ống nữa. Hay tất cả đường ống sẽ cạn ngay khi xảy ra cháy nổ ở một đoạn nào đấy? Chuyện này thì tôi không rõ.
Tôi bảo rằng rôi cần quan sát xung quanh một chốc và ra khỏi xe. Trời nóng nhưng cả ngày hôm nay trời vẫn nóng thế, không khí ở hướng xảy ra vụ nổ chỉ nóng hơn phần còn lại một chút. Có tiếng còi báo động xa xa và tiếng loa còn xa hơn nữa, chúng vang lên trên nền âm thanh rền rĩ của những chiếc máy bay. Vài người trong những chiếc xe quanh chúng tôi cũng lục tục bước ra ngoài. Tôi đóng cửa xe lại và leo lên nóc. Tôi không trông thấy đám cháy hay tai nạn nghiêm trọng nào quanh đây. Nhưng phía trước và bên cạnh chúng tôi, hàng tá ô tô đang đỗ san sát, mỗi xe quay đầu một kiểu. Tệ hại thật, - tôi nghĩ. Tệ hại nếu muốn tính đường đi tiếp. Những chiếc xe đó có thể đang bít chặt đường xuống Key West. Từ phòng ngủ của Ernesrt Hemingway, một lũ mèo sáu ngón nhao ra. Sẽ không ai tiến một bước nào đến tương lai có thể nhìn thấy trước. Mặc dù nghĩ lại thì thứ “có thể nhìn thấy trước” ấy cũng không được hay ho cho lắm.
- Jed, quay vào xe đi, - Marena gọi vọng qua hệ thống loa ngoài.
Tôi làm theo, Phía trong áo vét, chiếc sơ mi thảm hại sành điệu một thời của tôi ướt đẫm như vừa tham gia một cuộc thi chọnThằng ngu ướt nhất. Marena tắt động cơ xe nhưng vẫn để điện chạy.
Cô ta đã gần như trấn tĩnh hẳn. Nếu nghĩ lại mọi chuyện xảy ra thì cô ta bình tĩnh lại thế cũng khá nhanh. Chúng tôi ngồi yên. Nghe ngóng. Ánh mặt trời sắp tắt chiếu xiên qua cửa. Marena chạm vào bàn điều khiển và những tấm mành nhuộm màu buông xuống che kín các ô cửa sổ bên mạn phải. Nhìn về phía nam, cảnh vật có vẻ đáng sợ, nhưng nhìn từ xa thì thường vậy. Max đã quay về ghế sau. Marena bắt đầu bấm điện thoại. Tôi cũng bấm điện thoại của tôi. Đài CNN đang đưa tin về một vài nhân viên kỹ thuật đến từ đâu đó, những người đã có mặt tại trường quay Universal và tình cờ mang theo các dụng cụ đo liều lượng hóa chất, họ đã báo cảnh sát về mức độ nhiễm xạ chết người từ chiều hôm qua, nhưng dường như không ai phản ứng gì trước thông tin đó. Tuy nhiên, là những người khác có thể cũng nhận thấy điều đó, tôi nghĩ. Chẳng lẽ người ở DHS không bao giờ kiểm tra các ống Geiger(Thiết bị dùng để phát hiện sự nhiễm xạ ion hóa) của họ? Hơn nữa, nếu bức xạ lên cao, nó sẽ ảnh hưởng đến các đồng hồ đo điện, kích thích các thiết bị báo cháy phản ứng khói, làm cháy toàn bộ phim chụp X-quang trong các phòng khám nha khoa và hàng trăm thứ khác nữa. Vậy mà không ai nhận thấy gì sao? Tuy nhiên, khi nghĩ đến đó, tôi nhớ ra hôm qua đã đọc được điều gì đó về thiết bị báo cháy cảm ứng khói. Phải không nhỉ? Mẹ kiếp, cuộc sống đến mười nghìn tỉ trang web trên mạng và chẳng trang nào… bỏ qua đi. Tôi lại vào kiểm tra Youtube. Đoạn băng được nhiều người xem nhất là cảnh quay trên đường cao tốc Interstate 75, đâu đó phía bắc thành phố Ocala. Những chiếc xe chạy về hướng bắc đang lấp đầy cả sáu làn đường, cả lề trái lẫn lề phải, đông đặc lại và cuối cùng xe nào tắc ở chỗ nấy, không nhúc nhích được, y như những mảng bám trong một cái động mạch sắp chết. Bốn dòng người đi bộ dài dằng dặc tưởng như không bao giờ kết thúc, chen vai nhích cánh, ì ạch len giữa những chiếc xe. Người ta gánh theo những chiếc túi dùng để đựng rác căng phồng và hàng ga lông nước đặt cân trên hai đầu quang gánh. Có hai cái xác, có thể chỉ là hai người quá mệt mỏi thôi, nằm gần dải phân cách giữa đường. Cảnh này tôi từng chứng kiến rất nhiều khi còn nhỏ, nhưng thời buổi bây giờ, cũng như mọi người khác, tôi chỉ được nhìn thấy trên TV gần đây sau những vụ thảm sát ở châu Phi và châu Á, và tôi thấy gần như quái lạ khi chính người Mỹ phải chứng kiến cảnh này ngay ở đây. Chỉ có điều, nó không hẳn giống những dòng người lánh nạn vì người ta đang di chuyển theo đường chuyển động Brown (chuyển động ngẫu nhiên không theo một hướng nhất định (của các phân tử trong chất lỏng hoặc khí)) hết sức kỳ dị. Mới đầu, tôi tưởng họ đang cố len qua những đoạn đường khó đi, nhưng rồi tôi đoán là họ không muốn chạm quá sát vào người bên cạnh. Nghĩa là mỗi phân tử đều nghĩ nó sẽ bị nhiễm xạ nếu chạm vào bất kỳ người hàng xóm nào, vì thế chúng cứ ngập ngừng, chạy lắt léo rồi lại sửa lại bước đi của mình, toàn bộ đám đông cứ thế chậm chạp tiến lên phía trước với kiểu vừa đi vừa né như những thằng hoang tưởng.
Các hạt polonium, - tôi nghĩ. Trời đất. Có lẽ chúng ta nên cởi bỏ quần áo ra thôi. Nếu dù chỉ vài hạt của cái thứ chết toi ấy bám trên người, chúng cũng có thể nổ tung, hoặc ta có thể hít phải, hoặc thế nào đấy… hừmm. Quỷ thật. Tôi không nghĩ đến nó từ trước, không khác gì một thằng đần độn. Và cũng như một thằng đần độn, tôi lập tức tưởng tượng ra cảnh Marena lột bỏ quần áo, để lộ ra khoảng hai yard vuông làn da căng mịn khiêu gợi. Có nên hỏi ý cô ta về việc này không nhỉ? Chúng ta có thể lấy được bất cứ thứ gì từ bất cứ ai xung quanh đây, trừ quần áo của họ. Dù sao chắc chắn đó cũng chỉ là quần áo rẻ tiền. Ờ, có thể cứ ở trần cũng được. Có điều ở ghế sau lại có trẻ con. Và còn điều nữa là có lẽ chưa ai trong chúng tôi từng đến đâu đó gần xứ nóng. Song nếu có cái thứ hạt ấy quỷ quái ở đây thật, trên người ai đó quanh chúng tôi chẳng hạn, thì nếu chúng tôi ở trần, các hạt đó càng dễ xâm nhập qua da. Phải vậy không? Cứ cho số lẻ là mười ngàn… ờ, không, cứ cho là… ôi thôi, quên đi. Phải là Enrico Fermi (Nhà vật lý học người Ý, nổi tiếng trong lĩnh vực hạt nhân) mới tính toán được thứ ấy. Tôi quyết định không đả động đến chuyện này.
Bên ngoài, trong thế giới thật đầy xui xẻo, chút màu xanh lơ cuối cùng đã biến mất khỏi da trời. Đèn không được bật lên. Song đêm nay còn sáng hơn cả ban ngày, với những bức tường khói phản chiếu lại ánh lửa màu da cam cháy.
- Ừ, dù sao đó cũng là một điều hay, - Marena nói, có lẽ là với chính mình.
Tôi nhìn cô ta.
- À, tôi vừa nhận được tin nhắn của ES, - cô ta giải thích.
- Xin lỗi, - tôi hỏi, - ES là gì cơ?
- Ồ, đó là Excutive Solutions, tên nhà thầu cung cấp giải pháp an ninh cho chúng tôi. Họ làm những việc kiểu như kiểm tra vị trí xe của chúng tôi, đàm phán với bọn bắt cóc và những việc tương tự.
- Tôi hiểu rồi. Này, cô có thể nhận được tin tức qua họ không, nếu…
- Không, nhưng họ biết chúng ta đang ở đâu, việc làm bồ câu đưa thư không phải… họ nói họ vừa xác định được vị trí của chúng ta qua vệ tinh, và thuyền đang trên đường đến rồi.
- Thế thì hay quá, - tôi nói, - ờ… cô có chắc là lực lượng bảo vệ bờ biển sẽ để họ vào gần tận đây không?
- Tôi đoán là họ sẽ cho thôi.
Chúng tôi ngồi yên thêm một lúc nữa. Từ chỗ tôi, có thể nhìn thấy những bông pháo hoa hình hoa cúc nổ lốp bốp khắp trong đất liền. Một người trên diễn đàn TomTomClub nói đó là cộng đồng Hồi giáo ở Homestead đang ăn mừng vụ nổ vừa rồi. Bên ngoài xe, một vài người đi bộ qua chỗ chúng tôi, len giữa các xe, hướng về phía nam. Trên đài CNN, người ta cho hay cảnh sát liên bang đã mất liên lạc với Phòng cảnh sát Miami và nhiều đơn vị khác. Dấu hiệu xấu đây. Bao giờ thì nạn cướp bóc sẽ lan tới đây? – tôi tự hỏi. Tôi nhòm qua cửa sổ nhìn xung quanh, nhưng mọi người dường như đều đang ngồi yên. Trên trang Drudge có tin gì đó về việc các bác sĩ quân y ước tính rằng ít nhất một phần năm dân số Orlando đã có dấu hiệu nhiễm, điều đó có nghĩa là trong vài tuần tới, số người bắt đầu có triệu chứng sẽ gấp nhiều lần con số đó. Còn một bài viết nữa cho biết ở Belle Clade, cứ mười người được khảo sát qua điện thoại thì sáu người nghĩ các nạn nhân nhiễm phóng xạ là những thây ma hoặc là nạn nhân của một trò yêu thuật nào đấy. Một người trong số họ nói rằng bên hàng xóm, những người láng giềng của anh ta có hẳn một đội quân để “coi sóc họ”, anh ta nói thế ý là giết chết và đốt xác họ. Trên StrategyNet, người ta đang bàn tán về việc vì sao chẳng hề có lấy một cơ quan chính phủ nào tính đến chuyện lường trước hướng đi của cơn bão hoảng loạn. “Đó là một ĐƯỜNG LAN TRUYỀN HẾT SỨC PHỨC TẠP”. Bourgeoiseophobus viết, “Và ngay lúc này đây, nó đang lan ra ngoài khu vực trung tâm Florida và mỗi lúc một lớn lên bởi nó ĐƯỢC NUÔI BẰNG CHÍNH NÓ. VÀ ANH CÀNG CẢNH BÁO NHIỀU NGƯỜI VỀ NÓ THÌ NÓ LẠI CÀNG PHÌNH TO RA”. Tôi thấy anh ta nói phải.
Mất mạng. Tôi khởi động lại và thử vào lần nữa. Lại được. Tôi tìm kiếm trong Youtube. Có nhiều đoạn băng quay cảnh các siêu thị bốc cháy, những thương tổn lan rộng trên da, những dòng người đi lánh nạn đứng chờ để được lên xe buýt đưa đón học sinh. Những bóng người nom gù gù, lùn tịt và to phềnh trong bộ quần áo phòng độc mạ crôm và đeo bình thở ô-xi đang xây dựng cả một khu căn cứ với những bóng đèn tròn và những căn lều bằng vải nhựa xanh bên ngoài những gì còn lại của sân bay Miami. Những con kền kền ăn đêm, mà chẳng mấy chốc nữa chính chúng cũng sẽ toi mạng, đang rỉa xác một phụ nữ nằm dưới một cây nấm to cạnh nhà Đu Quay Trong Tiệc Trà (Một nhà đu quay trong công viên Disney, mô phỏng theo bữa tiệc trà trong “Alice ở xứ sở diệu kỳ”.), nền phía sau lờ mờ hình cảnh con đường tan hoang của Fantasyland, một cặp voi bị kẹt ở cầu thang, tất cả nằm trong ánh sáng tương phản ghê rợn của một chiếc đèn báo động duy nhất, giống hệt một cảnh trong bộ phim Pinocchio, khi hòn đảo Hạnh phúc trở nên hoang vắng vì tất cả các chú bé con đều bị biến thành lừa. Một người đàn ông có tuổi, có lẽ là thứ duy nhất chuyển động trong vòng nhiều dặm quanh West Gore trong thành phố Orlando. Mấy bà già đang thu nhặt chất đốt trong một bãi trống nom như… hừ, tôi cũng không biết họ nom như cái gì nữa. Một đứa bé gái chừng mười tuổi lội qua vũng bùn lầy màu nâu đến chỗ ánh đèn da cam nhấp nháy.
- Jed?
- Ừ.
- Tôi có chuyện cần nói với Max.
- Được thôi, - tôi đáp. Tôi đoán ý cô ta muốn nói là chuyện riêng. – Cô có cái tai nghe nào thật lớn không? Hoặc tôi sẽ thò đầu ra ngoài cửa sổ để khỏi nghe thấy gì.
- Không, không sao, - cô ta đáp. – Tôi chỉ nói để anh biết thôi. – Có lẽ cô ta nghĩ rằng thằng bé sẽ tự trấn tĩnh hơn nếu nó muốn tỏ ra cam đảm trước mặt tôi. – Max? – Cô ta gọi thằng bé.
- Vâng, - nó đáp.
- Chúng ta trao đổi vài việc nhé.
Max đồng ý. Khỉ thật, tôi nghĩ. Tôi thực sự, thực sự không muốn nghe chuyện này. Max đang ở độ tuổi muốn làm người lớn, nhưng có khi trong ba lô vẫn còn con gấu nhồi bông. Và chẳng ai muốn làm những đứa trẻ như thế tự ái bằng cách nhìn thấy nó khóc cả. Tôi đeo tai nghe lên, bật chế độ xóa tiếng động bên ngoài tối đa và ngồi lún thật sâu xuống ghế, nhưng chẳng ăn thua gì. Tôi cố tập trung vào xem tin tức chỉ để cho thằng bé cảm thấy có chút riêng tư, không phải riêng tư thực sự mà là thứ riêng tư giả đò kiểu Nhật Bản, khi anh không chịu đựng nổi việc phải nghe điều gì đó, anh liền lảng đi và không để tai nghe. Nhưng tôi thì vẫn nghe được tất.
- Nghe này con yêu, - Marena nói rất khẽ, - con biết hôm nay mẹ đã có thể bị nguy hiểm, phải không?
Chắc thằng bé ầm ừ.
- Rồi. Bây giờ, nếu mẹ ngã xuống và ngủ thiếp đi, hoặc có thứ gì đó làm mẹ bất tỉnh hay gì đó.
- Chuyện đó sẽ xảy ra ạ?
- Không, đó chỉ là một khả năng nhỏ xíu thôi. Nhưng nếu chuyện đó xảy ra, con cần ngồi yên trong xe, khóa cửa lại, ngay cả khi nhìn mẹ không được khỏe, được chứ? Đừng chạy ra và đừng đi bất cứ đâu với người lạ. Chú Jed sẽ chăm sóc con và con phải làm theo lời chú ấy nhé. Nhưng nếu chú Jed cũng không khỏe, hoặc nếu chú ấy không ở đây, thì con cứ ngồi trong xe và đợi. Đừng làm bất kỳ điều gì mà bất kỳ ai bảo con trừ khi họ mặc sắc phục cảnh sát và phù hiệu trông thật. Nếu không, cứ ngồi trên xe khóa cửa lại, ngay cả khi có người lấy búa đập vào cửa sổ. Có gì thì kính cũng không vỡ đâu và cảnh sát sẽ đến, vì thế con đừng lo. Chỉ được ra ngoài nếu xảy ra cháy hay chuyện gì đó tương tự, hoặc xe bắt đầu bốc khói. Hoặc nếu có rất nhiều cảnh sát đeo phù hiệu thì con sẽ làm theo lời họ. Ngoài ra, con không được rời cái điện thoại cầm tay và phải thường xuyên để ý đến nó. Mẹ đã liên lạc được với ES, họ sẽ nhận được tín hiệu trên điện thoại của con để có thể tìm thấy con. Nhưng đừng rời điện thoại nhé, không phải lúc nào họ cũng thấy được con chip của con đâu. Được không?
- Được ạ.
- Tốt rồi. Con biết công ty của mẹ đang cử thuyền đến đón chúng ta chứ? Họ sẽ tự nhận mình là Executive Solutions và họ có giấy chứng minh. Con phải đòi xem cái đó. Nhưng đừng hỏi họ rằng tên họ có phải là thế này hay thế kia không nhé. Con phải để họ tự nói tên mình. Con hiểu không?
- Vâng.
- Đừng lên bất cứ chiếc thuyền nào mà con không biết chắc chắn. Con nhớ Ana Vergara chứ? Có thể cô ấy cũng ở trên thuyền hoặc sẽ nói với con qua điện thoại. Hãy yêu cầu được nói chuyện với cô ấy. Mẹ nói với còn chuyện này chỉ vì mẹ biết con đã đủ lớn và đủ thông minh để xử lý nó.
Im lặng. Hừm, chắc chắn cô ta sẽ không nói gì thêm nữa đâu, - tôi nghĩ. Thằng bé này chắc khó quản đây.
- Thế nào con?
- Vâng, nhưng khả năng ấy nhỏ xíu đến mức nào ạ?
- Gần như không thể, nhưng ngay bây giờ, chúng ta vẫn đang trong tình thế nguy hiểm nên mẹ phải nhắc con chuyện ấy.
- Nếu mẹ bắt đầu hấp hối thì chúng con sẽ đưa mẹ tới chỗ làm lạnh phải không?
- Ờ, nếu có xe cấp cứu đến đón mẹ thì người ta sẽ làm việc ấy, nhưng con không thể nghĩ đến chuyện đấy được. Có thể sẽ chẳng có thời gian cho việc đó đâu, thậm chí chẳng có để dành cho xe cấp cứu ấy chứ. Vì thế con không được bám lấy mẹ nếu mẹ bảo con đi, con sẽ phải đi với chú Jed hoặc bất kỳ ai mẹ bảo nhé.
Max dằn mình xuống ghế. Tôi nghĩ là nó có thút thít một tẹo. Mình không chịu được cái cảnh này, - tôi nghĩ bụng, đáy là một trong những lý do thuyết phục nhất để không có con ngay từ đầu. Thật thương tâm khi phải chứng kiến cảnh chúng vỡ lẽ ra thế nào là đời. Marena quay sang nói với tôi dăm câu và suy nghĩ của tôi về chuyện này cũng bớt u ám hơn.
Chúng tôi chờ đợi. Dòng người hướng về phía nam đi qua chỗ chúng tôi ngày một đông, họ len lách qua những chiếc xe đỗ san sát, một vài người chở theo trẻ con trên túi địu hoặc đẩy bằng xe cút kít, đa phần nom rất thô sơ. Tôi nghĩ tất cả họ đều đã bỏ xe của mình lại, và họ muốn đến Key West. Họ quá vội vã để có thể tiện tay cướp bóc. Tôi bắt đầu ngờ rằng Excutive Solutinos chỉ là một hy vọng ảo giác thôi. Ngày mai chắc sẽ là một ngày khá ảm đạm. Tôi đoán rằng bất cứ lúc nào chúng tôi cũng có thể phải quay về cảnh sống như thời kỳ đồ đá cũ, dùng thịt của nhau làm mồi mà câu cá mập.
- Jed? – Marena gọi.
- Ừ, - tôi đáp, giật mình quay ngoắt đầu về phía cô ta. Anh đây, bé yêu, anh sẵn sàng trả lời đây. Ê, mày làm gì thế? Mày có chắc thằng bé ngủ rồi không? Hừ, như là…
- ADW nghĩa là gì? – cô ta đang xem tin của C-SPAN.
- Ờ, nó có thể là chữ viết tắt của Vũ khí phòng thủ khu vực, - tôi đáp, - như bom phóng xạ chẳng hạn. Dùng để chặn không cho quân địch tiến vào một thành phố hay một khu vực nào đó trong một thời gian, cho đến khi phóng xạ… cô biết đấy, nếu một chu kỳ bán rã kéo dài chừng một tuần thì…
- Nhưng ai là người làm việc đó? ý tôi là quanh đây.
- Tôi không biết, - tôi đáp, - đó có thể là, tôi không biết nữa, là một thứ âm mưu ngấm ngầm lấy lý do để ngụy trang chống phá phe thân cộng sản của Dick Cheney, Carlisle, Halliburton. CIA, NSA, DIA, hay DHS gì đó. Chí ít thì tôi cũng thường quy cho họ.
- DIA là gì? Ý anh là sân bay à?
- Đó là lực lượng phòng…
- Anh nghe này, - cô ta cắt ngang, - nếu tôi gặp rắc rối hoặc gì đó… ờ… thì anh sẽ trông nom Max cẩn thận nhé, được không?
- Đương nhiên là tôi sẽ làm thế, - tôi đáp.
Trời ạ, cô nghĩ tôi là thứ gì chứ, động vật bậc thấp sao? Đừng trả lời câu ấy nhé.
- Và cầm lấy di động của tôi, như vậy ES sẽ đến đón anh khi có thể. Họ biết sẽ phải làm gì, gọi cho ai, vân vân.
- Được thôi. Thế có mật khẩu không?
- Sao cơ? Ồ, không, họ biết anh rồi, Cứ cho họ biết nhân dạng của anh là được.
- Được.
- Dù sao họ cũng sẽ tới đây bất cứ lúc nào. Trong tin nhắn cuối cùng tôi vừa nhận được, họ nói giờ cập bến ước tính khoảng chín giờ hai mươi phút tối.
- Bây giờ là mười một giờ rồi.
Tôi biết.
Tôi cố nặn óc ra để nghĩ ra câu gì đó thật thông minh, thật đàn ông và thật an ủi, nhưng tôi đoán tôi không sánh được với Bill Maher vì tôi chẳng nghĩ ra được câu gì sất. Marena tiếp tục xem TV. Tôi tìm kiếm thông tin về chất polonium trên trang web CHEMnetBASE. Thì ra chu kỳ bán rã của chất đồng vị 210 chỉ là 138,38 ngày, vì thế, nó có thể được sử dụng như một quả bọn nơ-tron để dẹp hết người ra khỏi một khu căn cứ hoặc một thành phố trước khi đưa quân đội vào chiếm đóng. Chất đồng vị 209 ít độc hại hơn nhưng chu kỳ bán rã của nó lên tới một trăm linh ba năm. Vì thế, nếu anh đổ thật nhiều chất ấy quanh một khu vực nào đó, sẽ chẳng còn ai muốn lai vãng đến đó trong một thời gian. Được rồi, đó là hai con số rồi. Tiếp theo còn gì nữa đây? 124.030 ư?
Đừng dù chỉ là nghĩ đến chuyện ấy.
Cono (Mẹ kiếp - tiếng Tây Ban Nha). Thật tởm lợm. Thật ghê sợ. Ghê sợ…
Mạng lại mất tín hiệu.
Chết tiệt. Tôi thử đi thử lại. Chẳng ích gì.
Vậy vấn đề ở đây là gì. Tất cả chúng ta đều có thể tiếp xúc với chất ấy ở một mức độ nào đó. Chỉ cần đợi thêm một lúc nữa thôi, một tí tẹo nữa thôi là có thể thấy chân nặng dần, tóc sẽ tuột hết ra khi chải…
Buồn nôn quá. Được rồi. Cứ ngồi yên nào.
Bộ não có các chất hóa giải sự sợ hãi, nếu kiên nhẫn ngồi chờ, và tôi nghĩ tôi sẽ bình tâm trở lại mà không cần đánh động đến đàn bà và trẻ con.
Đến nửa đêm, rõ ràng là Max không thể sống thiếu thức ăn thêm một chốc nào nữa. Chúng tôi bàn cãi nhau ít nhiều về chuyện liệu những thứ chúng tôi chạm đến có bị nhiễm xạ hay không, nhưng rốt cuộc tôi vẫn ra khỏi xe để sục xạo. Cách xe chúng tôi khoảng một phần tư dặm về phía sau, tôi tìm thấy một chiếc nhà xe di động hiệu Dodge vẫn còn người ở, tôi ra hiệu cho họ hạ tấm kính cửa sổ xuống. Anh chàng ngồi ghế lái lắc đầu. Nhưng bề ngoài anh ta có vẻ là người Mexico, với tôi đó là dấu hiệu tốt. Tôi bèn cho anh ta biết tôi cần gì bằng tiếng Tây Ban Nha của người bình dân, tay vẫy vẫy một xấp tiền dày. Cuối cùng họ biết chắc là tôi sẽ không bỏ đi. Tôi kiểm tra chắc chắn là họ đến từ Miami, rằng họ vừa rời khỏi Miami và rằng trên xe của họ không có thứ gì đến từ bắc Miami. Tôi mua của họ một túi bim bim Rancheritos, một túi kẹo Pulparindos và một ôm đầy đồ uống, tất cả hết tám trăm đô la.
Ừ, vậy là tốt rồi, - tôi nghĩ bụng trên đường quay về. Đêm ẩm ướt quá. Tôi có thể ngửi thấy mùi thực vật biển sắp thối rữa. Một điềm báo trước những điều kinh tởm sắp đến. Có tiếng pháo gầm gừ ở phía đất liền. Đâu đó, khá xa nhưng không đủ xa, tôi có thể nghe tiếng kính vỡ và tiếng la hét vọng lại. Khỉ thật. Đáng ra tôi nên hỏi những gã kia xem họ có khẩu súng cũ nào bán được cho tôi không. Có khi tôi nên quay lại, hoặc nhìn xem có chiếc xe thùng nào đề tấm biển phía sau xe rằng “nếu đọc được dòng chữ này thì anh đang ở trong tầm bắn”. Thế cũng chẳng sao.
Lúc về đến xe, tôi đã dựng xong cả một kịch bản. Rằng tôi sẽ tìm thấy một chiếc xe tải có chở theo đồ lau dọn, sẽ mua một ít băng dính vải, một cây lau cán nhà, một ống dài làm bằng giấy bìa và một chai nước tẩy rửa rồi dùng băng dính nối chúng lại với nhau, quét lên một lượt dầu nhờn lấy từ trục xe sao cho trong bóng tối nhìn như một khẩu mười hai ly. Sau đó, tôi sẽ ngồi trên nóc xe cả đêm, và nếu có kẻ nào đến gần xe quấy phá, tôi sẽ khiến chúng phải cúi mặt bỏ đi bằng cái nhìn lạnh như thép của mình. Và đến sáng ra, Marena khâm phục sự mạnh mẽ của tôi đến mức cô ta vuốt ve tôi ngay trước mặt Maxwell nhỏ bé, và ngay khi…
- Jed, vào xe đi, - Marena nói vọng ra từ tấm cửa kính mở hé đúng một inch. Cô ta đã chuyển xuống ngồi ghế sau và đang ôm lấy Max. Cô ta mở cửa bên: - Tôi nói nghiêm túc đấy.
Tôi chui vào. Tôi phân phát chỗ của cải mua được. Chúng tôi chờ đợi. Tôi để họ nài nỉ chán mới ăn một ít kẹo và uống ít Inca Kola. Không cần phải ních đầy bụng làm gì. Tiêu chảy sẽ thành rắc rối lớn trong hoàn cảnh như thế này, và không ai muốn phải dính dáng đến căn bệnh ấy nhiều hơn mức cần thiết, nhất là khi đang ở trên một chiếc cầu. Tôi nói Marena có thể ngả lưng một lúc vì tôi sẽ không ngủ quên, ngay cả vào những lúc bình thường, tôi cũng không ngủ vào giờ này và trong hoàn cảnh này. Cô ta đồng ý. Tôi quay lại xem TV trên màn hình điều khiển xe. Ít nhất chúng ta cũng có thể theo dõi mọi sự đang xảy ra. Thức ra thì dù là chuyện gì đang xảy ra, anh cũng chỉ có thể ngồi mà theo dõi thôi. Nhưng chí ít thì những ngày này, chúng ta cũng có thể theo dõi một cách ít vô bổ hơn. Bản tin CNN cho biết Nhà Trắng và Bộ Quốc Phòng hiện đang cân nhắc xếp vụ việc vào một vụ tấn công khủng bố, “mặc dù cho đến nay vẫn chưa có bất cứ tổ chức nào lên tiếng nhận trách nhiệm một cách đáng tin” và cũng “chưa rõ chất độc đã được giải trừ hay chưa”. Trên CNN, vẫn là cái bà giáo sư Quentin ấy đang trả lời các câu hỏi, bà ta nói các hạt này hạt nọ tìm thấy trong các mẫu lấy từ khu vực bị phong tỏa đích thị là các đồng vị của polonium, rất hiếm và thường là rất đắt, “đắt đến mức không thể mua đủ để reo rắc trên một diện tích lớn như vậy được”. Ai đó trong hội đồng hỏi những chất đó từ đâu mà ra, bà ta liền trả lời rằng họ chưa chắc chắn nhưng có thể các chất đồng vị đó được sản xuất ở Nga trước khi liên bang Xô- Viết sụp đổ.
Chúng tôi ngồi yên.
Một số người, trong đó có tôi, có những phản ứng não bộ hơi lệch lạc và một chiều, khiến sự sợ hãi, giận dữ hay cảm xúc mạnh khác đến và đi đột ngột hơn những người bình thường khác. Vì thế, cảm giác sợ hãi trong tôi cứ lên xuống phập phù mà chẳng có lý do gì, nó chỉ tạm ngừng khi bộ óc không xử lý đến vấn đề đó nữa và hướng sự chú ý của tôi sang việc khác. Tôi cứ bất thần phát hiện ra mình đang nghĩ về cuốn Thư tịch, hay về cờ Hiến tế, hay thậm chí là chỉ số ni-tơ-rát trong bể cá Baja ở nhà, và rồi lại nghĩ sao có thể thế được nhỉ, tôi có thể lo lắng hơn thế này được không, cho bản thân tôi và cho những người khác, rồi tôi lại quay ra tính toán xem lượng khí tự nhiên trong bình còn đủ lớn để máy lọc can-xi hoạt động trong bao lâu nữa. Đến đây, tôi nhận ra Marena đang hát cho Max nghe bằng tiếng Hàn Quốc.
Tôi lắng tai nghe. Bài hát cũng hay. Khỉ thật, - tôi nghĩ, - mình mới chỉ gặp người đàn bà này có một lần trước ngày hôm nay vậy mà đã cảm thấy như đã cùng nhau trải qua nhiều chuyện hơn tất cả những gì Lewis và Clark, Bonnie và Clyde, Kirk và Spock, Siegfried và Roy đã trải qua cộng lại.
Max yên lặng. Tôi lén liếc ra sau. Nó đang nằm cuộn tròn với chiếc mũ trên đầu và ngủ thiếp đi vì căng thẳng, như lũ trẻ con thường làm. Marena nhắm mắt. Tôi nhận ra cô ta cầm một bình xịt hơi cay bên tay trái, như thể sắp có việc phải dùng đến. Có lẽ tôi cũng nên chuyển ra ghế sau. Ôm vai cô ta một cái thật rắn rỏi. Không, như thế kỳ cục lắm.
Tôi lại thử vào mạng lần nữa. Không được. Tất cả những gì chúng tôi có thể là bắt sóng ra-đi-ô, chẳng khác gì năm 1950. Chúng tôi vừa bị đẩy lùi về thời của Milton Berle (khoảng từ năm 1948 đến 1955), Nhưng được cái tin tức ngày nay còn bao gồm những đoạn băng ghi hình, nhiều cứ nhan nhản, và người ta vẫn xoay sở để đem được chúng đến nhà đàu. Có những đoạn băng hình ảnh nhám và xanh lè vì quay ban đêm, ghi lại cảnh từng toán những thằng choai choai ngỗ ngược đang lảng vảng quanh quẩn, phá tan cửa kính các nhà hàng, đốt ô tô và nhiều trò kinh khủng khác. Ba đứa trẻ tự quay cảnh chúng nghẹt thở đang cố nói lời tạm biệt trong ngôi nhà đang bốc cháy. Một đoạn phim dài quay cảnh một đám thiếu niên người Mexico đang tiệc tùng trong quầy hàng Macy’s tại một siêu thị bỏ trống. Một đoạn băng được nhiều người xem khác - đến từ blog – quay cảnh một đứa bé gái hai tuổi đang cố nhét những viên sôcôla Milk Dud vào miệng người mẹ đã chết.
Đâu đó ngoài kia, cách đây khá xa, ai đó đang hét lên – âm thanh có thể vang xa hàng dặm trên mặt nước hoặc đường bằng phẳng - bằng một giọng cao chói vói khác thường, khiến người nghe cảm thấy máu như đông lại, nhưng may thay, phần lớn những người bình thường chẳng thể làm gì, kể cả nói, hay ngủ, hay chứng kiến cả gia đình hay bản thân họ chết dần trong đau đớn, mà không có bản nhạc ưa thích làm nền, vì vậy, tiếng hét đó gần như chìm nghỉm đi giữa âm thanh gần hơn của hai chiếc cát- xét, một đang chơi nhạc Hip hop và một đang nhại đi nhại lại bài hát ngu ngốc về một con khỉ của ban nhạc Pixies: Nếu đàn ông là năm, nếu đàn ông là năm, nếu đàn ông là năm, thì ác quỷ là sáu, thì ác quỷ là sáu, thì ác quỷ là sáu…
12
Bầu trời chuyển sang màu của màn hình TV khi bật kênh Playboy. Khuya rồi, tôi tự nhủ. Có tiếng nổ bùm bùm ở đâu đó. Chuyện gì thế nhỉ? Chắc tôi đã lơ đãng mất một lúc.
Hai chiếc ra-đi-ô vẫn tiếp tục kêu. Tiếng mòng biển quàng quạc đâu đó.
Được rồi. Tập trung vào. Tốt hơn hết là...Cộc cộc cộc.
Tôi nhảy dựng lên. Đầu tôi đập lún vào đệm nóc xe. Tôi quay ngoắt lại. Một cái bóng đen sì đang gõ lên cánh cửa sổ phía sau. Marena cũng đang quay lại, tay nắm chắc cái bình xịt hơi cay.
Ôi, giời đất ơi, - tôi kêu thầm. Bọn ăn cướp. Bọn hiếp dâm. Bọn du côn thô bỉ. Hay là cứu tinh?
- Ai thế? – Marena kêu lên.
- Mẹ? – Max gọi.
- Tôi là thiếu tá Ana Vergara đến từ ES.
Quả bong bóng trong bụng tôi từ từ xẹp xuống. May quá, tôi nghĩ, cuối cùng họ cũng đến. Mày cần có nhiều đức tin hơn, Jed ạ.
- Ta đi thôi, - Marena bảo Max – đến lúc kiếm cho con bữa sáng rồi.
Chúng tôi cùng nhau thu xếp. Chúng tôi bước ra ngoài. Không khí ngửi như có mùi khói cao su.
- Trên thuyền có bánh nướng không ạ? – Max hỏi.
Người phụ nữ kia không để ý đến lời thằng bé.
- Các vị có tất cả ba người phải không? – Cô ta hỏi. Cô ta đang đứng giữa chiếc xe và đường tàu hỏa, hai chân dạng ra theo kiểu lính tráng. Đó là một cô gái Trung Quốc kém hấp dẫn, vận đồ trang phục nom như của lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh với một đôi kính râm hiệu Wiley X, một đôi ủng cao cổ, một chiếc phù hiệu gì đó, một khẩu Glock gài trong bao và một micro to tướng. Cô ta chẳng hề mỉm cười.
- Phải, - Marena đáp.
Tôi nheo mắt nhìn xung quanh. Những con ó đang lượn trên cao chừng hai trăm feet, vẽ nên những đường xoắn ốc thật rộng.
Lũ động vật kinh tởm, – tôi nghĩ trong bụng. Xa hơn, vài chiếc máy bay vẫn ầm ĩ bay về hướng bắc. Quá ra phía ngoài những khoảng nước nông ở hướng đông nam, mặt biển đông đặc ca nô của đội bảo vệ bờ biển và phương tiện hải quân. Về phía đất liền, ở khoảng giữa chúng tôi và những cây cột trụ đen xì của bộ khung đường ray xe hỏa cũ, mặt nước phẳng lặng và bóng vết dầu loang ra từ những đường ống dẫn bị nứt. Hừ, cái thứ này sẽ bóp chết nốt những rặng san hô còn lại ở mé đằng này, tôi nghĩ. Mặc dầu vậy, cái vịnh vẫn đẹp hơn bất kỳ lúc nào tôi từng thấy, có khi lại đẹp nhất vào lúc hấp hối như thế này, nó cuộn lên những gợn sóng cong cong nối tiếp nhau đủ sắc cầu vồng. Nhưng dưới mặt nước trôi đủ thứ mà chẳng ai muốn nhìn gần hơn, nào là tảng san hô, mảnh ván thuyền, gỗ ván tường nhà, bánh xe, xác bồ nông chết, gỗ xẻ, nhựa lợp, dụng cụ cắt cỡ vừa, nhừng chùm rễ đước, những chùm quả của cây nho biển và bất chợt, tôi bị một cơn khiếp vía choáng váng khi thấy xác người chết trôi trên mặt nước, chiếc váy hoa mặc ban ngày của bà ta tốc lên để lộ lớp quần áo lót trắng hơn da đùi bà ta có một tẹo thôi. Chuyện gì đã xảy ra thế này, tôi tự nhủ. Chẳng lẽ người ta vứt xác họ xuống biển như thế này ư? Lạy quỷ Sa tăng. Tôi quay mặt lại phía biển. Có khá hơn một chút, vẫn bóng vết dầu nhưng không thấy xác chết nào.
- Có ai trong số các vị cần chăm sóc y tế khẩn cấp không? – Vegara hỏi.
Chúng tôi trả lời không. Tôi nhận ra có người đang quẩn phía sau cô ta. Nhưng họ lại tỏ ngạc nhiên. Nghĩa là cô ta đã không gây được sự chú ý của đám đông từ trước. Cô ta đến đây trên một chiếc xuồng máy, leo lên con đường mà không ai hay. Tôi quay đầu lại. Từ đầu đằng kia, người ta đang tiến về phía chúng tôi. Họ đi gần như chạy, không khác gì những xác ướp trong bộ phim Thần chết thức tỉnh, chỉ có điều đáng sợ hơn vì họ còn chưa chết. Hừ hay là đi cùng với họ, tôi nghĩ. Còn hơn là cứ quanh quẩn ở đây để rồi bị bọn da trắng bẩn thỉu đem nướng chín. Tôi kiểm tra lại đồ đạc. Ví, điện thoại, hộ chiếu. Ví đeo chân. Áo vét, Giày. Esta bien (Ổn rồi tiếng Tây Ban Nha)
Vergara dẫn chúng tôi tới chỗ lan can dường. Một thứ gì đó được buộc chặt vào nó bằng những cái móc nhôm, giống như những thanh ngang trên thang dây vậy. Cô ta nhìn đám đông đang xúm lại đông dần. Tình thế bắt đầu trở nên hơi căng thẳng. Người ta nhìn chòng chọc vào chúng tôi với những cặp mắt nheo lại. Một đoàn quân lẻ tẻ tiến theo hắn, nom họ như vừa mới chui ra từ tiểu thuyết của S.E. Hinton vậy.
- Ê, đồ sâu bọ, các người kiếm được cái xuồng vịt này ở đâu thế? – Hắn rít lên.
- Mời ông lùi lại, - Vergara đáp, - những người này bị bắt. Nếu ông muốn đi theo thì cũng được, nhưng chúng tôi cũng sẽ phải bắt giữ và còng tay ông lại. Ông hiểu rồi chứ?
Gã cao bồi có vẻ chột dạ. Hắn liếc nhanh khẩu súng của cô ta. Đến khi hắn đủ trấn tĩnh lại để nói đáp trả câu gì đó thì đã quá muốn. Té ra thứ nối với lan can đường chỉ là một bộ xích trượt có thể rút xếp lại như đường ống cho trẻ con chơi ở trường mẫu giáo, vì vậy chúng tôi cùng toàn bộ hành lý trượt thẳng xuống xuồng. Đó là một chiếc GatorHide cũ dài hai mươi feet. Chỉ có duy nhất một anh chàng ngồi ở bánh lái, điều khiển chiếc động cơ Yamaha rất êm nỗ máy chờ, trên cầu, Vergara đang tháo bộ xích rồi bám lấy trụ cầu leo xuống xuồng theo kiểu leo núi. Họ khoác áo phao cho chúng tôi. Chiếc xuồng tách bến.
Họ đưa chúng tôi chiếc tàu dài bốn mươi sáu feet. Đài chỉ huy được thế kế sao cho chúng nhìn từ xa, trông nó giống tàu tuần tra bờ biển. Vậy ra đây là cách người ta sơ tán 0.001% nhân viên cao cấp nhất của công tay đây, - tôi nghĩ. Nói thế nào nhỉ? Tôi thấy mình giống như Alphonse Rothschild (Nhân vật nổi tiếng giàu có trong ngành ngân hàng) đang chạy khỏi Vienna trên toa tầu dành riêng trước sự kiện Anschluss (Sau sự kiện 1938 khi nước áo bị sát nhập vào nước Đức phát xít để tạo thành lãnh thổ Anschluss). Hình như chiếc tàu có một loại đèn hiệu ra-đi-ô nào đó được đặt sẵn để cho phép nó đi qua mọi nơi, tương tự như thứ đèn tín hiệu người ta vẫn dành cho xe ngoại giao quanh khu vực Liên Hợp quốc, hoặc xe sơ tán các thượng nghị sĩ ra khỏi khu vực của sân bay có nguy cơ bị đánh bom. Nó đại để giống như một chiếc thẻ “cho tôi biến khỏi đây” loại rẻ tiền. Tôi gần như có cảm giác chuyện này có gì không ổn. Hẳn các bạn cũng biết rằng chính phủ Mỹ cũng chỉ là một loại mafia, rằng những người bạn ả-rập Xê-út chủ thiết của gia đình Bush đều đã lặn mất tăm sau sự kiện ngày 11 tháng 9, rằng sau khi Khalid (Một thành viên của tổ chức al-Qaeda) bị bắt tại Pakistan, hẳn đã biến khỏi tù và chuồn êm sang đảo Guam nhờ sự giúp sức của lũ du côn ở Blackwater, vân vân, thế nhưng, ngay cả khi chính anh nhận được sự ưu đãi ấy, ngay cả khi anh được hưởng lợi từ nó, như chúng tôi đang được hưởng đây, thì anh vẫn có cảm giác kỳ cục. Nhưng thôi, đừng nên ca cẩm. Chúng tôi khỏi hành tàu theo hướng tây-tây nam đếnAndros(Một hòn đảo thuộc quần đảo Bihamas).
Thủy thủ đoàn bắt tôi cởi bỏ hết quần áo và bỏ vào một túi poly-etylen mạ crôm để phân tích, khử độc, giặt, là rồi sẽ trả lại. Họ đưa tôi vào một ca-bin có buồng tắm riêng nhỏ xíu và kiểm tra chắc chắn rằng tôi có tắm. Tôi mặc vào một chiếc ào len quá khổ màu xanh nước biển pha trắng nhờ của Học viện Thủy quân Hoa Kỳ, ngả lưng xuống một cái giường hẹp và xem thử lại hệ thống báo động khẩn cấp trên một màn hình nhỏ treo cao trên tường. Có một tấm bản đồ với những chấm và vệt đáng dấu rải khắp khu vực đông nam và bao phủ gắn như toàn bộ bán đảo Florida. Tiếng thuyết minh vẫn chỉ bảo cho anh biết phải đi tìm đâu và làm gì mà chẳng nói tại sao. Tôi chuyển sang CNN.
“...những người phải đi sơ tán mà không có phương tiện đi lại đã được phép rời khỏi nơi trú ẩn và được phép tuần hành...”, tiếng thuyết minh nói. Dòng chạy chữ phía trên màn hình cho biết tổng thống đã phải viện đến Đạo luật chống Bạo loạn để trao cho quan chức quân đội và các quyền của cảnh sát giữ gìn an ninh trong nước, và rằng hơn năm trăm ngàn người đã bị di dời chỗ ở, và rằng họ ước tính tổng số người thiệt mạng do bạo loạn và cháy nổ - vụ nổ đường ống mà chúng tôi chứng kiến chỉ là một trong số đó – lên tới 18.000. Con số nghe có vẻ quá nhỏ, tôi nghĩ. Rồi họ lại thông báo tiếp tổng số giải thương vong do. Nỗi kinh hoàng ở Disney World ước tính lên tới 30.000.
Trời đất ạ, – tôi nghĩ. Vấn đề là mọi sự không may đều na ná như nhau, nhưng mỗi tai nạn khủng khiếp theo cách riêng của nó. Lần này không hề có sự đột ngột như vụ nổ ở Oaxaca hay cơn cuồng nộ ngấm ngầm của sóng ngầm hay động đất, cũng chẳng có màn pháo hoa nghệ thuật khiếm thiên hạ phải há hốc mồm như vụ 11 tháng 9. Chúng ta – tôi cố gắng để không phải dùng đại từ đó, nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể bào chữa cho trường hợp này – chúng ta đều ngỡ mình thấu hiểu sách khải huyền, nhưng mỗi khi một biến cố mới ập đến thì hình như tất cả chúng ta đều chưa sẵn sàng đón nhận số phận. Và giờ lại là phen bất ngờ nữa.
Chết tiệt, tôi nghĩ. Tôi chuyển sang kênh tin tức Bloomberg. Một đoạn băng chiếu cảnh sàn một nhà kho xếp hàng dãy xác chết nằm trong bao tải, bên trên phủ đá khô, vì vậy, khắp nơi phủ một màn khói là là sát mặt đất giống như trong phim Người sói. Tiếng thuyết minh cho biết nhân viên phòng cấp cứu từ chối chữa trị cho các nạn nhân khi chưa có trang phục bảo hộ. Cho đến lúc đó, một số bệnh viện vẫn mở cửa phòng dự trữ y cụ và dùng hệ thống điện thoại để hướng dẫn các bậc phụ huynh và gia đình nạn nhân cách tự chữa trị. Phía dưới màn hình – Bloomberg đáng yêu ở điểm này – dòng chữ chạy vẫn hiển thị các tin tức tài chính. Giao dịch trên khắp nước Mỹ vẫn tạm ngừng, nhưng trên thị trường nước ngoài, giá các loại hàng hóa thu hái theo chu kỳ tăng vòn vọt. Tôi chờ đến khi giá ngô hiện lên. A ha. Tăng thêm những nửa đô la riêng trong ngày hôm nay. Ấy đừng có cười tự mãn một cách ngu xuẩn như thế - tôi nghĩ. Mày là thằng trục lợi Jed. Một thằng trụ lợi ghê gớm. Mày phải thấy xấu hổ mới phải...
Tôi chìm vào giấc ngủ mê mệt. Họ đánh thức tôi dậy ở cảng thành phố Nichols. Bây giờ đã là chiều tối. Một chiếc trực thăng có phao Kiowa xuất hiện và đưa chúng tôi đến một đường băng tư nhân tại Fresh Creek, gần khu bảo tồn For Far.
- Anh ổn không? – Marena hỏi qua micrô.
- Tôi khỏe – tôi đáp, - còn cô sẽ đi tiếp đến đâu sau đây?
- Đến công ty...bây giờ họ muốn đưa chúng ta đi Stake ởBelize(một quốc gia vùng Trung Mỹ, Giáp Goatermala)
- Thịt thăn nào cơ? – tôi hỏi lại.
- Đó là một từ của người Mormon.
- À, phải, ra là Stake.
Từ đó có nghĩa là một đồng truyền giáo nhỏ sau khi phụng sự đủ thời gian có thể trở thành một giáo đường.
- Nó thực ra là một khu nghỉ đường thể thao lớn mà Lindsay đang xây dựng, - Marena giải thích. – Tôi cho yếu tố nào ở đây cốt là để đối phó với nghĩa vụ thuế chẳng hạn.
- Đúng đấy.
- Dù sao chăng nữa, mình bị bắt cóc rồi. Không. Thế thì thật ngớ ngẩn. Đừng có hoang tưởng.
- Sẽ là một ý tưởng hay nếu được liên tục cập nhập những gì anh đang thực hiện cùng Taro, - Merena nói – anh có nghĩ thế không? Tôi sẽ bật đèn xanh cho việc này.
- Việc gì cơ? - Tôi hỏi - Cô đang làm gì một phim nữa về người Maya à?
- Không, phim nào ở đây. Tôi sẽ khiến Lindsay bỏ thêm tiền ra cho chúng ta nghiên cứu cuốn Thư tịch và làm tất cả những gì khác cần thiết.
- Ý cô là cần thiết để cứu loài người và mọi thứ khác?
- Ờ...
- Sao Lindsay Warren lại muốn làm vậy? Ý tôi là... thế này nhé, không phải tôi muốn làm khó dễ, tôi cũng không muốn làm các vị thất vọng, nhưng...ý tôi là chẳng phải các công ty lớn từ trước tới giờ vẫn luôn tàn phá hành tinh này sao? Hay ít nhất thì cũng không bảo vệ nó?
- Ừm, nếu ông ta thấy một vụ làm ăn nào đó không đem lại lợi nhuận thì ông ta sẽ chuyển số tiền ấy sang cho quỹ tài trợ.
- Cũng hợp lý.
- Nhưng tôi thiết nghĩ ông ta sẽ thấy việc cứu thế giới là vụ làm ăn đem lại lợi nhuận khổng lồ.
- À há.
- Dù sao, nếu anh không thích đến Belize, chúng tôi sẽ đưa anh quay về. Đằng nào mọi người cũng sẽ quay trở về.
Hừm. Thời điểm phải quyết định nhanh đây, tôi nghĩ.
- Nó ở...ở...ở trên một dãy đồi, ở phía tây nam của ...ờ...Belmopan!
- Cô biết đấy, tôi không thể vào lãnh thổ Guatemala được, - tôi nói, - tôi có vấn đề liên quan đến luật pháp ở đó.
- Có ai nói gì về Guatemala đâu?
- Ừ...
- Dù sao thì biên giới cũng đang đóng cửa, thực tế đang có chiến tranh giữa họ và Belize.
- Tôi biết, nhưng...cô nghe này, có vẻ như chỗ đó rất gần biên giới và, ý tôi là tôi không muốn là kẻ vô ơn và sẽ thật tốt nếu cô tin tôi và tất cả...
- Đừng thuyết phục tôi, - cô đáp- anh cứ gọi điện cho luật sư và bảo ông ta hay bà ta chuẩn bị sẵn sàng để xem hợp đồng. Được chứ?
- Được thưa sếp.
Hợp đồng à?
- Anh thấy đấy, đó chúng là thái độ chúng tôi mong muốn ở anh.
- Vâng thưa bà.
- Rất tốt.
Hai chiếc máy bay đang đậu ở trên bãi cỏ. Một là chiếc Cessna được thuê dành cho Max. Một người được gọi là Ashlay(thủ đô Belize) - người giúp việc, hay giám đốc phụ trách cư trú, của Marena – và một anh chàng phụ tá cho cô ta tên là José đã ngồi sẵn trên đó để đón thằng bé. Đối với tôi, sự thể này có phần xa xỉ. Sao lại phải để nó đi một mình chứ? Họ sẽ bay tớiKingston, và khi chắc chắn tình hình đã yên ổn, họ sẽ quay về Mỹ. Max bắt đầu leo lên cầu thang, nó dừng bước, quay lại và đưa cho tôi một thứ.
- Đây, chú có thể cần nó đấy, - thằng bé nói. Đó là hình một con rô bốt nhỏ màu xanh béo quay. Nó hơi dính dáp trong tay thằng bé.
- Ô tuyệt quá, - tôi đáp, - Gigantor à. Cảm ơn cháu.
- Không, nó chỉ là Tetsujin 28 thôi.
- À phải rồi. Cám ơn cháu.
- Nó bắn tia laser xanh tím đấy.
- Oa hay quá. Chú chưa từng có con nào như thế.
Chiếc máy bay chạy trượt trên đường băng rồi cất cánh. Chiếc thứ hai chạy tới. Đó là một chiếc Piaggio Avanti hai cánh quạt, mười hai chỗ ngồi với biểu tượng cánh tay phụ máy bay trên mũi, hiển thị rằng uay của nó là một con cá mập búa. Nó có gắn lô-gô của hãng Warren nhấp nháy trên cánh và mấy chứ WAS, viết tắt của Warren AeroSpace (Hàng không Warren), màu xanh huỳnh quang, màu đặc trưng riêng của họ với tên gọi màu lục bảoWarren. Một gã to lớn với mớ tóc xám lởm chởm, mặc chiếc sơ mi Don Ho bước xuống trước tiên và bắt tay tôi. Hắn không xiết mạnh nhưng bàn tay cho anh cái cảm giác nó biết cách bẻ quật tay anh lên, cho anh một nhát chặt bằng mé bàn tay nhẹ nhàng đủ để đau đến tận lá lách, vận xương cánh tay rời khỏi khớp và nó thích làm vậy hơn.
- Jed, đây là Grgur, - Marena nói.
- Rất vui được gặp anh, – hắn chào một câu giả rối với âm sắc không chút tươi tỉnh của dân Séc-bi.
Tôi cũng đáp một câu giả dối rằng rất vui mừng được gặp hắn. Gờ-rừ à, tôi nghĩ, cái thứ tên lóng thô thiển vậy? Tên thật của hắn có khi là Evander cũng nên.
Chúng tôi lên máy bay. Tôi đã hình dung ca-bin hành tráng tựa như chuyến lưu diễn Orgytrailer của ban nhạc Led Zeppelin. Năm 1974, nhưng té ra nó cũng chỉ là một gian phòng lát mẫy gỗ du và da bò thuộc như trên bất kỳ cái máy bay khác, duy có điều rộng rãi hơi. Trên máy bay còn hai hành khách nữa, một người đàn ông có vẻ như giáo sĩ truyền giáo, mặt đầy trứng cá, và một người phụ nữ đến từ phòng thí nghiệm Lotos – mà tôi đoán cũng thuộc sở hữu của tập đoàn Warren – gọi là bác sĩ Lisuarte. Đó là một người phụ nữ da đen, thấp bé trong chiếc áo gi-lê đi câu và bộ tóc nom như thể đã được vấn lên theo cùng một kiểu trịnh trọng như thể suốt từ thế kỷ hai mươi đến giờ.
- Tôi được giao nhiệm vụ kiểm tra sức khỏe cho cả hai vị, - bà ta nói.
Tôi lăm le phản đối nhưng lại quyết định không nên làm một con lừa cứng đầu. Mẹ kiếp. Họ thắt đai an toàn cho chúng tôi, đem thức ăn đến. Chúng tôi không nói năng gì. Chiếc máy bay cất cánh. Ở độ cao ba ngàn feet, ánh nắng lóe lên qua ô cửa sổ mạn, nhưng chỉ được một phút rồi lại tắt ngấm. Ở độ cao tám ngàn feet, Lisuarte vỗ vai và dẫn tôi đến một chỗ mà theo tôi đoán đáng ra như trên những chiếc máy bay khác phải là khu bếp. Chiếc máy bay này được thiết kế để chuyên chở các sếp trong công ty và không phải dùng để dùng trong công trường hợp khẩn cấp, nhưng họ đã sắp đặt cả một phòng thiết bị cấp cứu ý tế nho nhỏ ở đây, có đầy đủ mọi thứ như trên một chiếc xe cấp cứu lớn. Và hóa ra, họ đã chất thêm vài thiết bị đặc biệt chỉ để dành cho tôi.
Tôi ngồi xuống một chiếc ghế y tế. Lisuarte làm một cuộc tổng kiểm tra thân thể làm tôi phát ngượng, lại còn kiểm tra tuyến giáp của tôi tới ba lần. Chiếc ống G-M (Thiết bị cảm ứng dùng để phát hiện phóng xạ) của bà ta nhạy cảm đến mức khi bà ta xoay nó thẳng đứng lên, nó kích hoạt hệ thống báo cháy trên trần nhà làm bà ta phải đặt chế độ. Người tôi xem ra sạch phóng xạ. Thôi thì cũng là một điều an ủi – tôi tự nhủ. Chỉ cần một trăm mẩu tin vui như thế nhữa thôi là chúng ta sẽ trở lại như bình thường. Nhưng bà ta vẫn bắt tôi uống vài viên kali iôdin, chỉ để đề phòng thôi. Ngoài ra còn một màn hình theo dõi cân bằng chất lỏng để pháy hiện ra phù nề và một lô xích xông các xét nghiệm đặc biệt mới làm được. Tôi đoán họ đã chất cả một cái quang phổ kế lên chiếc máy bay này. Và dĩ nhiên, bà bác sĩ cũng nhất quyết đòi làm công thức máu (Loại xét nghiệm đếm các thành phần trong máu như bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu...) cho tôi, có lẽ chỉ là để khỏe chiếc kim tự điền kiền mới. Khi bà ta đưa kết quả phân tích lên màn hình, tôi cảm thấy có vẻ ổn nhưng dĩ nhiên bà ta vẫn muốn bày thêm trò với nó.
- Chúng tôi có thể nâng cấp yếu tố đông máu của anh lên gấp hai lần bình thường, - bà nói.
- Vâng...ờ...cám ơn, - tôi đáp.
- Tôi cũng mang theo cả máy dự trữ nhóm O RH, chỉ để đề phòng thôi. Chúng tôi sẽ cho bảo quản ở Stake.
- Tốt quá, - tôi đáp – hoặc tôi có thể đem uống luôn ở đây cũng được.
- Tiện nói về việc này, anh có từng nghe nói về công thức máu Lacandon không?
Tôi lắc đầu.
- Chúng tôi có một cặp vợ chồng người Lacandon làm việc ở đội di dời động vật...anh có biết chứ? Đó là yếu tố đông máu bổ sung mà không ai có. Có lẽ họ đặc trưng một phần bởi khả năng tự liền vết thương.
- Vậy sao?
- Phải.
- Tôi phải thử xoáy vài bình thứ ấy mới được.
- Làm vậy không ăn thua đâu.
- Hừmm.
- Tôi sẽ chuẩn bị một hộp thuốc chống rắn cắn đặc biệt, và tôi muốn anh luôn mang theo bên mình. Và rồi bà ta bắt đầu giải thích cho tôi về việc rắn chuông, quái vật Gila (Một loài thằn lằn có độc có nguồn gốc từ vùng tây nam nước Mỹ và bắc Mexico) và một số loài vật khác có một chất khiến cơ thể người sản sinh thêm yếu tố đông máu hoạt hóa II, có tác dụng như keo bạch cầu, rằng nó có thể chạy lên não giúp đông máu nếu anh đã đưa thêm vào cơ thể các yếu tố giúp đông máu, nhưng nếu máu anh không được mà anh lại dùng quá nhiều thuốc chống nọc rắn thì người anh sẽ thành miếng bọt biển sống rồi toi, và rằng đó là một sự cân bằng tinh tế. Tôi cứ gật gù liên tục, cố kìm không nói ra rằng tôi biết hết những chuyện ấy rồi.
- Nhưng mà, sao tôi lại có thể bị cái gì đó cắn? – tôi thắc mắc.
- Khu vực này vẫn đang trong quá trình xây dựng, - bà ta đáp – vẫn còn rừng già xung quanh. Tuần trước một lũ khỉ dài đuôi đã vào ăn cắp hết bơ lạc của quán tự phục vụ. Và tháng trước, một công nhân bị rắn cắn khá nặng.
- Barba amarilla à?
- Xin lỗi?
- Rắn “ râu vàng”. Tiếng Pháp là fer-de-lance ấy mà. Ta vẫn gọi là Bothrops asperger...à, asper ấy.
- Ồ, đúng, đúng rồi. Độc tố hemorrhagic.
- Phải.
- Tuy thế, - bà ta nói, - nếu anh bị rết hay con gì đó lạ cắn, tôi muốn anh nhận dạng và đọc lại thông tin về nó, rồi dùng các chất kháng độc trong hộp thuốc, theo đúng thứ tự, thậm chí trước khi nghĩ tới việc thắt chặt phía trên vết cắn. Nếu thực sự phải làm thế, tôi muốn anh chờ một tiếng đồng hồ, sau đó uống thêm gấp bốn lần liều lượng desmopressin. Dĩ nhiên, quan trọng nhất là anh phải gọi cho tôi nếu có thể.
