Kinh nghiêm học tiếng anh qua internet
Đào tạo tiếng Anh qua internet đã có mặt tại Việt Nam hơn 2 năm nay. Tiếp cận cách học mới này, nhiều học viên lúng túng không biết khai thác thế nào cho hiệu quả. Dưới đây là những kinh nghiệm học tiếng Anh trực tuyến hiệu quả.
1. Những kinh nghiệm chung
- Học đều đặn hàng ngày theo cách “mưa dầm thấm lâu”, chứ không nên học dồn vào một lúc mà lại ngắt quãng số lần học quá lâu. Sở dĩ cần đưa điều này lên trước là vì khóa học tiếng Anh trực tuyến không đòi hỏi về thời gian “lên lớp” nên nhiều người không chủ động được thời gian học tập. Hãy chủ động học tập hàng ngày với thời gian hợp lí, bạn vừa duy trì được thói quen học tập nề nếp, lại thấy được sự tiến bộ của mình hàng ngày.
- Hãy tận dụng tối đa những tiện ích mà internet và chương trình đào tạo tiếng Anh trực tuyến mang lại để học tập hiệu quả nhất: sử dụng từ điển trực tuyến, tìm kiếm qua google để học bằng các mẫu vật, hình ảnh, đọc các trang web tiếng Anh...
- Gọi cho trung tâm hỗ trợ học viên của các chương trình đào tạo tiếng Anh qua internet để nhận được trợ giúp nhanh hơn và được tư vấn nhiều hơn.
2. Kinh nghiệm để học tốt tiếng Anh giao tiếp quốc tế
Để học tốt tiếng Anh giao tiếp quốc tế thông qua internet các bạn học viên cần lưu ý: Chương trình đào tạo đã có các bước học tập rất khoa học. Vì thế, khi học tập, các bạn nên học theo hướng dẫn của hệ thống. Chú ý luyện nói nhiều bằng cách luyện ngữ âm và luyện các mẫu câu thông dụng, tận dụng tối đa sự hỗ trợ của audio, video hay flash để học tập, giúp rèn luyện các kĩ năng nghe nói đọc viết một cách tốt nhất.
3. Học tiếng Anh trung học và ôn thi đại học như thế nào cho tốt?
Khi học tập và ôn thi trắc ngiệm, các bạn học sinh nên ôn từng dạng bài trước cho nhuần nhuyễn rồi mới làm bài tập tổng hợp. Và nên ôn tập từ lớp 10, đến lớp 12, không nên nhảy cóc. Bởi vì, khi học tập và ôn luyện theo trình tự lớp học các bạn sẽ có cơ sở để hệ thống kiến thức và tận dụng tối đa tư liệu đã có trên trang tiếng Anh trung học này.
4. Kinh nghiệm để học tốt tiếng Anh chuyên ngành qua internet
- Khi học tiếng Anh chuyên ngành qua internet, các bạn nên tận dụng tối đa sự hỗ trợ của hệ thống audio để học và luyện phát âm từ mới (từ chuyên ngành thường khó phát âm và khó nhớ). Khi gặp các chuyên ngành lạ, học viên nên dựa vào hình ảnh video để hiểu nội dung và nghĩa nhanh hơn.
- Với mỗi bài học trong tiếng Anh chuyên ngành, học viên cũng nên tận dụng hệ thống internet để tìm kiếm các bài có chủ đề (topic) tương tự để bổ sung vốn từ, rèn lại các kĩ năng sử dụng ngôn ngữ.
- Thường xuyên làm thêm phần ngân hàng bài tập của chương trình đào tạo để mở rộng vốn từ của mỗi chuyên ngành. Sau đó hãy tập nói lại theo nội dung để luyện nói và sử dụng các từ, cấu trúc mới học.
- Muốn học tốt tiếng Anh chuyên ngành, trước hết, các học viên cũng phải có hiểu biết về kiến thức nền của chuyên ngành đó bằng tiếng Việt thì mới dễ dàng hiểu nó bằng tiếng Anh.
5. Những “thủ thuật” để loại bỏ thời gian chờ đợi khi học tập qua mạng internet
- Chọn trang web học tập của bạn làm trang chủ (vào Tools, chọn internet options, gõ địa chỉ trang web vào ô address, sau đó chọn apply, và chọn ok, là bạn đã có một trang chủ như mong muốn) để tiện lợi hơn cho học tập và đây cũng là một lời nhắc nhở dành cho các bạn khi các bạn lên mạng mà “quên” không học tập!
- Khi bạn sử dụng phần hỗ trợ audio hay video của hệ thông để học tập, có thể bạn phải chờ hơi lâu (khoảng 15 giây) do khi soạn bài, các giáo viên online thường để phần âm thanh rất tốt, nên dung lượng lớn và có thể do có nhiều người cùng chọn nghe một lúc. Nếu không muốn chờ đợi, khi hệ thống báo “buffering…” (đang tải dự liệu về máy), các bạn hãy nhấn vào nút stop, sau đó nhấn vào play để không phải chờ đợi.
Kinh nghiệm học tiếng Anh vốn đã có rất nhiều và đã được xuất bản thành nhiều cuốn sách khác nhau. Tuy nhiên, kinh nghiệm để học qua internet thì không phải là ai cũng đã biết. Hi vọng bài viết này giúp các bạn học online học tập hiệu quả hơn và yêu thích hình thức học tập mang tính thời đại này.
M URDER - Một phưong pháp học tiếng anh mới
Bạn học tiếng Anh đã lâu. Bạn áp dụng rất nhiều phương pháp học tập, nhưng kết quả vẫn chưa được như bạn mong muốn. Hôm nay, tôi xin giới thiệu với các bạn một phương pháp học tập vô cùng đơn giản, nhưng lại hết sức hiệu quả, đặc biệt là đối với kỹ năng đọc và viết. Đó là phương pháp M.U.R.D.E.R HTML clipboard
1. Mood (Tâm trạng):
Hãy tạo ra một tâm trạng thoải mái cho mình trước khi bắt đầu học.
Hãy chọn một khoảng thời gian, không gian và thái độ thích hợp để bắt đầu việc học.
2. Understanding (Sự hiểu biết):
Khi gặp một cái gì không hiểu trong một phần, hãy đánh dấu lại.
Cố tập trung vào một phần hay một nhóm các bài tập mà bạn có thể giải quyết được
Recall (nhắc lại):
3. Recall (Nhắc lại):
Sau khi đã học được một phần,dừng lại và chuyển những gì bạn vừa học sang ngôn ngữ của chính bạn.
4. Digest (Hấp thụ):
Quay trở lại với cái mà lúc nãy bạn chưa hiểu và thử xem xét lại các dữ kiện.
Có thể tham khảo thêm các tài liệu khác ( một quyển sách nào đó hay sự chỉ dẫn của thầy cô chẳng hạn). Nếu bạn vẫn không hiểu được,
5. Expand (Mở rộng):
Trong bước này, hãy liên quan tới những gì bạn vừa học
Nếu tôi có thể nói chuyện với tác giả của cuốn sách thì tôi sẽ hỏi gì và sẽ phê bình cái gì?
Những tài liệu này sẽ được áp dụng như thế nào vào những thứ tôi thấy thú vị?
Tôi sẽ phải làm như thế nào để khiến vấn đề này trở nên hấp dẫn và dễ hiểu đối với các học sinh, sinh viên khác?
6. Review (ôn lại):
Lướt qua tất cả những gì bạn mới hoàn thành
Xem xem phương thức nào đã giúp bạn hiểu và/hoặc giữ lại những kiến thức cũ để áp dụng vào những gì bạn đang học.
Bước cuối cùng này vô cùng quan trọng, bởi nó tổng hợp và đánh giá toàn bộ quá trình bạn vừa thực hiện ở trên.
Các bạn hãy thử áp dụng phương pháp M.U.R.D.E.R này nhé. Chúc các bạn thành công.
Kinh nghiệm học Tiếng Anh
Mình muốn chia sẻ với các bạn một số kinh nghiệm học Tiếng Anh ( mình đã qua nhiều giai đoạn trong việc học tiếng Anh nên có ít nhiều kinh nghiệm)
1. Học tiếng Anh phải có mục tiêu cụ thể. VD: Tôi học để bỏ vào hồ sơ phỏng vấn xin việc, học để lấy bằng TOEFL, IELTS để nộp hồ sơ xin đi du học v..v. Nếu không lý do hoặc đại khái “Tôi học để biết thêm một ngoại ngữ”, không có gì sai nhưng mình nghĩ sẽ khó tập trung vào việc học nếu chung ta không biết cụ thể chúng ta học để làm gì.
2. Nếu các bạn học Toefl , mình xin có một số ý như sau. Học thi Toefl, mục tiêu chính chúng ta phải lấy Toefl trên bao nhiêu điểm (tùy theo từng người), vì vậy phải làm nhiều đề để rèn luyện kĩ năng làm bài. Việc sưu tập đề thi không khó, sách bán rất nhiều ngoài các tiệm sách, trên mạng cũng có nhiều chỗ để lấy về làm. Nhưng làm bài để hiệu quả thì mình đã làm như thế này. Mình bắt đầu làm y như mình đi thi không coi bài giải, không tra chỗ này chỗ kia. Nếu nhắm thấy làm hết tất cả các phần rất mệt (mất trên 3 tiếng đồng hồ) thì làm từng phần một nhưng phải hoàn thành hẳn một phần. Đừng đoán đại nhé, câu nào chọn cũng phải có lý do của nó, đại cũng chọn cái đáng chọn nhất (đừng thảy xúc sắc hay nhắm mắt chọn đại một câu, hoặc làm giữa chừng thấy mệt mệt nên làm cho xong mấy câu còn lại để còn coi lời giải). Sau khi làm xong bắt đầu tra lại đáp án. Lúc này hãy lưu ý thật kỹ những câu bạn làm sai và những câu bạn đoán . Hãy phân tích tại sao mình làm sai (lúc này phải dùng từ điển, sách vở để kiểm tra thật kỹ cái nào đúng cái nào sai ), ghi chép lại cẩn thận những lỗi này và đánh dấu câu mình làm sai đó lại. Sau này khi mình ôn lại , mình không cần ôn lại hết cả đề thi cũ mà mình chỉ làm lại những câu sai thôi, sẽ không mất thời gian nhiều ( câu đúng nếu bạn đã suy nghĩ và làm đúng thì dù làm lại trăm lần bạn vẫn làm đúng vậy thì ôn lại làm gì). Có những sai lầm khi làm đề : (1) Làm một lần không ngó lại đề đó nữa (lần sau gặp những đề tương tự mình nghĩ chỉ có được kết quả bằng lần trước, không thể hơn, vì mình có đề phòng lỗi sai đâu) (2) Làm chỉ để đếm số câu đúng (bạn sẽ không học được gì từ những lỗi sai và lần sau làm một đề tương tự điểm cũng sẽ như thế)
Các lỗi gài trong Toefl không nhiều. Trong khi làm bài tại nhà đừng ngán khi mình mắc lỗi sai. Vì mình sai càng nhiều thì mình sẽ càng ghi nhớ được nhiều lỗi sai và cứ làm thế sai quá đến lúc nào đó không thể sai được nữa thì nó sẽ đúng thôi ( và đó là lúc thi! )
3. Phần trên là thi lấy bằng. Bây giờ tới phần tiếng Anh giao tiếp . Khi mình qua đây, mình thậm chí không mở miệng nói được câu nào ra hồn vì thực tế ở Việt
Nam chúng ta có ít cơ hội để giao tiếp bằng tiếng Anh. Vậy mình nghĩ có một cách để thực hành một mình. Các bạn mua những cuốn về English conversations, những bài đàm thoại hằng ngày của người Anh, Mỹ. Học hết những cách họ dùng trong lối nói hằng ngày, học càng nhiều càng tốt. Ngoài ra cố gắng chú trọng âm cuối của mỗi từ, có âm cuối thì trong phát âm của mình cũng phải có . Mình thường nói lướt lướt những âm cuối câu, làm cho người đối diện rất khó nghe và hiểu. Cố gắng nói chậm một tí, phát âm rõ từng âm một. Còn một cái nữa, dùng câu chữ đơn giản, càng đơn giản thì càng dễ nói dễ hiểu.
4. Mình có biết một số nguồn để học tiếng Anh:
http://voanews.com/english/index.cfm
Trang này dùng để luyện nghe giọng chuẩn của Mỹ, có thể download bản tin nói lẫn bài viết về để luyện
http://www.cbsnews.com/
Trang này có thêm cả đoạn video. Khi đặt trong ngữ cảnh thì chúng ta sẽ dễ hiểu người ta nói gì hơn, tiếp thu sẽ nhanh hơn.
Ghi chú:
1. Tất cả những ý trên đây là kinh nghiệm của mình. Mình đã làm ngược lại trong thời gian dài và mất rất nhiều thời gian để khắc phục. Mình chỉ mong lưu ý sớm với những bạn đang học anh văn để đừng mắc phải thôi. Bài viết chưa hoàn chỉnh do mình nghĩ sao thì và viết ra vậy, mình sẽ viết lại hoàn chỉnh sau.
2. Mình học tiếng Anh không giỏi, và áp dụng những cách này mình đã qua được các kỳ thi tiếng Anh và nói được (tuy vẫn còn phải cải thiện nhiều). Nên các bạn vững tin nhé “nếu Hoằng còn học được Tiếng Anh thì các bạn đương nhiên học được”.
3. Một số anh chị em đọc bài này rất giỏi tiếng Anh và có rất nhiều kinh nghiệm. Nếu thấy có gì cần góp ý trong bài này thì xin góp ý cho mình để mình hoàn chỉnh cách học cho chính mình và chia sẻ để mọi người cùng học hỏi. Mục đích chính là làm sao cho việc học ngoại ngữ của chúng ta sẽ hiệu quả và đỡ mất thời gian của chúng ta hơn.
7 kinh nghiệm học tốt tiếng anh
Theo ông Tim Hood, Phó giám đốc Hội đồng Anh, học tiếng Anh không nhất thiết chỉ tập trung vào học ngữ pháp và làm bài tập. Cái chính là phải chọn cách học hợp lý, đôi khi những công việc đơn giản hàng ngày cũng giúp ta luyện tập tiếng Anh. Dưới đây là kinh nghiệm sau nhiều năm giảng dạy Anh văn của ông.
1. Thích nói tiếng Anh và thoải mái khi nói
Khi sử dụng tiếng Anh, bạn đừng sợ mắc lỗi. Nếu bạn không mắc lỗi, có nghĩa là bạn không học được gì. Thường thì khi bạn sẽ mắc những lỗi nho nhỏ khi nói tiếng Anh với người nước ngoài. Nhưng điều quan trọng là những gì bạn rút ra sau khi mắc lỗi. Cũng giống như các em bé sẽ không thể tự bước đi được nếu như sợ vấp ngã.
2. Xác định xem bạn thích hợp với cách học nào
Nghiên cứu gần đây cho thấy rất nhiều người có cách học riêng mà mình yêu thích. Nếu bạn là người yêu thích hình ảnh, bạn có thể tạo ra một mối liên hệ giữa tiếng Anh và hình ảnh ví dụ bạn có thể xem phim có phụ đề tiếng Anh, cố gắng hình dung mình đang ở trong ngữ cảnh cần sử dụng tiếng Anh, liên tưởng các từ cần học với các hình ảnh. Nếu bạn là người có sở thích nghe, thì bạn hãy nghe càng nhiều bài hát tiếng Anh càng tốt và xem các phim tiếng Anh. Còn nếu bạn là người có đầu óc phân tích, hãy dành nhiều thời gian để học ngữ pháp và so sánh tiếng Việt với tiếng Anh.
Dĩ nhiên, một người học tiếng Anh tốt sẽ dành thời gian cho tất cả những việc này. Đáng tiếc là trên thế giới, rất nhiều người vẫn bị dạy theo cách truyền thống là chỉ chú trọng vào ngữ pháp và nghe.
3. Học cách ghi nhớ
Bạn có thể luyện trí nhớ của mình qua rất nhiều sách hướng dẫn. Hầu hết tất cả các học sinh giỏi tiếng Anh đều rất coi trọng việc này.
4. Tạo ra cho mình một môi trường tiếng Anh
Một doanh nhân thành đạt người Tây Ban Nha đã học tiếng Anh bằng cách dán những mẩu giấy vàng khắp nơi trong nhà mình để đi tới đâu dù là xuống bếp pha một tách cà phê, vào nhà tắm cạo râu hay dùng điều khiển ti-vi để đổi kênh, anh đều nhìn thấy những từ ghi trên đó. Khi anh đã thuộc những từ này rồi, anh thay bằng những từ mới. Bằng cách này, ngày nào anh cũng học được khoảng 10 từ, cả 7 ngày trong tuần. Bạn hãy tranh thủ đọc, nghe và nói tiếng Anh ở mọi nơi, mọi lúc.
5. Hãy nối mạng
Một cô gái người ngoại thành Hà Nội. Cứ 3 lần một tuần, cô đi xe máy đến một nơi mà cô có thể nói tiếng Anh với những người bạn của mình tại Anh, Úc và Mỹ. Đó là một quán cà phê Internet có dịch vụ voice chat.
Internet đã mang đến nhiều lợi ích cho người học ngoại ngữ. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều website hữu dụng để học ngữ pháp, từ vựng, phát âm và bây giờ, quan trọng hơn cả là: giao tiếp.
6. Học từ vựng một cách có hệ thống
Xin bạn lưu ý rằng học tiếng Anh không chỉ đơn thuần là học ngữ pháp. Khi giao tiếp, bạn lựa chọn từ vựng, kết hợp chúng và tạo thành câu để biểu đạt ý kiến của mình. Khi học từ vựng, bạn hãy bố trí sổ ghi chép của mình sao cho hợp lý. Đừng liệt kê một dãy dài các từ, ngữ mới mà hãy chia sổ của bạn ra thành từng mục chẳng hạn:
Chủ đề: shopping, holidays, money vv…
Động từ và danh từ đi liền kề: do your homework, make a cake vv…
Động từ kép: to grow up, to fell off, to look after vv...
Ngữ cố định: on the other hand, in my opinion, by the way vv...
Thành ngữ: once in a blue moon, to be over the moon, out of the blue vv…
Ngữ có giới từ: at night, at the weekend, in March, in 2003 vv…..
7. Bạn hãy phấn khích lên
Bạn hãy khởi động và làm ngay những việc bạn có thể làm ngày hôm nay, đừng để đến ngày mai. Hồi còn ở London, tôi có một cô bạn người Thái Lan theo học nghành thiết kế thời trang. Cô ấy nói tiếng Anh rất siêu. Từ khi cô 15 tuổi, cô đã tự xác định mục đích và ước mơ của mình là học ngành thời trang ở London. Cô đã tìm hiểu mức điểm IELTS cần thiết để có thể vào trường mà cô mơ ước rồi bắt tay vào học tiếng Anh ngay lập tức. Đến năm 19 tuổi, nghĩa là đã đủ tuổi để được nhận vào học, thì cô đã sẵn sàng mọi thứ. Sự khởi đầu sớm của cô quả là khôn ngoan vì một năm sau, khi khoá học kết thúc, cô trở về Thái Lan thì lúc đó bạn bè cô vẫn đang cần mẫn học tiếng Anh chờ thời điểm đi nước ngoài. Bây giờ thì cô ấy đã là một người nói tiếng Anh thành thạo, có trình độ và thành đạt.
*** Tự học có điểm gì cần lưu ý?
Chung:
- Không được hấp tấp, nóng vội mà phải kiên nhẫn: dành nhiều thời gian với mức độ đều đặn để học tiếng Anh; liên tục luyện tập những gì đã học, đã đọc, càng được nhiều lần càng tốt; tận dụng tối đa thời gian (đọc nhanh, gõ nhanh, ghi nhanh…).
- Động lực mạnh mẽ: công việc, hiểu biết, hứng thú. Chuẩn bị kỹ càng và lâu dài.
- Sử dụng tốt ngoại ngữ, thể hiện qua 4 kỹ năng: nghe-nói-đọc-viết.
- Luôn tự thức tỉnh khi học, khi tham gia 1 tiến trình nào đó.
- Làm đúng những cái đơn giản nhất, nhỏ nhất (một khi không thể làm đúng những thứ căn bản nhất thì khó có thể làm đúng những thứ phức tạp hơn).
Với từng kỹ năng:
Đọc: Cần biết ngữ pháp (cách ráp thành câu hoàn chỉnh, người bản xứ thấy quen và hiểu được), từ vựng và thực hành đọc sách, báo, tài liệu liên tục. Kĩ năng đọc cũng như nghe, điều quan trọng là những thông tin mà bạn nắm bắt được từ bài đọc đó, chính vì vậy, cần chú ý vào kĩ năng đọc lướt và tìm đại ý của đoạn văn; Sau khi đã hiểu được nội dung của đoạn văn, bạn bắt đầu tìm những từ vựng mới, cấu trúc mới mà mình chưa biết, dịch nghĩa và ghi chép lại. Một từ vựng có thể có rất nhiều nghĩa, nên bạn cần phải linh hoạt tìm ra nghĩa thích hợp của từ ấy trong đoạn văn; Chọn lọc những bài viết phù hợp với trình độ của bạn (khi mới học, nên chọn những đoạn văn ngắn, nói về các đề tài phổ biến. Sau đó thì tăng dần độ dài cũng như sự phức tạp của đoạn văn. Các đề tài càng phong phú càng tốt, tuy nhiên, bạn có thể chọn những đề tài phù hợp với sở thích cá nhân; nguồn tài liệu cho việc luyện tập kĩ năng đọc cũng rất đa dạng. bạn có thể tìm đọc các câu chuyện song ngữ (khi mới bắt đầu), những tạp chí, báo, thậm chí truyện tranh, lời bài hát…).
Viết: Khi đã vững về từ vựng cũng như ngữ pháp căn bản, bạn có thể luyện tập kĩ năng viết. Kĩ năng viết bằng tiếng Anh cũng không khác gì tiếng Việt, chỉ khác nhau ở cách sắp xếp vị trí câu, từ…còn ý nghĩa thì vẫn như nhau. Bạn không cần phải bối rối khi viết một đoạn văn bằng tiếng Anh. Bạn chỉ cần suy nghĩ nội dung chính, sắp xếp ý và viết theo dàn bài ấy. Bắt đầu bằng những đoạn văn ngắn, bạn hãy tập ghi nhật kí bằng tiếng Anh, kể lại những việc bạn đã làm trong ngày, những suy nghĩ, cảm xúc của bạn. Ngữ pháp chỉ cần ngắn gọn, đơn giản để đảm bảo sự chính xác. Từ vựng tuỳ theo vốn từ vựng của bạn, nếu không biết từ gì, bạn ttra từ điển và ghi chú lại từ ấy; Sau khi viết một đoạn văn xong, hãy đọc lại để kiểm tra các lỗi ngữ pháp, từ vựng nếu có và ghi chú lại; Tập viết các đoạn văn theo các hình thức khác nhau: trịnh trọng (thư, đơn từ, bài luận…) và thân mật (thư gửi bạn, mẩu đối thoại, truyện kể…); Tham gia vào cá diễn đàn học tiếng Anh và post bài viết của mình lên để mọi người củng góp ý, nhận xét, sửa lỗi. Bạn có thể học từ một sách đàm thoại song ngữ. Cố gắng học thuộc lòng các câu tiếng Anh tương tự với các câu tiếng Việt. Kế đó, che câu tiếng Việt rồi cố gắng dịch ra tiếng Anh. Làm đi làm lại nhiều lần cho đến khi không còn lỗi nào. Nói chung khi thấy câu tiếng Anh nào hay trong sách hay trên báo chí, hãy học thuộc lòng rồi tự trả bài bằng cách viết lại nguyên câu ấy.