- Cám ơn, - tôi lẩm bẩm, cố sao cho không tỏ ra là kẻ vô ơn.
- Anh biết là không được uống aspirin chứ?
- Tôi còn không biết vị của aspirin như thế nào nữa kia.
Tôi định đi nhưng bà ta bắt tôi ngồi lại. Để kết thúc, bà ta tiêm cho tôi thuốc chống sốt rét, vắc-xin chống thương hàn, vắc-xin chống viên gan và cả chục loại thuốc vớ vẩn khác nữa, cứ như tôi sắp sửa cùng Baron von Humboldt (Nhà thám hiểm. Nhà tự nhiên học người Đức) đi tìm đầu nguồn sông Amazon không bằng. Khi về được đến chỗ ngồi, hai đùi tôi nhức như... tôi cũng chẳng biết là như cái gì nữa. Cái gì đó có cặp đùi cực kỳ đau nhức. Như một con tàu cũ ở Las Vegas sau hội nghị của phòng trào ủng hộ người béo chăng? Hử có lẽ đúng đấy Jed.
Thật là thô bạo, - tôi nghĩ, Jed mày đúng là một thằng đần. Sao mày không từ chối chẳng lẽ không nên và không thể làm thế? Tiên sư cái lũ công ty bảo hiểm. Lũ hoang tưởng. Sao chúng nó không nhốt mình vào một cái lồng nhựa đi, thế là xong.
Tôi nhìn ra ngoài cửa mạn. Nước. Tôi nhìn sang Marena. Cô ta đang ngồi “cạnh” tôi, nhưng những cái ghế hạng giám đốc khỉ gió này rộng rãi, xa hoa và cách nhau xa quá thể, đến mức cô ta cứ như đang ngồi ở một múi giờ khác vậy. Cũng như tôi, cô ta đã thôi không xem đi xem lại những tin tức ghê rợn nữa và lại đang nghệch ngoạc gì đó trên màn hình điện thoại. Cô ta quay lại hỏi xem tôi có ổn không. Tôi trả lời ổn.
- Tôi đoán các vị đã xem trước y bạ của tôi - tôi nói.
- Ô, phải – cô ta đáp- phải, Lance đã làm việc đó. Xin lỗi, tôi cũng đoán việc ấy là bất hợp pháp.
- Không sao, cũng được thôi, tôi chỉ... cô biết đấy...làm việc ấy cũng không phải dễ. Phải vậy không?
- Đối với họ thì việc ấy chả có gì khó, - cô ta đáp - Anh có yêu cầu họ kiểm tra kích thước vòng tránh thai của nữ hoàngElizabeth đi nữa thì cũng chỉ mười phút sau họ sẽ cho anh biết kết quả.
Cô ta quay lại với cái điện thoại. Tôi tìm thấy một đầu nối mạng tên tay ghế, bèn cắm nó vào điện thoại. Internet được kết nối nhưng hầu hết các trang của bạn bè tôi đầu không vào được hoặc không được cập nhật. Lại dấu hiệu xấu rồi. Tôi đeo tai nghe vào và mở CNN.
“...cám ơn chị, Alice. Tôi là Alexander Marning tại trung tâm Tin tức đa phương tiện của CNN tại Atlanta, cám ơn quý vị theo dõi chương trình”, anh chàng nào đó tên Alexander Marning nói. Anh ta ngừng lại một lát. “Nỗi kinh hoàng ở Disney World rõ ràng là giai đoạn khó khăn nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây ở vùng đông nam và gây xôn xao trên khăp thế giới. Nhưng thảm họa đó không chỉ gây lo sợ cho người dân Florida mà còn cho các phóng viên đang theo dõi sự kiện này. Brent Warshousky sẽ cho chúng ta biết thêm chi tiết. Brent?
Thay vì gặp Brent, tôi chuyển sang C-SPAN. Một đoạn tin giật dòng tít CHUYÊN GIA NGHIÊN CỨU CỦA CỤC QUẢN LÝ TÌNH HUỐNG KHẨN CẤP LIÊN BANG TUYÊN BỐ SỰ VIỆC Ở DISNEY WORLD KHÔNG CHẮC À BOM HẠT NHÂN. Lại cái bà Ovtavia Quentin ấy phát biểu, lần này là chứng nhận trước một ủy ban của thượng viện. Bà ta đang nỗi đình nổi đám rồi đây.
“...Các biện pháp điều tra cho thấy thời gian vào khoảng giữa trưa ngày 28,- bà ta nói. - Và đúng là các hạt có ở trong không khí trong một khoảng thời gian, nhưng chúng rất nặng và khá dính do lớp bọc đặc biệt. Vì thế, mặc dù trong khu vực bị phong tỏa, mức độ phóng xạ cao nhưng theo tính toán của chúng tôi, rất ít hạt bị gió phát tán đi...rất ít hạt bị phát tán đi trong những tháng tới.
- Nhưng còn có những hạt trôi nổi trong nước nữa, phải vậy không? – Một giọng nghe như của Dianne Feinstein hỏi.
- Vâng đúng vậy, - Quentin đáp, - nhưng chỉ khi nước trong các hồ chảy, nó mới lan rộng....
Phát chán lên được cái câu ấy, - tôi nghĩ trong bụng. Tôi tắt phụt đi và đánh bạo liếc sang Marena lần nữa.Cô ta vẫn đang viết vội vàng thứ gì đó lên màn hình điện thoại. Tôi ngả người sang và lén nhòm vào màn hình. Cô ta đang vẽ một phác một quần thể kiến trúc tưởng tượng tinh vi nào đó, với những mặt hồ phản chiếu và một kim tự tháp tròn rất hoa mỹ làm cảnh nền phía sau. Sau khi phác thảo hình dáng kim tự tháp với những đoàn người hành hương trần trụi, cưỡi những con chim không biết bay khổng lồ nom như loài chim ăn thịt cổ đại, đi ngang qua cảnh trước. Cô ta nhìn sang tôi.
- Xin lỗi, - tôi nói- có lẽ tôi không nên xem lén, tôi...
- Không sao đâu, - cô ta nói hơi quá lớn tiếng. Cô ta bỏ tai nghe ra.
- Cô vẽ giỏi thật. Như vậy có quá lố không, trong tình thế như thế này? Sau một bi kịch lớn, người ta phải mất bao lâu mới lấy lại được nụ cười? Người khác thường có sự nhạy cảm về những tình hướng như thề này còn tôi thì không. Kiểu như tôi luôn cười ở đám ma và chán rũ bỏ ra ở các bữa tiệc.
- Ồ, cảm ơn anh- Marena đáp với giọng thờ ơ.
- Không, tôi nói thật đấy. Đây là bối cảnh cho phiên tòa Neo-Teo II à?
- Phải.
- Thật lạ khi cô lại là một họa sĩ thực thụ.
- Sao lại lạ?
- Ờ, không, không lạ, chỉ là, cô biết đấy...
- Sao cơ?
- Chỉ là sao cô lại quan tâm đến thứ này?
- Thứ gì cơ? Cờ Hiến tế á?
- Phải.
- Tôi luôn quan tâm đến các trò chơi.
- Hừmm.
- Vả lại, anh biết đấy, từ trước đến giờ Lindsay vẫn tài trợ cho Taro. Và đến khi trò Neo-Teo được ưa thích, ông ta nghĩ tôi nên tìm hiểu một số trò chơi khác mà họ đang nghiêm cứu.
- Được thôi, nhưng phải cờ Hiến tế không phải một trò giải trí.
- Ừ , không phải, nhưng nó có thể trờ thành một phần của thứ gì đó giống như giải trí. Hoặc anh có thể nói rằng, một cách tha thứ gì đó giống như giải trí có thể...nó có thể trở thành một cách để thực hiện...hoặc để công nhận thứ gì đó giống như cờ Hiến tế.
- Cô làm tôi hơi khó hiểu rồi.
- Hừm, thế này nhé, - cô ta nói tiếp, - cảm giác của tôi về việc này là ... lịch sử trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Phải vậy không? Từ thế kỷ mười tám, xu thế chủ đạo của thế giới đã chuyển từ tôn giáo sang khoa học. Phải không? Và bây giờ, ở thế kỷ 21, tôi nghĩ nó đang chuyển sang trò chơi.
- Được rồi.
- Trò chơi là một loại hình thứ ba. Chúng năm giữa nghệ thuật và khoa học. Nhưng chúng không chỉ là sự kết hợp của hai lĩnh vực trên.
- Dĩ nhiên. Nhưng điều tôi muốn nói là tất cả những con người kia, họ đang tồn tại và đang hằng ngày hàng giờ chơi trò chơi, trừ khi làm những công việc khác.
- Phải, đó là sự thực. Nhưng điều đó có lợi cho các vị, phải không?
- Ồ, dĩ nhiên. Nhưng vấn đề ở chỗi tôi cho rằng chuyện này phải có lý do nào đó.
- Ví dụ?
- Ví dụ như...ờ, điều này nghe ra có vẻ hơi đàn bà và hơi tâm linh...
- Không, không đâu...
- Chỉ là ... anh không thấy rằng rất nhiều người đang chơi những trò chơi ấy một cách... tôi cũng không biết nữa...dữ dội ư?
- Như thế nào cơ?
- Là...họ thực sự rất quyết liệt, với cảm giác cực kỳ gấp rút.
- Tôi cũng không rõ lắm. Nhưng tôi lúc nào cũng chơi rất nhiều trò chơi, vì thế có lẽ tôi không phải người thích hợp để hỏi chuyện này...
- Cứ như họ đang tìm kiếm một thứ gì đó - cô ta nói, - hay diễn đạt theo một cách khác là ở đời còn rất nhiều thứ khác, những phương tiện truyền thông khác, những hoạt động khác, vân vân nhưng dường như chúng đang bắt đầu lỗi thời. Bằng trực giác, người ta biết rằng trò chơi chính là tương lai. Thực ra, chúng có thể sẽ là toàn bộ tương lai. Toàn bộ tương lai của một xã hội, toàn bộ tương lai của loài người.
- Ừm... cái đó thì tôi không chắc.
- Phải, có thể là không, nhưng tôi vẫn yêu thích... vẫn yêu thích tất cả những gì tôi thiết kế ra, cho dù có hơi nghèo nàn và bạo lực như Neo-Teo, tôi vẫn nghĩ ít ra mình đang đi đúng hướng, tôi vẫn đang theo đuổi một công việc tốt nhất. Hay trực giác ra nó chẳng có ý nghĩ gì hết? Xin lỗi tôi lại nói linh tinh rồi...
- Không, không,...- tôi đáp, - không có gì linh tinh cả, tôi thấy rất được...
- Đó là lý do vì sao nghiên cứu của Taro lại hấp dẫn tôi, nó...nói thế nào nhỉ...nó đang cố tìm hiểu xem..chỉ là...tìm hiểu xem những trò chơi ấy rốt cuộc là gì.
- Ừm, tôi cũng nghĩ vậy, - tôi đáp. – Điều đó rất tuyệt. Có lẽ cô nên học chơi cờ Hiến tế.
- Tôi rất thích. Nhất là khi tôi đang rảnh rỗi thế này?
- Sao? Cô đang rảnh rỗi à?
- Tôi đùa đấy.
- Ừ, dù sao tôi cũng sẽ dạy cô.
- Hay đấy, hẹn thế nhé. –Cô ta gấp điện thoại, nhắm mắt lại và ngả người vào lưng ghế.
Tiến thêm một bước nữa đi, – gã Cary Grant (ý nói người đàn ông đa tình trong tôi) trong tôi lên tiếng – hôn cô ấy đi.
Tôi không thể - tôi trả lời hắn - tình hình này không thích hợp. Bao nhiêu người vừa mới chết.
Cứ làm đi, - hắn nói, - cô ta muốn thế đấy.
Xin lỗi, - tôi nghĩ - tôi không làm được.
Mày đúng là đồ ẻo lả, - Cary nói. Gã tan biến đi cùng một làn hơi thuốc.
Quái quỷ thật.
Tôi vào kiểm tra hệ thống camera ở nhà đến lần thứ 192 chủ để có việc mà làm. Tôi hơi bất ngờ khi thấy hình ảnh hiện lên.
Các thiết bị phản ứng, máy lọc và máy hớt váng protein đã ngừng hoạt động, từng chiếc một, bắt đầu từ hôm thứ tư đến hôm thứ năm, nhưng chiếc camera vẫn tiếp tục chạy nhờ bộ lưu trữ điện dự phòng. Tôi phải chứng kiến tất cả chúng ngạt thở và chết dần: bầy sên biển Nembrotha tôi sưu tầm được ở Luzon (Một hòn đảo tại Philippines) và đang có ý định đặt tên nếu chứng minh được chúng không phải giống chamberlaini thường thấy; sên biển chromodria với những sọc dài màu lục bảo hình dáng như đầu thỏ; sên biển “khăn choàng Tây Ba Nha” với những dải màu vàng và cực tím, khi di chuyển nom như những chiếc đàn công-xéc-ti-na nhỏ xíu bò trên đám san hô yếm cua; tất cả đều đang di chuyển thành sên biển màu vàng chả. Todo por mi culpa (Tất cả là lỗi của tôi). Tôi sẽ thú nhận điều này; tôi đã khóc nhưng không đến nỗi để ai nghe hoặc nhìn thấy Khóc lóc là trò rẻ tiền. Khóc lóc là trò của bọn ca sĩ nhạc pop mới nứt mắt trên chýõng trình TV buổi ngày. Qua ô cửa mạn phía sau tai Marena, tôi nhìn thấy đường bờ biển Belize, màu đen trên nền trời xanh nước biển, với những chấm đen pha xếp thành từng đôi một đang chạy dọc đường cao tốc Southern nom như những bọt bong bóng sủi lên từ ống truyền tĩnh mạch.
13
Chúng tôi bay về phía tây, ngang qua Thêm Một Ngày Mai và Thung Lũng Hòa Bình – cả hai đều là khu tái định cư của những người dân tị nạn với cái tên đầy hi vọng – rồi rẽ sang phía ban, hướng về dãy núi Maya. Marena đang nói chuyện qua micro và tai nghe. Còn tôi thì đang sưng sỉa.
- Này, có tin tốt này, - cuối cùng cô ta cũng quay sang nói với tôi.
- Vậy sao?
- Taro, Tony và Larry Boyle… à, anh chưa biết Larry… nhưng nói chung họ đã đưa Taro đến bằng máy bay sáng nay và ông ấy vẫn khỏe.
- Tốt quá, - tôi đáp.
Cơ trưởng thông báo chúng tôi sẽ hạ cánh trong hai phút nữa. Chúng tôi tiếp cận một bãi hình tròn rất rộng, lấm chấm ánh đèn điện và bếp lửa.
Công ty bất động sản Warren Development đã xây dựng hai khu liên hợp trên một bình nguyên rộng lớn, nằm cách khu phế tích Caracol chừng mười lăm dặm về phía nam và cách biên giớiGuatemala chỉ bốn dặm. Khu liên hợp thể thao đẹp lộng lẫy với 2.010 mẫu rưỡi đất rừng râm mát và bằng bằng, khuôn gọn trong một hình tròn hoàn hảo, một đường đua khổng lồ đường kính một dặm tạo thành viền ngoài khu liên hợp, theo lời Marena, bề mặt của nó có thể thay đổi để thành đường đua ngựa, chạy bộ, trượt ván hay đua ô tô cũng được.
- Vậy sao chúng ta lại cứ phải bay lòng vòng thế? – Marena hỏi.
- Sao cơ? – tôi ngạc nhiên, - À! – Cô ta đang nói chuyện với phi công qua tai nghe.
Cô ta ngừng tai lại, lắng nghe.
- Dài dòng quá, - cô ta nói. Cô ta quay sang nói, - Anh ta nói quan sát viên của trạm điều hành không lưu đang kiểm tra chúng ta. Cứ như chúng ta đem bệnh truyền nhiễm không bằng.
- Hừ, rõ chết tiệt.
- Phải đấy.
Chúng tôi hạ độ cao xuống còn hai ngàn feet. Từ trung tâm đường tròn, sân vận động trung tâm – có tên là Hyperbowl – nổi bật giữa màu đen sẫm của rừng già. Đó là một khối kính màu khổng lồ, có vẻ như sắp hoàn tất, nằm dưới bộ khung dàn giáo, được chiếu sáng bởi những ngọn đèn pha sáng trắng, dát thêm những tia sáng xanh từ ánh lửa hàn trên cổng vòm.
- Cả công trình này sẽ được tu sửa lại để chuẩn bị cho Paralympic (Đại hội Olympic dành cho người tàn tật), - Marena nói. Cô ta đang nhai nhóp nhép thứ gì đó. - Anh biết chứ, Olympic đặc biệt ấy mà? Còn sáu năm nữa, - Nếu thế giới này còn tồn tại được đến hai năm nữa, cả hai chúng tôi cùng nghĩ, - Không chỉ phải xây dựng vô số đường dốc, họ còn phải xây dựng những con đường đặc biệt và lắp đặt một hệ thống van thoát nước thật lớn hay gì đó.
- Tôi cứ nghĩ cả hành tinh này đã là một Olympic đặc biệt rồi.
Marena cho tôi biết, theo thỏa thuận tám năm trước, khi Belize ứng cử đăng cai Olympic Mùa hè lần thứ 33, tập đoàn Warren đã bỏ thầu xây dựng một khu tiện nghi hạ tầng độc lập cách thủ đô sáu mươi dặm về phía đất liền để tránh cảnh nghèo đói và giao thông lộn xộn của thành phố.
- Điều nực cười là người ta phải đồng ý để Belize đăng cai bởi vì họ chưa bao giờ và sẽ chẳng bao giờ và sẽ chẳng bao giờ thắng được bất cứ trận đấu nào nếu không được tổ chức một kỳ Olympic thật kỳ khôi, - cô ta nói. - Anh ăn kẹo cao su ni-cô-tin không?
- Ồ, không, cảm ơn, tôi sắp phải dùng Vicodin bây giờ…
- Vì thế, sau đại hội, chúng tôi sẽ sửa lại các sân đấu thành sân gôn và tiếp quản quyền vận hành khu liên hợp này, biến nó thành một khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí theo mô-típ đặc trưng của văn hóa Maya và các hoạt động liên quan đến trò chơi Neo-Teo, với một khoảnh khắc rừng dành cho báo đốm, một nhà máy điện địa nhiệt tiên tiến, một cột phun hơi nước giả làm núi lửa và một cộng đồng hơn mười ngàn thợ thủ công Maya bản địa được nuôi bao cấp.
- Tôi cá là cô có thể đọc ngược được những từ kia.
- Không, nhưng tôi cá là anh đọc được.
- Ừ… phải, tôi nghĩ là tôi đọc được.
- Thật á? Đọc thử tôi xem nào.
- Snos, repst, nayam (Đọc ngược của sons (các con trai),press (tiền cho vay) và Mayan (tiếng Maya)), - tôi đọc, - ờ…nas…
- Được, anh thuyết phục được tôi rồi, - Marena đáp, - Nơi ta cần đến kia rồi.
Phi công đã cho máy bay chuyển hướng và bay ở tầm thấp qua một con đường trải nhựa thẳng tắp và dẫn tới Stake, hay nên nói là StakeTM(Tức là cái tên này đã được đăng ký bản quyền), cách khu liên hợp Olympic một dặm rưỡi.
Bánh máy bay chạm mặt đất. Cỗ máy giảm tốc độ, quay đầu, chạy trượt trên đường băng và dừng lại. Chúng tôi ngồi chờ. Cửa mở ra. Cảm giác nhớ nhà đến lặng người đi khi các vi sinh vật sống trong không trung của miền Trung Mỹ theo ngụm không khí tràn vào phổi tôi. Cũng với cái mùi nằng nặng của những con ngựa và bè tông ướt, và một hương vị nào đó như làn hơi nhẹ nhất của khí ô-zôn. Chúng tôi xuống máy bay. Có bảy người đang đứng chờ trên mặt đường rải đá răm trộn nhựa đường, trong ánh đèn sáng trắng.
Hai trong số đó là nhân viên bảo vệ của Warren trong bộ đồ đồng phục màu xanh lá cây, ngoài ra còn một viên cảnh sát ngườiBelize mặc áo sơ mi trắng cộc tay làm nhiệm vụ kiểm tra giấy tờ của tất cả mọi người. Tiếp đến là hai trưởng lão của hội truyền giáo – mặc dù cả hai chỉ mới ở tầm tuổi ba mươi – hình như là những người chịu trách nhiệm chính trong việc tiếp đón khách khứa ở nơi này. Một trong hai người mặc chiếc bu-dông có in hình một người đàn ông khoác áo choàng dài cùng một đoàn thầy tế đứng in bóng xuống mặt đất, đối diện với vầng mặt trời lớn đang lặn. “Moroni (Theo kinh thánh Mormon, Mormoni là nhà tiên tri Nephit cuối cùng, từng sống ở Bắc Mỹ vào cuối thế kỷ IV, đầu thế kỷ V), 421 BC”, dòng chữ viết in đậm bằng phông Papyrus, “Con người thánh thiện cuối cùng”. Họ hỏi thăm chúng tôi có được bình an không và “đồng bào” chúng tôi có được bình an không. Tôi những muốn trả lời rằng đồng bào tôi không được bình an trăm năm nay rồi. Cả hai cùng xiết tay tôi muốn gãy. Vào những lúc như thế này, tôi lấy làm mừng là mình thuận tay trái. Cuối cùng, chúng tôi được giới thiệu với hai viên đặc vụ to cao lực lưỡng đến từ Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ.
Hay đây, tôi nghĩ, ta đi nào, lại quay về cũi thôi. Tôi đã nhắc đến vụ tôi đi tù tám ngày ở Guatemala hồi năm 2001 chưa nhỉ? Song thật lạ, tất cả những gì hai gã to cao làm chỉ là bỏ thêm có tí thời gian để kiểm tra chắc chắn xem chúng tôi là ai. Một gã liếc qua hộ chiếu, dùng điện thoại chụp ảnh chúng tôi và chờ hồi âm của mấy ông sếp quỷ quái ngồi trong một hầm mộ bí mật nào đó dưới hầm Lầu Năm Góc. Họ hỏi chúng tôi có định rời khu công trường không và chúng tôi trả lời không. Họ hỏi chúng tôi có thể đăng ký lưu trú bằng điện thoại vào buổi trưa hay không. Chúng tôi trả lời dĩ nhiên. Cứ y như làm cam kết tạm tha vậy. Họ lên một lịch hẹn với Marena vào sáng hôm sau. Tôi chỉ đứng đó với bộ dạng thường làm khi muốn giả vờ không hiểu tiếng Anh. Họ nhìn tôi như nhìn một thằng hề. Nhưng mọi người đều nhìn tôi như thế cả. Họ không nói vì sao lại phải để mắt đến chúng tôi, nhưng hiển nhiên chúng tôi là Đối Tượng Cần Quan Tâm trong vụ tấn công ở Disney World.
- Nào, để tôi đưa các vị đi xem quanh đây, - vị trưởng lão bề trên, người không mặc áo bu-dông, nói. Anh ta đưa cho Marrena một chiếc phù hiệu cảm ứng và giúp cô ta kẹp nó vào áo khoác. Trong một giây, tôi thấy cảnh này giống như anh ta đang tặng một đóa hoa gài áo trước khi bắt đầu buổi khiêu vũ. Anh ta cũng đưa tôi một chiếc và để mặc tôi tự làm lấy. Nó có một chấm hình xoáy ốc màu xanh lục sáng và một cái kẹp như hàm cá sấu. Và thật khó hiểu, trên đó đã có hình của tôi, chính là ảnh đăng trên trang web của tạp chí Strategy mà tôi đã bắt gỡ xuống từ vài năm trước. Tiếp theo, anh ta đưa cho mỗi người một chiếc thẻ điện thoại.
- Để sử dụng mạng internet ở đây cũng cần có mật khẩu, - anh ta nói, - các vị có thể dùng điện thoại hoặc bất cứ thiết bị tra cứu cầm tay nào để tìm vị trí của chính mình trên bản đồ, liên lạc với người của Stake, vào xem lịch trình các hoạt động của Stake, thời gian biểu của Thứ Sáu Kỳ Quặc, giờ ăn và các thông tin hữu ích khác.
- Cảm ơn anh, - Marrena đáp.
- Tuy nhiên, - anh ta nói tiếp, - nếu tháo phù hiệu ra, đầu các vị sẽ nổ tung đấy. - Xin lỗi, tôi nói đùa thôi. Thực ra anh ta không nói câu đó. Anh ta chỉ thêm mỗi một câu: - Không có gì.
Họ dẫn chúng tôi đi về phía đông, ngược hướng đến khu liên hợp thể thao. Hai viên đặc vụ quay về, họ đi trước chúng tôi với dáng điệu nặng nề và toát ra vẻ hãnh diện được làm một con rô-bốt. Mỗi bước đi, gót giày tôi lại lún vài mi-li-mét xuống lớp nhựa đượng khỏe giữ nhiệt. Grgur ngỏ ý xách hộ tôi cái ba lô, nhưng tôi nói phải dùng nó để che cái bướu trên lưng, vì thế hắn xách hai cái túi nhỏ của Marrena và rảo bước trước chúng tôi chừng năm mười bước chân. Chúng tôi đi theo hắn qua một khu nhà tôn hình bán nguyệt và nhà chứa máy bay tiền chế. Những con nhậy gần như vô hình bay sượt qua tai chúng tôi trên đường lao vào thiêu thân dưới ánh đèn điện.
- Này, Jed? – Marrena gọi tôi.
- Ừ?
- Anh có biết vì sao cái lũ lừa kia lại có những cái chấm màu hồng khắp chân không?
- Ừ, biết.
- Tại sao vậy?
- À, cô cũng thấy chúng gầy đến mức nào, phải không?
- Phải.
- Chuyện là lũ dơi mặt quỷ thường tấn công vào mắt cá chân, khuỷu chân sau, cẳng chân và những vị trí tương tự vậy, - tôi đáp. - Và chúng có xu hướng tấn công cùng một nạn nhân từ đêm này sang đêm khác. Vì vậy, chủ của lũ lừa liền sơn những vệt hồng ấy lên chân chúng, và trong sơn đó có chất chống đông tụ. Và thường thì chỉ cũ lũ dơi thực sự đi săn. Vậy là dơi bố uống thứ máu có lẫn cái chất nhờn nhờn kia rồi quay về với vợ con. Lũ dơi cái và dơi con treo mình chúc đầu xuống đất thành một chùm như những chùm nho ấy. Cô biết chứ?
- Ừ.
- Còn dơi đực thì đậu trên đỉnh của cái chùm ấy để nhả máu cho chúng và tất cả cùng uống. Những con dơi con rất yếu, chúng sẽ bị xuất huyết vì thuốc chống đông và chết.
- Anh biết không, không phải tôi tiếc vì đã hỏi, - Marrena nói, - mà tôi tiếc vì đã sinh ra trên đời này để biết điều đó.
- Tôi xin lỗi.
Khu công trình chính có hai lượt hàng rào cao tám feet bao quanh, khoảng trống giữa hai lượt rào rộng hai mươi feet, giữa hai cổng có một đường hành lang nhỏ để chúng tôi khỏi phải đối phó với chó canh gác ở những chỗ không có người bảo vệ. Một vài con tiến lại gần và nhìn chúng tôi bằng cặp mắt dữ tợn. Đó là những con chó chăn cừu to lớn, trông dị hợm đi với chiếc camera gắn trên đầu và bộ nanh vàng khè. Sang đến phía bên kia hàng rào, chúng tôi bước vào một cái sân lớn vuông vắn, xây dựng theo lối quân sự với những khu nhà tiền chế một tầng rất rộng, có đèn pha đặt ở mỗi góc mái nhà tráng kẽm, lợp hơi phẳng. Kẻ nào đó, với sự nhìn xa trông rộng, đã cho chặt hạ một cây tuyết tùng Tây Ban Nha trăm năm tuổi, tỉa tót thành một cây cột trụ trơn nhẵn, cắm nó xuống một cái hố đổ đầy bê tông gần cột cờ ở chính giữa khu đất và liền phủ lên nó một tấm mạng gồm khoảng mười ngàn bóng đèn xanh đỏ nhấp nháy. Đó là thứ trang nhã nhất ở chỗ này. Một cặp thầy tu truyền giáo dắt xe đạp đi bộ tới. Đạo Thiên Chúa, - tôi nghĩ bụng, - các người đã nhổ sạch tận gốc những tôn giáo tốt đẹp hơn trong suốt hai nghìn năm qua. Phía trước chúng tôi, ở góc sân xa hơn, vị Râu xồm bề trên đến trước khu nhà dành cho chúng tôi và loay hoay mãi không mở được cửa. Grgur đặt mấy cái túi xuống và bắt đầu cho anh chàng kia lời khuyên về việc làm thế nào để lách hoặc cắm phập được cái chìa khóa qua ổ.
- Này, cô nhìn này, - tôi bảo Marrena. Tôi nhấn cái nút ghi chữ Mở Rộng trên con rô-bốt bắn la-ze của Max và hướng nó lên chỗ xà nhà cạnh cây đèn pha gần nhất. Nó rọi một vệt sáng rộng màu tím xanh lên những đám côn trùng và vài đám gì đó lớn đang đu đưa.
- Dơi đấy, - tôi nói, - ý tôi là loài ăn sâu bọ, không phải…
Marena cau mày.
- Nếu muốn giật mình tỉnh dậy đêm nay, tôi sẽ tự xem C-SPAN.
- Xin lỗi, - tôi thu hẹp tia sáng xuống thành một chấm nhỏ, hướng nó xuống bức tường trước mặt và kéo nó vào giữa cánh cửa vẫn đang đóng chặt, ngang qua tầm mắt của Grgur. Tôi thoáng nhìn thấy hắn đang cúi xuống và lẩn rất nhanh đi, có cảm giác như hắn bỗng dưng bốc hơi mất sau góc xa của tòa nhà.
Mẹ kiếp, - tôi nghĩ, - phản xạ của hắn nhanh thật đấy. Được huấn luyện đặc biệt chăng? Tôi vờ như không nhận thấy gì, tiếp tục nghịch con rô-bốt, dùng nó vẽ một vòng tròn trên mặt đất. Hắn đã quay trở lại, thở hơi nặng nề một chút còn bàn tay phải giấu sau lưng. Hắn xốc quần – dưới tầm nhìn thẳng của chúng tôi – trong lúc gài lại súng vào bao.
- Anh ổn chứ? – Marena hỏi.
- Vâng, - hắn đáp líu ríu. Tôi giả vờ ngớ ngẩn, nhìn sang Marena và tránh ánh mắt của Grgur, nhưng dĩ nhiên hắn biết, và tôi biết là hắn biết, và hắn cũng biết là tôi biết. Giỏi đấy, Jed. Bây giờ thì hắn đã thù mày rồi. Thông minh quá đấy.
Cánh cửa mở ra, chúng tôi bước vào giữa những bức tường thạch cao khô và bầu không khí đã được lọc với các hạt làm mát. Chúng tôi đi qua một trạm khóa hệ thống an toàn có dòng chữ“NGUY HIỂM/ KHÔNG ĐƯỢC PHÉP, MIỄN VÀO”, rồi đi dọc tiếp một hành lang dưới ánh đèn huỳnh quang lúc mờ lúc tỏ, trên mặt thảm đầy vết bùn đỏ quạch.
- …không, cảm ơn, - Marena nói với Asley 1, - thứ tôi thực sự cần là năm phút gặp mặt với Taro.
- Có lẽ ông ta hơi mệt, khó lòng nói chuyện ngay được, - Vị trưởng lão bề dưới tiếp lời – nhưng ông ta rất mừng vì chị đã đến đây.
- Và SSC vẫn đang hoạt động. Chúng tôi dành cho chị căn phòng như mọi khi.
Marena đáp vâng, cảm ơn. Ai đó đưa tôi một chiếc thẻ chìa khóa và dẫn tôi về xà lim. Xin lỗi. Về phòng. Marena nói vài phút nữa cô ta sẽ gọi cho tôi. Họ đóng cửa lại, chấm dứt câu chuyện. Căn phòng được sắp đặt như một phòng khách sạn sắp-sửa-thành-hạng-sang, với một cành lan hài cắm trong lọ thủy tinh và một tờ giấy bìa gấp lại, cho tôi biết rằng những dịch vụ tiếp đón này được điều hành bởi Tập đoàn Khách sạn Quốc tế Marriott, rằng tiệm cà phê Finn vẫn chưa khai trương nhưng bữa sáng được phục vụ ở Food Court từ bảy đến mười giờ, rằng toàn bộ khu vực này cấm hút thuốc lá, và rằng có một y tá và một chuyên gia tư vấn tâm lý túc trực hai tư trên hai tư. Và cuối cùng tờ giấy chi câu hỏi rằng tôi có muốn được báo thức bằng một thông điệp đầy cảm hứng, thay vì những cú điện thoại thông thường. Ồ, không, cảm ơn, - tôi nghĩ bụng, - tôi thà bị đánh thức bởi André Khổng Lồ té một xô nước tấy rửa lạnh cóng lên mặt còn hơn. Tôi đi ngó quanh một vòng như người ta vẫn thường làm khi nhận phòng khách sạn. Có một phòng tắm với vô số tiện nghi ra vẻ sang trọng, nhưng, dĩ nhiên, không có bao cao su. Trong một ngăn kéo có đặt cuốn kinh thánh Mormon thông dụng. Một tập sách hướng dẫn du lịch bày xòe hình quạt trên mặt bàn gương, cuốn trên cùng có dòng chữ: “Thám hiểm Guatemala” và bức hình một cô gái trẻ người Maya trong bộ trang phục dân tộc duyên dáng, với nét cười hóm hỉnh, đứng trước tấm bia thứ mười sáu của khu phế tích Tikal, “Bạn có thể chọn đến với Maya qua đá… hoặc qua con người”, cuốn sách viết, “Hãy ghé thăm Guatemala, Vùng đất Bí ẩn”. Hay đấy, - tôi nghĩ, - bạn có thể tiêu diệt người Maya bằng đá… hoặc trong tù. Hãy ghé thăm Guatemala, Vùng đất của Bất hạnh, Dominio de Desesperanza (Cánh cửa mở ra sự tuyệt vọng - Tiếng Tây Ban Nha).
Tôi ngồi xuống giường, kết nối điện thoại với mạng internet và tìm thấy bản đồ định vị cá nhân. Tôi đánh vào chữMARENAPARK, một chấm xanh lơ hiện lên cách chấm đỏ - tức là tôi – không xa. Tôi xem gần hơn. Có vẻ như ở ngay ngoài sảnh. Tôi rời phòng và đi theo cái chấm màu xanh. Có tiếng TV vọng ra từ một phòng ăn sáng sủa nhưng trống trải. Tôi bước vào. Có mùi văn phòng, nghĩa là có mùi rất giống nước hoa Comme des Garçons Odeur 53 nhưng không quyến rũ. Cộng thêm mùi cà phê phảng phất xa xa. Trên điện thoại của tôi, chấm xanh thực ra lại ở ngay trên đầu chấm đỏ. Hừ. Chính giữa phòng có một dãy máy bay bán hàng cao cấp. Tôi tiến lại gần một cái, ấn bừa chiếc thẻ ghi nợ qua khe máy – à, vậy ra hệ thống tiền tệ vẫn hoạt động, tôi nghĩ và lấy hai gói kẹo hạt đậu Jelly Bellies.
- ...thương vong của các phóng viên theo dõi sự kiện này,- tiếng TV vọng ra. Tôi đi vòng qua dãy máy bán hàng. Phía bên kia, Marena, Taro cùng vài người nữa đang ngồi hoặc lừng khừng đi quanh ba cạnh của chiếc bàn rộng hình ô-van, mắt theo dõi một màn hình TV lớn đặt trên giá. Mặt bàn foóc-mi-ca trắng tung tóe những gói đồ ăn nhanh, mấy tách đồ uống và một thiết bị liên lạc cá nhân thuộc loại hiện đại nhất.
- Marena vẫy tay ra ý: xin chào, anh lại đây đi.
Tôi tiến lại.
- Brent Warshowsky sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin nữa, - tiếng TV tiếp tục, - Brent?
- Cảm ơn anh, Alexander, - Brent đáp, - Các phóng viên trong cơn khủng khoảng: Họ quá đồng cảm với các nạn nhân chăng?
Tôi đi qua Taro và lặng lẽ chào ông ta. Ông ta nắm lấy tay tôi một lúc, chắc hẳn rất mừng khi gặp tôi.
Ngồi xuống bên trái tôi đây này, Marena chỉ tay. Tôi ngồi xuống.
- Tôi đang trò chuyện với Anne-Marie García-McCarthy đến từ đài MSVN ở Miami, - Brent nói tiếp. Dòng chữ chạy bên dưới màn hình ghi: NHIỆM VỤ ĐẶC BIỆT: CÁC PHÓNG VIÊN ĐỐI MẶT THẾ NÀO VỚI THẢM HỌA. – Hôm nay, Anne đã thực hiện cuộc phỏng vấn đầy xúc động với một người đàn ông phát quẫn trí tại khu Overtown… ông ta vừa mất vợ trong một thảm kịch”
- Ông thế nào rồi, thưa ông? – Anne-Marie hỏi. Người đàn ông nói gì nó nhưng vì ông ta đang nức nở không nghe được ông ta nói gì.
- Thế nhà ông ở đâu? – cô ta hỏi tiếp.
- Mất rồi, vợ tôi và tôi đang… và chúng tôi đang cố thoát ra…và…và…lửa bốc lên…
- Vậy bây giờ ai đang ở đây cùng ông?
- Chẳng ai cả.
- Thế vợ ông đâu?
- Chẳng ai ở đó cả?
- Nhưng vợ ông ở đâu?
- Chẳng ai ở đó cả?
- Bà ấy không ở đây. Bà ấy đi rồi.
- Ông không tìm thấy bà ấy ư?
- Tôi…tôi…đã cố, tôi đã cố túm lấy tay bà ấy, và bà ấy bốc cháy…nóng lắm…ở trong ấy…tôi không giữ được bà ấy. Bà ấy nói thôi, anh hãy chăm sóc các con. Và các cháu…
- Vâng, vậy xin ông cho biết tên bà ấy, để chúng tôi có thể thông báo cho mọi người.
- Chẳng ích gì. Bà ấy đi rồi.
- Tên bà ấy là gì?
- Lakersha.
- Và tên ông.
- JC Calhoun.
- Vâng, để phòng khi các nhân viên cứu hộ tìm thấy người nào đó tên là Lakerisha Calhoun…
- Không ích gì đâu, bà ấy đi rồi. Bà ấy cháy rụi rồi. Bà ấy là…bà ấy cháy rụi rồi…
- Các phóng viên đang phải đối mặt với tình huống khó khăn và nhạy cảm, - tiếng Brent, - Anne-Marie, cảm ơn chị đã nhận lời tham gia cùng chúng tôi. Khi đương đầu với những tình huống như thế này…ngay bây giờ và ở đây, chúng tôi đang dõi theo chị, Anne-Marie, trên tuyến đầu…
- Tắt giúp tôi cái tiếng ấy đi được không? – Marena yêu cầu. Ai đó liền tắt tiếng. – Cảm ơn.
Chúng tôi nhìn nhau trong không khí im lặng hoàn toàn.
- Xin lỗi đã làm gián đoạn công việc của mọi người, - tôi lên tiếng, - tôi chỉ muốn ra đây xem có kẹo dẻo hay không thôi.
- Không sao, anh cứ ở lại, - Marena nói, - dù sao tin tức cũng chẳng có gì mới.
- Được.
- Anh biết Laurence Boyle rồi, đúng không?
Anh ta chào tôi. Đó chính là vị trưởng lão đón chúng tôi ở đường băng. Chắc Marena đã giới thiệu tôi với anh ta và thế nào đấy tôi lại lơ đễnh không để ý, tôi lúc nào cũng vậy.
- Laurence là phó giám đốc trung tâm nghiên cứu và phát triển của Warren Research, - Marena nói tiếp. - Còn Taro và Tony thì anh biết rồi.
Chúng tôi nói xin chào và thật may vì tất cả đều không sao. Taro nom có vẻ mệt mỏi. Còn Sic thì lại phây phây một cách phi lý.
Còn đây là Michael Weiner, - cô ta chỉ sang một núi thịt bên tay trái mình.
- Rất vui được gặp anh, - ông ta chào với cái giọng trầm trầm, đặc New Zealand, được huấn luyện để diễn thuyết trước công chúng của mình. Tôi nghe nói khi lên hình người ta thường trông béo ra khoảng hai mươi pound, nhưng trong trường hợp của người này thì khi lên hình ông ta trông phải gầy hơn phải đến một trăm pound. Thật là một gã khổng lồ. Ông ta nom y hệt Andrew Weil, cái người nổi tiếng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ấy. Cũng một bộ râu quai nón đồ sộ như thế, cũng một cái sọ to đùng bóng loáng như thế, khiến cái đầu nhìn không khác gì bị lộn phộc. Ừ, chí ít thì nhìn ông ta cũng có nét đặc sắc, tôi nghĩ. Ông ta vươn chi trước qua mặt Marena và bóp nghiến lấy bàn tay phúc tổ mà chẳng mấy quan trọng của tôi.
- Được rồi, - Marena nói, - Ông đang nói đến đâu nhỉ, ông Taro?
Taro thường ngừng một lát trước khi nói, và lần này cũng vậy. Nhưng thay vì chờ đợi, Michael Weiner nhảy vào cướp lời.
- Ngày tận thế sắp tới, - ông ta nói. - Hiệu ứng cánh nỏ.
14
- Phải rồi, - Marena đáp
- Xin lỗi, tôi không hiểu những điều ấy, - Laurence Boyle nói.
- Taro đang nói rằng…
- Chờ chút, - Boyle nói. Anh ta đang viết gì đó lên màn hình điện thoại. – Nghe này, tôi sẽ ghi âm lại tất cả để làm một bản ghi chép gửi cho trưởng lão Lindsay. May ra ai đó sẽ đoán được điều gì. Mọi người thấy có thể làm được không?
Mọi người gật đầu.
- Tốt rồi, xin các vị hãy nói thật rành rọt nhé. Còn tôi sẽ đảm bảo ông ta nghe nó bằng bên tai còn thính. – Anh ta cười toáng lên trước câu nói chẳng lấy gì làm hài hước của mình, đúng kiểu Mỹ. – Và chú ý đừng nói câu gì báng bổ nhé, được không? – Anh ta ấn nút trên máy điện thoại. - Được rồi, bắt đầu. Vậy việc là thế nào?
- Giả thiết là hiệu ứng cánh nỏ sẽ tạo ra những kẻ tin vào ngày tận thế…các vị gọi họ là gì nhỉ?
- Doomster, - Taro đáp.
- Đúng rồi, và rằng dù là kẻ nào gây ra chuyện này, hắn hẳn phải nghĩ hắn sắp huỷ diệt cả loài người, - Weiner nói. – Và giả thiết ở đây là đối tượng sắp đặt vụ rải polonium này có thể không phải là một người, bất kể đó là ai, nhưng cũng không thể là rất nhiều người, bằng không chúng đã bị nhận dạng.
- Phải, - Marena nói, - trò của những kẻ tin vào ngày tận thế…vấn đề là ngày càng có nhiều người thích thứ đó.
- Ngày càng nhiều người thích thứ gì cơ? – Boyle thắc mắc.
- Tức là ngày càng có nhiều người muốn phá phách và có phương tiện để phá phách, - cô ta giải thích, - đó là ý kiến của Taro.
- Không, cảm ơn, nhưng không phải đâu, - Taro đáp, - Đó không phải ý kiến của tôi. Vấn đề doomster đang ngày càng trở nên phổ biến trong lĩnh vực dựng mô hình thảm hoạ.
- Ừm, được rồi, vậy thì, - Boyle nói, mắt nhìn bản ghi điện tử trên điện thoại, - Giáo sư Taro, ông có thể giảng giải cho chúng tôi vấn đề đó một cách ngắn gọn không?
Taro ngừng một lát.
- Đây, anh uống cái này này, - Marena thì thào với tôi. – Tôi chưa động gì đến đâu. – Cô ta đẩy về phía tôi một cốc giấy đựng đồ uống.
- Hừm, một doomster tiềm năng, - Taro bắt đầu, - là người muốn giết tất cả loài người trên trái đất, kể cả bản thân hắn. Còn một doomster thật sự là người tìm được phương thức để thực hiện điều đó.
- Vâng, - Boyle nói, - nhưng không thể có quá nhiều kẻ điên khùng như thế được.
- Hừ, trước đây từng xảy ra những vụ tương tự rồi, - Taro nói. Giọng ông ta khoẻ hẳn lên khi bắt đầu thuyết giảng - ởPakistan, hai lần, rồi ở Oaxaca. Và còn những vụ trong thời kỳ chiến tranh lạnh cũng như vô số trường hợp khác mà chúng ta không biết.
- Có thể lắm, - Boyle nói.
- Song vấn đề không hẳn nằm ở chỗ có, giả dụ, mười hay mười nghìn kẻ điên khùng như thế. Vấn đề là vào một thời điểm nào đó, một trong số những kẻ ấy sẽ tìm được cách thức để thực hiện điều hắn mong muốn. Và theo lý thuyết về hiệu ứng cánh nỏ, điều này nhiều khả năng sẽ xảy ra sớm hơn là muộn.
- Ông nên giải thích cả thuật ngữ đó nữa, - Marena nói.
- Xin lỗi?
- Hiệu ứng cánh nỏ ấy.
- Ồ, - ông ta đáp, - phải. Vào năm...vào năm...tôi nghĩ là 1139. Hội đồng Lateran đã tìm cách xếp cung nỏ vào loại vũ khí bất hợp pháp vì theo họ chúng sẽ dẫn tới sự chấm dứt của nền văn minh. Vì nhờ nó, một người lính bình thường cũng có thể giết chết một hiệp sĩ mặc áo giáp sắt trên mình ngựa.
- Nhưng thực sự cung nỏ có gây ra được chuyện gì đâu, - Marena nói.
- Đúng là không, - Taro đáp. – Và sau đó, đến những năm 1960, các nhà sản xuất vũ khí thường lấy chuyện đó làm ví dụ để chứng minh rằng không nên quá lo lắng về vũ khí hạt nhân.
- Vâng, - Boyle nói.
- Nhưng cung nỏ chỉ có thể giết được một người với một phát tên, - Taro nói. – và tính theo đầu mũi tên, như vậy là khá tốn kém so với thời kỳ đó. Vũ khí hạt nhân thì giết được rất nhiều, với chi phí thấp hơn nhiều cho mỗi mạng người. Chỉ khoảng vài đô la cho một cái chết. Nhưng như thế vẫn là hơi đắt. Còn ngày nay, chúng ta có vô số loại vũ khí có sức tàn phá mà lại rẻ tiền. Và dễ sản xuất nữa. Đây là điều đã xảy ra ở Iraq. Khi nước Mỹ dùng trò chơi chiến tranh để đặt kế hoạch chiếm đóng, họ đã bỏ qua không tính đến chuyện công nghệ đó, tức là các chất nổ plastic, thậm chí cả thuốc nổ, sẽ đến được tay rất nhiều người. Khi chất nổ plastic còn đắt đỏ, Lầu Năm góc vẫn dùng những kiểu vũ khí cổ điển hơn và khó kiếm hơn. Nhưng đến năm 2004, Thuốc nổ dẻo C4 trở nên rẻ mạt và dễ kiếm, đến mức chỉ một kẻ tấn công thôi cũng có thể giết rất nhiều người và gây thiệt hại hàng triệu đô la với chi phí rất phải chăng. Có thể diễn đạt theo cách khác rằng sự dân chủ hoá lan tràn công nghệ đã dẫn đến số lượng người dùng ngày càng đông. Đó là những kẻ đánh bom tự sát.
- Rất có thể, - Boyle nói, - nhưng chúng không bao giờ có thể phá huỷ tất cả mọi thứ được. Hơn nữa, không thể có quá nhiều kẻ muốn làm chuyện như vậy.
Taro ngừng một lát. Tôi nhấp một ngụm trong cái cốc. Đó là trà xanh ướp lạnh pha thêm hương liệu, trộn với các hạt bột sắn. Đồ dành cho con nít. Thôi, gì cũng được.
- Phần đông mọi người đều từng trải qua những giây phút giận dữ đến mức muốn phá huỷ tất cả mọi thứ, - Taro nói. – Theo những mô hình được dựng gần đây, vào một thời điểm nào đó trong tương lai gần, những người, nói thế nào nhỉ, ít được vào khuôn phép hơn những người khác một chút và hiểu biết về công nghệ nhiều hơn người khác một chút, sẽ có cảm giác trên, và họ sẽ làm điều đó.
- Vậy nó sẽ xảy ra vào lúc nào? – Boyle hỏi.
- À, anh có thể biểu diễn nó trên biểu đồ, - Taro đáp. Ông ta bắt đầu phác hình trên màn hình điện thoại. - Thực tế, anh thậm chí có thể đơn giản hoá nó chỉ với ba vecto chính. Đây rồi, đường đậm này, vecto α, là khả năng tiếp cận công nghệ ngày càng rộng rãi. Nó được tính toán từ một tập hợp các biến số phụ, chẳng hạn như tốc độ tăng trưởng của internet, tốc độ giảm chi phí xây dựng, các phòng thí nghiệm chất nổ hoặc vắc-xin chiết xuất từ vi rút. Tiếp đó là đường nhạt, vecto ρ, hiển thị số lượng người có thể bị coi là căng thẳng, tức là có nguy cơ quá khích. Các doomster. Và đường thứ ba là vecto e, tức là đường đứt nét. Nó biểu thị nỗ lực ngăn chặn của DHS và các lực lượng cảnh sát, cơ quan chống khủng bố trên toàn thế giới. Ông ta gửi hình vẽ cho các điện thoại khác, Marena cho tôi xem trên điện thoại của cô ta.
- Cái này hơi toán học đối với tôi, - Boyle nói.
Thằng đần, - tôi nghĩ bụng.
- Một trong những lý do khiến đường ρ dốc như vậy là vì nó bao gồm cả những phản hồi nội bộ. Do sự cạnh tranh. Các vị chắc cũng biết chuyện có những kẻ đến siêu thị, văn phòng, trường học và bất cứ nơi nào để bắn vào những người khác, cả chuyện gần đây người ta đua nhau xem ai hạ được nhiều người hơn? Hiển nhiên, điều này một phần do thời buổi ngày nay có những trang web chuyên dung để lưu trữ tỉ số ấy. Và vấn đề nằm ở chỗ nó lại tạo ra một vòng phản hồi tích cực. Người ta noi theo những tấm gương đi trước thành công. Khi được chứng kiến điều gì đó thật hoành tráng, ví như sự kiện 11 tháng 9 chẳng hạn, họ sẽ bị xúi giục để vượt qua nó. Cứ như thế, các vị có thể vẽ được biểu đồ tăng trưởng của xu hướng doomster, nếu các vị thích.
- Như vậy, ông đang muốn nói rằng về cơ bản nó là một trào lưu đúng không, - Marena nói. - Giống như, ông biết đấy, giết người hàng loạt là một nghề được ưa chuộng trong những năm 1990, đến những năm 2000 thì khủng bố, còn bây giờ thì việc quan trọng là làm sao trở thành một doomster và kéo mọi người cùng chết theo.
- Gượm hẵng, - Michael Weiner nói. – Có bao nhiêu người thực sự muốn phá huỷ tất cả mọi thứ?
- Phải đấy, - Boyle tiếp lời. – Các vị thực sự cho rằng người ta có thể làm được điều đó ư?
- Dĩ nhiên, - Marena đáp, - rất nhiều người làm được đấy.
- Nhiều người đã thực sự bày tỏ ý muốn ấy, - Taro nói, - và không phải tất cả bọn họ đều đang ở trong tù hay trại tâm thần.
- Hai mươi năm truớc, tạo ra virus máy tính là một trò hay ho, - Marena nói, - còn bây giờ thì tạo ra virus sinh học mới là điều hay ho nhất.
- Cho nên, ngày nay, chỉ cần kiến thức về sinh hoá tương đương với một sinh viên chưa tốt nghiệp và một phòng thí nghiệm tại nhà tiêu tốn khoảng năm ngàn đô la, người ta cũng có thể tạo ra một hệ thống đủ tiêu diệt cả loài người. – Taro nói. – Có hơn năm mươi triệu người trên toàn thế giới có trình độ học vấn ở mức như vậy và ít nhất một vài trong số họ chỉ lăm le muốn làm điều kia.
- Choáng thật đấy. – Micheal Weiner nói.
- Vấn đề là, trước đây, phải có một nhà bác học điên mới làm nổi chuyện đó, - Marena nói, - còn bây giờ, chỉ cần một thằng điên học ngành sinh học. – Cô ta thêm vào những câu dễ nhớ để Lindsay hay bất kỳ ai khác có thể sử dụng khi họp ban lãnh đạo hoặc những dịp tương tự.
- Có thể nói như vậy, - Taro đồng tình. - Hoặc làm theo một cách khác, hãy hình dung nếu anh đưa cho mỗi người trên thế giới một quả bom huỷ diệt cho ngày tận thế, thì chắc chắn sẽ có người châm ngòi sau vài phút. Thực tế, nhiều người sẽ vội vã làm việc đó chỉ vì muốn mình là người đầu tiên. Và thậm chí nếu để độ không chắc chắn cao hơn mức cần thiết thì các đường cong cũng sẽ gặp nhau tại một thời điểm rất gần. Có thể chỉ là vài tháng nữa…
- Và nó rơi đúng vào khoảng ngày cuối cùng của lịch Maya, - Marena nói.
- Phải, mặc dù nếu bàn về việc chính xác ngày nào sự kiện đó sẽ xảy ra, thì nó chỉ có tính tương đối thôi, đương nhiên. Nhưng nó hoàn toàn thuyết phục về mặt số liệu. Nghĩa là, sự kiện đó sẽ xảy ra, và xảy ra trong khoảng một thời gian không bao xa nữa.
- Nhưng có những người đang nỗ lực ngăn cản lũ điên ấy – Boyle nói.
- Phải, - Taro đáp, - đó chính là đường cong e.Nhưng như các vị thấy đấy, nó không hề cắt hai đường kia trước khi tất cả cùng gặp nhau ở điểm cuối.
- Vậy tất cả những gì chúng ta cần làm là nâng cái đường cong e ấy lên, - Marena nói. Cô ta đã xé chiếc cốc giấy đựng nước trà của mình thành một dải hình xoắn ốc với đường viền mấp mô lượn sóng.
- Chúng ta, hoặc ai khác, - Taro đáp. - Phải. Nâng thật mạnh.
Không một ai nói gì nữa. Tôi xé mấy gói Jelly Belly. KẸO DẺO HẠT ĐẬU CHÍNH GỐC DÀNH CHO NGƯỜI SÀNH ĂN – trên bao bì viết như vậy - VỊ HOA QUẢ NHIỆT ĐỚI. Tôi ăn ba viên, cảm thấy mình hơi ích kỷ, liền quẳng nốt chỗ còn lại lên bàn. Chúng có hình tròn không đều nhau và nhuộm đủ màu như đá quý.
- Có ai muốn làm vài viên không? – Tôi mời.
Chẳng ai muốn cả.
- Cảm ơn thông tin của các vị, - Boyle nói. – Nhưng tôi cũng xin có ý kiến rằng, trước những tình huống như thế này, người ta thường nói: lúc nào chẳng có người hô hoán lên rằng trời sắp sập, rồi lần nào họ cũng nhầm. Thiên hạ luôn cho rằng: sắp đến ngày tận thế rồi. Họ từng nói bom nguyên tử là tận thế. Năm 2000 là tận thế. Vụ sập máy gia tốc ở Mexico đã tạo ra một lỗ hổng nhỏ ở trung tâm trái đất, và đó cũng sẽ là tận thế.
Anh ta nhìn quanh bàn. Không có ai nói gì.
“ Hừ, hơi lạ đây, - tôi tự nhủ. Tôi không ngờ anh chàng Boyle này lại là người đứng ra phản đối, bởi anh ta là một con chiên Mormon ngoan đạo. Mà nói chung thì Những Vị Thánh Ngày cuối vẫn thuộc loại nhẹ dạ cả tin. Họ luôn nghĩ ngày tận thế sắp cận kề. Vậy mà cái thằng cha này lại quay ra ngờ vực. Hừ, có lẽ mình nhìn người hơi cứng nhắc rồi. Marena há miệng ra rồi lại ngậm lại. Tôi có cảm giác cô ta định nói một câu cửa miệng đại loại như: “Thôi cứ chấp nhận đi, đồ nghếch, điều này vượt quá sức hiểu của anh”. Tôi quyết định làm không khí bớt căng thẳng.
- Chúng ta đừng nên dùng từ hố "đen", - tôi nói – Nghe xúc phạm quá. Ta nên gọi là hố “màu” thôi. (Một kiểu chơi chữ xuất phát từ cách dùng từ “da màu” thay vì “da đen” ở Mỹ vì e ngại xúc phạm sắc tộc)
Chẳng ai cười. Hay nhếch mép. Hay có bất cứ biểu hiện nào khác. Mình đúng là tên lố bịch. – tôi nghĩ.
Taro lên tiếng.
- Ừ, đúng là từ rất lâu rồi, có những kẻ cứ tuyên truyền với tất cả mọi người rằng thế giới sắp đến ngày chấm dứt. Và đến nay, như chúng ta biết, thế giới vẫn chưa chấm dứt. Nhưng đó chỉ là ảo giác cảm tính thôi. Anh không thể…
- Thuật ngữ đó nghĩa là gì vậy ? – Marena hỏi.
- Nghĩa là, nó giống như con gà của Russell ấy mà, - ông ta đáp. – Đơn giản là anh chỉ việc lờ đi tranh cãi cho rằng…
- Xin lỗi, nhưng ông nên giải thích cho cuốn băng ghi âm về con gà ấy. – Marena nói.
- Ồ, phải, - Taro đáp. – Bertrand Russell là người đã kể câu chuyện về một con gà tin tưởng người nông dân là bạn nó. Vì rõ ràng ông ta cho nó ăn hàng ngày và chả bao giờ làm gì hại nó cả. Con gà tin rằng người nông dân sẽ tiếp tục làm thế mãi. Nhưng rồi…một ngày, thay vì cho nó ăn, người nông dân đã cắt cổ nó. Ý nghĩa của câu chuyện này là cảm tính thường sai lầm về mặc lô-gic.
- Tôi không chắc là tôi, hay ban lãnh đạo, có thế hiểu được chuyện này, - Boyle nói.
Im lặng, tôi quay lại nhìn Marena. Bốn mắt gặp nhau trong một giây. Mẹ kiếp, cặp mắt cô ta nói, cái gã con hoang Boyle này muốn từ chối chúng ta đây mà. Hắn không muốn dự án này được thông qua, chắc vì như vậy sẽ làm bớt ngân sách chi cho cái phòng nhảm nhí của hắn, cho nên hắn mới lẽo đẽo bám càng chúng ta, và bây giờ hắn muốn lừa chúng ta nói ra điều gì ngu xuẩn hoặc, hoặc quá chắc mẩm, và hễ chúng ta hở mồm ra, hắn sẽ chạy đến chỗ Lindsay và phun vào tai ông ta những lời độc địa.
Chúng tôi quay ra nhìn Boyle. Hắn bắt đầu nói câu gì đó, nhưng Marena ngắt lời.
- Anh nghe này, - cô ta nói. – Luôn có những thằng tâm thần rêu rao rằng sắp có sao băng va vào trái đất, ngay ngày mai chẳng hạn. Và đến giờ chuyện đó vẫn chưa xảy ra. Nhưng nếu anh ngẩng đầu lên và trông thấy một ngôi sao băng khổng lồ đang lao xuống thì anh không thể nói nó sẽ không lao vào chúng ta chỉ vì có những thằng tâm thần từng nhắc đến khả năng đó. Phải không?
- Chính xác, - Taro nói. – Chúng ta cần đánh giá tình hình dựa trên bản chất của nó, chứ không phải theo những gì thiên hạ vẫn nói năm này qua năm khác. Chẳng hạn như, chúng ta có tìm thấy dấu vết nào của nền văn minh ngoài trái đất đâu, bất chấp bao nhiêu lợi thế cho sự phát triển của họ. Rất có thể, những nền văn minh đó đều đã tự huỷ diệt trước khi bước đến giai đoạn phát triển như chúng ta hiện thời.
Một phút im lặng nặng nề.
- Ê, nhìn xem anh làm được gì này, - Marena nói. Tôi nhận ra là cô ta đang nói với tôi.
- Gì cơ ? – tôi thắc mắc.
- Chúng được phân loại hết này, - cô ta vỗ tay lên bàn. – Nhìn xem này, - cô ta nói với tất cả mọi người, trừ tôi.
Tôi nhìn xuống. Quả đúng vậy, tôi đã sắp xếp những viên kẹo hạt đậu thành một ô kẻ ca rô rộng, phân thành từng cột theo màu sắc, hình dáng và những viên có hình dáng và màu sắc trùng nhau thì được phân theo kích cỡ.