Nghe: Nghe là một kĩ năng hết sức quan trọng trong giao tiếp với bất kì ngôn ngữ nào. Để nghe tốt, điều tất yếu là phải nghe nhiều. Cố gắng tạo ra môi trường tiếng Anh cho chính mình. Bạn luyện tập bằng cách nghe tiếng Anh, nghe 1 bài, nghe đi nghe lại và lặp lại theo bài đó vài lần xem có hiểu thêm không. Khi nghe&xem, bạn chú ý lắng nghe cách sắp xếp từ, cách sử dụng ngôn ngữ tùy theo hoàn cảnh như thế nào, nghe các chủ đề khác nhau để trau dồi kiến thức phổ thông và vốn từ vựng… Bạn có thể nghe một chương trình về khoa học, đời sống, thể thao, cuộc sống hoang dã, lịch sử, địa lý, du lịch…Đề tài càng phong phú càng tốt. Tuy nhiên, bạn cũng nên chọn những đề tài mà mình quan tâm, yêu thích để tránh sự nhàm chán. Thường thường, nếu có chữ nào mặc dầu bạn sẽ biết nếu người ta viết nó xuống nhưng nhận không ra khi nghe trên radio, đó là vì bạn phát âm chữ đó không đúng. Một trong những lý do khiến bạn thấy khó bắt kịp một câu nói của người nói tiếng Anh là vì trong khi người ta nói chưa dứt câu thì bạn đã tìm cách đặt câu để trả lời. Trong lúc phân vân ấy, bạn không thể tập trung tư tưởng để lắng nghe người ta nói gì. Bây giờ vì bạn đã học viết rất kỹ, nên bạn sẽ không lo ngại gặp khó khăn gì khi đặt một câu tiếng Anh để trả lời. Do đó bạn có thể tập trung tư tưởng hoàn toàn để lắng nghe người ta nói. Ngoài ra có khi người ta phát âm ráp hai ba chữ với nhau, bạn không cần phải tìm cách phân tách ra từng chữ một. Chỉ cần biết hễ người ta phát âm như thế là có nghĩa gì. mục đích của kĩ năng nghe là để nắm bắt thông tin và nội dung của bài nghe. Chính vì vậy, trong lúc nghe, bạn nên giữ tinh thần thư giãn, thoải mái, đừng quá căng thẳng, đừng tự ép mình phải nghe rõ từng câu, từng chữ. Nếu không nghe kịp thì bạn cứ bình tĩnh và cố gắng bắt nhịp lại với bài nghe.
Nói: ta nói dở là vì viết dở, phát âm không đúng và nhát nói và bạn có nói và phát âm chuẩn thì nghe mới chính xác được. Nay đã viết khá rồi, chỉ cần học phát âm đúng và đừng nhút nhát, xấu hổ khi thực hành việc nói. Học nói như trẻ em học nói. Bạn học các âm cơ bản, các từ thể hiện các âm cơ bản. Bạn cần học cách đọc hệ thống phiên âm và cách nhận biết dấu nhấn, từ đó dựa vào từ điển để phát âm chuẩn các từ vựng mới, việc này rất quan trọng vì một khi bạn phát âm sai sẽ rất khó sửa. Bạn hãy tập nói một mình,tưởng tượng trong một văn cảnh nào đó, hay đang ngồi nói chuyện với ai về một đề tài nào đó. Hội thoại với bạn bè bằng ngoại ngữ, cần nói đúng và nói to. Bạn cũng nên thường xuyên tập suy nghĩ trong đầu bằng ngoại ngữ về những sự việc mà bạn định nói đến. Trong khi lắng nghe tin tức trên radio hay TV bạn hãy nói theo phát ngôn viên mặc dầu nhiều khi không hiểu mình nói gì. Đó là cách làm cho lưỡi bạn dẻo. Bạn sẽ ngạc nhiên và khám phá rằng cách phát âm của nhiều chữ Anh không có âm/tiếng đương đương trong tiếng Việt. Ta học ngoại ngữ khi đã trưởng thành nên thường có khuynh hướng dùng một tiếng mẹ đẻ phát âm tương tự để dùng cho tiếng Anh. Đều đó không nên. Cứ học phát âm như con vẹt, tức là ta như con nít bản xứ, nghe người bản xứ phát âm làm sao mình cứ lập lại y như vậy. Hãy thu âm những gì bạn đã đọc, đã nói, rồi nghe lại để nhận biết cách phát âm của mình đã chuẩn hay chưa; cố gắng vận dụng các từ vựng, thành ngữ, ngữ pháp mới học vào cuộc trò chuyện, việc này sẽ giúp bạn nhớ nhanh và lâu hơn; tham gia vào các câu lạc bộ tiếng Anh hay học nhóm, trao đổi cùng bạn bè; không ngại sai, mạnh dạn nói lên những gì bạn nghĩ. Kĩ năng nói luôn đi liền với nghe, vì vậy nếu gặp khó khăn trong việc diễn đạt suy nghĩ, bạn hãy giải thích theo cách nghĩ của bạn, chính người nghe có thể giúp bạn và bạn cũng có thể học được cách xử lý tình huống một cách khéo léo hơn.Trở lại sách đàm thoại song ngữ, bạn ghi âm lại một số câu chữ Anh để thực tập. Sau đó, che câu tiếng Việt và thực tập nói câu tiếng Anh một cách tự nhiên. Chẳng bao lâu bạn sẽ tự tin là mình có thể nói lưu loát một số câu tiếng Anh thường dùng hằng ngày và hầu hết các tình huống nói khác. Khi bạn phát âm đúng và nói giỏi, tự động khả năng nghe của bạn sẽ tăng tiến.
(theo Vngrammar)
Ngừng và ngẫm
Thông thường, khi đọc một bài viết, mọi người hay vận dụng chiến lược “đọc để lấy nội dung”, mục đích là nhanh chóng nắm được các ý chính mà không phải tốn nhiều công sức.
Đặc điểm nổi bật của chiến lược này là mắt không cần chú ý đến các “từ ngữ pháp” (mạo từ, giới từ, liên từ...) mà chỉ cần nhìn những từ chỉ nội dung, cũng chẳng cần để ý đến dạng thức của từ hay cách viết chính xác một từ, và bỏ qua những từ mới không làm ảnh hưởng tới việc hiểu nội dung của bài đọc. Vấn đề là bạn không cần các từ ngữ pháp để hiểu được bài đọc, nhưng bạn lại cần chúng để diễn đạt ý kiến của mình. Do vậy, nếu không chú ý tới những từ như mạo từ và giới từ, bạn sẽ không thể sử dụng chúng trong các câu của riêng bạn một cách chính xác được.
Bài viết này sẽ giới thiệu với các bạn phương pháp đọc “ngừng và ngẫm” – một cách thức nhằm
giúp bạn không còn mắc những lỗi ngữ pháp cơ bản khi diễn đạt bằng tiếng Anh. Trong lúc đọc một đoạn văn, bạn cần xử lý các câu trong đó như sau
1. Dừng lại ở những chỗ đáng quan tâm (chứ không phải những
chỗ rõ mồn một) như: từ mới, cách sử dụng một từ, cấu trúc ngữ pháp, giới từ, mạo từ, liên từ, cách sắp xếp từ... Chẳng hạn, bạn hãy dành mấy giây để ngẫm nghĩ về việc câu đó sử dụng giới từ at chứ không phải on; có thể câu đó đã sử dụng thì hiện tại hoàn thành ở chỗ mà bạn tưởng phải là thì quá khứ đơn giản; có thể cách sắp xếp từ khác hẳn với câu tương đương trong tiếng Việt.
2. Nếu câu đó có một cụm từ có thể ứng dụng được, bạn hãy tự hỏi: Liệu mình có thể tự diễn đạt được một câu tương tự không? Mình có sử dụng đúng thì, đúng mạo từ và giới từ không? Mình có sử dụng được chính xác thứ tự từ như thế không? Nếu bạn không chắc chắn, hãy luyện đọc to hay đọc thầm một câu tương tự, để đưa cách diễn đạt đó vào kho từ vựng của bạn.
3. Nếu cần thiết, hoặc nếu cảm thấy thích, bạn hãy sử dụng từ điển để tra nghĩa của từ trong câu và xem thêm cả các mẫu câu ví dụ. Việc này sẽ giúp tăng khả năng sử dụng từ của bạn.
4. Nếu bạn sử dụng sổ tay ghi nhớ, đừng quên bổ sung cụm từ đó vào bộ sưu tập để đảm bảo nó sẽ lưu lại trong trí nhớ của bạn. Tất nhiên là chỉ những cụm từ hữu ích mới được ghi vào.
Chẳng hạn, khi đọc câu: “Former President Jimmy Carter will visit Venezuela next week to mediate talks between the government and its opposition, which have been locked in a power struggle since a failed coup” (Nguyên Tổng thống J.C. sẽ thăm Venezuela tuần tới để dàn xếp cuộc đàm phán giữa chính phủ và phe đối lập đã bị bế tắc trong cuộc tranh giành quyền lực sau khi một vụ đảo chính thất bại), các bạn có thể “ngừng và ngẫm” như sau:
"Former President" chứ không phải là "The former President", vậy chắc phải nói là "President Bush" chứ không phải "The President Bush", mặc dù người ta vẫn nói "The President will do something" khi không nhắc tới tên Tổng thống.
"to mediate talks" chứ không phải "to mediate in the talks" hay một cấu trúc kiểu như thế. Mình không chắc nếu dùng cách sau thì có được chấp nhận không...
"power struggle" — Hình như mình đã nhìn thấy cụm từ này ở đâu rồi.
"since a failed coup" — Như vậy mình có thể nói: "He’s not gone out since an accident" (dùng since như giới từ), chứ không chỉ có một cách là "He’s not gone out since an accident happened" (dùng since như liên từ).
"since a failed coup" chứ không phải là "since the failed coup". Đấy là do tác giả không nghĩ rằng người đọc biết về cuộc đảo chính này.
"coup" — A, lần trước tra từ điển mình đã biết từ này đọc là [ku:]!
Nếu bạn không thích dừng việc đọc lại (để tra từ điển hay để bổ sung cụm từ vào sổ tay), bạn có thể ghi nhanh lại, hoặc dùng bút chì hay bút nhớ để gạch chân hay tô đậm các câu bạn thấy hay. Bằng cách này, bạn có thể quay lại xử lý các câu đó sau. Một lời khuyên quan trọng nữa là không phải lúc nào bạn cũng cần sử dụng chiến lược này. Đọc theo cách này khá tốn công sức, vì vậy, đừng thực hiện khi bạn đang mệt mỏi sau mấy tiếng đọc triền miên, cũng đừng chú ý ở mức độ như nhau với tất cả các câu. Một số câu trong sách, ví dụ như những đoạn dài miêu tả văn chương, không hề có những cụm từ hay cấu trúc hữu ích cho việc thành lập câu của riêng bạn. Những thành ngữ lóng khó hiểu của một số nhân vật trong tác phẩm cũng không cần thiết lắm.
Cuối cùng, phương pháp “ngừng và ngẫm” không phải lúc nào cũng giúp bạn nhớ được chính xác cách diễn đạt một câu. Nhưng có lẽ bạn sẽ nhớ được đây là một dạng câu “lạ” hoặc “khó” trong tiếng Anh. Nếu nhớ được như thế thì ít nhất bạn sẽ dừng trước khi viết câu đó để tra lại thay vì mắc phải một lỗi do bất cẩn.
Thanh Sơn – Giảng viên Global Education
Những phương pháp học tiếng Anh hiệu nghiệm nhất.
Chắc hẳn các bạn đều biết tầm quan trọng của việc học tiếng Anh? Vậy bạn đã tìm ra phương pháp học tập hiệu nghiệm nhất để đạt được kết quả tốt nhất chưa? Trong chuyện mục phương pháp học tập hôm nay, Global Education xin chia sẻ một số phương pháp học tiếng Anh. Hi vọng bạn sẽ cảm thấy hiệu nghiệm khi áp dụng chúng trong việc học ngoại ngữ cho mình.
Trước hết, mời các bạn cùng Global Education phân biệt sự khác nhau giữa “effective” (hữu hiệu) và “efficient” (hiệu nghiệm). Giả sử, nếu bạn phải đi từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh, bạn sẽ chọn loại phương tiện nào? Bạn có thể đi bộ, chạy, đi xe đạp, xe máy, ô tô, bạn cũng có thể đi tàu hỏa, hoặc máy bay. Tất cả các phương tiện đó đều effective, tức là cuối cùng bạn cũng có thể vào được thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng với phương tiện nào bạn sẽ mất ít thời gian và năng lượng nhất? Chắc hẳn các bạn đều chọn máy bay chứ? Chính cái đó được gọi là efficient. Tương tự, việc học ngoại ngữ cũng vậy, bạn cũng nên tìm ra cách thức học tập efficiently – một cách có khoa học, không mất nhiều thời gian và năng lực mà vẫn đạt effectiveness.
Việc học tiếng Anh có thể chia làm hai lĩnh vực: tiếp nhận ngôn ngữ (input) và sản sinh ngôn ngữ (output). Input bao gồm kĩ năng đọc và nghe trong khi đó output gồm nói và viết. Rõ ràng là để có được output chất lượng tốt thì trước hết chất lượng của input phải tốt. Và khi chúng ta tiếp nhận ngôn ngữ càng nhiều thì chúng ta cũng có thể sản sinh ra ngôn ngữ càng lớn.
Tất cả những người học tiếng Anh trước hết nên có thái độ học tập nghiêm túc và coi đó như là một việc làm cấp bách. Nói như vậy nghĩa là bạn phải học để đạt hiệu quả nhưng quan trọng hơn là phương pháp học hữu nghiệm. Global Education xin gợi ý một vài phương pháp sau đây:
INPUT
Reading
Bạn nên học ít nhất 5 từ mới mỗi ngày. Để thuận tiện cho việc ghi nhớ, bạn có thể dùng những mẩu giấy nhỏ, một mặt để ghi từ vựng, mặt sau ghi nghĩa của từ. Giữ những mẩu giấy đó trong một cái hộp và ôn tập chúng thường xuyên bằng cách đọc từ và đưa ra định nghĩa.
Thử tượng xem, nếu bạn học 5 từ một ngày, trong 1 năm bạn học được 1.825 từ. Như vậy là trong một vài năm, bạn có thể có 5000 đến 6000 từ, vốn từ vựng đủ phong phú để hiểu hết nghĩa của từ trong văn phong viết của tiếng Anh.
Listening
Để luyện kĩ năng nghe, bạn nên nghe tiếng Anh qua đài. Không có cách nào học hữu nghiệm hơn bằng việc nghe tiếng Anh qua đài bởi sự phong phú của từ vựng. Tại sao lại không học nghe qua việc xem ti vi? Lí do nằm ở chỗ ti vi luôn có hình ảnh, vì vậy sẽ làm cho người học khó tập trung, bị hình ảnh phân tán khi nghe.
Bạn cũng nên nhớ rằng, khi chúng ta càng nghe lặp đi lặp lại một từ nào đó thì càng có nhiều khả năng bạn sẽ sử dụng từ đó hơn. Vì vậy, bí quyết cho kĩ năng nghe là nghe nhiều lần và thường xuyên. Bạn có thể nghe ngay cả khi lái xe, đi dạo, nấu cơm, ăn uống, thay quần áo. Ngôn ngữ sẽ tự ghi nhớ vào bộ não của bạn lúc nào bạn cũng không hay đó! Nếu có thể, hãy coi việc nghe radio là việc làm cuối cùng bạn làm trước khi đi ngủ và điều đầu tiên trước khi đi bắt đầu ngày mới bạn nhé!
OUTPUT
Writing
Hãy sắm lấy một quyển sổ và viết ít nhất 500 từ một ngày. Bạn có biết rằng, nếu bạn viết hàng ngày, bạn sẽ củng cố được mọi thứ bạn đã học. Thêm vào đó, việc viết ra bắt buộc bạn phải suy nghĩ sao cho chính xác, đúng cấu trúc ngữ pháp. Quá trình tập trung cao độ này sẽ giúp bạn sắp xếp thông tin theo trật tự đã có trong tiềm thức. Bạn hãy viết về bất cứ cái gì bạn muốn viết, và bạn cũng đừng quên sử dụng những từ mới và cấu trúc ngữ pháp đa dạng nhé!
Speaking
Một lời khuyên bổ ích cho việc đọc là hãy đọc to (Read aloud!). Đọc to giúp bạn luyện nói tiếng Anh một cách hoàn hảo. Hãy nên nhớ là “văn ôn võ luyện.” Bạn có thể lấy mẫu một đoạn hội thoại nào đó rồi đọc to lên. Bằng việc đọc to, chúng ta không chỉ nói đúng ngữ pháp mà còn áp dụng được rất nhiều từ mới. Hãy nhớ rằng nếu bạn cứ nói sai thì lỗi sẽ lặp đi lặp lại. Điều này không chỉ đúng với người học ngoại ngữ mà ngay cả người bản địa cũng vậy. Nếu lỗi sai lặp lại liên tục nó sẽ thành lối mòn và rất khó để bạn sửa chữa chúng.
Bạn hãy thử kiểm nghiệm phương pháp học tập 4 kĩ năng tiếng Anh trên trong vòng 1 tháng xem nhé! Global Education tin chắc rằng bạn sẽ ngạc nhiên bởi sự tiến bộ của mình đó. Chúc các bạn học tốt.
Cẩm Nhung – Global Education
6 lý do khiến bạn chưa giỏi tiếng Anh
Vì muốn giỏi tiếng Anh, bạn “cày” ngày đêm với các chồng sách cao ngất, đăng ký học các lớp học tại các trung tâm ngoại ngữ…nhưng kết quả cuối cùng bạn vẫn thấy nản chí vì học chẳng vào. Vậy đâu là lý do khiến bạn học tiếng Anh mãi mà chưa giỏi?
1 . Bạn rất sợ khi phải nói tiếng Anh?
Một nhược điểm lớn nhất của người học là rất sợ mỗi khi phải nói tiếng Anh. Nên nhớ rằng nếu bạn không mắc lỗi có nghĩa là bạn không học được gì. Khi giao tiếp với người nước ngoài chắc chắn dù là người nói tiếng Anh rất khá vẫn có thể mắc những lỗi nhỏ. Điều quan trọng là bạn hãy “speak without fear” và biết cách “learn from mistakes” sau mỗi lần mắc lỗi. Cũng giống như các em bé sẽ không thể tự bước đi được nếu như sợ vấp ngã.
2. Chưa biết cách tạo ra cho mình một môi trường học tiếng Anh
Kinh nghiệm của những người học giỏi tiếng Anh là phải biết cách tạo cho mình một môi trường học tiếng Anh. Vậy môi trường học tiếng Anh là gì? đơn giản là một môi trường mà bạn có thể đọc, nghe tiếng Anh ở mọi lúc mọi nơi. Ví dụ bạn có thể học từ vựng bằng cách ghi từ ra các mẩu giấy và dán ở những nơi mà bạn hay nhìn thấy nhiều nhất. Khi đã học thuộc các từ này rồi bạn có thể thay bằng các từ mới khác. Khi đi ra ngoài bạn hãy chịu khó để ý tới những biển báo, tên công ty, biển quảng cáo…có ghi chú bằng tiếng Anh và suy ngẫm tại sao các cụm từ lại được viết như vậy? Bạn cũng có thể tham gia các câu lạc bộ để thực tập nói và nghe người khác nói. Cùng bạn bè thành lập nhóm để học và thảo luận. Gửi mail tiếng Anh với các học viên khác để thực tập viết...Bằng các cách này, ngày nào bạn cũng học được một vốn từ và cấu trúc kha khá mà không cảm thấy quá vất vả như ngồi ghi ghi chép chép.
3. Chưa xác định cách học phù hợp
Gần đây Global Education nhận được rất nhiều thư từ các bạn học viên, phàn nàn về việc mình đã học rất chăm chỉ mà tại sao vốn tiếng Anh vẫn không khá hơn được. Học ngoại ngữ là cả một quá trình tu luyện, yếu tố “chăm chỉ” rất quan trọng nhưng xác định cho mình một cách học phù hợp mới là yêu tố quyết định. Bạn hoàn toàn có thể chọn cách học riêng mà mình yêu thích.
Ví dụ: Nếu bạn là người có sở thích nghe, thì bạn hãy nghe càng nhiều bài hát tiếng Anh càng tốt và xem các phim tiếng Anh, các bản tin tiếng Anh. Nếu bạn là người yêu thích hình ảnh, bạn có thể
xem các bộ phim có phụ đề bằng tiếng Anh, sưu tầm các hình ảnh có phụ đề bằng tiếng Anh hoặc đọc các tạp chí bằng tiếng Anh.
Còn nếu bạn là người có đầu óc phân tích, hãy dành nhiều thời gian để học ngữ pháp và so sánh tiếng Việt với tiếng Anh….và sẽ còn rất nhiều cách học riêng mà các bạn có thể chọn để phù hợp với mình nhất thay vì học theo lối mòn truyền thống là ghi chép và học thuộc lòng.
4. Nối mạng để học tiếng Anh? Chưa cần thiết!
Internet đã mang lại rất nhiều lợi ích cho con người trong mọi lĩnh vực và cả việc học ngoại ngữ cũng không phải là một điều xa lạ. Vậy bạn còn chần chừ gì nữa mà không nối mạng? Trong xã hội hiện đại, ngày càng có nhiều người chọn cách học tiếng Anh qua mạng thay vì đến các lớp trực tiếp. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều website học tiếng Anh trực tuyến hữu dụng để học ngữ pháp, từ vựng, phát âm và thậm chí cả tiếng Anh giao tiếp….
5. Học từ vựng một cách máy móc và không hệ thống
Xin bạn lưu ý rằng học tiếng Anh không chỉ đơn thuần là học ngữ pháp. Để học từ vựng, bạn đừng học từ "chết" bằng cách viết nhiều lần một từ trên mặt giấy mà nên học từ trong câu. Bạn sẽ nhớ từ đó lâu hơn và còn biết cả cách sử dụng chúng nữa. Khi giao tiếp, bạn lựa chọn từ vựng, kết hợp chúng và tạo thành câu để biểu đạt ý kiến của mình. Người nói giỏi là người biết vận dụng vốn từ vựng mà mình biết trong khi có người biết rất nhiều từ nhưng lại không biết đặt câu. Vận dụng càng nhiều thì vốn từ vựng càng phong phú. Đừng liệt kê một dãy dài các từ, ngữ mới mà hãy chia sổ của bạn ra thành từng mục chẳng hạn:
Chủ đề: Friend, work, love, family…
Động từ và danh từ đi liền kề: earn money, do homework vv…
Động từ kép: to grow up, to turn on, to take care vv...
Ngữ cố định: according to me, in my point of view, by the way…
Thành ngữ: as cool as cucumber, go cold turkey, pull up your socks vv…
Ngữ có giới từ: in summer, at mealtime, in January, in 2009 …
6. Chào thua “sự kiên trì”
Học ngoại ngữ không giống nhiều các môn học khác đó là rất cần sự kiên trì. Bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy nản lòng khi học mãi mà không hiểu, và chính điều này sẽ khiến bạn đầu hàng ngay lập tức với những khó khăn. Bạn nên nhớ sự thành công thường đạt được nhờ vào sự kiên trì và không bao giờ bỏ cuộc ngay cả khi người khác nói “không thể làm được”. Khi bạn tự tin nói tiếng Anh tức là bạn đã vượt qua khó khăn và chán nản ban đầu và bạn sẽ thấy ham thích môn ngoại ngữ này lúc nào không hay.
Khắc phục và tự hoàn thiện những yếu điểm này, bạn sẽ thấy để “giỏi tiếng Anh” cũng không đến nỗi quá xa so với sức của mình. Chúc các bạn luôn tự tin và sớm thành công!
Hồng Nhung – Global Education
Ghi nhớ - một chiến lược học tiếng Anh hiệu quả
Có rất nhiều ý kiến xung quanh việc học thuộc lòng trong quá trình học ngoại ngữ là xấu hay tốt. Nhưng theo kinh nghiệm và quan sát của rất nhiều giáo viên và học viên học tiếng Anh, ghi nhớ là một trong những phương pháp học tập rất có hiệu quả, giúp cho sinh viên có thể học và sử dụng tiếng Anh một cách nhuần nhuyễn và chính xác.
Bản chất của quá trình học tiếng Anh là học thuộc lòng các luật ngữ pháp, các cấu trúc câu, các từ vựng và nghĩa của chúng. Như thế đủ thấy việc ghi nhớ trong quá trình học ngoại ngữ là quan trọng đến như thế nào. Rất nhiều các bài nghiên cứu cũng như từ điển đưa ra định nghĩa về “sự ghi nhớ” nhưng nhìn chung ghi nhớ là một quá trình thiết lập hệ thống thông tin trong trí nhớ. Nhớ là cố ý lưu giữ lại một điều gì đó trong não để khi cần thiết có thể phục hồi lại từ ngữ, ý nghĩa, hình ảnh hoặc âm thanh....
Người học tiếng Anh sử dụng sự ghi nhớ theo rất nhiều cách, từ việc học thuộc ý cho đến việc chép lại bài nhiều lần. Almad, một sinh viên Ả Rập, đã sử dụng sự ghi nhớ như một chiến lược học từ mới. Anh tra trong từ điển các từ mới, viết chúng và nghĩa của chúng bằng tiếng Ả Rập vào một quyển vở sau đó ghi nhớ nội dụng của quyển vở đó. Kết quả là anh đã học được rất nhiều từ.
Mặc dù vậy, điều này không có nghĩa là chúng ta tán đồng cách học thuộc lòng như vẹt mà không hiểu gì. Ghi nhớ có hai cách: cách thứ nhất như chúng tôi đã nói - học như vẹt. Người học có lẽ sẽ rất thuộc bài, sẽ nói làu làu như cháo chảy nhưng khi được hỏi đến những vấn đề liên quan thì không trả lời được. Hoặc chỉ cần quên một ý hay một câu trong bài là họ sẽ quên hết cả bài đó. Cách ghi nhớ này hoàn toàn thụ động và quá lệ thuộc vào từng câu từng chữ của bài. Tuy nhiên, cách nhớ thứ hai mà chúng tôi muốn đề cập ở đây chính là một phương pháp học hiệu quả, nó được rất nhiều sinh viên vận dụng như một chiến lược học tập của mình.
Phương pháp này cũng gần giống như cách học thuộc lòng nhưng phải có sự hiểu sâu về vấn đề được học đồng thời biết vận dụng nó một cách linh hoạt vào trong giao tiếp. Người học phải biết ghi nhớ các điểm chính, các từ chủ điểm và hiểu rằng mình đang học cái gì. Cách ghi nhớ này giúp cho những thông tin cần thiết được lưu lại trong não một cách hệ thống và được sử dụng có hiệu quả trong những ngữ cảnh phù hợp.
Ví dụ khi đọc một bài báo, dịch hoặc nghe một bài khóa thì người sinh viên giỏi sẽ biết chọn lựa và ghi chú các từ mới, cấu trúc mới sau đó sẽ lưu giữ chúng trong đầu cho các lần vận dụng sau. Hầu hết sinh viên đều công nhận rằng để ghi nhớ hiệu quả thì người học nhất thiết không được học thuộc
lòng mà không hiểu gì. Đó phải là một quá trình chọn lọc một cách linh động, sáng tạo có sự kết hợp và tương tác giữa kiến thức cũ và kiến thức mới. Người học không được máy móc lệ thuộc y nguyên vào những gì đã được ghi nhớ mà phải linh hoạt ứng dụng chúng vào từng trường hợp cụ thể. Ví dụ khi đọc báo ta thấy một câu có chứa thành ngữ rất hay “We just pulled your legs” (Chúng tôi chỉ trêu anh thôi mà). Những gì mà ta cần nhớ ở đây là “pull sb’s legs” sau đó tùy từng trường hợp mà áp dụng. Ví dụ: “Don’t worry, I am just pulling their legs” (Đừng lo lắng, tớ chỉ trêu họ một chút thôi mà).
Sau đây là một số lợi ích mà cách nhớ này mang lại cho người học tiếng Anh:
· Áp dụng được các từ, cụm từ, thành ngữ mới vào trong nói và viết.
· Sử dụng tiếng Anh một cách chính xác và hiệu quả.
· Có được sự phát âm chuẩn trong những cuộc đàm thoại hàng ngày.
· Có khả năng phản ứng nhanh với những tình huống quen thuộc.
· Diễn đạt ý tưởng rõ ràng trôi trảy, không bị ấp úng hay ngắt quãng giữa chừng
· Tự tin, tự nhiên, thu hút được sự chú ý của người nghe.
· Bài nói được chuẩn bị một cách kĩ càng do đó ngôn ngữ phát ra sẽ logic, chặt chẽ và hợp lý.
Có thể nói ghi nhớ là một phương pháp học hiệu quả nếu biết áp dụng đúng cách. Chúc bạn nhanh chóng làm chủ một vốn tiếng Anh phong phú, linh hoạt và đa dạng!
Bùi Trang – Global Education
Người học tiếng Anh có phong cách
Đã bao giờ bạn nghe giảng trên lớp và băn khoăn tự hỏi là tại sao mà người ngồi kế bên không thể tập trung vào bài giảng? Hay khi đi làm bạn mất rất nhiều công sức mới để hiểu được một bài thuyết trình khi đồng nghiệp của bạn cho rằng nó rất dễ hiểu?
Nguyên nhân của những rắc rối này không phải bởi bạn kém thông minh hơn những người khác mà chỉ đơn giản là bạn có cách học và tiếp cận những tri thức mới không giống mọi người. Phong cách học của mỗi cá nhân quyết định họ là ai và họ xử lý thông tin thế nào. Dù bạn đã không ít lần lâm vào những tình huống khó xử như trên nhưng một khi hiểu rõ căn nguyên vấn đề, bạn có thể thay đổi phong cách học để phát huy được tối đa thế mạnh của bản thân.
Có bốn phong cách học cơ bản: (1) quan sát/giao tiếp, (2) quan sát, (3) tiếp cận và (4) nghe/nói. Mọi người thường sử dụng một trong bốn cách này để tiếp nhận và xử lý thông tin mà họ nhận được. Bởi thế, một khi biết mình thuộc tuýp phong cách nào, bạn có thể tìm ra cách học tốt nhất cho riêng mình.
Quan sát/giao tiếp: Bạn sẽ đạt được kết quả tốt nhất khi tiếp cận thông tin mà bạn có thể nhìn thấy hay ở dạng văn bản viết. Bạn sẽ tiếp thu bài giảng tốt nhất khi giáo viên sử dụng bảng hay máy chiếu. Nếu những phần quan trọng của bài giảng được trình bày dưới dạng những đoạn thông tin ngắn gọn hay dạng dàn ý, ban cảm thấy bài giảng dễ hiểu hơn. Học với giáo trình và những ghi chép trên lớp là cách học bạn cảm thấy hiệu quả nhất. Và mỗi khi bạn cố gắng ghi nhớ kiến thức về điều gì đó, hình ảnh của nó luôn xuất hiện trong tâm trí bạn.
Trong bốn loại phong cách học, những người thuộc tuýp quan sát/giao tiếp rất thích đánh dấu những thông tin quan trọng trong sách giáo khoa hay vở ghi. Bút nhớ dòng và bút bi nhiều màu mực khác nhau là công cụ hữu hiệu nhất giúp những học viên loại này tiếp thu thông tin. Viết tóm tắt những kiến thức quan trọng trong vở ghi cũng như trong giáo trình cũng sẽ là một cách hiệu quả để ghi nhớ những điều bạn học được. Những tấm các đặc biệt (một mặt ghi khái niệm, mặt kia ghi định nghĩa và ví dụ), biểu đỬ ví dụ minh hoạ hay những bản phô-tô tài liệu tham khảo cũng rất hữu dụng nếu bạn thuộc tuýp học viên này.
Quan sát: Bạn sẽ học tiếp thu tốt nhất khi bài giảng được trình bày với những bức tranh hay hình ảnh minh hoạ. Những bài giảng có phim, băng hình, bản đồ hay biểu đồ minh họa sẽ luôn thu hút được sự chú ý của tuýp học viên này. Bạn cho rằng làm việc theo nhóm không hiệu quả và bạn thích làm việc trong một căn phòng yên tĩnh hơn. Khi bạn cố gắng ghi nhớ điều gì, bạn luôn tưởng tượng ra hình ảnh của nó giống như một tấm ảnh hay một đoạn phim quay chậm vậy.
Để ghi nhớ thông tin, những học viên thuộc tuýp này nên thử sử dụng những tấm các đặc biệt (đã chú thích ở trên). Minh hoạ những khái niệm quan trọng bằng hình ảnh, biểu tượng hay sử dụng bút nhớ dòng cũng rất có tác dụng nếu bạn thuộc nhóm này.
Để ghi nhớ thông tin, những học viên thuộc tuýp này nên thử sử dụng những tấm các đặc biệt (đã chú thích ở trên). Minh hoạ những khái niệm quan trọng bằng hình ảnh, biểu tượng hay sử dụng bút nhớ dòng cũng rất có tác dụng nếu bạn thuộc nhóm này.
Tiếp cận: Những học viên thuộc nhóm này luôn thích thú với việc trực tiếp tham gia vào những hoạt động học tập trên lớp. Những buổi học trong phòng thí nghiệm hay những chuyến đi thực tế thậm chí những buổi ngoại khoá sẽ giúp những học viên thuộc nhóm này tiếp thu kiến thức mới hiệu quả nhất.
Những bài giảng trên lớp thường không mấy tác dụng với những học viên thuộc tuýp này vì thế họ nên ngứ bàn đầu và ghi chép bài đầy đủ. Khi ghi chép bài, đừng quá để ý lỗi chính tả mà hãy chú ý ghi lại những ý chính của bài mà bạn nghe được. Nếu có thể hãy vẽ hình minh hoạ cho những khái niệm quan trọng.
Khi học, cố gắng kết hợp việc học với một hoạt động nào đó về mặt thể chất.Ví dụ, bạn có thể vừa ôn lại bài vừa học vừa tập với máy thể dục hay đi bộ lên xuống cầu thang.
Nghe/nói: Những học viên thuộc nhóm này sẽ tiếp thu thông tin hiệu quả nhất khi họ nhận được thông tin dưới dạng văn nói. Những bài giảng trên lớp và những buổi thảo luận theo nhóm sẽ rất có ích cho bạn. Nghe băng cũng là một cách học rất hiệu quả cho tuýp học viên này. Bởi vậy thay vì chỉ ghi chép bằng giấy bút thông thường, bạn có thế ghi âm lại bài giảng rứ nghe lại khi ôn bài ở nhà. Và hãy thử đọc to thông tin khi ôn bài thay vì đọc thầm, bạn sẽ thấy tốc độ xử lý thông tin cũng như hiệu quả học tập được cải thiện rõ rệt.
Để việc học hiệu quả hơn nữa, bạn cũng có thể học tập theo nhóm hoặc tìm một ai đó mà bạn có thể học cùng vài tiếng trong ngày.
Nếu bạn không chắc chắn một trong bốn phong cách trên là phù hợp với mình thì cũng đừng quá lo lắng. Điều cốt lõi là xác định được môi trường học nào giúp bạn học tập hiệu quả nhất. Hãy dành vài phút phân tích lại khoảng thời gian bạn dành cho học tập trên lớp cũng như ở nhà. Chắc chắn bạn không thể quên được những lúc bạn cảm thấy bối rối, căng thẳng hay khó xử trên lớp. Hãy thử tìm ra nguyên nhân khiến bạn có những cảm xúc tiêu cực ấy và xem liệu chúng có liên quan gì tới những cách học khác nhau nêu trên. Hãy xác định những điểm khác biệt giữa bốn phong cách học cơ bản và tự đánh giá xem cách học nào là phù hợp với bạn hơn cả.
Người học tiếng Anh có phong cách là người xác định được thế mạnh của bản thân và tìm ra cách hiệu quả nhất để phát huy những thế mạnh ấy.
Kế hoạch ôn thi hiệu quả
Mùa thi sắp đến và trở thành nỗi lo lắng của bất kỳ sinh viên nào, nhất là trong kỳ đầu tiên nơi giảng đường đại học. Đề thi sẽ không còn giống hệt sách giáo khoa như ở phổ thông và quá trình ôn thi cũng không phải là việc ngồi học thuộc lòng bài giảng nữa. Vậy làm thế nào để đạt được điểm cao trong các kỳ thi như vậy?
Bài viết dưới đây sẽ gợi ý cho bạn một kế hoạch ôn thi chi tiết và hiệu quả.:
1) Ôn tập những gì?
Hãy viết ra danh sách những chủ điểm có thể đưa ra trong kỳ thi. Sau đó lập ra một sơ đồ những thứ bạn định sẽ ôn tập. Sẽ là không thực tế nếu bạn ôm đồm tất cả chi tiết các bài học. Khi chọn lọc chủ đề cần ôn tập hãy chú ý:
Có những mảng kiến thức chủ chốt nào mà đề thi năm nào cũng ra?
Mỗi bài thi có khoảng bao nhiêu dạng bài?
Có những loại câu hỏi nào các năm trước đã ra mà năm nay vẫn có khả năng tiếp tục ra lại?
Điểm nhấn mạnh của khóa học là gì?
Bạn thích thú và học khá môn nào nhất?
2) Thời gian ôn tập?
Hãy quyết định xem bạn cần bao nhiêu ngày để học một môn. Nên đặt mục tiêu cụ thể và vừa phải để mang lại cảm giác vui mừng khi thực hiện được. Nếu đặt mục tiêu quá cao bạn sẽ dễ bị thất vọng và chán nản. Hãy thưởng cho mình mỗi khi làm tốt công việc.
Nên đầu tư nhiều thời gian vào những môn bạn học yếu hơn. Hãy chia môn học đó thành nhiều phần nhỏ để dễ giải quyết. Việc tránh né chỉ làm bạn học kém hơn môn đó.
Luôn luôn nhớ rằng bao giờ quá trình ôn thi cũng có 3 giai đoạn: học, hiểu và tự kiểm tra. Hãy phân bố thời gian hợp lý cho mỗi giai đoạn.
Kế hoạch ôn tập của bạn nên được sử dụng một cách linh hoạt. Có những môn bạn có thể hoàn thành trước kế hoạch hoặc cần thêm thời gian cho những môn khó, nhiều bài tập. Hơn nữa, hãy nhớ nghỉ ngơi và thư giãn giữa các môn học.
3) Ôn tập như thế nào?
Bạn càng trực tiếp tác động và học tập môn học, làm cho nó thành kiến thức của bạn và liên hệ nó với kiến thức cũ thì môn học càng có ý nghĩa và dễ nhớ đối với bạn. Chiến lược PQRST sau đây sẽ rất có ích cho bạn:
Đầu tiên hãy xem qua tài liệu, tập trung vào các bảng biểu, tiêu đề, tóm tắt và kết luận để có được cái nhìn tổng thể (preview).
Đặt ra câu hỏi (questions) hoặc những điểm quan trọng mà bạn hy vọng tìm ra câu trả lời trong bài đọc.
Đọc (read) tài liệu có chọn lọc và gạch ra giấy những ý chính.
Tóm tắt (summarise) ý chính bằng cách liệt kê những từ khóa, lập biểu đồ, sơ đồ, gắn kết ý trong bài với các nguồn khác.
Tự kiểm tra (test) bằng cách trích ra hoặc xem lại bài tóm tắt ngay sau khi đọc tài liệu hoặc sau những ngày giải lao.
Tạo sơ đồ hình cây có thể giúp bạn tiếp cận bài học ở nhiều góc độ khác nhau còn những ghi chép trong vở giúp bạn tư duy một cách tuyến tính. Hãy làm cho quá trình học trở nên dễ nhớ và sinh động bằng cách sử dụng các loại bút màu, bút đánh dấu và các từ khoá và hình vẽ.
4) Tự kiểm tra, đánh giá.
Dùng các thẻ nhớ tóm tắt lại các con số và sự kiện quan trọng. Đặt chúng ở chỗ dễ nhìn nhất hoặc dán lên tường xung quanh phòng bạn.
Thu thập và tập trả lời những câu hỏi của các kỳ thi trước. Có thể lúc đầu bạn cảm thấy lo lắng vì chưa biết phải làm thế nào. Tuy nhiên, hãy bình tĩnh và xem xét mối quan của những câu hỏi với kiến thức đã học. Chúng thuộc phần nào, chương nào, dạng bài tập nào, v.v. Sau đó liệt kê ngắn gọn những điểm bạn còn yếu hoặc chưa hiểu rõ. Những câu hỏi này sẽ giúp bạn nhận ra chỗ hổng kiến thức và chủ động tìm ra câu trả lời thay vì thụ động nhồi nhét một mớ kiến thức trong sách.
Hãy tập trả lời các câu hỏi trong điều kiện như ở phòng thi. Nếu có thể, bạn hãy nhờ bạn bè hoặc thầy cô đặt ra câu hỏi và chấm điểm cho bạn. Nhiều sinh viên ngại khâu tự kiểm tra này vì sợ đạt kết quả thấp. Tuy nhiên, thà biết được sự thật này và tìm cách khắc phục còn hơn là bị điểm kém sau kỳ thi chính thức!
5) Động lực học tập.
Suy cho cùng, điều quan trọng nhất vẫn là bạn có muốn ôn thi tốt hay không. Có nhiều sinh viên cho rằng ôn thi chỉ là nghĩa vụ còn kết quả ra sao không quan trọng. Muốn có kết quả cao, bạn cần cố gắng hết sức và đặt mục tiêu để phấn đấu. Hãy nhớ rằng thi cử mang lại lợi ích và kết quả không cho ai khác mà là cho chính bạn!
Mẹo đọc một quyển sách Tiếng Anh khó
Mặc dù bạn đã có khá nhiều kinh nghiệm trong kỹ năng đọc nhưng đôi khi có những quyển sách làm bạn lúng túng. Có thể là do chủ đề của cuốn sách khá mới mẻ với bạn nhưng cũng có thể là do từ ngữ được sử dụng mang tính học thuật cao. Global Education muốn chia sẻ với bạn một vài mẹo nhỏ để đọc một cuốn sách khó trở nên dễ dàng hơn.
1. Đầu tiên là bạn phải tìm nơi để đọc sách, đó là nơi mà bạn cảm thấy thoải mái nhất để đọc. Nói cách khác, đó là nơi bạn đọc “vào” nhất. Vậy thì đó là nơi nào. Mỗi người có một nơi đọc sách ưa thích khác nhau. Người thì cảm thấy thoải mái nhất khi ngồi trên bàn học bên cạnh cửa sổ của mình, có người lại chỉ có thể đọc sách khi ở trong thư viện, có người lại thích ngồi trên bãi cỏ hay ngồi ở trên ghể đá cạnh hồ, thậm chí có người còn cảm thấy thoải mái nhất khi được ngồi trên cây để đọc sách. Nói tóm lại là sở thích của mỗi người khác nhau vì vậy bạn hãy tuỳ theo sở thích của mình mà chọn nơi đọc sách lý tưởng nhất cho mình. Nhưng đa số mọi người không thể đọc được nếu nơi đó quá ồn ào, còn một số người thì khả năng tập trung cao đến nỗi họ đọc và nghiên cứu được ở khắp mọi nơi. Nơi đọc sách cực kỳ quan trọng nhất là khi bạn đọc một cuốn sách khó, vì một khi bạn đã không thể tập trung thì bạn sẽ không hiểu gì hết và đương nhiên là bạn sẽ không muốn tiếp tục đọc nữa mà muốn quẳng cuốn sách đó đi ngay và như thế thì nói gì đến các bước tiếp theo. Vì vậy, điều đầu tiên phải làm là chọn một chỗ ngồi đọc sách tốt đã nhé.
2. Thứ hai là hãy luôn mang theo quyển từ điển khi bạn đọc sách. Vì đây là một cuốn sách khó nên chắc chắn sẽ có nhiều từ bạn không hiểu nghĩa,lúc đó quyển từ điển sẽ phát huy tác dụng. Thêm vào đó, nếu bạn có thể kiếm được những tài liệu tham khảo liên quan đến cuốn sách thì cũng nên mang theo khi đọc sách vì chúng sẽ rất hữu dụng đấy, vì nếu có thuật ngữ hoặc dẫn chiếu nào không hiểu thì bạn có thể dùng tài liệu tham khảo này để đối chiếu.
3. Bạn nên nhìn qua phần mục lục để xem cấu trúc của cuốn sách như thế nào và cách tác giả sắp xếp nội dung ra sao. Bạn cũng nên đọc cả phẩn giới thiệu của cuốn sách nữa vì phần này sẽ cho bạn biết một vài ý cơ bản của cuốn sách, trong phần này tác giả thường nêu ra một vài ý quan trọng như những thông tin nào sẽ có trong cuốn sách, phương pháp và quy mô của nghiên cứu và tại sao những thông tin này lại quan trọng.
4. Đừng bao giờ để cuốn sách làm bạn cảm thấy nản lòng. Cho dù chán đi chăng nữa thì bạn cũng hãy cố gắng đọc hết cuốn sách để ít nhất thì bạn có thể hiểu được cuốn sách nói về cái gì, các nhân vật chính là ai, chuyện gì đã xảy ra với họ, những chuyện quan trọng đã xảy ra trong bối cảnh nào, v.v. Kỹ năng này được gọi là kỹ năng skimming mà Global Education đã có dịp giới thiệu với các bạn, nhưng bạn cũng nên cố gắng đọc càng nhiều càng tốt. Khi bạn đã đọc qua một lượt cuốn sách rồi thì ít nhất bạn cũng hiểu cuốn sách đó muốn viết về cái gì và tác giả đã cố gắng ra sao để hoàn thành cuốn sách đó. Như thế thì khi đọc lại cuốn sách và những tài liệu liên quan đến cuốn sách bạn sẽ không cảm thấy nó quá khó nữa.
5. Nếu cuốn sách đó là của bạn thì bạn nên dùng bút highlight để đánh dấu những ý, những câu hoặc những từ quan trọng. Còn nếu trong trường hợp bạn muốn giữ cho cuốn sách của mình vẫn còn y như mới thì bạn có thể cẩn thận ghi notes những ý quan trọng vào một tờ giấy khác đừng quên kèm theo số trang. Để dễ tìm thì bạn có thể đánh dấu những phần, những chương bạn không hiểu để sau đó quay lại đọc những phần này một cách kỹ hơn.
6. Nếu bạn cảm thấy mỏi mắt khi đọc thì tốt nhất là hãy dừng đọc một lúc để cho mắt có thời gian thư giãn và dành thời gian này để suy nghĩ về cuốn sách, sắp xếp lại các ý mình vừa đọc theo một trình tự logic nhất định. Viết ra những câu hỏi, những băn khoăn thắc mắc mà bạn có (cho đến lúc bấy giờ) về nội dung, nhân vật, tác giả, hoàn cảnh, v.v.
Nếu các định nghĩa vẫn còn quá khó hiểu đối với bạn thì bạn nên dùng biểu đồ hình cây để phân loại lại các ý, dùng hình ảnh hoặc màu sắc để minh hoạ cho các ý quan trọng. Bạn cũng có thể cùng nói chuyện với các bạn của mình về cuốn sách này. Hãy nói lên suy nghĩ và cảm xúc của bạn khi đọc cuốn sách.
Những cuộc nói chuyện như thế sẽ rất hữu ích vì bạn không những có thể hiểu thêm được nội dung trong sách mà còn có thêm một cách nhìn mới về một vấn đề vì mỗi người có một quan điểm khác nhau về cùng một sự vật, sự việc.
7. Tuy nhiên, bạn không nên ngừng đọc quá lâu vì như thế bạn sẽ nản và không muốn đọc tiếp nữa. Thêm vào đó, nếu bị ngắt quãng một thời gian dài thì khi đọc lại cuốn sách bạn sẽ chẳng nhớ nỗi mình đã đọc đến đâu rồi. Thậm chí bạn còn quên luôn cả một vài chi tiết quan trọng về nội dung cuốn sách nữa cơ. Có khi bạn còn quên luôn là tại sao mình phải đọc cuốn sách đó nữa ấy chứ. Vậy nên bạn hãy cố gắng đọc liên tục để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình nhé.
8. Khi bạn đã đọc hết một lượt cuốn sách bạn nên dành thời gian để đọc lại nó một lần nữa để hiểu sâu hơn về một vấn đề mà bạn đã hiểu trong lần đọc trước và hiểu những vấn đề mà bạn chưa hiểu. Nếu bạn đang đọc một cuốn tiểu thuyết thì khi đọc lại bạn hãy thử kể lại câu chuyện đó cho người khác. Cách này vừa giúp bạn ghi nhớ lại cốt truyện lâu lại vừa có thể thực hành kỹ năng nói. Một điều bạn nên chú ý là khi đọc lại cuốn sách bạn hãy cố dành nhiều thời gian để đọc những đoạn văn, những chương mà bạn không hiểu và đã bỏ qua trong lần đọc đầu tiên. Sau đó, hãy tìm ra mối liên kết giữa phần bạn đang đọc và phần bạn đã đọc.