- Oa, khiếp thật, - Boyle nói.
- Ồ, phải, - tôi nói – Chúng lộn xộn quá, làm tôi khó chịu. – Tôi vun tất cả cái đống chết tiệt trên bàn vào tay. – Xin lỗi.
- Và một trong những lý lẽ thuyết phục nhất ủng hộ thuyết ngày tận thế, - Taro tiếp tục, vẫn miên man với dòng suy nghĩ của mình, theo thói quen. - là chúng ta chưa hề bắt gặp ai đến từ tương lai.
- Nguyên nhân chẳng phải do Novikov sao ? – Boyle hỏi lại.
- Hừ, có lẽ chuyện... – Marena xen vào.
- Không, - Taro cắt ngang, không để Marena kịp nói hết từ. – Không, định luật đó không áp dụng cho chúng ta trong hiện tại. Nguyên nhân khả dĩ nhất giải thích tại sao không có vị khách nào đến từ tương lai vì không hề có tương lai.
15
Mười một tiếng sau, LEON xuất hiện trở lại trên mạng – không rõ ai đang bảo vệ các thiết bị ở UCF hay LEON có máy phát điện riêng, nhưng dù sao nó cũng đã hoạt động trở lại – và Taro cùng cô trợ lý Ashley 2, Tony Sic, ba sinh viên đang được huấn luyện làm người đếm mặt trời và tôi, tất cả tập trung trong phòng thí nghiệm thay thế tạm thời của ông ta tại Stake. Thực ra nó chỉ gồm mấy bộ khung ca-bin cánh mở hiệu Knoll mới tinh, màn hình máy tính Sony mới cứng rõ bắt mắt, mấy chiếc ghế hình bầu dục cũng mới toe, hầu hết vẫn còn nằm dưới lớp bọc ni-lông, tất cả được tập hợp một cách vội vã vào một phòng diễn tập dưới tầng hầm khu thính phòng Hòm Thánh của Stake. Tôi hầu như nghe thấy âm thanh của sự hoảng hốt trong tiếng chìa khoá va vào nhau lanh canh.
Laurence Boyle lúc trước muốn chúng tôi tập trung tất cả vào việc tìm “Giáo sư X”, bộ óc được giả thiết là đứng sau Nỗi Kinh Hoàng ở Disney World.
- Nếu các vị tìm ra được, chúng ta sẽ nhận được thêm nhiều tiền tài trợ cho giai đoạn sau, - hắn nói, tuy tôi không rõ lắm giai đoạn sau là giai đoạn sau của cái gì.
Nhưng Taro và tôi đoán nhân vật nào đó đứng ngay sau hậu trường đã thuyết phục được Boyle rằng người chơi tốt nhất nên chuyển sang tìm luôn doomster, tức là kẻ sắp gây ra chuyện sẽ xảy ra vào ngày 21 tháng 12.
Vấn đề này, Taro nói – ông ta thậm chí còn làm cả một bài diễn văn động viên tinh thần theo cung cách dè dặt của mình – chúng tôi nên mặc định những gì viết ra trong cuốn Thư tịch là đúng. Sẽ xảy ra một số sự kiện ông ta gọi là “sự kiện thảm khốc vào ngày 21, và nếu việc ngăn chặn là có thể thì chúng tôi phải tiến hành ngay. Chúng tôi cần tìm hiểu trước sự kiện. Tôi có cảm giác chúng tôi đang lần theo một thể loại sát nhân bí ẩn nào đó hoàn toàn không tồn tại, chúng tôi phải tóm một kẻ chưa hề gây ra chuyện gì, chưa để lại bất cứ dấu vết nào và có thể là bất cứ ai trên hành tinh này.
Không chỉ có thế, chúng tôi không thể cứ bắt tay vào tìm hắn mà không tìm ra cách để tìm trước – một cách tự nhiên, tôi ngầm định trước cho hắn một hình ảnh nào đó mặc dù vẫn cố để cho đầu óc thật mở. Nói một cách thật đơn giản, chúng tôi sẽ phải viết một chương trình cho phép sàng lọc cả một vũ trụ cơ sở dữ liệu mênh mông và bằng cách nào đó, chỉ ra được đúng tên doomster.
Tất cả năm người chơi chúng tôi cùng sử dụng phiên bản 3.2 của cờ Hiến tế, một phiên bản phần mềm mới được cập nhật dữ liệu của vụ tấn công ở Orlando. Mỗi người sẽ cố gắng đi từ ngày áp chót ngày cuối cùng, tức là ngày xảy ra sự kiện tại Disney, để đến cùng một đích, đó là ngày Chúa tể 4, cách ngày hôm nay 357 ngày. Chúng tôi phải gặm cho bằng được mớ dữ liệu ngồn ngộn – chủ yếu là danh sách hàng triệu cái tên, địa chỉ về nghề nghiệp – trên bàn cờ gần 260 ô cờ Hiến tế. Mỗi người cũng có ít nhất một màn hình nữa bên cạnh để theo dõi tin tức. Tôi chọntrang Bloomberg – tôi thích các số liệu kinh tế hơn bất cứ thể loại nào khác, - dòng chạy tin đang thông báo thiệt hại công cộng gây ra bởi sự kiện ở Disney World sắp lên tới một nghìn tỉ đô la, chưa tính đến cách khoản bảo hiểm phải thanh toán. Tin cũng cho hay mẻ hợp đồng ngô mới mua của tôi đã lên giá gần gấp ba. Hết sảy. Tin xấu đem lại khối tiền. Mày thành con nhà giàu thật rồi, Jed, tập quen dần với chuyện này đi. Chán một nỗi là ở đây chẳng có gì để tiêu pha…
Chết tiệt, mình đang nghĩ gì thế này? Mày cũng chẳng tiêu được số tiền ấy nếu không còn sống để mà tiêu. Tập trung vào việc đi.
Tôi gọi LEON.
Được rồi, tôi tự nhủ, đừng trì hoãn nữa. Đến lúc cắm đầu vào việc rồi.
Tôi rút túi thuốc lá nhai ra và nhét một nhúm vào miệng.
Tôi nhập mật khẩu và thách anh bạn già LEON chơi một ván với bốn viên đá, kết thúc vào ngày Chúa tể 4. Dĩ nhiên, nó trả lời đồng ý, vì nó làm gì đủ khôn để lười nhác. Tôi thực hiện vài nghi lễ cúng bái nho nhỏ theo các hướng rồi rải các viên đá và hạt ra. Trước đây tôi chưa từng thử chơi với 4 viên đá,. Thực sự chưa từng có kiểu chơi như thế. Chẳng khác gì chơi cờ vây trên bàn cờ 144 ô với hai quân vua mỗi bên. Nếu chơi theo kiểu ấy thì sẽ không còn là một ván chơi nữa mà là hai đội quân nhắm mắt lao vào nhau thành một trận ẩu đả hỗn độn. Hừ, có như thế đi chăng nữa, - tôi nghĩ, - thì cũng cứ thử đi…
Chết tiệt, tôi nghĩ, lóa mắt quá.
Tôi xóa màn hình, đứng dậy và đi tìm Ashley 2, cô trợ lý của Taro.
- Cô có nghĩ là nên tắt bớt mấy cái đèn trên trần đi không? – tôi đề nghị. Đó là những bóng đèn huỳnh quang bình thường, phẳng dẹt với ánh sáng nhợt nhạt.
Cô ta đáp là sẽ hỏi ý kiến mọi người xem sao. Tôi quay về khoang của mình. Tony Sic đi ngang qua chỗ tôi và nói xin chào. Tôi nghe tiếng bước chân hắn chạy lên cầu thang sau lưng. Rồi, sẵn sàng rồi đây.
Cái khoang chết toi này.
Bất kể chuyện gì xảy ra, tôi sẽ vẫn dành tới 97% thời gian để ngồi trước màn hình và nhập số liệu. Tôi kiếm được một đống tiền, các thành phố sụp đổ, các thành phố được xây dựng lại, tôi mất một đống tiền, thần thánh xuất hiện, thần thánh ra đi, trật tự đảo lộn, thây kệ, tôi vẫn cứ ngồi mà nhập số liệu. Chấp nhận đi, Jed, bây giờ mày là một con khỉ máy móc. Hãy cứ sống bám vào cái khoang này, ngậm miệng lại và nhập số liệu…
Khoảng một nửa số bóng đèn tắt đi. A. Tốt hơn rồi. Tôi bắt nhịp lại giờ chơi. Khởi đầu chậm chạp, không khác gì những tảng băng trôi phình to ra ở nơi này nhưng lại tan mất khi đến nơi kia, và mờ tịt nữa, như thể những tảng băng đó được kết thành từ sương mù và lại tan ra thành sương mù. Mỗi quân cờ mới lại phải tính thêm các nước đi của tất cả các quân cờ trước, giống như tập hợp chúng lại và đập vụn tất cả thành một. Và khi quân cờ thứ tư vào cuộc, tôi thấy như đang đứng trên một tầm cao mới và phóng được tầm mắt ra xa hàng trăm dặm về tất cả các hướng, cả một đại dương mênh mông của những xuất phát sai hướng, đường vòng và ngõ cụt, các con đường bao quanh phía ngoài thì bị nén chặt lại thành đá phiến sét bởi độ cong của trái đất. Bước tiếp. Bước tiếp. Bước tiếp. Một ngày thứ sáu đen tối, hai ngày tiếp theo chẳng có gì đặc biệt, rồi đến ngày thứ hai sáng sủa hơn. De todos modos.Tôi đã đến được ngày Rắn đất 1, Thảm 0, tức là ngày mồng 2 tháng 4 năm 2012, tôi chưa từng đến sát ngày cuối cùng đến thế mà không bị mất phương hướng. Gượm hẵng. Quay lại. Được rồi, như vậy là có quãng nghỉ ở nước thứ 408. Thử lại đi. Nước thứ 948.389. Đúng rồi. Nhìn rõ hơn. Những hình ảnh bắt đầu ập đến. Chúng không phải là hình ảnh hiện ra sau khi màn hình TV đã tắt, nhưng chúng thực sự được kích thích bởi linh tính rằng một chuyện gì đó tương tự sắp xảy ra. Một đoàn người chạy nạn dài dằng dặc, lôi thôi như như những tên hề bán bóng bay, xách theo hàng đống chai nhựa, hớt nước từ dưới rãnh lên. Vài con đường mờ mịt biết mất. Vài con đường khác dài hơn hiện ra. Tiếp đi. Ít dần, ít dần. Giờ thì chỉ còn khoảng một trăm viễn cảnh. Rồi còn hai mươi. Tốt. Khoan đã. Không. Mình đi quá nhanh, bỏ qua mất một con đường rồi, nhiều đường là khác. Tôi đi thẳng qua mà không để ý đến các đường nhánh. Hai mươi viễn cảnh này là con số quá ít ỏi so với hàng triệu. Ôi giời ơi, không hay rồi, tệ hại lắm đây. Được rồi. Quay lại nào. Lại tịt. Đây rồi. Thử đường này xem. Tắc tịt. Không sao. Đường này vậy. Lại tịt. Đường kia. Tịt. Giời ạ. Desesperado (Thật vô vọng – tiếng Tây Ban Nha). Những tảng băng trôi đâm sầm vào nhau quanh tôi tạo thành tiếng động như mười ngàn con chó bun đang nhai rau ráu mười ngàn chiếc xương bê. Phải có đường nào đến được đích chứ. Đường này. Đường này vậy. Miệng vực rồi. Trơn trượt. Chẳng nghĩ được gì cả. Thử đường này xem. Không. Đường xấu quá. Ngõ cụt rồi. Không được. Đường xấu. Đường xấu. Mọi con đường đều dẫn đến diệt vong. La Mã chứ nhỉ. Diệt vong. La…a Mã. Diệt vo…ong…
Tiên sư.
Tôi ấn nút thoát ra. Trên màn hình, bàn cờ chỉ đơn giản biến mất, nhưng trong đầu, tôi hình dung như vừa lật đổ chiếc bàn, hất tất cả đống đá với hạt kia xuống đất. Đồng hồ bảo 4 giờ 33 phút chiều. Tôi lùi ra xa khỏi màn hình, cảm thấy mình mẩy như bị thâm tím thực sự.
- Chào anh - tiếng của Marena.
Tôi quay ghế lại. Nó xoayquas đà làm tôi phải lúng túng ghìm lại. Và rồi tôi nhớ ra rằng cô ta là phụ nữ nên lẽ ra tôi phải đứng lên và tỏ vài cử chỉ xã giao như người ta vẫn thường làm, nhưng vì cô ta đã đứng dựa vào thành khoang rồi, đứng lên bây giờ thì còn ngượng ngập hơn nên tôi cứ ngồi yên.
- Anh ổn không? – Cô ta hỏi.
- Chào cô, - tôi đáp. – à, vâng, tôi vẫn ổn.
- Tôi nhận được giấy nhắn…- cô ta nói, - một trong… ờ, khoan đã, này, luật sư của anh đã nhận được dự thảo hợp đồng gửi đến từ công ty “Hammerhead, Mako, và White” chưa?
- Ồ, nhận rồi, - tôi đáp, - nhận rồi.
Tôi quên không kể rằng hôm qua, rốt cuộc tôi đã tóm được Jerry Weir, anh chàng luật sư tư vấn kinh doanh thuê từ công ty “Grey, Timber và Weir”, trên điện thoại. Anh ta đã sẵn sàng vào việc, ngay cả khi nền văn minh phương Tây đang sụp đổ. Anh ta xem hợp đồng cho tôi ngay cả khi đang hấp hối trên giường bệnh, cả khi đã nằm dưới mồ cũng nên. Anh ta đã sửa dự thảo hợp đồng bằng mực đỏ và khuyên tôi đừng ký vào chừng nào bên kia chưa chấp thuận phần sửa đổi ấy. Thật ngạc nhiên, họ đã chấp nhận. Thế là tôi đã trở thành cộng tác viên bán thời gian của tập đoàn Warren, một trong những tập đoàn phát triển nhanh nhất và tiến bộ nhất thế giới, với lĩnh vực hoạt động đa dạng nhất thế giới, mà bằng chứng sống chính là tôi đây.
- Tôi nhận được giấy nhắn từ phòng nhân sự, chúng tôi còn vài chuyện nữa cần hỏi anh, - Marena nói.
- Được mà.
- Xin lỗi anh, họ muốn bác sĩ L. làm việc này, nhưng tôi lại nói là để tôi. Trừ khi anh muốn làm với bà ấy hơn.
- Ồ, không, không…
- Việc này chỉ để làm bảo hiểm thôi, - Cô ta mở máy điện thoại.
- Tốt thôi, - tôi đáp, - có nhiều bảo hiểm luôn là điều khôn ngoan.
- Phải.
- Này, nhân tiện, chúng ta có bảo hiểm cho ngày tận thế à?
- Ừ, tôi biết những chuyện này kỳ quặc, - cô ta nói, - nhưng đây là tập đoàn kinh doanh mà.
- Phải.
- Rồi, trước tiên là về bệnh máu khó đông, anh biết liệu có loại thuốc nào trong số đó tương kỵ với thuốc chữa trị bệnh tâm lý không?
- Họ nói với tôi là không.
- Anh có đang dùng loại thuốc nào không được liệt kê trong đơn thuốc anh đưa cho chúng tôi không?
- Không?
- Anh có nghiện gì không?
- Ca-phê-in.
- Ta không cần ghi cái đó vào đâu.
- Nhưng tôi uống đến mười lăm tách mỗi ngày đấy.
- Hừm, dù sao tôi cũng sẽ không ghi vào. Nhưng anh nên uống ít đi, thật đấy.
- Cảm ơn, thưa Mẹ.
- Rồi, - cô ta chú thích nguệch ngoạc gì đó lên màn hình điện thoại. - ừm, vấn đề thứ hai là anh còn điều trị một bệnh khác nữa. Trong này ghi, khi đến Mỹ, họ đã liệt anh vào, à, họ đã đưa anh vào danh sách bệnh nhân “mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương có biểu hiện tương tự như hội chứng Asperger.”
- Đúng thế, - tôi đáp.
- Bệnh đó có ảnh hưởng đến hành vi của anh không?
- Ờ, không ảnh hưởng đến mức làm suy chức năng hành vi, theo như tôi biết, - tôi đáp, - sao thế? Tôi tỏ ra kỳ quái lắm à?
- Với tôi thì không, - cô ta đáp, - không, nhưng anh biết đấy, tôi cũng khác người mà.
- Hừm. Ừ, tôi có thể kỳ quái. Người ta nói với tôi vậy. Họ nói tôi quan tâm đến đồ vật hơn người.
- Có đúng thế không?
- Thật ra tôi cũng chẳng quan tâm đến đồ vật.
- Vậy anh quan tâm đến cái gì?
- Gượm hẵng. Có gì khác đâu nào? Người thì cũng chỉ là những thứ biết đi lại và nói năng thôi, phải vậy không?
- Tôi sẽ chỉ báo lại với họ là tôi đã hỏi anh điều đó và anh tỏ ra bình thường, - cô ta nói.
- Cảm ơn.
- Không sao đâu. Tôi cũng mắc một hội chứng mà.
- Vậy sao?
- Phải, nó gọi là hội chứng Laurin-Sandrow.
- Có nghiêm trọng lắm không?
- Không, chỉ là trường hợp nhẹ thôi. Mắt thường không nhận ra.
- Ồ, vậy thì tốt.
- Các vị làm đến đâu rồi? – Tiếng Boyle hỏi. Chúng tôi quay lại. Hắn đến cùng Taro.
- Chúng tôi xong rồi, - Marena đáp.
- Các vị có thấy Tony Sic quanh đây không?
- Anh ta đang ở Care Space ấy, – cô ta trả lời.
- Anh chơi với bốn viên đá thế nào rồi? – Taro hỏi tôi.
- Không tốt lắm, - tôi đáp. Ấy, tôi nghĩ, ăn nói cẩn thận nào, họ bỏ tiền ra thuê mày đấy, Jed. Mày nên bốc ra tí mùi lạc quan, nhưng nhớ dè dặt thôi. – Nhưng tôi có ý này, - tôi nói tiếp, - có lẽ…
- Tôi đang nghĩ chúng ta chắc phải dùng đến năm viên đá mới xử lý được việc này, - Taro nói.
- Làm sao chúng ta có thể chơi được với…cái gì nhỉ…à, chín viên đá được nhỉ? Boyle hỏi.
- Chúng ta thậm chí không biết nên bắt đầu từ đâu, - Taro nói. – Mỗi viên đá…mỗi khi thêm một viên mới chẳng khác nào them một bánh răng vào cỗ máy Enigma.(Loại máy dùng để chuyển các thông điệp dưới dạng mật mã được quân đội Đức phát xít sử dụng trước và trong Thế chiến II)
Tôi không nghĩ Boyle hiểu được cách ám chỉ này.
- Chúng ta vẫn phải tiếp tục, - hắn nói với Taro trong lúc dẫn ông ta đến chỗ cầu thang, Marena đi cùng họ.
- Nhắn tin cho tôi khi nào anh xong việc ở đây nhé, - cô ta nói với tôi. Tôi khẽ vẫy tay chào tạm biệt.
Tôi ngồi lại xuống ghế.
Hừm.
Có chuyện gì đó không bình thường đang diễn ra ở đây. Sic lại đang làm gì thế không biết? ồ, phải rồi, anh ta đang ở Care Space.
Tôi nghe từ này quen quen. Hình như tôi đã có lần đến Care Space rồi thì phải. Nó hẳn là một loại bệnh viện nhi hay trung tâm điều trị ngoại trú gì đó. Một trong những tổ chức phi lợi nhuận của Lindsay Warren. Hình như là ở SaltLake. Nhưng vẫn có điều gì đó không đúng. Nghĩa là tôi không nhớ ra mối liên hệ nào giữa cái tên này và căn bệnh về máu của tôi.
Có lẽ đó là trung tâm điều trị ban ngày của Stake. Sic có con sao? Hắn cũng không nói là không có. Hừm.
Nhưng nghe vẫn không ổn lắm. Tôi có cảm giác Care Space làm công việc gì đó trừu tượng hơn. Liên quan đến sự tính toán nhiều hơn.
Tôi nhét thêm một nhúm thuốc vào miệng. Nói gì về ni-cô-tin thì nói, nhưng quả là nó có thể nhen một ngọn lửa dưới lớp tế bào xám xịt của anh.
Cái tên Care Space còn gợi cho tôi nhớ đến một vài điều khác nữa. Một điều gì đó từ tối hôm qua mà tôi không biết và cũng không tìm hiểu ra được. Thứ Sáu Kỳ Quặc à? Ai đó đã nhắc đến Thứ Sáu Kỳ Quặc. Nó là thứ gì vậy? Một bộ phim hài dớ dẩn mà người ta dựng lại lần hai còn dớ dẩn hơn? Hay có chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày thứ sáu? Chắc chỉ là một lễ hội gì đó ở địa phương thôi. Để chuyện đó lại nghĩ sau. Tối qua còn chuyện gì không bình thường nữa nhỉ? Ngoài tất cả những chuyện không bình thường khác ra.
À, có hơi không bình thường một chút khi Taro đề cập đến việc du hành xuyên thời gian ở cuối câu chuyện. Thực ra, với Taro thì chuyện đó cũng chẳng có gì quá bất bình thường. Cũng như rất nhiều người thích toán học khác, ông ta và tôi luôn nói đến những chuyện kiểu như vậy. Ông ta là người thích suy luận. Nhưng điều không bình thường là ông ấy lại nhắc đến chuyện ấy vào đúng thời điểm đó. Thế nào nhỉ? Taro nói rằng chẳng có tương lai nào hết. Bởi vì chẳng có người nào quay ngược thời gian trở về đây. Đúng rồi. Sau đó Boyle hỏi rằng…phải rồi. Anh ta hỏi rằng nguyên nhân chẳng phải vì Novikov sao.
Hừm…vấn đề là, tình cờ tôi lại biết Novikov là gì. Đó là nguyên lý nhất quán tự thân Novikov, một cách để tiếp cận vấn đề thời gian mà không dựa vào lý thuyết đa vũ trụ cũ rích và kém thuyết phục. Về cơ bản, nó là một định lý phát biểu rằng việc du hành xuyên thời gian không nhất thiết phải gây ra những mâu thuẫn vật chất. Nhưng làm sao Boyle lại biết được nó nhỉ? Hắn đâu biết gì về toán học. Thậm chí còn hơi đần độn nữa là đằng khác. Mà lúc ấy cũng có ai hỏi hắn về chuyện đó đâu. Và vì sao không ai lên tiếng phản đối rằng việc du hành xuyên thời gian là không thể? Ngay cả cái lão Michael Weiner cũng không thắc mắc gì. Mà lão ấy thì lúc nào chẳng lăm le muốn thể hiện ý kiến của mình.
Và còn có điều gì khác nữa, một sự ám chỉ mà tôi chưa hiểu và cũng chưa tìm hiểu được…
Care Space. Không. Kerr Space mới đúng.
Roy Kerr.
Không thời gian Kerr.
Tôi mở trình duyệt Firefox. Tôi tìm kiếm từ “Kerr Space” trên Google. Có đến hàng nghìn kết quả. Tôi mở xem trang đầu tiên.
Hố đen Kerr giống như Hố giun, trang Wikipedia viết.Nhờ hai giới hạn sự kiện khác nhau, nó có thể tránh không chạm phải điểm kỳ dị hấp dẫn (là điểm trong không gian mà tại đó vật chất với trường hấp dẫn cực lớn bị nén chặt đến nỗi điện tích bề mặt của nó bằng không và khối lượng là vô hạn, do vậy, tại điểm này, các định luật khoa học đều không áp dụng được nữa) của hố đen, nếu hố đen có một chân không Kerr.
Dios perro (quỷ thần ơi – tiếng Tây Ban Nha), - tôi nghĩ, - quỷ thần ơi.
No es possible, no es possible. ( không thể nào, không thể nào – tiếng Tây Ban Nha).
Một cảm giác ngứa ran lên dưới lưng tôi. Đó không phải cơn giần giật của tzam lic. Đó chỉ là cái lạnh nổi da gà khi người ta khám phá ra một bí mật lớn.
SSC, tôi lại nghĩ, chẳng thể hiểu nổi nó là chữ viết tắt của cái gì. Viên đặc vụ đã nói cái gì đó đại loại rằng “SSC vẫn đang hoạt động.”
SSC là viết tắt của cái gì? Xem nào. Có thể là bằng trung học cơ sở, hội thập tự thiêng liêng, ủy ban bảo vệ sinh tồn các loài, nhưng, thực ra…
Hà, phải rồi. Máy gia tốc phân tử siêu dẫn.
Ma quỷ ạ, - tôi nghĩ.
Đúng là nó rồi. Đúng là nó rồi. Trời đất ạ. Là nó. Là nó…
Taro không chỉ nói suông về giả thuyết như mọi lần nữa. Ông ta đang xúc tiến việc gì đó. Họ đã bàn nhau về việc du hành xuyên thời gian từ trước. No es possible,tôi nghĩ.
Tôi bật nắp điện thoại, vào bản đồ Stake và kích vào chữ TARO. Chấm màu tía tượng trưng cho ông ta không xuất hiện ở đâu cả. Ông ta dám tắt thiết bị đi sao? – tôi phân vân. Có lẽ ông ta đang ngồi ở một chỗ nào đó bí mật và không bắt được tín hiệu. Cái đồ quỷ tha ma bắt. Tôi thử tìm Marena. Chấm xanh lơ của cô ta hiện lên ở “khu nhà sắp thành khách sạn”, chắc cô ta đang ở ngay trong phòng. Vậy là dù Taro, Tony và Boyle đang làm gì đi chăng nữa thì cô ta cũng không tham gia cùng họ. Hừ. Tôi đứng dậy. đi nhanh về chỗ lối ra, chạy lên cầu thang – thang máy vẫn chưa hoạt động được, - và lao ra ngoài trời, ngang qua khoảnh sân trải nhựa về khu nhà nghỉ. Dọc hành lang dài dằng dặc những tín đồ dòng Thánh Ngày Cuối với khuôn mặt nhẵn nhụi, bợt bạt đang hối hả đi ra rồi lại đi vào các phòng, vác theo những bọc quần áo cũ kỹ. Một chiếc máy bay chuyên chở những người này đã hạ cánh sáng nay, và mỗi giờ sẽ lại có thêm những chiếc khác đến. Trên mạng LAN của Stake – trong mục “Các thông tin quan trọng khác – người ta đã cảnh báo chúng tôi không được gọi họ là dân tị nạn, vì họ đều là người Mỹ. Tôi len qua đám người đến trước cửa phòng Marena. Tôi đập cửa thình thình. Không có tiếng trả lời. Tôi chọn chấm sáng của cô ta trên màn hình và ấn nút KHẨN CẤP.
Tôi chờ đợi. Tiếng cô ta vọng ra.
- Gì thế?
- Khẩn cấp lắm, - tôi gào hổn hển.
- Nhưng tôi đang tắm.
- Tôi nói nghiêm túc đấy. Thật đấy. Thật đấy.
- Chờ tôi một lát.
Hai phút sau, cô ta mở cửa. Cô ta đang khoác chiếc áo choàng tắm to đùng màu xanh lá cây lòe loẹt hiệu Marriot Amenities, với một cái khăn bông cũng màu xanh quấn quanh đầu nhìn như mũ lông chim. Mặt cô ta ướt đẫm. Vào một lúc nào khác thì như vậy là đủ gợi cảm để tôi xao lãng đi. Nhưng tôi chỉ nói là tôi cần, rất cần, nói chuyện riêng với cô ta, một cách cực kỳ, cực kỳ bí mật.
- Ta ra ngoài đi, - cô ta nói.
Cũng như tôi, đa phần người châu á khác, và theo tôi đoán là như xu hướng của hầu hết mọi người thời buổi này, theo bản năng, khi cần sự riêng tư, thay vì đi vào một căn phòng nhỏ và đóng chặt cửa lại thì cô ta lại đi ra ngoài, nơi có thể quan sát là chắc chắn không có ai để tai nghe. Cô ta dẫn tôi đi qua phòng ăn, qua phòng giặt là, ra phía sau tòa nhà, sáu inch gấu áo choàng kéo lê dưới bụi đất. Chúng tôi đang đứng trong một góc kín giữa tấm mái che bằng nhựa của toàn nhà và một đống cốt sắt bê tông cao sáu feet.
- Được rồi, chuyện gì mà quan trọng thế? – cô ta hỏi.
Tôi lúng ba lúng búng, y như hồi còn học ở trường phổ thông Nephi, khi tôi gọi cho Jessica Gunnison để mời cô ta đi chơi. Được rồi, cố lên, Jed. Nói gì đi.
- E hèm, tôi đang nghĩ về Kerr Space, tôi nói.
- Ừ, nó làm sao? – cô ta hỏi lại. Ít nhất thì cô ta cũng không giả vờ tỏ ra không biết gì.
- Chỉ là, cô biết đấy, nếu cô thực sự muốn biết các cụ ngày xưa chơi trò chơi ấy như thế nào thì cô phải hỏi họ.
- Vậy anh khuyên chúng tôi nên làm gì để thực hiện được vụ việc đó? – cô ta hỏi. Rất khó nghe rõ tiếng cô ta giữa những tiếng xành xạch của một chiếc máy bay chuẩn bị hạ cánh.
- Chắc các vị có một cỗ máy thời gian, - tôi nói.
Chết rồi, - tôi nghĩ, - câu đó nghe không được tự nhiên lắm.
- Anh đùa đấy à? – Marena hỏi lại. Cô ta gỡ chiếc khăn bông khỏi mớ tóc. Với một người nhỏ bé như cô ta thì tóc như vậy là khá nhiều, và bây giờ, khi nó xù ra và dựng đứng lên, nom cô ta hơi giống một con búp bê hề, có điều dễ thương hơn. – Máy thời gian có bao giờ hoạt động được đâu, phải không?
- Chẳng phải điều đó phụ thuộc vào việc người ta làm gì với nó sao?
- Ý anh là gì?
- Nó không phải là một…nó là Thứ Sáu Kỳ Quặc, - tôi đáp.
- Ai nói với anh chuyện về Thứ Sáu Kỳ Quặc thế?
- Tức là họ sẽ không gửi đi một vật chất cụ thể nào.
Cô ta buông rơi chiếc khăn bông xuống đất và đưa tay vuốt tóc ngược ra sau, cặp lại bằng một chiếc cặp lớn. Cô ta nhìn vào mắt tôi. Trong mắt cô ta, đường viền dưới của tròng mắt màu nâu ánh vàng hướng trực tiếp ra ánh sáng, vì vậy, tôi nhìn nó giống như một hình tròn phẳng dẹt nằm trên một hố tối đen. Tôi nhìn sâu vào đồng tử, mong tìm thấy một tia sáng ánh lên hoặc một sự dãn nở nào đó có thể…vấn đề là người ta cứ cho rằng cặp mắt là cửa sổ tâm hồn nhưng thực ra chúng chỉ câm lặng và đần độn như bất cứ thứ gì khác.
Điện thoại của cô ta rung lên. Cô ta nhìn ra chỗ khác và thò tay vào túi tắt máy.
- Tôi đã nói với Max là sẽ gọi cho nó ngay, - cô ta giải thích.
- Họ chỉ gửi đi các bước sóng hoặc thứ gì đó tương tự, SSC sẽ tạo ra một lỗ hổng trống không hoặc một hố giun nào đó, và nó sẽ…ta sẽ đến được bộ óc của một ai đó ở đầu bên kia.
- À, - cô ta nói, - ờ…tôi đoán anh cũng đã tìm hiểu sách vật lý một vài lần, phải không?
Tôi đáp lại câu gì đó, nhưng chắc là không ra đâu vào đâu vì đầu tôi còn mải lặn ngụp trong vòng xoáy những suy đoán.
Theo một trong những truyền thuyết cổ xưa nhất về vua Arthur, thầy phù thủy Merlin có một bàn cờ với những quân cờ tự di chuyển, và đáng chú ý hơn là ông ta không bao giờ để thua trong một ván nào. Ngày nay, phần lớn chúng ta, những người đang sống để chứng kiến chuyện ấy xảy ra thực sự. đều biết chúng được hình thành và phát triển ra sao, nên chúng ta chẳng thấy có gì là kỳ lạ. Nhưng có một lần, vào năm 1998, khi tôi đưa bộ trò chơi Excalibur 2400 cũ của mình cho một ông già Maya hơn tám mươi nghiện chơi cờ xem - ông ta là một người đếm mặt trời sống ở Santa Eulalia, một vùng hẻo lánh xa tít trên cao nguyên Huehuetenango – tôi đã thấy sức mạnh của công nghệ gây ra sự ngạc nhiên thích thú xen lẫn sợ hãi đến thế nào trong mắt ông ta, và ông ta cứ miệt mài ngồi trên cái thùng đựng dầu Pemex Oil cũ trươc cửa quán rượu, chơi và thua hết ván này đến ván khác, đến tận đêm khuya. Cuối cùng, tôi đành để ông ta lại với bộ đồ chơi cùng lượng pin đủ dùng cho cả năm. Và bây giờ đây, tôi thấy mình gặp phải chính cảm giác ấy, cảm giác sững sờ như khi chứng kiến con người đặt chân lên mặt trăng, giải mã được ADN hay chiết xuất được chất phóng xạ. Kinh khủng thật, tôi nghĩ, kinh khủng quá.
Marena quay đi và bước ra khỏi góc tối, đi qua đống cốt sắt bê tông đến chỗ cái hẻm nằm giữa một cỗ máy đào khổng lồ và một chiếc máy trộn xi măng. Tôi đi theo.
- Tony Sic sẽ đi phải không, - tôi hỏi.
- Đi đâu?
- Trở về.
- Về quá khứ á?
- Phải.
- Không hẳn vậy…
- Cho tôi mượn thứ ấy một phút thôi, - tôi nói, - tôi hứa sẽ mang trả trước khi rời đi.
Quỷ tha ma bắt mày đi, Sic, - tôi nghĩ, - tiên sư nó, cái thằng con hoang bảnh chọe thích phơi mặt ra đường ấy. Hắn sẽ được thấy tận mắt. Hắn sẽ biết nó như thế nào. Còn tôi thì không. Mẹ kiếp! Thiên hạ thường bảo tình dục, cảm giác thèm ăn và sợ hãi là những động lực kích thích lớn nhất. Nhưng thật ra phải là sự ghen tị cơ. Ba thứ kia thậm chí chẳng theo kịp.
- Nghe này, - tôi tiếp tục, - tôi nói nghiêm chỉnh đấy. Tôi có thể làm việc này tốt hơn anh ta nhiều. Tôi đã đánh bại anh ta trong ván cờ với ba viên đá. Chắc chắn tôi hiểu biết hơn anh ta…cô biết đấy, những thứ anh ta phải học thì tôi biết tỏng từ khi lên năm.
Một sự im lặng ngắn ngủi nhưng đáng sợ. Một chiếc trực thăng nữa bay ngang qua, hướng về phía tây để tuần tra đường biên giới.
- Anh nghe này, - Marena nói. Cô ta ngồi xuống một tảng bê tông mới đúc, khoanh chân lại dưới lần áo choàng, lặng lẽ châm một điếu Camel. Tôi đứng yên, gắng không bước vòng quanh như vẫn thường làm. Nào, Jed, bình tĩnh nào. Cố bình thản đi, dù chỉ một tẹo thôi. Cô ta biết mày ham hố chuyện đó, nhưng đừng để cô ta biết nhiều quá.
- Tôi không phải là người duy nhất phụ trách việc này, - cô ta nói tiếp. – Họ đã dự tính hết những việc có thể xảy ra với Tony…
- Và tôi cũng biết tôi có thể hiểu được hết những gì liên quan tới trò chơi, - Nhận thấy hai bàn tay mình đang khua khoắng loạn xạ trước mặt, tôi liền nhét chúng vào túi quần. – Bất kể chúng có phục tạp đến mức nào. Tất cả mọi thứ.
- Anh không biết nó phức tạp đến mức nào đâu. Cả tôi cũng không biết nó phức tạp đến mức nào. – Cô ta hít một hơi dài, thở ra. – Nói tóm lại, tôi đang rất lúng túng.
- Tôi không quan tâm nó phức tạp đến mức nào, - tôi nói. Quả thực là phức tạp đây. Lạy giời. - Tôi có nhiều động cơ hơn…hơn…tôi cũng không biết nữa…hơn cả cái Viện nghiên cứu Lee Strasberg.
- Tôi tin chắc đó là sự thực.
- Phải, đó là sự thực.
Thực ra, tôi sẵn sang đánh đổi cả tinh hoàn phải của mình, - tôi nghĩ, - cả cánh tay phải nữa, cả con mắt phải, cả cẳng chân phải, cả nửa não bên phải nữa, để được làm việc này. Tất cả những gì không thiết yếu…
- Dù sao tôi cũng đã để lộ chuyện cho anh biết rồi, tôi đáng phải mổ bụng mà tự sát. – Cô ta vứt điếu thuốc lá xuống đất và dùng bàn chân đi đôi giày cỡ sáu hiệu Croc màu xanh lá cây di nát nó. Đó là một động tác hùng biện quen thuộc và cô ta thực hiện nó với một chút quả quyết.
- Nếu tôi van xin thì có được không? – tôi nài nỉ. – tôi sẽ van xin. Người đó phải là tôi.
Còn gì là lạnh lùng bình thản nữa cơ chứ.
- Chúng ta sẽ xem xét lại chuyện này sau vài tiếng nữa, khi cả hai đã bớt kích động, - Marena đáp. Cô ta vuốt tay lên má, từ dưới lên trên như thể đang thực hiện một động tác căng da mặt. – Anh biết đấy, không dễ khiến tất cả mọi người thay đổi những gì họ đã…
- Xin cô đấy, người đó phải là tôi.
16
Ngày Đầu lâu thần chết 9, Trắng 19, 11.14.18.12.6, tức Thứ 6 ngày mùng 8 tháng 11 năm 1518, khi một đạo quân tự xưng là Quân đội của Đế quốc Tây Ban Nha Mới tiến theo con đường đất đắp cao rất rộng chạy thẳng về hướng đông vào thành Tenochtitlan, thì thủ phủ của người Aztec này vẫn còn là thành phố lớn thứ tư thế giới, một thành phố xây quanh những con kênh đào, chẳng khác gì thủy thành Venice thứ hai, sạch sẽ và gọn gàng như ô bàn cờ nằm giữa một khu hồ khi đó còn bao phủ sáu mươi dặm vuông ở miền trung Mexico. Báo cáo trinh sát cặn kẽ nhất của Bernal Diaz, viên sĩ quan trung úy của tướng Cortés, đã mô tả lại rằng: có những tòa lâu đài và kim tự tháp màu lam nhạt sáng bóng vươn lên từ mặt nước “nom như khung cảnh thần tiên đến từ một vương quốc trong cuốn Amadis, thậm chí một vài binh lính đã hỏi nhau rằng có phải họ đang nằm mơ chăng”.
Chuyện kể về Amadis xứ Gaul là một cuốn sách bắt chước theo kiểu truyền thuyết về vua Authur được viết năm 1508 bởi một tay viết xoàng xoàng tên là García Ordofiez de Montalvo, nhưng thực ra, nó cũng là một tác phẩm lãng mạn khá được ưa chuộng vào thời đó, có thể được ví ngang với sách của Tom Clancy ngày nay, được rất nhiều người tìm đọc trong một thời gian dài trước khi bị Cervantes nhại lại một lần nữa. Và việc cái kẻ ti tiện hám lợi kia liên tưởng đến những hình ảnh đó trong khi tiếp tay cho sự mở màn của một trong những tội ác diệt chủng lớn nhất trong lịch sử trái đất thật khiến người ta quá đỗi kinh tởm.
Nhưng phần tồi tệ nhất, sự khốn nạn thực sự lại nằm ở chỗ nó quả thực giống một thiên tiểu thuyết anh hùng lãng mạn. Cuộc Chinh phục, hay ít ra là giai đoạn đầu của nó, đã thực sự góp phần tạo nên những câu chuyện sử thi bi tráng được thần thánh hóa về lòng gan dạ. Người Tây Ban Nha đã vượt biển đến vùng đất lạ thường này, đã xâm nhập vào một đế quốc huy hoàng và đáng sợ, đã gặp gỡ một tộc người xa lạ, đã ngược đãi họ, đã chiến thắng áp đảo và trở nên giàu có một cách đồ sộ. Họ phải biến giấc mơ của mình thành hiện thực, và đó chính là vấn đề. Con người luôn có cách để hiện thực hóa ảo giác của họ, và như Irene Cara đã nói, hãy coi chừng khi có người tìm thấy niềm đam mê của mình và thực hiện nó. Song vào thời điểm ấy, khi tôi hiểu ra – tuy là mơ hồ thôi – việc họ sắp bắt tay vào, tôi cũng không nghĩ đến chuyện ấy. Tôi quay sang bước vào những vùng đất của Amadis, vào thế giới của trí tưởng tượng vô hạn, nơi thiên hà có thể xoay chuyển, nơi Lolita (Nhân vật nữ trong tác phẩm cùng tên của Vladimir Nabokov) thì thầm bên tai tôi, nơi Moby Dick (Con cá voi khổng lồ trong tác phẩm cùng tên của Herman Melville) nổi lên từ lòng biển sâu.
Marena không nói cho tôi hay chính xác họ đang dự định làm cái gì. Nhưng tôi đoán nó không phải một chuyến hành trình xuyên thời gian như trong những cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng kinh điểm, vì tôi hầu như đoan chắc chuyện đó không thể thực hiện được. Từ những câu nói ấp úng và quanh co của cô ta, có vẻ như cuộc hành trình chỉ là quan sát từ xa, không thể quá vất vả hay nguy hiểm được. Tôi hình dung ra cảnh mình ngồi thoải mái trong phòng thí nghiệm của Taro, thưởng thức những hình ảnh thực tại ảo bằng cả năm giác quan về bản sao của chính mình đang xem hai người đếm mặt trời Maya chơi một ván cờ Hiến tế hoàn chỉnh với chín viên đá.
Marena nói thực ra cô ta cũng có ý muốn để tôi vào thay vị trí của Sic trong cái mà họ gọi là dự án Count Chocular – hình như tất cả mọi hoạt động bí mật của Warren đều được đặt tên theo các loại ngũ cốc ăn sáng thì phải. Cô ta nói thậm chí đã đề cử tôi làm người dự bị. Nhưng ở Kerr Space người ta cho rằng Sic có nhiều ưu thế hơn tôi. Tôi hỏi lại rằng những ưu thế ấy là gì. Cô ta đáp một là tâm lý ổn định, hai nữa là anhta đã trải qua vài thử nghiệm mới. Cô ta không nói kỹ thêm về kế hoạch của họ.
Cô ta nói sẽ bàn chuyện này với Taro và tôi nên quay lại làm việc hoặc uống mấy viên Viodin và bình tĩnh lại. Tám giờ bốn mươi phút tối hôm ấy, chúng tôi nói chuyện với nhau qua điện thoại. Cô ta bảo đang ăn tối tại “khu nhà của Lindsay”, và rằng cô ta sẽ nói giúp tôi mấy lời. Tôi cảm ơn. Tôi uống Vicodin. Taro gọi điện lúc 11 giờ. Ông ta nói Marena đã nói với ông ta về chuyện của tôi và ông ta cũng đang suy nghĩ. Ông ta nói không thể cho tôi biết thêm chi tiết về dự án. Ông ta nói sẽ có một lời đề cử cho tôi.
Tôi thao thức trằn trọc cả đêm. Bảy giờ sáng hôm sau, tôi quay lại phòng thí nghiệm. Sic không có ở đó. Tôi cứ nằng nặc hỏi hắn ở đâu để thách chơi một ván. Asley nói họ - hoặc là Họ - thậm chí không muốn tôi nói chuyện với hắn nữa. Chắc Họ sợ tôi giết hắn. Cuối cùng tôi cũng quay lại làm việc, nhưng dĩ nhiên là không tài nào tập trung được.
Hôm sau, ngày 31, Marena thông báo họ sẽ để tôi thử sức, nếu qua được, tôi sẽ được xếp vào danh sách ứng viên. Chiều hôm đó, lũ đần ở Stake, giờ đã lên tới hơn hai mươi ngàn người còn khỏe mạnh, tập trung tại sân vận động Hyperbowl để nghe buổi nói chuyện nhà tiên tri đương nhiệm qua một màn hình lớn bằng sáu tầng nhà. Tiếp đến là một buổi hát nguyện hòa theo Lễ rước Hòm thánh. Tôi muốn bỏ đi lắm lắm, nhưng chẳng hiểu sao lại không đi được. Tôi cứ ngồi đó và kiểm tra tình hình ở nhà. Ở Indiantown, mọi việc không được ổn lắm. Có đến nửa số người tôi quen biết ở đó vẫn mất tăm. Thay vì đưa những người bị mất nhà cửa đến chỗ tạm trú mới ở các thành phố khác – cách làm này đã gây nhiều rắc rối phát sinh sau cơm bão Katrina – Cục Quản lý Tình huống Khẩn cấp Liên Bang đã xây dựng một trung tâm lánh nạn ngay tại Camp Blanding và hiện số người trú tại đó đã lên tới hơn hai triệu.
Trên blog, BitterOldExGreenBeretCracker vẫn tiếp tục tuyên truyền về việc Quốc gia Hồi giáo đứng sau vụ này bởi ngày thứ 4 đó từng được dự báo là ngày tái xuất của một tay bác học điên tên là Yakub mà tôi đoán là một kể chống lại chúa Giê-su. Hell Rot thì nói các hạt poloneum đã được phát tán bằng một hệ thống phun sương nào đó rất phức tạp, một tên phá hoại hay khủng bố đơn độc không thể chế tạo được, và rằng vụ tấn công hầu như chắc chắn do một chính phủ nào đó giật dây, có khi chính phủ của chính nước ta cũng nên. Có lẽ anh ta nói có phần hơi đúng, - tôi nghĩ. Đối với các âm mưu, vấn đề không nằm ở chỗ không có, mà là có quá nhiều. Nhưng đối với một âm mưu có thật đằng sau một tình huống X nào đấy lại có vài trăm ngàn giả thiết không thật, một vài trong số đó còn bắt nguồn từ những kẻ đồng lõa với chính âm mưu đó. Cũng có những giả thiết nửa thật nửa giả che đậy trên sự thật thực sự khiến hàng chục năm sau người ta vẫn không tài nào phát hiện được điều gì đã xảy ra. Nhưng có lẽ lần này…
Bài sát hạch bắt đầu vào ngày mùng hai. Tôi tưởng nó là thứ gì đó mà nếu tôi gắng sức, tôi sẽ làm được tốt hơn người khác. Nhưng té ra nó chẳng liên quan gì đến nỗ lực của tôi. Nghĩa là nó chỉ kiểm tra đúng tình trạng hiện thời của tôi thôi. Đầu tiên là một cuộc kiểm tra sức khỏe và tình trạng tim mạch kéo dài sáu tiếng đồng hồ. Kết luận là ngoài một căn bệnh dễ gây tử vong ra thì sức khỏe của tôi vẫn thuộc loại B+, được như vậy không phải tôi thích thế hay vì tôi không thích tập thể dục, mà vì nếu anh là bệnh nhân mắc chứng máu khó đông, thì anh chỉ có hai lựa chọn, hoặc giữ sức khỏe tốt, hoặc toi. Sau đó là những bài kiểm tra trí tuệ chung kéo dài mười bốn tiếng, bao gồm kiểm tra trí nhớ (dễ), các câu hỏi về dãy số và hình học không gian (dễ tương tự), kiểm tra ngôn ngữ (vẫn khá dễ), trắc nghiệm cảm xúc (tôi đoán là trượt, như mọi khi) và các trắc nghiệm kỹ năng giao tiếp, chẳng hạn như đoán xem một người trên đoạn băng video đang nói thật hay nói dối (hoàn toàn chẳng hiểu gì). Họ thử một cách đánh giá năng lực cảm xúc mới, cắm đủ thứ dây rợ vào người tôi và cho tôi xem những đoạn băng ghi hình lũ trẻ con ốm đau bệnh tật và lũ chó bị bắn thủng ruột, cứ như tôi là Alex DeLarge (Nhân vật mắc chứng tâm thần trong phim A Clockwork Orange) không bằng. Tiếp đến là những bài kiểm tra soạn riêng cho tôi. Theo tôi hiểu, họ đang cố tìm hiểu xem tôi quyết tâm làm việc này đến mức nào và động cơ của tôi là gì. Có giời biết được kết quả của bài kiểm tra ấy thế nào. Tôi cũng không biết mình nên thành thật đến mức nào về động cơ thực sự của mình, ý tôi là động cơ khác ngoài động cơ cứu trái đất khỏi ngày tận thế. Không phải là tôi không quan tâm đến ngày tận thế. Ý tôi là có ai lại không quan tâm cơ chứ? Nhưng đó không phải là động cơ cá nhân của tôi. Cũng không phải là Marena. Mặc dù dĩ nhiên tôi thấy cô ta khá hấp dẫn, và cảm giác thôi thúc muốn làm người hùng cũng là điều tự nhiên thôi. Phải không? Ừm, nếu cô ta muốn hẹn hò với một nhân vật nổi đình nổi đám, thì tôi sắp nổi đình nổi đám đây, không phải chỉ lắm tiền, mà là một người hùng hoàn hảo, làm được chuyện động trời, vì thế, tất cả những gì tôi làm trước kia, dù thối nát đến đâu, cũng không thành vấn đề nữa. Nhưng đó vẫn không phải động cơ chính của tôi.
Sự thật là, tôi đã có kế hoạch riêng của mình. Và tôi đã ấp ủ nó từ khi mới ra đời. Các bạn đã từng nghe về những cặp sinh đôi trong đó một đứa bé đã bị sảy từ khi còn trong bụng mẹ, và khi đứa còn lại lớn lên, mặc dù không biết nhưng vẫn luôn nói rằng họ cảm thấy thiêu thiếu ai đó. Tôi không có anh em sinh đôi bị sảy, nhưng tôi luôn có cái cảm giác ấy, cảm giác muốn tìm kiếm một thứ gì đó mà tôi đã mất. Ba phần năm những giấc mơ của tôi là cảnh tôi chạy quanh và tìm kiếm thứ gì đó, hay đúng hơn là nơi nào đó. Đó không phải một đồ vật nhỏ, mà là một nơi lẽ ra chỉ loanh quanh đâu đây thôi, nhưng chẳng bao giờ thấy. Và giờ đây, rốt cuộc tôi cũng đã nhắm được chính xác vào con quỷ nhỏ tai quái mà tôi đã dành cả cuộc đời buồn chán của mình để vồ chụp. Tôi muốn giành lại những cuốn sách của dân tộc tôi, tôi muốn dành lại nền văn minh đã bị chèn ép, bị vùi dập, bị xé nát, bị lãng quên tuy chưa chết hẳn của dân tộc tôi, và tôi muốn làm việc đó ngay bây giờ. Nghe ngớ ngẩn nhưng thật lòng. Thử tưởng tượng nếu anh là một đứa trẻ được đưa ra khỏi nơi nào đó như Alantis hay trại tập trung Warsaw, hay Krypton, hay Bosnia, hay Guatemala chẳng hạn, và trước khi gửi anh đi, cha mẹ cho anh vài vật làm tin, mấy mẩu gỗ ghép tranh cũ chẳng hạn. Chúng đã sởn hết các mép nhưng màu sắc của hình vẽ, chẳng biết là hình gì nữa bởi chúng chỉ là một phần của bức tranh lớn, thì vẫn tươi tắn và sắc nét. Và anh mang chúng theo suốt cả cuộc đời, mỗi lần nhìn vào, anh chỉ đoán được mơ hồ hình ảnh của bức tranh lớn mà trước kia chúng là một phần. Rồi anh nghe tin ai đó đang giữ cả, hay ít nhất là một phần bức tranh. Anh sẽ là gì? Chúa sẽ làm gì? Bất cứ ai sẽ làm gì?
Điều tôi sẽ làm là: tôi sẽ vượt qua Sic để họ phải chọn tôi, tôi sẽ bước vào cái gọi là Kerr Space đó. Tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần làm. Tôi sẽ làm sao để nền căn minh xa xưa ngấm đầy bộ óc như miếng bọt biển vỏn vẹn 1534 xăng ti mét vuông của tôi và mang nó qua trở về.
17
Thứ 4, ngày mùng bốn, Marena gọi điện và dặn tôi chuẩn bị sẵn sàng để gặp sếp lớn vào sáng sớm ngày thứ 6. Đó là bức rào cuối cùng. Ai đó hẳn nghĩ rằng ông ta muốn ra quyết định nhận tôi, hoặc không, ngay lập tức cho khỏi tốn công sức, tiền của kiểm tra. Nhưng Lindsay Warren thuộc loại người sẵn sàng bỏ thì giờ ra để chờ đợi cơ hội cúi xuống nhặt một tờ séc một nghìn đô la ai đó đánh rơi. Đưa tôi ra giải quyết đầu tiên, trước tất cả các vấn đề khác chính là quy trình của họ, giống như cách mà trước đây người ta vẫn chuẩn bị bữa tối hằng ngày cho Louis XIV ở tất cả các lều săn, chỉ để đề phòng ông ta sẽ ghé qua.
Cho đến lúc này, Marena vẫn kín như bưng. Kế hoạch vẫn là để Sic đi. Tâm lý vững vàng và kỹ năng xã hội luôn chiến thắng sự thông minh mà. Sic lại có dáng chuẩn như người mẫu chụp ca-ta-lô cho hãng thời trang Patagonia nữa. Tuy nhiên tôi vẫn biết có ba người chưa quyết định bỏ phiếu cho tôi hay cho Sic, đó là Lindsay, và hai người nào đó được gọi là Snow và Erra Hatch. Bằng cách này hay cách khác, họ đã giấu kín kết quả. Tôi không biết Boyle và Michel Weiner bỏ phiếu cho ai. Cả Marena nữa. Mặc dù cô ta thích mình, - tôi nghĩ. Và Taro… ừ, Taro cho rằng… rồi, được rồi, nói thẳng vậy… ông ta biết mình hơi hâm. Nhưng ông ta có thể bỏ qua chuyện đó. Nhưng Boyle thì ghét mình. Cả cái lão Weiner chó chết kia cũng ghét mình. Vậy tình hình bây giờ có thể là hai chọi hai. Và lá phiếu của Lindsay dễ có trọng lượng gấp tám lần. Và vấn đề là – nếu có trẻ con ngoài kia, hãy để chúng nghe lời khôn ngoan có vẻ như xuẩn ngốc này – chưa bao giờ có chuyện người ta xét đơn thuần các phẩm chất của anh. Kể cả khi quyết định một vấn đề sống còn như ngày tận thế, mọi sự vẫn phụ thuộc vào việc người ta có thích anh hay không, anh có đẹp mã không, có tham gia hội kín nào ở New Haven không, hay tên anh có kết thúc bằng nguyên âm hay không. Đó là chuyện thường tình.
Tôi vật vã mất hai ngày liền. Sáng thứ 6, Laurence Boyle gặp Marena và tôi trong một căn phòng trần thấp, rộng và trống trải trong Khu Nghiên Cứu và Phát Triển Tạm Thời Số 4 của Stake, một khu nhà xây theo kiểu hầm boong-ke phía dưới sân vận động. Hắn hiện diện lúc bảy giờ sáu phút, với chiếc cổ áo cài kín mít khiến cái đầu nom như được vít chặt vào một chiếc ống và khoác áo vét đen. Chúng tôi uể oải lê qua một dãy khoang làm việc, trong mỗi khoang là một “ẩn sĩ” ngồi mải miết. Có vài người đang chơi bi lắc ở khu vực thư giãn giữa phòng. Họ dán mắt vào Marena như thể cô ta là nữ hoàng Amygdala (Nhân vật trong phim Cuộc chiến tranh giữa các vì sao).
- Những căn phòng này còn xuống thêm hai tầng nữa? – Boyle hỏi, hay nói cũng chẳng biết nữa. – Tất cả đều đang lập trình và thử nghiệm Hệ Thống Trận Địa Đối Không?
- Đó là một phương tiện hàng không không người lái phải không? – Marena hỏi nhưng không tỏ ra chút gì là quan tâm thực sự.
- Phải, - Boyle đáp. Hắn dẫn chúng tôi đến một cần thang máy khung kính lớn với một nhân viên bảo vệ mặc đồng phục xanh lá cây đứng sẵn bên trong.
- Bây giờ chúng ta đang đứng ngay dưới đường biên giới phía tây của sân vận động đa năng, - Boylle nói với tôi. Tôi miễn cưỡng gật đầu và liếc vào bản đồ định vị cá nhân:
North entrance: Cổng vào phía Bắc
Limit of upper seating level: Hàng ghế cao nhất trên khán đài
Seating level 14 – 52: Các hàng ghế từ 14 đến 52; Seating level 1 – 13:
Các hàng ghế từ 1 đến 13; Safe room: Phòng An toàn
VVIP SkyBox: Khoang Cực VIP
Great glass elevator: Thang máy chính; Warren Group Office: Văn
phòng tập đoàn Warren; Playing Field: Sân vận động
Exhibition Arcades: Khu triển lãm; South entrance: Cổng vào phía Nam
Main entrance: Cổng chính; Tree of Life: Cây biểu trưng
Hospitality count: Sảnh đón khách
Các chữ khác để nguyên.
- Xin chào, - một giọng nói nghe như của Julie Andrewa(Nữ diễn viên người Mỹ) cất lên. Tôi ngớ ngẩn nhìn xung quanh. – Xin quý khách vịn vào tay vịn an toàn trong lúc chúng ta đi lên. – Tôi nhận ra đó là tiếng thông báo tự động trong thang máy, đủ tự nhiên để lừa bất cứ ông thầy luyện giọng nào.
- Xin lỗi? – Marena yêu cầu tay bảo vệ làm cảnh trong thang máy. – Anh có nghĩ là… ờ… làm ơn tắt cái tiếng chết tiệt này đi giúp tôi được không? Cảm ơn. – Giọng cô ta nghe có phần u ám. Lúc ăn sáng ban nãy, hay nói theo cách khác là giữa những ngụm cà phê espresso, cô ta kể rằng vừa biết tin một người bạn tên là Yu Shih đã chết trong một đám cháy ở Vero Beach.
Thang máy bắt đầu đi lên. Bên ngoài khung kính tối om, và rồi ánh sáng tràn xuống quanh chúng tôi khi thang máy lên khỏi mặt đất, tiến vào cái hình nón ê-líp lộn ngược khổng lồ. Tôi thấy ấn tượng một cách bất đắc dĩ.
- Chúng ta đang tiến vào khán đài sân vận động Hyperbowl, - Julia lại lên tiếng. Một hiệu ứng xa gần kỳ lạ xuất hiện khi chiếc hộp trong suốt chở chúng tôi lừ dừ tiến đến gần đường mài vòm, các dãy ghế phía trên chúng tôi như vừa tiến lên trước vừa lùi ra xa. Tôi bất giác chộp lấy tay vịn. Phía bên kia sân cỏ, bốn vận động viên cao lừng lững trong bộ trang phục thể thao màu xanh lá cây đang vờn quanh một quả bóng đá phát sáng. Mũi tôi sượt qua cửa kính, để lại một vệt mờ nho nhỏ.
- Dưới kia chính là Mohammed Mâzandar đấy, - tay bảo vệ nói. Một lúc sau tôi mới đoán ra hắn nói với tôi.
- Ai kia? – Tôi hỏi.
- Cầu thủ tiền đạo ấy mà, - hắn nói như thể tôi mới lên hai.
Chắc tôi đã nhìn hắn bằng cặp mắt vô hồn.
- Cầu thủ bóng rổ ấy mà, - hắn nói, chỉ tay về phía một đám khổng lồ trong trang phục màu đỏ ở tít đằng xa.
- Ồ, - tôi đáp, - hay quá. Sao người ta cứ giả định một cách đương nhiên rằng bất cứ ai có nhiễm sắc thể Y trong người thì đều thích thể thao nhỉ? Tôi có bao giờ tiến về phía anh, một người hoàn toàn xa lạ, mà nói: “Này, anh bạn, anh có tin được không. Natalia Zhukova vừa giành giải EEC International đấy! Thật không thể tin được”?
Chắc tôi sẽ không cảm thấy thế này nếu như hồi còn đi học tôi được chơi thể thao, dù là một tẹo thôi, thay vì làm một thằng nhãi da đỏ người đầy vế bầm tím và lúc nào cũng cắm mặt vào máy tính…
- Chúng ta đang ở hàng ghế thấp nhất của khán đài, - Mary Poppins (Nhân vật trong bộ phim cùng tên do Julie Andrews thủ vai) nói.