9. Nếu sau khi sử dụng tất cả những cách trên mà bạn vẫn không hiểu được cuốn sách nói gì thì bạn nên nhờ đến sự giúp đỡ của giáo viên hướng dẫn. Họ sẽ trả lời cho bạn mọi thắc mắc về cuốn sách và những băn khoăn của bạn. Nhưng nên nhớ, những câu hỏi của bạn phải thật cụ thể, đừng bao giờ hỏi những câu chung chung, vì như thế giáo viên sẽ hiểu rằng bạn chưa từng đọc kỹ cuốn sách mà đã vội vã hỏi họ. Giáo viên sẽ hiểu rằng bạn là người ỷ lại và lười suy nghĩ nên họ sẽ không giúp bạn đâu. Giáo viên còn có thể sẽ đưa ra cho bạn những cách đọc sách hữu ích khác để bạn đỡ “vất vả” hơn với cuốn sách tiếp theo.
10. Lưu ý rằng, khi đọc một cuốn sách khó thì bạn cần phải có ít nhất là những thứ sau đây: thời gian, từ điển, bút viết, bút highlight, giấy, cái đánh dấu trang sách và cả sự kiên nhẫn nữa. Bạn hãy cố gắng chuẩn bị đầy đủ những thứ đó trước khi bắt đầu đọc để không cảm thấy chán nản khi đọc vì khi cần những vật dụng cần thiết thì cứ phải chạy đi tìm.
Trên đây là một vài mẹo nhỏ giúp bạn có thế đọc hết một cuốn sách khó mà không cảm thấy nản lòng. Hy vọng kỹ năng đọc của bạn càng ngày càng tiến bộ!
Nguyễn Toan - Global Education (Tổng hợp)
Những Biện Pháp Đơn Giản Để Học Tiếng Anh
Muốn học giỏi một ngôn ngữ nào đó thì bạn cần phải học tất cả các kỹ năng như: Nghe, Nói, Đọc, Viết và nắm được các khía cạnh cần thiết như từ vựng, ngữ pháp, phát âm…, và tiếng Anh cũng không phải là một ngoại lệ. Nếu bạn thực sự muốn học tốt tiếng Anh, tất nhiên bạn có thể làm được, quan trọng là học tập nghiêm túc và nói tiếng Anh càng nhiều càng tốt. Những bí quyết sau có thể giúp bạn học tiếng Anh dễ dàng hơn.
Để có thể sử dụng tiếng Anh tốt, bạn phải nắm chắc kỹ năng đọc. Hãy luôn mang theo một cuốn từ điển bên mình để bạn có thể tra cứu từ mới. Sau đó hãy viết những từ đó ra một cuốn sổ tay và sử dụng trong các cuộc hội thoại. Khi sử dụng thường xuyên, bạn sẽ thấy việc học từ vựng trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Sách, báo, tạp chí là những công cụ hữu ích giúp bạn học tốt tiếng Anh. Nếu mới bắt đầu, bạn có thể đọc những cuốn sách dành cho trẻ em, bởi từ vựng khá đơn giản nên bạn có thể hiểu và áp dụng dễ dàng, đồng thời chúng giúp bạn có thể nói tiếng Anh nhanh hơn. Nếu tiếng Anh của bạn đang ở trình độ nâng cao, bạn có thể thử đọc tạp chí hoặc báo in. Tiếng Anh trong nguồn này thường khó hơn, với đa dạng các chủ đề và mang tính thử thách hơn.
Khi mới bắt đầu đọc, đừng cố gắng hiểu tất cả các từ vựng bạn gặp. Thay vào đó, bạn chỉ nên cố gắng nắm ý tổng quát của bài đọc, những từ vựng khác trong câu sẽ giúp bạn hiểu được điều đó. Nếu lần đầu không hiểu thì bạn có thể đọc lại lần nữa và tra cứu nghĩa trong từ điển
Viết là kỹ năng quan trọng giúp bạn học tốt tiếng Anh. Khi viết, bạn có thể luyện tiếng cũng hiệu quả như khi đọc, bởi bằng hoạt động viết bạn sẽ càng hiểu được ngôn ngữ hơn. Để luyện tập tốt nhất, hãy viết tiếng Anh hàng ngày như viết thư cho bạn bè hoặc chỉ là những lời nhắn đơn giản. Bạn có thể viết nhật ký bằng tiếng Anh về những việc xảy ra trong ngày. Bắt đâu bằng những câu đơn giản sau đó có thể viết câu dài hơn và phức tạp hơn khi tiếng Anh của bạn khá hơn.
Một trong những cách tốt nhất để học tiếng Anh hiệu quả là nói. Nói tiếng Anh càng nhiều càng tốt, cho dù lúc ban đầu bạn có thể cảm thấy ngượng ngịu. Ban đầu, bạn hãy nghe những đoạn hội thoại mẫu trong các tình huống hàng ngày sau đó tiến hành luyện tập, nhắc lại. khi luyện tập, tiếng Anh của bạn sẽ được cải thiện
Nếu môi trường xung quanh bạn đều dùng tiếng Anh thì bạn không có lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng tiếng Anh. Điều này sẽ giúp bạn bắt đầu học cách nghĩ bằng tiếng Anh, và dần dần cải thiện kỹ năng nói và các kỹ năng ngôn ngữ khác. Nếu không, hãy tự tạo ra môi trường nói tiếng Anh cho mình bằng cách thực hành nói với bạn cùng phòng, đồng nghiệp ở cơ quan, hoặc tham gia một lớp học tiếng Anh giao tiếp …
Nghe hiểu tiếng Anh là một trong những kỹ năng quan trọng và khó nắm vững. Để hiểu được, bạn cần học nghe hội thoại tiếng Anh càng nhiều càng tốt. Bạn có thể nghe các chương trình tiếng Anh trên đài, ti vi hoặc trên mạng Internet. Có một số kênh bạn có thể tham khảo như BBC, VOA hay CNN. Ban đầu bạn có thể cảm thấy choán ngợp và nản lòng khi không nghe được nhiều. Nhưng càng nghe nhiều thì khả năng hiểu của bạn càng tăng lên. Cũng đừng cố gắng để dịch sang tiếng mẹ đẻ trong khi nghe. Thay vào đó, bạn chỉ nghe, nghĩ và hiểu bằng tiếng Anh, bởi việc dịch sẽ trở thành một rào cản cho bạn về sau này.
Cuối cùng, hãy tham gia một lớp học tiếng Anh giao tiếp hoặc một CLB nào đó để nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ của mình cũng như tạo môi trường luyện tiếng cho riêng mình. Nếu không có thời gian nhiều, bạn có thể tham khảo hình thức học trực tuyến Elearning để có thể học mọi nơi, mọi lúc và thích hợp với mọi trình độ.
Chúc các bạn thành công!
Hoàn Thiện Các Kỹ Năng Với 45 phút
Đã bao giờ bạn nghĩ rằng chỉ cần với 45 phút mỗi ngày, bạn sẽ sở hữu một khả năng tiếng Anh "cực tốt" chưa? Bạn đừng ngạc nhiên và hãy thử tham khảo những kinh nghiệm học tập dưới đây để xem mọi chuyện là như thế nào nhé!
Chỉ với một câu hỏi: “Phương pháp học tiếng Anh của bạn là gì?” thì mọi người sẽ có hàng ngàn câu trả lời khác nhau dựa vào kinh nghiệm học của riêng mình. Có người luyện kỹ năng tiếng Anh bằng cách nghe nhạc và xem các bộ phim nước ngoài, nhưng cũng có người luôn vùi đầu vào sách vở với cả một kho tàng kiến thức vô tận mà không biết đâu là điểm dừng.
Tất cả những kinh nghiệm trên đều rất hữu ích nhưng điều quan trọng hơn nữa là xây dựng cho mình được thói quen học tiếng Anh hàng ngày – một công việc đơn giản nhưng lại có sức mạnh lớn trong việc tăng khả năng tiếng Anh của bạn.
Tất cả những người học tiếng Anh đều phải công nhận rằng: Tiếng Anh là một kho tàng vô tận và nếu như không đi đúng hướng, bạn có thể lạc đường trong mê cung kiến thức đó. Chính vì vậy, các bạn đừng cố gắng học quá nhiều thứ cùng một lúc trong thời gian ngắn. Hãy xem việc thực hành như một thói quen nhỏ hàng ngày và hiệu quả học tập của bạn sẽ thay đổi thấy rõ qua từng ngày.
1. Luyện nghe – 10 phút
Chỉ với 10 phút thực hành nghe hằng ngày, bạn đã có thể tạo cho mình thói quen phản xạ nghe tiếng Anh. Mỗi người đều lựa chọn cách thực hành nghe như thế nào phù hợp và thuận tiện nhất. Bạn có thể tham khảo những gợi ý dưới đây để thực hiện nhé.
· Kênh tin tức trên Tivi và Internet: hiện nay có rất nhiều kênh thông tin sử dụng tiếng Anh, thực hành nghe bằng các bản tin giúp bạn tiếp cận với tiếng Anh thông dụng được sử dụng hằng ngày hoặc tiếng Anh ở một số lĩnh vực cụ thể như: chính trị, kinh tế, văn hóa, dụ lịch. Kiến thức xã hội đi kèm với khả năng nghe tiếng Anh của bạn sẽ cải thiện đáng kể.
· Nghe nhạc: Nghe nhạc giúp bạn làm quen linh hoạt với các tiêu đề khó trong tiếng anh như: sự luyến âm, nối âm, ngữ điệu lên xuống..bởi đặc trưng của các bài hát là giai điệu rất phong phú. Bạn có thể nghe và hát theo để kết hợp luyện giọng tiếng Anh.
· Sử dụng CDs, VCDs và băng cassette của các giáo trình giảng dạy tiếng Anh
10 phút không ít nhưng cũng không quá nhiều để bạn luyện tập, chính vì vậy điều quan trọng là mỗi người hãy tìm phương pháp phù hợp với hoàn cảnh và khả năng của chính bạn là điều quan trọng nhất.
2. Luyện đọc – 10 phút
Lựa chọn chủ đề mà bạn yêu thích để đươc, tuy nhiên, nhớ chú ý lựa chọn những chủ đề và bài viết phù hợp với trình độ của mình (từ beginning đến advanced) để tránh sự chán nản và tăng hiệu quả của việc thực hành nhé!
3. Luyện từ vựng - 10 phút
Bạn nên dành ra 5 phút để viết lại tất cả những từ mới mà bạn đã gặp trong 20 phút luyện nghe và luyện đọc trước đó. Hãy luôn giữ bên mình một cuốn sổ ghi chép để lưu lại những từ mới và nghĩa của nó. Thỉnh thoảng bạn có thể giở ra và ôn lại để có thể nhớ lâu hơn. Tự thiết lập cho mình mục “Top 15 words per day” để ghi lại những từ mới, khó hoặc khá thú vị cũng là một cách học hiệu quả. Bạn thử làm một phép tính nhỏ với phương pháp này nhé: mỗi ngày bạn có thể học ít nhất là 15 từ, mỗi tháng ít nhất là 450 từ và mỗi năm là 164.250 từ. Một con số ngoài sự tưởng tượng của bạn chỉ với 10 phút mỗi ngày đúng không?
4. Luyện ngữ pháp – 10 phút
Đây là khoảng thời gian bạn nhớ lại những gì đã được học trên lớp, hoặc nếu như bạn tự học mà không tham gia một khóa học nào thì 10 phút này là thời điểm mà bạn lấy sách ngữ pháp và ôn lại những tiêu điểm ngữ pháp đã từng học. Thêm vào đó, bạn có thể tham khảo ở các trang web học tiếng Anh online – mỗi ngày sẽ có những tiêu điểm ngữ pháp được giới thiệu (Tip of the Day). Ôn nhanh những tiêu điểm đó mà sau đó nhớ lại những cấu trúc, từ vựng mà bạn đã gặp trong 10 phút thực hành nghe và 10 phút thực hành đọc? Bạn có gặp lại những cấu trúc đấy không? Chúng được sử dụng như thế nào?
5. Luyện nói - 5 phút
Luyện nói hàng ngày đặc biệt quan trọng dù bạn chỉ dành ra 5 phút để thực hành. Hãy cố gắng nói thực sự, tóm tắt lại những gì bạn đã nghe và đọc. Nếu như việc luyện tập này được thực hiện một mình sẽ gặp nhiều khó khăn thì bạn có thể cùng học tập với bạn bè.
Chỉ gói gọn trong vòng 45 phút mỗi ngày, hàng ngày hoặc ít nhất là 4 ngày trong 1 tuần, bạn đã có thể tạo thành một thói quen học tiếng Anh. Nếu như bạn giữ được thói quen này thì trình độ của bạn sẽ tiến bộ rất nhanh chóng.
Để Học Tiếng Anh Thật Tốt
Để có được những kiến thức thật tốt về Tiếng Anh thì mỗi người cần phải luyện tập thật sự thì mới có thể đạt được trình độ mà mình mong muốn. Có rất nhiều phương pháp để mỗi người có thể vận dụng cho việc học tập cho riêng mình thế nhưng để có thể vận dụng tốt những phương pháp đó thì chúng ta phải cần có một nền tảng thật vững chắc, và những điều dưới đây chính là những điều căn bản để giúp mọi người có thể hoàn thiện khản năng Anh Ngữ của mình.
1- Họctậpqua từngngày, mỗi ngày chỉ cần 10 phút. Buổisánglà thờigiantốtnhất.
Căn cứ vào đặc điểm trí nhớ của con người trong điều kiện tổng thời lượng tương đồng, hiệu quả học nhiều lần trong thời gian ngắn luôn tốt hơn học một lần trong thời gian dài. Nếu cứ cách 3 ngàyhọc 30 phúttừmới thì hiệu quả sẽ khôngbằngcách mỗingày chúng tahọcvàcủngcốtrong 10 phút. Sáng sớm khi vừa ngủ dậy não chúng ta chưa bị những tin tức hỗn tạp xung quanh cuộc sống xâm nhập, khi học mà không bị tác động của tin tức hỗn hợp bên ngoài thì rất dễ giúp chúng ta tiếp thu, tương tự như vậy, trước khi ngủ thì hiệu quả cũng tương đối tốt.
2- Khihọcđãchánnênthayđổiphươngphápvàhìnhthứchọc.
Nếu như thường xuyên sử dụng một phương pháp rất dễ khiến cho chúng ta cảm thấy đơn điệu nhàm chán và mệt mỏi, những người có nghị lực cũng không ngoại lệ. Nếu thường xuyên thay đổi phương thức học chẳng hạn như chuyển đổi từ đọc qua nghe từ viết qua hội thoại, xem băng hình… như thế sẽ khiến cho người học có cảm nhận mới mẻ, dễ dàng tiếp thu tri thức.
3- Khôngthoátlyngữcảnh.
Đối vớithanhthiếuniên, trínhớmangtínhmáymóctươngđốicao, đốivớingườitrưởngthành, trínhớmangtínhlýgiảicao. Chỉ cónhữngvấnđềđãđượchiểumớicóthểcảmthụmộtcáchsâusắc, mớighinhớđược. Liên hệvớingữcảnhchínhlànhấnmạnhphươngpháphiệuquảcủasựghinhớmangtínhlýgiải.
4- Cốgắngdịchthầmnhữngthứbạntiếpxúc, chẳnghạnnhưquảngcáo, câu chữngẫunhiên.
Dịch thầm những thứ bạn tiếp xúc, có lợi cho việc mở rộng tri thức và nâng cao khả năng phản ứng nhanh, để khi phát hiện những lỗi thì lập tức bổ sung ngay.
5- Cần phảighinhớnhưngcáiđãđượckhẳngđịnhlàđúng.
Học ngoạingữ, khôngchỉnắmbắtnhữngkiếnthứcđúngtronggiáotrình, màcònphảithông qua giáotrìnhphảndiệnđểhọcđượccáchtránhphạmlỗi. Cho nênngoàiviệchọctậpnhữngkiếnthứcđãđượctừ thầy cô giáohiệuchỉnhra, cònphảixemthêmmộtsốsáchgiảnggiảivềlỗithườnggặp.
6- Họcngoạingữ, cầnphảiphốihợptừnhiềuphươngdiện:
Đọc báo, tạp chí, sác tham khảo, nghe đài, xem băng, tham dự các buổi đàm thoại hay tham gia các CLB Tiếng Anh.
7- Phảimạnhdạntậpnói, khôngsợsai.
Cần phảinhờngườikhácsửalỗi, khôngsợxấuhổ, khôngnhụtchí.
8- Thườngxuyênviếtvàhọcthuộcnhữngmôhìnhcâuthườngdùng.
Học ngoạingữkhôngnên “vơđũacảnắm“, nênnắmnhữngđiểmcốtlõi. Nhìn từkếtcấucủangoạingữ, nắmđượcnhữngcấutrúccâuthườngdùnglàrấtquantrọng. Trong câuthườngcótừ, ngữphápcúphápvàtậpquán.
9- Cầnphảitự tin kiênđịnhmụcđíchđãđịnh, sựkiênnhẫnsẽtạoranghịlực phi thườngvàtàinănghọcngoạingữ.
Một nhà tư tưởng Mỹ từng nói: “Tự tin là bí quyết quan trọng đầu tiên của sự thắng lợi” Nếu bạn không tin là bản thân sẽ học tốt ngoại ngữ, thì chắc chắn bạn không bao giờ học giỏi được, và tốt nhất là từ bỏ, khi bắt đầu học ngoại ngữ thì phải tin tưởng bản thân có nghị lực, tin rằng sẽ ghi nhớ được và nhất định sẽ thành công…
Mẹo để học tiếng Anh hiệu quả hơn
Cleverlearn - Bạn đã học tiếng Anh khá lâu và đã đạt được một trình độ nhất định nhưng trong suốt một khoảng thời gian dài qua, bạn thấy mình không tiến bộ được gì nhiều. Bạn bắt đầu thấy nản lòng hay lo lắng vì điều đó? Sau đây sẽ là một vài mẹo nhỏ giúp bạn lấy lại cảm hứng cho việc học tiếng Anh của mình.
1. Tự hỏi bản thân xem mình muốn học gì trong tuần này?
Bạn hãy tự hỏi bản thân mình câu hỏi hàng ngày, hàng tuần. Hãy cân nhắc xem lúc này bạn cần và muốn học gì nhất? Tập trung vào một bài đang học trên lớp hay một bài tập ngữ pháp cụ thể sẽ rất dễ dàng phải không nào? Nếu mỗi tuần bạn lại dành chút thời gian để suy nghĩ và thiết lập mục tiêu nho nhỏ cho mình, bạn sẽ thấy mình tiến bộ qua từng tuần và chính sự tiến bộ đó lại là động lực giúp bạn học Tiếng Anh hiệu quả hơn. Bạn sẽ thấy ngạc nhiên vì chính cảm giác thành công này còn thôi thúc bạn học tiếng Anh tốt hơn rất nhiều. Nhưng hãy lưu ý đặt những mục tiêu thật đơn giản và thiết thực để bạn có thể thực hiện được mà không cảm thấy quá sức nhé!
2. Xem xét lại tất cả những thông tin quan trọng đã học trong ngày trước khi đi ngủ
Một nghiên cứu chỉ ra rằng bộ não của chúng ta xử lý các thông tin mới ngay cả khi chúng ta đang ngủ. Trước khi đi ngủ hãy xem qua một vài bài tập ngữ pháp hay bài tập đọc, bạn chỉ cần liếc qua rất nhanh những gì mà bạn vừa mới học và bộ não sẽ xử lí những thông tin này khi bạn ngủ. Cách này vừa hiệu quả lại không mất quá nhiều thời gian và công sức của bạn.
3. Luyện nói tiếng Anh trước gương hay đọc to các bài khoá tiếng Anh
Hãy nói lên những gì bạn nghĩ ở trong đầu.Vì cũng như khi chơi tennis, việc bạn biết tất cả những kĩ năng cơ bản của việc chơi không có nghĩa là bạn là một tay chơi tennis cừ. Tiếng Anh cũng vậy, biết tất cả các cấu trúc ngữ pháp và nhiều từ vựng cũng không có nghĩa là bạn có thể nói tiếng Anh một cách thành thạo, tự nhiên. Điều này chỉ có thể đạt được khi bạn thực hành nói một cách thường xuyên. Luyện nói trước gương, đọc to những bài khoá sẽ giúp bạn phát âm tốt hơn, có kiến thức nhiều hơn và ghi nhớ các cách diễn đạt một cách tự nhiên.
4. Luyện nghe tiếng Anh 4 lần mỗi tuần, mỗi lần khoảng từ năm đến mười phút
Việc họcnghe tiếng Anh cũng giống như việc đi bộ. Nếu bạn đi vài cây số chỉ trong một ngày và sau đó lại chẳng hề đi lấy một bước trong cả tháng thì việc đi bộ chẳng những không giúp bạn có được một thân hình cân đối mà còn khiến bạn đau chân thêm. Kỹ năng nghe cũng vậy. Nếu bạn quyết định học nghe thật chăm chỉ trong vòng vài giờ và sau đó bạn không hề làm thêm bất kì bài luyện nghe nào thì kỹ năng nghe của bạn không thể tiến bộ được. Nhưng ngược lại, nếu bạn chỉ nghe trong vài phút nhưng thường xuyên (mỗi ngày nghe năm đến mười phút) thì chẳng bao lâu bạn sẽ rèn luyện được thói quen nghe tiếng Anh và chắc chắn bạn sẽ tiến bộ rất nhiều.
5. Tìm cách thực hành các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết trong thực tế
Đây có lẽ là lời khuyên quan trọng nhất. Bạn cần sử dụng tiếng Anh trong những tình huống thực tế. Học tiếng Anh trên lớp rất quan trọng nhưng thực tế làm sao để sửdụng tiếng Anh trôi chả y còn quan trọng hơn rất nhiều. Bạn có thể tự tạo cho mình những tình huống bằng cách sử dụng Internet để nghe tin, nói chuyện với người nước ngoài, viết ý kiến của mình lên các forum, trao đổi thư điện tử bằng tiếng Anh với những người bạn, v.v. Đây là cách mà bạn có thể luyện được khả năng sử dụng tiếng Anh chủ động và thực tế.
Trên đây là một vài mẹo nhỏ giúp bạn hào hứng trở lại với việc học tiếng Anh. Bạn cũng có thể áp dụng những mẹo này thành một phương pháp học mới xem sao. Chúc bạn học tập hiệu quả!
Kinh nghiệm học tốt của kì tài ngoại ngữ
Cleverlearn - Học ngoại ngữ theo nhiều người, nhất là khi không phải là người bản ngữ có thể là một chuyện khó. Nhưng với những kinh nghiệm của bà Lara Lomubus, một nhà phiên dịch nổi tiếng của Hungari, người thông thạo hơn mười thứ tiếng như Anh, Pháp, Nga, Nhật…Hy vọng sẽ là những kinh nghiệm có ịch cho những người muốn học tốt ngoại ngữ.
1- Kiên trì học tập từng ngày, chỉ giành ra 10 phút cũng được. Buổi sáng là thời gian tốt nhất.
Cǎn cứ vào đặc điểm trí nhớ của con người trong điều kiện tổng thời lượng tương đồng, hiệu quả học nhiều lần trong thời gian ngắn luôn tốt hơn học một lần trong thời gian dài. Nếu cách 3 ngày học 30 phút từ mới, không bằng mỗi ngày học và củng cố trong 10 phút. Sáng sớm khi vừa ngủ dậy não chúng ta chưa bị những tin tức hỗn tạp xâm nhập, khi học không bị tác động của tin tức hỗn hợp, tương tự như vậy, trước khi ngủ mà hoc tập, do sau đó không bị tác đông của tin tức nên hiệu quả tương đối tốt.
2- Khi học đã chán nên thay đổi phương pháp và hình thức học.
Thường xuyên sử dụng một phươn pháp rất dễ khiến cho chúng ta cảm thấy đơn điệu nhàm chán và mệt mỏi, những người có nghị lực cũng không ngoại lệ. Nếu thường xuyên thay đổi phương thức học chẳng hạn như chuyển đổi từ đọc qua nghe từ viết qua hội thoai, xem bǎng hình... như thế sẽ khiến cho người học có cảm nhận mới mẻ, dễ dàng tiếp thu tri thức.
3- Không thoát ly ngữ cảnh.
Đối với thanh thiếu niên, trí nhớ mang tính máy móc tương đối cao, đối với người trưởng thành, trí nhớ mang tính lý giải cao. Chỉ có những vấn đề đã được hiểu mới có thể cảm thụ một cách sâu sắc, mới ghi nhớ được. Liên hệ với ngữ cảnh chính là nhấn mạnh phương pháp hiệu quả của sự ghi nhớ mang tính lý giải.
4- Cố gắng dịch thầm những thứ bạn tiếp xúc, chẳng hạn như quảng cáo, câu chữ gặp ngẫu nhiên.
Dịch thầm những thứ bạn tiếp xúc, có lợi cho việc mở rộng tri thức nâng cao khả nǎng phản ứng nhanh, khiến cho bản thân có thể nhanh chóng lấy từ câu, cú pháp từ trung khu đại não, phát hiện thấy không đủ thì lập tức bổ sung.
5- Chỉ có những cái đã được thầy giáo sửa chữa mới đáng ghi nhớ kỹ, nghĩa là cần phải ghi nhớ nhưng cái đã được khẳng định là đúng.
Học ngoại ngữ, không chỉ nắm bắt những kiến thức đúng trong giáo trình, mà còn phải thông qua giáo trình phản diện để học được cách tránh phạm lỗi. Cho nên ngoài việc học tập những kiến thức đã được thầy giáo hiệu chỉnh ra, còn phải xem thêm một số sách giảng giải về lỗi thường gặp.
6- Học ngoại ngữ, cần phải phối hợp từ nhiều phương diện:
Đọc báo, tạp chí, sác tham khảo, nghe đài, xem bǎng, tham dự các buổi đàm thoạt.
7- Phải mạnh dạn tập nói, không sợ sai.
Cần phải nhờ người khác sửa lỗi, không sợ xấu hổ, không nhụt chí
9- Thường xuyên viết và học thuộc những mô hình câu thường dùng.
Học ngoại ngữ không nên "vơ đũa cả nắm", nên nắm những điểm cốt lõi. Nhìn từ kết cấu của ngoại ngữ, nắm được những cấu trúc câu thường dùng là rất quan trọng. Trong câu thường có từ, ngữ pháp cú pháp và tập quán.
10- Cần phải tự tin kiên định mục đích đã định, sự kiên nhẫn sẽ tạo ra nghị lực phi thường và tài nǎng học ngoại ngữ.
Một nhà tư tưởng Mỹ từng nói: "Tự tin là bí quyết quan trọng đầu tiên của sự thắng lợi" Nếu bạn không tin là bản thân sẽ học tốt ngoại ngữ, thì chắc chắn bạn không bao giờ học giỏi được, và tốt nhất là từ bỏ, khi bắt đầu học ngoại ngữ thì phải tin tưởng bản thân có nghị lực, tin rằng sẽ ghi nhớ được và nhất định sẽ thành công...
Đọc bài tiếng Anh như thế nào cho hiệu quả?
Clever learn - Khi gặp một bài đọc tiếng Anh, với Teen, đặc biệt là những Teen không được Pro cho mấy về kỹ năng thứ 3 này (nghe-nói-đọc-viết) thì đây thật sự là một chuyện khó “nhai”. Nhiều Teen cảm thấy chán nản khi đọc hoài đọc mãi mà vẫn chưa hiểu được vấn đề. Đừng nản chí nhé, những bước hướng dẫn sau đây hy vọng sẽ là những chiếc phao giúp Teen vượt qua thử thách để trở thành một nhân thật Pro về Anh ngữ.
Để bắt đầu, bạn cần bài đọc (dĩ nhiên rồi), 1 tờ giấy và 1 cây bút (quá đơn giản). Trước khi đọc vào bài, hãy khoan đọc từng chữ một để rồi chẳng nhớ gì cả. Hãy nhìn vào tựa đề và đoạn văn đầu tiên của bài đọc. Đây chính là nơi tác giả thể hiện chủ đề bài viết và tóm lược ngắn gọn bài viết của mình. Viết ra giấy chủ đề và ý chính của tác giả ngay để mình theo dõi. Nếu bài viết được minh họa bằng hình ảnh, biểu đồ, bạn cũng nên xem qua nhé. Vì biểu đồ, hình ảnh để minh họa cho bài viết chắc chắn liên quan đến bài viết, mà nhìn hình vừa thú vị, vừa dễ hiểu hơn đọc chữ phải không nào?
Sau đó, dừng lại 5 phút, để nghĩ xem mình biết gì về chủ đề này. Viết những điều mình biết ra giấy, và đặt một số câu hỏi về bài viết (cũng viết ra giấy luôn). Bạn đừng băn khoăn xem nên đặt câu hỏi thế nào, rất dễ, bạn muốn biết cái gì qua bài đọc, thì đặt câu hỏi về cái đó.
Bây giờ, hãy bắt đầu đọc thật kỹ, từng chữ một để hiểu bài viết. Nhớ đây là giai đoạn đọc để hiểu, nên khi gặp từ lạ, phải nhanh chóng tìm nghĩa của từ. Trong khi đọc, nếu có thắc mắc gì thì ghi ra giấy ngay nhé. Ngoài ra, thấy ý nào hay cũng ghi ra giấy luôn. Tờ giấy và cây bút bây giờ rất lợi hại nhé!
Sau khi hoàn tất bài đọc, đoán xem bạn nên làm gì nào? Điều bạn nên làm là tóm tắt bài viết theo sự hiểu biết của bạn và trả lời những câu hỏi list ra nãy giờ. Đây chính là phần khó khăn nhất, nhưng cũng là phần giúp bạn nắm bài viết một cách chi tiết và thấu đáo nhất. Rất đáng để thực hiện và tập luyện phải không nào?
Sau cùng, sau khi hoàn tất các bước trên, xem lại các câu hỏi để chắc chắn mình đã trả lời đúng, sau đó viết một đoạn ngắn suy nghĩ của mình về bài viết (bằng tiếng Anh càng tốt). Đừng lo lắng về văn phạm hay cách dùng từ, cái quan trọng là idea và sự hiểu biết của bạn, và chắc rằng sau này chỉ cần đọc qua đoạn văn ngắn này bạn sẽ nắm được toàn bộ bài đọc. Vậy là bạn đã thành công rồi đó!
Với những bước như trên, hy vọng Teen sẽ ưự tin hơn khi đọc những bài tiềng Anh. Chúc Teen thành công nhé!
Mẹo Học Tiếng Anh Qua Việc Xem Phim
Tại sao nên xem phim tiếng Anh ?
Nếu bạn thực sự quan tâm đến điện ảnh, bạn sẽ thấy ngay việc xem phim gốc hay hơn phim lồng tiếng rất nhiều. Trong phim gốc giọng của diễn viên là giọng thật.
Học tiếng Anh bằng cách xem phim tiếng Anh là cách học tiếp thu trực tiếp. Bạn sẽ thu thập được rất nhiều câu nói chuẩn. Sau đó bắt chước và biến chúng thành của mình. Chẳng phải mục đích học tiếng Anh là để có thể tự diễn đạt đấy sao? Đó là lí do tại sao xem phim (cũng như đọc sách) là cách học tiếng Anh rất tốt.
Khi xem phim, bạn sẽ học được cách người bản xứ nói. Bạn học được nhiều từ: khi nói, người bản xứ không dùng các từ như trong khi viết. Ngôn ngữ nói khác với ngôn ngữ viết. Ví dụ:
o Ngôn ngữ viết: The price of five dollars was acceptable, and I decided to purchase it. (Giá 5 đô-la là hợp lí, tôi quyết định mua).
o Ngôn ngữ nói: It was, like, five bucks, so I was like "okay".
Trong nhiều bộ phim, các đoạn hội thoại giống với tiếng Anh hàng ngày. Qua phim, ta cũng có thể học được các từ dân dã và tiếng lóng chưa có trong từ điển tiếng Anh. Ví dụ, bạn có thể bắt gặp trong một bộ phim nào đó "Give me the freaking keys!" (Đưa tôi cái chìa khóa nào!) nhưng bạn không thể tìm được từ "freaking" (mang nghĩa nhấn mạnh) trong từ điển.
Xem phim tiếng Anh , bạn sẽ:
· Học được cách phát âm các từ: Phim giúp bạn tập phát âm, bên cạnh việc cung cấp ngữ pháp và từ vựng. Nếu bạn nghe nhiều người Mỹ hoặc người Anh nói, bạn sẽ có thể nói giống như họ.
· Hiểu được ngôn ngữ nói: Phim được sản xuất cho người bản xứ chứ không phải cho người học tiếng Anh, vì vậy, diễn viên nói nhanh như người bản xứ nói chuyện hàng ngày.
· Cảm thấy yêu thích tiếng Anh: Khi nghe các diễn viên đối thoại, bạn hiểu được phần lớn những lời thoại đó, bạn thấy giọng tiếng Anh của họ thật duyên dáng và bạn sẽ thấy muốn nói được như họ. Ít nhất bạn cũng cảm thấy yêu và thích thú với ngôn ngữ đang học hơn rất nhiều.
Một số khó khăn khi xem phim tiếng Anh:
Để xem được phim tiếng Anh bạn phải có một lượng từ tương đối lớn. Khác với khi đọc sách, bạn có thể tra từ điển thì khi xem phim, đối thoại diễn ra rất nhanh và nhiều khi không rõ. Nhưng bạn nên biết rằng, đôi khi ngay cả người bản xứ cũng không hiểu được một số đoạn đối thoại trong phim.
Khi xem phim không hiểu thì làm thế nào?
Nếu bạn không hiểu chỗ nào đó trong bộ phim hãy dừng lại và xem hình thật kỹ bởi hình ảnh trong phim là những gợi ý rất quan trọng trong quá trình hiểu ngôn ngữ nói của bạn.
Hầu hết các đĩa phim đều có phụ đề. Bạn sẽ không phải lo về những đoạn đối thoại nhanh và khó nghe – lời thoại đã được viết trên màn hình, và khi đó bạn có thể tra từ điển vì đã biết cách viết của từ đó.
Vấn đề là xem phim có phụ đề thì bạn sẽ lười – bạn sẽ không chịu nghe mà chỉ đọc phụ đề. Như thế bạn sẽ không luyện nghe được. Vì vậy, nên cố gắng xem phim không có phụ đề. Chỉ bật phụ đề lên khi quá khó, nghe đi nghe lại vẫn không hiểu.
Phần giới thiệu phim
Đây là điều quan trọng nhất: trước hết, bạn nên đọc giới thiệu về bộ phim rồi mới xem phim. Như vậy, khi xem phim bạn đã biết những từ cần thiết. Đây là cách tốt nhất để xem phim, vì:
Bạn sẽ rất thích thú khi hiểu được bản gốc của bộ phim. Bạn sẽ thấy rất hứng thú khi học một từ, và hiểu biết về từ đó giúp bạn thưởng thức bộ phim. Một khi đã cảm thấy thích thì bạn sẽ lại muốn học thêm nữa.
Bạn không cần phải dừng khi đang xem (hoặc dừng ít hơn) vì đã biết sơ qua về nội dung phim. Phần giới thiệu không giải thích được tất cả những câu khó trong phim nhưng giúp bạn hiểu hơn.
Một vài gợi ý
Để học có hiệu quả hơn khi xem phim bạn nên làm như khi bạn đọc sách:
- Chú ý những gì bổ ích: từ/ cụm từ mới, ngữ pháp, cấu trúc…
- Dùng từ điển để tra nghĩa: bạn có thể dừng phim để tra các từ lạ hoặc viết lại các câu rồi tra sau. Nhưng phải tra từ điển để hiểu nghĩa
- Ghi những gì bổ ích vào sổ/ phần mềm ghi nhớ: nếu phim có phần giới thiệu bạn có thể lưu các câu trong phần giới thiệu lại trước khi xem phim, sau đó lưu thêm các từ bạn không hiểu khi xem phim để tìm hiểu thêm.
Chúc các bạn học được nhiều điều khi thưởng thức những bộ phim ưa thích bằng tiếng Anh !
Phim Ảnh Xem Thế Nào là Hiệu Quả?
Đồng ý việc xem phim điện ảnh nước ngoài là một trong những phương cách hiệu quả nhất chẳng những giúp tăng cường vốn từ vựng mà còn giúp bạn tăng tiến trong giao tiếp bằng Tiếng Anh hiệu quả nhất. Nhưng xem phim như thế nào là hiệu quả?
1/ Một số bạn rất thích xem các chương trình truyền hình của Disney Channel, nhưng phần nhiều khi được hỏi, đều rất chú trọng đến phần subtitle bằng tiếng Việt khi xem phim. Như vậy là bạn đã tự mình làm mất đi một phần lợi ích của việc xem phim tiếng Anh rồi đấy.
Tại sao chúng ta không chú tâm lắng nghe và cố gắng hiểu những gì nhân vật trong phim đang nói nhỉ? Có vẻ hơi khó khăn đối với các bạn, nhưng thực tế, phần phụ đề subtitle bằng tiếng Việt chỉ để giúp đỡ các bạn trong việc hiểu rõ hơn mạch câu chuyên khi cần. Cần lưu ý là một số từ ngữ khi được chuyển dịch sang tiếng Việt đã làm mất đi hết ngữ nghĩa gốc của chúng.
2/ Việc xem DVD với bản phụ đề subtitle bằng tiếng Anh là sự lựa chọn của nhiều bạn ở trình độ cao hơn. Có một cách rất tốt để các bạn có thể xem phim và ghi nhớ được từ vựng, cách nói của các nhân vật trong phim.
Bạn có bao giờ mê thích một series phim hoạt hình đến nỗi xem đi xem lại mà không chán? Đó cũng chính là lúc bạn có khả năng phát triển kĩ năng nghe và nhớ của mình đấy.Lúc đầu, mới xem phim, vì chưa hiểu rõ được mạch truyện, có thể bật phụ đề subtitle on. Sau đó, khi cần xem lại một lần nữa, hãy tắt chế độ subtitle và lắng nghe xem bạn có thể hiểu mấy phần câu chuyện. Bạn sẽ cảm nhận được cái hay của từng giọng nói và cách thức của nhân vật trong phim một cách hoàn toàn khác hẳn với ban đầu, khi chỉ chúi mũi vào để đọc subtitle.
Xem phim theo cách này chẳng những giúp bạn nâng cao các kĩ năng mà còn mang lại cho bạn những cảm xúc mới, những cảm nhận mới về bộ phim ấy mà khi xem với phụ đề subtitle bạn không thể nào có được. Hãy thử áp dụng và biết đâu sau này bạn sẽ trở thành một chuyên gia phim ảnh : )
Học Tiếng Anh Qua Phim Ảnh
Bạn là một Fan hâm mộ điện ảnh, và với một vốn kiến thức tiếng Anh nho nhỏ mà các bạn tiếp thu được từ trường học hay các trung tâm anh ngữ,… thì tại sao bạn không hãy xem những bộ phim do Hollywood sản xuất nhỉ?; đặc biệt là các phim gốc không có phụ đề.
Các bạn biết đấy! Ngày nay, cuộc sống ngày càng căng thẳngg thì vấn đề giải trí là một nhu cầu thiết yếu đối với tất cả mọi người. Chính vì vậy mà các nhà sản xuất phim, đạo diễn ngày càng cố gắng sản xuất ra các tác phẩm thật hay để đem đến cho mọi người những giây phút giải trí thú vị nhất.
Vì vậy nếu như bạn là một Fan hâm mộ điện ảnh, và với một vốn kiến thức tiếng Anh nho nhỏ mà các bạn tiếp thu được từ trường học hay các trung tâm anh ngữ,… thì tại sao bạn không hãy xem những bộ phim do Hollywood sản xuất nhỉ?; đặc biệt là các phim gốc không có phụ đề. Nó chính là một người bạn thân thiết nhất với bạn trên con đường trở thành “người bản xứ” trong việc học tiếng anh đấy!!!
Tại sao lại như vậy nhỉ?
Điều đấy hòan tòan chính xác đó nha! Bạn thử nghĩ xem: Nếu như bạn thực sự là một Fan hâm mộ điện ảnh, chắc chắn bạn sẽ thấy ngay rằng phim gốc hay hơn nhiều so với phim mà đã qua lồng tiếng. Thứ nhất, giọng của diễn viên là giọng thật đúng với ý đồ của các nhà đạo diễn. Thứ hai, xem phim chính là cách bạn học tiếng anh một cách trực tiếp; bạn sẽ nghe được những câu nói chuẩn, rõ ràng và bắt chước những điều đó về phía mình. Chẳng phải mục đích của việc học tiếng Anh là có thể diễn đạt được đấy sao. Thì đây chính là cơ hội giúp bạn có thể diễn đạt được một cách tốt nhất đấy. Chính vì vậy mà việc xem phim và đọc sách tiếng anh là vô cùng bổ ích.
Tuy nhiên việc xem phim và đọc sách có những điểm khác nhau đấy nhé! Khi bạn đọc sách, bạn sẽ học được cách hành văn của họ. Còn khi xem phim bạn sẽ học được cách họ nói chuyện như thế nào. Ngòai ra bạn sẽ học được nhiều từ vận hơn, vì trong văn nói và văn viết có những chỗ rất khác nhau. Chẳng hạn, bạn có thể tham khảo ví dụ sau:
Trong văn viết: :The price of five dollars was acceptable, and I decided to purchase it. (Giá 5 đô la là hợp lí, tôi quyết định mua nó).
Nhưng trong văn nói ta có thể dùng: “It was like, five bucks, so I was like, okay”.
Ngòai ra, bạn sẽ học được rất nhiều từ dân dã và tiếng lóng của họ, học cách họ phát âm như thế nào,…. Tuy nhiên chắc chắn bạn cũng sẽ gặp không ít khó khăn, vì sẽ có rất nhiều từ mà bạn không biết và khó hiểu. Khi gặp trường hợp như vậy bạn nên bấm nút tạm dừng và tra từ điển ngay những từ mà bạn không biết. Và một một điều đặc biệt cần lưu ý đó là bạn nên xem phần giới thiệu trước khi xem phim nhé. Nó sẽ giúp ích rất nhiều trong việc xem phim của bạn đấy.
Chúc các bạn thành công.!!!
10 chỉ dẫn để học ngoại ngữ thành công
Ngoại ngữ chính là chìa khóa mở cánh cửa tương lai. Hãy đọc 10 chỉ dẫn sau để nắm được chiếc chìa khóa ấy.
1/ Thiết lập những ước muốn thực tế
Có cảm giác không thoải mái và e ngại trong lớp học ngoại ngữ (NN) là một điều hết sức tự nhiên. Hãy chấp nhận sự thật rằng bạn sẽ không hiểu mọi thứ. Sự thật là vào thời điểm bắt đầu, bạn sẽ không hiểu được gì mấy cả.
Nhớ rằng trong suốt khoảng thời gian ban đầu, tai và tâm trí của bạn đang được điều chỉnh để thích nghi với âm thanh và âm điệu của ngôn ngữ. Dù bạn không hiểu tất cả những gì đã nói, bạn sẽ bất ngờ về sự tiến bộ của bạn vì sự nhạy bén về NN của mình. Hãy nhớ rằng học NN phải thông qua thực hành, thực hành và thực hành nhiều hơn. Trong những khoá học có thực hành như vậy, bạn sẽ có thể mắc lỗi… và bạn sẽ học hỏi được từ chính những lỗi đó.
2/ Chiathời gian học ra thành nhiều khoảng
Nghiên cứu cho thấy học NN thường xuyên, trong những khoảng thời gian ngắn hiệu quả hơn khi học không thường xuyên trong những khoảng thời gian kéo dài. Hãy cố gắng học mỗi ngày, vào bất cứ khi nào có thể và một vài lần trong ngày. Nghĩa là làm một số bài tập ở nhà mỗi ngày hơn là làm tất cả những bài tập được giao ở nhà vào buổi tối trước khi nó đến hạn nộp.
Thêm vào đó, bạn có thể làm cùng một lúc được nhiều việc trong lúc tâm trí ‘nhàn rỗi’.
Ví dụ: Bạn có thể ôn lại từ vựng trong khi ăn sáng, đọc thuộc lòng bảng chữ cái trong khi tắm, đếm những bước chân của bạn trong khi đi bộ giữa những lớp học, nêu tên những điều mà bạn có thể, nói về mục tiêu học NN của bạn trên đường bạn đến trường, làm những tấm thẻ cầm tay ghi từ vựng trong những chuyến đi.
Trong một ngày bạn có thể dành ra một ít phút cho thời gian thực hành NN. Nhắc lại các nội dung đã học sẽ giúp bạn thân thuộc với các nội dung đó một cách nhanh hơn, cho đến khi nó thực sự trở thành phản xạ.
3/ Học từ vựng một cách hiệu quả
Từ vựng là một phần thiết yếu nhất trong giao tiếp. Bạn càng biết nhiều từ thì bạn càng có thể nói và hiểu tốt hơn.
Cách tốt nhất để học từ vựng là thông qua việc sử dụng những tấm thẻ ghi nhớ cầm tay mà chính bạn tự tạo ra. Mua những tấm thẻ kích cỡ bỏ túi (sao cho dễ dàng mang đi mọi nơi). Hãy viết những từ vựng lên mặt trước và định nghĩa tiếng Anh của nó lên mặt sau. Như thế bạn có thể học được nhiều thông tin hơn ở mỗi từ (chẳng hạn những hình thức số nhiều của danh từ, những phần về nguyên tắc chia động từ), bạn có thể thêm những thông tin này trên những tấm thẻ.
Có rất nhiều cách mà bạn có thể sử dụng những tấm thẻ cầm tay giống như một công cụ học tập. Để giúp bạn học và nhớ được các loại từ, bạn có thể sử dụng những tấm thẻ có màu sắc, hoặc sử dụng mực có màu. Khi học, sắp xếp các từ theo các nhóm nghĩa phù hợp. Sắp xếp những tấm thẻ hoặc những nhóm thẻ để bạn có thể dùng những chồng thẻ theo trật tự khác nhau. Những tấm thẻ học từ vựng nhanh như vậy rất có lợi. Hãy tận dụng ưu điểm đó.
4/ Thực hành từ vựng một cách chủ động
Bất cứ khi nào có thể, hãy tập giao tiếp bằng NN hơn là chỉ học thuộc lòng nó. Đọc những từ vựng vang to ra ngoài, đọc rành mạch những đoạn văn nhỏ trong một bài văn, thực hiện những hoạt động phát âm bằng miệng, không phải đọc thầm. Viết ra những câu trả lời cho những hoạt động đó hơn là lướt qua các từ đó trong đầu bạn. Đọc lớn toàn bộ các câu trong một hoạt động hơn là chỉ đọc phần điền vào câu trả lời. Chuyển những từ vựng từ tâm trí bạn sang miệng bạn là một kỹ năng đòi hỏi một sự nỗ lực to lớn trong việc thực hành.
5/ Làm bài tập về nhà một cách chu đáo
Trong những khoá học về đàm thoại, nội dung của khoá học không tập trung nhiều vào ngữ pháp. Nên làm bài tập ở nhà cung cấp cho bạn cơ hội vàng để thực hành ngữ pháp một cách thận trọng.
Khi thực hành các bài tập ở nhà, bạn hoàn toàn có thể chủ động về thời gian. Hãy tham khảo những từ vựng và nguyên tắc ngữ pháp mà bạn không biết. Hãy tham khảo những nguồn tài liệu sẵn có khác đối với bạn. Hãy đọc những phản hồi, những chỉ dẫn cho bài tập ở nhà và đọc những câu hỏi một cách rõ ràng nếu cần thiết. Tận dụng tối đa lợi ích việc làm bài tập ở nhà của bạn đối với việc học NN của bạn.