- Xin lỗi, tôi đang cố tắt tiếng đi, - tay bảo vệ nói, cuống quýt lên với cái màn hình điều khiển. Trong một giây, tôi nghĩ tôi nhìn thấy trên màn hình hiện lên dòng chữ thông báo rằng một trong các chức năng của thang máy này là tự làm sạch.
- Sau khi hoàn tất, sân vận động Belize Hyperbowl sẽ có sức chứa hơn một trăm tám mươi nhăm ngàn người, trở thành khán đài thể thao lớn thứ ba thế giới.
Phải thế thôi, tôi nghĩ, ví thử là người khác xây dựng nên nó, thì thể nào họ cũng dè bỉu cho mà xem, trừ khi nó chỉ là sân khấu dàn cảnh cho một bộ phim.
- À này, - Marena nói, - anh biết là không được nói tục trước mặt trưởng lão Lindsay rồi nhỉ? Phải không?
- Ồ, dĩ nhiên, - tôi đáp. Và tôi sẽ tuân thủ nghiêm túc lời dặn dò này, nhất là khi nó được nói ra từ miệng một quý bà nói tục xoen xoét. – Cô biết đấy, tôi lớn lên giữa những người như thế mà. Ý tôi là giữa những người theo dòng Thánh ngày cuối.
- Ông ta là người thích rao giảng giáo lý, - Marena nói. – Nghe nói khi còn giữ chức phó giám mục, ông ta đã cải tạo được nhiều con chiên hơn bất kỳ ai từng làm được.
- Giỏi quá. – Tôi bắt đầu cảm thấy cuộc gặp gỡ này có tính chất quyết định hơn những gì cô ta đã tạo ấn tượng cho tôi.
- Chúng ta đang ở hàng ghế thứ mười bốn, - cái giọng nheo nhéo khó chịu lại vang lên khi chúng tôi mới đang ở hàng thứ mười ba.
- Chào mừng quý vị đến với Khoang Cực VIP.
Thang máy từ từ dừng lại. Im lặng, im lặng tiếp. Mãi rồi cuối cùng cũng có một tiếng chuông cứng đơ cung la giáng và vách tường phía bắc của chiếc hộp mở ra kèm theo tiếng rít rõ hay ho nhưng có lẽ là không cần thiết.
Phần còn lại của tòa nhà xây theo hình tròn này vẫn đang trong công đoạn cuối của quá trình xây dựng, nhưng riêng căn phòng này thì đã sẵn sàng cho công đoạn trang trí nội thất, toàn bộ được lát gỗ màu vàng và đồng thau giống như khoang dành cho báo giới tác nghiệp tại một trường đua hạng sang những năm 1930. Phía bên tay trái là một vách kính lớn nhìn ra sân cỏ và hàng chục nghìn chiếc ghế màu xanh lá cây xếp thành hình vòng cung chạy dốc xuống, tạo cảm giác chóng mặt khiến tôi những muốn lao đầu qua cửa kính và lăn lông lốc xuống tận đáy. Dưới cửa sổ, một chiếc bàn vuông cạnh trên gần duy nhất một màn hình điều khiển tinh thể lỏng chạy hết bề ngang căn phòng, màn hình được chia thành ít nhất năm mươi màn hình nhỏ hiển thị đủ loại hình ảnh, nào giá cổ phiếu, hàng hóa, bóng đá, camera giám sát an ninh, các khu vực đang thi công, chương trình Chào buổi sáng, cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, và một vụ bạo động ở Ấn Độ, xuất phát từ vụ bạo loạn mà lần trước, ở phòng thí nghiệm của Taro, tôi đã dự đoán là sẽ lan thành tình trạng hỗn loạn toàn khu vực. Một màn hình để tiếng và giọng của cô nàng Anne-Marie hăng hái vọng ra:
- Bãi chiến trường Orlando. Thành phố đang tìm kiếm một lời giải thích.
Không có ai trong phòng cả. Thời gian ở đây như bị lãng quên. Marena lượn ra phía cuối phòng. Tôi bám theo. Tay bảo vệ thang máy đứng lại cạnh cửa. Phía sau hắn, cửa thang máy lờ đờ khép lại, trước khi đóng hẳn, nó ngừng một lát, như tất cả các cánh cửa thuộc loại ấy, rồi khép chặt lại.
Tôi cố không nhìn ra phía cửa sổ và tập trung vào các giá trưng bày. Oài, - tôi kêu thầm trong bụng. Tôi đã hình dung Lindsay Warren như một tên tội phạm bệnh hoạn trong loạt phim về James Bond. Nhưng những tên tội phạm ấy còn có chút khiếu thẩm mỹ, chí ít là trong các tập phim do Ken Adams dàn dựng. Chẳng hạn tiến sĩ No có một bức tranh của Goya, Scalamanga có một chiếc mặt nạ của người Teotihuacan màu vàng pha ngọc bích… còn trong văn phòng của Lindsay, trang trí tẻ nhạt chẳng ra cái kiểu gì. Toàn là các đồ lưu niệm thể thao, những quả bóng, gậy, vợt và áo thi đấu có chữ ký tặng. Tôi nhìn thấy một đôi găng đấm bốc nhỏ màu nâu, cũ kỹ, rạn nứt, có chữ “Jack Dempsey”, với một bức ảnh của tay vận động viên đầy tai tiếng ấy lồng trong khung kính, đặt phía sau. Một tấm biển gắn trên tường ghi rằng tất cả số gỗ dùng ở đây đều được trục vớt từ những xác tàu đắm ở vịnh Honduras, dưới sàn nhà cũng có một tấm biển khác cho biết những phiến đá hoa cương màu hồng lát sàn này đã được bóc ra từ tiền sảnh của tòa nhà One Liberty Plaza sau khi nó đổ sập trong vụ 11 tháng 9. Chúng tôi dừng lại ở góc phòng phía bắc, tại vị trí có lẽ là bàn làm việc riêng của Lindsay Warren, tuy nhiên, đó không thể là bàn chính được vì nó quá lạc hậu và gọn ghẽ, hay nói chính xác hơn, những thứ đồ lộn xộn trên đó chỉ có tính chất lưu niệm. Một mô hình máy bay F-17 Hornet, một chiếc la bàn kết hợp kính lúp cổ Nabisco bằng vàng khuôn rất đẹp và một chiếc cúp lưu niệm bằng thủy tinh trong – một hình kim tự tháp do hãng Lucite chế tạo – với dòng chữ được khắc a-xít và một bầy ong mật làm từ xác ong thật lơ lửng bên trong. Cạnh đó là một quả bóng chày của hãng Rawlings đặt trong một kim tự tháp bằng thủy tinh cắt xiên. “Mark McGwire #70” – hàng chữ được khắc to tướng bằng một kiểu chữ loằng ngoằng trên mặt kim tự tháp. Thì ra đây chính là quả bóng chày vớ vẩn trị giá những ba triệu đô la đây. Với số tiền mua quả bóng này, ông có thể cứu được ba mươi ngàn đứa trẻ mắc bệnh AIDS. Tiếp đến là các giải thưởng vì lòng nhân đạo, giấy chứng nhận danh dự và các bài báo cắt ra từ Thời báo Kinh tế được lồng trong khung kính. Một bài báo trưng ra bức hình một gia đình lớn, hay đúng hơn là cả một thị tộc đông đúc, gồm đủ các sắc tộc khác nhau trên nước Mỹ, đang hớn hở nhe răng đứng xếp hàng trước tiền sảnh một khu nhà mà tôi biết rất rõ. “Với một món tài trợ khổng lồ, các nhà khoa học ở Utah sẽ bắt tay vào nghiên cứu các chứng bệnh thần kinh” – dòng tít viết. Tôi đọc phần thuyết minh bên dưới tấm ảnh:
Lindsay R. Warren, doanh nhân của thành phố Salt Lake và là con trai của Ephraim Warren – một viên phi công kỳ cựu từng tham gia chiến tranh Triều Tiên có biệt danh “Cây gậy”, đã hiến tặng 1,5 tỉ đô la Mỹ cho việc nghiên cứu chứng bệnh Alzheimer và các chứng bệnh thần kinh khác. Đây là bức ảnh chụp cùng gia đình trước cửa một bệnh viện mang tên ông ở thành phố Salt Lake. Ông Warren đứng bên tay phải, ôm ba trong số mười tám đứa cháu, đứng cạnh phu nhân là bà Miriam.
Có một dãy ảnh của Lindsay chụp cùng Gerald Ford, Michael Jordan, Bush cha, Bush con, Tiger Woods, gia đình Osmond, Gladys Knight, James Woolsey và Bono. Thậm chí còn có một bức chụp ông ta hồi còn trẻ, đứng trước một chiếc xe tải cùng John Wayne, Vicky Carr, Ronald Reagan. Đến đây, nếu có thấy ông ta chụp ảnh cùng giám đốc cục tình báo trung ương J. Edgar Hoover, chúa Jesu và năm anh em diễn viên hài Marx Brothers thì tôi cũng chẳng thấy có gì là lạ nữa. Bên dưới các bức ảnh là một chiếc kệ xếp đầy các khẩu Colt Peacemaker, 1911 và các kiểu súng ngắn khác. Nhưng tất cả, trừ một khẩu, đều bị khoá nòng một cách đầy ý thức. Khẩu không bị khoá là một khẩu súng hơi Beeman/FWB C8822-CO2, được đặt trên lớp vải nhung xanh trong chiếc hộp mở nắp bằng gỗ thông liễu. Báng súng có nạm hình chiếc huy chương vàng Olympic bằng vàng với dòng đề tặng khắc nung: Với lòng biết ơn của ngài Juan Antonio Samaranch(Cực Chủ tịch ủy ban Olympic Quốc tế) – ngày 24 tháng 2 năm 2002. Tôi quay ra nhìn xuống, hướng ra phía cửa nơi chúng tôi đã bước vào, và, phải, đúng là có một bia tập bắn bằng kim loại và chất dẻo hỗn hợp treo trên tường với những vết đạn cỡ 0,177 li bám chi chít quanh hồng tâm. Đồ chăn bò. Lũ thô tục. Thời buổi này chẳng còn ai quan tâm đến nghệ thuật thiện xạ nữa.Ngay cả súng phun nước cũng có bộ phận ngắm laser.
- Họ đang ở trong phòng hội thảo, - đó là tiếng một người phụ nữ, có lẽ là nhân viên lễ tân hoặc thư ký, bất thần hiện ra từ một chỗ nào đó, và đó té ra là Ashley 1. Cô ta dẫn Marena, Boyle và tôi đi vòng qua chiếc bàn, qua một cánh cửa phía bên trái dẫn vào một hành lang lát ván. Đường hành lang dẫn xa ra khỏi bãi cỏ và đi sâu vào trong lòng khán đài giống như chiếc bánh rán khổng lồ bao quanh. Một cánh cửa duy nhất đang để mở ở cuối đường, chúng tôi lục tục kéo nhau vào một phòng hội thảo lớn, vuông chành chạnh và tối lờ mờ, không hề có cửa sổ, khắp bốn bức tường che những tấm rèm nhung màu trắng, bên trên phủ một lượt vải nhựa trong. Chúng tôi loẹt quẹt tiến về phía một cánh cửa ở đầu bên kia.
- Xin lỗi các vị về đống lộn xộn này, - Laurence nói. - Bao giờ chúng tôi dọn dẹp xong và bố trí đội ngũ đón tiếp thì… ái chà, nơi này sẽ khá đặc biệt đấy. – Hắn mở cánh cửa và dẫn chúng tôi vào một phòng họp lớn hơn, cũng vuông chành chạnh như cái hộp. Các bức tường được trang trí những bức bích họa xấu xí mô tả cảnh sống thời kỳ đồ đá cũ, những cánh đồng đầy hoa trái với những con lười khổng lồ, thú răng chạm, loài phô-rô-ha-ci và những gia đình có vẻ như người nguyên thuỷ. Bức tường đằng xa hơn cũng treo một tấm bản đồ Tây Bán Cầu thời cổ đại, với một đường dát vàng mà theo tôi đoán là tượng trưng cho con đường Jaredite (Theo kinh thánh Mormon, Jaredite là những người đã vượt biển đến châu Mỹ và sáng lập nền văn minh cổ đại ở đây), chạy ngoằn nghoèo từ vịnh Chesapeak xuống đến Trung Mỹ. Chúng tôi tiếp tục đi hết căn phòng đến một cánh cửa nữa. Nó dẫn thẳng đến cái hộp thứ ba.
Căn phòng này nhỏ hơn hơn hai phòng trước, chỉ rộng khoảng một ngàn feet vuông. Ở đây có cái gì đó hơi khác thường thì phải. A, tôi thấy rồi. Phải rồi. Các bức tường, trần nhà, sàn nhà lót đệm, chiếc bàn họp hình vuông và ngay cả những chiếc ghế dựa hiệu Aeron hầu như trống không, tất cả đều hơi mờ mờ, như thể chúng được làm từ cùng một loại thuỷ tinh đục sẫm màu. Tôi đoán đó là một loại giấy phim, nghĩa là nếu người ta chiếu một đoạn phim thực tế ảo đã được chỉnh sửa đặc biệt lên tấm màn hình khổng lồ tạo bởi các bức tường, trần và sàn nhà thì bề mặt của mọi đồ đạc đều sẽ hoà vào cùng màn hình và biến mất khiến anh có cảm giác như đang lướt qua sa mạc dưới mặt trời sắp lặn, hay trong một hang băng đá dưới mặt nước, hay trong một bộ phim mà không cần đến kính không gian ba chiều. Ngay lúc này, ba trong số bốn bức tường đang để chế độ chắc là màn hình chờ với hình ảnh những gợn sóng mờ ảo màu lơ xám phủ trên nền xanh lục sẫm, còn trên bức tường đối diện với chúng tôi , chỉ lác đác có bốn màn hình nhỏ đang mở. Chiếc nhỏ nhất và nằm xa nhất về bên tay trái đang chiếu một bản tin mới về tình trạng hỗn loạn ở Tiểu lục địa(Tức là Tiểu lục địa Ấn Độ, nơi xảy ra sự việc mà Jed đã tự đoán đúng). Chiếc thứ hai lớn hơn để hình ảnh xoay đề được dựng trên máy vi tính của Sleeker, một loại giày thể thao kiểu dáng mới với phần đế giày không có rãnh ma sát và dày một cách kỳ cục. Màn hình lớn nhất là một kiểu hình ảnh sâu ba chiều. Trông nó hệt như một ô cửa sổ thật, nhìn ra phong cảnh của một cánh rừng không được tự nhiện cho lắm với hai thiên thần toả ánh hào quang đang bay lượn giữa các ngọn cây ở cảnh sau phía bên trái, ở cảnh trước là một người đàn ông mặc đồ đen đang quỳ, quay lưng lại: đó là nhà tiên tri giáo chủ Joseph Smith.
Bốn người đàn ông da trắng tuổi quá trung niên đang ngồi cạnh bàn, phía gần với chúng tôi, đang uể oải nhấm nháp bên máy chiếc liễn đựng bánh nướng xốp và bánh hoa quả hầu như còn nguyên. Ngoài ra, còn có mấy chiếc bình và ca đựng một số thứ chắc chắc là trà thảo mộc, một chiếc bánh phủ sô-cô-la, hình như cũng chưa ai đụng đến, với một cây nến pháo hoa đã cháy hết cắm bên trên. Mấy người đàn ông, một hói đầu, một tóc bạc trắng, một chưa hói trụi với chòm râu gần ra dáng râu dê và người thứ tư, trẻ nhất, đầu phủ một lớp lông tơ cứng, thưa, ngắn, màu nâu vàng, đang nói:
- …Điểm đáng chú ý nhất của Sleeker là người ta có thể trượt mà không cần băng, - cái đầu nâu vàng nói với giọng ân cần của người bề trên. - Chúng có thể di chuyển như giày trượt có bánh, trên hầu như mọi địa hình bằng phẳng, nhưng lại nhẹ hơn và hãm tốc độ tốt hơn. Như vậy, có thể di chuyển với tốc cao, nhưng có thể dừng ngay lại và xử lý bóng.
- Còn lũ trẻ con, chúng quen với loại giày này rồi chứ? – Đầu Hói hỏi.
-Ồ quen rồi, - Đầu Nâu Vàng đáp. – Thực ra, cảm giác ở đây giống như làm quen với một môn thể thao không chínhh thống thôi. Như trượt ván trên tuyết chẳng hạn. Một môn thể thao tự phát, năng động, kết hợp giữa tinh thần đồng đội và tố chất cá nhân. Tôi hình dung rằng trò chơi này sẽ có sức truyền cảm của tinh thần một người vì mọi người như môn bóng đá lẫn tính hài hước lạ mắt của đấu vật chuyên nghiệp.
- Nhưng sẽ không đơn điệu như đấu vật, phải không?
- Dĩ nhiên là không, - Đầu Nâu Vàng đáp. – Đây là một môn thể thao đòi hỏi thực sự khắt khe.
- Ta dừng lại một chút nhé, - Đầu Hói nói. Ông ta đứng lên và chậm rãi quay người lại ba mươi độ để nhìn chúng tôi. Ba người còn lại xoay ghế và, như theo hiệu lệnh, đồng loạt gượng đứng lên trên hai chân sau.
- Các vị không cần đứng dậy đâu, - Marena nói. – Không cần đâu mà. – Cô ta đi vòng qua chiếc bàn, ôm khá thân mật lão Đầu Vàng Nâu và ôm qua quýt hoặc bắt tay những người còn lại. Laurence cũng là tương tự, trừ khoản ôm hôn. Tôi bỏ mũ xuống. Thỉnh thoảng tôi vẫn quên bỏ mũ khi ở trong nhà. Tôi vẫn mặc chiếc áo vét mặc đi từ nhà còn thắt cà vạt, một chiếc cà vạt cổ lỗ mượn của một gia đình theo đạo Mormon trọ ở phòng bên khách sạn, vì thế tôi cảm thấy mình ít nhiều đáng kính. Song với những người này, trong tôi có khi vẫn như một thằng hề.
Marena dẫn tôi đến chỗ họ và giới thiệu tôi với Đầu Hói trước tiên. Ông ta là trưởng lão Snow và ông ta trọc lốc không một sợi lông ngoại trừ lông mi và lông mày. Tôi thậm chí không chắc ông ta có móng tay không nữa. Ông ta bắt tay tôi khá chặt, so với một bóng ma. Người tiếp theo chừng sáu mươi tuổi, tên là Ezra Hatch. Ông ta có mái tóc trắng phơ, phồng tướng như cái mũ bảo hiểm chụp lên đầu, trên mình vận một bộ đồ quần áo thể thao bảnh chọe như đang đi nghỉ ngoài bãi biển. Nhưng dưới bộ đồ đó có thể vẫn là bộ áo lót của thầy tu dòng thành ngày cuối. Ông ta xiết tay tôi cứ như chúng tôi là bạn học cũ ở không không bằng. Người có chòm râu dê thì tên là Orson gì đó. Ông ta vận chiếc áo len đồng phục của Warren. Tất cả bọn họ đều khá thân thiện. Khoan. Nói cụ thể hơn một chút nhé: Người Mỹ luôn mặc định thái độ của mình là phải tỏ ra vui vẻ và thân thiện thái quá, nhưng thái độ ấy lại bị cản trở bởi tình huống hiện tại. Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn khó xử sau một thảm hoạ lớn, khi mà ai ai cũng thấy đáng ra mình nên có cảm giác đau buồn và thông cảm nhưng thực tế lại chẳng cảm thấy gì hết.
Lindsay Warren là người có mái tóc nâu vàng phát biểu lúc nãy. Hoá ra ông ta cũng là người cao nhất trong số họ. Ông ta tiến ba bước về phía chúng tôi với dáng đi tập tễnh mà tôi dám cá năm ăn một là do chấn thương khi đá bóng. Trên thực tế, đó là một thứ phụ kiện bắt buộc của giới doanh nhân tuổi trung niên ở Utah. Cứ thử đi bộ qua vài khu nhà ở đườngTemple vào ngày chủ nhật mà xem, tôi đảm bảo sẽ có ít nhất ba tay Silver (Nhân vật thủy thủ thọt chân trong truyện Đảo giấu vàng) tập tễnh đi ngang qua anh, trên đường đến với sự cứu rỗi. Warren đi một đôi giày thể thao màu xanh lá cây của hãng nhà, vận bộ đồ thể thao của UNICEF trên có in những bức hình minh hoạc sặc sỡ của cuốn sánh Những đứa trẻ ở Many Lands. Chỉ còn thiếu bộ tóc màu da cam và chiếc mũi khoai tây nữa thôi là đủ bộ. Ông ta có khuôn mặt ưa nhìn nhưng khắc khổ vì dãi dầu của người Anglo-Saxon, với những nếp nhăn trên ổ mắt nom như nét chạm khắc cân xứng trên Tượng đài Cổng chào. Ông ta khoảng năm mươi tuổi đúng không nhỉ? Ông ta nhuộm tóc đúng không? Ông ta dán mắt vào tôi bằng ánh mắt của một tay thuỷ thủ lõi đời và đãi tôi những cái bắt tay rắn rỏi và đĩnh đạc hết chỗ nói, làm tê dại nốt chỗ dây thần kinh cổ tay còn lại của tôi. Với tôi, trò bắt tay lúc nào cũng gây lúng túng, và tôi chấm điểm ứng xửa của mình lần này là bốn điểm.
- Rất vui được gặp anh, - ông ta nói.
18
- Rất vui được gặp ông, - tôi đáp. – Tôi từng điều trị một thời gian tại một trong các bệnh viện của ông.
- Ồ, vậy sao? Trung tâm điều trị ở Salt Lake phải không? – ông ta hỏi. Tôi gật đầu. – Tôi rất phấn khởi được biết điều này. Bà xã Warren và tôi thực sự tự hào về trung tâm đó… và anh khá hơn rồi, phải không?
- Họ bảo tôi vậy, - tôi đáp.
- Ấy, chiếc bánh này là nhân dịp gì vậy? – Marena hỏi.
- Sinh nhật tôi, - Lindsay trả lời, - hôm nay tôi tròn năm mươi cộng hai tuổi.
- Được ban ơn lành, - tôi nói.
- Gì cơ? – ông ta không hiểu.
- Những đứa trẻ sinh vào ngày thứ ba, - tôi đáp, - ông biết đấy, là những đứa trẻ được ban ơn lành. Tôi xin lỗi.
- Ồ. Không, không, anh nói đúng đấy, - ông ta mỉm cười, - đúng là tôi sinh vào thứ ba.
- Ông nên biết những khả năng khác của anh ấy, - Marena nói, - Một Rain Man đấy. (Rain Man: nhân vật uyên bác nhưngmắc chứng tự kỷ trong phim cùng tên)
Cảm ơn chị quá đi mất! – tôi nghĩ.
- Nhưng không có vấn đề gì về đầu óc cả, - cô ta nói chữa.
- Rất thú vị, - Lindsay nói.
- Hai vị có ai muốn ăn một lát bánh không? – Ashley 1 hỏi. Chúng tôi đáp không, cảm ơn.
- Thế trà hoa nhài thì sao?
- Ồ, cảm ơn… ờ, giá có cà phê thì hay quá, - tôi nói.
- Ồ, xin lỗi, không, ở đây không có cà phê, nhưng có… có sô-cô-la nóng đấy, tôi có thể pha một cốc với kem, hoặc…
- Vâng, được, sô-cô-la cũng được, cảm ơn chị, - tôi đáp. Lạy giời, - tôi nghĩ bụng, - đám người này đúng là con chiên ngoan đạo thật, chẳng kiếm đâu ra tí ca-phê-in nào ở đây
- Chờ tôi một giây thôi, - Ashley 1 nói. Cô ta đi ra qua cánh cửa mà chúng tôi đã đi vào. Có lẽ là đó lối đi duy nhất.
- Chúng tôi đã sẵn sàng tiệc tùng rồi đấy chứ, - Lindsay nói, - nhưng rồi ngoài kia lại xảy ra chuyện… nên chúng tôi cảm thấy lúc này không thích hợp lắm cho sự vui vẻ đình đám.
- Ồ, phải, - Marena nói, - lúc này chẳng lấy gì làm vui vẻ. Nhưng dù sao cũng chúc mừng ông.
- Cảm ơn, - ông ta lại quay sang nhìn tôi. – Này, lá số tử vi Maya của tôi là gì?
- Ông được đặt tên vào ngày nào?
- Cùng ngày sinh.
- Vậy là Báo đốm 2, Sinh trưởng 2, - tôi nói. – Đó là ngày của hoàng gia, ngày mà một vị vua mới có. Chỉ có điều, đó không thực sự là lá số tử vi. Ông phải hỏi xin lời khuyên về một ngày cụ thể kia.
- À, tốt thôi, vậy anh có lời khuyên gì cho tôi trong ngày hôm nay?
- E hèm, hôm nay là ngày Sao kim 3, Sinh trưởng 16. Hôm nay rất thuận lợi để khởi động một dự án, xuất hành một chuyến đi xa hoặc những việc tương tự. – Tôi tránh không nhắc đến việc đêm nay là khoảng thời gian cai quản bởi Trái Tim Của Núi, và điều đó đồng nghĩa với sự phản bội của Báo đốm khác, vì chuyện ấy nghe có vẻ hơi phá ngang.
- Ừ, chúng ta có thể khởi động một dự án, - Lindsay nói. Ông ta quay sang ba người kia, họ đã ngồi lại xuống ghế. – Chỉ cần cho tôi tí tẹo thời gian thôi.
- Của anh đây, - Ashley 1 nói. Cô ta đưa tôi một ca đầy ắp thứ đồ ngọt đang sủi bọt, một mặt in lô-gô của Warren và dòng chữ: “Warren – Công việc là phần tôi”. Tôi nói cảm ơn.
- Các vị biết đấy, tôi đã xem qua báo cáo của Larry về cuốn sách Maya, - Lindsay nói. - Báo cáo rất cụ thể. Nhưng tôi không hiểu hết về những ngày tháng ghi trong đó.
- Cụ thể là ông không hiểu điều gì? – Marena hỏi. Cô ta ngồi xuống, hay đúng hơn là ngồi thăng bằng trên lưng ghế, hai chân đặt lên chỗ ngồi. Boyle đã lượn về phía chiếc bàn nhưng không ngồi. Hatch và Snow vẫn ngồi nguyên chỗ cũ, mặt mũi ngơ ngác. Nhưng chí ít cũng có Orson tỏ ra thích thú.
- Chỉ là, tại sao họ lại chọn ra những ngày đó mà không phải những ngày khác? – Lindsay thắc mắc. – Có rất nhiều ngày tháng khác không lành kia mà. – Ông ta nhìn thẳng vào tôi. – Sao không phải là ngày 11 tháng 9 hay ngày xảy ra cơn bão Katrina, ví dụ thế?
Đó chính là điều Taro và tôi đã nghĩ tới cả trăm lần. Nhưng với một tay không chuyên như Warren, thắc mắc này quả là thông minh.
- Ồ, họ không viết nó ra để dành cho chúng ta, - tôi đáp. – Cuốn sánh đó có thể được viết ra theo mệnh lệnh của gia đình họ mèo nào đó…
- Gia đình họ mèo?
- Đại để là một gia đình hoàng gia.
- À.
- Và họ chỉ quan tâm đến những gì sẽ xảy ra với con cháu họ. Sự kiện 11 tháng 9 hay cơn bão Katrina không ảnh hưởng đến quá nhiều người da đỏ Maya. Đó là lý do vì sao mọi sự kiện được đề cập trong cuốn sách đều xảy ra ở, hoặc gần khu vực sinh sống của người Maya – trừ sự việc vừa rồi ở Orlando.
- Phải, cũng hợp lý, – ông ta nói. Ông ta ghé một bên mông lên cạnh bàn. Tuy khá cởi mở nhưng người ông ta vẫn toát ra cái mùi của kẻ lắm tiền nhàn nhã, không quen với việc người khác đặt câu hỏi hay lựa chọn đề tài câu chuyện. Và đương nhiên ông ta không có ý định mời tôi ngồi.
- Nhưng nếu thế, vì sao chúng ta lại cho rằng ngày cuối cùng, cách ngày hôm nay một năm nữa, sao tất cả các vị đều cho rằng nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Biết đâu nó chỉ có nghĩa là thế hệ con cháu cuối cùng của họ sẽ tuyệt diệt trong năm nay?
- Ý tưởng thật sáng suốt, - Boyle xun xoe.
- À, không phải vì cuốn Thư tịch đâu, mà vì các tính toán khác, – tôi giải thích. – Vả lại, khi tôi dự đoán với cờ Hiến tế, có vẻ như đúng là sẽ có chuyện lớn xảy ra vào khoảng thời gian đó.
- Vậy là anh nghĩ thế giới sắp đến lúc ngỏm.
- À… dù điều này có ý nghĩa hay không thì tôi cũng xin nói, tôi bắt đầu cho rằng điều này rất có thể xảy ra – hoặc nên nói là hầu như chắc chắn xảy ra. Và dĩ nhiên, nếu đó là ngày cuối cùng của tất cả mọi người, thì cũng sẽ là ngày cuối cùng của Maya…
- Nhưng anh không chắc.
- Cá nhân tôi hoàn toàn chắc chắn, chỉ có điều tôi không thể đưa ra được nhiều lý lẽ thuyết phục. Ngoài kết quả thu được từ cờ Hiến tế, ý tôi là…
- Thế là có khi chúng ta suy diễn quá nhiều rồi, - ông ta nói,– phải vậy không? Có khi chẳng có chuyện gì to tát hết.
- Ờ... cá nhân tôi, bây giờ đoan chắc là có chuyện, - tôi nói. – Một tuần trước thì chưa. Nhưng sau khi chơi thông suốt một ván, tôi thấy không còn khả năng nào khác. Nhưng rất khó giải thích, có lẽ ông phải học chơi cờ Hiến tế để tự thấy tận mắt.
Mẹ kiếp, lão này không ngu đâu, - tôi nghĩ. Không như những tín đồ dòng Thánh Ngày Cuối khác, tính tình ông ta có vẻ đa nghi. Trong khi những tay theo đạo kia luôn chờ đợi phút tận thế đến trong năm giây nữa.. Hừ, có lẽ lần này họ đúng. Những con lợn điếc mũi đôi khi cũng đánh hơi được nấm cục (một loại nấm quý hiếm mà loài lợn đặc biệt thính mùi). Cũng chẳng lạ khi họ cho xây dựng nơi này trên đồi cao. Thử tưởng tượng mà xem, chắc họ phải có cả một boong-ke rộng đến vài ngàn feet ở dưới này, với thịt đông lạnh và đồ uống không đường đủ dùng trong năm mươi năm ấy chứ. Tôi lấy tính mạng ra đánh cuộc đấy.
- Được rồi, vậy anh hãy cho tôi hay, Jed, cảm giác khi chơi trò chơi ấy thế nào?
- Ờ… khi ông bắt đầu chơi, thì bước đó gọi là cắm rễ xuống giống như ông đặt mình vào trung tâm của trái đất vậy. - Tôi bắt đầu cảm thấy không chỉ phát hoảng mà còn thực sự, thực sự khó chịu. Mỗi khi nói về trò chơi, tôi lại cảm thấy chóng mặt không thể chịu nổi. Và tôi không biết làm thế nào để tránh điều đó. – Và khi muốn tìm kiếm một nước đi thì ông sẽ phải chờ một thứ mà chúng tôi gọi là “chớp máu”, tức là một cảm giác rung. Một cảm giác có thật.
- Ở đâu?
- Nó có thể ở bất kỳ phần nào trên cơ thể, thông thường ở dưới, gần xương… khó tìm từ diễn đạt lắm. Nhưng sau đó, khi ông bắt đầu chơi dựa trên cảm giác đó và di chuyển quanh bàn cờ, ông sẽ có cảm giác như đang trong một chuyến đi thật sự, sẽ có cảm thấy phía trước có vô số con đường. Và trong trường hợp này, ông sẽ cảm thấy khi đi qua ngày cuối cùng thì chẳng còn con đường nào nữa.
- Được, khá rõ ràng, - Lindsay nói. – Tiếp nhé. Giả sử các vị tìm ra cách chơi trò này với… cái gì nhỉ… chín viên đá à?
- Vâng.
- Tôi sẽ không hỏi như thế nghĩa là thế nào. Cứ cho là các vị tìm ra cách chơi đi, và nó cũng không giúp ích gì thì sao? Sẽ thế nào nếu đúng là chuyện ấy sẽ xảy ra và các vị chẳng thể làm gì để ngăn chặn?
Lại một câu hỏi hóc búa nữa, tôi nghĩ. Ông ta đã hỏi Sic câu này chưa nhỉ? – tôi phân vân. Hay ông ta hỏi những câu khác. Lẽ ra mình nên hỏi Marena trước khi đến đây mới phải. Rõ ngốc. Tôi sắp nghĩ ra được đáp án thì ông ta đã tự trả lời:
- Nếu vậy thì đằng nào chúng ta cũng chẳng cần lo lắng. Nhỉ? Chúng ta sẽ chẳng có gì để mất.
- Vâng, không có gì, - tôi nói, - nhưng cá nhân tôi không nghĩ vậy… vấn đề là, cách ngăn chặn điều đó, dù nó có là gì đi nữa, nằm ở chỗ nó là cái gì. - Jed, câu ấy hoàn toàn tối nghĩa đấy, tôi tự nhủ. - Để tôi giải thích theo cách khác. Ông cần hiểu rằng người xưa không coi chúng là những lời tiên tri. Họ coi chúng là một bản báo cáo sớm. Chúng không phải những sự kiện có tính siêu nhiên.
- Cứ cho là thế.
- Và người xưa… họ không quan niệm rằng thế giới phát triển đi lên. Thực tế, họ coi lịch sử là quá trình thối rữa. Và để kéo dài nó càng lâu càng tốt, người ta phải thực hiện một số việc nhất định. Lấy ví dụ, đối với người Maya, ngay cả những sự kiện lịch sử như một cuộc chiến tranh chẳng hạn, cũng là một hành vi tín ngưỡng thiêng liêng. Và họ phải thực hiện nó vào một thời điểm nhất định, theo những cách thức nhất định. Và trước đó họ phải được tẩy uế. Và còn những gỉ những gì nữa thì chỉ có chúa mới biết. Và có lẽ việc đó không đến nỗi ngớ ngẩn như chúng ta nghĩ. Có lẽ hiến sinh người này hay người khác, thí dụ vậy, hoặc châm mồi lửa đốt rừng, hoặc những việc tương tự, chính là cách họ khiến lịch sử rẽ sang một hướng khác.
- Ừm, cũng khá hợp lý, - Lindsay nói. – Nhưng vì sao nó luôn phải là một vụ cháy, một cuộc chiến tranh hay giết chóc… anh biết đấy, mọi sự kiện được đề cập trong cuốn sách đó đềutiêu cực.
- Quả đúng thế, - tôi đáp.
- Tại sao vậy?
- Tôi nghĩ bàn cờ Hiến tế được nghĩ ra để dành cho những sự việc tiêu cực. Nó giúp người ta nhận biết trước các rắc rối.
- Đó chính là lý do vì sao phiên bản phần mềm mô phỏng giao dịch của chúng ta tỏ ra hiệu quả hơn sau các vụ phá sản, - Boyle xen vào, - hoặc với các quỹ tương hỗ.
Lindsay mỉm cười.
- Quả đúng thế, - ông ta nói với Boyle rồi lại quay sang tôi: - Chắc anh có nghe nói năm 2009, sau vụ khủng hoảng tín dụng nhà đất, - ông ta thì thào vẻ bí mật, - chúng tôi đã suýt phá sản theo chương 11? (Phương thức phá sản cho phép công ty được tái thành lập, được quy định trong chương 11 của bộ phá sản Mỹ)
- Không, tôi không biết việc ấy
- Ừm, đúng là chúng tôi suýt phá sản. Và chúng tôi đã ngăn không cho lũ sói lại gần bầy cừu bằng cách dựa trên các giao dịch mô phỏng của ông bạn Taro của anh để đưa ra quyết định cho các giao dịch thật. Lúc đó, các giám đốc của tôi đều bán tín bán nghi, nhưng trong năm đó, chúng tôi đã lãi tới ba mươi hai phần trăm.
- Ái chà, - tôi nói.
Tôi cần đếch gì biết chuyện ấy chứ, - tôi nghĩ bụng. Giờ tận số của Pompeii (Một thành phố cổ thời La Mã bị chôn vùi hoàn toàn chỉ sau một trận núi lửa phun trào năm 79 Công Nguyên) sắp điểm mà ông chỉ lo đến tiền lãi của mình thôi sao? Hơi máu lạnh đấy. Nhưng nghĩ lại thì con số ba mươi hai phần trăm quả là khá…
- Nhưng như Larry vừa nói, phần mềm đó phát huy hiệu quả nhất trước khi thị trường bắt đầu đi lên.
- Nó cũng dự đoán suy thoái rất chính xác, - Boyle nói, - phần lợi nhuận chúng tôi kiếm được là bằng cách bán tháo cổ phần trong các quỹ lớn trước khi xảy ra khủng hoảng.
- Tôi thấy như vậy cũng hợp lý, - tôi nói.
- Anh cũng tham gia đầu tư trên thị trường ngõ giao sau phải không? - Boyle hỏi.
- Phải.
- Ồ, hay quá. Vậy là anh cùng hội cùng thuyền với chúng tôi rồi.
Tôi gật đầu thờ ơ.
- Nhưng anh biết đấy, một số công trình của Taro thuộc độc quyền của chúng tôi.
- Tôi biết điều đó, - tôi đáp. - Tôi không sử dụng nghiên cứu của Taro trong giao dịch cá nhân tôi. – Câu này không hoàn toàn trung thực, nhưng tôi cũng chưa ký cam kết gì với ai ngoại trừ những cam kết tham gia chương trình nghiên cứu của trường đại học như thông lệ. Vả lại chuyện đó cách đây cũng lâu rồi, thậm chítrước khi chúng tôi thay đổi cách bố trí bàn cờ lần đầu tiên. Hơn nữa, chắc chắn Warren cũng đang sử dụng một vài thành quả nghiên cứu của tôi, những manh mối mà tôi đã gợi ý cho Tarotrong suốt những năm sau khi ra trường
- Nhưng chúng ta đang bàn chuyện quan trọng kia mà, - Lindsay nói, - quay lại vấn đề đó đi. Mọi sự kiện được nhắc đến trong cuốn Thư tịch đều rất không lành. Và tất cả đều đã trở thành hiện thực.
- Điều đó thì đúng, - tôi nói, - nhưng không phải diễn biến hàng ngày nào mà chúng ta nhìn thấy trước qua bàn cờ Hiến tế cũng đều xảy ra. Rất nhiều điều, chí ít là cho đến lúc này, đã giúp mọi người tránh được rắc rối. Không phải vậy sao?
- Phải, - Lindsay đồng tình.
- Vậy chúng ta vẫn còn một hy vọng rằng ngày Chúa tể 4 sẽ là một ngày như thế, - tôi nói. - chỉ có điều trọng đại hơn thôi. Nếu cờ Hiến tế hoạt động tốt, nếu nó mô tả được sự kiện kia rõ ràng hơn, thì sẽ chẳng có gì là không thể ngăn chặn được hết. – Đây có phải những lời thành thực không nhỉ, tôi ngập ngừng. Mặc xác. Cứ nói tiếp đi. – Nhất là khi tai họa đó hầu như chắc chắn liên quan đến con người. Ý tôi là do con người gây ra. Đó là mắt xích cuối cùng của chuỗi liên kết.
- Chuỗi liên kết của cái gì?
- Của nguyên nhân và hậu quả. Tức là… ở… quan điểm của chúng tôi là, cờ Hiến tế là sự tiên liệu trước của một mạng lưới các sự kiện thảm hoạ lan ra từ điểm không – thời gian mà trò chơi đang được thực hiện.
- Ý anh muốn nói thứ mà các anh gọi là mạng lưới, tức là các thảm hoạ, đều xuất phát từ cùng một nguyên nhân ban đầu.
- Đúng thế. Chúng không chỉ có những đặc tính chung. Chúng còn là một phần của một quá trình lớn hơn. Giống như những trận đánh trong cùng một cuộc chiến đang tiếp diễn vậy. Đó chính là lý do vì sao trong cuốn Thư tịch không hề có một thảm hoạ thiên nhiên nào. Và cờ Hiến tế cũng không đoán được chính xác các sự kiện thuộc về tự nhiên. Về thời tiết, nó chỉ dự đoán tốt hơn một chút so với các chương trình mà Cơ quan dự báo thời tiết trực thuộc lực lượng không quân đang sử dụng. Nó chỉ hiệu quả với thế giới con người thôi.
- Vậy nếu có một ngôi sao lớn đâm sầm vào trái đất, hay những chuyện đại loại như vậy, chuyện gì đó không thể đoán trước được… thì sẽ ra sao?
- Tôi cho rằng cái đó sẽ làm lệch hướng quá trình dự đoán. Và họ sẽ không thấy nó. Nhưng chuyện đó đã xảy ra đâu. Mọi quá trình mà họ tiên liệu đều vẫn đang tiếp diễn.
- Tôi hiểu rồi.
- Điều đáng lưu ý ở đây là, không phải người xưa đã thấy trước sẽ có một thứ gọi là Disney World, họ chỉ biết rằng có một quá trình đã bắt đầu diễn ra và nó sẽ xảy ra tại một trung tâm có đông người đổ về vào một thời điểm nhất định ở khoảng vị trí đó, để kết nối những việc…
- Nhưng điều đó cho chúng ta biết cái chúng ta cần biết đâu, - Boyle nói. (Im mồm đi, cái thằng mặt mụn, - tôi rủa thầm trong bụng). – Cái chúng ta cần biết là liệu phiên bản trò chơi với chín viên đá có thực sự giúp chúng ta tiên liệu được điều sắp đến hay không?
Lindsay đưa mắt nhìn sang Boyle một giây, vì thế tôi tranh thủ liếc sang Marena. Cô ta nhìn lại, ánh mắt tỏ ý nói: phải, Boyle là một thằng đần, nhưng hắn có thể đâm sau lưng chúng ta bất cứ lúc nào, đúng hơn, hắn sẽ bắn sau lưng chúng ta từ xa và làm như chẳng can hệ gì, rồi sau đó…
- Khả năng làm được là rất lớn, - Marena đáp. – nhưng không đảm bảo một trăm phần trăm. Trên đời này chẳng có gì đảm bảo cho anh một trăm phần trăm hết. Như đã viết trong báo cáo, tôi đã đưa những tính toán của Taro đi kiểm tra tại hai phòng thí nghiệm khác và họ đều nhận xét rằng nó khá hợp lý.
- Chúng ta hãy nhìn nhận nó theo cách này vậy, - tôi nói, - phiên bản cờ Hiến tế với bốn viên đá mà chúng ta đang sử dụng hiện nay dự đoán tương đối chính xác các sự kiện liên quan đến con người xảy ra trong vòng… cứ cho là 3 ngày đi. Phiên bản với chín viên đá hoạt động hiệu quả hơn gấp một ngàn không trăm hai mươi tư lần, nghĩa là khả năng cảnh báo trước của nó…
- Rồi, chúng ta cứ coi như là nó có thể tiên liệu được đi, - Lindsay ngắt lời.
Một phút im lặng, Lindsay nhìn Marena. Tôi nhìn Marena. Cô ta nhìn Lindsay. Tôi cũng quay sang nhìn Lindsay
- Và người xưa biết cách chơi còn chúng ta thì không, - ông ta nói tiếp.
Tôi gật đầu và nhấp một ngụm sô-cô-la nóng. Hà… nhạt nhẽo, nhưng cũng được.
- Và đó là tuyệt kỹ của trò chơi, đúng không? Thời xưa, dân tộc anh vượt trội hơn các dân tộc khác. Những người Maya ấy , thời xưa, họ có thể tự quyết định may rủi của mình. Phải vậy không?
- Vâng, tôi đoán thế, - tôi đáp. Không biết môi mình có dính bọt sô-cô-la không nhỉ? - tôi lo lắng. – Họ đã làm được việc đó trong suốt một thời gian dài. Nhưng dĩ nhiên, nó đã không kéo dài mãi mãi.
Tôi bắt gặp ánh mắt của Marena. Hơi kém phần mồi chài đấy, chúng nói, đồ ngốc ạ.
- Đó chính là điều tôi muốn nói, - Lindsay nói. Tôi lén dùng môi dưới quẹt thật nhanh lên môi trên. – Nếu người Maya biết nhiều thứ như vậy thì vì sao họ không chiếm lấy cả thế giới?
- Có lẽ bởi vì chỉ biết thôi thì chưa đủ, - tôi đáp, - hoặc có lẽ họ đã có thể, nhưng vì một lý do nào đấy mà họ… họ không truyền lại được khả năng của mình.
- Sao lại thế?
- Có lẽ vì cờ Hiến tế là một kỹ năng quá chuyên biệt. Có lẽ vì họ giữ bí quyết quá kín.
- Và họ đã không để những người khác kéo nước lên từ chiếc giếng đó, - Lindsay kết luận.
- Rất có thể, - tôi đáp – Dù sao, ông cũng biết đấy, các kỹ năng rơi rụng dần là chuyện rất thường xảy ra. Chẳng hạn như khi những người đầu tiên đặt chân đến Tasmania (Một hòn đảo thuộc châu Úc) khoảng mười ngàn năm trước đây, lúc đó họ đã biết cách làm gốm, xuồng đi biển, lưới đánh cá và rất nhiều thứ khác nữa. Nhưng đến khi lần đầu tiên tiếp xúc với những người phương Tây thì họ đã quên sạch. Họ thậm chí quên cả cách nhóm lửa. Họ phải đợi đến khi sét đánh cháy cây cối để lấy chỗ than hồng còn lại.
- Cũng như ngày nay, chẳng ai còn biết cách làm món kem sô-đa chính hiệu nữa, - Lindsay tiếp lời. – phải không?
- Chính phải, - Boyle nói.
- Vả lại, - tôi nói tiếp, – những người Maya cổ có khi khôngcó suy nghĩ như chúng ta. Biết đâu họ chẳng hề muốn thống trị thế giới.
- Ngay cả ngày nay, không phải ai cũng muốn thống trị thế giới, - Marena nói. – Như tôi chẳng hạn, tôi không hề muốn.
- Cũng phải, - Lindsay đồng ý. Ông ta kéo ống tay áo sơ mi bên trái lên và xem đồng hồ, một chiếc Oyster Perpertual bằng bạc gắn trên dây đeo da bê màu nâu. Như thể thay vì đọc con số ghi giờ chính xác hiện nay trên màn hình đồng hồ để bàn, như mọi thiết bị tính giờ khác, đã được khớp giờ với chiếc đồng hồ tự động tại Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia tại Boulder, bang Colardo, mà phải sau một thế kỷ mới lệch đi một phần nghìn tỷ giây, ông ta buộc phải cắt ngang câu chuyện để xem một thứ giờ giấc kém chính xác hơn cả tỉ lần qua một thứ chuyển động cơ học cổ lỗ từ thế kỷ XVIII đến giờ vẫn chẳng có gì thay đổi. Tôi giương mắt dõi theo chiếc kim giây bò từ số hai sang số ba. Cuối cùng, ông ta cũng xác định được giờ.
- Năm giờ rồi cơ đấy, - ông ta nói. – chúng ta nên ra ngoài thôi. Ông ta quay lại nhìn tôi. – Có lẽ chúng ta sẽ gặm tiếp vấn đề này sau.
- Tốt thôi, - tôi đáp. Tôi chuẩn bị phun ra câu gì đó nhạt nhẽo hoặc ngu xuẩn. Nhưng Marena đã cứu tôi
- Nhưng Jed này, tôi phải ở lại đây thêm vài phút nữa, - cô ta nói. Chắc họ sắp sửa bỏ phiếu về việc của tôi đây. Cô ta dẫn tôi ra cửa.
- Ấy, ghìm cương lại đã, - Lindsay nói. – Để tôi đưa anh cái này. Kể ra thì tôi đang phân phát hơi quá tay. Nhưng tôi không dừng được. Niềm kiêu hãnh về đứa con đầu tiên mà.
Ông ta với một chiếc cặp da lợn nhỏ ở ngăn trên cùng của giá sách đặt trên bàn và bật nắp ra. Một thiết bị đọc sách điện tử chuyên dụng nằm bên trong. Ông ta dùng bút điện tử gắn trên con dao Thụy Sỹ đa năng để ký lên màn hình. Ông ta đưa nó cho tôi.
- Ồ, hay quá, cảm ơn ông, - tôi nói. Chữ ký của ông ta có màu xanh đen với những chấm vàng lấp lánh chạy trên nét chữ giống như những bong đèn trên mái rạp hát kiểu cổ, và tôi mất một giây để đọc dòng chữ bên dưới:
TINH THẦN ĐỒNG ĐỘI
NHỮNG BÍ QUYẾT HUẤN LUYỆN CỦA MOSES, JESUS,
LOMBARDI VÀ JACKSON
Những lời khuyên sáng suốt bất hủ về phương pháp làm việc theo
nhóm giúp bạn “lên chân”
Trong công việc, gia đình và cuộc sống nội tâm
Tác giả: Doanh nhân Lindsay R. Warren
Với lời tựa của giáo sư tiến sỹ Stephen Covey.
Tôi kéo thanh cuộn xem lướt qua cuốn sách để tỏ vẻ quan tâm. “Chế ngự sức mạnh của nỗi đau” – đó là tựa đề của chương một. Những mẩu quảng cáo nhỏ cứ nhảy vào khắp các góc màn hình, chào bán đủ thứ từ phiên bản nghe nhìn của chính cuốn sách này cho đến phiên bản dành cho lức tuổi thiếu nhi, phiên bản đọc bằng tiềm thức, các tài liệu giảng dạy liên quan các khoá học, hội thảo, khu di dưỡng tinh thần, văn phòng cho thuê, tranh cổ động, vòng đeo tay và một loạt những thứ gì đó được gọi chung là “sự khuyến khích”. Rặt những thứ dành cho thằng nào nhẹ dạ cả tin, - tôi nghĩ. Chương 2 – Những khái niệm đơn giản giành cho người mới vào nghề. Chương 3 – Chế ngự sức mạnh của ảo giác.
- Chúa phù hộ các vị, - Lindsay nói.
Chúng tôi lại phải làm đau tay nhau một vòng trước khi tôi có thể đi. Tôi lại lần mò quay ra qua các căn phòng trống. Bỏ mẹ, - tôi nghĩ. – họ không ưa mình rồi. Mình nhìn ngu một và ăn nói ngu bằng hai ở trong ấy. Họ sẽ bỏ phiếu cho Sic mất . Toi thật rồi.
Khoang Cực VIP trống không. Tiếng của cô phóng viên Anne-Marie vẫn văng vẳng đâu đó, tiếp tục câu chuyện rằng thành phố Orlando một thời hạnh phúc và may mắn giờ đã trở nên hoang tàn và chết chóc. “Nhưng những hậu quả lâu dài về kinh tế, xã hội chỉ mới bắt đầu…”. Tôi lại gần cửa sổ, ối giời, nơi này rộng mới khiếp chứ. Có thể đặt vào đây cả hai trung tâm nghiên cứu vũ trụ ở Salt Lakevà vẫn còn đủ chỗ cho cung điện Taj Mahal và vài miếng bánh pizza nữa. Đường xe điện rất bằng phẳng, chạy quanh theo hình tròn, vì vậy khu đất nom cân đối một cách hoàn hảo khi nhìn từ đây, lại thêm một vài ảo giác khiến nó càng giống một hình chảo ô-van khổng lồ bị lật úp. Tôi tợp thêm một ngụm sô-cô-la, đặt cái ca xuống và xoè hai tay tựa vào cửa kính, cố ghìm cảm giác hồi hộp.
¿Y ahora que? Giờ thì làm sao đây?
- Chào anh, - tiếng Marena vang lên sau lưng tôi. Và chưa cần quay lại, chỉ nghe giọng nói cô ta thôi, tôi đã biết là sống rồi. Mình được chọn rồi, tôi nghĩ thầm, mình sẽ được thấy nó, mình ở đó rồi. Tôi cảm giác như Marie Curie lúc nhìn xuống mẩu chất phóng xạ nặng có một phần mười ngàn gam nhưng sáng chói hơn cả mặt trời. Ta là thần Prô-mô-tê thứ hai! Thật sung sướng.
Tôi quay người lại. Marena đưa hai ngón cái lên.
19
Campeche là một thành phố vàng vọt của bang Yucatán,Mexico, với cái vịnh nằm không đúng chỗ. Phố 55 là một con phố chật hẹp, nóng bức, đầy tiếng còi xe buýt và mùi rác rưởi. Thứ âm thanh mà họ gọi là nhạc rakjano – tôi thì đoán đó là một loại nhạc rốc với bốn trăm nhịp nện trong vòng một phút - vẳng ra từ một chỗ nom có vẻ như cửa hàng tạp phẩm. Tôi bước vào, mua bốn dây nước trái me, mỗi dây sáu hộp, năm túi malvavisco - tức là kẹo dẻo, - năm cây nến to và cả một tút thuốc lá ba số, tất cả đựng trong một chiếc túi giấy màu nâu như cách đây hàng chục năm. Tôi đi bộ sang bên kia đường, bước qua một cánh cửa nhỏ nằm ở góc phía nam nhà thờ Iglesia de San Francisco. Mặt tiền và phần lớn gian giữa giáo đường được xây từ năm 1694 nhưng mới được quét sơn lại, tối thiểu là lần thứ một trăm, vì vậy, trông nó như một cây bu-lô vừa thay lớp vỏ mới. Bên trong thì ám cái mùi hương lành lạnh và nhạt nhẽo thường thấy trong các nhà thờ. Trước khi kịp suy nghĩ, tôi đã nhúng tay vào bình nước và làm dấu thánh. Xin thề những gì con nói là sự thật, - tôi nghĩ trong đầu. cái thói quen phải giói từ hồi nhỏ đến giờ vẫn không bỏ được. Cha Manuda vẫn đang đứng cạnh bệ thờ để thử bộ loa đài mới - được mua bằng tiền của chúng tôi, tôi đoán vậy – nhưng chiếc âm-li lớn được đặt quá gần mi-crô nên khi ông ta thử đánh một nốt cao trên cây đàn, nó dội ầm ầm lên khắp các mặt tường đá được sơn hồng. Ông ta không nhìn tôi. Tôi đi qua hai bà xơ già đội khăn trùm và khoác áo chùng trắng rộng thùng thình, đó là hai trong số vài nữ tu còn sót lại của dòng thánh Clares Nghèo Khó, trước kia từng rất đông đảo. Theo những gì tôi được biết, trong mấy trăm năm trở lại đây, dòng tu này đã tự làm mình lụn bại vì từ chối thỏa hiệp vấn đề giảm bớt khổ hạnh. Chắc họ hơi quá kiên tín và các bà xơ đã dành hết thời gian để câm lặng, quỳ dưới sàn đá, ăn cháo lúa mạch suông và và thủ dâm với nhau. Ngoài tôi ra, khách viếng thăm chỉ còn hai bà già người Tzotzil quấn khăn len, mặc huipile (Bộ trang phục đặc trưng của người Maya Tzotzil) ba mảnh dệt màu đỏ và xanh lá cây. Chỉ là trang phục thường nhật. Bên ngoài vòm cửa, bốn con chim bồ câu xơ xác lượn quanh.
Tôi đi qua gian giữa lên cung thờ ngang trên tầng hai và dừng lại trước một bức tranh khắc gỗ còn khá mới họa hình thánh Teresa xứ ávila, nữ thần bảo hộ của cờ Hiến tế (tôi nghĩ là đã nói chuyện này rồi, nhỉ?). Bà cũng là vị thánh bảo trợ cho môn cờ vua và những người mắc chứng đau đầu, nhiệm vụ cuối cùng chắc khiến bà ấy bận rộn phải biết. Tôi cắm một cây nến lên giá, thắp lên bằng chiếc bất lửa của Không Đời Nào và đặt bốn cây còn lại bên cạnh. Tôi đi sang cung thờ ngan trên phải và bước vào một phòng nguyện nhỏ.
Căn phòng bị choán bởi một cỗ quan tài màu kem đã rạn nứt, nắp bịt kín nhưng hai bên có hai ô kính. “El mero ataud della santísima Abadesa Soledad”, một vì thầy tế đã viết dòng chữ đó, nó có nghĩa là “Quan tài của Nữ trưởng tu viện Soledad được Chúa che chở”. Bà ta là một vị thánh của địa phương không được nhắc đến trong kinh sách. Lúc này chỉ có hai chúng tôi ở đây. Tôi cúi mình xuống, và mặc dù tôi có vấn đề với các bà xơ từ hồi còn nằm ở bệnh viện từ thiện ở San Cristobal nhưng tôi vẫn phải cố gắng lắm mới ghìm được cảm giác thúc giục muốn quỳ xuống. Qua nhiều thế kỉ, tấm kính đã mở hết cả, nhưng tôi vẫn có thể trong thấy một cái đầu nhỏ trơ sọ như của đứa trẻ lên năm, được trùm khum khum dưới một tấm ren móc hình mạng nhện rất nghệ thuật, với lớp da vàng xỉn như miếng bột nhào dùng làm vỏ bánh hoa quả, trũng xuống quanh hàm răng xám xịt nhô lên. Ý nghĩ bỏ chạy ra ngoài xuất hiện nhiều lần trong đầu tôi, nhưng tôi đã dùng đến mánh “có cái đếch gì đâu” và cuối cùng cũng vượt qua được. Thực ra, tôi chỉ cần tự nhắc đi nhắc lại với mình một cách đầy tin tưởng rằng: “Có cái đếch gì đâu cơ chứ, đời chẳng qua là thứ bỏ đi”, thậm chí chẳng cần đến bài hít thở đặc biệt để trấn tĩnh.
Tôi ra khỏi đó, đi men theo lan can thánh đường sang phía bên kia, chỗ sau bệ thờ. Mình đúng là thằng khờ khạo, tôi nghĩ. Họ đâu có một thứ kỳ công đến thế. Nhưng kiểm tra cho chắc chắn cũng chẳng hại gì. Dù sao đây cũng chỉ là một cuộc diễn tập thôi, tôi nghĩ. Tình hình đã được kiểm soát. chẳng có gì to chuyện hết. Đừng sợ. Guarde sus pantalones (Giữ lấy, đừng để tụt quần - tiếng Tây Ban Nha)
Ổn rồi.
Cuối cung thờ ngang phía nam có một cánh cửa thép nho nhỏ, tôi mở cánh cửa đó ra và bước vào khu nhà ở cũ kỹ dành cho mục sư, tự nhiên cứ như đây là nhà tôi vậy. Phía cuối khu nhà có một khoảnh sân trong và cuối khoảnh sân đó là một cái chái trước kia từng là tu viện của các nữ tu Nghèo Khó. Tôi đi theo lộ trình đã diễn tập vài lần, leo mười tám bậc cầu thang nhỏ xíu zích zắc để lên tầng hai, chỉ là một căn sảnh dài, trần thấp với năm cánh cửa nhỏ ở mỗi bên.
Grgur đang ngồi thườn thượt trước cửa căn phòng số 4, xỉa ngón tay lên bàn phím một chiếc máy tính xách tay trông như của quân đội. Hắn diện một chiếc áo phông có cổ, quần dài màu xanh nước biển xám hiệu Ralph Lauren, cứ như giám độc phụ trách một tuyến đường biển không bằng. Tôi vẫy tay. Hắn gật đầu, mắt vẫn giương trừng trừng. Mừng làm sao khi có anh cùng tham gia, - tôi nghĩ bụng, - anh làm không khí ở đây sáng bừng hẳn lên đấy! Một đống máy móc các loại bày la liệt trong sảnh, trong đó có hai màn hình rộng ba mươi inch, hai cái hộp có vẻ như thùng loa cỡ lớn, một thanh thép dài bốn feet có tay cầm và hai món đồ gì đó đặt trên giá ba chân, nom như chảo ra-đa di động thông thường, tức là những đĩa hình parabol nông làm từ plexiglas (Một loại thủy tinh hữu cơ trong suốt, nhẹ, bền thời tiết), đường kính khoảng ba mươi inch, với vài chiếc hộp lớn hình trụ bọc xốp đặt phía trước, chỗ đáng ra dành cho chiếc micrô. Tôi đi vòng qua Grgur để bước vào một căn phòng màu trắng bé tí tẹo. cửa sổ để mở cho lũ ruồi bay vào, nhưng nơi này vẫn giống một phòng tắm hơi mốc meo. Có một chiếc giường gấp, một cây thánh giá gắn tượng chúa Giê-su chịu khổ nạn treoo trên tường – còn mới nhưng rẻ tiền, - một máy đọc điện tâm đồ và một bộ thiết bị truyền máu. Rùng cả mình. Khiếp quá. Bốn bức tường trắng, giường gấp và ống truyền máu thình lình gợi lại cho tôi hình ảnh năm lên sáu, tại bệnh viện ở San Cristobal…
Thôi quên đi.