6/ Hình thành những nhóm học tập
Gặp gỡ các bạn học cùng lớp một cách thường xuyên để cùng nhau thực hiện các công việc được giao ở nhà, để học từ vựng, chuẩn bị bài kiểm tra, hay thực hành nói NN. Khi học NN, mọi người đều có những điểm mạnh, yếu riêng của mình. Việc học cùng với những người khác giúp giảm những lỗ hổng kiến thức và mang đến cho bạn những cơ hội để thảo luận một cách tích cực về những nội dung và tài liệu trong lớp học, do đó, những cơ hội như vậy sẽ giúp bạn ghi nhớ được các từ vựng. Bạn sẽ học được những kiến thức và khả năng của các bạn cùng lớp cũng như họ cũng sẽ học được từ bạn.
7/ Xác định phong cách học tập của bạn
Mỗi người phải có phong cách học tập của riêng mình và mỗi người học với một tốc độ khác nhau. Đừng mất tinh thần nếu như trong lớp có một ai đó tiến bộ một cách nhanh chóng hơn cả bạn. Bạn có thể nhận thấy rằng bạn đã có một sở trường riêng về ngữ pháp nhưng lại gặp khó khăn trong việc nói. Hoặc bạn có thể nhận thấy rằng bạn hiểu hoàn toàn mọi thứ trong lớp học nhưng khi đến phần bài tập được giao ở nhà thì bạn lại cảm thấy khó khăn.
Cố gắng để nhận ra những điểm mạnh của chính bạn, để từ đó có thể giúp cho bạn trong tiến trình học tập. Tại thời điểm thời gian như nhau, hãy cố gắng để nhận ra những rào cản trong việc học tập của bạn và tạo ra nỗ lực để vượt qua những điều đó. Chẳng hạn như, nếu bạn luôn có xu hướng im lặng trong các lớp học và thường thu mình trong những lúc thực hành, hãy ngồi ở hàng ghế đầu, chính giữa lớp học.
8/ Tối đa hoá khả năng ngôn ngữ của bạn
Nếu như mục tiêu cơ bản của bạn là thành thạo NN, hãy sử dụng ngoại ngữ đó để giao tiếp càng nhiều càng tốt. Bạn có thể bắt đầu việc giao tiếp đơn giản với các bạn học. Bạn có thể tham gia vào giờ đàm thoại tuỳ theo hình thức nào phù hợp. Thuê một bộ phim dùng NN mà bạn đang nhắm tới hoặc nghe trực tuyến một băng video hay âm thanh chuẩn xác.
Hãy nhớ rằng bạn có thể sẽ không hiểu được tất cả mọi thứ và bạn có thể không hiểu được nhiều thứ ở ngay lần đầu tiên. Tuy nhiên, những kinh nghiệm này sẽ làm cho bạn trở nên quen thuộc một cách nhanh chóng với các âm thanh, âm điệu và ngữ điệu của ngôn ngữ. Tăng khả năng của bạn và thực hành một cách tích cực sẽ giúp cho bạn phát triển những kỹ năng một cách nhanh chóng hơn.
9/ Sử dụng thời gian có mục tiêu
Sử dụng thời gian bạn có trên lớp mỗi tuần để thực hành những kỹ năng ngoại ngữ của bạn. Nếu như bạn kết thúc một hoạt động với bạn cùng lớp sớm, sử dụng thời gian còn lại để cố gắng tích luỹ thêm kiến thức bằng chủ đề có liên quan hoặc làm những bài tập viết ở nhà hoặc học từ vựng định kỳ hàng tuần. Cố gắng làm những bài viết ở nhà hàng tuần hay tìm hiểu một số địa điểm văn hoá bằng NN. Hãy sử dụng thời gian một cách hiệu quả cho việc học NN của bạn.
10/ Giao tiếp với người hướng dẫn của bạn
Hãy nhận trách nhiệm đối với việc học tập của bạn. Giao tiếp với người hướng dẫn của bạn về bất cứ vấn đề gì có liên quan đến việc học của bạn hay những khó khăn cụ thể mà bạn đang gặp phải liên quan đến tài liệu học tập. Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ ngay lập tức nếu bạn thấy cần.
Mẹo" làm bài thi trắc nghiệm tiếng Anh và các phương pháp chung
Tìm hiểu kiểu bài thi trắc nghiệm
Kiểu bài thi trắc nghiệm là phương pháp thi mà trong đó đề thi thường gồm rất nhiều câu hỏi, mỗi câu nêu ra một vấn đề cùng với những thông tin cần thiết sao cho thí sinh chỉ phải trả lời vắn tắt đối với từng câu.
Trong bài thi trắc nghiệm có nhiều kiểu câu hỏi khác nhau, trong đó loại câu hỏi có nhiều lựa chọn để trả lời được sử dụng phổ biến nhất.
Câu trắc nghiệm nhiều lựa chọn có hai phần, phần đầu được gọi là phần dẫn, nêu ra vấn đề, cung cấp thông tin cần thiết hoặc nêu một câu hỏi; phần sau là phương án để chọn, thường được đánh dấu bằng các chữ cái A, B, C, D ...
Trong các phương án để chọn chỉ có duy nhất một phương án đúng hoặc một phương án đúng nhất; các phương án khác được đưa vào có tác dụng “gây nhiễu” đối với thí sinh. Nếu câu nhiều lựa chọn được soạn tốt thì một người không nắm vững kiến thức sẽ không thể nhận biết được đâu là phương án đúng, đâu là phương án nhiễu.
Trong khi soạn thảo câu trắc nghiệm nhiều lựa chọn , người ta thường cố gắng làm cho các phương án nhiễu đều có vẻ “có lý” và “hấp dẫn” như phương án đúng.
Qui trình thi trắc nghiệm đối với thí sinh
Điền vào phiếu trả lời trắc nghiệm:
Trước giờ làm bài thí sinh được phát một phiếu trả lời trắc nghiệm. Đây là tờ giấy được in đặc biệt, là bài làm của thí sinh.
Thí sinh có thể dùng bút mực, bút bi để làm bài và chỉ được dùng một thứ mực (không được dùng mực đỏ).
Các bạn cần lưu ý phải điền đầy đủ vào các mục để trống như địa điểm thi, ngày thi, môn thi,...; đặc biệt lưu ý ghi chính xác họ và tên thí sinh bằng chữ in hoa, ngày sinh, chữ ký và ghi đầy đủ, chính xác phần số của số báo danh vào các ô vuông nhỏ trên đầu các cột của khung dành cho Số báo danh. Sau đó, dùng bút chì, lần lượt theo từng cột tô kín ô tròn có chữ số tương ứng với chữ số ở đầu cột.
Nhận đề thi:
Khi nhận được đề thi, các bạn nhớ ghi tên và số báo danh của mình vào đề thi; phải kiểm tra chắc chắn rằng: Đề thi có đủ số lượng câu hỏi như đã ghi trong đề; Nội dung in rõ ràng, không thiếu chữ, mất nét; tất cả các trang của đề thi đều có ghi cùng một số mã đề thi.
<!--[if !supportLineBreakNewLine]-->
<!--[endif]-->
Làm bài:
Khi làm từng câu trắc nghiệm, thí sinh cần đọc kỹ nội dung câu trắc nghiệm, chọn phương án đúng nhất (A hoặc B, C, D), tô kín ô tròn tương ứng với chữ cái A hoặc B, C, D trong Phiếu trả lời trắc nghiệm.
Cần hết sức chú ý làm đúng những điều sau:
- Khi tô các ô tròn, phải tô đậm kín cả ô (tương đương độ đậm của vạch bên mép trái tờ phiếu) để máy chấm có thể ghi nhận được. Tuyệt đối không được gạch chéo, hoặc đánh dấu vào ô được chọn.
- Ứng với mỗi câu trắc nghiệm chỉ được tô 1 ô tròn; nếu tô 2 ô trở lên máy sẽ không chấm và câu đó không có điểm.
- Trong trường hợp tô nhầm hoặc muốn thay đổi câu trả lời, các bạn dùng tẩy tẩy thật sạch ô cũ và tô kín ô khác (nếu tẩy không sạch, máy chấm sẽ xem như có 2 ô đen và câu đó sẽ không được chấm điểm)
- Tránh trường hợp trả lời câu hỏi này nhưng tô vào hàng của câu hỏi khác trên phiếu trả lời trắc nghiệm.
- Chỉ có Phiếu trả lời trắc nghiệm mới được coi là bài làm của thí sinh, do đó nếu thí sinh chỉ trả lời ngay trên đề thi hoặc giấy nháp thì bài làm sẽ không được chấm.
- Thí sinh phải giữ cẩn thận phiếu trả lời trắc nghiệm, không để phiếu bị rách, bị gập, bị nhàu vì máy không chấm những phiếu này.
Chúc các bạn làm bài thi tốt!
Học Anh văn bằng phương pháp giải trí
Tiếng Anh ngày nay là một công cụ không thể thiếu trong cuộc sống cũng như công việc của con người. Làm thế nào để học tiếng Anh một cách hiệu quả mà không mất quá nhiều thời gian của chúng ta. Vì ngoài thời gian dành cho công việc hoc tập thì ta còn mất một lượng thời gian cho giải trí, thể thao, gia đình , bạn bè…Vậy tại sao chúng ta không thử kết hợp giữa học Anh văn và giải trí . Theo như các kinh nghiệm mà thầy cô đã truyền đạt lại cho tôi từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường cũng như kinh nghiệm của bản thân rút ra được phương pháp học Anh văn rất hiệu quả.
Xem phim để học Anh văn
Tốt nhất là các bạn nên xem các bộ phim nổi tiếng của Mỹ mà không nên xem các phụ đề tiếng Việt. Khi không hiểu được một phần nào đó trong bộ phim thì ít nhất các bạn cũng có thể đoán được nội dung đó. Cũng có thể xem đi xem lại nhiều lần để có thể hiểu hết được nội dung phim. Không quá khó để các bạn tìm những phim này và có thể tìm được tại các tiệm băng đĩa cho thuê. Các bạn vừa luyện được kỉ năng nghe và đọc tiếng Anh vừa học được cách phát âm chuẩn xác của người bản xứ.
Vừa nghe nhạc vừa học Anh văn
Âm nhạc là một loại hình giải trì rất phổ biến. Thay vì bạn giải trí bằng cách nghe nhạc trong nước thì có thể thỉnh thoảng hãy nghe bằng nhạc tiếng Anh chẳng hạn. Dần dần sẽ cho bạn một thói quen thích nghe nhạc tiếng Anh. Theo tôi đây là một cách học tiếng Anh cũng tương đối đơn giản mà hiệu quả. Các bạn nên nghe những bài hát thật đơn giản trước có thể là nhạc thiếu nhi cũng được rồi sau đó chuyển sang các bài hát khó hơn một chút. Nếu muốn tìm hiểu thêm các lời bài hát bằng tiếng Anh và tiếng Việt các bạn co thể dể dàng tìm trên các websites.
Kết hợp nghe đài và tin tức tiếng Anh trên TV và phát thanh
Thường xuyên nghe các đài VOA của Mỹ, đây được xem là một đài phát thanh đạt chuẩn để luyện nghe và cũng tương đối là dể nghe. Ðài BBC hay CNN trên các đài truyền hình cáp cũng vậy , tuy các đài này khó nghe hơn nhưng được đánh giá rất tốt để luyện nghe Anh văn ở các mức độ cao hơn.
Có nhiều phần mềm học tiếng Anh đơn giản giúp cho chúng ta tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Giải trí để xả stress còn có thể học được rất nhiều từ các loại hình giải trí này. Chúng ta cứ từ từ tập dần thói quen như vậy mỗi ngày thì tương lai sẽ hình thành trong chúng ta một lượng kiến thức khổng lồ.
Chúc các bạn thành công!
Học Tiếng Anh Bao Nhiêu Là Đủ?
Có phải bạn mong muốn cải thiện trình độ tiếng Anh của mình đến nỗi học tập rèn luyện ngày đêm. Nhưng hiệu quả lại chẳng được bao nhiêu. Vậy bạn cần nên học bao nhiêu để đạt hiệu quả cao nhất?
Đừng học quá sức
Nên nhớ 15 phút học tập mỗi ngày hiệu quả hơn là 2 giờ học tập mỗi ngày.
Vì thế hãy cố gắng giành ra một ít thời gian mổi ngày cho Anh văn nhé! ( gợi ý cho bạn là 15 phút, không hơn , không kém) bạn sẽ cảm thấy việc khởi đầu học tập trong ngày tiếp thao dễ dàng và nhẹ nhõm hơn, vì bạn không phải làm việc mệt mỏi quá giới hạn trong ngày hôm trước.
Bao nhiêu Anh văn trong một ngày là đủ?
10 từ hoặc cụm từ trong một ngày. Có quá nhiều không nhỉ? Tuỳ thuộc vào trình độ và khả năng ghi nhớ, hãy lập cho bản thân yêu cầu tối thiểu và tối đa trong khoảng thời gian học tiếng Anh mỗi ngày. Và hãy nghiêm khắc với bản thân mình đê hòan thành "chỉ tiêu". Bí quyết để hoàn thành là hãy luôn mang bên mình một quyển sổ tay để ghi nhớ từ mới, và ôn lại khi cần.
Sau đó hãy dành 15 phút cuối tuần để ôn tập lại mọi thứ. Bạn sẽ có 50 từ mới mỗi tuần và 200 từ mới mọi tháng đây!
Đối xử tốt với bản thân đi nào!
Khi thất bại, người ta thường hay dể dàng trách thân mình, nhưng chẳng ai lại nghĩ đến việc khen bản thân một chút mỗi khi hoàn thành một công việc. Khi bạn đặt ra mục tiêu, và hoàn thành nó đúng hạn, hãy tự thưởng cho mình nhé!
Học tập với bạn bè.
Việc này thì không sai vào đâu được. Khi có bạn bè xung quanh, việc học tập sẽ trở nên vui nhộn và hứng thú hơn ( trong Anh văn, bạn có thể chơi trò chơi thách đó, tìm từ chẳng hạn),. Nhưng hãy nhớ rằng đó là một buổi học chứ không phải một buổi tác gẫu nhé!
Bạn sẽ nhận thấy những bí quyết này không chỉ để áp dụng trong lúc học tiếng Anh mà còn trong mọi công việc học tập hằng ngày. Vậy còn chờ gì nữa mà không áp dụng? Mong rằng bạn luôn tìm thấy một niềm vui mỗi ngày khi bắt đầu công việc!
Cải Tiến Trình Độ Anh Văn, Nên Bắt Đầu Từ Đâu?
Bạn đang quyết tâm làm lạ từ đầu trong việc học ngoại ngữ? Bạn đang chuẩn bị cho một sự thay đổi lớn trong cách thức học? Hay bạn chỉ là người mới bắt đầu làm quen với Tiếng Anh? Hãy đọc và tìm xem, mình có được những điều kiện này chưa nhé.
Hãy làm khi bạn thích.
Mọi việc chỉ có thể được tiến hành khi bạn có một động lực để làm việc.
Nhưng động lực mạnh mẽ nhất và tích cực nhất là Sự yêu thích.
Hãy suy nghĩ xem, trong tiếng Anh bạn thích nhất điều gì?
-Chơi một trò chơi bằng tiếng Anh (crosswords hay puzzle, hoặc bất cứ game nào sử dụng tiếng Anh).
-Nghe nhạc. Một sở thích thông dụng nhưng không phải ai cũng biết cách học tiếng Anh qua bài hát. Hãy tham khảo các mục chỉ dẫn sau nhá.
-Còn rất nhiều cách khác như xem phim, tán gẫu,đọc sách…
Nhưng điều quan trọng nhất là bạn cần xác định mục tiêu cho tất cả mọi hoạt động giải trí ấy là vừa học, vừa chơi.
Xác định cho mình một mục tiêu.
Mục tiêu chính là động lực cho tất cả mọi việc. Bạn muốn điều gì khi học tiếng Anh? Tại sao bạn lại muốn phát triển mọi kĩ năng của mình. Những câu hỏi đặt ra cần có được câu trả lời xứng đáng. Nếu mọi động lực để bạn bắt đầu học tập không xuất phát từ bản thân., thì dù có cố gắng bao nhiêu, bạn vẫn không cảm thấy thoả mãn và hạnh phúc.
Một khi đã xác định được mục tiêu thì dù có mệt mỏi, sự cố gắng trong bạn cẫn còn, dù chỉ hoàn thành một phần rất nhỏ, bạn cũng cảm thấy vui vẻ, dù có thật bại, bạn cũng sẵn sàng bắt đầu lại.
Điểm khởi đầu của bạn?
Khi đã xác định được mục tiêu, nhiệm vụ không kém phần quan trọng là đi tìm nơi xuất phát.
Đối với việc học tiếng Anh, bạn hãy tìm một thế mạnh của mình. Có thể đó là cách bạn phát âm., cách bạn viết một lá thư, hay kể một câu chuyện. Khi bắt đầu công việc một cách thuận lơi, bạn luôn có nguồn cảm hứng để tiếp tục.
Một số bạn nghĩ rằng mình không có tài năng nào? Không thử tài , sao bạn có thể biết mình không có tài được?! Vạn sự khởi đầu nan, đừng ngại ngùng khi bạn làm sai nhé. Nhờ vậy mà giáo viên, bạn bè sẽ nhận ra được những kĩ năng mà bạn còn thiếu và chỉ dẫn nhiệt tình
Bí quyết học tiếng Anh
Tiếng Anh là một công cụ không thể thiếu trên con đường hội nhập và phát triển. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn đang xảy ra ở nước ta đó là, nhiều người đã bỏ ra khá nhiều thời gian học tiếng Anh mà vẫn không thể giao tiếp, trao đổi bằng tiếng Anh được.
Chúng ta có thể nêu lên vô vàn nguyên nhân nhưng ít ai để ý đến một điểm rất quan trọng, gần như là then chốt của vấn đề: Quan điểm dạy và học tiếng Anh đúng đắn, phù hợp. Mời bạn tìm hiểu các quan điểm sau đây:
1. Xác định mục đích
Trước tiên chúng ta hãy xác định mục đích của việc học tiếng Anh. Dù với bất kỳ mục đích trước mắt nào đi nữa chúng ta cũng nên nhớ đến mục đích dài lâu, đó chính là yêu cầu thực tế trong đời sống, việc làm. Trong việc học tiếng Anh, cũng như trong bất cứ việc gì, việc xác định mục đích rất quan trọng và phải được thực hiện trước tiên.
2. Giao tiếp và văn phạm
Trong giao tiếp chúng ta có thể xem khả năng truyền thông là mục đích chính và văn phạm chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho mục đích này. Quá chú ý đến văn phạm sẽ cản trở phản xạ ngôn ngữ, khiến chúng ta ngại nói tiếng Anh, sợ sai khi nói. Chúng ta hãy chú tâm vào việc giao tiếp; các cấu trúc văn phạm sẽ được dễ dàng ghi nhớ khi học qua một loạt các ngữ cảnh, hơn là chỉ chú tâm học theo các quy tắc. Dần dần, chúng ta sẽ thấy các lỗi văn phạm càng lúc càng ít đi.
3. Sự lưu loát và độ chính xác
Khi thực hành nói tiếng Anh, chúng ta cần phải kết hợp và ý thức được hai loại bài tập: các bài tập rèn luyện khả năng diễn đạt lưu loát (phân vai, đối thoại, trao đổi nhóm...) và các bài tập rèn luyện sự chính xác. Các bài tập rèn luyện sự lưu loát khuyến khích học viên diễn đạt tự nhiên và không phải để ý đến những tiểu tiết không cần thiết. Các bài tập rèn luyện sự chính xác sẽ đồng thời làm cho học viên quan sát được cách diễn đạt và văn phong của tiếng Anh.
4. Suy nghĩ bằng tiếng Anh
Một trong những sai lầm nghiêm trọng thường gặp là chúng ta có khuynh hướng "dịch" (từ tiếng mẹ đẻ sang tiếng Anh) trước khi nói. Việc này ngay lập tức tạo ra một rào cản ngôn ngữ. Ví dụ, khi chúng ta muốn bỏ một cuộc hẹn, chúng ta sẽ nghĩ trong đầu câu: ''Tôi muốn hủy cuộc hẹn đó". Sau đó chúng ta dịch câu đó sang tiếng Anh. Chúng ta sẽ gặp vấn đề vì chúng ta có thể không nhớ, hoặc không biết các từ "cancel'' và “appointment” để hình thành câu ''I would like to cancel the appointment". Nếu chúng ta nghĩ bằng tiếng Anh, chứ không phải là dịch trước khi nói, chúng ta sẽ không gặp phải vấn đề này, vì có nhiều cách diễn đạt tình huống này bằng tiếng Anh, ví dụ: "I'm sorry. I'm not free tomorrow" hay "I’m afraid I can't come tomorrow", v.v...
5. Nghe và hiểu
Chúng ta cần phải nghe một khoảng thời gian . Và vì thế, việc luyện nghe rất quan trọng: Hãy nghe bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu. Chúng ta có thể nhớ hàng trăm câu trong đầu, nhưng nếu chúng ta không nghe được thì tất cả đều vô nghĩa, giống như một khách du lịch cầm quyển sách học tiếng, hỏi đường và không thể đến nơi được vì không thể hiểu người chỉ đường nói gì. Khi khả năng hiểu tiếng Anh của chúng ta tiến bộ thì cách tự nhiên, chúng ta cũng sẽ thấy tự tin và tiến bộ trong khả năng nói.
6. Chủ động: Trách nhiệm thuộc về chính chúng ta
Học giao tiếp tiếng Anh không phải là việc tiếp thu một kiến thức, mà là việc thực hành và thể hiện (performance). Chúng ta phải thực sự nhận lấy "trách nhiệm học'' này, không thể ngả lưng ra ghế, nghe giảng viên nói và hy vọng sẽ giao tiếp tốt được. Chúng ta phải chủ động, thành quả của chúng ta sẽ là những gì chúng ta đã bỏ ra. Kỹ năng tốt là sản phẩm của thực hành và sự nỗ lực.
Phương pháp học tốt tiếng Anh
Phương pháp học tốt tiếng Anh
Hiện nay,có rất nhiều phương pháp học tiếng Anh. Tuy nhiên mỗi người sẽ có cách học phù hợp cho riêng mình và tùy theo điều kiện mà bạn sẽ có phương pháp học riêng phù hợp và hiệu quả hơn.
Sau đây là những phương pháp dành cho nhiều người đã từng học tiếng Anh hiệu quả. Bài viết này chỉ xin bàn về những vấn đề cơ bản nhất đối với người học ngoại ngữ không chuyên.
Học phát âm
Phát âm không đúng là một trong những điểm yếu lớn nhất của số đông người học tiếng Anh. Học phát âm là một phần cực kỳ quan trọng vì có nói đúng thì mới nghe tốt và truyền đạt ý tưởng của mình đến người nghe chính xác nhất. Đặc biệt đối với những người mới bắt đầu học tiếng Anh, phát âm chuẩn là ưu tiên hàng đầu để tránh những lỗi sai rất khó sửa về sau này. Trước khi nói hay, ta cần học cách nói đúng trước đã.
Các bạn cần nắm vững Hệ thống Phiên âm Quốc tế (International Phonetic Symbols - IPS) để tập thói quen tra cứu phiên âm mỗi khi bắt gặp một từ mới để có thể phát âm đúng nhất. Ngoài giờ học trên lớp với các thầy cô,các bạn nên tự học phát âm bằng các phần mềm học tiếng Anh trên đĩa CD-rom,trên internet…v..v…
Học từ vựng
Nguyên tắc học từ vựng phổ biến là học trong cụm từ trong câu. Ví dụ học từ “corner” phải học trong nhóm từ “on the corner of”, học “interested” phải nhớ cụm “be interested in” thì mới biết cách đặt câu cho đúng.
Để nhớ được từ vựng thì không có cách nào hiệu quả bằng cách sử dụng chúng và sử dụng chúng thường xuyên. Một cách học thông minh là bạn hãy cố gắng “chen” những từ vừa mới học vào khi tập nói hay khi tập viết email bằng tiếng Anh. Có thể lúc đầu bạn còn rất lúng túng và thiếu tự nhiên nhưng chính những lúc như vậy bạn sẽ nhớ từ được nhiều nhất và theo thời gian, bạn sẽ sử dụng được ngày càng nhiều từ vựng hay một cách thành thạo. Cốt lõi vấn đề ở đây chính là bạn đang tự giúp mình tạo ra những tình huống để có thể sử dụng ngay những từ mới học, không nhất thiết phải viết từ ra giấy nhiều lần vì như vậy chỉ giúp bạn nhớ được chính tả của từ thôi.