Căn phòng cũng chật kín người. Taro và cô trợ lý Ashley của ông ta, người mà họ gọi là Ashley 2, chứ không phải Ashley Thieu như tôi tưởng lúc đầu, để phân biệt với các Ashley khác, đang ngồi dưới sàn nhà, giữa đống máy tính con, Marena và bác sĩ Lisuarte thì đứng nói chuyện dưới khung tò vò cạnh cửa sổ. Hitch, người quay phim – chúng tôi gọi ông ta như vậy vì trước đây ông ta từng là một đạo diễn điện ảnh đầy tham vọng, nom hơi giống Alfred Hitchcock (Đạo diễn phim người Mỹ gốc Anh)nhưng trẻ con và đậm nét Tây Ban Nha hơn – đang gài chiếc mi-crô lên nóc khung cửa ra vào. Tôi mang đống đồ ăn vặt của mình đi mời khắp phòng, nhưng chẳng ai muốn ăn hết. Tôi móc ra hộp nước quả cuối cùng còn sót lại. Nó có bộ phận làm lạnh tự động và dòng chữ “Mát lạnh!” bên trên. Lúc trước tôi cứ sợ rằng nó sẽ nhạt nhẽo và có vị na ná như tất cả các loại đồ uống thời thượng ngày nay, nhưng… không! Nó vẫn giữ được dư vị đắng rất đặc trưng, sự kết hợp ngon tuyệt của các chất este và an-đê-hit, y như thời cách đây mấy chục năm, trước khi các nhà pha chế trở nên khéo tay quá mức cần thiết. Bây giờ làm sao mua được thứ này ở Mỹ nữa? Bác sĩ L. nói chúng tôi nên vào việc thôi, và bây giờ là thời điểm thích hợp không kém bất cứ thời điểm nào khác.
Tôi trả lời ô-kê.
Ối giời ơi. Ghê quá.
Thôi nào, bình tĩnh. Vì chúa, hãy tỏ ra là người chững chạc. Tôi cởi giày và ngồi khoanh chân lên giường. Có lẽ nó vẫn kê đúng hướng như cái đệm rơm ngày xưa và cây thánh giá thì ở đúng chỗ mà bà sơ Soledad đã nằm khi bà ta chết trong phòng này. Dĩ nhiên, làm thế này có phần hơi quá. Chúng tôi nhất thiết phải làm việc này ở đúng chỗ này. Vị trí trong không gian thực của căn phòng này vào thời ấy đến nay đã dịch chuyển hàng triệu dặm, vì vậy, về mặt lý thuyết, tôi có thể ngồi ở Stake, ở phòng thí nghiệm tại Orlando hay bất cứ đâu cũng chẳng có gì ảnh hưởng. nhưng người ta cứ có cảm giác rằng độ sai lệch sẽ giảm bớt phần nào nếu tôi được ngồi ở đúng vị trí mà tôi phải đến ở quá khứ, cũng với nhưng bức tường gạch bùn trát vữa ấy, cũng cái sân trong ấy và tiếng ồn của thành phố ấy. Chỉ có điều, thời ấy, quanh đây, dê và cừu hiển nhiên là đông hơn người. Tôi sẽ quay về đúng thời điểm này trong ngày, nhưng không cùng thời điểm này trong năm.
- Anh không phiền vì tôi có mặt ở đây chứ, phải không? – Marena hỏi.
Tôi trả lời rằng không sao, và thêm rằng ngày xưa tôi cũng rất thích xem mẹ tôi vặt lông gà.
Tuy nhiên, tôi không nghĩ Marena để tai nghe tôi nói. Một tiếng rừ rừ đầy hăm dọa thình lình phát ra từ phía sau đầu tôi. Bác sĩ L. thậm chí không dùng đến kéo, bà ta chọc thẳng chiếc tông đơ vào mớ tóc rậm rì của tôi và làm nó như cái máy gặt lúa vậy, mà có khi nó được thiết kế dựa theo thứ ấy thật cũng nên.
- Chuyện với cha Tên-anh-là-gì đến đâu rồi?
- Lão ta đúng là một cái nhọt, - Marena đáp. – Chúng tôi đã đề nghị trả số tiền đủ để mua cả cái thành phố phải gió này, thế mà họ vẫn không muốn.
- À, họ ngại các vị có âm mưu trần tục gì đó với nơi này ấy mà.
- Thật thế, chúng tôi phải gọi cho sếp của lão ấy và nhận chu cấp thành lập cả một trường học đấy.
- Các vị nói chuyện với Chúa à?
- Không, không, với hồng y giáo chủ, cái lão mặt chim ấy, - cô ta nói. – Tôi cả rằng nếu là Chúa thì ông ấy chỉ lấy giá bằng một nửa thôi. Nó sẽ được đặt tên là “Trường Kỹ thuật hệ mười hai năm dành cho các nữ tu đồng trinh với giọt máu thiêng liêng được ban phước lành” hay cái của nợ gì đó.
- Thật phí tiền.
Bác sĩ Lisuarte đã cắt xong nửa đầu bên trái.
- Phải. Thế mà chúng tôi còn phải quẳng thêm vào hai hòm của để biếu xén nữa đấy.
Công cuộc xén tóc mất cả thảy hai phút. Tôi thấy oải cả người, không phải vì phải bắt đầu công việc với bộ dạng như Samson (Nhân vật trong cuốn kinh thánh cổ của người Do Thái, có sức mạnh thần kỳ nằm trong mái tóc) khi bị cắt trụi tóc hay vì tôi quá tin vào những điều mê tín của người da đỏ về mái tóc, dù là trong tiềm thức thôi, mà là vì chiếc mũ bằng vỏ trứng đà điểu của tôi lại đang treo ngoài kia.
- Xong, - Lisuarte nói. Tôi sờ tay lên trán và ngập ngừng xoa ngược lên khắp đầu. Tôi tưởng bàn tay tôi như tàu thăm dò mặt trăng Lunik 3. Khi lần đến phần xa nhất…
- Hê, anh để tóc thế này hợp đấy, - giọng của Michael Weiner. Tôi không nhìn thấy lão ta đi vào và đương nhiên lão không hề gõ cửa hay đánh tiếng gì hết. Tôi đáp cảm ơn. Lão vỗ vỗ vào lưng tôi. Phì, đồ con lừa. Sao ở đây lắm sự thân thiện thế không biết. Michael hỏi Taro xem mọi người chuẩn bị đến đâu rồi. Taro trả lời rằng họ đã sẵn sàng. Bác sĩ Lisuarte thì bảo chờ thêm năm phút nữa. Hình như đây là công việc quen thuộc hàng ngày đối với họ.
- Tốt rồi, nào… dượt lại một chút nhé? – Michael nói bằng cái giọng dẫn chương trình truyền hình của mình. – Bà xơ ngoan đạo đã nghoẻo vào giờ cầu kinh thứ ba, tức là khoảng chín giờ sáng, ngày 28 tháng 11 năm 1686.
Có phải làm truyền hình thì phải nhăn nhỏ và xấc xược thế không? – tôi nghĩ bụng. Đồ quái ác. Đồ ngu. Thằng cha này hoàn toàn trơ tráo và sẽ luôn như vậy.
- Bà ta đã không rời căn phòng này từ ít nhất một tháng trước, - Weiner nói tiếp, hay đúng hơn là luyên thuyên tiếp,- Nhưng đến ngày 24 bà ta vẫn còn tỉnh táo vì bà ta đã ký di chúc của mình vào ngày hôm đó. bản di chúc có khoảng ba điều khoản. Nó còn cho biết bà ta sẽ chịu lễ ban thánh thể lần cuối vào ngày 27. Ngoài ra, không còn thông tin gì nhiều để tìm hiểu. tôi nghĩ tốt nhất chúng ta nên quay lại thời điểm buổi sáng ngày hai mươi nhăm.
Ừ, phải, chúng ta đấy, - tôi nghĩ. Đồ hoang tưởng. Không phải ông đang lên truyền hình đâu.
- Chúng ta sẽ đến vào thời điểm giữa giờ cầu kinh buổi sáng và giờ cầu kinh buổi chiều. đó là lúc tất cả bọn họ đều phải ở một mình trong phòng riêng, vì thế, về mặt lý thuyết, sẽ không có ai trong phòng này.
- Hy vọng thế, - Marena nói.
- Tôi sẽ kiểm tra mạch máu trên sọ cho anh, - bác sĩ Lisuarte nói. Tôi đáp xin mời, miễn sao bà ta đừng chạm tay vào da đầu tôi. Nhưng bà ta vẫn làm thế. Thật quái gở cái cảm giác có ngón tay lần đầu trên da đầu mình, nơi chưa từng có bàn tay nào sờ vào, trừ bàn tay của mẹ tôi. Ý tôi là mẹ đẻ của tôi, khi tôi còn rất nhỏ. Trong đầu tôi thoáng hiện ra hình ảnh tôi ngồi trong lòng mẹ, bà xoa xoa vết xước trên trán tôi, rắc vào đó ít tro sạch để cầm máu. Lisuarte hỏi đã bắt đầu tiêm cho tôi và đếm ngược được chưa. Tôi trả lời được rồi. Nào, bắn vào đi. Bà ta bóc hai ống kim tiêm mới. Ra không phải là tiêm máy. Tôi nhắm tịt mắt lại. Như phần lớn những người mắc chứng máu khó đông, tôi rất sợ những đồ vật nhọn.
- Nào, - bà ta nói, - tôi bắt đầu với bốn mươi mi-li-gam Adderall (Một loại thuốc có tác dụng kích thích thần kinh)nhé?
- Vâng, - tôi đáp. Tôi không nói với bà ta rằng với tôi ngần ấy thuốc chỉ có tác dụng bằng một tách con chè xanh.
Bà ta lau khử trùng mặt trong đùi trái tôi và luồn mũi kim vào. Au! Tiếp đó tôi nhận thêm 3,8 cc ProHance. Đó là một dung dịch chứa chất chống thuận từ gọi là Gadoteridol. Nó sẽ khiến mọi hoạt động nhỏ nhất của não hiện rõ trên màn hình theo dõi, giống như những vết nứt nẻ trên môi cô ả Angelina Jolie vậy.
- Được rồi, anh ngả người ra đi, - bà ta nói. Tôi làm theo. Một đống gối xấu xí và rẻ tiền nhún lên nhún xuống dưới cái đầu nhẹ bẫng của tôi. Tôi đang mặc một chiếc quần thể thao COCACAF (Tên viết tắt của Liên đoàn bóng đá Bắc, Trung Mỹ và Caribe) và một chiếc áo phông in hình trò chơi Neo-Teo, tất cả đều là đồ đi mượn, trong lòng cảm thấy vô cùng tự ái. Bà ta hỏi tôi đã sẵn sàng ngồi liền sáu tiếng chưa. Tôi đáp rồi. bà ta hỏi tôi có muốn đi vệ sinh không. Không, tôi đáp. Nếu cần thì tôi sẽ hỏi, tôi nghĩ thầm trong bụng, và tôi sẽ bảo bà cầm bô. Cái con mụ lắm chuyện.
- Được rồi, - bà ta nói, - tôi sẽ dán lên người anh vài điện cực nữa. – Có tiếng xì xì và cảm giác một chất lỏng lành lạnh được bội lên chỏm đầu tôi.
- Anh muốn cầm theo cái này không? – Marena hỏi. Ý cô ta nói mớ tóc của tôi. Cô ta đã ý tứ gom nó lại. Tôi trả lời rằng có, cảm ơn, tôi muốn dùng số tóc ấy để bện một con hình nhân xúi giục tự tử.
Lisuarte và A2 nhét đầu tôi vào một vật như cái mũ tẩm – nó được làm từ một loại vải sợi sản xuất từ các chai sô-đa cũ, mà theo tôi đoán là vô hình với các thiết bị điện tử - rồi mở một chiếc va li lớn hiệu Zero Halliburton. Marena giúp họ nhấc ra một thiết bị điện não đồ từ kí di động, đó là một cái vòng kim loại tráng men dày, kích thước bằng chiếc bánh xe Vespa, với hai sợi cáp lớn thòi ra. Chúng tôi gọi nó là “Toa-let” vì người ta phải chụp nó lên đầu và phun hết những gì có trong não vào nó. Nhưng nhìn không được giống cho lắm. Thực tế, trong căn phòng này chẳng có thứ gì giống lắm với cái gọi là công nghệ cao. Taro bảo tôi rằng các thiết bị nối vào người tôi là 90% những công nghệ mà họ đã sử dụng từ thập kỷ 70 và rằng họ chỉ việc kết hợp chúng với nhau. Họ đặt cái vòng to xù ấy xuống gối. tôi khẽ rướn đầu lên sát khe mở. Họ xoay nó xuống khít vào đầu tôi và dùng các mảnh bọt biển đính cái mũ vài vào các lỗ hổng, vì thế mép trong của cái vòng chạm sát vào lông mày tôi. Lisuarte hỏi thế này có quá thoải mái không? Tôi đáp rằng thế này vừa hay đủ thoải mái. Bà ta nối dây cáp vào và bấm nút khởi động. có tiếng o o khe khẽ phát ra từ thiết bị điện não đồ, chạy vòng quanh với tốc độ 380 dặm một giờ. Lần trước, khi đeo thử thứ này, tôi đã sợ rằng nó sẽ dò ra một mảnh thép trong xoang hay đâu đó trong người tôi và đẩy bật ra qua nhãn cầu, nhưng rõ ràng là trong người tôi không có mảnh vàng nào. A2 kéo lại một chiếc giá ba chân được chèn bao cát, với một màn hình máy tính lớn gắn trên đòn treo và đặt thêm một màn hình PLED ngay dưới cây thánh giá.
- Anh nhìn rõ màn hình máy tính không? - A2 hỏi.
- Gần hơn tí nữa đi, - tôi đáp. Cô ta dích nó về phía tôi và quay nó chúc xuống. - Tốt rồi. - Chất xám của tôi đang ở trên đó, dưới dạng những lớp trong suốt, giống như hình cái túi xách hiện lên trên máy quét của hải quan sân bay vậy.
- Taro? – Marena gọi, - ông bắt đầu chưa?
- Chúng tôi đang gửi đi tín hiệu đầu tiên rồi, - ông ta đáp.
- Anh cảm thấy thế nào? – Lisuarte hỏi. Vài tiếng trước, bà ta đã cho tôi một liều hỗn hợp Aripiprazole và Lamotrigine để giúp tôi suy nghĩ tỉnh táo hơn và không ám ảnh. Tôi không chắc nó có tác dụng hay không, nhưng tôi vẫn trả lời rằng rất tốt.
- Tốt rồi, chúng ta chuẩn bị quét hình, - Lisuarte thông báo.
Tôi giơ một ngón tay cái lên.
- Anh sẽ ổn thôi, - Marena nói, - Nhớ nhé, chỉ cần có động lực thôi.
- Ừ, - tôi đáp.
- Tôi đã lấy áo ngực của mình ra đặt cược cho anh đấy.
- Hay thật, - tôi đáp.
Hờ, - tôi nghĩ bụng, - câu ấy hơi khêu gợi đấy.
Từ mấy ngày nay, hình như Marena và tôi đã tiến khá gần đến ranh giới của sự thân mật. Hoặc ít nhất thì tôi cũng có cảm tưởng như thế. Nhưng té ra chúng tôi chỉ tiếng gần đến đường tiệm cận của nó thôi, và có thể sẽ chẳng bao giờ đến được đích. Và với riêng tôi, việc ranh giới đó không thể hay chưa thể vượt qua đang trở thành vấn đề ngày một quan trọng.
- Tôi sẽ bắt đầu TMS bên bán cầu não trái của anh, - Lisuarte nói. Ý bà ta là kích thích điện từ qua hộp sọ, phương pháp gây rối loạn hoạt động điện não tại một số vùng nhất định của não nhằm kích thích các vùng khác hoạt động mạnh hơn và lóe sáng thường xuyên hơn, nhờ vậy, cấu trúc hoạt động sẽ hiện rõ hơn.
- Nào, đến lúc dành cho sự riêng tư rồi, - Marena nói. - Cảm ơn các vị.
Taro và những người khác ra ngoài. Trong vài giờ tới, sẽ chỉ có Marena, Lisuarte và tôi trong căn phòng này. Song đương nhiên những người còn lại vẫn dọi theo chúng tôi qua băng ghi hình và có thể cho vài lời nhận xét khôn ngoan bố đời nữa.
- Rồi, - Marena nói. – Anh muốn bắt đầu chưa?
Tôi đáp rồi. Tôi đã đề nghị Marena đọc lời thoại thay cho Lisuarte. Nhóm CTP – viết tắt của từ Giao thức chuyển đổi ý thức – đã tổ chức bỏ phiếu về vấn đề này và quyết định rằng như vậy cũng không sao vì suy cho cùng, tất cả những việc ấy chủ yếu vì lợi ích của tôi. họ muốn thử thiết bị mới này trước khi bắt tay vào sự kiện chính. Nhưng vấn đề là nếu thiết bị này không hoạt động thì chuyện đó cũng chẳng nói lên được điều gì. Có thể chỉ là xơSoledad quá ốm nên không đi lại được hay gì đó. Và dù nó có không hoạt động thì chúng tôi vẫn cứ phải tiếp tục dự án này. Tuy nhiên – theo các bác sĩ tâm thần bậc thầy làm việc cho Warren - nếu nó hoạt động tốt thì lợi ích cho ngành tâm thần học sẽ vô cùng lớn.
Tôi nằm hẳn xuống giường. Lisuarte phủ lên người tôi một tấm chăn mỏng. Tôi phỏng đoán rằng nó sẽ giúp tôi được thư giãn. Hừ. Thực tình tôi đã bắt đầu cảm thấy hơi bồng bềnh rồi. Tôi tập trung nhìn vào cây thánh giá, cố tạo cho mình trạng thái như người ở thời Trung cổ. Trên chiếc khố quấn quanh mình bức tượng chúa Giê-su bằng nhựa có một nếp gấp võng xuống khá to và nó đang động đậy. Hãy quằn quại vì con, hỡi Đức Chúa. Hãy nâng lồng ngực lên. Nâng bàn chân lên. Nâng cây thánh giá chết tiệt ấy lên đi, cái đồ thần thánh bẩn thỉu. Ngài đúng là một vị chúa tồi. Ối giời ơi! Giời ơi! Giời ơi! Mặt đất rung chuyển rồi! Cửa mả mở ra rồi! Các âm hồn trỗi dậy rồi! Ối giời ơi, tôi bị xé toác ra làm đôi! Từ đầu đến chân! Ố.. ối..giời…ơi…
- Được rồi, chúng ta bắt đầu nhé, - Marena nói. Cô ta đang nhai kẹo cao su ni-cô-tin, nhưng vẫn nói được rành mạch với cái đống ấy ở trong mồm, - Anh có thể cho chúng tôi biết anh đã làm gì ngày hôm qua không?
Tôi nói cho cô ta biết.
- Rồi. Samarkand là thủ đô của nước nào?
- Kazakhastan, - Trên màn hình, một tia nhằng nhịt màu xanh lá cây lóe lên giữa điểm của vỏ thùy giữa trán tôi.
- Bây giờ là mấy giờ?
- Một giờ mười tám phút.
- Hôm nay là ngày bao nhiêu?
- 15 tháng 3 năm 2012. Sậy 6, Trứng đen 6. Theo lịch của người Trung Quốc, hôm nay là ngày thứ hai mươi ba của…
- Tốt rồi, tin tức hôm nay có gì?
- E hèm, FBI đã bắt giữ người của tổ chức “Những người con của Kukulkan” (thần Rắn lông chim, một vị thần trong truyền thuyết của người Maya).
“Những người con của Kukulkan” là một tổ chức kiểu mới núp dưới bình phong của phong trào Zapatista ở thành phố Austin, một phiên bản theo kiểu Maya của tổ chức “Quốc gia Aztlán”(Một tổ chức dân tộc chủ nghĩa của người Mỹ gốc Mexicô. Azlán là đất nước trong truyền thuyết của tổ tiên người Azléc). Có lẽ tổ chức này đã lên tiếng nhận trách nhiệm, trong một cuộc họp báo về “nỗi kinh hoàng ở Disney World”. Tuy nhiên, theo lời Không Đời Nào, một người gọi là Subcomandante Carlos, dạng như thủ lĩnh của tổ chức này, trước kia từng là thành viên của tổ chức Enero 31 đã nói với anh ta rằng “những người con của Kukulkan” chẳng dính dáng gì đến vụ ấy hết.
- Đúng rồi, - Marena nói, – còn gì nữa?
- Ờ, còn một đống “sâu phát sáng”, ý tôi là những người đã tiếp xúc với các hạt polonium, đã chạy khỏi các trại cách ly và đang tạm trú bên ngoài thủ đô Washington. Nhà Trắng thì tuyên bố rằng họ sẽ ngăn chặn những người biểu tình và sẽ không để họ đặt chân lên Great Lawn (Một bãi cỏ rộng, nơi tổ chức những sự kiện lớn ngoài trời ở thành phố New York), ờ…còn gì nữa nhỉ.. họ nói rằng họ ước tính có khoảng năm trăm pound chất polonium 210 trong khu vực bị phong tỏa, vì vậy, không ai được phép vào đó trong một thời gian dài mà không có thiết bị bảo vệ. Chỉ có điều, phần lớn quần áo bảo hộ chống phóng xạ lại đang ở Pakistan, và tám mươi phần trăm trong số những bộ còn sót lại ở Mỹ thì lại có chứng nọ tật kia. Ờ…còn có một đoạn băng ghi hình các xác chết mới được tung ra và chính phủ đang cố đánh sập trang YouTube vì họ không muốn người dân xem cảnh ấy, còn Hiệp hội Tự do Dân sự Mỹ thì đâm đơn kiện để đòi công bố toàn bộ cuốn phim. Một vài đoạn thực sự… thực sự ghê sợ.”
Tôi đang nghĩ đến đoạn băng ghi hình ở MegaCon. Đó là cảnh quay sàn trưng bày chính trong một căn sảnh rộng mệnh mông. Ai đó đã dọn các lều rạp ra khỏi khu vực giữa sàn, và ở đó, hai trăm người tham dự hội đã cùng tắt thở, họ chồng chất lên nhau thành một đống lớn bởi những người hấp hối thường có xu hướng muốn được chạm vào ai đó. Như phần lớn những xác chết thông thường, khuôn mặt của tất cả các nạn nhân này đều méo mó, miệng há ra hoặc mặt nhăn nhúm lại, nhưng hơn thế, hình như họ còn bị phì ra hệt như nhau và phân nửa trong số đó vẫn còn mặc trang phục hóa trang thành cá kình người Bắc Cực, người ngoài hành tinh, vân vân, và chính điều đó tạo cho quang cảnh một cảm giác gì đó như ở thời Trung cổ, tựa như núi xác chết kẻ thù mà Timur Lenk (Vị hoàng đế đã chinh phạt phần lớn Tây và Trung á, sáng lập nên đế quốc Timurid và triều đại Timurid) đã để lại trên các thảo nguyên, chỉ khác ở chỗ các xác chết bây giờ nằm dưới ánh đèn huỳnh quang màu xanh lục. Và khi ống kính tiến sát thêm, người ta có thể nhìn thấy nhiều người trong số họ đang cầm thứ gì đó trong tay, như đũa phép của Harry Potter, bùa hộ mạng của Sith và những thứ bùa chú rẻ tiền khác, và sau đó họ quay thật gần để người xem có thể thấy những cái xác đã trương phềnh lên đến mức nào, thấy lũ ruồi bâu như thế nào và thậm chí có thể ngửi được mùi thối rữa qua màn hình…
- Còn gì nữa? – Marena hỏi.
- Ồ…à… còn rất nhiều thân nhân của các nạn nhân, họ yêu cầu được đưa những cái xác ra ngoài, nhưng các cơ quan công quyền và công chúng lại kiên quyết phản đối, cho rằng nếu làm vậy, họ sẽ khiến chất polonium 209 bị phát tán ra xung quanh, và rằng họ nên đưa vào đó máy xúc tự động và có lẽ cả vài vị linh mục trong áo phòng hộ nữa, để chôn tất cả các xác chết ở một nơi nào đó bên trông khu vực phong tỏa.
Tôi ngừng lại, nhưng cô ta không hỏi tiếp. Tôi đoán là vì các vị ở Stake thấy ngần ấy khu vực trong não tôi sáng lên thế là đủ rồi và họ không muốn kích thích thêm những vị trí khác nữa.
- Và còn các nhân viên kiểm soát ở Cục bảo vệ Môi trường nũa, - tôi nói tiếp. - Họ tuyên bố rằng ngay cả việc đó cũng sẽ khiến quá nhiều bụi bị tung lên và việc tốt nhất nên làm là cứ để nguyên cả khu vực đó như thế, giữ nguyên các tòa nhà để làm đài tưởng niệm, rồi lại xuất hiện thêm một phe nữa mà tôi đoán rằng họ muốn chí ít cũng phải san phẳng các tòa nhà và chặt hạ tất cả cây cối vì nếu xảy ra cháy, polonium sẽ bị phát tán thêm, nhưng tôi nghĩ bây giờ họ đã thống nhất chuẩn bị đầy đủ máy bay bảo vệ rừng để dập tắt mọi đám cháy nếu có xảy ra. Còn với những cái xác, hiện cơ quan lập pháp của bạn Florida đã soạn một dự luật về cái mà họ gọi là “giải pháp Pompli”, tôi đoán như thế có nghĩa là họ sẽ cử đến một nhóm nhân viên cấp cứu y t trong trang phục bảo hộ đặc biệt, để bảo quản các xác chết theo quy trình “von Hagens”, và tôi đoán họ sẽ phun lên đó một lớn sơn vàng hoặc bảo quản bằng cách nào đó khác rồi cứ để nguyên tại chỗ, sau đó, đến khi nào không khí sạch các hạt phóng xạ, họ sẽ đưa các thân nhân đến tiến hành đám tang theo cách ngồi trên khí cầu nhìn xuống. Mặc dù tôi thấy như vậy có phần kỳ cục, nhưng…
- Được rồi, còn gì nữa?
- Ờ…Ayatollah Razib nói vụ tấn công này đã được tiên đoán trong kinh Koran. Ted Haggard nói nó là sự trừng phạt dành cho chúng ta vì đã cho phép hôn nhân đồng giới ở bang này. Con số thống kê chính thức số người thiệt mạng, vì tất cả các nguyên nhân: nhiễm độc, bạo loạn và cháy nổ, đã lên tới gần bốn mươi nhăm ngàn. khoảng một phần ba lãnh thổ đông nam nước Mỹ vẫn đang được đặt trong tình trạng thiết quân luật. cả một đống người đã bị cướp để lấy máu đêm qua tại Tampa. Tôi đoán khi tỉnh dậy, họ sẽ nhợt nhạt, khát khô họng, với…
- Ý tôi là còn tin gì khác nữa ngoài tin liên quan đến Disney World?
- À. Để xem nào…có một cuộc nội chiến ở Bangladesh. Có một tên khủng bố tên là Hasani bị bắt giữ tháng trước, hắn đang ốm sắp chết và dư luận đang đòi kết án hắn vì tội ngược đãi. Đúng không nhỉ? Và hôm nay, tổng thống đã ký phê chuẩn rút lui khỏi Công ước Geneva…à không… khỏi các nghị định thư, để nó có thể tiếp tục kéo dài. Đúng không? Và hợp đồng ngô giao tháng bảy đã tăng ba mươi phần trăm, vàng trên thị trường đang giao dịch ở mức giá một nghìn sáu trăm đô la một ounce. Và…
- Vậy là được rồi. Tốt lắm. Ý tôi là không hoàn hảo một trăm phần trăm, nhưng anh làm khá tốt.
- Cảm ơn.
- Vậy, - cô ta nhìn vào điện thoại, - căn bậc hai của mười chín là bao nhiêu?
- Bốn phẩy…ờ…chờ chút…ba năm chín.
- Tôi nghĩ anh thật hấp dẫn khi làm được như thế.
- Hở? ồ, cảm ơn.
Hừ, câu ấy nghĩa là sao, - tôi phân vân. Tán tỉnh à? Tôi những muốn soi đèn vào cái hố giun sau hoắm trong đầu cô ta. Hay đó chỉ là một phần kế hoạch của họ? Muốn làm tôi lúng túng? Bị kích thích? Có thể lắm. Phải coi chừng đám người này mới được. Chúng thâm hiểm lắm…
- Điểm cốt lõi của Kiri-Kin - thuyết siêu hình học đầu tiên là gì?
- Sao cơ?
- Thuyết siêu…
- Chờ chút, - tôi đáp, - tôi nhớ rồi, ờ…không có gì là không thật. Hay gì đó.
- Không có gì không thật tồn tại, - cô ta nói.
- Đúng rồi. Phải đấy.
- Bây giờ tôi đưa ra cho anh một loạt danh từ, - Marena nói, - chúng tôi muốn anh ghi nhớ và viết lại khi đến nơi.
- Tôi hiểu rồi.
- Giày…tẩy…cá vàng…sọ…bông bay…xe cút kít.
- Tôi nhớ rồi, - tôi đáp. Tôi cũng tự gửi cho mình một thông điệp trong đầu, một điều tôi vừa nghĩ ra, chưa hề nói với ai, thậm chí chưa hề nói ra thành tiếng: Mật mã ở thế giới bên kia của Houdini (Ảo thuật gia người Mỹ, nổi tiếng với thuật thoát thân): Rosabelle, tin tưởng.
- Tốt, - Marena nói. – Còn bây giờ, chúng tôi sẽ tắt hình dung về bản thân của anh và cho anh xem vài bức hình.
- Đây, đây là hình ảnh thứ nhất, - cô ta nói tiếp. Một bức ảnh của Ronald Reagan trong bộ phim Đường Stallion hiện lên trên màn hình với độ sáng và sắc nét rực rỡ.
- Nhìn ghê quá, - tôi nhận xét. Vùng amygdala (vùng não chỉ huy cảm giác giận dữ hoặc sợ hãi) trên não tôi chắc đang sáng lóe liên tục: NGUY HIỂM, NGUY HIỂM, NGUY HIỂM.
- Bây giờ, anh hãy trả lời khi tôi đặt câu hỏi. – Hình ảnh chuyển sang cảnh một đàn ngỗng con đi thành hàng theo chân mẹ. – Đôi tất, anh đang đi có màu gì?
Câu hỏi này làm tôi hơi lúng túng, nhưng tôi nghĩ tôi đã trả lời đúng, mặc dù không hiểu được tầm quan trọng của nó. Trên thực tế, não đồ của anh thường lóe sáng nhiều hơn, tức là có chuỗi nơ-ron sáng lên, khi anh không biết câu trả lời…
Ối giời ơi. Trên màn hình hiện lên cảnh một con chồn nâu lớn lẻn đến và xé xác bốn trong số sáu con ngỗng con. Ngỗng mẹ đập cánh lồng lộn quanh bãi tử địa và kêu lên những tiếng tuyệt vọng. Khiếp quá.
- Rồi, - Marena nói. – Chúng ta quay lại vấn đề thông điệp đang nói dở lần trước nói.
Tôi trả lời đồng ý. Chúng tôi ôn lại đến lần thứ một trăm về việc phải viết những gì, viết lên đâu và để lại chỗ nào.
- Tốt rồi. Bây giờ hãy kể tôi nghe chuyện con chóDesert đi.
Gì cơ, tôi nghĩ thầm.
Mẹ kiếp. Sao cô ta biết được chuyện đó? Tôi chưa từng kể với ai cả. Có lẽ tôi đã nói mê trong lúc ngủ khi kiểm tra điện não đồ ở Stake. Chắc họ đã cho tôi uống loại thuốc an thần nào đó. Lũ con hoang.
- Jed?
- Xin lỗi, - tôi đáp. – Tôi chưa…à…chuyện đó không…ờ…
- Tôi biết, câu hỏi đó đột ngột, nhưng dù gì đi nữa, xin anh cứ trả lời.
Im lặng một chốc. Thôi được, tôi tự nhủ. Tôi bèn kể cho cô ta nghe các ông anh hờ của tôi đã bắt được con chó ấy như thế nào, rằng chân trước nó không có móng ra sao, rằng chúng chỉ là những bàn chân cụt lủn với những thớ sụn lòi ra ngoài, rằng cặp mắt nó lồi lên vì sợ hãi, rằng nó đã bớt sợ khi tôi ngồi bên chuồng nó một lúc, rằng tôi đã cố phá cái khóa móc nhưng không được, rồi lấy xà beng đập nó, nhưng cũng khôn được, sau đó tôi bèn thử bẻ các thanh dóng. Tôi định sẽ nắn nó lại như cũ để các anh tôi không biết là tôi nhúng tay vào. Nhưng lúc ấy tôi mới có tám tuổi và chưa biết cách làm những công việc thợ thuyền ấy đúng cách, vả lại, cái thùng đó là một loại đồ dùng công nghiệp bền và nặng, dùng để nhốt lợn hoặc những thứ tương tự. ConDesert hiểu tôi đang làm gì và nó dường như tin tưởng rằng tôi sẽ cứu được nó ra. Kể cho Marena nghe chuyện này với tôi lúc đầu cũng chẳng dễ dàng gì, vì tôi rất xem thường sự ủy mị, giọng tôi bắt đầu nghẹn lại và đều đều, nhưng hình như trong cái mớ thuốc hổ lốn mà họ đưa vào người tôi có chất gì đó làm lưỡi thả lỏng ra, bằng chứng là tôi cứ tiếp tục kể. Tôi kể cho Marena rằng tôi đã mang đến một lon nước ngọt, đổ vào một chỗ lõm trên sàn chuồng bằng kẽm và con chó tì khuỷu chân xuống, chúi ngập đầu vào, liếm sạch, rồi ngước lên nhìn tôi với ánh mắt đầy vẻ biết ơn và hiền lành vốn dĩ của loài chó, thậm chí trong cặp mắt ấy còn có cả ánh mắt ươn ướt đầy hy vọng, rằng tôi đã cho nó một túi bánh quy mặn Rold Gold to bằng gói bim bim, trước đó tôi đã rũ hết muối đi, nó mới thích những miếng bánh đó làm sao, nó vẫy vẫy cái đuôi xơ xác và lắc lắc đôi tai vàng ệch. Tôi để cho nó nghĩ tôi sẽ làm một việc đúng đắn, rằng tôi đầy quyền năng và sẽ giải thoát được cho nó khi nào tôi muốn, rằng nó sẽ theo tôi và trở thành tai mắt của tôi, nó như muốn nói nó vẫn đi được tốt dù không còn móng, nó sẽ theo tôi và trở thành một người bạn tốt, mõm nó mới mềm mại làm sao khi nó liếm tay tôi, với cái đầu chó con thật ấm áp, cái mũi đáng ra phải ẩm ướt của nó khô và nóng hổi, nhưng không đến nỗi khô như lúc trước, lưỡi nó tợp hợp khắp bàn tay sưng phồng vì thử hết cách này đến cách khác của tôi. Tôi thử cắt tấm sàn bằng một mẩu kim loại nhưng không được. cuối cùng, tôi ngồi xuống, khóc òa lên. Tôi nhìn bàn tay rướm máu của mình và nhận thấy các đầu và khớp ngón tay đã bị cào xước nhiều chỗ. Tôi biết rằng nếu không về nhà và đắp vết thương lại, tôi sẽ mất rất nhiều máu. Tôi bèn gãi dưới cái tai mềm mềm củaDesert và bảo nó rằng tôi phải đi, nhưng tôi sẽ quay trở lại, mày chờ ở đây, chó ngoan. Tôi đi bộ về, qua các khu đất trống, dưới ánh đèn đường sáng trắng, nản lòng hơn nhiều so với những gì mà từ nản lòng có thể diễn tả, như thể vừa cắn vào một tảng đá trong vũ trụ. Đó là một trong những giờ phút mà người ta nhận ra sự tồn tại khắc nghiệt đến chừng nào, tuy chỉ le lói như nhìn qua một mảnh vụn trong suốt, hay một vết trong tạo ra nhò chạm đầu ngón tay lên mặt kính đóng băng, và đó chỉ là sự thất vọng của những kẻ ngây thơ, khiến những hy vọng của họ tan biến nhanh như lao đầu xuống vực, và sự chịu đựng ấy sẽ phải chấm dứt, bằng cách nào đó. Về đến nhà, tôi vẫn còn nghe tiếng rền rĩ của Desert vẳng đến từ bên kia đường cao tốc, ít giống tiếng rên rỉ của chó mà giống tiếng thổn thức của đứa trẻ hai tuổi bị đau tai. Và…
- Được rồi. Tốt lắm. – Marena nói. Chắc Lisuarte vừa thông báo với cô ta qua điện đàm rằng họ cuối cùng cũng đã xem đủ các hoạt động của rìa não tôi. Rốt cục thì Jed Mixoc de Vô Cảm cũng đã bộc lộ ít cảm xúc thật. – Bây giờ chúng ta thử vài kích thích nhé, – ý cô ta là kích thích tế bào thần kinh.
Tôi trả lời được và nhắm mắt lại. Mười giây bình thường, không có gì xảy ra, tiếp đó là một tia sáng xanh lóe lên.
- Tôi nhìn thấy màu xanh lá cây, - tôi thông báo.
- Tốt, - cô ta đáp. Vài giây im lặng nữa, và sau đó là tiếng mưa rơi.
- Tôi nghe thấy tiếng mưa, - tôi thông báo tiếp. Tôi cũng ngửi thấy mùi tỏa ra từ những nén hương bằng gỗ đàn hương ai đó vừa thắp lên. Rồi tôi nhớ ra rằng đó có thể chỉ là một kích thích khác.
- Mùi hương.
- Đúng rồi.
Những âm thanh, hình ảnh và mùi hương nối tiếp nhau nổi lên rồi chìm đi. Tôi nghe thấy tiếng vĩ cầm giọng son thứ và một đoạn trong bản công-séc-tô số 2 soạn cho đàn Piano của Prokoviev. Tôi ngửi thấy mùi quế và mùi cao su cháy khét – ai đó đang chọc ngoáy lung tung vào thùy thái dương của tôi – và rồi, bất thình lình, đến một mùi gỗ ngòn ngọt như mùi của những cuốn sách cũ bị ẩm. Tôi nhìn thấy khuôn mặt của Silvana. Tôi cảm thấy những vết nhoi nhói trên ngực và một cú thọc mạnh vào xương sườn. Tôi nhìn thấy khuôn mặt của nhũng người mà tôi chắc chắn có quen biết nhưng không còn nhớ nữa. Tôi thấy khuôn mặt của mẹ tôi. Bà đang mỉm cười. Tôi nhìn thấy những vân gỗ tạo thành hình thù ghê sợ mà tôi tưởng tượng giống như con dê quỷ thắt nơ bướm trên cánh cửa phòng tôi ở nhà Odegârd. Tôi nhớ đến chiếc máy xúc đồ chơi màu da cam mà tôi đã bới lên được từ bãi rác và chơi với nó hàng ngày hàng giờ; nhớ tới con cá đầu tiên tôi nuôi, một con cá cầu vồng mà tôi đặt tên là Generoso, và một buổi sáng, tôi giật mình khi phát hiện ra nó trở nên hiếu chiến, xù hết vây ngạnh lên và cắn chết những con các cầu vồng khác, đầu tiên là những con đực, rồi đến những con cái, và cuối cùng chính nó cũng chết; nhớ tới những điều mà tôi đã không hề nghĩ tới nhiều năm nay, thậm chí không hề nghĩ tới suốt từ khi nó xảy ra cho đến ngày hôm nay. Lạ sao, tất cả những sự việc đó dường như đều đang chạy ngược chẳng theo một thứ tự gì hết, sau đó lại chạy xuôi lại giống như các phân mảnh chương trình trước tiên được sắp xếp rồi tua lại và chiếm những vị trí mới trong ổ cứng của tôi, sau đó phát lại từ đầu. Có những lúc, tôi choáng ngợp đến mức gần như nghĩ rằng tôi có thể đã là người kia, tức là phiên bản của chính tôi đang mắc kẹt ở cuối thế kỷ mười bảy, và ở đây, tôi đang cầu xin thánh thần, kể cả ma quỷ và những vị thần không tồn tại, sao cho người đó không phải là tôi, đừng để tôi là người phải đi, hãy cho tôi là người ở lại, bởi vì nếu tôi là người kia, tôi sẽ không thể trở về.
20
Đến đây có lẽ tôi nên giải thích một chút.
Chắc các bạn cũng biết rằng Kirk hay Bones (Hai nhân vật trong Star Trek), ví dụ vậy, di chuyển thông qua máy dịch chuyển, anh ta sẽ được sao chép và tan biến đi ở vị trí xuất phát, sau đó, chùm lưu thông tin sẽ được đưa tới đích đến, anh ta sẽ được tái hợp lại từ những nguyên tử có sẵn ở đó. Đến đây, chắc các bạn sẽ thắc mắc việc gì phải làm tan biến Kirk trong khi không cần thiết phải làm vậy? Tại sao không bỏ qua bước đó và vẫn tái hợp anh ta ở đầu bên kia như thường? Như vậy sẽ có hai thuyền trưởng Kirk, mỗi người ở một đầu cầu. Thực ra, ai còn cần đến máy dịch chuyển nữa khi có thể tự sao chép mình thành nhiều bản. Tại sao không có cả một nắm Kirk để mỗi con tàu trong đội Starfleet đều có một ông ta làm chỉ huy? Hừm, có thể nói rằng hệ thống của dự án Kerr Space đã tận dụng chính nguyên lý đó. Tức là, khi tôi đang nằm trên chiếc giường này với đống thiết bị gắn vào đầu, nó sẽ không làm tôi tan biến, hay đẩy tôi ra khỏi đầu mình, hay làm tôi ngủ mê đi, mà chỉ chụp lấy một bản sao của tôi. Bất chấp mọi kích thích và các thể loại tác động đến thần kinh khác, tôi vẫn thức và tỉnh táo, thậm chí suy nghĩ khá mạch lạc. Nói chung tôi chẳng cảm thấy gì hết.
Hoặc có thể nói thế này cho rõ ràng hơn: thằng “tôi” được ở lại đây, tức là người ở lại sau khi bản sao kia được lấy đi, hoàn toàn không cảm thấy gì. Còn bản sao, tức là phần kém may mắn hơn của Jed DeLanda, thì sẽ giống như Kirk thứ hai, người phải đáp xuống bề mặt hành tinh và phải chiến đấu với những con quái vật ngoài hành tinh Romulan. Thằng Jed kém may mắn hơn sẽ mắc kẹt trong cơ thể một mụ già quắt queo, đầy mụn mủ. Khốn khổ cái thân tôi. Chết vì bệnh đậu mùa cũng đau đấy. Biết đâu họ sẽ cho bà ta dùng ít thuốc phiện. Không, không chắc đâu. Thằng Jed kia bị lừa một vố to rồi, tôi nghĩ. Xin lỗi, Jed “kia”. Nhưng chúng ta phải làm việc này.
Dĩ nhiên, trong lúc đó, thằng Jed kia chỉ là một hình ảnh thôi, đằng nào nó cũng không tự nhận thức được bản thân mình. Nó chỉ là một dạng mật mã được viết bằng giao thức đặc biệt, giao thức P của PCP, được phát triển bởi Dự án nghiên cứu khả năng nhận thức ở người, xét về mặt nào đó, nó tương tự như một chương trình hợp ngữ cao cấp. Trên thực tế, vì mật mã này được chuyển đi dưới dạng số nên có thể nói rằng nó là một con số, một con số chứa hàng nghìn tỷ chữ số, nhưng cũng chỉ là một số nguyên bình thường như bất kỳ con số nào.
Trong khoảng thời gian kéo dài sáu giờ đồng hồ, máy chụp điện não sẽ ghi lại các hoạt động não bộ của tôi và chuyển thành một bộ phim hình ảnh ba chiều, hàng nghìn tỷ hoạt động điện hóa sẽ ít nhiều được kích thích bằng những câu hỏi đáp. Các tế bào thần kinh phát ra xung áp với tần suất khác nhau, từ đó các phản ứng hóa học sẽ sinh ra nhiệt độ và hồng ngoại có thể đo được. Từng hoạt động nhỏ nhất sẽ đưa vào một phần mềm được tích nguồn và được xếp riêng vào từng khu vực. Sau đó, chúng sẽ được đặt tên và phân loại theo vị trí, độ mạnh và thời gian, tiếp đó, qua một trong những cái hộp đặt ngoài sảnh, nó sẽ được hợp nhất thành một không gian toán học có chức năng chuyển các tín hiệu điện sinh lý thành một ma trận thông tin sinh hóa và chuyển hóa. Cuối cùng, toàn bộ những thứ đó sẽ được mã hóa thành một chuỗi số liệu. Mật mã này được cho là có thể tái hiện toàn bộ ý nghĩ của tôi về bản thân, tức là một bao tải to bằng dãy An-pơ chứa đựng kí ức, quan điểm, thói quen tư duy, tính toán, hình ảnh mâu thuẫn và phức tạp về bản thân và tất cả những gì tạo thành ảo giác về bản thân – là thứ mà lấy ra khỏi người tôi thì nó hoàn toàn chỉ là một ảo giác, và không phải lúc nào cũng tin được nó. Sau đó, toàn bộ khoảng hai trăm nghìn tỷ bit thông tin tạo thành nhận thức, hay nhân dạng, hay ý thức về bản thân, hoặc chúng ta hãy nhất trí gọi nó là NTBT – Nhận Thức Bản Thân của tôi – tất cả sẽ được chuyển qua hai chiếc máy tăng thế 2,4 gigihertz được bảo mật cực cao – là thứ trông như cái thùng loa mà tôi đã nhắc đến – và hai sợi cáp quang chạy dọc ngoài sảnh, lên một cầu thang nhỏ phía sau, đến một chiếc chảo phát sóng nhỏ đặt trên mái nhà. Chiếc chảo đó sẽ truyền NTBT của tôi lên một vệ tinh truyền thông Spartacus – được đưa vào tái sử dụng thông qua những mối quen biết bí ẩn ở Lầu Năm Góc – rồi truyền xuống một trạm tiếp nhận trung gian gần thành phố Mexico City. Từ đó, nó sẽ được chuyển tiếp qua các vệ tinh truyền dữ liệu thông thường đến một cỗ máy gia tốc siêu dẫn tốc độ cực cao có chu vi lên tới 14,065 km, nằm gần trụ sở của Cơ quan nghiên cứu hạt nhân châu Âu, trên biên giới Pháp – Thụy Sĩ. Số liệu sẽ được chuyển vào dãy ổ cứng của máy gia tốc, toàn bộ số ổ cứng đó có thể chứa được cả thảy sáu trăm nghìn tỉ bit.
Tuy nhiên, con số này ít hơn rất nhiều so với tổng số gần bốn trăm triệu tỉ bit thông tin phát ra từ não bộ tôi trong vòng sáu giờ, vì thế, chúng tôi sẽ gặp phải vấn đề về lưu trữ. Thực ra, tất cả bộ nhớ máy tính của hành tinh này cũng không đủ để lưu trữ ngần ấy số liệu. Để làm được việc này cần phải huy động tới hai mươi tỉ ổ cứng dung lượng năm trăm gigi-byte. Rắc rối cũng nằm ở chỗ nó đơn giản là ở số liệu và không tỉ biến. Thiết bị duy nhất đủ sức chứa là bộ não người khác. Nhưng bộ não mà chúng tôi muốn dùng thì đã mủn thành đất từ lâu rồi. Vì vậy, chúng tôi phải đến được chỗ nó lúc nó vẫn còn hoạt động.
Trong một thế kỷ gần đây, điều này thì tôi đoán là các bạn cũng biết, nhất là trong khoảng một thập kỷ vừa qua, đã diên ra vô số những cuộc tranh luận mơ hồ về du hành xuyên thời gian. Có lẽ bởi người ta đã bắt đầu quen với việc những dự đoán được viết dài dòng trong tiểu thuyết viễn tưởng cuối cùng lại trở thành sự thực. Sau sự xuất hiện của những chiếc máy tính thông minh và xinh đẹp, những chuyến du hành vũ trụ, những ca phẫu thuật với thiết bị công nghệ nano, những tấm bảng vô hình, sự sống nhân tạo, kỹ thuật đông lạnh người sống, tình dục ảo, chó lông phát sáng với toàn bộ phim ảnh, âm nhạc và sách vở của nhân loại có thể bỏ gọn trong túi, người ta bắt đầu cho rằng ai đó sẽ tìm ra cách đi xuyên thời gian. Cũng chẳng lấy gì làm lạ khi xuất hiện vô số trò lừa đảo liên quan. Vấn đề này cũng giống như thuật giả kim ở thời Trung cổ. Vào thời đó, kẻ lừa đảo nói rằng: “Hãy đưa cho ta một ngàn đồng Soldo (Một loại tiền của Ý) bằng đồng, ta sẽ biến nó thành vàng ròng vào đúng ngày lễ Thánh Whitlough.” Còn ngày nay, hắn nói: “Hãy đưa chúng tôi thêm một tỉ nữa, và chúng tôi sẽ đưa nữ hoàng Cleopatra đến văn phòng của ngài kịp lúc để chào bán cổ phiếu lần đầu.”
Nhưng không may, thời gian là một hạt dẻ khó nhằn. Hay nói quá khứ thì đúng hơn. Đi đến tương lai là một việc dễ dàng, dùng ngay kỹ thuật đông lạnh người sống cũng được. Nhưng để đi về chiều ngược lại, anh sẽ phải đối mặt với hai vấn đề lớn.
Vấn đề đầu tiên đương nhiên là nghịch lý “ông nội”. Trong một thời gian, người ta đã cố giải quyết nghịch lý này bằng cách đưa ra lý thuyết về các vũ trụ tồn tại song song. Anh có thể đi về quá khứ và làm mọi thứ mình muốn – ngay cả việc giết chết ông nội mình – và tương lai sau đó của anh sẽ khác với tương lai mà từ đó anh tới, thế là ai nấy đều vui vẻ. Nhưng cách đó cũng nảy sinh nhiều rắc rối. Chẳng hạn, nếu anh có sẵn những vũ trụ ấy trong tay để lựa chọn, sao anh không chỉ việc chọn lấy một cái đang tồn tại song song với cái mình đang sống, nơi mọi việc đều hoàn hảo, nơi anh mua được Google vào năm 2004, một ouncesữa sô-cô-la chỉ chứa một ca-lo năng lượng và Billy O’Reilly(Chuyên gia bình luận các vấn đề chính trị) chưa từng tồn tại? Nhưng vướng mắc lớn nhất là điều đó không thể xảy ra. Theo giả thuyết có tính khoa học nhất hiện nay và theo những bằng chứng thử nghiệm đáng tin nhất, ngoài khoảng không kia không hề có các vũ trụ với số lượng vô hạn. Và kể cả nếu có, anh cũng không thể đến được. Năng lượng phát đi từ hiện tại của chúng ta, xuyên qua các hố đen, sẽ tới đúng quá khứ của chúng ta, chứ không phải quá khứ ở những vũ trụ khác. Và ngay cả khi vũ trụ của chúng ta không phải là vũ trụ duy nhất thì số lượng các vũ trụ cũng không thể quá nhiều. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa vũ trụ của chúng ta là vũ trụ đặc biệt. Khi chúng tôi đọc đến phần này trong bản trích dẫn, Marena đã nói: “Cái này giống như chỉ có duy nhất một tập phimChic Chesbro, nhưng nó cũng chẳng vì thế mà hay ho hơn.” Chẳng ai, trong đó có cả tôi, hiểu được ẩn ý của câu này. Taro thì diễn giải một cách dễ hiểu hơn. Ông ta nói rằng lý thuyết này của các phòng thí nghiệm vật lý “thật rối rắm: học thuyết thì nhan nhản nhưng vũ trụ thì chẳng thấy đâu”. Nghĩa là nếu không cân bằng được một phương trình, người ta chỉ cần nói: “ồ, phần còn lại chắc chắn đã đến một vũ trụ khác rồi”. Đó không chỉ là cách để thoái thác trách nhiệm, luôn có những người giải phương trình theo cái kiểu như vậy. Vì thế, giấc mơ đa vũ trụ đã tan biến dần.
Rắc rối lớn thứ hai liên quan đến du hành xuyên thời gian là: bất cứ thứ gì anh gửi về từ quá khứ sẽ đều gặp phải một trăm phần trăm nguy cơ bị cán mỏng như sợi mì. Cụ thể hơn, việc tìm ra hay thậm chí là tạo ra một hố đen không phải việc quá khó. Và qua hố đen, năng lượng luôn bị hút về quá khứ. Hay, cụ thể hơn nữa, con đường của thời gian bên trong hố đen không liên quan rõ rệt tới cách mà nó đã di chuyển bên ngoài hố, và thường nó có xu hướng chạy về quá khứ, đó cũng chính là lý do vì sao các hố đen luôn bốc hơi mất. Ngay lúc này đây, vẫn có năng lượng từ một tương lai xa nào đó phóng ra từ các điểm kì dị (Là một điểm trong không gian mà tại đó vật chất với trường hấp dẫn cực lớn bị nén chặt đến nỗi diện tích bề mặt của nó bằng không và khối lượng là vô hạn. Hố đen vũ trụ là một ví dụ.) cách trái đất không xa. Nhưng nó cũng chẳng ích lợi gì đối với chúng ta. Vấn đề nằm ở chỗ, mặc dù không quá khó nếu muốn thả một vật vào hố đen để nó được phun ra tại một thời điểm nào đó ở quá khứ, nhưng lúc ấy nó đã bị nghiền nát một cách thảm hại đến mức nhỏ như nguyên tử, và thường xuyên bị chuyển thành dạng năng lượng. Điều đó có nghĩa là, nói chung anh có muốn gửi thông tin đi cũng không được. Anh có thể thả vào hố đen một cuốn bách khoa toàn thư, nhưng ở quá khứ, anh chỉ nhận được một mớ nhiệt năng và ánh sáng, cũng có nghĩa là không gì hết.
Tuy nhiên… tuy nhiên… tuy nhiên… anh có thể gửi cái gì đó không là gì cả, tức là không có hình dáng. Anh có thể gửi năng lượng.
Tại cỗ máy gia tốc siêu bán dẫn, chuỗi số liệu thô từ NTBT của tôi sẽ được xử lý thành một bản đồ sóng giàu thông tin. Cỗ máy cũng đồng thời nén các tín hiệu, thu hẹp khoảng cách giữa các bước sóng sao cho lượng thông tin tải xuống trong vòng sáu giờ của ngày hôm nay sẽ mất không tới bốn mươi giây để chuyển sang đầu bên kia. Một khẩu súng bắn tia gamma sẽ bắn dòng năng lượng dưới dạng sóng vào đường không gian Kerr Space (là một đường tròn tưởng tượng nằm ở trung tâm máy gia tốc). Dòng năng lượng sẽ chạy quanh đường tròn khoảng sáu trăm ngàn vòng, tốc độ sẽ được đẩy lên tới điểm mà lực ly tâm sẽ khiến nó văng ra khỏi đường tròn, vào một đường ống tiếp tuyến, nơi lắp đặt sẵn một thiết bị điện từ được thiết kế đặc biệt để tạo ra và duy trì một hố giun Krasnikov thu nhỏ.
Cách đây bốn năm, những gã ở trung tâm nơi đặt cỗ máy gia tốc hạt lớn tuyên bố họ đã tạo ra được một hố đen cực nhỏ. Quy trình tạo ra hố giun cũng tương tự nhưng có phần dễ hơn. Hố đen có cách chân trời sự kiện, chẳng đem lại gì ngoài rắc rối. Còn hố giun thì không. Hố giun có hai cửa miệng – và cả hai đều cần thiết – nhưng hố đen thì chỉ có một. Và để giữ hố đen tồn tại trong một khoảng thời gian đủ lâu, nhất là tại đâu đó gần bề mặt trái đất, anh sẽ phải dùng đến số năng lượng tương đương với vài mặt trời.
Việc chăm sóc và nuôi sống hố giun đơn giản hơn nhiều. Nhưng ngay cả với một hố giun thông thường – nếu có thể gọi thế - anh vẫn phải cần đến kỹ thuật tiên tiến và rất nhiều năng lượng. Một cái hố cơ bản, ví dụ loại Schwarzschild (Đặt theo tên của nhà vật lý học nổi tiếng người Đức Kant Schwarzschild) chẳng hạn, trong không gian R2 x X2 , sẽ có dạng ds2 = - (1 – r/r)dt2 + (1 – r/r) – 1dr2 + r2dΩ2, trong đó Ω là thông số tỉ trọng, r = 2GM / c2 và dù2 = dθ2 + sin2dφ2. Và đương nhiên M là khối lượng phân tử, và G là hằng số hấp dẫn, φ là góc, r là bán kính và d là khoảng cách. Vì vậy, nếu điều chỉnh một lúc, anh sẽ thấy trong lòng nó có một lực thủy triều khổng lồ, và nếu không có đủ lực đối kháng, nó sẽ sập. Thực ra nó là một phần của hệ thống hố đen – hố trắng. Nhưng ống Krasnikov có độ mét Kerr với công thức ds2 = Ω2(ξ)[-dτ2 + dξ2 + K2(ξ) + (dθ2 + sin2θdφ2)], trong đó ù và K là các hàm số tương đương nhau, K = K0cosξ/L tại ξε(-L, L), K0 K(0) và K luôn duy trì ở góc ξ lớn. Vì vậy, nó rất, rất ổn định. Nó tĩnh và thỏa mãn được tình trạng năng lượng yếu, nó không cần đến chất ngoại lai và nó có hình cân xứng. Thực tế, thoạt đầu, nhìn nó thậm chí chẳng giống gì một hố giun, nhưng nếu anh biến đổi các tọa độ như r B1ù0 khai triển Bξ với t = Bτr, anh sẽ có thể kéo phẳng nó tùy ý chỉ bằng cách thay đổi kích thước bán kính r. Và anh có thể cuộn nó lại thành một hố giun có thể sử dụng, với độ dài bằng ù0L và bán kính hố bằng min(ùK). Dĩ nhiên, để khiến nó đủ to cho một con tàu vũ trụ chui lọt, anh vẫn phải ném vài hành tinh vào lò nung. Nhưng với một phiên bản cực nhỏ, anh sẽ không tốn nhiều năng lượng đến thế để tạo ra và giữ cho nó tồn tại – tức là giữ sao cho nó không bị hút vào trong lòng trái đất. Điểm hẹp nhất trong em bé của chúng ta chỉ to hơn một chút so với nguyên tử khí hydro. Nhưng vì nó vẫn lớn hơn lượng tử ánh sáng nên thông tin vẫn có thể đi qua. Các chùm tia gamma dao động – mặc dù thực ra chúng được hình thành từ vô số bước sóng khác nhau, vài tia thậm chí có tính chất của tia phóng xạ nhiều hơn tia gamma, nhưng ta hãy cứ gọi chúng là chùm tia gamma vì nghe như thế sành điệu hơn, - chùm tia này sẽ được hướng vào miệng hố giun, hội tụ lại trong lòng hố, sau đó sẽ tuôn ra tại một góc nào đó để có thể đưa căn phòng nhỏ của xơ Soledad vào bộ phim trong óc tôi.
Nhưng ngay cả với cách làm đó, do dao động lượng tử, để giữ được hố giun có kích thước nhỏ như vậy mở trong vòng vài phần triệu giây, cũng cần đến nhiều năng lượng hơn lượng mà máy gia tốc siêu phân tử có thể tập hợp được. Vì vậy, những người ở phòng thí nghiệm đã vô cùng sáng tạo khi nghĩ ra rằng chẳng việc gì phải làm như vậy. Anh chỉ cần tạo ra liên tiếp các hố giun mới tại cùng một “vị trí”, hay cụ thể hơn, trên cùng một đường cong có thể dự đoán của mặt phẳng vô hạn Cauchy (Đặt tên theo nhà toán học người Pháp Augustin Louis Cauchy). Chùm tia gamma mã hóa ý thức của tôi sẽ được chia nhỏ để chui vào từng hố trong dãy hố giun đó, khi chui ra ở đầu kia, chúng sẽ sắp thành hàng tại điểm bên trái của chúng tôi trên đường cong không gian, hay chính là quá khứ.
Trên thực tế, phần khó hơn lại ở bước sau, tức là bước đi tìm các góc. A2, cô trợ lý tuy chỉ giúp việc cho Taro nhưng cũng có một bằng về vật lý thí nghiệm của trường Đại học Khoa học và Kỹ thuật Pohang, nói rằng họ đã phải tốn số giờ công nhiều hơn thời gian làm toàn bộ các công việc khác trong hệ thống Kerr Space cộng lại để làm việc này.
Nếu cứ ngồi yên một chỗ, thì sau một phút, anh cũng đã di chuyển quãng đường trong không gian cách vị trí ban đầu của mình 85.000 dặm. Vì vậy, nếu chùm tia mã hóa NTBT của tôi chui ra ở quá khứ tại đúng thời điểm mà nó xuất phát, nó sẽ đến một nơi hoàn toàn xa lạ, đâu đó giữa mặt trời và chòm sao Alpha. Vì vậy, điều chỉnh và việc bắt buộc. Dĩ nhiên, thiết bị định vị toàn cầu đã gửi thông số vị trí chính xác của chúng tôi đến nhóm làm việc tại Thụy Sĩ, vì thế, việc chúng tôi đang ở đâu không thành vấn đề. Nhưng họ cũng không phải ngoại suy ra vị trí của chúng tôi trong quá khứ nữa, để xác định vị trí trong không thời gian mà phần lớn các nguyên tử trong căn phòng này đã từng ở cách đây đúng 170.551.508 phút trước.
Điều đó đòi hỏi sự điều chỉnh chính xác đến 1 phần 1022. Và dĩ nhiên, không xác định được dữ liệu cho biết vị trí của trái đất ở thời điểm xa như thế. Ngay cả khi đã dùng đến các tài liệu ghi chép nhật thực cổ xưa và mọi số liệu thiên văn có thể tìm thấy, thì hình tháp thể hiện độ chuẩn xác của năm 664 vẫn quá, quá lớn. Và hiển nhiên, ngay cả mặt trời cũng đã thay đổi vị trí. Cũng như trái đất, nó liên tục nở ra và co vào, liên tục phập phồng quanh cái lõi nóng chảy của mình, bị sao băng và gió vũ trụ quét qua. Vì thế, để đạt được độ chính xác vượt ngoài giới hạn thiên văn, họ buộc phải dùng tới nhiều thử nghiệm và sai số để ngắm đích cho tia năng lượng. Họ bắt đầu bằng việc bắn năng lượng vào tâm một súc gỗ lớn mới cắt đặt trên bàn thí nghiệm dưới tầng hầm. Họ nhắm đích sao cho nó hiện ra ở thời điểm năm phút trước – khi đó nó đã ở ngoài khoảng không và đã cách vị trí hiện tại của nó vài ngàn dặm – và các chùm tia gamma sẽ khuấy động các hạt các-bon đồng vị nằm trong tâm súc gỗ khiến chúng phân rã nhanh hơn một chút so với các hạt nằm ở bề mặt. Khi đã làm thành công thí nghiệm đó, họ bắt đầu ngắm tới đích xa hơn trong quá khứ và hướng chùm tia vào các tòa di tích cổ đại tại các thị trấn khai thác mỏ và các khu làng bị bỏ hoang của người da đỏ nằm quanh công viên quốc gia Bryce Canyon, bắn vào các vị trí ước lượng bằng lượng bức xạ đủ để biến uranium 238 trong lớp bê tông gần thành chì, bóc lấy các mẫu và xét nghiệm chúng, nhưng thường là không đạt kết quả mong muốn. Họ lại thử tiếp với vị trí cách đó vài feettrên lớp bê tông, tương đương với vài triệu dặm trên con đường di chuyển của trái đất trong không gian. Các tính toán chứa đầy những biến số phức tạp. Ngay cả những chuyển động nội tại của trái đất, mà người ta thường cho là không nhiều lắm, hóa ra cũng trở nên tai ngược. Chắc các bạn cũng biết, dưới lòng đất là khối chất lỏng đặc quánh, và nó tạo ra sự lắc lư gần như ngẫu nhiên trong quá trình trái đất quay tròn. Và ngay cả khi đã giải quyết được chuyện đó, anh vẫn phải tính đến những vấn đề như sự trôi dạt của các lục địa, xói mòn đất, sự thay đổi độ cao của mặt đất so với tâm trái đất, các hố do sao băng tạo ra và hàng trăm thứ khác nữa. Và cũng có ngần ấy vấn đề đối với chuyển động của mặt trời và dải ngân hà. Tuy nhiên, trong hai trăm năm vừa rồi, họ đã vẽ ra bức tranh khá chính xác về vị trí hành tinh của chúng ta trong quá khứ, kéo dài con đường xoắn ốc tưởng tượng từ bề mặt trái đất ra ngoài khoảng không, vượt xa khỏi hệ mặt trời, vượt xa khỏi dải ngân hà, đến trung tâm vũ trụ bao la của chúng ta.
May thay, đầu kia của hố giun không cần phải đi xa đến thế. Họ không cần phải chất nó lên tàu vũ trụ và chở đến tận sao Chức Nữ hay đâu đó. Nó có thể ở lại đây, ngay trên mặt đất với chúng ta, và từ đây, nó có thể được ngắm góc sao cho năng lượng đi qua sẽ xuất hiện ở nhiều điểm khác nhau trong không gian, và cũng tương tự như vậy, nhiều điểm khác nhau trong thời gian. Thực tế toàn bộ dự án đã được khởi động từ năm 1988, với tư cách là một phần trong chương trình du hành vũ trụ của NASA. Từ những năm 90, Warren đã tiếp quản việc nghiên cứu và chú trọng hơn vào lĩnh vực góc thời gian. Đến nay, chương trình đó – hiện vẫn nằm trong một máy chủ lớn của Trung tâm Nghiên cứu Ames của NASA tại Mountain View, California – đã có khả năng hướng dẫn anh nhắm vào một điểm cho trước trên bề mặt trái đất tại một giây chính xác nào đó cách đây hàng thế kỷ. Việc ấy không khác gì bắn một mũi tên vào trúng mắt một con quái vật ngoài hành tinh đang đứng ở đầu xa nhất của mặt trăng Titan (Vệ tinh lớn nhất của sao Thổ). Nhưng nếu thành công, chuỗi dữ liệu sẽ hiện ra ở đúng vị trí trong không gian, tại đúng thời điểm trong quá khứ mà trong trường hợp này là căn phòng của xơ Soledad, ba ngày trước khi bà ta qua đời. Cô trợ lý Ashley 2 của Taro đã xong việc với bản phác họa các khái niệm trên tấm bảng trắng để trình bày với Boyle và nhìn nó khá dễ hiểu:
Giống như Kerr Space, Giao thức chuyển đổi ý thức ban đầu được phát triển không phải để phục vụ cho dự án du hành xuyên thời gian. Nó được khởi xướng từ những ý tưởng ban đầu hết sức khiêm tốn nhưng phát triển dần lên qua nhiều thập kỷ. Vào những năm 1980, nó mới thí nghiệm cho những con giun dẹp thủy sinh bơi giữa các mê cung đơn giản ở trường Đại học Illinois tạiChampaign. Khi một con giun đã thuộc đường đi, họ ghi lại những xung động từ cái mấu thần kinh bé tẹo của nó và từ kết quả đó người ta bắn các chuỗi tia X-quang lập đi lập lại vào một con khác, và con thứ hai học cách tìm vị trí này nhanh hơn một chút. Mục đích của việc này là phát triển một phương pháp phẫu thuật có khả năng kết nối các phần của những bộ não hiến tặng sao cho dễ cấy ghép hơn. Đến đầu thập kỷ 90, trường đại học Illinois chuyển sang thí nghiệm trên khỉ, và năm 2002, Tập đoàn nghiên cứu Warren tiến hành những thử nghiệm đầu tiên trên các bệnh nhân tình nguyện đang hấp hối tại Ấn Độ và Brazil. Hai năm trước, họ đã hoàn tất cái gọi là thử nghiệm thực tế trên người lần cuối – chính là “thử nghiệm mới” mà Marena nhắc đến ở Stake, - họ đã tải NTBT của Tony Sic xuống não của một ông già sáu mươi tuổi người Honduras sắp chết vì ung thư dạ dày. Trong khi đó, về phía Sic, anh ta không hề mất đi tí trí nhớ, khả năng nhận biết hay cá tính nào đáng kể. Hay chí ít họ cũng khẳng định thế.
Tuy nhiên, tôi có cảm giác rằng họ đã làm nhiều thí nghiệm khác mà không kể với tôi. Có lẽ họ đã thực hiện ít nhất một thí nghiệm tương tự thí nghiệm trên và gửi NTBT của Sic đến bộ não của ai đó trong quá khứ. Nhưng tôi không tìm hiểu được gì về chuyện đó. “Có những việc trái pháp luật đến mức chẳng có ai muốn dính dáng đến cả” – Marena nói. Tuy thế, những việc trái pháp luật gần đây của họ mà tôi phát giác được chỉ toàn là vi phạm luật giao thông.
Quả thực, những gì chúng tôi đang làm không được tử tế cho lắm. Trước khi bắt tay vào làm việc với NTBT của tôi, nhóm nghiên cứu ở Thụy Sĩ đã gửi đi một chuỗi lượng tử ánh sáng được thiết kế để làm xáo trộn đầu óc của xơ Soledad, hay theo cách nói của Ashley 2, là “xóa đi chất xám của đối tượng”. Nhưng hiển nhiên, những chức năng được coi là bậc thấp hơn của bộ não như cảm giác và vận động phải được giữ nguyên vẹn. Và cái mà họ gọi là “sóng tẩy não” ấy không ảnh hưởng gì đến trí nhớ trừu tượng, tức là hiểu biết về không gian và ngôn ngữ, đại loại là bà xơ ấy vẫn phải nói được thứ tiếng của mình và thuộc đường đi xuống cầu thang. Còn trí nhớ tình tiết của bà ta – tức là những bản sao phức tạp và ngẫu nhiên – sẽ được tách ra. Có thể nói rằng việc chúng tôi đang làm gần giống với in ảnh, hay chính xác hơn là tạo ảnh ba chiều. Một âm bản ảnh ba chiều chứa thông số hai chiều về tốc độ sóng ánh sáng phát ra từ một vật, và khi chiếu lại ánh sáng đó qua tấm phim âm bản, nó sẽ khắc lại các bước sóng vào vị trí cũ, cho dù là đồ vật không còn ở đó nữa. Nghĩa là, nếu cắt tấm phim âm bản làm đôi rồi chiếu ánh sáng qua, anh vẫn có thể nhìn thấy cả hình ảnh ở dạng ba chiều, tuy có hụt đi vài chi tiết.
Nhưng vẫn cần đến một cặp mắt người để đọc nó. Giống như hình ảnh ba chiều, bản sao chép lại ý thức của tôi chỉ là một giao diện. Nó chỉ có tác dụng ghi chép lại các hệ thống khác, và như tôi nghĩ là tôi đã nói, ở tầm công nghệ này, thứ duy nhất đủ lớn và phức tạp để đảm nhận công việc là một bộ não người.
Lợi thế của việc này là không cần phải giải thích bất cứ phần nào trong nội dung – tức là NTBT của tôi. Ngoài việc đảm bảo sao cho nó càng trọn vẹn càng tốt, những người và chương trình điều khiển việc truyền tín hiệu không cần phải biết trí nhớ của tôi đã được mã hóa như thế nào, hay cái gì đã dẫn tới một ý nghĩ hay hành động nào đó của tôi, cũng như chiếc camera không cần biết bộ mặt nó đang quay cười hay mếu. Miễn sao khoảng cách giữa các đỉnh sóng được căn giờ chính xác để lập lại chính xác các thông tin từ bộ phận hồi hải mã (Một bộ phận của não trước) – hầu hết trí nhớ dài hạn được lưu giữ trong bộ phận này – thì họ có thể yên tâm rằng thông tin đang được đưa đến đúng chỗ.
Dĩ nhiên, các hạt lượng tử ánh sáng gamma có trọng trách rất lớn, và khả năng quá hoại cao cũng cao. Đó là lý do tại sao dao gamma là dụng cụ được ưa chuộng trong vi phẫu. Trong trường hợp này, chủ nhà – đó là cách họ gọi bà xơ, cứ như chúng tôi là khách được bà ấy mời không bằng – sẽ phải chịu gần hai siervert bức xạ, liều lượng đó không đủ gây chết người ngay tức khắc, nhưng đủ để cắt u bước hoặc xóa đi trí nhớ về các sự kiện thuộc cá nhân, ví dụ như cha bà ta trông như thế nào hay bà ta đã mặc gì vào lễ ban thánh thể đầu tiên. Và thế là bà ta thành người mất trí nhớ.
Vì vậy, những việc chúng tôi đang làm chẳng khác giết người là mấy. Không, cứ thành thật với nhau đi. Đây chính xác là trò giết người.
Theo Taro, người tuy không phải chuyên gia về thần kinh học nhưng hiểu biết rất sâu về nghiên cứu này, các thử nghiệm đầu tiên đã cho kết quả “không đồng đều”. Các đối tượng thí nghiệm không nhận được đầy đủ thông tin, hoặc các thông tin đưa vào bị hiểu sai, hoặc họ nhầm lẫn nó với những ký ức ăn sâu không xóa được của mình. Có lẽ ông già khốn khổ người Honduras đó đã phân vân không biết mình là mình, hay là Tony Sic, hay đơn giản là hóa điên lên. Nhưng năm vừa rồi, họ đã tìm ra cách giải quyết vấn đề này: đó là xóa bỏ nhiều lần. Bộ não không lưu trữ một ký ức hay một kỹ năng tại một điểm duy nhất. Nó được phân chia đều trên toàn mạng lưới tế bào thần kinh, đôi khi còn nằm ở các lớp vỏ não khác nhau. Vì thế, chúng tôi có thể bắn mỗi tia gamma rất, rất nhiều lần. Nếu một ký ức của tôi không chiếm được vị trí nào đấy trong đầu xơ Soledad, thì nó vẫn có cơ hội chiếm một vị trí khác trong lần bắn sau. Chiến thuật này còn lợi dụng được thực tế là trí nhớ có xu hướng không ghi đè lên nhau. Nghĩa là, ngay sau khi nhận được sóng tẩy não, khi các tế bào thần kinh vẫn còn trong tình trạng lộn xộn thì chúng đặc biệt tích cực tiếp nhận thông tin mới. Nhưng khi một khu vi của bộ não đã được mã hóa một ký ức mới, nó sẽ nằm cố định ở đó và ký ức đến sau sẽ tự tìm đến một chỗ khác.
Theo dự đoán, nếu bộ não đích vẫn khỏe mạnh, mọi thứ mà tôi cần để biến nó thành của mình sẽ được lưu lại ở đâu đó. Mặc dù quan điểm cho rằng con người chỉ dùng mười phần trăm bộ não của mình là không hoàn toàn đúng, nhưng quả là vẫn còn nhiều chỗ để chứa thêm nhiều thứ nữa. Nhưng chuyện đó cũng không thành vấn đề. Dù sao, sóng sẽ được phát đi dần dần trong nhiều tiếng đồng hồ nên bộ não của bà ta cũng sẽ không cháy chập vì quá tải. Thay vào đó, nó chỉ phải trải qua cái gọi là chuỗi sự thay thế ký ức đơn giản – và nó chỉ tập trung vào những điểm nhất định nên không làm mất sự tỉnh táo – sau đó nó sẽ tự điều chỉnh để thích ứng. Nó sẽ hình thành các liên kết mới và hoạt động theo các thói quen mới. Nó sẽ tự ổn định điện não. Và khi nó tiếp tục hoạt động – nhất là trong những giờ đầu tiên, và cả trong vài ngày tiếp theo – nó sẽ bắt đầu loại thải những ký ức bị trùng lặp để dọn chỗ cho những ký ức mới. Nó sẽ phản ứng, tập làm quen và hoạt động một cách bình thường. Khi đang ngủ, bộ não của anh vẫn hiểu được những tín hiệu phát ra từ các tế bào thần kinh cảm giác và vận động bằng các chuyển động thành giấc mơ ít nhiều mạch lạc, tương tư như vậy, bộ não của bà xơ sẽ tự lành bằng cách hình thành các ký ức mới trùng với ký ức của tôi, thậm chí hình thành cách nhìn nhận thế giới bên ngoài rất giống tôi, đến mức bà ta sẽ coi mình là tôi.
Nhưng bộ não được cài đặt lại của bà ta sẽ không bao giờ có thể là bản sao chính xác của tôi. Đúng hơn, bà ta chỉ như xem được một bộ phim cực kỳ chi tiết về cuộc đời tôi, sau đó, bà ta rời rạp, về nhà và không nhớ gì về cuộc đời của mình nữa, thay vào đó, bà ta sẽ sống cuộc sống của tôi.
Thực tế, nếu mọi chuyện xuôi chèo mát mái, bà ta thậm chí sẽ chẳng nhận ra sự khác biệt. Bà ta sẽ nằm yên trên tấm nệm rơm của mình, mắt hưởng lên cây thánh giá và bắt đầu quên dần mọi chuyện. Mặt bà ta sẽ nóng dần lên vì máu lưu thông nhiều hơn qua các đốt sống và động mạch cảnh trong lúc hàng tỉ tế bào thần kinh lóe sáng liên tục, liên tục đến mức gần như kiệt sức. Về mặt lý thuyết, các tế bào thần kinh sẽ hoạt động mạnh mẽ trong một thời gian ngắn, tiếp đến là một giai đoạn ức chế dài hơn. Hoạt động hô hấp, tiêu hóa và các chức năng khác vẫn diễn ra bình thường nhưng bà ta sẽ từ từ quên dần mình là ai, đang ở đâu, thậm chí không nhớ cách nói nữa. Nhưng sau đó, giống như cơ bắp tự giãn về vị trí cũ sau khi hoạt động nặng, các tế bào thần kinh của bà ta sẽ kết nối các liên kết mới lại với nhau, và chỉ một lát sau, trong đầu bà ta sẽ hình thành một nhận thức mà nếu tôi gặp bà ta, tôi sẽ nhận ra đó là chính mình.
Nhưng dĩ nhiên tôi không bao giờ gặp được bà ta. Vào thời điểm ấy của năm 1686, nữ tu viện trưởng sẽ chỉ sống thêm được hai ngày nữa, làm một số việc – những việc bí mật chưa được ghi lại trong lịch sử - và sẽ ra đi theo đúng lịch trình. Bà ta được liệm trong bộ quần áo thầy tu mặc lúc qua đời, chẳng hề được xức nước thơm hay lau rửa gì cả - vào thời ấy, các nữ tu của Chúa tin rằng sự trong sạch trọn đời của họ sẽ khiến thân xác họ không bốc mùi – và được ước xác một năm trong căn phòng thoáng khí dướialmacén (Nhà kho - Tiếng Tây Ban Nha), sau đó được đưa lên chỗ bà ta đang nằm bây giờ. Và nếu bà ta còn có thể nhìn được bằng cặp mắt đã teo quắt và trũng sâu xuống của mình, ô kính trên cỗ quan tài sẽ cho bà ta thấy những cái bóng in trên mái vòm nhà nguyện, cảnh các bà xơ hậu duệ già nua tập tễnh bước vào cầu nguyện rồi lệt xệt bước ra, rồi đến các xơ trẻ và linh mục, rồi đến người lạ, rồi lại người lạ, vận những bộ trang phục kỳ quặc và nhố nhăng, chỉ chằm chằm nhìn bà ta qua ô kính mà chẳng cầu nguyện gì sất. Có một tối, một luồng sáng bất động, màu sáng kì lạ tràn vào từ gian giữa giáo đường, và từ đó trở đi, tối nào nó cũng quay lại. Những cây nến thờ soi sáng cho bà ta hằng đêm có thể lụi dần đi nhưng không bao giờ tắt hẳn. Thế rồi, một buổi chiều như vô số buổi chiều na ná nhau đã qua, bà ta sẽ thấy Marena, bác sĩ Lisuarte, Grgur, Hitch và tôi bước vào, với dáng điệu hơi ngần ngại để làm điều báng bổ đối với cái xác của bà ta.
- Anh đến đánh thức bà hoàng ấy nhé? – Marena đề nghị Grgur, người đi phía sau cùng Hicth. Ý cô ta chỉ bà xơ.
Họ mắc một bóng đèn halogen và chiếu nó vào bức tranh khắc gỗ. Nó lập tức phá tan cái không khí Gô-tích của khung cảnh. Cha Panuda bước vào với một chiếc ghế xếp nhỏ và ngồi trước cỗ quan tài. Ông lôi chùm chìa khóa ra – phải có tới hàng trăm chiếc treo trên cái móc bện bằng dây câu màu xanh lá cây nặng đến hai mươi pound – tìm đúng chiếc cần thiết, chọc vào ổ khóa móc cũ kĩ, rồi ra sức nâng tấm ván đậy bằng gỗ sồi đen lên. Nó cứ trơ ra. Ông ta đứng lên và giật mạnh. Cỗ quan tài nảy lên nhưng cái nắp vẫn dính chặt vào. Hitch tìm thấy trong bộ dụng cụ của mình một chiếc xà beng mi-ni, chúng tôi dùng thử nó, nhưng cũng chẳng ăn thua. Cuối cùng Grgur phát hiện ra ở đầu và cuối tấm ván có đóng mấy cái đinh đầu vuông, bèn nhổ chúng lên bằng một dụng cụ đa năng. Cha Menudo lay lay tấm ván, nâng nó một lần nữa và nó cọt kẹt mở ra. Mùi thảo mộc bốc lên, như mùi húng quế và hoa hồng. Ông ta nhìn vào, gạt sang một bên mấy bông hương thảo hay thứ hoa gì đó khá to. Cánh hoa vỡ vụn và các mảnh rơi lả tả ra xung quanh.
- Mejor hacemos nosotros sesta cosa, - Marena nói bằng tiếng Tây Ban Nha sõi một cách kinh ngạc. - Chúng tôi nên tự làm từ bước này.
Ngài linh mục bằng lòng, ban phướng cho căn phòng một lần nữa rồi đi ra. Ba (năm?) người chúng tôi đứng im một phút, mắt nhìn cái xác.
- Me da rabia, - Hitch nói. Nghĩa là “Nó đang truyền cho tôi bệnh dại”. Ý là “Nó làm tôi phát khiếp lên”.
Tôi nghe thấy tiếng cánh tay ông ta chuyển động như đang làm dấu thánh.
- Chúng ta sẽ phải xuống địa ngục mất, - tôi nói.
- Hãy để Jed làm việc này, - Marena nói, bắt chước giọng quảng cáo, - anh ta thì cái gì cũng dám động vào.
- Thế cũng chẳng sao, tôi tin cô, - tôi đáp.
- Không, thật đấy, anh làm đi.
- Tôi cá là cô không chuẩn bị sẵn kế hoạch cho việc này.
- Tôi biết, chỉ là… vì chúa, hãy làm đi. Thật đấy. Tôi nói nghiêm túc đấy.
- Được thôi, - tôi đáp.
Tôi ngồi xổm xuống. Lisuarte nghĩ tôi vẫn hơi phấn khích nên đã cho tôi thêm một mũi noraephron, vì vậy, bây giờ tôi đâm ra hơi run run. Tôi thò tay vào cỗ quan tài và bắt đầu lật các lớp sợi len thô, rồi đến mấy lớp váy sợi bông mút-xơ-lin quấn quanh hông cái xác. Nhưng chúng nhờn dầu và giòn đến mức gãy vỡ ra ở những chỗ bị gập. Bà ta được ướp xác theo kiểu hong khô ngoài không khí, nên bên dưới lớp vải, da bà ta vẫn trong tình trạng khá tốt, có màu gần như xanh đen, bọc lấy cái khung xương nhỏ và nhẹ bẫng. Tôi lần tìm gai chậu trước, sau đó lần xuống dưới một góc bốn mươi nhăm độ, ấn xuống để tìm khớp sụn giữa, sau đó móc hai ngón tay từ dưới lên. Da ở đó cứng và sắc, nhưng dưới lớp da là một thứ xơ gì đó nhờn nhờn. Keo xác chết. Tôi sờ thấy hai miếng da ở âm hộ, giống như hai cái lá thạch bích khô và đưa ngón tay vào âm đạo, qua những vụn sáp mỡ thô giòn. Tội nghiệp bà xơ. Dĩ nhiên tôi đã từng làm thế này với một hai người phụ nữ từ hồi còn trẻ, nhưng thành tích này thì quả là mới lạ. Cứ thả lòng nào, em yêu. Ngón tay tôi chạm phải một thứ mà thoạt tiên tôi tưởng là xương cụt, nhưng rồi tôi nhận ra đó chính là thứ tôi đang tìm. Tôi dùng hai đầu ngón tay nhón lấy nó. Cảm giác nhẹ người xen lẫn lo lắng tràn vào các mạch máu căng phềnh của tôi. Tôi rút ta ra, lật lật thứ đó trên lòng bàn tay. Đó là một chiếc hộp sáu cạnh nhỏ, bằng khoảng viên thuốc can-xi ma-giê lớn, đã đen xỉn lại, nhưng tôi đoán nó được làm bằng đồng. Nó bám đầy vụn keo xác chết khô, tôi dùng móng tay cạo chúng đi. Không phải mề đay lồng ảnh. Tôi đoán nó là một cái hộp đựng kim hay gì đó. Lisuarte đã đặt một cây đèn nhỏ và một chiếc kính lúp lên tấm khăn trải dưới sàn. Tôi đặt vật đó xuống và quan sát. Một đầu nó có dính chất nhờn nom như sáp niêm phong màu đỏ. Sau vài phút loay hoay với nó bằng nhíp và que cạo răng, tôi đã cậy được nắp ra. Bên trong có một cuộn gì đó màu đen. Tôi gắp nó ra, khi đặt xuống tấm khăn nhựa, nhìn nó có vẻ như làm từ kim loại. Tôi thận trọng giở nó ra. Té ra là một lá bạc rèn bằng búa hình tam giác rất mỏng, áng chừng bằng một con tem Mũi Hảo Vọng. Chắc bà ta đã bóc nó từ hộp đựng bánh thánh. Thoạt tiên, trông nó có vẻ như trống trơn, nhưng khi tôi hà hơi lên, có thể thấy các đường được rạch bằng mũi kim, với đường nét giật cục, pha trộn giữa kiểu chữuncial (Kiểu chữ cổ, to, tròn) và nét chữ của người thuận tay trái là chính tôi:
Xin lỗi, chỉ có thế thôi à? – tôi nghĩ bụng. – Tonto đã làm gì? (Chữ “Tonto Did” trong bức tranh có nghĩa là “Tonto làm”). Và tôi cũng không đọc được các con số và chữ còn lại. Hơ. Tôi cũng không biết chính xác mình đang thất vọng, sợ hãi, phân vân hay thế nào nữa. Tôi chỉ có cảm giác như vừa bất thình lình đứng dậy sau một tiếng đồng hồ trồng cây chuối. Sau này, Marena kể rằng cô ta đã đưa tay đỡ lấy vai tôi vì nghĩ tôi sắp ngã ngửa ra đằng sau, nhưng lúc đó tôi chẳng biết gì.
- E hèm, xin chúc mừng, - cô ta nói sau một hồi lâu tất cả cùng im lặng, tôi đoán thế.
- Jed? Anh ổn không?
- Vâng, - tôi đáp.
- Có chuyện gì thế?
- Nó bị viết hỏng cả rồi.
21
Chúng tôi được tuồn vào, rất lặng lẽ, rất bình thản, như những con lươn. Tôi phải công nhận đây là một chiến dịch rất chuyên nghiệp, không như những trò náo loạn mà quân đội chính quy thường gây ra. Hình như nãy giờ tôi chưa nhắc gì đến cuộc chiến. Có lẽ vì nó lặp lại một kịch bản cũ rích, như mọi vấn đề chính trị khác ở châu Mỹ La tinh. Nói ngắn gọn, ba ngày sau cuộc tấn công ở Orlando, Guatemala tuyên bố nước Mỹ đã trở thành một đất nước tê liệt, rằng mọi thỏa thuận họ đã ký dưới sức ép của Mỹ và NATO phải được đàm phán lại “trước tình thế chính trị mới”, đồng thời đòi hỏi Belize trao cho các thanh sát viên của họ đầy đủ quyền như cảnh sát. Thanh sát viên là cái thá gì mà lại được nhắc đến đầu tiên trong một câu chuyện dài như thế? Đó là bởi vì có rất nhiều tên tội phạm người Guatemala - chính thực là những chiến sĩ đấu tranh cho tự do bản xứ - đang hoạt động bí mật tại Belize. Vấn đề rắc rối ở đây là Guatemala luôn coi Belize là bang thứ hai mươi ba của mình và cứ thỉnh thoảng lại tìm cách chứng minh điều đó.
Đương nhiên, người Belize nói không và tống giam tất cả các thanh sát viên. Người Guatemala liền phái quân đội đến biên giới. Ngày 29 tháng 1, một tên lửa đất đối đất mang theo chất nổ chân không của Belize đã phát nổ gần một ngôi làng Guatemala ở Petén. Chính phủ Belize khẳng định tên lửa đã hạ sát năm binh lính tại một nhà máy sản xuất vũ khí hoá học. Chính phủGuatemala khẳng định nó giết chết 142 dân thường tại một ngôi làng. Quốc hội Guatemala tuyên bố tình trạng chiến tranh. Hiển nhiên, nếu là vài tuần trước thì Mỹ đã can thiệp, nhưng bây giờ họ đang phải tự lo chuyện của mình. Đúng hôm chúng tôi chuẩn bị vượt qua biên giới - thứ 7, ngày 17 tháng 3 - thì cuộc chiến nhỏ đã đi đến chỗ hai bên “thỉnh thoảng” nã pháo vào nhau ở khu vực gần thành phố Benque Viejo del Carmen (Thuộc Belize). Cũng chẳng sao. Dù sao, tôi cũng không phải là người duy nhất trong nhóm không muốn vượt sang lãnh thổ Guatemala một cách công khai. Có lẽ, nếu không vì tôi, họ đã tìm cách lừa phỉnh, giả mạo hoặc hối lộ để đi qua trạm kiểm soát. Nhưng thay vào đó, họ quyết định làm theo lối cổ điển là lén vượt qua biên giới. Họ định đưa năm người chúng tôi là Marena, Michael, Grgur, Hitch và tôi sang trước, và hôm sau sẽ đưa tiếp những người khác theo một lộ trình khác, tất cả chúng tôi sẽ gặp nhau tại một địa điểm bên ngoài San Cristóbal Verapaz.
Chúng tôi đang ở tại một khu vực khảo cổ nhỏ gọi là Pusilha, cách Stake hai mươi nhăm dặm về phía nam. Có lẽ nó từng là một đô thị quan trọng vào cuối thời Cổ Maya, nhưng ngày nay thì chẳng còn vẻ gì là thế cả. Chúng tôi đang ngồi trên tấm vải dầu trong một căn lều mái tôn do một nhóm khảo cổ nào đó cất từ vài năm trước. À, chúng tôi ở đây tức là năm mojado - những kẻ di cư bất hợp pháp - cộng thêm AnaVergara, cô ả có dáng dấp như lính Mũ Nồi Xanh đã đón chúng tôi ở Florida Keys, và cấp phó của cô ta, một gã nhìn như nhân vật Commando trong phim hoạt hình tên là… ấy, khoan đã. Có lẽ ta nên tuân thủ luật không nhắc đi nhắc lại đến sốt ruột những cái tên ít dính dáng đến tội lỗi của chúng ta. Chúng tôi đợi trời tối. Trong này có hai chiếc bàn, một đống khung màn hình cũ cùng rất nhiều chổi và bút lông. Michael duỗi cái đống thịt đồ sộ của mình ra trên tấm vải dầu, có vẻ như định làm một giấc. Hitch ngồi kiểm tra các dụng cụ. Marena tán gẫu với Ana. Tiếng máy bay trực thăng ù ù trên đầu chúng tôi, phặc phặc phặc phặc phặc, chạy từ bắc xuống nam, dọc theo đường biên giới. Ana đã đưa tôi một chiếc phong bì nhựa đựng đầy cái mà cô ta gọi là các “em bé câm” của tôi. Tôi xem qua chúng dưới ánh sáng của chiếc điện thoại cầm tay. Có một tấm hộ chiếu công dân Mỹ cũ mềm và một chiếc ví cũ căng phồng một cách đáng mừng. Tấm hộ chiếu là đồ thật, không sửa chữa gì, thuộc về một ông Martin Cruz nào đó - một phóng viên du lịch - hiện đã biến khỏi GuateCity. Tôi đã phải bỏ ra nửa ngày để học thuộc tiểu sử và ghi nhớ các bài viết tạp nham của ông ta. Tôi giở chiếc ví ra. Nó đựng hai chiếc thẻ cào ghi nợ trị giá năm nghìn đô, một chiếc thẻ American Express Thulium, một bằng lái xe cấp tại bang Sunshine (Tên lóng của bang Florida) mang tên Martin Martín Cruz, nhưng lại dán ảnh căn cước của tôi, một ngàn một trăm năm mươi nhăm đô la tiền mặt, gồm các đồng năm và hai mươi, hai ngàn bốn trăm đồng quetzale Guatemala - tương đương khoảng hai trăm đô la Mỹ, và tôi không hiểu sao người ta lại lấy tên một loài chim quý như thế để đặt cho cái đồng tiền vô giá trị này – ngoài ra còn vài thứ tạp nham bỏ túi có căn cước của Martin Cruz, hoá đơn, biên lai taxi, thậm chí cả vài cuộn vải băng vết thương nữa. Và cuối cùng là một thẻ nhà báo quốc tế của tạp chí National Geographic, ái dà, tôi nghĩ, - tôi nghĩ.
- Này, Marena? - Tôi gọi.
- Ừ? - cô ta lê gối sang và lại ngồi khoanh chân lại.
- Ờ, chắc cô cũng biết nhỉ, National Geographic là tấm bình phong của CIA.
- Ừ, vậy thì sao?
- Và tôi nhận được tấm thẻ nhà báo này từ họ.
- Đúng thế.
- Đôi lúc tôi cũng tự hỏi: chuyện gì đang diễn ra vậy?
- Ý anh là sao?
- Ý tôi là thực ra chúng ta đang làm việc cho ai?
- Chúng ta đang làm việc cho Lindsay, một mình ông ấy thôi.
- Đấy chỉ là đảm bảo của cá nhân cô thôi đúng không?
- Phải. Theo tôi biết là thế. - Một lát im lặng. - Anh nghe này, tôi chắc chắn ông ta đã nhờ đến sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao trong vụ này, nhưng, phải, tôi có thể đảm bảo cái tổ chức ma quỷ kia không hề biết gì về chuyện này đâu. Anh nghĩ mà xem. Nếu một gã tai to mặt lớn nào đó ở Washington biết được việc chúng ta đang làm thì họ đã đánh sập nó rồi.
- Tôi không biết nữa, - tôi đáp, - nhưng thời buổi này người ta làm nhiều trò khác thường lắm.
- Việc này nằm quá tầm với của bất kỳ cơ quan chính phủ nào.
- Tôi chỉ thực sự, thực sự dị ứng với bọn đặc vụ kia, ý tôi là, cô cũng biết những chuyện từng xảy ra rồi đấy, chúng thực sự là những tên sát nhân…
- Tốt thôi, - cô ta nói, - mẹ kiếp, vậy thì bỏ cuộc đi. Cứ việc nuốt lời.
- Tôi không định bỏ cuộc. Tôi chỉ muốn biết cô có chắc chắn, cô biết đấy…
- Tôi chẳng biết chắc chắn bất cứ chuyện gì hết, trừ việc người ta không thể tiên đoán tất cả mọi điều. Dù gì chăng nữa, cái thẻ đó chỉ đề phòng khi chúng ta bị tóm, và đằng nào chuyện ấy cũng chẳng xảy ra đâu.
- Không Đời Nào sẽ lồng lên bỏ chạy nếu cậu ấy nhìn thấy nó.
- Ừ, thì đó là… anh biết mà, đấy là bạn anh, có phải bạn tôi đâu, tôi biết gì để nói với anh bây giờ?
- Được rồi, không sao. Cô đừng bận tâm.
- Ừ.
- Chỉ có điều, ta đừng nhắc đến National Geographic khi có mặt Không Đời Nào nhé?
- Tôi sẽ nhân danh cá nhân đề nghị mọi người không bao giờ nhắc đến cái tên ấy.
- Cảm ơn.
Chúng tôi ngồi yên. Có lẽ cô ta nói đúng, tôi tự nhủ. Có lẽ họ biết việc mình làm. Tôi tìm kiếm thông tin về Executive Solutions - càng nhiều càng tốt - và hình như đó là một tập đoàn được thành lập tại Nam Phi, nhưng trong thời gian gần đây hoạt động chủ yếu ở châu Mỹ La tinh, chuyên bảo vệ các dàn khoan dầu và những việc đại loại như vậy, ngoài ra, theo tôi đoán, họ còn hỗ trợ khắc phục sự cố cho các tổ chức chống ma tuý. Và họ dường như hướng tới đối tượng khách hàng xa xỉ. Có khi Cruz cũng vài lần viết bài cho National Geographic thật, mặc dù tôi không đọc thấy thông tin đó trong hồ sơ của ông ta. Dù sao thì đa phần những người làm việc cho tạp chí này đều là phóng viên thực thụ. Phải vậy không nhỉ? Và dù sao, giấy tờ tùy thân của tôi cũng chẳng phải chuyện hệ trọng đến mức ấy. Michael Weiner thì có cả một gia tài. Họ đã cho tôi xem danh mục giấy tờ mà ông ta mang theo. Đủ loại giấy phép và thư giới thiệu của các quan chức Guatemala, trong đó có cả Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Tôi đoán một số là được mua và một số khác là giả. ES (Executive Solutions) dự định giao cho một nhóm vỏn vẹn bốn người phụ trách việc đón chúng tôi ở bên kia biên giới. Sau đó, chỉ để đề phòng thôi, chúng tôi sẽ trà trộn vào một lễ hội ở San Cristóbal Verapaz. Các nhân viên theo dõi của ES sẽ có mặt ở đó để quan sát xem có ai bám theo chúng tôi hay không. Chúng tôi sẽ đứng lại vài phút trên quảng trường, nơi đông người nhất, rồi đi bộ ra ngoài thành phố theo hướng gần như ngược lại hướng chúng tôi đã đến. Khi đã ra đến ngoài, chúng tôi và bốn người kia, cộng thêm sáu nhân viên theo dõi vòng ngoài sẽ gặp nhau trong một lùm cây. Vậy là có ít nhất mười chín người tham gia vào công đoạn này, tôi tính. Nhưng đó chỉ là những người mà tôi biết thôi. À, thêm cả Không Đời Nào, anh bạn đồng hương tham gia tổ chức Enero 31 của tôi nữa. Tôi nghĩ là đã kể với các bạn rồi. Đó là người không được dự tính trước. Cậu ta sẽ gặp chúng tôi tối nay và sẽ ở cạnh tôi trong suốt thời gian chúng tôi ở đây, như một kiểu vệ sĩ riêng vậy. Tôi đã nhất quyết đòi hỏi như thế. Vậy là hai mươi người. Không giống lắm một chiến dịch bộ khung. (Tức là chiến dịch trong đó số người tham gia được hạn chế đến mức tối thiểu).
Ừ thôi. Calmate que te calmo (Cứ bình tĩnh – tiếng Tây Ban Nha), tôi tự nhủ. Tạm thời cứ theo lao đã. Hãy chấp nhận sức mạnh của con sóng.
- Xin lỗi về chuyện vừa rồi, - tôi nói.
- Không sao , - Marena đáp. Cô ta quay về chỗ cũ. Mẹ kiếp.
Tôi đã ở lại Stake suốt từ sau cuộc thử nghiệm Saint để tập huấn cho cái mà họ gọi là Dự án Chocula, còn Marena thì vừa quay về sau ba ngày nghỉ với Max ở Colorado và nom có vẻ tươi tỉnh ra. Cô ta mặc một chiếc áo gi-lê kiểu Jane Rừng Xanh và các phụ kiện đồng bộ khiến người ta bất giác nghĩ tới việc canh giữ căn nhà trên cây với voi và báo đốm.
Chúng tôi ngồi nghe tiếng dế kêu. Rất êm tai nhưng dường như có cái gì thiêu thiếu, khác với âm vực thông thường. Marena thở dài. Có nên chìa tay ra vỗ về cô ta ko nhỉ? Không, đừng. Cô ta sẽ nổi đóa lên với mày đấy. Cứ để cô ta thể hiện trước. Mà nếu cô ta không làm thế thì đằng nào cũng chẳng hi vọng gì.
- Nào, lên đường thôi, - Ana nói. - Mọi người cùng kiểm tra thiết bị liên lạc đi.
Chúng tôi gắn thiết bị vào tai. Hệ thống này có lẽ rất đắt tiền và nó có khả năng ẩn các tín hiệu truyền đi. Nghĩa là, nếu có ai đó bắt trộm tín hiệu đàm thoại của chúng tôi, họ sẽ chỉ nghe thấy những âm thanh nhăng nhít. Chỉ những người nghe nào có bản sao con chip chuyên dụng của chúng tôi mới có thể nghe được cuộc đàm thoại thực sự.
- …nghe thấy tôi không? - tiếng của Ana Vergara vọng qua tai nghe.
- Asuka ở đây, nghe thấy, - Marena trả lời.
- Pen-Pen ở đây, nghe rất rõ, - tôi trả lời. Michael và Hitch cũng trả lời rằng họ đang ở đây. Giời đất ạ, bí danh để làm gì cơ chứ. Đúng là trò trẻ con. Những người này đang làm như thể họ chuẩn bị khử Castro không bằng.
Chúng tôi rời căn lều và cuốc bộ một dặm theo hướng tây về phía sông Moho. Ana dẫn đầu, tôi đi thứ hai. Ánh trăng chỉ còn đủ để nhìn thấy đường nếu không đeo kính bảo vệ. Các gốc rạ và thân cây ngô nhường chỗ cho những cây tuyết tùng lùm xùm. Tôi bắt đầu thấy cái cảm giác thú vị khi đi bộ ban đêm và không phải đi một mình. Ngay cả khi tình hình có đôi chút căng thẳng, như lúc này chẳng hạn, thì vẫn có điều gì đó rất khích lệ trong lòng. Con đường mòn hẹp dần lại cho đến khi chỉ còn bằng một lối qua lại của giống heo vòi. Vài lần, Ana quay lại nhìn tôi. Cuối cùng, cô ta dừng lại, quay ra sau, dậm chân và nhìn thẳng vào mặt tôi.
- Ngài Delanda, - cô ta nói, - vùng này không có mìn đâu.
Giọng cô ta nghe như thể cô ta sắp sửa thêm vào một câu đại loại như “đồ ẻo lả chết nhát ạ”. Nhưng cô ta nói cũng phải. Tôi cứ khom người nhìn xuống chân và đặt chân vào đúng vết chân cũ của cô ta.
- Được, được, tôi hiểu rồi, - tôi đáp, và nghĩ thầm tiếp trong đầu: - thưa chỉ huy.
Cô ta quay lại đằng trước và bước đểu. Tôi rảo bước theo. Đồ giời đánh.
Con đường chạy dốc xuống giữa các bụi tầm ma. Dưới chân chúng tôi, mặt đất chuyển sang bùn trộn lẫn thân cây sậy khô. Phía trước chúng tôi, Moho là một khoảng trống đem ngòm rộng chừng mười yard. Thực chất nó chỉ là một con suối, nhưng vào lúc này, nhờ nước lũ, nó đủ sức đưa tàu bè đi ngược dòng một quãng dài. Ana dẫn chúng tôi đi dọc bờ đến một chỗ có xoáy nước nằm ở nơi khuất gió của khúc sông cong. Tôi chỉ trông thấy một hình thù bè bè đang đứng ở dưới nước, ngập đến tận đầu gối, rồi đến một chiếc lancha (loại thuyền gỗ đáy phẳng) theo kiểu địa phương, nhìn giống như chiếc xuồng vịt cũ. Mũi thuyền ghếch lên bờ, có gắn một động cơ chân vịt không gây tiếng ồn, chạy bằng điện, hiệu Minn Kota. Sáu người chúng tôi leo lên. Tôi suýt thì dập mắt cá chân vì đá phải một cục ắc quy lớn mà họ xếp dưới đáy thuyền. Michael lên cuối cùng, chiếc thuyền chìm xuống và nghiêng ngả như thể lão ta sắp sửa nhấn chìm chúng tôi. Anh chàng to bè đẩy thuyền rời bờ rồi nhảy qua mạn. Anh ta đeo kính hồng ngoại nhìn trong bóng tối có gắn màn hình định vị, một thiết bị quân đội có khả năng báo cho anh biết anh đang ở đâu, chính xác đến từng nửainch. Anh ta hạ chân vịt và cho thuyền chạy ngược dòng. Vượt qua đường biên giới tưởng tượng giữa hai nước. Có thể trước đây từng có một tấm lưới chắn ngang để đánh dấu, nhưng người ta đã làm thế nào đó đẩy được nó sang bên mà chuông báo động không kêu. Hẳn là họ có tay trong – tôi nghĩ bụng. Ý tôi là tay trong gài bên phía Guatemala. Mà thôi, đừng bận tâm chuyện ấy. Một con vượn hú lên trên dãy đồi ở mạn bắc. Cảm giác di chuyển êm như thế này trong bóng tối thật kỳ lạ. Thêm nhiều máy bay lượn qua trên đầu, nhưng không chiếc nào soi đèn và không chiếc nào bay đủ chậm để chứng tỏ là nó đang tìm chúng tôi. Thuyền dừng lại vài lần. Có thể ngửi thấy mùi bạch đậu khấu, người ta giồng chúng quanh đây. Ánh đèn thắp bằng khí đốt le lói trong đám sương mù phía trước mặt. Đó là ngôi làng có tên Balam.
Tai nghe của tôi có tín hiệu.
- Chú ý, đội A, - Ana nói vọng qua tai nghe, - điểm danh toàn bộ.
- Kuzo, có mặt. – Đó là giọng của Michael.
Tất cả chúng tôi cùng nói “có mặt”. Chiếc thuyền cập bờ gần một gốc cây gumbo – limbo hình thù lạ mắt. Hai bóng người lọ mọ lần xuống bờ sông đón chúng tôi. Một người dùng cành cây néo hở mũi thuyền và chỉ cho chúng tôi những chỗ rễ cây có thể bước lên mà không sa xuống bùn. Chúng tôi chuệch choạc đi lên phía đường mòn và chỉnh đốn lại hàng ngũ. Đám người của ES dường như đang quan sát chúng tôi với thái độ khinh bỉ kiểu “các vị mới vào nghề đấy à?”. Nhưng có thể là tôi tưởng tượng ra thế thôi. Chúng tôi gật đầu với nhau. Vergara chỉ dẫn lại đường đi – có vẻ như nó chạy men theo con sông – và ra đấu “chúng ta sẽ hành quân hai tiếng hoặc không đến” bằng ngôn ngữ của người câm điếc. Chúng tôi đi theo.
Đoàn chúng tôi đi bộ hai dặm, qua những đám ngô già và bụi cỏ ba lá. Vài chiếc máy bay, phản lực bay xuống phía nam, kêu xành xạch ngay trên đầu chúng tôi và làm mặt nước gợn lên trong chốc lát. Không phải tìm mày đâu, - tôi tự trấn an. Có khi bây giờ người ta không quan sát từ trên máy bay nữa. Thời buổi này người ta dùng vệ tinh, hoặc máy bay không người lái mà khó lòng ai có thể nghe hay nhìn thấy. Về phía Guatemala, họ vẫn dùng các thiết bị định vị trên mặt đất hoặc thiết bị cảm ứng nhiệt, nhưng vì có quá nhiều lợn, hươu nai và những thứ đại loại như thế quanh đây nên chúng hầu như vô dụng, trừ khi có cả một đội quân chạy ào qua cùng một lúc. Một luồng gió đông thổi tới, đem theo mùi của những con ngựa. Tôi nhớ lại hồi còn bé, đi cùng anh trai trong một đêm giống như thế này, tôi đã rất sợ những con ma róc thịt – tức là những bộ xương đắp thịt vào để đội lốt người vào ban ngày – sẽ chui ra từ luống ngô và lừ lừ hiện ra sau lưng tôi. Chúng tôi leo qua một bờ rào nữa và nhảy từ một bờ đất xuống Đường 13. Tôi ngửi thấy mùi đường mới được quét nhựa lại, Vergara bắt chúng tôi xếp hàng, đứng im và chờ hai phút. Cô ta đi men theo lề đường về hướng bắc và vẫy tay ra hiệu cho chúng tôi đi theo. Chúng tôi bám theo. Mặt trăng đã xuống thấp hơn ngọn cây, nhưng vẫn đủ sáng để thấy lờ mờ. Một chiếc xe tải chỉ bật đèn phanh chạy lại gần chúng tôi, quét loạt xoạt vào tán thấp của các cây thông. Đó là một chiếc Ford Bronco sẫm màu kiểu cổ từ những năm 1980, phương tiện đi lại ưa thích của những người lang thang nay đây mai đó để làm công cho các trang trại khắp châu Mỹ La Tinh. Chiếc xe có một ca bin gỗ thô sơ gắn phía sau, sơn logo của nhãn hiệu nước ngọt Squirt. Chúng tôi dẹp sang một bên. Nó chạy vượt qua và đỗ lại cách chúng tôi mười yard. Người lái xe ngồi lại trong khoang lái. Một nhân viên ES bước xuống từ bên cửa khách và một người nữa trèo xuống từ phía sau. Khi chân người thứ hai chạm đất, tôi nhận ngay ra dáng dấp của Không Đời Nào, có lẽ do tư thế hoặc chuyển động của cậu ta có điều gì đó tinh tế hơn. Tôi gần như chạy bổ về phía cậu bạn. Cậu ta đã già đi theo cái cách mà người ta trông già hơn mà không có bất cứ thay đổi rõ rệt nào khiến người khác có thể nhận ra, có lẽ chỉ là một chút nặng nề hơn, hay chậm chạp hơn, ví như một bức tượng được nặn lại y chang, chỉ có điều từ một chất liệu khác. Hay có lẽ sự già đi ấy chỉ nằm ở một biểu hiện mà người ta thường không làm được khi còn trẻ. Dù sao, cảm giác cũng thật lạ thường, hay đúng ra là xốn xang, khi được gặp lại cậu ta, nhất là tại đây. Tôi bắt đầu thấy cơn nghèn nghẹn trào lên, giống như khi anh muốn bật khóc nhưng lại thấy là không phải lúc.
- ¿Qué tal, vos? (Cậu khỏe chứ ? – tiếng Tây Ban Nha)– Cậu ta hỏi và đãi tôi một abrazo. Tức là một cái ôm thật chặt rất rắn rỏi.
- ¡Cabron! (Như vâm) – tôi đáp. - ¿Qué onda, mano! (Còn cậu dạo này thế nào, anh bạn?)
- Sano como un pimpollo, - cậu ta đáp. Nó có nghĩa là:“khỏe như mầm mới mọc ấy”. Hai chúng tôi bắt tay theo kiểu trong hội Enero 3L. – ¿Y que onda, al fin compraste esa Barracuda ? (Cậu làm ăn thế nào rồi? Mua được con xe Barracuda ấy rồi chứ?)
- Tengo dos. Podemos competir. (Hai chiếc. Mình có thể thử đua được đấy.)
- Nhày, nhói nhiều quá, - tiếng Ana vọng qua tai nghe. Im lặng một lát. – Nhói những nhì cần thiết thôi.
Thoạt tiên, tôi cứ ngỡ cô ta nói dớt theo lối người vùng Castile (Một vùng thuộc Tây Ban Nha), nhưng sau tôi đoán ra là cô ta tránh dùng các âm xát và nổ để tiếng khỏi vang xa. Tôi giơ ngón tay ra hiệu cho Không Đời Nào chờ một lát và trả lời, cố tỏ ý là tôi đang nói với cái tai nghe chứ không phải với cậu ta:
- Lin lỗi, hiểu lồi, Keelorenz.
Đừng để tôi hoang tưởng theo bà – tôi nghĩ. Voy aca loca.(Mình đến phát điên lên mất.)
Ana ngồi lên ghế trước. Những người còn lại ngồi chen chúc phía sau. Nó được trải một lô bao tải nhựa rỗng, trước dùng để đựng ngô. Tôi khẽ giới thiệu Không Đời Nào với mọi người. Tất cả đều nói “xin chào” nhưng không ai tỏ ý muốn hỏi han gì thêm.
- ¿Pues, vos, - tôi thì thầm vào tai Không Đời Nào, - ¿Qué piensas de este ? (Này cậu, cậu nghĩ thế nào vể việc này?)
- Me da pena, vos, - cậu ta đáp, - ¿Confías en estos cerotes ? (Tớ cũng không biết thế nào, cậu ạ. Ta cứ tin những người này thôi.)
- Tớ không biết nữa, - tôi đáp, - cậu tin tưởng ai không?
- Confio en que dios se cague en mí. (Tớ tin là giời sẽ chơi tớ một vố)
- Es verdad. (Đức tin thế đấy)
- Esa Ana, en tos noventa trabojó para los embotelladoreS. (Anna ấy, hồi những năm 90, cô ta làm việc cho những cái chai đấy?)
Cậu ta nói “cái chai” là ý ám chỉ các công ty sản xuất đồ uống không cồn, cũng tức là ám chỉ COLA, cái tên lóng mà những người tham gia Đoàn thể kháng chiến Guatemala đặt cho Giám đốc phụ trách khu vực Mỹ La tinh của Bộ Ngoại giao Mỹ, và trước đó là đặt cho các nhân vật đứng sau các hoạt động mafia tại châu Mỹ La tinh như Bill Casey, John Hull hay Oliver North.
- Cậu này, - tôi nói, - tớ không muốn ở đây mà không có cậu, nhưng cậu thực sự nên rút khỏi vụ này nếu thấy có gì không ổn.
Nhưng cậu ta nói không, và rằng vì tôi tin tưởng vào việc này nên cậu ta cũng sẽ ở bên tôi. Tôi nhắc cho cậu ta nhớ là họ trả tôi rất nhiều tiền. Cậu ta nói cậu ta hiểu chuyện đó. Tôi kể cho cậu ta chuyện về National Geographic. Cậu ta nói chuyện đó có thể thông cảm được.
- Dù sao cũng thật tốt khi gặp cậu, - tôi nói, - cảm ơn.
Tôi thấy thoải mái hơn một chút. Có cậu bạn này ở bên cạnh, sự hoang tưởng của tôi cũng giảm bớt ít nhiều. Vấn đề là tôi chưa biết ai trong đám người này đủ lâu, trừ Taro, dĩ nhiên, và tôi vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn mình đang dẫn thân vào chuyện gì, và tôi thực sự cần một người đứng về phía tôi, một người không hề dính dáng gì tới Warren.
- Có gì đâu. – Không Đời Nào đáp. Cậu ta vươn tay lên chạm trần ca bin và đẩy đẩy như muốn thử xem nó chắc đến mức nào. Tôi hỏi thăm tình hình ở Đoàn thể kháng chiến nhân dân. Cậu ta trả lời rằng không ai thấy tăm hơi gì của chú Xac và mọi người đều đoán ông ta đã chết.
- Năm ngoái tớ có gặp Sylvana, - cậu ta kể, - ở Tenosique.
- Ồ, thế à. Cô ấy thế nào.
- Casada. (Lấy chồng rồi.)
- ¿No con el pisado del ONU? (Không phải cái thằng đần làm việc cho Liên hợp quốc ấy chứ?) – tôi hỏi.
- Đúng là Simon đấy.
- Mierda. (Mẹ kiếp)
- Me das látstima, mano… (Tôi rất tiếc, anh bạn ạ…)
- Tớ không được suy nghĩ về chuyện ấy, - tôi nói, - “Si comienzo a pensar de él, me hago lata” (Nghĩa là “Nếu cứ nghĩ về chuyện ấy, tớ sẽ đau lòng”. Nhưng tôi nghĩ câu thành ngữ ấy không diễn đạt được hết ý khi chuyển sang tiếng Anh).
Tôi quay sang hỏi về các dự định của cậu ta, nhưng cậu ta chỉ tay lên trần nhà, ra ý: “chúng mình nói chuyện ấy sau”. Tôi nghĩ cậu ấy đúng, vì chúng tôi đều biết đám người kia có mi-crô cực nhỏ có thế có thể dấu trong phân chuột.
- Pues, vos, me voy a dormir, (Tớ chợp mắt một tí đây) – cậu ta nói và lập tức ngáy khò khò. Cậu ta có cái thói quen của dân lính tráng là có thể lăn ra ngủ ở bất cứ đâu, chỉ sau vài giây. Đối với cậu ta, một chỗ trải tấm lót trên một chiếc xe có điều hòa nhiệt độ cũng như phòng hạng sang ở khách sạn Crillon rồi. Tôi nhìn sang Marena nhưng không thấy được gì nhiều. Tôi thổi căng vừa phải một cái gối ni-lông và dựa vào nó. Tôi cứ phân vân suy tính mãi không biết có nên cuộn mình lăn về phía cô ta hay không, hay là giả vờ ngủ gật, ngả người vào vai cô ta, hay chỉ hỏi cô ta xem làm thế có được không. Không, đừng làm gì hết. Có lẽ cô ta sẽ làm gì đó.
Nhưng cô ta chẳng làm gì cả.
Chúng tôi đi chậm lại. Một biển hiệu xuất hiện, được soi sáng bởi vỏn vẹn một bóng đêm. Nó ghi DOANH TRạI QUÂN Đội ALTA VERAPAZ, và vẽ hình một lính biệt kích nhìn như con thỏ, một hình khiên với đầu lâu xương chéo phía trên dòng chữ TRạM GáC DANH Dự. Chiếc xe rẽ trái ngay trước biển hiệu đó, chạy vào một con đường rải sỏi, rẽ ngoặt tiếp 130 độ theo hướng màu vàng – hướng tây bắc – hướng của quá khứ gần.
22
Chúng tôi xuống xe trên con đường dẫn vào San Critóbal Verapaz, cách thành phố một dặm. Trời mới vừa sẩm tối. Đã có thể nghe thấy tiếng một dàn mộc cầm chơi nhạc corridos (Một thể loại nhạc có nguồn gốc từ Mexico), ganh đua với tiếng loa oang oang phát bản thu âm cũ bài Thời gian trong chiếc chai của Ricardo Arjona. Chiếc xe quay đầu và đi mất. Chúng tôi tách thành hai nhóm để tránh sự gây chú ý: tôi, Marena, Không Đời Nào, Lisuarte và Ana Vergana ở một nhóm, những người còn lại ở nhóm thứ hai. Chúng tôi khởi hành.
Tôi có nhiều kỷ niệm buồn ở nơi này. Bệnh viện kia là nơi tôi đã nằm khi được biết về vụ thảm sát ở làng T'ozal. Nhưng ở đây đang diễn ra một lễ hội nhỏ tôn vinh thánh San Anselmo, và chúng tôi định sẽ lợi dụng đám đông để cuốc bộ qua thành phố. Như tôi đã nói, bốn nhân viên ES sẽ đợi sẵn ở đó, và khi chúng tôi đi bộ qua, họ sẽ quan sát xem có ai bám theo, dõi theo, hay làm bất cứ điều gì khác với chúng tôi hay không.
Bộ dạng của chúng tôi khiến tôi hơi lo lắng. Lisuarte đội cái mũ to kềnh, nhếch nhác, nhìn cũng ổn. Marena ra dáng một sinh viên thế hệ mới, cô ta ăn mặc xuyềnh xoàng đi, với những chuỗi hạt màu ngọc lam rẻ tiền quấn quanh cổ, một chiếc ba lô hiệu North Face tã nát, dán khẩu hiệu TÂY TẠNG TỰ DO. Nhưng Grgur thì chẳng ăn nhập gì cả. Nhìn hắn như một tay buôn ma túy người Thổ vậy. Thôi, sao cũng được. Chúng tôi đi qua mấy con chó thả rông, rồi đến lợn, rồi đến những người da đỏ đi thành từng nhóm hai hoặc bốn người. Ai cũng nói xin chào. Quanh đây người ta luôn để ý đến những người lạ, nhưng cũng chào đón thân thiện. Thường là vậy. Tôi gặp vài gương mặt mà tôi cho là có quen biết, vì thế, tôi ngả mũ xuống. Nhưng ai mà nhận ra tôi được với cái đầu trọc này. Có lẽ mẹ ruột tôi thì may ra. Chết tiệt! Tôi thấy lo lo cho Không Đời Nào, nhưng chắc cậu ta có cách riêng để không bị phát hiện. Dù sao, cậu ta không về đây đã mười lăm năm nay rồi. Một lão già gầy nhẳng nhăn ra cười với chúng tôi, khoe cái miệng đầy răng bạc, một bộ mặt tiêu biểu cho ngành nha ở Trung Mỹ. Muỗi nhiều kinh khủng. Lũ trẻ xúm lại quanh chúng tôi mời mua pháo hoa.
- Chú ý, đội A, tiến lên thận trọng, - tiếng Ana vọng qua tai nghe. Tôi nhận thấy tất cả đều hơi căng thẳng, cố bước sao cho thật kín đáo. Ánh đèn pha ô tô chạy từ dưới thung lũng chiếu lên thẳng vào chúng tôi, chúng tôi đi dẹp vào vệ đường và gật đầu với bốn tên lính mặc đồng phục xanh lam ngồi trong chiếc xe jeep mui kín. Chúng vượt qua chúng tôi mà chẳng tỏ thái độ gì là nhìn thấy. May quá. Đúng như tôi đoán. Nhưng tôi vẫn khó lòng nhìn chúng mà không tưởng tượng ra cảnh những cái đầu ấy nổ tung qua ống ngắm trên đầu súng. Bình tĩnh nào. Chúng chỉ là lũ lính mới thôi, hồi ấy chúng có ở đây đâu. Hít thở sâu nào.