Và một điều không thể quên là bạn cũng cần mang theo một cuốn sổ nhỏ ghi chép từ vựng mới bên mình để tranh thủ học khi rảnh rỗi. Hãy đặt cho mình mục tiêu mỗi ngày học vài từ tùy theo khả năng của mình và nhớ là ôn tập thường xuyên theo định kì .Cố gắng ôn lại từ vựng đã học ít nhất là 3 lần mới có thể nhớ tốt được chúng.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều sách tự học từ vựng rất hay như : Basic Vocabulary in Use, Vocabulary for Intermediate Students, Vocabulary for Upper - Intermediate Students.
Học nói
Nói là kỹ năng quan trọng và thú vị nhất của bất cứ một ngôn ngữ nào. Chúng ta luôn có cảm giác tiến bộ to lớn và rõ rệt nhất khi có thể giao tiếp lưu loát trực tiếp bằng ngôn ngữ nói.Và để học nói các bạn đừng nên quá vội vàng. Có nhiều người may mắn sống trong môi trường tiếng Anh nên họ có thể học nói ngay từ mới bắt đầu học ngoại ngữ. Tuy nhiên, đối với phần lớn mọi người thì chúng ta nên cần có một nền tảng ngôn ngữ nhất định (từ vựng, ngữ pháp, phát âm, cấu trúc câu) ít nhất là 6 tháng trước khi bước vào một khóa học nói thực thụ.
Đối với những người không có điều kiện sống hay làm việc trong môi trường tiếng Anh thì ta nên tranh thủ luyện nói như sau:
- Tận dụng tối đa những giờ luyện tập trên lớp tại các trung tâm ngoại ngữ (tập nói càng nhiều với bạn bè dù là những cấu trúc đơn giản nhất, tránh tình trạng chỉ thực tập qua loa chiếu lệ vì càng luyện nói nhiều ta càng nhớ bài lâu hơn và tạo được cho mình phản xạ nhanh nhẹn khi gặp những tình huống tương tự trong đời sống).
- Khắc phục tính nhút nhát và sợ sai của mình. Cứ mạnh dạn nói tiếng Anh bất cứ khi nào có thể.
- “Học thầy không tầy học bạn” -Học cùng với bạn bè giúp bạn có thể khắc phục được các lỗ hỏng kiến thức của mình một cách nhanh chóng và dễ dàng.Tuy nhiên bạn cũng cần quan tâm đến khả năng và trình độ của bạn bè bạn.Bạn nên tìm một bạn học hay nhóm học ưng ý và sắp xếp thời gian học nhóm với nhau. Có nhiều bạn hẹn nhau đến lớp sớm 30 phút và chỉ ngồi nói chuyện bằng tiếng Anh với nhau mà thôi. Đây là một cách học rất tốt và giúp nhau cùng tiến bộ.
Để giỏi văn phạm tiếng Anh bạn có thể tự học từ các sách Văn phạm tiếng Anh soạn bởi tác giả Việt Nam, như của Lê Bá Kông chẳng hạn. Mỗi ngày dành khoảng nửa tiếng đồng hồ để đọc báo. Khi khá hơn bạn có thể bắt đầu đọc phần chữ nhỏ chi tiết của các bản tin tức.
- Tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh vào cuối tuần ở các trung tâm Anh ngữ.
Học viết
Tập viết là dễ nhất. Bạn có thể học từ một sách đàm thoại song ngữ. Cố gắng học thuộc lòng các câu tiếng Anh tương phản với các câu tiếng Việt. Kế đó, che câu tiếng Việt rồi cố gắng dịch ra tiếng Anh. Làm đi làm lại nhiều lần cho đến khi không còn lỗi nào. Nói chung khi thấy câu tiếng Anh nào hay trong sách hay trên báo chí, hãy học thuộc lòng rồi tự trả bài bằng cách viết lại nguyên câu ấy.
Mỗi ngày dành khoảng nửa tiếng đồng hồ để tập viết, sau vài tháng, bạn sẽ có thể viết được hầu hết các câu đàm thoại căn bản và tường thuật ngắn một số tin tức.
Học nghe
Để nghe tốt một bài khóa trong sách tiếng Anh ta thường phải trải qua các bước sau:
Trước khi nghe, bạn hãy suy nghĩ về đề tài đó để giúp bạn hình dung và phán đoán được những gì sắp nghe, nghe ý chính trước tiên để trả lời câu hỏi tổng quát, nghe những từ chính rồi đoán, không nhất thiết phải nghe ra từng từ một, sau đó nghe lại nhiều lần để biết được càng nhiều chi tiết càng tốt để có thể hoàn tất các câu hỏi trong bài. Tuyệt đối không xem trước nội dung bài khóa trước khi nghe. Chỉ khi nghe xong rồi bạn mới vừa nghe vừa đọc bài để kiểm tra lại và học thêm từ mới cũng như tăng cường các cách diễn đạt hay có trong bài. Bạn cũng nên đọc theo băng nhiều lần sau khi nghe xong để luyện phát âm và nhớ bài tốt hơn.
Nguyên tắc chung cho việc rèn luyện kỹ năng nghe hiệu quả là nghe càng nhiều càng tốt. Tranh thủ mọi tài liệu và cơ hội nghe có thể (nghe băng, nghe nhạc, nghe radio, xem TV, xem phim Mỹ có phụ đề tiếng Anh …). Trên thị trường hiện nay cũng bán rất nhiều sách luyện nghe tiếng Anh để bạn có thể tự học thêm ở nhà.
Ngoài ra, còn có một công cụ vô cùng hữu hiệu để rèn luyện mọi kỹ năng cho người học tiếng Anh ngày nay, đó chính là Internet. Bạn có thể đọc báo, nghe tin tức, tìm tài liệu online bằng tiếng Anh. Ngoài ra, trên Internet còn có rất nhiều trang web cung cấp các bài học tiếng Anh miễn phí rất thú vị và tiện lợi. Một số trang web để các bạn có thể tham khảo và tự học thêm ở nhà.
• www.bbclearningenglish.com
• http://www.britishcouncil.org/learning
• http://esl.about.com/
• http://::1e4::sl.org
• www.manythings.org
• www.freenglish.com
• www.english-at-home.com
• www.tolearnenglish.com
• www.vocabulary.com
Tóm lại, nguyên tắc cơ bản nhất để học tốt tiếng Anh là thực tập và sử dụng cũng như tiếp xúc với tiếng Anh càng nhiều càng tốt. Mỗi ngày, bạn hãy đặt ra cho mình một khoảng thời gian nhất định (từ 30 phút đến 1 tiếng) để học tiếng Anh và duy trì lịch học như vậy đều đặn và thường xuyên. Sau một thời gian kiên trì áp dụng những nguyên tắc trên, tôi tin rằng tiếng Anh của bạn sẽ tiến bộ một cách nhanh chóng và bạn sẽ thêm yêu cái thứ tiếng thú vị và rất cần thiết cho tương lai của bạn sau này.
Kinh nghiệm học tiếng anh hiệu quả![p1]
by admin on October 2, 2009 · 0 comments
in Kinh nghiệm học Anh ngữ
Học ngoại ngữ nói chung và riêng về tiếng Anh, trước hết chúng ta nên hiểu điều này:
1. Ngôn ngữ là lời nói chớ không phải là chữ viết
Vì vậy việc đầu tiên, chúng ta cần chú ý tập nghe để hiểu và đồng thời là nói được một số câu hết sức thông dụng và đơn giản.
- Phải luyện nghe làm sao để đạt tới kỹ năng người nước ngoài nói là ta có thể hiểu được, tức là phải biết phát âm, nhấn giọng hay lên xuống những mục tiêu cần thiết trong câu, như vậy chúng ta mới có thể hiểu và nghe được.
2. Ngôn ngữ còn là một tập hợp của thói quen:
- Cần phải rèn luyện, bắt chước và học thuộc những câu đối thoại trong sách, đồng thời tập đọc lớn tiếng những câu mẫu cho tới khi tạo được phản ứng máy móc qua bộ óc của chúng ta một cách tinh nhuệ như chúng ta đang nói tiếng mẹ đẻ vậy.
* Điều kiện để học ngoại ngữ thuận tiện:
Muốn học thật tốt môn tiếng Anh, chúng ta cần có những yêu cầu sau đây:
a/ Băng nghe – phim ảnh (nếu có), nhiều sách để tham khảo
(1.) Băng nghe:
- Nên chọn những băng có giọng đọc chuẩn, chính xác, rõ ràng và hay. Đừng tưởng băng nào cũng giống nhau. Nếu có thể bạn nên nghe qua, chon lọc trước khi mua.
- Có loại băng nghe chậm, có loại băng nghe nhanh. Dù sao bạn cũng nên “làm quen” cả hai loại băng.
Bước đâu bạn nghe băng chậm trước, một khi đã quen rồi đã thành thạo rồi, hãy nghe băng nhanh. Bằng cách nào, miễn bạn nghe được, hiểu được là tốt.
(2.) Phim ảnh:
Trước tiên, để cho dễ hiểu, dễ tiếp thu, bạn hãy chọn những cuộn film tiếng Anh gồm những mẫu chuyện nhỏ, đơn giản có nhiều từ vựng thông thường giúp bạn dễ hiểu. Dần dần bạn sẽ sử dụng những bộ film có vốn từ phức tạp hơn đại trà hơn.
(3.) Sách tham khảo:
Có khá nhiều sách nhằm cung cấp cho yêu cầu học tiếng Anh.
Bạn nên cẩn trọng khôn ngoan trong việc chọn sách.
- Tìm đọc những sách của tác giả nào viết hay. Nên biết mình mua thể loại nào, cần cung ứng cho bạn điều gì. Đành rằng cần nhiều sách để tham khảo nhưng không phải bạ sách nào dạy tiếng Anh là mua, của bất cứ tác giả nào cũng không cần chắt lọc.
Có một số học viên, hễ mỗi sân ra phố gặp dạng sách viết về tiếng Anh là mua, bất kỳ là của ai. Có những quyển sách họ chưa có dịp đọc tới một lần. Chi vậy thưa bạn, làm như thế hoá ra bạn đã quá phí phạm không đúng chỗ. Bạn nên chắt lọc khi mua sách viết về ngoại ngữ, nhằm yêu cầu quyển sách ấy sẽ mang lại lợi ích cho bạn.
b/ Bài học: cần phải học thuộc từ vựng song song với các câu mẫu.
Muốn thành thạo Anh ngữ bạn không thể thiếu những yêu cầu này là nên học từ vựng song song với câu mẫu. Hay nói một cách khác: trong câu mẫu có lồng từ vựng. Và như vậy để hiểu được câu, bạn phải thuộc từ vựng trước đã.
c/ Thời gian học tiếng Anh phải như thế nào?
Nếu bạn hiếm hoi thời gian trong ngày, bạn có thể rút bớt thời gian dành cho môn rèn luyện tiếng Anh. Nhưng ngày nào bạn cũng phải có thời gian học liên tục. Vì nếu một ngày bạn quên học, vốn tiếng Anh trong đầu bạn sẽ không nhạy nữa.
Học tiếng Anh cũng giống như chiếc xe cần bôi dầu mỡ hàng ngày, nếu không nó sẽ trở nên rỉ sét và khó khởi động.
Cũng vì lẽ này, một số giảng viên dạy môn ngoại ngữ rất mệt hơn các môn dạy khác khi truyền thụ kiến thức cho học viên, song đó là điều rất có lợi cho giảng viên bằng vào qui cách giảng dạy, đại đa số giảng viên đã ôn lại kiến thức về ngoại ngữ của họ.
(Hạnh Hương – Phương pháp học Tiếng Anh – NXB tổng hợp Đồng Nai)
Kinh nghiệm học tiếng Anh [phần 2]
by admin on October 2, 2009 · 0 comments
in Kinh nghiệm học Anh ngữ
1. Học tiếng Anh phải có mục tiêu cụ thể. VD: Tôi học để bỏ vào hồ sơ phỏng vấn xin việc, học để lấy bằng TOEFL, IELTS để nộp hồ sơ xin đi du học v..v. Nếu không lý do hoặc đại khái “Tôi học để biết thêm một ngoại ngữ”, không có gì sai nhưng mình nghĩ sẽ khó tập trung vào việc học nếu chung ta không biết cụ thể chúng ta học để làm gì.
2. Nếu các bạn học Toefl , mình xin có một số ý như sau. Học thi Toefl, mục tiêu chính chúng ta phải lấy Toefl trên bao nhiêu điểm (tùy theo từng người), vì vậy phải làm nhiều đề để rèn luyện kĩ năng làm bài. Việc sưu tập đề thi không khó, sách bán rất nhiều ngoài các tiệm sách, trên mạng cũng có nhiều chỗ để lấy về làm. Nhưng làm bài để hiệu quả thì mình đã làm như thế này. Mình bắt đầu làm y như mình đi thi không coi bài giải, không tra chỗ này chỗ kia. Nếu nhắm thấy làm hết tất cả các phần rất mệt (mất trên 3 tiếng đồng hồ) thì làm từng phần một nhưng phải hoàn thành hẳn một phần. Đừng đoán đại nhé, câu nào chọn cũng phải có lý do của nó, đại cũng chọn cái đáng chọn nhất (đừng thảy xúc sắc hay nhắm mắt chọn đại một câu, hoặc làm giữa chừng thấy mệt mệt nên làm cho xong mấy câu còn lại để còn coi lời giải). Sau khi làm xong bắt đầu tra lại đáp án. Lúc này hãy lưu ý thật kỹ những câu bạn làm sai và những câu bạn đoán . Hãy phân tích tại sao mình làm sai (lúc này phải dùng từ điển, sách vở để kiểm tra thật kỹ cái nào đúng cái nào sai ), ghi chép lại cẩn thận những lỗi này và đánh dấu câu mình làm sai đó lại. Sau này khi mình ôn lại , mình không cần ôn lại hết cả đề thi cũ mà mình chỉ làm lại những câu sai thôi, sẽ không mất thời gian nhiều ( câu đúng nếu bạn đã suy nghĩ và làm đúng thì dù làm lại trăm lần bạn vẫn làm đúng vậy thì ôn lại làm gì). Có những sai lầm khi làm đề : (1) Làm một lần không ngó lại đề đó nữa (lần sau gặp những đề tương tự mình nghĩ chỉ có được kết quả bằng lần trước, không thể hơn, vì mình có đề phòng lỗi sai đâu) (2) Làm chỉ để đếm số câu đúng (bạn sẽ không học được gì từ những lỗi sai và lần sau làm một đề tương tự điểm cũng sẽ như thế). Các lỗi gài trong Toefl không nhiều. Trong khi làm bài tại nhà đừng ngán khi mình mắc lỗi sai. Vì mình sai càng nhiều thì mình sẽ càng ghi nhớ được nhiều lỗi sai và cứ làm thế sai quá đến lúc nào đó không thể sai được nữa thì nó sẽ đúng thôi ( và đó là lúc thi! )
3. Phần trên là thi lấy bằng. Bây giờ tới phần tiếng Anh giao tiếp . Khi mình qua đây, mình thậm chí không mở miệng nói được câu nào ra hồn vì thực tế ở Việt Nam chúng ta có ít cơ hội để giao tiếp bằng tiếng Anh. Vậy mình nghĩ có một cách để thực hành một mình. Các bạn mua những cuốn về English conversations, những bài đàm thoại hằng ngày của người Anh, Mỹ. Học hết những cách họ dùng trong lối nói hằng ngày, học càng nhiều càng tốt. Ngoài ra cố gắng chú trọng âm cuối của mỗi từ, có âm cuối thì trong phát âm của mình cũng phải có . Mình thường nói lướt lướt những âm cuối câu, làm cho người đối diện rất khó nghe và hiểu. Cố gắng nói chậm một tí, phát âm rõ từng âm một. Còn một cái nữa, dùng câu chữ đơn giản, càng đơn giản thì càng dễ nói dễ hiểu.
4. Mình có biết một số nguồn để học tiếng Anh:
http://voanews.com/english/index.cfm
Trang này dùng để luyện nghe giọng chuẩn của Mỹ, có thể download bản tin nói lẫn bài viết về để luyện
http://www.cbsnews.com/
Trang này có thêm cả đoạn video. Khi đặt trong ngữ cảnh thì chúng ta sẽ dễ hiểu người ta nói gì hơn, tiếp thu sẽ nhanh hơn.
Ghi chú:
1. Tất cả những ý trên đây là kinh nghiệm của mình. Mình đã làm ngược lại trong thời gian dài và mất rất nhiều thời gian để khắc phục. Mình chỉ mong lưu ý sớm với những bạn đang học anh văn để đừng mắc phải thôi. Bài viết chưa hoàn chỉnh do mình nghĩ sao thì và viết ra vậy, mình sẽ viết lại hoàn chỉnh sau.
2. Mình học tiếng Anh không giỏi, và áp dụng những cách này mình đã qua được các kỳ thi tiếng Anh và nói được (tuy vẫn còn phải cải thiện nhiều). Nên các bạn vững tin nhé “nếu Hoằng còn học được Tiếng Anh thì các bạn đương nhiên học được”.
3. Một số anh chị em đọc bài này rất giỏi tiếng Anh và có rất nhiều kinh nghiệm. Nếu thấy có gì cần góp ý trong bài này thì xin góp ý cho mình để mình hoàn chỉnh cách học cho chính mình và chia sẻ để mọi người cùng học hỏi. Mục đích chính là làm sao cho việc học ngoại ngữ của chúng ta sẽ hiệu quả và đỡ mất thời gian của chúng ta hơn.
(sưu tầm by VNSTUDY.ORG team
Kinh nghiệm học tốt tiếng Anh (phần 3)
by admin on October 2, 2009 · 0 comments
in Kinh nghiệm học Anh ngữ
Theo ông Tim Hood, Phó giám đốc Hội đồng Anh, học tiếng Anh không nhất thiết chỉ tập trung vào học ngữ pháp và làm bài tập. Cái chính là phải chọn cách học hợp lý, đôi khi những công việc đơn giản hàng ngày cũng giúp ta luyện tập tiếng Anh. Dưới đây là kinh nghiệm sau nhiều năm giảng dạy Anh văn của ông.
1. Thích nói tiếng Anh và thoải mái khi nói
Khi sử dụng tiếng Anh, bạn đừng sợ mắc lỗi. Nếu bạn không mắc lỗi, có nghĩa là bạn không học được gì. Thường thì khi bạn sẽ mắc những lỗi nho nhỏ khi nói tiếng Anh với người nước ngoài. Nhưng điều quan trọng là những gì bạn rút ra sau khi mắc lỗi. Cũng giống như các em bé sẽ không thể tự bước đi được nếu như sợ vấp ngã.
2. Xác định xem bạn thích hợp với cách học nào
Nghiên cứu gần đây cho thấy rất nhiều người có cách học riêng mà mình yêu thích. Nếu bạn là người yêu thích hình ảnh, bạn có thể tạo ra một mối liên hệ giữa tiếng Anh và hình ảnh ví dụ bạn có thể xem phim có phụ đề tiếng Anh, cố gắng hình dung mình đang ở trong ngữ cảnh cần sử dụng tiếng Anh, liên tưởng các từ cần học với các hình ảnh. Nếu bạn là người có sở thích nghe, thì bạn hãy nghe càng nhiều bài hát tiếng Anh càng tốt và xem các phim tiếng Anh. Còn nếu bạn là người có đầu óc phân tích, hãy dành nhiều thời gian để học ngữ pháp và so sánh tiếng Việt với tiếng Anh.
Dĩ nhiên, một người học tiếng Anh tốt sẽ dành thời gian cho tất cả những việc này. Đáng tiếc là trên thế giới, rất nhiều người vẫn bị dạy theo cách truyền thống là chỉ chú trọng vào ngữ pháp và nghe.
3. Học cách ghi nhớ
Bạn có thể luyện trí nhớ của mình qua rất nhiều sách hướng dẫn. Hầu hết tất cả các học sinh giỏi tiếng Anh đều rất coi trọng việc này.
4. Tạo ra cho mình một môi trường tiếng Anh
Một doanh nhân thành đạt người Tây Ban Nha đã học tiếng Anh bằng cách dán những mẩu giấy vàng khắp nơi trong nhà mình để đi tới đâu dù là xuống bếp pha một tách cà phê, vào nhà tắm cạo râu hay dùng điều khiển ti-vi để đổi kênh, anh đều nhìn thấy những từ ghi trên đó. Khi anh đã thuộc những từ này rồi, anh thay bằng những từ mới. Bằng cách này, ngày nào anh cũng học được khoảng 10 từ, cả 7 ngày trong tuần. Bạn hãy tranh thủ đọc, nghe và nói tiếng Anh ở mọi nơi, mọi lúc.
5. Hãy nối mạng
Một cô gái người ngoại thành Hà Nội. Cứ 3 lần một tuần, cô đi xe máy đến một nơi mà cô có thể nói tiếng Anh với những người bạn của mình tại Anh, Úc và Mỹ. Đó là một quán cà phê Internet có dịch vụ voice chat.
Internet đã mang đến nhiều lợi ích cho người học ngoại ngữ. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều website hữu dụng để học ngữ pháp, từ vựng, phát âm và bây giờ, quan trọng hơn cả là: giao tiếp.
6. Học từ vựng một cách có hệ thống
Xin bạn lưu ý rằng học tiếng Anh không chỉ đơn thuần là học ngữ pháp. Khi giao tiếp, bạn lựa chọn từ vựng, kết hợp chúng và tạo thành câu để biểu đạt ý kiến của mình. Khi học từ vựng, bạn hãy bố trí sổ ghi chép của mình sao cho hợp lý. Đừng liệt kê một dãy dài các từ, ngữ mới mà hãy chia sổ của bạn ra thành từng mục chẳng hạn:
Chủ đề: shopping, holidays, money vv…
Động từ và danh từ đi liền kề: do your homework, make a cake vv…
Động từ kép: to grow up, to fell off, to look after vv…
Ngữ cố định: on the other hand, in my opinion, by the way vv…
Thành ngữ: once in a blue moon, to be over the moon, out of the blue vv…
Ngữ có giới từ: at night, at the weekend, in March, in 2003 vv…..
7. Bạn hãy phấn khích lên
Bạn hãy khởi động và làm ngay những việc bạn có thể làm ngày hôm nay, đừng để đến ngày mai. Hồi còn ở London, tôi có một cô bạn người Thái Lan theo học nghành thiết kế thời trang. Cô ấy nói tiếng Anh rất siêu. Từ khi cô 15 tuổi, cô đã tự xác định mục đích và ước mơ của mình là học ngành thời trang ở London. Cô đã tìm hiểu mức điểm IELTS cần thiết để có thể vào trường mà cô mơ ước rồi bắt tay vào học tiếng Anh ngay lập tức. Đến năm 19 tuổi, nghĩa là đã đủ tuổi để được nhận vào học, thì cô đã sẵn sàng mọi thứ. Sự khởi đầu sớm của cô quả là khôn ngoan vì một năm sau, khi khoá học kết thúc, cô trở về Thái Lan thì lúc đó bạn bè cô vẫn đang cần mẫn học tiếng Anh chờ thời điểm đi nước ngoài. Bây giờ thì cô ấy đã là một người nói tiếng Anh thành thạo, có trình độ và thành đạt.
Thêm kinh nghiệm học tiếng Anh (tiếp theo)
by Check Nguyễn on October 8, 2009 · 0 comments
in Kinh nghiệm học Anh ngữ
Tiếng Anh ngày nay đã trở thành hành trang không thể thiếu thế nhưng nhiều người chỉ xem việc học tiếng Anh như là một nghĩa vụ. Chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn một số kinh nghiệm để tìm thấy niềm ham mê với bộ môn này.
1. Tưởng tượng bạn trong tương lai
Hãy thả mình tưởng tượng nhé! Bạn đang ở trên máy bay trờ về nhà sau một chuyến du lịch dài ngày ở nước ngoài, bên cạnh bạn là một người đang đọc một tờ báo Mỹ. Để rút ngắn của chuyến bay, bạn đã làm quen và có một cuộc trò chuyện:
The engines are awfully loud, aren’t they?