Tonto, - tôi lại nghĩ. Quái quỷ thật. Tôi viết thế nghĩa là sao nhỉ? Tonto làm cái gì? Điều gì đó rất tệ, chắc thế. Hay có khi tôi ốm yếu và mê sảng thôi. Có lẽ tôi chỉ muốn viết là “Rosabelle, tin tưởng”... nhưng cuối cùng vẫn có chữ “Tonto làm”. Có phải Tonto chính là tôi? Nhưng từ năm lên mười tôi đã không bị gọi bằng cái tên ấy nữa, và mặc dù hồi ấy nó là cái tên ghẹo phổ biến, nó vẫn không có vẻ giống biệt hiệu dành cho tôi. Hay ý tôi muốn nói: “Đánh bại với Người Da Trắng, Tonto làm”? Trong tiếng Tây Ban Nha, tonto còn có nghĩa lóng là “đồ ngu”. Đồ ngu làm gì? Làm gì? Làm gì? Làm gì?
Con đường rẽ vào một đường phố lớn chạy từ đông sang tây. Những chuỗi đèn màu đỏ và trắng dành cho dịp Giáng sinh nhỏ xíu, lờ mờ, dăng ngang khắp phố cùng với các dây hoa hoa cắt bằng giấy màu, nhưng chiếc đèn lớn treo ở ngã tư đường thì lại tắt ngấm. Và vì ở đây, người ta vốn tự hào về những thứ đèn đóm ấy, nên tôi nghĩ nguyên nhân do lệnh tắt đèn vẫn chính thức có hiệu lực. Cứ làm như nước Anh sắp sửa oanh tạc cái đất nước không đủ giàu để dùng khăn giấy này không bằng. Cứ quan trọng hóa lên. Hai bên đường là những căn nhà hoặc cửa hàng xây bằng gạch xỉ nằm sát vách nhau, mỗi nhà một màu: xanh ngọc, hồng đào, vàng chanh, xanh trứng sáo, với các dị bản logo của Orange Crush, Jupina Gaseosa de Pina và Cerveza Gallo (Các nhãn hiệu nước giải khát) được sơn bằng tay. Căn nhà cuối cùng trên phố là một cửa hàng kem, nhưng trước đây nó từng là oficina delcomisariato của hãng United Fruit, tức là một loại cửa hàng bán lẻ sản phẩm của hãng ấy. Nhìn thấy nó, tôi bỗng nổi giận đùng đùng. Mate el Pulpo (Đập chết cái con bạch tuộc ấy đi – tiếng Tây Ban Nha).
Nhà cửa trong thành phố rất lạ đời. Nếu anh nghĩ chúng không thể chật chội và lộn xộn hơn được, thì mỗi lần quay lại, anh sẽ thấy chúng càng chật chội, càng lộn xộn hơn. Mà đây chưa phải là quê tôi đâu. Hồi tôi còn nhỏ, được đến đây chẳng khác gì từ Far Rockaway lên thăm Manhattan. Ôi chao. Bệnh viện Sacred Heart chỉ còn cách chỗ này có hai dãy phố về phía nam, nếu có thể gọi chúng là dãy phố. Đứng ngay đây tôi cũng nhìn thấy nó. Tôi chăm chăm nhìn một căn nhà hai tầng phía bên kia đường. Những vệt nước mọc rêu xanh trên bức tường sơn hồng dưới mái hiên nhô ra nhìn rất quen mắt. Tôi nhận ra đó là nơi những tên lính bắt tôi đứng khi chúng xếp chúng tôi thành hàng...
Ôi, những hồi tưởng.
Sáng hôm đó, G2 – tức là, hay đúng hơn là lực lượng “chống khủng bố” của quân đội Guatemala – đã ập đến để tổ chức cái mà họ gọi là “celebración” (Lễ kỷ niệm – tiếng Tây Ban Nha). Họ đến trên những chiếc xe tải lớn, cũ kỹ của quân đội Mỹ, đem theo những cái loa phóng thanh to tướng để tập hợp toàn bộ dân chúng, kể cả tôi, trong chiếc áo chùng trắng của bệnh viện, và tất cả những đứa trẻ đang nằm viện khác, miễn sao chúng còn đi lại được. Họ bắt tất cả xếp hàng theo độ cao thấp tương đối – đến bây giờ tôi vẫn chẳng hiểu vì sao – và đứng dưới trời nắng trong lúc ngài chỉ huy đọc một bài diễn văn dài lê thê hai tiếng đồng hồ về việc hội làng T'ozal và hai làng nữa đã lừa dối chúng tôi, và rằng tất cả bọn chúng đều là cộng sản bí mật ăn lương của Castro. Ngài ấy bảo cho chúng tôi hay chúng tôi may mắn đến mức nào vì được sống trong một nền kinh tế thương mại tự do, với mọi thứ chúng tôi hằng ao ước nếu chúng tôi không lười biếng, rằng đất nước này sẽ thay da đổi thịt, không như dưới thời García, rằng chính quyền đương nhiệm đã luôn giữ lời hứa đối xử công bằng với người da đỏ, rằng những tên tù mà họ vừa bắt giữ sẽ được xét xử một cách thỏa đáng trong một phiên tòa minh bạch. Bài hát“Guatemala hạnh phúc” (Quốc ca Guatemala) được phát đi phát lại trên loa phóng thanh. Chính xác là sáu mươi tám lần. Cứ sau vài lượt phát, họ lại bắt tất cả chúng tôi đọc lời tuyên thệ trung thành nhái theo lời tuyên thệ của Mỹ, sau đó lại phát bài hát, que tus aras no profane jamás el verdugo (Chúc cho bệ thánh của người đời đời không bị quân thù giày xéo – lời bài hát Guatemala hạnh phúc), vân vân và vân vân, rồi lại đến một bài diễn thuyết nữa. Cuối cùng, họ đọc cho chúng tôi nghe danh sách những người phải chuyển đến nơi tái định cư. Danh sách đó có tên tất cả dân làng tôi. T'ozal là một trong bốn ngôi làng bị thiêu trụi trong tuần đó vì tội chứa chấp “người Cuba”, đó là từ mà họ gọi cho tất cả những kẻ nào dù chỉ bị nghi là đồng tình với quân nổi dậy. Họ phát bài quốc ca, các bài phát biểu được ghi âm sẵn, lại bài quốc ca, và cả đống ấy cứ được phát đi phát lại hết lần này đến lần khác, cho đến khi chính quân lính của ngài chỉ huy cũng phát chán đến mức quay ra gây gổ đánh nhau và đánh những người khác. Khoảng ba ngàn người da đỏ và lai da đỏ trên quảng trường cứ đứng yên, chẳng mấy ai tìm cách trốn chạy, không phải vì không còn sức kháng cự, mà vì có thể bị bắn bỏ nếu chạy. Xơ Elena – tôi tưởng như vẫn đang nhìn thấy khuôn mặt của xơ ấy, rõ từng đường nét, đến từng lỗ chân lông li ti và vệt lông tơ sẫm màu hơn lờ mờ phía trên môi – và một vài xơ khác đưa lũ trẻ con chúng tôi về bệnh viện. Tôi hiểu chuyện gì xảy ra hôm ấy, một chút thôi, và tôi hoảng loạn vì sợ hãi. Chuyện gì đã xảy ra với cha mẹ tôi?
Không như những đứa trẻ khác trong làng, tôi không phải chứng kiến cảnh ngôi nhà bốc cháy, tôi không thấy cảnh mẹ và các chị em gái bị cưỡng hiếp, cha tôi bị thẩm vấn và hành hình. Tôi không có ở nhà. Tôi thậm chí còn không hình dung được cảnh ấy rất lâu sau khi nó xảy ra. Hồi đó tôi không bao giờ tưởng tượng được mẹ tôi lại sợ hãi điều gì. Còn bây giờ, tôi có trong đầu hình ảnh bà với cặp mắt hoảng loạn, tóc bê bết máu và một can xăng màu đỏ trước mặt. Và tôi biết nó có thật. Todo por mi culpa.
- Más despacio, vos, (Ta đi nhanh quá, cậu ạ) – Không Đời Nào thì thầm vào tai tôi. - Đi chậm lại một chút đi. - Cậu ta không muốn bước chân của chúng tôi tỏ ra có mục đích quá.
Chúng tôi chậm rãi tiến vào quảng trường. Phải có đến năm trăm người tụ tập ngoài này để tham gia đám rước. Một bầy trẻ con nhộn nhạo mặc đồng phục lính thủy của trường dòng, tất cả đều Mỹ hóa với những cái tai nghe Bluetooth đồ chơi và cặp tóc Hello Kitty, chạy túa xung quanh một toán cầu thủ bóng đá khoác áo thi đấu màu xanh da trời đang nghêng ngang đi lại, thằng nào thằng nấy nhìn búng ra sữa và mất dạy. Chúng tôi đi ngang qua một dãy hàng rong bán roscos và bunuelos (Bánh rán tròn và bánh rán vòng). Tôi mua ba gói bánh hạt điều, một cho Marena và hai cho tôi. Bốn tên lính đang chơi đô-mi-nô quanh một chiếc bàn xếp dưới mái che bằng vải nhựa. Chúng chỉ liếc mắt lên nhìn chúng tôi. Nom chúng non nớt và vụng về với mấy khẩu súng trường cũ mèm gác chụm vào nhau. Tiếng quân cờ kêu lách cách khiến tôi chợt nhớ lại cảnh hồi xưa, cha tôi và các chú các bác tôi ngối quanh một chiếc bàn nhỏ, xóc xóc những mẩu răng bí ẩn được tô vẽ lốm đốm trong lúc tôi đang dần ngủ gật. Chúng tôi đi qua mấy người nước ngoài đang đứng do dự bên ngoài, một nhóm thì tôi đoán là khách du lịch người Đức, còn một nhóm ba người khác thì tôi đoán chắc là các giáo sĩ truyền giảng kinh Phúc âm. Tôi không nhận ra nhân viên quan sát nào của ES, nhưng dĩ nhiên người ta không thể...
Oái. Xin lỗi. Hai tu sĩ truyền giáo Mormon bỗng từ đâu hiện ra, suýt nữa thì đâm sầm vào chúng tôi. Tôi e là họ nhận ra Lisuarte, nhưng hình như không phải. Dù sao, chắc gì họ đã đến từ Belize Stake. Có cả một đội quân huevo như thế này đạp xe khắp vùng Mỹ La tinh, lôi kéo những con chiên dễ dao động ra khỏi bầy đàn của họ để tiêm nhiễm đầu óc họ. Ai đó...
Ấy, xin lỗi, Huevo. Có lẽ tôi nên giải thích một chút về cách dùng từ này. Huevo là quả trứng, hay là hòn dái, theo lối ẩn dụ. Ở Petén, chúng tôi gọi họ là Mormon huevo vì họ trắng bợt như những quả trứng, và luôn đi thành đôi, như một cặp hòn dái. Dĩ nhiên, các bạn sẽ thấy cách châm chọc này hài hước hơn sau khi uống cà phê liền tù tì mười bốn tiếng.
Ai đó tắt tiếng nhạc “Top 40” đi và ban nhạc nhỏ bắt đầu chơi bài “Ôi đấng cứu thế”. Chúng tôi theo ánh mắt nhìn chăm chú của đám đông đi sang con phố chạy theo hướng bắc – nam dẫn lên đồi. Mười ba cofradore, tức là các bô lão, những ông già mặc áo sọc lòe loẹt, đội mũ to tướng, đang đi ra từ một trong các điện thờ nằm cao chót vót ở hướng bắc. Chín người rước những cây thánh giá lớn kết lá xanh, bốn người còn lại khiên một bức tượng thánh Anselmo cũ kỹ nắn bằng bột ngô ngự trên kiệu. Tượng thánh đội một chiếc mũ tế của giám mục, cặp mắt sầu thảm và bộ râu chẽ đôi màu xanh lá cây.
Tôi nhích từng bước một. Tôi nhìn Không Đời Nào đang đi phía trước. Cậu ta quay lại nhìn tôi. Chúng tôi xem đám rước thêm nửa phút nữa rồi Không Đời Nào lặng lẽ chuồn khỏi đám đông, đi về hướng tây. Tôi bám theo. Marena, Lisuarte và Ana cũng theo chân tôi. Ở dãy phố dân cư thứ ba mà chúng tôi đi qua, có một nhóm phụ nữ Quiché – Quiché là một tộc người thiểu số nói tiếng Mayan sinh sống ở vùng này – đi ngang qua trước mặt chúng tôi. Họ mang theo nến, hoa giấy và mấy bao Marlboro chưa xé, vì vậy tôi đoán ra ngay họ đang đến chỗ ai. Tôi chưa nhìn thấy ông ta trong thành phố này bao giờ, nhưng ông ta chỉ ở quanh đây thôi. Có nên không nhỉ? Tôi hỏi Marena xem cô ta còn điếu xì gà Cohiba Pyramide nào không. Cô ta đáp còn mười lăm điếu và moi cái hộp trong ba lô ra. Tôi lấy sáu điếu.
- Chờ tôi một giây thôi, tôi sẽ quay lại ngay. - Tôi quành lại để đuổi theo bốn người phụ nữ kia.
- Pen-pen, anh làm gì thế? - Ana gọi tôi qua tai nghe. - Quay lại đi.
- Tôi phải làm việc này đã, - tôi thì thào
- Không được, - cô ta đáp. - Anh phải quay lại.
- Chờ tôi một phút thôi, tôi đáp. Tôi nghĩ cô ta sắp chạy đến nơi và chặn trước mặt tôi, nhưng Không Đời Nào làm như tình cờ chắn ngang giữa cô ta và tôi, đến khi cô ta vòng qua được thì chúng tôi đã đứng trước lối vào không có cửa của một ngôi nhà xây bằng gạch xỉ. Bốn người phụ nữ đang quỳ bên trong, thêm những cây nến của họ vào số hàng trăm cây nến đã thắp sẵn trên nền nhà. Vị pháp sư đang ngồi trước cửa, bên một chiếc bàn gấp. Nhìn ông ta rất quen, nhưng tôi không biết tên ông ta và ông ta cũng hoàn toàn không nhận ra tôi. Tôi cúi cái đầu trọc xuống chào ông ta. Ông ta nhìn nó hơi ngờ vực, nhưng cũng gật đầu ý nói “vào đi”.
Tôi quay lại nhìn Marena:
- Chắc cô thấy cảnh này ngớ ngẩn.
- Ồ, không đâu, - cô ta đáp ngay, không ngần ngừ.
Những người phụ nữ đã lễ xong và rời đi. Tôi nhón chân len qua những chùm hoa, những chiếc bình và nến thắp dưới sàn nhà bê tông. Marena đi sau. Có một chiếc chậu nhỏ bằng nhựa đựng nước thánh, tôi bất giác nhúng tay vào, làm dấu thánh và tự dưng thấy ngượng vì sau từng ấy năm vẫn không bỏ được thói quen máy móc ấy. Marena liếc xuống chậu nước, và trong một giây đáng sợ, tôi cứ ngỡ cô ta sắp sửa nhổ bã kẹo cao su vào đấy.
Maximón ngồi hút thuốc và nhìn đời (ông thánh này vẫn được tạc với tư thế như vậy) trong một căn điện phía cuối phòng, cạnh cái quan tài tượng trưng trống không. Ông ta đeo kính râm, đội mũ nỉ rộng vành màu đen, áo khoác đen, sơ mi đỏ, quanh cổ và vai quấn hàng tá khăn quàng và cà vạt được tín đồ dâng cúng. Ông ta to lớn hơn bình thường. Đa phần tượng thánh Maximón được đắp bằng đất, nhưng vị pháp sư ở đền này đã dùng một con ma-nơ-canh cũ để làm thần tượng, bàn tay nắm đầu cây gậy bạc vẫn còn là tay đàn bà, với những cái móng sơn đỏ tươi dị hợm, hay màu da cam thì đúng hơn. Khuôn mặt ông ta nom như một cái mâm đặt trên lòng, trên có một chiếc bát đựng những đồngquetzale sứt sẹo, mấy chai nước cam và aguadiente (Rượu mùi – tiếng Tây Ban Nha).
Tôi quỳ xuống và chạm tay xuống đất.
- Lạy thánh Maximón cao quý.
Tôi đứng đậy và nói tiếp bằng tiếng Tây Ban Nha, đại ý là:
- Con biết ơn ngài từng giờ từng phút. Con cảm tạ thánh Anselmo, vị thánh của ngày hôm nay và pháp sư của San Cristóbal vì đã đưa ngài đến đây ngày hôm nay. Con xin dâng cúng lễ vật này để chiều lòng ngài.
Tôi lại quỳ xuống và đặt mấy điếu xì gà xuống một tấm khăn đựng đồ cúng. Chúng được bảo quản khá tốt trong điều kiện độ ẩm cao như thế này, mặc dù ở đây đầy hương khói nhưng tôi vẫn ngửi thấy mùi thơm dễ chịu tỏa khắp phòng. Maximón vẫn mỉm cười đờ đẫn như thường lệ và hình như gật đầu.
Tôi đứng dậy.
- Con xin đa tạ ngài. Hỡi chư vị thánh thần. Những vị thánh lớn và những vị thánh nhỏ, vị cai quản trái đất và coi sóc bàn chân, bàn tay chúng con. Xin hãy phù hộ cho grandessa của con. Ngài đếm cùng con và những hạt đỏ và hạt đen, Ngài đếm cùng con những viên đá và sọ. Đông, tây, nam và bắc, ngài coi giữ ở các ngã tư đường. Ngài cho chúng con bóng đêm và ngài cho chúng con sức mạnh. Những linh hồn chết đã dạy chúng con cách thờ phụng ngài, đến lượt chúng con sẽ dạy cho những đứa trẻ mới ra đời và chưa ra đời. Chúng con xin đa tạ ngài. Xin cho con quay lưng lại. Xin từ biệt ngài. Don Maximón.
Tôi quay lưng lại và đi ra ngoài, gật đầu chào vị pháp sư và bỏ năm trăm quetzale – bằng khoảng sáu mươi nhăm đô la Mỹ – vào cái hộp đặt cạnh bàn ông ta “để huơng khói”, rồi đi. Chúng tôi quay ra phố lớn. Ana lườm tôi một cái bực dọc. Ừm, thà thế còn hơn phải nuối tiếc, - tôi nghĩ.
- Ông ta... à... có phải một vị thánh Thiên chúa giáo không? - Marena hỏi.
- À, ông ta là vị thánh không được nhắc đến trong kinh thánh, - tôi đáp. - Ông ta không hẳn là thánh của người Thiên chúa giáo ngoan đạo, mà là thánh của người Thiên chúa giáo hơi kém ngoan đạo một chút.
- Ra thế.
- Nhưng ông ta là vị thánh khá cổ xưa. Tôi đoán thế.
Chúng tôi đi bộ theo hướng tây ra khỏi thành phố, với ánh trăng tối mờ dẫn đường phía trước, rồi xuống thung lũng, nơi có nhiều con đường mòn đan nhau chằng chịt dưới chân núi Cuchumatanes. Tại nơi cách thành phố đúng một dặm, con đường rẽ xuống phía nam, dọc theo bờ sông. Tôi nghe thấy tiếng ồn của nó vọng đến từ khoảng cách ngoài tầm mắt, ngửi thấy mùi bùn và lau sậy mới cắt, rồi đến mùi mốc và mùi gừng tươi, cuối cùng là một mùi gì đó chìm dưới tất cả các mùi kia, nhẹ như một thoáng long diên hương tỏa lên từ chỗ cặn trong lọ nước hoa Guerlain Samsara cũ mà có kẻ đã nhặt từ một thùng rác ngoài chợ trời trong một buổi chiều nóng nực, chỉ bởi vì nó giống với lọ nước hoa mẹ anh ta từng để trên bàn trang điểm ở đầu giường ngày bà còn trẻ: mùi của quê nhà.
23
Hàng mi dài của Sylvana khẽ rung rung chạm vào vai tôi giống như những lúc cô ấy nằm mơ. Nhưng không phải là Sylvana mà là một thứ gì đó khác. Quỷ bắt nó đi? Con gì đó! Con gì đó còn sống! Nào, tóm lấy nó. Khỉ thật, nó bám vào mu bàn tay tôi, chạy ngược lên cẳng tay. Rũ nó đi, rũ nó đi! Tôi đờ cả người vì nỗi khiếp sợ bản năng. Một con thằn lằn nhỏ màu nâu rơi độp xuống từ cổ tay tôi và chạy thoăn thoắt qua tấm ni-lông trải dưới đất. Ghê quá! Về già tôi lại ra đâm thành thị hóa. Không quen với những con vật sống và những nơi bẩn thỉu nữa. Tôi lấy điện thoại ra xem giờ: 3 giờ 4 phút chiều. Chết cha. Muộn rồi.
Tôi đang ở cái chỗ chết toi nào thế này nhỉ? Ánh sáng thì lờ mờ một màu tím than quái gở. Tôi nheo mắt nhìn lên trần. Nó cao, hình vòm có đòn chìa.
Ồ, phải rồi phế tích Ix. Michael nói đây là một trong những cung điện còn sót lại.
Tôi lột cái túi ngủ phải gió ra khỏi người và ngồi dậy. Hình như mọi người đều đã ra ngoài. Căn phòng này là một audiencia- phòng khách- lớn kiểu cổ Maya, rộng 50 feet, sâu 9 feet, đỉnh trần cao hai mươi feet, với một ô cửa duy nhất, khá cao, nằm chính giữa bức tường dài ở hướng tây. Cánh cửa được phủ một lớp vải dầu màu xanh tím than. Vào thời cổ Maya đã từng có một bức bích họa lớn trên bức tường cuối phòng mà ngày nay vẫn còn sót lại vài phần.
Người ta chỉ có thể thấy lờ mờ một hình người nhỏ bên phía tay trái đang leo lên những bậc cầu thang, thấy loáng thoáng một căn điện bên tay phải với những hình trang trí xoắn ốc tạo hình nữ thần Cóc Đất nhô ra. Nhưng gần đây, nhất là trong mấy thập kỷ gần đây, nước đã thấm vào và rửa trôi lớp vữa ở đó. Tuy vậy, căn phòng vẫn khá khô ráo với thời tiết mùa này. Đội tiền trạm của Ana đã xúc hết phân dơi đổ đi nhưng tôi vẫn ngửi thấy cái mùi ẩm lại. Họ cũng chuyển sẵn phần lớn thiết bị vào đây. Một phần ba diện tích phía bắc phòng chất đầy ống khoan dầu, ống truyền dẻo, các hộp đựng mũi khoan, bốn động cơ Honda 90 mã lực, sáu chiếc đòn bẩy Volvo và hai chiếc hòm lớn màu vàng trong đựng hai con rô bốt đào hầm và lấy mẫu mà công ty dịch vụ dầu khí Schlumberger đã đặc cách cho chúng tôi mượn, môt trong hai con đã được lắp cả đèn và máy quay phim. Nơi này chả khác gì một cửa hàng tiêu thụ đồ ăn trộm,có điều là ở thời kỳ tiền Columbia. ở gần chỗ ngủ hơn có hai chiếc máy tạo khí gas không gây tiếng ồn, một lô máy ổn áp, một dây cáp to tướng chạy theo hướng bắc ra phía cửa đến Gò A, hai chiếc tủ lạnh phòng thí nghiệm cỡ vừa, một hộp chân không, một máy đóng gói chân không., mấy cuộn lá nhôm để đựng các mẫu phóng xạ cácbon, một hộp găng tay, một ống dẫn khí nén còn nguyên đai nguyên kiện, hai máy bơm nước, một máy ép (tất cả đều có thể mua tại cửa hàng bán thiết bị an toàn phòng thí nghiệm), hai chiếc hộp đựng cưa đá và lưỡi cưa dự phòng(cũng là của công ty Schlumberger) và các dụng cụ khảo cổ khác như thuổng, xẻng, máy dán nhãn, đèn ác quy, các cuộn xốp hơi, hộp đựng đèn mỏ, đèn thăm dò, đi-ốt phát quang, chổi, bút lông và sàng –nhìn chung đủ cho cả một khóa sinh viên và thực tập sinh đào bới trong mười năm liền chứ không phải cho một cuộc nghiên cứu có tính chất lý thuyết. Có đến một nửa trong số này sẽ không bao giờ được sờ đến – tôi nghĩ. Hừ, lần sau, đừng…
Khoan đã.
TONTODID.(Tonto làm)
Hừm, cũng có thể là DON TOD IT…
Hoặc là… DON’T DO IT.(đừng làm thế)
Tôi đã cố cảnh báo mình.
Trời ơi.
Đừng quay về quá khứ. Đừng tin đám người này. Đừng nhúng tay vào trò điên rồ này. Đừng làm thế.
Hừm.
Tôi nằm đó và ngẫm nghĩ, mắt liếc nhìn cái bóng màu xanh dài, chính là tấm vải dầu căng ngang cánh cửa duy nhất của căn phòng cổ. Răng tôi hơi lập cập một tí. Sao lại “đừng làm thế”? sao tôi không viết rõ thêm một tí chứ? Vì đó là một việc làm ghê tởm trước chúa chăng? Vì nó không hay ho gì chăng? Vì nếu nán lại viết kỹ thêm một tí, tôi sẽ bỏ qua tập cuối Gossip Girl chăng?
Chậm hiểu đến thế là cùng – tôi tự rủa. Mất đến bốn ngày tiềm thức mới giải đoán được một câu ghép chữ đơn giản đến như vậy. Đáng ra có thể dùng điện thoại mà giải ra trong bốn phút sáu giây.
Và đêm nay tôi lại sắp có hẹn với một người chết.
Bây giờ thì mày làm thế nào đây? Rút lui? Trốn vào bụi rậm với Không Đời Nào và chạy về Honduras? Giả vờ suy sụp thần kinh? Hay đơn giản là nói “không”?
Chả trách Tony Sic chả buồn rầu mấy tí khi biết tôi sẽ đi thay hắn. Lúc đó, tôi thực sự cảm thấy hơi ngại, còn hắn thì dửng dưng như không và không hề lúng túng. Có lẽ hắn đã nghĩ lại. Jed, mày là thằng ngu, thằng ngu…
Thôi đừng đi, chả ích gì đâu.
Phù. Được rồi.
Tôi gãi mắt cá chân và nhìn thấy một chiếc tất màu đen bị kéo ra khỏi túi, lăn qua đầu và rơi xuống tấm nệm của tôi đêm qua. Bên trong chiếc tất có năm gói nhỏ buộc túm lại với nhau bằng dây chun. Tôi dùng răng nanh xé gói cà phê và dốc cả đám bột ấy lên lưỡi. Kinh quá! Không sao. Tôi rửa trôi nó xuống họng bằng hai viên kẹo dẻo. Tôi xé gói thuốc tổng hợp sát khuẩn lao, khuẩn Salmonella, SARS và HIV, lau khắp mặt và mọi bộ phận cơ thể mà tôi với tới được mà không sái tay. Sau đó tôi mở cái gói đề “Không cần chải” bằng chữ to màu xanh nhợt. Tôi dùng nó để lau ba mươi mốt cái răng trong miệng và lật mặt kia của tờ giấy nhám để xát cho sạch lưỡi. gói thứ tư đựng một miếng gạc dài sáu inch, rộng bốn inch tẩm sữa tắm làm ẩm da, giúp trung hòa tác dụng làm khô da của thuốc sát trùng. Tôi xé nốt miếng gạc chống bọ chét ra khỏi bao và quấn nó quang ðầu gối phải. ðộng vật chân ðốt và bệnh máu khó ðông chung sống với nhau không ðýợc hòa bình lắm. Tôi vo tất cả đống vỏ bao thành một cục tròn, nhét vào túi áo, nhét tai nghe vào lỗ tai trái và bò ra ngoài qua cánh trái của tấm vải dầu.
- Làm một chén trà không? - Michael hỏi,phúc tổ là không phải qua micro. Lão ta, Lisuarte và gã Commado ngồi trên một tấm vải trải dưới đất như đang đi pinic. Tôi không nhìn thấy Không Đời Nào nhưng cậu ấy cũng báo trước là sẽ đi thám thính xung quanh. Tôi đáp cảm ơn, tôi uống rồi. Nhưng câu hỏi của Michael giống như một lời mời nên tôi ngồi xệp xuống cạnh họ. Chúng tôi đang ngồi dưới bóng râm của tòa nhà dài, trước đây từng là phía tây của một khu nhà xây quây thành hình tứ giác rộng tám mươi yard; theo lời Michael, nó có thể là một phần lâu đài của thị tộc Mèo Rừng Ix. Các tòa nhà kia bị cây bụi che phủ, nom không khác gì những gò đống nhỏ, tòa nhà mà chúng tôi đóng đại bản doanh cũng sẽ như thế nếu người của ES không dọn quang lối vào. Khu sân trong nom có vẻ như được dùng làm bãi trồng ngô cách đây vài năm. Còn bây giờ, tầm ma và dương xỉ mọc kín mít. Toàn bộ công trình này nằm lưng chừng một triền núi trước đây được đẽo thành hình bậc thang, cách con sông một phần tư dặm, và cách kim tự tháp lớn nhất của quần thể - tức công trình mà Sylvanus Morley (Nhà khảo cổ học người Mỹ) vĩ đại đặt tên là Gò A, và ngày nay, với sự tiến bộ trong ngành nghiên cứu chữ khắc cổ, chúng ta biết nó là mul (có nghĩa là ngọn đồi, suy rộng ra là “kim tự tháp” hay “núi lửa”(chú thích của tác giả)) của dòng họ Mèo Rừng- chừng một trăm dặm về phía nam. Nhưng với cả rừng lá lẩu um tùm như thế này, anh chẳng thể nhìn thấy cả dòng sông lẫn mul, thậm chí chẳng thấy giời đâu nữa, chỉ thấy những mảnh xanh xanh rời rạc.
Cạnh Michael có một chiếc hòm bằng da rái cá to tướng, để mở, đựng đầy các gói thạch, mật ong, hộp nước quả, bim bim ngô, kẹo thanh và nhiều thứ đồ ăn khác. Tôi nhặt lấy một gói đồ ăn sẵn hiệu Land O’ Lakes và một hộp giấy tráng kim loại cỡ gần nửa lít ghi chữ Undine, tôi đoán nó là một loại đồ uống tăng lực thể thao giàu positron kiểu mới nhất. Tay trái tôi vướng phải cái túi đựng thuốc và vitamin đủ loại, nhưng tôi vẫn xoay xở để bóc được miếng dán trên nắp hộp. có tiếng xì xì phát ra khi mẩu CO2 đẩy bật cái nút chèn và lập tức làm mát chất lỏng. Tôi đổ vốc thuốc vào miệng, chiêu nước và phát hiện ra tay trái bị dính chặt vào lớp băng bám ngoài vỏ hộp, tôi gỡ tay ra, cầm lại cái hộp và nuốt trôi nắm thuốc với hai phần ba hộp nước, chả biết là nước nặng, nước nhẹ hay cái nước chết tiệt gì. Bàn tay Michael chìa cho tôi cái gì đó. Một thanh granola (loại thức ăn trộn từ lúa mạch, mật ong và hạt dẻ). Tôi xé giấy bọc và cắn rôm rốp. Trên giấy bọc viết:
Bổ dưỡng! Chúng tôi đem nó đến cho bạn. với lượng đạm giàu gấp rưỡi loại granola thông thường. Không cần bận tâm năng lượng đến từ đâu, chỉ cần bận tâm ta sẽ dùng nó vào việc gì. Chúng tôi, Bear NakedTM Granola, tin rằng sức mạnh thật sự nằm ở tinh thần coi nơi kết thúc là điểm xuất phát mới. hãy đặt mục tiêu cao hơn một chút. Không quan trọng đích đến cách bao xa, miễn là bạn luôn hướng đến nó. Và chính granola sẽ đưa bạn đến đích.
Hay đấy, tôi nghĩ. Uống nốt một phần ba chỗ nước còn lại trong hộp, bóp bẹp cái vỏ, vứt vào cùng đống túi và vỏ bao, rồi ném cái nút chèn vào túi đựng rác riêng.
- Au, - tiếng Marena vang lên đâu đó, - mẹ kiếp.
Tôi thận trọng ngó ra milpa. Ana và Marena đang đánh nhau giữa bãi. Không họ đang tập hup kwon do (môn võ phát triển từ taekwondo) hay gì đó. Ana đang dạy cho Marena một miếng đá thấp rất hiểm. Không khác gì chương trình “Những đoạn phim bạo lực nhất nước Mỹ”- tôi nhận xét thầm.
- Bột ngô không? Michael hỏi.
Xin lỗi – tôi nghĩ.
- Xin lỗi? – tôi hỏi.
Lão ta chỉ vào một gói Arco mở sẵn. tôi nhòm vào. Eo ơi, sau có vài thập kỷ mà đồ ăn của Corn Maiden chán hẳn đi như thế này sao.
- Sao lại phải ăn cái này?- tôi thắc mắc.
- À, thỉnh thoảng tôi vẫn mời những người không quen đi bộ ăn món này. Họ thường phát cáu nếu phải ăn thịt hộp.
- Ồ, phải. nhưng không cảm ơn.
- Anh chỉ ăn cái món bơ ấy thôi à? - gã Commando hỏi tôi.
- Hở? - tôi nhìn xuống cái vỏ bánh. – à … ờ thì…
- Anh chỉ ăn bơ không thôi à?
- Ờ… có những thói quen khó bỏ lắm, - tôi đáp.
- Này, - hắn nói, - tôi cá là anh đoán được trong túi tôi còn bao nhiêu điếu thuốc lá đấy. Hắn vỗ vỗ vào bên ngực trái.
- Không tôi đoán làm sao được. Tôi có phải máy chiếu từ xa đâu.
- Chúng tôi vẫn còn hai gói bánh mì dẹt đậu xanh đấy. –Michael nói.
Tôi từ chối và hỏi xem latrina (nhà xí) được đặt ở đâu. Hắn chỉ về phía bắc cánh đồng. Tôi đứng dậy và đi ra đấy.
- Nhớ xóa dấu vết nhé, - Ana nhắc nhở qua tai nghe. Tôi gật đầu tỏ ý cảm ơn. Đồ không ra con chẳng ra thằng. Tôi cóc cần biết cô đã loại bỏ bao nhiêu kẻ đối địch cho Bill Carsey. Tôi mò mẫm tiến lên phía trước, hơi trượt chân một tí. Tôi đoán là Ana từng là một trong rất nhiều những nhân vật nữ từng phục vụ trong binh chủng lính thủy đánh bộ và muốn tham gia chiến đấu, và khi không được chính phủ Mỹ cho phép, họ rời quân ngũ và làm thuê cho các chính phủ khác dễ tính hơn hoặc cho tư nhân. Dù sao chắc chắn hai bên vai cô ta thường đeo quân hàm khá to. Mẹ nó chứ. Tôi không rút được tờ giấy chùi ra khỏi bao. Giá cứ ở yên trong túi ngủ có hơn không…
Tai tôi run lên bần bật.
- Khởi động hệ thống, - tôi ra lệnh.
Hệ thống được mở.
- Kozo đây, -Michael nói- có tin tốt, về xem nhé.
Tôi uể oải lết về, chui vào audiencia. Hitch và gã Commando đứng ngay sát cửa, loay hoay chắp nối các thiết bị âm thanh. Michael và Lisuarte ở phía cuối gian, cúi lom khom cạnh một màn hình máy tính.
- Chúng tôi nhận được tin báo từ văn phòng chính, - Michael thông báo. Tôi ngồi xuống. - Anh biết gì về các dấu hiệu chạm khắc trong gian điện của ahau không?
- Có, - tôi đáp. Tôi thuộc lòng chúng, mà tôi biết lão biết thừa chuyện ấy.
- Ừ, phải. Vậy thì, lễ tái đăng quang, nghi lễ đổi thủ phủk’atau ấy, được tổ chức vào một buổi sáng sớm của năm trị vì thứ hai mươi, phải không? Năm 664?
- Chính xác, tôi đáp. Khi ấy, chúng tôi sẽ tiến hành chuyển tín hiệu trong vòng hai mươi phút trước lúc mặt trời mọc, khi Chim Ruồi Có Nanh 9 ngồi trong gian điện, chờ đợi đến giây phút xuất hiện trước dân chúng tập trung trên quảng trường.
- Anh nhớ San Martín không?
- Có. - Tôi đáp.
- Max chào mọi người đấy, - tiếng Marena nói. Tôi không nhìn thấy cô ta bước vào. Chúng tôi cùng đáp “xin chào”. Cô ta nhắn thêm vài tin nữa, tắt máy và bỏ vào túi.
- Xin lỗi đã chen ngang, - Marena nói, - thế San Martín là cái gì thế?
- Một ngọn núi lửa trên bờ biển thuộc Veracruz (một bang của Mexico), - Michael đáp, - có một vụ phun trào xảy ra vào đúng khoảng ngày mà chúng ta quay về.
- Ồ, phải. Đúng rồi.
- Tôi đang nói với Jed rằng phương pháp dựa vào tuổi thọ của cây không giúp xác định được chính xác ngày đó. nhưng nhóm Connecticut Yankee vừa phát hiện được một thứ hết xảy. Nhòm cái này đi – Micheal quay màn hình về phía tôi, nó hiển thị dòng đầu tiên của bản scan từ một tài liệu gì đó về nghi lễ:
Tôi nhấn chuột vào chữ BẢN GỐC
kalendis aprilius[,] postridie quinque panum
multiplicationem [,] anno consecrationis
praesulis nostril wilfredi[,] anno domini
DCLXIV[,] indictione V…
Hừ, được rồi. Muốn là gì thì là. Tôi nhấn vào chữ DỊCH SANG TIẾNG ANH
[Biên niên sử về Thánh Columcille (Tu viện đảo Iona, Scottish Herbrides)]
Vào ngày đầu tiên của tháng tư, tức ngày kỳ diệu của năm ổ bánh (Theo kinh phúc âm, chúa Jesus đã ban phép lạ cho năm ổ bánh mì để phân phát cho 5000 người ăn no), vào năm đức giám mục Wilfred của chúng ta nhận sắc phong, tức năm Thiên chúa 664, vào dịp triệu tập định kỳ thứ năm, đơn thỉnh nguyện đã được trình lên Lãnh chúa Oswiu (Xứ Northumbria): Chúng tôi thỉnh cầu ngài gia hạn việc nộp hoa lợi thêm sáu mươi ngày(,) bởi Thiên chúa đã giáng trần, cảnh báo cho các con chiên của Người về tai họa của Trái đất và Phiên tòa Phân xử đang sắp đến gần (.) bằng chứng là (:) Thứ nhất (.) cách hôm nay bảy buổi sáng vào ngày Chúa nhật thứ ba sau Thứ tư lễ tro tức ngày 24 tháng 3 năm 664 Công nguyên), các tu sĩ mới nhập đạo kết thúc hành lễ vào giờ Thánh Martin (khoảng 7 giờ 15 phút sáng) đã phát hoảng vì một tiếng nổ lớn như tiếng sấm bão mùa hè (,) dù vòm trời vẫn xanh trong. Thứ hai: ngày hôm sau, trước nửa ngày (tức buổi trưa), mục sư Paulus (của đảo Iona) và một vài làng nhỏ khác trên bờ biển trong đất liền, (đi cùng với một vài) thầy tu hành khất (ý chỉ những người tị nạn), đã cuốc bộ một chặng dài đến thư viện của chúng tôi xin bố thí trong sự hoảng loạn và đau đớn (,) những tiếng rền rĩ duy nhất lặp đi lặp lại trong miệng họ là họ nghĩ họ bị đức Chúa của chúng ta bỏ rơi(,) vì trước giờ thánh Martin (khoảng 5 giờ sáng), một cơn sóng khủng khiếp như mình con thủy quái đã tràn xuống khắp bờ biển phía tây(,) tiếp đến là hai (đợt sóng) tương tự, rồi đến vô số (đợt sóng) khác ngày một dữ dội hơn(,) đến mức cầu cảng của cả hai thành phố cùng toàn bộ cầu đánh cá và tàu buôn cũng bị phá hủy(,) bốn thị dân tự do và mười chín đứa trẻ (ám chỉ nô lệ) bi chết chìm(,) vô số người đang và đã chết đói, và sự thương xót của Chúa dành cho họ…
- Chẳng phải cực kỳ sao? – Michael hỏi. - Như thế có nghĩa là chúng ta có thể xác định được thời điểm của vụ phun trào chính xác đến từng giờ.
- Ừ…, - tôi đáp.
- Tuyệt đấy, - Ana nói giọng không mấy tin tưởng. Cô ta cũng đã lại gần và đang đọc ghé qua vai tôi. Bên ngoài tấm vải dầu che cửa màu xanh, trời đang tối dần.
Có tiếng sấm ầm ì, khe khẽ.
- Phải mất bao lâu để những đợt sóng ấy vượt qua đại dương? – Marena hỏi.
- Ờ… Ireland cách Veracus khoảng … ờ … năm ngàn dặm, sóng biển di chuyển với tốc độ khoảng bốn trăm dặm một giờ, - tôi đáp, - phải không? Vậy nếu…
- Họ đã tính ra rồi, - Michael nói, - Đợt phun trào lớn nhất xảy ra vào … chờ tí. Nó xảy ra vào khoảng bốn giờ ba mươi phút sáng ngày 22 tháng 3. Giờ địa phương.
- Ra trò đấy, - tôi nhân xét.
- Phải, tuyệt quá, - Marena nói.
- Hơn nữa, - Michael nói tiếp, - Taro nói các cụ xưa không đoán được sự kiện này trước khi nó xảy ra. Các vị biết đấy, cờ Hiến tế không tác dụng mấy với hiện tượng thiên nhiên.
- Trừ khi người đếm mặt trời hiểu rõ các hiện tượng thiên nhiên, - tôi nói.
- Phải.
- Họ có nói họ chắc chắn là những người ở Ix cũng cảm nhận được trận động đất? – tôi hỏi
- Họ nói đó là trận động đất tám phẩy năm độ rich- te, - Michael đáp, - ở tận Panama cũng cảm nhận được ấy chứ.
- Phải.
- Hơn nữa, các vị biết đấy, hiện tượng nhật thực xảy ra sau đó chỉ vài tuần.
- Phải.
Ý lão ta muốn nói đến hiện tượng nhật thực xảy ra tại khu vực ấy vào ngày mà bây giờ chúng ta gọi là ngày mùng 1 tháng 5 năm 664 Công nguyên. Hiện tượng này cũng có thể quan sát thấy ở cả Châu âu, thậm chí là ở cả Bede. Dĩ nhiên, cũng có thể những người đếm mặt trời Maya có biết trước hiện tượng này. Thực ra, họ có thể tính toán được nó trong vòng một giờ. Nhưng ngày nay, chúng ta chỉ mất một giây nên tôi cũng có lợi thế hơn một chút.
- Dù sao, đó cũng là hai dự báo mà anh có thể dựa vào, - Michael nói.
- Rất xuất sắc, -tôi đáp.
Micheal đặt một màn hình máy tính lớn hơn xuống sàn, giữa chúng tôi.
- Anh sẵn sàng xem thành quả của chúng tôi rồi chứ? – lão ta hỏi với giọng làm như mình lọ mọ dậy sớm và làm việc trong khi những người khác ngủ khì. Tôi gật đầu. – Đây là tấm bản đồ dưới bề mặt của khu vực này, bản mới nhất đấy.
Trên màn hình xuất hiện hình ảnh ba chiều của thành phố Ix được tái hiện lại. Người ta thậm chí có thể nhìn thấy các lớp đất, đá và nước bên dưới các tòa nhà được viền màu xanh. Marena và Ana ngồi xuống. Không Đời Nào đứng xem.
- Ưu điểm của phần mềm này là anh có thể chọn xem các thành phần nhất định với tỷ trọng nhất định, - Michael nói, - như thế này chẳng hạn, nó sẽ cho anh xem chủ yếu là những gì làm từ đá.
Lão ta chọn và xóa tất cả những gì có tỷ trọng dưới 2,6g/ cm3 tức là dưới tỷ trọng của đá vôi. Hình ảnh còn lại nom giống một miếng bọt biển lỗ chỗ, bề mặt bị cắt bằng, bên trên rải rác các lâu đài và đền thờ đổ nát, bao quanh là đất đá và mảnh vụn. Tôi vốn đã nghĩ Michael hẳn cũng có tí gì đó khá khẩm hơn một tay làm chương trình truyền hình bình thường, nhưng lần này, tôi thật sự thấy ấn tượng.
- Rồi. Còn đây là hiện trạng của hệ thống hang hốc. Chúng tôi đã tái hiện lại bằng cách vẽ lại bản đồ của toàn không gian mở dưới lòng đất như một thể thống nhất. Lão ta xóa tất cả những thứ có tỷ trọng lớn hơn 1,25kg/m3 hoặc có nhiệt độ trên sáu mươi độ. Tất cả những gì còn lại là một cấu trúc bán trong suốt màu tía nom như một phiến đá cảnh bị đục lỗ chỗ. Lão ta cho nó quay chậm rãi.
- Tất cả được xử lý chỉ trong hai tiếng đồng hồ vừa rồi sao? – tôi hỏi.
- Vâng, thưa sếp, - lão ta đáp, - Nó đẹp đấy chứ, nhỉ?
Tôi đáp phải. Nó khá đẹp nhưng theo một lối ngớ ngẩn. Vào những năm chín mươi, tức là thời sóng ra đa nhìn xuyên mặt đất mới được phát minh, người ta phải vác theo mình chiếc chảo to bằng khoảng cái lốp xe đi khắp nơi, nhưng thời nay chỉ cần một chiếc ăng-ten nhỏ đặt trên đỉnh Gò A, thế là đủ để chúng tôi thấy được toàn cảnh dưới mặt đất trong vòng bán kính gần hai dặm, dù chỉ dưới dạng thô cứng như hình ảnh trong mắt loài dơi. Nó tạo ra loại sóng định vị giống như vòng tròn tạo ra khi dùng gậy khoắng xuống nước.
- Có vẻ như vào b’ak’tun thứ mười, các hang động rộng hơn bây giờ, - Michael nói. – Rất nhiều trong số đó mới sập gần đây thôi. Xét theo địa chất học thì chỉ trong vài trăm năm trở lại đây. Bây giờ, chúng ta sẽ đi xa hơn về phía tây, dưới dãy núi. Thấy gì không? Đó là một chuỗi hang động bên dưới. Hình như những cái hang thấp hơn vẫn đang hoạt động, nghĩa là chúng vẫn ẩm ướt và đang hình thành.
- Thực ra là tôi vừa vào xem qua mấy cái hang ấy, - tôi nói.
- Ồ, hay đấy, - lão ta nói. – chúng ta xem xét tỉ mỉ hơn nhé. Lão ta chiếu gần vào và di chuyển một thanh công cụ trên màn hình có dòng chữ “máy quét đường hầm âm học”. nó quét chậm lại và chiếu sâu vào trong lớp đá. Ta kiểm tra thử thành phần can-xi xem sao.
Lão ta đánh vào mấy chữa vào MÔ – ĐUN PHÂN TÍCH XƯƠNG. Phần mềm bắt đầu phân tích hình ảnh dựa trên sự khác nhau giữa lượng can-xi trung bình trong đá vôi (thành phần chủ yếu là can-xi các-bon-nát, can-xi chiếm khoảng 40%) vàhydroxylapatite (can-xi chiếm khoảng 33%). Trong xương có khoảng 70% hydroxylapatite,còn trong men răng thì chiếm tới 97%. Mô- đun loại dần các chất được xác định là đá vôi, hình ảnh mờ dần đi và cuối cùng chỉ còn lại đám gì đó nhìn như những bọc trứng ếch, trồi lên rải rác khắp các hang động, và tạo thành từng mảng lớn ở những chỗ gần mặt đất hơn.
- Đa phần những thứ này là xác động vật, - Michael giải thích,- Nhưng một vài trong số đó chắc chắn đã được chôn cất. Đặc biệt là dưới các gò lớn hoặc những hang đá chạy qua dưới các khu tàn tích đổ nát. Và có ba kẻ vô danh này đây… nhìn này. – Lão ta tô đậm ba hình thù có hình dạng gần như vuông vắn nằm dưới gò A, chếch về phía tây. – Chúng rất giàu chất xương. Và từ kích thước nhìn nghiêng mà chúng tôi thấy được dưới độ sâu này, cái này không phải động vật. Nhìn nó có vẻ như gồm bốn mươi cá thể khác nhau. Thực tế, cứ theo số liệu mà suy đoán, thì nó giống như một hầm mộ của người La Mã.
- Ái dà, - tôi nói.
- Vì vậy, tôi nghĩ cầu thang bên trong có thể được dùng để dẫn xuống những nơi này. Chúng là một phần của hang động mà họ đã đào rộng thêm ra, và rồi, đến một lúc nào đó, sau thời điểm những bộ xương kia được đưa vào, chúng bị sập. Dĩ nhiên, chúng ta có thể đoán được niên đại khá chính xác mà không cần đào bới.
- Phải.
- Nhưng điểm quan trọng nhất mà tôi muốn nói ở đây là: tôi gần như chắc chắn chúng là hầm mộ hoàng gia. Vì thế, chúng tôi hy vọng anh có thể xuống dưới một trong ba chỗ đó. Ý tôi là nên thế, anh biết đấy. Đó là nơi chúng ta có thể tìm… anh biết đấy…
- Cái xác của tôi, - tôi tiếp lời.
- Chí phải
24
Một trận mưa trút xuống bên ngoài, lộp độp như tiếng những ngón tay trơ xương uể oải gõ lên tấm vải dầu màu xanh. Tôi lần ra góc chứa đồ và ngồi xuống một chiếc lều bơm hơi giữa đống thiết bị. Ở góc làm việc, những người khác đang cố làm mình bận rộn với những việc bảo dưỡng lặt vặt. Hơi ra vẻ ta đây quá đấy, tôi nghĩ, gã Commando đeo một đôi tai nghe hiệu Marantz cổ lỗ, ướt sũng nước, tay vặn mấy cái núm trên chiếc máy thu sóng radio lớn với điệu bộ chậm chạm, lén lút, lờ đờ chuyển hết từ tần sóng này đến tần sóng khác, từ sóng địa phương cho đến sóng radio, UHF, VHF, vân vân, để nghe đủ thứ chuyện ngồi lê mách lẻo. Tôi dựa lưng vào khung một cái máy ép. Độ ẩm lên tới 90% nhưng nhờ mặt đá mát lạnh nên cũng không đến nỗi khó chịu lắm, chỉ như đang từ từ và vui vẻ biến thành một con ếch thôi. Trên khoảng tường phía trên đầu tôi có một khối đá hình chữ T được xếp đặt một cách lạ mắt, cách đòn chia chỗ mái vòng chừng mộtfoot, và tôi không thể dừng mắt nhìn nó.
Không Đời Nào khẽ khàng đi tới và ngồi phịch xuống cạnh tôi. Người ướt đẫm. Cậu ta không nói gì.
- Thế nào rồi? Cậu thấy gì ngoài ấy không? – tôi hỏi.
- Có ít nhất năm nhân viên của ES ở mạn tây, - Không Đời Nào đáp. Cậu ta lôi ra một bao ba số không đầu lọc, - Mạn đông thì tớ không chắc lắm. Nhưng hình như tay trưởng làng (cậu ta dùng từ alcalde, thực ra có nghĩa là người đứng đầu làng, nhưng không chính thức) cũng được ăn lương thì phải. Hắn ra lệnh cho mọi người không được lại gần bất cứ khu vực nào quanh đây.
- Như vậy là dù sao họ cũng biết mình đang làm gì, – tôi nhận xét. Cậu ta lẩm bẩm ý nói “chắc thế” và châm điếu thuốc bằng cái bật lửa Zippo cũ. Tôi cảm thấy ánh mắt của Ana nhìn trừng trừng vào cậu ta từ phía bên kia phòng, như sắp nói : “thưa ngài, ở đây cấm hút thuốc”, nhưng lạ sao, mụ ấy không gọi cậu ta ra để nhắc nhở.
- Tớ thực sự muốn là thế với cái thằng lông lá ấy, - tôi nói. Ý tôi là muốn lên kế hoạch nghiêm túc tấn công García-Torres, tên sĩ quan rậm râu đã chỉ huy binh lính khi cha mẹ tôi bị giết hại.
Không Đời Nào phà khói ra và nhìn đăm đăm lên trần nhà, nghĩa là cậu ta chắc chắn người của ES đang nghe lén và có thể đang ghi lại mọi việc chúng tôi làm, với đầy đủ âm thanh, hình ảnh sống động, và có khi có cả thông số sinh hóa cũng nên. Khói thuốc bốc lên và đọng lại trên thanh đòn chia mái vòm, giống như sương mù trên kênh rạch.
- Tớ chẳng quan tâm, - tôi nói.- Tớ thực sự cần làm việc đó.
- Nếu cậu vẫn hăng máu với chuyện ấy thì sao không cột BNA vào người và đến thẳng nhà hắn đi? – Không Đời Nào hỏi. Cậu ta nói BNA là ám chỉ bom nhiệt áp.
- Bởi vì, cậu biết đấy, tớ muốn chắc chắn thành công. Vả lại, bây giờ tớ thành một thằng giàu có hèn nhát rồi. Đã đến lúc bỏ ra ít tiền ra để giải quyết việc này.
- Tớ sẽ xem xem có cách nào không.
- Cách gì thì cách, tớ muốn hắn phải thật đau đớn, - tôi nói. Tôi đã quyết định rằng García - Torres phải biết trước rằng hắn sắp chết. Nếu bị nổ tung hay bị bắn thì hắn thậm chí chẳng nhận ra chuyện đó. Thế thì còn ý nghĩa gì nữa?
- Ta sẽ làm việc đó vào lúc nào thích hợp, - Không Đời Nào nói.
- Nghiêm túc nhé, cậu nghĩ vụ nay sẽ tốn bao nhiêu tiền.
- Năm đô la.
- Phải rồi.
- Và, không tớ sẽ không làm việc ấy đâu, - cậu ta hít một hơi dài, đốt trụi hơn nửa điếu thuốc và dụi mẩu còn lại vào cạnh một bình cứu hỏa cầm tay.
- Tớ không muốn cậu làm việc ấy, - tôi nói, - Tớ nuốn cậu an toàn để giúp tớ việc sau nữa
Và tớ chỉ hy vọng thế giới tồn tại thêm chín tháng nữa thôi, - tôi nghĩ, chỉ thế thôi là đủ cho đòn trả thù ghê gớm. Còn sau đó, ai quan tâm làm gì nữa?
Ai đó thắp đèn ở đầu bên kia phòng. Tôi nhận ra mưa đã tạnh và trời đang tối sầm xuống. Không Đời Nào ngả người ra sau và nhắm mắt lại. Theo tôi nhớ thì đó là thói quen của cậu ta. Tôi đứng dậy và đi ra chỗ đặt máy tính. Màn hình cho biết còn 5 giờ 49 phút nữa tôi sẽ bị “phóng đi” mình phải tập một lượt mới được, - tôi nghĩ.
Marena lại gần tôi.
- Ta đi dạo một lát đi, - cô đề nghị
Tôi đáp “hay quá”, Ana bật máy và thì thào vào tai Marena, chắc là nhắc cô ta đừng để tôi chạy mất. Tôi quay ra phía cửa. Tôi đoán Marena đáp rằng “tôi sẽ để mắt đến hắn”.
Tôi đẩy tấm vải dầu và bước ra ngoài. Marena theo sau. Bám sát tôi ít nhất là sáu bước chân nhé, - tôi nghĩ. Cứ như là tôi không có máy định vị gắn trên tai ấy. Cứ như là tôi sắp chuồn mất ấy. Ôi thôi, mày không trách họ được. Mày là món đầu tư lớn nhất của họ từ trước đến giờ mà. Hàng triệu, hàng triệu đô la đã được xùy ra chỉ để chạy một luồng điện qua vỏ não trước của mày thôi đấy.
Marena đi trước tôi, men theo một lối đi của hươu nai xuống bờ sông. Tôi đang định lôi chiếc đèn pha từ túi đồ cứu hộ của ES ra thì nhận thấy trời còn đủ sáng để nhìn đường. Lối mòn chạy giữa những cây ixnich‘i’zotz thân mảnh và cong queo, có thể dẫm lên rễ của chúng mà đi rất dễ dàng. Thật tình cờ,ixnich‘i’zotz có nghĩa là palo de colmiilos de murciélago theo tiếng Tây Ban Nha tức là “ gỗ nanh dơi”,chúng được gọi như vậy bởi quả của chúng có hai cái gai chìa ra như cặp răng nanh, và thành phố cổ - gọi tắt là Ix – được đặt theo tên của loài cây này. Cây bụi ướt đẫm dưới gót ủng chống rắn cắn của tôi. ES đã để sẵn một chiếc thuyền lật úp tại khúc quanh trên bờ sông, nơi được che chắn dưới những tán cây. Tôi ngồi lên đó. Trời chưa tối hẳn nhưng mặt nước đã đen thẫm lại. Ở quãng này, sông chỉ rộng chừng mười yard nên không có vẻ gì đáng sợ. Bản đồng ca của lũ côn trùng bắt đầu ran lên, nhưng tôi vẫn thấy thiêu thiếu thứ gì đó.
Marena ngồi xuống cạnh tôi nhưng không quay vào đối diện. Khác với mọi khi, tôi gần như không để ý.
- Anh vẫn ổn chứ? – cô ta hỏi
- Tôi không sao, cảm ơn, - tôi đáp, nhưng giọng lại có vẻ hơi xa cách và lạnh nhạt. Cô ta đặt tay lên vai tôi chừng nửa giây
- Anh đang tỏ thái độ rõ quá đấy.
- À, thường thì tôi ít tỏ thái độ gì.
- Anh thử bơi ở đây chưa?
- Chưa.
- Tôi bơi sáng nay. Tuyệt lắm. Với lại Michael đảm bảo ở đây không có cá sấu. Không có cả cọp nữa.
- Cũng phải thôi, - tôi đáp, - cá cọp sống ở một lục địa khác hẳn cơ mà .
- May quá .
Cô ta mặc một chiếc quần soóc và áo bó ngực, đang uốn éo người để cởi chúng ra. Ối chao ơi. Bình tĩnh nào.
- Xin lỗi, tôi không định làm anh khó chịu đâu.
- Ồ không đâu – tôi đáp, cố không tỏ ra lóng ngóng nhưng cũng không quay đi vì như thế ngớ ngẩn chẳng kém, - tôi lúc nào chẳng khó chịu.
- Có lẽ chỉ là anh không nghĩ ra chuyện gì đó thôi,- Cô ta đứng trên một chân và tụt chiếc quần lót bé xíu ra. Thân hình cô ta gợi cảm kiểu đàn bà Á Đông, thấp bé, hơi mũm mĩm, và các đường cong đều tròn trặn, lại có vẻ hững hờ đài các như …ôi, thôi nào, nghiêm túc đi chúng ta toàn người lớn cả rồi. Mặc dù thực ra cóc phải.
- Đời tôi chưa bao giờ nghĩ ra được chuyện gì, - tôi đáp. Quá muộn để quay đi mà lộ liễu nên tôi đành lén đút tay vào túi trước quần để lén chặn “của quý” của mình khỏi dụng đứng lên, nhưng cô ta đã bắt gặp động tác đó
- Anh đừng ngượng, rất nhiều người dựng đứng lên như thế khi thấy tôi ở trần. – Hai núm vú cô ta hồng tươi và khêu gợi dưới ánh sáng lờ mờ hệt như hai viên kẹo sô-cô-la La Maison du Chocolat.
- Tôi chắc là thế…ý tôi là…điều đó tự nhi…ê…n thôi…
Marena nhón chân lội ra mép nước và lặng lẽ trườn xuống. Tôi nhân cơ hội để chấn chỉnh lại cơ thể mình. Cái thứ của đàn ông nay thật rắc rắc rối. Sau hai trăm triệu năm kể từ khi chúng ta tách khỏi động vật chân đốt, chỉ còn sót lại một cơ cứng lên vì nước trong cơ thể con người, chính xác là trong cơ thể một nửa số con người. Đoán xem nó là cái gì. Cái con châu chấu tự động này chỉ chực nhảy lên, đàn bà là động vật có vú, còn đàn ông là côn trùng. Đầu và vai cô ta nhô lên khỏi mặt nước.
- Ái dà, thật sảng khoái, - cô ta nói
- Quanh đây thứ đáng sợ nhất cô cần đề phòng chỉ là những con rùa to thôi, chúng có thể cắn, - tôi nói. - Ngoài ra cũng cần để ý cả đỉa nữa.
- Toàn thứ vớ vẩn. Tôi thách anh dám xuống đấy.
- Ờ…
- Ồ, khoan, chúng ta phải nhắc đến vấn đề quấy rối tình dục trước đã. Thực ra anh là nhà thầu bên ngoài và chính xác thì tôi không phải người thuê anh.
- Ờ, không sao, cô đừng lo về chuyện ấy…
- Ngay cả như vậy, anh cũng có thể khiến tôi bị đuổi việc. Nói thế không có nghĩa là chuyện ấy có gì quan trọng. Thực ra nếu tôi còn đủ bình tĩnh để lo những chuyện như thế thì đã tốt…
- Không sao cô không cần nghĩ lại chuyện đó đâu, - tôi nói.
Hừm, tôi phân vân, chuyện này liệu có dẫn đến cái gì thực sự hay ho không nhỉ. Mình nghĩ về cô ta hàng tuần nay, thế mà bây giờ lại bối rối…
- Tốt thôi, nào xuống đây, nước… nó tối mà
- Tối, sâu, và đáng yêu chứ?
- Phải, như tôi vậy, nào, đừng có kém tắm thế.
- Ờ…tôi mặc nguyên quần áo thế này xuống có được không? – nói chuyện với một cái đầu chẳng thấy người đâu trong bóng tối như thế này thật kỳ cục.
- Không anh phải để trần, như linh hồn mình ấy.
- Thế nếu Gulang thò mặt đến và giết tôi thì sao?
- Ý anh nói Grgur á?
- Phải, xin lỗi. Có phải nó giống như…à…Trog hay Grout, hay những cái tên gì đó từ thời tiền sử không?
- Đó là Gregory gọi theo tiếng Croatia.
- Ồ, dễ thương quá.
- Anh ta không đến đâu.
- Ờ…
- Thôi nào, đừng có ngần ngừ nữa, kẻo tôi không nghĩ đến anh nữa đâu.
Tôi nói thôi được. Tôi giật đôi ủng ra khỏi chân một cách khó nhọc, lần mò cởi đống quần áo ra, còn tai nghe thì để lại. Tôi lội xuống nước, tưởng tượng như mình sắp dẫm lên những cái sọ còn chưa róc hết thịt. Nước lạnh cóng, như thường thấy ở những con sông vùng nhiệt đới. Đáy sông đầy sỏi. Tôi chưa kịp nhận ra Marena đang đứng gần thì cô đã đặt một tay lên đầu tôi và dìm nó xuống nước. Tôi chỉ phải uống có một ngụm và kịp hoàn hồn trước khi trồi lên.
- Đầu anh sờ vào lạ thật,- cô ta nhận xét,- như một con lợn đồ chơi ấy.
- Ừ,- Tôi cảm thấy những phần cơ thể mềm mại cọ vào người tôi dưới ước
- Jed này,- Cô ta nói,- tôi muốn anh, nhưng ngay bây giờ, tôi quá mệt mỏi để âu yếm, vuốt ve hay làm những trò tương tự. Như thế có được không?
- Ừ…được mà – Ôi, cha mẹ ơi, tôi nghĩ. Cha mẹ ơi, cha mẹ ơi,cha mẹ ơi…
- Thật chứ? Anh sẵn sàng chứ?
- Ừ, - tôi đáp. Thật lố bịch là tôi lại thấy nôn nao cả người. chờ đã, bệnh truyền nhiễm thì sao? – Tôi thoáng nghĩ. Tất nhiên cô ta đã đọc y bạ của tôi. Và tôi cũng không muốn tỏ ra vô ơn trước đề nghị hào phóng ấy. Tôi chắc cô ta khỏe mạnh thôi. Phải không? Cô ta có một đứa con, vì chúa, thế có nghĩa là cô ta khỏe mạnh.Chắc thế. Ngoài ra, tôi cũng hơi lo ngại có kẻ nào đó rình nghe trộm, nhưng chắc Marena cũng đã tính trước rằng chúng tôi đang ở ngoài mọi tầm thiết bị tọc mạch mà Ana có thể cài đặt.
- Đừng tự ép mình nhé.
- Không đâu,- Tôi đáp,- ý tôi là, như thế này thật tuyệt, rất lãng mạn…
- Chỉ rừng rậm thế này thôi cũng đủ lãng mạn rồi,- Cô ta đu lên người tôi. Cô ta vốn đã không nặng lắm, và ở dưới nước thế này thì chỉ bằng đứa trẻ lên mười. Sao chuyện này lại xảy ra vào đúng lúc này nhỉ, tôi phân vân. Để khích lệ tôi? Làm tôi phấn khởi lên à? Một kiểu giải tỏa căng thẳng bằng tình dục trước khi bắt tay vào công việc nặng nề chăng? Giúp tôi thư giãn và sảng khoái trước khi lên đường? Vì tôi có thể sẽ chết? Thôi nào, đừng có vô ơn thế…
- Anh đừng lo, không phải bữa cơm cuối cùng đâu, - cô ta lại đoán được ý nghĩ của tôi.
- Hở? ồ, không sao, có là bữa cuối cũng không sao, ý tôi là, tôi sẽ chén…
- Không phải đâu mà. Anh thật dễ thương, chẳng qua gần đây tôi hơi bẳn tính thôi. Chuyện làm mẹ ấy mà.
- Ừ, - tôi đáp
- Nào, lại đây,- Cô ta lặn xuống, ngoi lên, lắc lắc đầu như một con cún và leo lên bờ. Tôi lên theo. Những đường nét cơ thể vẫn hiện lên lờ mờ trong bóng tối. Cô ta đứng trên một dải bùn khô ngăn giữa mép nước và đám lau sậy, xoắn mớ tóc lại và vắt cho khô
- À, anh thử cái này xem,- Cô ta nói,- tôi đang thử nghiệm lần hai những thứ này.
Cô ta quỳ xuống, lục lọi trong túi chiếc quần soóc, kéo khóa một thứ gì đó. Hóa ra là một loại bao cao su kiểu mới, chỉ bao phủ phần đầu dương vật.
- Anh xỏ vào đi.
- Cuối cùng tôi cũng xoay xở xỏ được nó vào. Có thứ gì dinh dính bên trong và cảm giác hơi kỳ cục, nhưng còn hơn chán những cái bao cổ lỗ nặng nề.
- Được rồi, - cô ta nói, - nhưng chỉ vào đằng trước thôi nhé.Tôi biết như thế nhàm chán, nhưng bây giờ tôi không có sức.
- Không sao, như thế là được lắm rồi,- tôi đáp. - Chờ đã, tôi chỉ…ờ…tôi đang trấn tĩnh…
- Nhanh nào, tôi chỉ đếm đến hai thôi đấy. Một…một rưỡi…- Cô ta ôm choàng lấy cổ tôi, trườn lên sát mặt, quấn chân quanh người tôi và đưa cái mà chúng ta đã nhất trí đặt tên ở trên ấy, vào ờ…yoni của cô ta. Hay nên gọi là hang dơi? Hay con gà mái? Hay cái điếm? Gì thì gì, chúng ta cũng đã đến đích.
- Oa, - tôi rên lên.
- Phải, thế nào? Anh thấy chặt không?
- Có, thật đấy,- tôi đáp. Tôi cảm giác như đang cố chui vào một cái váy không cổ cỡ nhỏ nhất.
- Tôi vừa phẫu thuật chỉnh hình âm đạo năm ngoái.
- Tôi tưởng cô nói cô đẻ mổ cơ mà.
- Ừ, nhưng anh biết đấy, phụ nữ hiện đại mà, thỉnh thoảng lại đi thu nhỏ một lần, như đi tẩy trắng răng vậy thôi.
- Hay đó, cái đó…ờ… rất…
- Anh thấy không, vết sẹo khi sinh Max đấy. – Cô ấy cầm tay tôi sờ vào…cứ gọi là đường bikini đi. Tôi chẳng cảm thấy gì ngoài một làn da không mỡ, nhưng rồi cũng phát hiện ra một đường lằn cong dài, mảnh như một vệt men tráng trên chiếc ’73 Plymouth của tôi , đó là nơi thằng bé đã chui ra năm 2004.
- Họ làm khéo đấy chứ phải không?
- Ờ, phải, ngày nay sinh con dễ như…ờ… làm móng tay ấy nhỉ.
- Chắc thế.
Tôi không thể đứng lâu thêm được nữa, bèn quỳ xuống và đặt cái lưng cong cong của cô ta xuống mặt bùn.
- Đồ quỷ, - Cô ta nói. “Đồ quỷ cái”, tôi đã định đốp lại nhưng lại thôi, thay vì thế, tôi hôn cô ta. Cô ta cũng hôn lại từng hơi ngắn. Mặt cô ta có vị ngọt đăng đắng như thuốc xịt chống chấy rận cho chó mèo, quện với mồ hôi nữa, thành một mùi đàn bà rất đặc trưng.
- Anh đùa ấy à, thời buổi này còn ai làm kiểu úp sấp ấy nữa, - cô ta nói.
- Vậy thì chờ chút…
- Không, rất tuyệt mà. Rất cổ điển. đúng kiểu của anh.
- Ừm… ừ… ừ.
Nghe có vẻ hơi ngu xuẩn. tôi thì muốn tỏ ra lửng khửng, hững hờ với chuyện này, còn cô ta thì muốn thấy tôi phát cuồng lên, dĩ nhiên. Cô ta uốn cong cơ mông giữa khỏe như dân leo núi của mình lên và chẳng hiểu sao, tôi hình dung ra mình đang bị hút vào một cái khoang rửa xe, nằm trên băng chuyền vải và các loại bàn chải cọ xà phòng đang cọ xát khắp người tôi.
- Tôi sẽ lo cái anh chàng đứng trên xuồng đó, - cô ta nói,- còn anh cứ dập xuống như cái máy hút dầu là được. Thế nhé?
- Cô giàu trí tưởng tượng nhỉ.
- Giàu trí tưởng tượng và lẳng lơ nữa.
Tôi làm theo lời chỉ bảo. Cô ta nắn lại tư thế của tôi sao cho chúng tôi cùng tập trung vào một điểm, là cái đỉnh cao nhất của vùng tam giác. Cô ta rên lên một tiếng mở màn. Ái dà, tiếng rên rỉ bản năng. Thứ tôi thích nhất.
- Tuyệt quá, cứ giữ nguyên thế nhé, - cô ta nói. Chúng tôi bắt đầu hòa vào nhau khá nhịp nhàng. Tôi nghĩ tốc độ thường không được coi là cái đích mà tình dục thời buổi này muốn đạt tới, nhưng đôi khi thứ đem lại nhiều khoái cảm nhất lại là tiến cho nhanh đến cái đích cuối cùng, nhất là khi lo âu và sợ hãi đã chồng chất ngày một nặng trong người tôi từ mấy tuần nay. Thực ra - chắc tôi quên chưa nhắc tới chuyện này - suốt những ngày này, tôi gần như lúc nào cũng hoảng hốt, răng lợi thường xuyên trong tình trạng gần như lập cập. Vì thế, thay vì một cuộc vui vẻ, thứ chúng tôi đang làm đây, về phần tôi, chỉ là một đống mệt mỏi dồn nén lâu ngày được xả ra trong chốc lát. “Thế nhé, nào!” cô ta nói, “Rrrrrsh! Đồ quỷ!”. Trong đầu tôi thoáng hiện lên hình ảnh Hinderberg trên bìa đĩa nhạc Led Zeppelin và tôi nghe thấy một tiếng rít:
nghnghnghnghnghbbbbBWOMP!!! zhwoooohzhngzhzhng..
Mẹ kiếp. Hừ, đó là một cơn cực khoái.
Oái, cô ta cắn tai tôi. Tôi kêu lên:
- A… u…
- Xin lỗi.
Chú nhỏ đã rời khỏi tòa nhà.
Cô ta đẩy vào ngực tôi, khỏe ghê gớm, lăn tôi xuống dưới - hay rồi, bây giờ thì cả hai cùng dính bùn – và nhấc mình khỏi người tôi như một mụ y tá độc đoán kéo xoạt miếng băng ego vậy.
Thế đấy, tôi bị vật ra, bị chà, bị sát, bị cọ, bị hong khô, bị tẩy lông, bị đánh bóng, bị kéo ra giữa đám đông và bán hạ giá bốn mươi phần trăm thế đấy.
- Ôi chao, - cô ta nói,- tôi nghĩ tôi vừa lên đỉnh.
- Ừ,.. phải, tôi cũng cảm thấy thế, - tôi đáp,
Có cái thứ ấy ở trên đời thật à? – tôi nghĩ bụng.
- Ừ… cái đó…, - tôi kéo dài giọng và bỏ lửng. Cái sọ bị thăm dò quá kỹ lưỡng của tôi có cảm giác như nó vừa được tiêm một mũi mười cc dopamine. – Xin lỗi, - cuối cùng tôi đành nói,- tôi- tôi không biết lói…à, nói gì.
- Không sao, lần nữa nhé, được không?
- Hở?
- Tôi có cái này, chúng ta sẽ khiến anh vào cuộc lại chỉ sau hai phút thôi.
- Ừ, cũng được.
- Đưa nó cho tôi.
Cô ta kéo cái đầu bao cao su lên và xoắn lại, tạo thành một quả bong nhỏ đựng đầy… nên gọi là gì nhỉ?sữa à? Mật hoa à? Hay bột ngọc trai? Cái ấy của tôi cứ căng dài ra mãi, cho đến khi cái miếng cao su dính chặt ấy bật ra khỏi da.
- Ui da, - tôi kêu lên.
- Tốt rồi, - cô ta nói, - Oái.
Cô ta dùng cánh tay dẻo lạnh lùng của mình đập bốp ra sau lưng: - Mẹ kiếp, - Bầy muỗi đã bắt đầu tìm thấy chúng tôi.
- Cô làm thế nào mà lấy được chỗ keo ra thế. – tôi hỏi, - có…
- Khoan đã, - cô ta nói.
Tôi nhận ra tai nghe của chúng tôi đang kêu bíp bíp.
- Toàn đội chú ý, Keelorenz đây, - đó là giọng của Ana. – có tình huống xấu đột xuất liên quan đến quân đội. Dừng mọi việc gây tiếng ồn và trả lời.
Gã Commando, Michael, Lisuarte, Grgur và Hitch trả lời có mặt. Ngừng một lát, tiếng của Không Đời Nào xuất hiện một cách miễn cưỡng.
- Shigeru, có mặt, - cậu ta đáp.
- Bật hệ thống, - tôi nói. – Pen-Pen, có mặt.
- Asuka, có mặt, - Marena nói, - xin nói ngắn gọn thôi.
- Chúng đi bộ, khoảng mười đến mười lăm đơn vị. Quy mô tuần tra. Hành quân ngang qua, cách chúng ta một quãng, nhưng tôi vẫn muốn đẩy nhanh tiến độ lên ba tiếng đồng hồ, để nếu chúng vô tình đi qua đây, chúng ta sẽ vẫn còn thì giờ thực hiện bước một. Tất cả quay về căn cứ. Rõ chưa?
- Rõ, - Marena nói, - Xin chờ hai phút. Tắt hệ thống.
- Ta về thôi.
25
- Tôi xin gửi lời cảm ơn đến Viện hàn lâm, - Marena nói, mắt nhìn xuống cầu thang, hướng vào đám đông thính giả tưởng tượng của mình, - Cũng xin cảm ơn Stevens, James, Francis, Marty và đặc biệt là các đồng nghiệp. Những người được tin tưởng, - Cô ta giơ tay lên cao, làm điệu bộ của kẻ “sinh ra để chiến thắng”, - Ta là người cai trị thế giới!
- Cô đứng đấy, nhỡ có người nhìn hoặc nghe thấy thì sao, - Lisuarte nhắc.
- Xin lỗi, - Marena nói. Cô ta leo xuống.
Lisuarte, Hitch, Michael và tôi, cùng vài đống hòm xiềng, máy biến thế, máy thu tín hiệu, màn hình máy tính, máy quay, tất cả nằm ngồi ngổn ngang dưới đầu cầu thang trong kim tự tháp Mèo Rừng, sau lưng là cánh cửa dẫn vào căn điện của ahau. Chúng tôi quay mặt về phía đông nam, hướng ra một thung lũng bồi tích nông, đường kính chừng hai dặm. Từ đây có thể nom thấy con sông vạch thành một đường trắng ngoằn nghoèo, bị cắt khúc bởi các thân cây, và bên kia bờ là hình dáng của vài ngọn đồi ở gần, trước đây là các núi mul. Xa hơn nữa, những ngọn đồi tự nhiên quây thành hình vòng tròn, vươn cao đến tận đỉnh ngọn San Enero đầy khe nứt.
Chắc tôi đã kể với các bạn rằng mul của dòng họ Mèo Rừng là kim tự tháp cao nhất ở vùng này của Guatemala .Theo khảo sát của Morley, nó vốn rất nguy nga, rộng gần bằng Kim tự tháp của thần mặt trăng Teotihuacán. Nhưng những cây bồ kết ba gai đã mọc khắp các kẽ đá, đất dưới thung lũng bồi cao lên khắp xung quanh, và nóc của ngôi đền - đáng ra phải nằm cao hơn đầu chúng tôi ba mươi feet - cũng đã bị dỡ mất, vì thế, trông nó chẳng còn dáng vẻ gì của một công trình từng một thời uy nghi
Những người đếm mặt trời trong làng từng mang nhựa cô-pan và sô-cô-la lên đun ở đây, những đống giấy kẹo và mảnh gốm vỡ kêu lạo xạo dưới chân chúng tôi.
- Tôi sẽ ở trong kia, - Marena nói. Cô ta bước qua ô cửa nhỏ phía sau chúng tôi.
- Nào, Jed, trước tiên chúng tôi muốn anh tự xác định vị trí của mình, - Lisuarte nói, - bằng mắt.
- Được, - tôi đáp, Mặt trăng sắp tròn vẫn chưa lên cao và còn vàng vọt. Con thỏ vấy máu – là con thỏ mà người Maya nhìn thấy trên mặt trăng với hai cái tai tương ứng với vị trí của hai vùng tối - đang ngồi trong hang, tức là mặt trăng đang có quầng và thế có nghĩa là trời sắp mưa. Nhưng nó chiếu đủ sáng để tôi thi hành mệnh lệnh của Lisuarte. Tôi quan sát xung quanh trong vòng một phút.
- Tôi nghĩ tôi đã nhớ mình đang ở đâu rồi, - tôi nói.
- Tốt, chúng ta vào thôi, - Lisuarte nói.
Tôi vào trước. Ô cửa hình thang chỉ vừa đủ lớn cho một người nhỏ con chui qua mà không phải bò bằng tay. Những tảng đá cổ xưa bốc lên một thứ mùi âm u, hay đúng hơn, tôi phải nói rằng cái mùi đá ấy đã lơ lửng ở đây từ rất lâu rồi. Marena đang gõ máy tính. Khuôn mặt cô ta, một bên thì xanh bởi ánh sáng hắt ra từ màn hình máy tính, một bên thì đỏ bởi ánh đèn máy tính lờ mờ mà Hitch dùng để quay phim ở những nơi thiếu ánh sáng. Căn phòng dài chừng chín feet, rộng năm feet với một cái trần rộng cao chừng năm feet. Ba trong số bốn bức tường chính được chạm khắc chữ, nhưng đến quá một nửa không còn đọc được nữa. Michael nói khi ông ta đến đây lần đầu năm 1994, chúng vẫn còn khá rõ, nhưng nước mưa axit đã thấm vào và gây bệnh ung thư cho lớp đá vôi. Trên bức tường phía sau có một cái đại loại như cái hốc tường mà theo Michael, nó từng là lối dẫn vào một cầu thang bên trong nhưng ngày nay đã bị vụn đất đá lấp kín. Với ba người chúng tôi cùng một đống hòm xiểng, dây rợ và cái “Toa-lét” - tức là cái vòng chụp não, nặng chừng một trăm chín mươi pound, treo trên một sợi cáp nối với các móc trên trần – căn phòng chật ních nhưng cũng không đến nỗi không chịu được. May mà không còn đủ chỗ cho Michael, tôi nghĩ. Và phúc tổ là Gegur không ở đây. Nghĩ đến đây, tôi mới nhớ ra rằng không hề thấy hắn ở quanh đây. Chắc Marena đã hiểu ra là hắn làm tôi thấy rùng mình. Cũng có thể hắn, gã Commando và Không Đời Nào đang chuẩn bị ra ngoài để theo dõi toán lính tuần tra hay cỏi khỉ gì đó đang hành quân.
Lisuarte túm lấy đầu tôi bằng bàn tay đeo găng nhựa, đặt tôi nằm tựa vào cái ghế dựa bơm hơi, lèn gối xuống dưới gáy để tôi có thể nhìn thấy bầu trời qua ô cửa. Tôi nhận thấy Hitch đã treo một chiếc máy quay nhỏ vào cái móc trên trần nhà, ngay phía trên cửa. Bà ta nối các điện cực và máy đo nhịp thở, kẹp thiết bị đo lượng ô-xi trong máu vào ngón đeo nhẫn bên tay trái tôi, luồn cái máy đo huyết áp vào tay kia, tiêm cho tôi vài liều thuốc trong lúc tôi giương mắt nhìn những hình chạm khắc phía trên ô cửa. Một vài hình được khắc từ đầu thế kỉ thứ 6, nhưng chữ đầu tiên mà chúng tôi đặc biệt quan tâm là chữ nằm ngay phía bên phải. Nó ghi ngày Rắn đất 11, Chim cút 5, 9.10.11.9.17, tức là ngày 15 tháng 6 năm 644 Công nguyên. Ngày tháng đó được nối tiếp bằng một cụm từ mà Michael diễn giải là công bố sự kiện Thằn Lằn Sương Mù 14, vị ahau đời trước, bác của Chim Ruồi Có Nanh 9, băng hà. Tiếp đến, hơi xa tầm mắt tôi một chút, là một khối ký tự đề ngày tháng sau đó một unial, vào ngày mùng 5 tháng 7. Nó đánh dấu ngày Chim Ruồi Có Nanh 9 bắt đầu cai trị, hay nói cách khác là đăng quang hoặc kế vị, ở tuổi hai mươi tư, với tư cách là tộc trưởng Thị tộc Mèo Rừng và ahau của thành Ix. Hình chạm khắc thứ ba mà chúng tôi quan tâm nằm trên bức tường phía sau, chỗ mà từ đây tôi không thể nhìn thấy. Nó được khắc một k’atun – khoảng hai mươi năm – sau đó, vào ngày Rắn đất 3, ếch mưa 5, đánh dấu lần cai trị thứ hai, hay lễ tái đăng quang của Chim Ruồi Có Nanh 9, với tư cách là K’alom’te Ixob và Ahau Pop Ixob, tức là Chiến Binh Đứng Đầu Thành Ix và Chúa Tể của Những Nguồn Nước Màu Mỡ. Trong k’atun trị vì đầu tiên, ông ta đã lãnh đạo cuộc chiến mở rộng đế chế lớn thứ hai trong lịch sử thành Ix. Ông ta đã chinh phục được hai thành trì được biết đến với cái tên là Ixtutz và Sakajut, và bắt giữ một trong hai số hai ahau làm tù binh. Và hiển nhiên, ông ta đã duy trì được quyền lực của mình. Trước lễ đăng quang thứ hai, ông ta đã thưc hiện lễ vọng trong căn phòng này, có lẽ trong ít nhất hai ngày liền, trước khi xuất hiện trong ánh bình minh của ngày thứ hai mươi - ngày xuân phân - để hiện diện trước dân chúng. Và đó chính là thời điểm chúng tôi nhắm tới. Trên bức tường phía sau còn hai khối chạm khắc nữa. Nhưng chúng bị hư hại nhiều đến mức không thể phục dựng lại được, trừ phần ghi ngày tháng. Ngày thứ nhất là ngày Rắn biển 13, Vàng 9, 9.11.12.5.1, tức là ngày thứ Bảy, 19 tháng 11 năm 664 Công nguyên. Và ngày thứ hai là ngày Cuồng phong 8, Cú 10 gì đó, có thể là ngày 13 tháng 5 năm 692. Phần duy nhất còn đọc được của khối chạm khắc cuối cùng là từ Det hay Dệt gì đó, nhưng không rõ đó là tên người hay động từ.
- Ikari, xin cho chúng tôi biết tình hình trong ấy, - Ana nói.
- Các bộ phận thiết yếu của Jed đều ổn, - Lisuarte đáp. Tôi đoán thế có nghĩa là các bộ phận không thiết yếu của tôi không ổn. - Chúng tôi sẵn sáng rồi.
- Xong, chúng tôi đang ghi hình, - Hitch thông báo.
- Tốt rồi, đội 1, lên đường đi, - Ana ra lệnh. Chắc cô ta và gã Commando đang ở đâu đó gần chân kim tự tháp, nằm trong bùn và trát sơn rằn ri lên mặt.
- Chúng ta “lăn vào” thôi nào, - đó là giọng của Michael.
Lăn vào à. Xin mời. Vì Chúa, ông tự lăn vào đi. Mọi chuyện hình như đang được làm tỉ mỉ quá mức cần thiết thì phải. Dĩ nhiên chỉ là quan điểm của riêng tôi thôi. Đây dù sao cũng chẳng phải sự kiện chính. Và chúng tôi cũng không cần phải thực hiện nó ở đúng chỗ này. Đáng ra có thể thực hiện ngay ở Stake và như thế giản tiện hơn rất nhiều. Song đằng nào rồi chúng tôi cũng phải đến đây… vì sau khi đưa tôi từ quá khứ trở về, chúng tôi sẽ bắt tay vào khai quật các hầm mộ. Thực ra, chúng tôi đến đây là để đào bới. Song, cũng như trong cuộc thử nghiệm lần trước với bà xơ, người ta đặt tôi ở đúng chỗ cần quay về là để hạn chế tối đa sự nhầm lẫn có thể có của tôi ở đầu bên kia.
Nhầm lẫn à, - tôi nghĩ. Mong sao sai lầm lớn nhất tôi mắc phải chỉ là nhầm lẫn.
- Anh cảm thấy thế nào? – Marena hỏi tôi.
- Pen-Pen sẵn sàng rồi, - tôi đáp. Và sợ khiếp vía lên nữa.
- Ổn chưa, Michael? – Cô ta hỏi tiếp.
Đừng làm thế.
- Ngon rồi, - Michael đáp qua điên đàm với cái giọng dẫn chương trình truyền hình của lão. – Na.. à..o, bây giờ chính xác là không giờ hai phút sáng, và chúng ta sẽ quay nhanh trong vòng ba tiếng mười tám phút. Vì thế, tất cả mọi nhười, hãy tập trung vào phận sự của mình.
Cállate el pico (ngậm cái mồm lại đi - tiếng Tây Ban Nha ),tôi nghĩ bụng, câm đi, c…â…m đi, c…a…â…m đi.
Ấy, khoan đã nào, Jed. Tỏ ra tử tế một chút đi. Nên nhớ là ông ta đã sáu mươi tuổi, ông ta làm việc chăm chỉ, có khi ông ta đang vã hết mồ hôi nữa…
- Chúng ta sẽ ngắm đến ngày 20 tháng 3 năm 664 Công nguyên, - Weiner tiếp tục, - cũng vào đúng giờ này trong ngày, tại đúng căn điện của ahau này, vào một thời khắc cách đây một nghìn ba trăm bốn mươi bẩy năm, mười một tháng, hai mươi tám ngày, hai mươi hai giờ không phút.
Tuyệt lắm, tôi lại nghĩ bụng, bây giờ thì CÂM…ĐI..MẸ…KIẾP…IM MỒM ĐI…
- Xong rồi chứ? – Marena hỏi lão ta.
- Bắt đầu thôi, - lão ta đáp, - nhớ giữ…
- Được rồi, tôi cắt các kênh liên lạc đây, - Marena đáp. Tai nghe của tôi tắt phụt. Cuối cùng cũng thoát. Cám ơn giời phật.
- Xong, - Lisuarte nói, - chúng ta có khoảng bốn mươi phút để kiểm tra hệ thống, sau đó sẽ bắt đầu hỏi đáp.
- Được, - tôi đáp.
Lisuarte toài người ra khỏi ô cửa để theo dõi dung lượng tải xuống trên màn hình lớn. Hoặc cũng có thể Marena bằng cách nào đấy đã khiến bà ta hiểu rằng chúng tôi có chuyện riêng cần nói.
Marena cúi xuống và hôn tôi.
- Xin chào, - tôi nói.
- Anh thấy sao rồi? – cô ta hỏi.
- Ổn thôi. À không, phải là không gì có thể ngăn được anh.
- Ác thật.
- Phải.
- À, này, anh biết là phải đề phòng các bệnh do ký sinh trùng đấy chứ? - cô ta hỏi. - Phải cố làm sao chỉ uống nước đã đun sôi, hoặc chí ít là nước mát và sạch nhé.
- Ừ, anh biết rồi, - Tôi đã nhẩm đi nhẩm lại điều này có đến cả trăm lần rồi.
- Họ cũng có một loại nước chiết từ vỏ cây liễu thay cho thuốc ký ninh phải không? Họ có cả thuốc xua chấy rận nữa. À,nhớ ăn nhiều chất đạm hơn những người khác nhé. Có thể ăn xương gà tuý cũng được.
- Cám ơn mẹ.
- À , họ còn có cả nước vỏ thông để bổ sung vitamin C nữa đấy, anh phải cố uống nhiều thứ ấy vào.
- Anh cũng chỉ hi vọng sức khoẻ là chuyện quan trọng nhất phải lo.
- Ừ.
- Biết đâu họ sẽ nghĩ anh là phù thuỷ và dùng anh làm mồi nuôi cá cũng nên.
- Ờ, nhưng biết đâu họ lại tử tế thì sao. Những người Mayacòn sống đến bây giờ là những người tử tế nhất trần đời, phải vậy không?
- Phải, cảm ơn em.
Phải rồi, chúng tôi tử tế quá mà, - tôi nghĩ bụng, cho nên các người mới lợi dụng chúng tôi suốt năm trăm năm qua. Chúng tôi luôn, thế nào nhỉ, “mời anh vào nhà”, “mời anh nếm thử móntamale”, “mời anh ngủ với chị gái tôi”…
- Dù có chuyện gì xảy ra, anh cũng sẽ không ẩu đả chứ?
- Anh sẽ ngoan.
- Và đừng gây chuyện gì nghiêm trong nhé. Đừng cố thay đổi mọi việc. Không được tìm cách thống trị cả lục địa hay những chuyện tương tự đấy nhé.
- Ừ, chuyện đó đã bao giờ xảy ra đâu, - tôi đáp, - theo những gì chúng ta biết, không ai thống trị lục địa này vào thời ấy.
- Ừ, phải rồi. Thực ra, em vẫn không hiểu được cái đó.Nabokov ấy.
- Novikov chứ.
Ý cô ta muốn nói đến nguyên lý nhất quán tự thân Novikov.
- À, ừ.
- À, nó chỉ có nghĩa là anh không được làm bất cứ điều gì gây mâu thuẫn với những gì chúng ta đã biết về quá khứ.
- Vâng, cái đó thì đúng rồi, nhưng điều mà em không hiểu là, anh biết đấy, nếu anh đã làm những gì anh làm ở quá khứ, thì sao chúng ta không đào những cái hang kia ngay bây giờ và bỏ qua việc đưa anh về quá khứ?
- Nếu vậy thì anh lại chưa làm. Không Đời Nào cũng hỏi anh chuyện này, và…
- Đó chính là điểm em không hiểu. Em cứ cảm thấy chúng ta… anh biết đấy… vẫn còn vấn đề nghịch lý ông nội.
- À, nó cũng giống như… ừmm. Nó cũng giống như… đối với chúng ta, ví dụ như anh và em đây, quá khứ chỉ là những ghi chép lịch sử thôi. Phải vậy không? Vì thế, anh có thể quay trở về, làm rất nhiều việc, miễn sao những việc đó không thay đổi những gì mà hiện nay chúng ta biết về lịch sử. Và may thay, chúng ta chẳng biết gì mấy về thành phố này, và thực ra là cả khu vực này.Cho nên, em thấy đấy, những việc anh được phép làm không bị hạn chế ghê gớm lắm.
- Cứ cho là thế. Nhưng, nếu chẳng hạn như anh quay về quá khứ và sáng chế ra thuốc súng. Điều đó sẽ làm thay đổi lịch sử.
- Không, không… anh có thể làm thế, nhưng nếu anh làm thế,điều đó cũng không có nghĩa là thuốc súng sẽ quay trở về quá khứ.Đúng hơn là không đủ nhiều để chúng ta nhận biết được. Có thể nếu anh làm vậy, người ta sẽ sử dụng nó trong một thời gian, và rồi quên đi và những gì người ta biết về nó cũng thất truyền mất. Điều đó có thể xảy ra. Và biết đâu, ngày mai, em sẽ tìm thấy vài cái bình đựng thuốc súng một nghìn hai trăm tuổi ở quanh đây.Điều đó rất có thể xảy ra đấy.
- Em không biết nữa… cái đó vẫn không… ờ…
- Sẽ dễ hiểu hơn nếu em tìm hiểu vấn đề này thông qua các phương trình, - tôi nói. - Giải thích bằng tiếng Anh… em biết đấy… chẳng khác gì gấp một con bọ sừng origami bằng một mẩu giấy nhắn bé tẹo.
- Vâng, được rồi, vậy là em phải làm thêm bài tập.
- Anh thì không lo chuyện ấy.
- Em không lo. Em chỉ hơi căng thẳng thôi.
- Cảm ơn em.
- Vâng, thì anh là bạn em mà.
- Có lẽ anh không nên nói điều này, nhưng anh cảm thấy một chút cảm tình.
- Ờ… ta nói chuyện này sau nhé.
- Ừ, - Cô ta đeo cái mặt nạ lạnh lùng với mình đây, - tôi nghĩ bụng.
Như tôi đã nói, gần đây tôi liên tục trong tâm trạng hoảng hốt, đầu tiên là vụ Kinh hoàng ở Disney World – dĩ nhiên, như tất cả mọi người khác - rồi đến vụ ngày Chúa tể 4. Rồi vừa hay qua khỏi cơn sợ ấy thì lại đến lúc lo lắng về những rắc rối có thể gặp phải ở Maya cổ xưa. Hệt như có một tảng băng trong dạ dày hàng tháng nay, cứ tan mãi mà chẳng thấy tan hết. Tuy thế, vài tuần trở lại đây, tôi đã cố lấy lại bộ mặt tươi tỉnh để vượt qua những chuyện này. Tôi đã muốn trở thành Jed 2, tức là tôi ở đầu bên kia của thời gian. Nhưng ngay lúc này đây, tôi lại bắt đầu muốn là thằng tôi được ở lại đây, ở lại thế kỷ hai mốt này, ngay cả khi tương lai chẳng còn kéo dài thêm được mấy ngày. Tất cả chỉ vì Marena. Mặc dù thực ra… thôi đi nào, Jed, mày đang nằm mơ đấy. Cái gì khiến mày nghĩ cô ta mê mày đến thế? Cô ta chỉ là kẻ được giao nhiệm vụ giám sát mày thôi. Cứ để chuyện gì xảy ra,hay không xảy ra, cũng mặc. Được chứ? Được rồi.
Lisuarte đã chui lại qua cánh cửa.
- Mọi việc có vẻ ổn, - bà ta nói.
- Tốt quá, - tôi đáp.
Bình tĩnh nhé, Jed.
- Bắt đầu nào, - Bà ta và Marena hạ cái “ Toa-lét” xuống đống gối chèn sau đầu tôi. - Ngửa người ra một chút nữa đi.Ngẩng lên. Tốt rồi. - Bà ta đưa đầu tôi vào cái vòng và cố định nó bằng mấy ngón tay cứng đơ như bột ma-tít của mình, - Như thế này có thoải mái không?
- Thế này ổn rồi, - tôi đáp. Thoải mái như cái chăn nhét trong bình ấy. Thoải với chả mái…
- Được rồi. Chúng ta bắt đầu thôi. Anh nghĩ mình tập trung được chứ?
- Dĩ nhiên.
- Tốt rồi, - Marena nói. Tôi đã yêu cầu để cô ta tiếp tục đảm nhận phần hỏi đáp và mọi người nhất trí. Cô ta ngừng lại một lát và lắng nghe qua tai nghe. - Taro chào anh đấy.
Ông ta vào nhóm dự án Giao thức chuyển đổi ý thức đang ngồi ở Stake để đọc cho Marena những câu cần hỏi và đánh giá các chỉ số phản ứng của tôi.
Tôi đáp xin chào.
- Được rồi, bây giờ là giờ T kém hai mươi giây, bắt đầu ghi thôi, - Lisuarte nói. Bà ta nhấn điện thoại, tiếng o o khe khẽ nổi lên khi các nam châm quanh đầu tôi bắt đầu tăng tốc tối đa. Tôi tập trung nhìn lên bầu trời sao qua ô cửa nhỏ xíu. Có thể thấy sao chổi Ixchel chỉ là một vệt xanh lơ nhạt nhoà cắt ngang chòm sao Ma Kết.
- Tất cả đều chạy tốt, - Lisuarte thông báo.
- Nào, Jed, - Marena nói, - Câu hỏi đầu tiên nhé. Giai thừa của chín là bao nhiêu?
- Ờ… chờ chút. 362.880.
- Hôm nay là ngày bao nhiêu?
- 21 tháng 3 năm 2012, - tôi đáp. Thật rối rắm khi chúng tôi gọi ngày hôm nay là ngày Thứ sáu kỳ coặc, trong khi hôm nay cóc phải thứ sáu. - Tức là ngày Cóc đất 1, Trứng đen 12, thuộc…
- Tốt rồi. Hôm nay có những tin tức gì?
- À… có một dự án lớn, các nạn nhân hấp hối ở Forida sẽ thực hiện các cảnh quay vĩnh biệt đẻ đưa vào bảo tàng. Trong số đó có khoảng mười tám ngàn trẻ em, - ấy chết, - tôi nghĩ, - cô ta cũng có con mà. Đừng có nhắc đến trẻ con chết. Mặc dù Max không sao cả, nhưng cũng không nên. Những chuyện ấy dễ gây lo lắng. Sáng nay tôi đã xem vài đoạn phim (chắc là do cái cảm giác trách nhiệm ngu xuẩn) và chúng vẫn còn ám ảnh đầu óc tôi. Những cảnh ấy có thể làm đau lòng cả Joe Stalin chư đừng nói gì tôi. Tôi bèn lảng sang chuyện khác.
- Nước Mỹ… à… đang sa vào cái gọi là chế độ độc tài kiểu Trung Quốc. Trạm kiểm soat được đặt ở mọi ngóc ngách. Và hôm qua, Dự luật Thiết lập Tự do đã được thông qua nhằm thâu tóm về trung ương quyền điều khiển các lực lượng vũ trang của cơ quan hành pháp, - Marena không nói gì nên tôi cứ tiếp tục kể lể, - Nguyên nhân sâu xa của động thái này là vì các lực lượng khác nhau trong quân đội đang bắn lẫn nhau, gây ra thương vong lớn gấp năm lần chính vụ tấn công vừa qua, vì thế… và thực chất dự luật nay bỏ lệnh đình quyền giam giữ nên người ta đang tính chuyện chạy sang Thụy Điển. Và danh sách các nạn nhân cần máu vẫn còn rất dài nên ở Tampa và Miami, hầu như đêm nào cũng xảy ra các vụ náo loạn để cướp máu. Khu vực bị phong toả trước đây giờ đã chính thức trở thành khu tưởng niệm quốc gia, cho nên nó hiện là qarafa lớn nhất thế giới.
- Nó là cái gì cơ?
- Nó có nghĩa là “thành phố chết”. Một thành phố của những người chết. Bị xoá sổ và là nơi cấm kỵ vĩnh viễn.
- Được rồi. Abuja là thủ đô của nước nào?
- Hở? À, ở... Nigeria?
- Hãy đánh vần từ kaleidoscope. (Nghĩa là kính vạn hoa)
- K, A, L, - tôi đánh vần , - ở… I, D, O, S, C, O, P, E.
Thay vì cho tôi biết tôi đánh vần đúng hay sai – mà thực ra đúng hay sai cũng chẳng có gì quan trọng – cô ta dừng lại và nghe chỉ thị của ai đó ở Stake.
- Họ nói mọi việc có thể tiến triển tốt, - cô ta thông báo. Rõ ràng là từng ý nghĩ nhỏ nhất của tôi đều đáp ứng tốt yêu cầu. Và bây giờ họ đang vạch đường cho nó đi xuyên qua nghìn triệu triệu đơn vị planck của không thời gian với tốc độ một phần tỉ giây mộtfoot. Nhưng dĩ nhiên, tôi không hề có cảm giác gì về cuộc hành trình đó, cũng như người ta không có cảm giác gì khi gọi điện thoại, khi tiếng nói của họ được truyền ra ngoài khoảng không, đi qua hai vệ tinh và đến đích ở nửa kia của trái đất.
- Bây giờ chúng ta sẽ ôn lại một lượt danh sách những việc anh cần làm, - Marena nói.
- Được, - Họ muốn danh sách này là thứ cuối cùng tôi quên, ngay cả khi những khối u trong đầu phát triển sớm. À, tôi quên chưa nhắc đến chuyện này nhỉ. việc truyền thông tin về quá khứ có một phản ứng phụ không mong muốn: Bộ não của Chim Ruồi Có Nanh 9 có khả năng phải hấp thụ quá nhiều bức xạ gamma, dẫn đến hình thành các khối u ác tính trong vòng một năm. Chúng tôi tính toán rằng tôi cần khoảng tám tháng ở quá khứ để học cờ Hiến tế và thu thập thông tin gửi về thế kỷ 21. Sau đó…
- Bắt đầu nhé, - Marena nói. - Số mười ba là gì?
26
- Trước tiên phải nhập gia tùy tục, - tôi đáp.
- Đúng rồi.
Điều đó có nghĩa rằng việc quan trọng nhất khi tôi ở trong cơ thể của Chim Ruồi Có Nanh 9 là không được hoảng hốt – ngay cả khi rối trí hoặc mất phương hướng – và phải giữ nguyên những thói quen trong hoạt động, cử chỉ và tất cả các phản xạ tự nhiên khác của ông ta. Như thế là đủ để tôi vượt qua được phần còn lại của nghi lễ tái đăng quang. Sau đó, khi đã quay về phòng tắm, phòng ngủ, hay hậu cung gì đó, tôi sẽ có thời gian để phục hồi và trấn tĩnh.
- Mười hai?
- Nếu cần thiết, hãy báo trước cho họ ngày tai họa để tự đánh bóng mình.
Nghĩa là nếu tôi gặp chuyện không may, hoặc có điều gì đó xảy ra không như dự tính và tôi cảm thấy có nguy hiểm, tôi sẽ đọc bài diễn thuyết mà Michael và tôi đã soạn ra, trong đó tiên đoán vụ phun trào của núi lửa San Martín, xảy ra mười sáu tiếng sau lễ đăng quang. Bài diễn thuyết nhấn mạnh với các thính giả của tôi rằng họ đang trong cơn nguy khốn khủng khiếp và tôi là người duy nhất có thể cứu họ khỏi bóng tối một khi nó ập đến. Đoạn văn viết bằng tiếng Ch’olan khá tươm và chúng tôi rất hãnh diện về nó.
- Mười một?
- Hòa nhập với tay chân của mình và cuộc sống đơn giản của họ, - tôi đáp.
Câu này có ẩn ý rằng điều đầu tiên tôi cần làm sau khi kết thúc các nghi lễ và quay trở lại công việc hằng ngày là ra lệnh cho những người xung quanh, là hòa nhập với quần thần của mình. “Anh sẽ giống như một tay trùm mafia ấy”, Michael bảo tôi, “điều khiển mọi việc thông qua vài người thân tín. Vì thế, ngay cả khi không biết chuyện gì đang diễn ra hay không biết phải nói gì, anh vẫn nên cố ăn ý với họ để tìm hiểu và học cách xử sự”. Chúng tôi đã tập dượt không biết bao nhiêu lần những câu đại loại như: “Nói ta hay người nghĩ gì việc này?” hay “Nếu không có ta ở đây, ngươi sẽ thay mặt ta giải quyết việc này như thế nào?” (nếu họ hỏi ý kiến tôi về việc gì đó).
- Mười?
- Học cờ Hiến tế với chín viên đá và chơi thử một ván trọn vẹn.
Tức là, tôi phải học cách người ta làm thế nào để chơi trò chơi với chín quân cờ, sau đó tự mình chơi thử nếu có thể, để tái hiện lại ván chơi được ghi lại trong cuốn Thư tịch Nurnberg. Nếu làm được điều đó, tôi có thể tìm hiểu ngay được chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày 21 tháng 12 năm 2012, và họ - nhóm Chocula – sẽ không cần dựng lại trò chơi để dự đoán nữa mà chỉ cần làm theo các ghi chép của tôi để lại thôi.
Tuy nhiên, tôi thấy điều này hơi tham vọng quá. Michael và những người khác tin rằng cờ Hiến tế khá thông dụng vào thời đó, cho dù nó là bí quyết của tầng lớp thượng lưu, cũng như chữ viết vậy, tôi thì tự tin là mình có thể học thêm nhiều điều về trò chơi. Nhưng tôi không chắc mình có thể chơi được với chất xám của một kẻ khác.
Khi được giao nhiệm vụ này, tôi cứ ngỡ là nhờ tôi qua các bài kiểm tra. Nhưng về sau, Taro cho tôi biết họ chọn tôi là vì khả năng thiên tài về lịch học. Theo lời Taro, phòng thí nghiệm nghiên cứu Giao thức chuyển đổi ý thức cho rằng khả năng đó có thể được chuyển sang bộ não của vật chủ và cho tôi lợi thế lớn để học trò chơi với chín viên đá trong một thời gian ngắn. May cho họ là mình xuất hiện, - tôi nghĩ. Về cơ bản, họ cho rằng ý thức của tôi có thể hoạt động trên mọi vật liệu nó được đưa vào. Giả sử bộ não của vật chủ chỉ thông minh ở mức tầm tầm thôi, nó cũng sẽ nhận được từ tôi đủ cấu trúc não bộ để suy nghĩ. Nghĩa là, nó cũng có khả năng chơi cờ Hiến tế, có trí nhớ trên mức trung bình, thậm chí biết cả những mánh khóe riêng của tôi. “Và nếu gã ấy té ra là một thằng đần thì anh cũng chỉ cảm thấy hơi mụ mị một chút thôi”, Lisuarte từng bảo tôi vậy, “nhưng anh vẫn có thể đưa ra quyết định đúng đắn, vì rốt cuộc anh vẫn là anh, với thói quen suy nghĩ của riêng anh”. Tôi thấy hình như bà ta đang cố tỏ ra tự tin hơn thực tế. Song, từ những bằng chứng chúng tôi có trong tay, Chim Ruồi Có Nanh 9 xem ra không phải kẻ đần độn. Và có vẻ cứng cổ nữa. Hừ, ông ta chắc sẽ được mẻ kinh ngạc đây. Rồi phải chết nữa. Thật đáng thương.
- Chín?
- Viết lại tất cả những gì mình biết và rằng mình còn bình yên.
- Tám?
- Tìm một địa điểm thích hợp, khô ráo để chôn các ghi chép.
Sau khi nghiên cứu, tôi đã lưu được trong đầu một tấm bản đồ khá chi tiết của Alta Verapaz và của toàn bộ khu vựcMesoamerica ở mức kém chi tiết hơn. Chúng tôi đã điểm ra trên bản đồ tám mươi hai vị trí khô ráo, có thể đào bới được và chưa hề có bất cứ hoạt động xây dựng, khai thác mỏ, khai quật khảo cổ hay thậm chí thâm canh nào kể từ thời tiền thực dân cho đến nay. Nếu chôn các mẩu giấy ghi chép được bọc kỹ trong sáp ong, muối và mủ cao su, tôi có thể chắc chắn rằng không gì có thể “làm phiền” chúng trong vòng một nghìn ba trăm năm.
- Bảy?
- Để lại một dấu hiệu hình chữ thập bằng quặng sắt từ sao cho có thể quan sát thấy từ trên cao.
Tôi sẽ chôn các mẩu giấy của mình ở trung tâm một hình chữ thập tưởng tượng có bề rộng khoảng năm trăm feet. Mỗi đầu mút của chữ thập là sẽ được đánh dấu bằng một đống quặng sắt từ hoặc hợp kim sắt-niken – tức là đá nam châm – có khối lượng tối thiều hai mươi pound, tất cả cùng được bọc sáp ong. Vài tiếng sau - ở năm 2012 này, ngay sau khi hoàn thành việc chuyển ký ức của tôi về quá khứ - ba vệ tinh ánh xạ dữ liệu Spartacus sẽ tác khỏi quỹ đạo thông thường và quét tìm. Để đảm bảo chắc chắn, chúng sẽ tìm khắp cả khu vực từ Monterrey thuộc Mexico chạy suốt tớiManagua. (Managua: Thủ đô Nicaragua) Khi một trong ba vệ tinh phát hiện được dấu hiệu hình chữ thập được đánh dấu bằng quặng sắt từ, một chiếc trực thăng của ES sẽ cất cánh, chở một đoàn chuyên gia khai quật đến đào những mẫu giấy lên và đem về cho nhóm của Michael ở Stake. Nếu mọi việc êm xuôi, họ sẽ được nhìn thấy chúng trong chưa đầy hai mươi tư giờ tới.
- Sáu?
- Xây một ngôi hầm mộ bằng một tấn gạch.
Đến đây là bắt đầu phần hai của kế hoạch, có tên là Hầm mộ Hổ phách. Trong trường hợp những mẩu giấy không ghi lại được hết – tức là cờ Hiến tế quá khó và không thể mô tả hết được – thì chúng tôi vẫn còn một cơ hội khác, mặc dù sẽ tốn công hơn. Đó là lý do vì sao chúng tôi chuẩn bị đầy đủ những thiết bị này ở đây. Nếu may mắn, bộ não của tôi sẽ tồn tại được đến thời điểm này và được bảo quản cẩn thận. Và để bảo vệ nó, tôi cần phải tìm một hầm mộ có thể xây bít lại từ bên trong để ngăn không cho kẻ thù của ahau, hay những tên trộm hầm mộ, hay bất cứ kẻ nào khác lọt vào. Thế cho nên mới có đoạn “một tấn gạch”.
- Năm?
- Tìm tám thành phẩn của chất keo để được hồi sinh.
Tôi sẽ bảo quản bộ não của mình, và tiện thể toàn bộ cơ thể mình (hoặc nói một các khác là cơ thể và bộ não của Chim Ruồi Có Nanh 9 nhưng trí óc thì là của tôi) bằng một chất keo tự pha chế nhanh. Chất này đã được Alcor (Alcor: một công ty phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu các phương pháp bảo quản cơ thể người )nghiên cứu từ vài thập kỷ nay để thay thế cho phương pháp bảo quản lạnh, nhưng mới chỉ bắt đầu cho kết quả khả quan vài năm trở lại đây. Ở Stake, chúng tôi đã bắt đầu xem một số đoạn băng quay cảnh thí nghiệm quy trình trên khỉ. Và phải nói là chúng cũng ổn, một khi đã quen với cơ thể mới.
Nói tóm lại, phòng thí nghiệm Warren đã giản lược công thức thành những dụng cụ và thành phần công nghệ thấp – hèm… cứ nói thật là chẳng có công nghệ gì – mà tôi có thể tự kiếm. Chúng tôi còn đặt ra câu vè cho dễ nhớ, một bài ngắn điểm tên các thành phần – gồm có: nhựa đường, sáp ong, cồn, nhựa cô-pan và một vài chất khác – và một bài nữa dài hơi về quy trình tinh luyện và pha trộn. Tôi đoán tí nữa họ sẽ bắt tôi đọc lại một lượt. Trong mấy ngày cuối cùng ở Stake, tôi đã bốn lần thử pha chế chất keo đó từ các đồ vật tạp nham và chỉ cho ra được một mẻ thành công. Nhưng tôi đã nắm vững cách pha chế. Không có vấn đề gì.
- Bốn?
- Bố trí các túi cát đối trọng để bịt chặt cửa.
- Ba?
- Niêm phong các mẩu ghi chép, bố trí các túi cát đối trọng để đậy quan tài và nhớ đi tè.
Tức là, để đề phòng bất trắc, tôi sẽ để lại một bản sao của tất cả các mẩu ghi chép về cờ Hiến tế trong hầm mộ. Các túi cát đối trọng sẽ đẩy phiến đá nắp mộ trượt dần xuống, đậy kín quan tài. Còn bước cuối cùng được đưa ra bởi chúng tôi không muốn trong cơ thể còn bất cứ chất lỏng nào khác ngoài máu có thể gây nhiểm bẩn chất keo.
- Hai?
- Đun nóng chất keo, ẩy mạnh vào các túi cát và xua hết đầy tớ ra ngoài.
- Một?
- Mở hai ven và thế là gần xong.
Tôi không phấn khởi lắm với phần này.
- Không?
- Nhúng mình vào keo và tỉnh dậy như một người hùng.
Cả phần này nữa, tôi cũng không lấy gì làm thích thú. Tôi sẽ phải dùng các túi cát để ghìm mình xuống, trong đó có nguyên một túi buộc vào đầu, ngả lưng xuống vũng keo nóng, để đầu chìm xuống, thở ra, đếm ngược từ mười về không và hít vào.
- Tốt, - Marena nói. – Nào, chúng ta tiếp tục nhé. Hãy kể tên ba bộ phim của Fellini. (Fellini: Một đại diện người Ý)
- Ờ… Satyricon, Con đường và Roma – không, gạch cái cuối cùng đi, tôi thích phim Tám một phần hai hơn…
- Hãy đọc ngược dãy số sau: 9049345332
- 2334539409
- Rất tốt.
- Alex, tôi trả mười ngàn cho bộ sưu tập tiền Zambia này.
- Này, tôi đang hỏi đáp cơ mà.
- Xin lỗi.
- Nếu tô mỗi mặt của một hình tứ diện bằng màu xanh và màu đỏ, anh sẽ tạo ra được bao nhiêu cách kết hợp màu khác nhau?
- Ờ…năm.
- Anh có thể kể đôi điều về mẹ anh không?
Bố khỉ, - tôi nghĩ. Tôi biết xảy ra tình huống kiểu thế này mà. Lisuarte từng nói rằng khi họ xem xét các chỉ số của lần thử nghiệm trước – tức là lần thử với bà xơ Soledad ấy – họ đã quyết định phải khiến tôi bộc lộ nhiều cảm xúc hơn ở lần sau, để có thể quan sát rõ thêm vài lớp trong hồi hải mã. Hừ, sao cũng được. Tôi bắt đầu kể chuyển mẹ tôi đã dạy tôi cờ Hiến tế như thế nào, chúng tôi đã gặp rắc rối vì đất đai ra sao, và không biết do tác dụng của thuốc hay do tâm trạng mà tôi thấy mình cứ luyên thuyên kể miết sang chuyện tôi nằm bệnh viện, chuyện tôi nghe tin vụ bắt giữ ở làng T’ozal, chuyện tôi cảm thấy có lỗi về tất cả mọi việc. Todo por mi culpa. Tất cả là lỗi của tôi, của tôi. Thật khốn khổ. Khốn khổ.
- Los Sorreanos están un grande calamidad (Nhà Sorrenano sẽ khốn đốn to), - tôi đã kể như vậy với xơ Elena. Tôi nhớ lúc đó là vào buổi sáng, vì họ vừa đưa tôi một mẩu bánh mì nướng bằng bột trắng.
- Diciendo debido a Teniente Xac? (ý cháu là vì trung úy Xac ư?) – xơ Elena hỏi, với vẻ điềm dạm muôn thủa.
Dĩ nhiên, hòi đó tôi mới hơn bảy tuổi, còn hăng tiết và chưa hiểu được nhiều chuyện. Tôi nghĩ lúc đó tôi đã quên là không được nói ra… hoặc có thể tôi quá tức giận, hoặc muốn được chú ý, hoặc muốn làm ra vẻ nghiêm trọng.
- Mi padre y Tio Xac van a quemarse la casa Sorreano(Cha cháu và chú Xac sẽ đốt trụi nhà Sorrenao), - tôi đáp.
Khốn khổ. Khốn khổ. Khốn khổ. Tất cả đều là lỗi của tôi. Tôi đăm đăm nhìn qua ô cửa, quan sát ngôi nhà Homam, hay còn có tên khác là Zeta Pegasi, vừa xuất hiện trong một quầng sáng nhỏ cháy rực như ánh sáng trước lúc rạng đông ở khoảng thấp phía bên tay trái. Ngôi sao này không sáng như có màu vàng đẹp mắt, nằm ở một vị trí khá tách biệt giữa sao Formalhaut (Formalhaut: Một trong những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời, thuộc chòm sao Nam Ngư) và sao Chức Nữ. Tôi chợt nhận thấy mình đã ngừng nói. Im lặng.
- Tốt rồi, - Marena nói với giọng nhẹ nhàng hơn lúc thường khoảng hai đề-xi-ben. (Đề-xi-ben: Đơn vị tính âm lượng) – Nào, hãy tìm giá trị x trong phương trình sau: x mũ ba nhân năm chia x bình phương cộng bảy bằng không.
Bài hỏi đáp kéo dài thêm một tiếng đồng hồ nữa. Đến ba giờ bốn mươi nhăm phút, Lisuarte gợi ý chúng tôi nên nghỉ một chút. Mặc dù quá trình chuyển thông tin vẫn đang tiếp diễn, Marena cho tôi một ngụm Undine bằng ống hút.
- Cảm ơn, - tôi nói, - tôi nghĩ đã đến lúc…ờ…
Nói tạm biệt thì không phải lối lắm vì như mọi người quanh tôi đều thấy, tôi vẫn ở nguyên đây chứ có đi đâu đâu. Sau khi kết thúc hỏi đáp, tôi thậm chí còn chẳng ngủ thiếp đi. Tôi chỉ rút đầu ra khỏi cái vòng kim loại và leo xuống khỏi cái đống bụi bặm này. Thằng tôi ở lại đây sẽ chẳng nhận thấy điều gì hết.
Nhưng thằng tôi sẽ đến quá khứ thì…
- Tôi muốn thay mặt tôi chào tạm biệt mọi người, - tôi nói.
- Ừ, anh đi may mắn nhé, - Marena đáp.
- Cảm ơn.
- Anh sẽ làm được thôi.
- Cảm ơn. – Tôi nhận thấy cô ta đang nắm lấy tay tôi. Run run. Mềm mại. Hãy cảnh giác trò này.
- Nào, - cô ta nói, - chúng ta tiếp tục thôi. Con sên biển đầu tiên anh nuôi thuộc giống gì?
- Đó là một cặp Hermissenda crassicornis.
Bình minh đã hé rạng bên ngoài, và có lẽ do ánh đèn đỏ mà bầu trời hơi ngả sang màu lục. Ngôi sao chổi Ixchel vẫn sáng. Nó gần chuyển sang màu da cam và nom lớn hẳn lên. Tôi húng hắng ho.
- Bạn gái đầu tiên của anh tên gì?
- Jessica Gunnison.
- Ai lồng tiếng chuột Mickey?
- Gượm hẵng, - tôi nói. Lưỡi tôi đau nhói. Tôi tiếp tục nhìn ngôi Ixchel. Lúc này nó gần như đỏ rực, và không rõ vì sao, ngôi Chức Nữ nằm phía trên, bên tay trái, cũng chuyển sang màu đỏ, rồi một sao đỏ thứ ba xuất hiện ngay phía dưới, rồi năm, rồi chín, rồi mười ba, những chấm đỏ lớn dần lên và hòa vào nhau, tôi nhận ra chúng là những giọt máu, nhỏ từ lýời tôi xuống tờ sớ dâng lên Mèo Rừng 1 ðang ngự trên ðỉnh bầu trời. Tiếng xàn xạt của những cái giũa khổng lồ bằng gỗ gụ rền lên qua vách týờng ðá.
- Jed? – Marena gọi tôi.
Tôi muốn trả lời rằng tôi không sao, nhưng miệng tôi đau buốt và đầy màu. Tôi đã quên mất điều gì đó. “Đừng lo, tôi thấy khá thoải mái mà”, tôi muốn nói như vậy. Tôi cảm thấy lâng lâng như người không được ngủ trong một thời gian dài, nhưng bù lại, tôi có cảm giác khá nhẹ nhõm. Tôi hít một luồng hơi thơm mùi nhựa cây. Nó hòa lẫn cả mùi khói hương đặc quánh, mùi thuốc lá tươi, mùi chồi hoa phong lữ, mùi da cháy, mùi ngổ thơ, mùi cao su, mùi tinh thể hổ phách đang sủi tăm và một mùi gì đó nữa bao trùm tất cả, mùi của quá khứ, của hạnh phúc, ồ, phải rồi, đúng là nó rồi, mùi sô-cô-la…
Khoan đã.
Tôi đã quên mất điều gì đó…không…
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top