Yeah. It looks like the airplane may break into pieces at any moment.
Bạn sẽ cảm thấy thoải mái, dễ dàng với cuộc trò chuyện và dần dần thích thú với nó. Trước khi máy bay hạ cánh một vài phút, người bạn mới quen mới thốt lên “You speak just like an American. Your pronunciation, your grammar — it’s amazing!” (Bạn nói tiếng Anh như người Mỹ, phát âm, ngữ pháp của bạn thật là đáng ngạc nhiên!”). Một cách tự nhiên, bạn rời khỏi máy bay trong trạng thái rất vui vẻ và dự báo hôm nay là một ngày tốt lành của bạn.
Có thể một ngày nào đó, trong điệu nhạc du dương ngọt ngào của một bài hát tiếng Anh trong cuộc hẹn hò lãng mạn, đột nhiên cô bạn gái hỏi :
What’s the song about? (Bài hát nội dung thế nào vậy anh?)
It’s about love, honey. (Nó nói về tình yêu em ạ)
You’re so smart. I wish I knew English like you do. (Anh giỏi thật đấy. Em ước gì mình cũng giỏi tiếng Anh như anh vậy).
Sự tưởng tượng tưởng chừng như là viễn vông và không có giá trị nhưng thực tế nó đã tạo cho người học một động lực vô cùng lớn để chạm tay mở cánh cửa ngôn ngữ tiếng Anh.
2. Sử dụng tiếng Anh bất cứ khi nào bạn muốn
Trong việc học tiếng Anh có một nguyên tắc nhỏ “The more you use English, the more you will want to learn it” (Bạn càng sử dụng tiếng Anh nhiều thì bạn càng thích học nó). Trên thực tế ngày nay tiếng Anh rất phổ biến, và nó chính là phương tiện giúp cho bạn “thu lượm” tất cả mọi thứ để đặt vào trong lòng bàn tay bạn:
• Ở hầu hết các trang Web: Có khoảng hơn một tỷ trang web được viết bằng tiếng Anh về nhiều lĩnh vực khác nhau! Thật là đáng ngạc nhiên khi chỉ với một ngôn ngữ mà bạn có thể tiếp cận được cả với một kho tàng kiến thức trên Internet.
• Sách: Sách viết về bất cứ lĩnh vực nào. Đọc sách được viết bởi các tác giả người Anh hoặc Mỹ và cả những quyển sách được chuyển thể từ ngôn ngữ khác sang tiếng Anh. Bất kể là bạn có thích hay không, bạn có thể đọc nó bằng tiếng Anh!
• Báo chí: Chỉ có báo chí được viết dưới ngôn ngữ tiếng Anh là có thể mua ở bất cứ ngóc ngách nào của thế giới. Bạn sẽ không phải mất thời gian quý báu của mình để tìm kiếm các đầu báo Time, Newsweek hay là International Herald Tribune.
• Khoa học: Tiếng Anh là chìa khóa để mở ra cả thế giới khoa học. Vào năm 1997, theo thống kê thì có khoảng 95% bài báo được viết bằng tiếng Anh. Tuy nhiên chỉ khoảng 50% trong số đó là của các nước nói tiếng Anh như Mỹ và Anh.
• Những bản báo cáo thông tin: Theo dõi các kênh truyền hình quốc tế như CNN hay NBC là một cách hay, đây là những kênh truyền tải thông tin nhanh, chuyên nghiệp hơn những kênh địa phương và bạn có thể theo dõi chúng bất cứ nơi đâu trên thế giới.
Nếu như tiếng Anh đưa lại cho bạn những hiểu biết mới trong chương trình mà bạn yêu thích, từ những cuốn phim đang nổi hay chỉ là những chiến thắng nho nhỏ ở trò chơi trên mạng thì bạn sẽ nhận thấy rằng mình cần trang bị nhiều kiến thức ngữ pháp, cấu trúc câu, từ vựng… hơn nữa. Niềm hứng khởi học tiếng Anh sẽ lớn nhanh cùng với những việc mà bạn làm và nếu như kết hợp với những phương pháp học tập hiệu quả thì khả năng tiếng Anh của bạn sẽ tiến bộ nhanh hơn bạn tưởng.
3. Giao tiếp với mọi người bằng tiếng Anh
Dường như đã thành lệ, nếu bạn nói về những chủ đề có vẻ nhàm chán thì không hẳn là bạn sẽ chẳng tìm thấy cho mình một cảm giác chán hơn thế mà bạn lại bắt đầu cảm thấy thích thú nó. Hãy tưởng tượng bạn đang chán nản và mệt mỏi với một môn học không phải là sở trường của bạn để chuẩn bị cho bài kiểm tra ngày mai. Bạn có 2 ý tưởng:
• Bạn có thể than phiền với mọi người về những gì mà bạn phải chịu đựng.
• Bạn sẽ nói với những người đó về những gì mà bạn đã học. Nếu như bạn lựa chọn phương pháp thứ nhất thì sẽ chẳng có gì cải thiện được cảm giác nhàm chán của bạn cả. Nhưng mọi thứ sẽ thay đổi nếu như bạn lựa chọn cho mình phương án 2, những thảo luận về chù để này sẽ bắt đầu và cách nhìn nhận của bạn sẽ chuyển sang một hướng khác. Đột nhiên nó sẽ trở thành một chủ đề rất đáng nói và khá thú vị, thế nhưng bắt đầu cuộc thảo luận đấy như thế nào cho hiệu quả?
Nếu như bạn đang học tiếng Anh, bạn có thể gây ngạc nhiên cho người nghe bằng cách bắt đầu:
Hi, I’m studying English and I hate it. (Xin chào, tôi đang học tiếng Anh và tôi ghét nó), hoặc có thể bắt đầu câu chuyện bằng tiếng Việt: Chào, ngày hôm nay tôi đã học 50 từ tiếng Anh. Cậu có biết là những từ vựng tiếng Anh để làm gì không?
Nếu như lúc đó không có ai ở gần bạn, bạn có thể trò chuyện và bắt đầu việc học bằng cách gọi điện, gửi thư điện tử, gửi tin nhắn đến bạn bè. Có thể những người mà bạn liên lạc chẳng có một chút hào hứng nào cả nhưng điều quan trọng là bạn tự tìm cho mình thêm một chút đam mê, và hứng thú cho việc học.
4. Tìm một người bạn để cùng học tiếng Anh
Nếu như bạn có thể tìm một người bạn cũng đang học tiếng Anh và cùng trình độ với mình thì quả đây là một cơ hội tuyệt vời để bạn có một động lực học tiếng Anh.
Bạn sẽ có một người bạn để trò chuyện tiếng Anh và niềm hứng thú sẽ tăng dần lên qua những cuộc trò chuyện.
• Việc học tiếng Anh của bạn sẽ trở nên dễ dàng hơn và được giải quyết qua các cuộc tranh luận giữa hai người.
• Bạn sẽ cố gắng học tiếng Anh nhiều hơn nữa bởi vì bạn không muốn thua kém người bạn của mình.
Việc gặp gỡ trao đổi bài vở thường xuyên thật sự cần thiết, chắc chắn bạn sẽ thành công. Hãy nhớ rằng Có công mài sắt có ngày nên kim – Nothing is impossible for willing hearts.
5. Hãy nhớ rằng có rất nhiều điều mà bạn chưa biết
Việc bạn có thể sử dụng và nắm vững một chút tiếng Anh thực sự là một thành công lớn! Thế nhưng đây lại là thời điểm để bạn cố gắng đạt nhiều thành công hơn nữa và tìm cho mình những phương pháp thật sự hiệu quả. Đừng bao giờ tự cho rằng trình độ tiếng Anh của mình đã hoàn hảo. Thậm chí ngay cả khi bạn là sinh viên xuất sắc trong lớp học, hãy luôn cố gắng ìm tòi điểm yếu của mình và khắc phục chúng. Khi mà bạn đã nói được iếng Anh trôi chảy, những vấn đề của bạn sẽ trở nên rất nhỏ bé: dấu chấm câu, những cấu trúc ngữ pháp ít được sử dụng, những từ khó, những từ lóng, từ thông tục (street language). Ngay bây giờ, những vấn đề của bạn lại trở nên cơ bản hơn: những lỗi sai trong phát âm, từ vựng, vấn đề ngữ pháp với thì hiện tại hoàn thành và các cấu trúc câu điều kiện.
Chúng ta có nguyên tắc là: Học phải đi đôi với hành (One small action is more powerful than reading hundreds of articles) – điều này tưởng chừng như rất đơn giản nhưng lại khó thực hiện. Và việc áp dụng những kinh nghiệm nho nhỏ như trên để tạo cho mình động lực tiếng Anh bạn nhé!
(Theo tienganh.com.vn)
Kinh nghiệm học tiếng Anh (phần 6)
by Check Nguyễn on October 2, 2009 · 0 comments
in Kinh nghiệm học Anh ngữ
Trong bài này, VNSTUDY.ORG sẽ gửi đến bạn bài viết hữu ích “Kinh nghiệm:Để đạt điểm cao trong kỳ thi TOEFL”. Đây là một trong những kì thi được xem là “khoai” nhất hiện nay. Kinh nghiệm học ngoại ngữ cho thấy, chỉ có 1 bí quyết duy nhất là: thực hành, thực hành, thực hành…Tuy nhiên, những ý tưởng, kinh nghiệm thực tiễn từ bài viết này cũng sẽ mang đến cho bạn ít nhiều gợi ý hữu ích. Xin được chia sẻ cùng bạn.
Một điều không thể phủ định là ngoài tấm bằng đại học “tàm tạm” khi apply vào bất kì công ty nào bạn cũng cần phải có một trình độ ngoại ngữ nhất định, có thể là tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc … nhưng ngoại ngữ phổ biến hàng đầu vẫn là tiếng Anh.
Có rất nhiều loại chứng chỉ tiếng Anh để bạn lựa chọn phù hợp với mục đích và trình độ yêu cầu. TOEIC là một chứng chỉ được hầu hết các công ty nước ngoài, các ngân hàng, các tập đoàn và công ty chứng khoán, tài chính … yêu cầu. Mức điểm cao hay thấp tuỳ thuộc vào yêu cầu của từng công việc, ví dụ như, tiếp viên hàng không thì mức điểm từ 400 điểm trở nên, nhân viên ngân hàng phòng tín dụng tối thiểu là 500 với nữ và 400 với nam, nhân viên phong thanh toán quốc tế, phòng xuất nhập khẩu công ở các công ty thì phải 700->800 gì đó…. Cũng phải nói thêm răng chứng chỉ TOEIC rất được các nhà tuyển dụng đánh giá cao (điểm tất nhiên càng cao càng tốt), trong các công ty, ngân hàng … mỗi năm nhân viên còn phải đi thi một lần để xem trình độ ngoại ngữ có bị mai một đi không, điểm thi đó còn được dùng để tính toán cho việc tăng lương và trợ cấp. Vậy là sao? Chúng ta thấy điểm TOEIC rất quan trong, nhất là đối với những bạn sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp đại học.
Làm thế nào để luyện thi TOEIC hiệu quả và thi đạt điểm cao? Theo tôi bạn nên thực hiện từng bước một
1. Kiến thức cơ bản
-Bạn phải trang bị cho mình một nền tảng cơ bản ngữ pháp, về việc này bạn có thể học ở bất kì đâu hoặc tự học, học ngữ pháp là nền tảng nâng cao trình độ Tiếng Anh của bạn.
-Song song với việc luyện tập ngữ pháp cơ bản bạn phải học càng nhiều từ mới càng tốt, lúc nào cũng phải tuân thủ phương châm “năng nhặt chặt bị” về vấn đề này không ai làm thay bạn được cũng chẳng có gì ngoài sự cần cù.
-Và tất nhiên bạn phải tìm hiểu ngay đề thi TOEIC xem nó bao gồm những nội dung gì để tập trung học
2. Nghe
Trong đề thi TOEIC sẽ có một nửa (100 câu) nghe, vậy là nghe cực kì quan trọng để bạn đạt điểm cao bạn phải luyện nghe theo các bước sau:
- Trong thời gian học ngữ pháp cơ bản và từ vựng bạn phải học dọc chính xác từng từ một bằng cách dùng máy vi tính và các phần mềm đọc tiếng Anh như (Talk it) hoặc dùng từ điển Oxford advance learner để nghe máy đọc từng chữ mà bạn chưa biết hoặc chưa chắc là mình phát âm đúng hay sai. Tôi nhấn mạnh việc đọc đúng từng từ tiếng Anh vì nếu bạn đọc sai bạn sẽ chẳng bao giờ nghe thấy từ đó trong bài nghe. Các bạn cũng không nên dùng từ điển Lạc Việt để học phát âm vì không phải nó sai mà thực sự nó phát âm rất khó nghe.
- Song song với việc học nghe cần cù như trên bạn cũng phải luyện nghe các đoạn hội thoại ngắn để còn quen với việc nối âm, trọng âm, các từ phát âm “tương tự nhau” … trong tiếng Anh. Việc này cũng rất quan trọng vì bạn làm thử đề thi TOEIC sẽ thấy rõ rang là bạn nghe thấy từ đó hoặc nghe được câu đó nói về cài gì nhưng khi trả lời câu hỏi bạn vẫn trả lời sai.
- Sau khi bạn học các đoạn hội thoại ngắn thì bạn học nghe các đoạn văn dài hơn, các đoạn văn dài này khi nghe bạn phải có chiến thuật riêng đấy vì nó là đoạn văn dài mà chỉ có khoảng 2, 3, cùng lắm là 4 câu hỏi cho đoạn đó thôi. để hiểu một các tổng quan về đoạn văn đó trước tiên bạn phải cực kì nhanh để đọc lướt tất cả những câu hỏi liên quan đến đoạn đó trong đề thi và tập trung nghe để tìm ra thông tin cho những câu hỏi đó. Khi nghe đoạn văn bạn cũng phải chú ý nghe bằng được câu đầu tiên của nó vì nghe được thì bạn dễ dàng đoán được nội dung của đoạn văn hơn.
***CÁC LƯU Ý KHI HỌC NGHE VÀ LÀM PHẦN NGHE
- 100 câu nghe trong đề thi chia làm 4 phần;
+ Phần 1 gồm 20 câu mỗi câu là một bức tranh và 4 câu miêu tả bức tranh đó: phần này được coi là dễ nhất trong bài nghe vì câu miêu tả ngắn và dẽ nghe, tuy nhiên, bạn đừng coi thường nó nhé vì những câu miêu tả mà nghe cứ như thể là miêu tả bức tranh đó nhưng thực ra là nó cố tình gây nhầm lẫn ở một điểm nào đó, ví dụ như, trong bức tranh có 4 người đang ngồi với nhau và có một câu đại thể như “they are having a meeting” hoặc “they are discussing a problem” chẳng hạn nhưng thực tế trong bức tranh mỗi người nhìn một lẻo và chẳng có vẻ họp hành gì cả… cuối cùng nó cho một câu “three of them are waering glasses” và thực đúng là trong đó có 3 người đeo kính còn một người không đeo vậy là câu này mới mô tả đúng nhất nội dung bức tranh. Để khắc phục vấn đề này bạn phải chú ý quan sát toàn bộ bức tranh và rất nhanh trí hình dung ra những câu mô tả bức tranh đó, phải để ý từng chi tiết nhỏ trên bức tranh đó, còn nghe thì phải nghe chuẩn để tránh bị nhầm lẫn giữa những từ phát âm nghe giông giống nhau.
+ Phần 2 gồm 30 câu theo kiểu một người đọc câu hỏi và một người đọc 3 câu trả lời bạn phải chọn ra một câu trả lời đúng cho câu hỏi đó. Phần này khó hơn phần bức tranh một tí, nếu bạn chú ý lắng nghe thì trả lời rất nhanh, tuy nhiên nó lại lừa đảo bạn cũng không ít. Ví dụ như:
Q: When did your flight take off?
A: – I fired it yesterday
- It was flying in the air three days ago
- It took off at 3.00 last Sunday
Vậy là bạn bị nó lừa ở chỗ “fired” và “flying” vì nó nghe “giông giống” với “flight” ở câu hỏi, trong khi đó câu thứ ba đúng thì nghe lại chẳng thấy có gì liên quan vì “take” bị chia một thì thành ‘took” mất lại còn 3.00 nữa chứ nghe loằng ngoằng thế chắc không phải đâu thế là tích đại vào câu 1 hoặc 2 thế là sai bét.
+ Phần 3 gồm 30 câu nghe đoạn hội thoại sau đó trả lờ câu hỏi, phần này lại khó hơn phần trước một tí. Để làm tốt được phần này bạn phải nhanh chóng đọc câu hỏi của đoạn hội thoại đó và chú ý nghe nội dung từ đầu đến cuối cố gắng không bỏ sót chữ nào vì bạn không thể tưởng tượng được đâu chính những từ bị phát âm lướt qua lại là đáp án cho câu trả lời đấy. Phần này đòi hỏi cả tư duy logic nữa. Ví dụ như trong đoạn hội thoại nói như sau:
“…….
A: When will the meeting be taken place?
B: It was planned to be on Friday, but as Mr John’s fllight was delayed we changed it to Monday next week.
A: When will Mr John arrive?
B: He said to me that he will arrive on Sunday.
…..”
Và câu hỏi đặt ra cho bạn là:
“When will Mr John have a meeting?”
A.On Friday
B.On Monday
C.On Sunday
D.Next week
Vậy nếu bạn nghe không rõ cái chỗ “but as Mr John’s fllight was delayed we changed it to Monday” thì sẽ bị nhầm lẫn hết cả, bạn nghe thấy có hết cả các ngày trong đoạn hội thoại nhưng không biết ngày nào mới chính xác. Bạn phải tư duy một chút và chú ý lắng nghe mới trả lời chính xác được.
+ Phần 4 gồm 20 câu hỏi cho khoảng 7 đến 9 đoạn, mỗi đoạn văn sẽ có tối thiểu 2 câu hỏi, phần này là phần khó nhất trong bài nghe, nhưng lại là phần ít lừa đảo và đánh đố nhất, nó chỉ đòi hỏi bạn khả năng ghi nhận thông tin nhanh thôi. Để làm tốt phần này bạn cần phải đọc lướt nhanh các câu hỏi (như nói ở trên kia) …. Bạn cũng cần phải luyện nghe đoạn văn thường xuyên để quen với các ghi nhận các thông tin chính, vì các câu hỏi trong đề thi thường tập trung hỏi các vấn đề chính, với cả nghe thường xuyên bạn đỡ bị căng thẳng hơn, không bị bỏ sót thông tin hơn.
3. Phần đọc
Phần đọc trong đề thi TOEIC gồm 3 phần với hình thức khác nhau
+ Phần 1 gồm 20 câu “Incomplete sentense” (hoàn thiện câu), trong các câu hỏi này thường tập trung vào phần sau:
* Từ loại (Vocabulary), 4 đáp án có thể cùng một từ nhưng mỗi từ lại ở một dạng danh từ, tính từ, phân từ hai … bạn phải nắm vững cả kiến thức ngữ pháp cơ bản cả về cấu tạo từ thì mới hoàn thiện được câu đúng. Theo tôi để luyện tốt được các câu hỏi này khi học bạn nên có một cuốn sổ tay bất kể một từ nào bạn gặp phải bạn cũng nên đặt ra câu hỏi “dạng thức tính từ của từ này là gì?” hay “từ này nếu chia ở dạng phân từ 2 thì cấu tạo thế nào?” … sau đó bạn cố gắng học thuộc nó, ghi chép tất cả các dạng thức của từ gốc đó. Nếu làm tốt điều này chắc chắn vốn từ của bạn sẽ tăng đáng kể. Bạn cũng có thể suy diễn theo kinh nghiệm trong trường hợp bí quá ví dụ như những tính từ kết thúc bằng đuôi “able” thì danh từ của nó thường là “ability”, rồi những động từ kết thúc bằng “ate” thì danh từ hay có đuôi là “tion” … Vậy các loại câu này bạn nên xác định vai trò của từ còn thiếu trong câu sau đó chọn dạng thức đúng của nó sau đó tick vào đáp án ok!!
* Nghĩa của từ (Meaning), 4 đáp án có thể cùng từ loại với nhau nhưng sẽ có nghĩa gần giống nhau và bạn phải chọn ra một từ có nghĩa đúng nhấp cho câu đó, về loại câu này bạn không có cách nào khác là phải học và phân biệt nghĩa của từ cho chuẩn xác, thuộc các thành ngữ, cụm động từ, cụm danh từ … ví dụ như trong câu sau:
“I have to arrange document to ___________ customs clearance every day”
A.do
B.make
C.get
D.prepare
Đáp án đúng của câu này là “Make” , vậy nếu bạn không hiểu và phân biệt rõ sự khác nhau giữa “Do” và “Make” chắc chắn sẽ bị nhầm
*Giới từ (Pre) đáp án sẽ là 4 giới từ và một trong đó sẽ đúng với nghĩa của câu, về phần này ngoài các giới từ thông thường như giới từ chỉ vị trí “in”, “on” bạn còn phải thuộc nhiều cụm thành ngữ nữa ví dụ như câu sau:
“The soldier died ____________ a wound in the First World War”
A.Of
B.From
C.Because
D.By
Trời ơi gặp câu này thì tức chết đi mất tôi giám cá là 99% những người học khá tiếng Anh sẽ chọn “of” vì bạn thường gặp thành ngữ “die of something” thế là tự tin quá còn gì (mừng rơi nước mắt) hoặc “By” vì bạn nghĩ rằng nghĩa của nó là “bởi” ok! tick luôn, còn lại những người học kém hơn một chút thì chọn “because” vì nghĩ rằng nó có nghĩa là bời vì, trường hợp này thì không oan uổng gì cả. Nhưng bạn sẽ hết sức bất ngờ có khi còn choáng vì đáp án đúng của nó là “from” ặc ặc bạn chỉ có thể điền đúng khi bạn thuộc thành ngữ “to die from a wound” (chết vì bị thương) … chuối chưa. Mà cái thủ đoạn lừa đảo này thì thường xuyên luôn, bạn phải học sâu và học chắc mới đối phó được.
Trên đây tôi chỉ có thể dẫn chiếu vài ví dụ cơ bản để minh chứng cho thủ đoạn lừa đảo trong bài thi TOEIC thôi, các bạn nên mua thêm sách hướng dẫn luyện thi TOEIC. Bạn nên xem tất cả các dạng bài mà đề thi hay ra để có hướng học, cũng phải lưu ý các bạn là phần này không loại trừ một dạng ngữ pháp nào cả nên bạn phải chắc và sâu ngữ pháp mới làm chuẩn được.
+ Phần 2 gồm 40 câu Error Recognition (phát hiện lỗi) xem thêm tại 870 câu ngữ pháp trong bài thi TOEIC
Hình thức của nó là cho một câu gạch chân 4 chỗ và xem chỗ gạch chân nào bị sai, 40 câu này mỗi câu sẽ đụng đến một dạng ngữ pháp và cũng tương đối khó. Cách làm nhanh và chính xác các câu hỏi này là bạn đọc kĩ câu hỏi xem các chữ bị gạch chân có vai trò gì trong câu và tìm ra mối quan hệ của nó với các thành phần khác trong câu, bạn phải xem xét kĩ cả bốn từ hoặc cụm từ được gạch chân, không nên vội vã tick vào A hoặc B mà chưa xem đến B, C. Nhiều khi nó lừa mình làm như là A hoặc B sai nhưng thực sự xét kĩ ra thì không phải.
Theo kinh nghiệm của tôi thì những câu ngữ pháp trong phần này và phần trên rất giống với phần Stucture trong đề thi TOEFL (form cũ) và độ khó thì tương đương, vậy nếu ngữ pháp cơ bản của bạn không chắc thì ngoài những sách luyện thi TOEIC bạn nên mua thêm những sách hướng dẫn luyện thi TOEFL về làm thêm. Các sách này bán rất nhiều và giá rẻ vì hiện nay TOEFL đã chuyển sang IBT, các sách này cũng rất cơ bản và khoa học giúp bạn học hiệu quả hơn. + Phần 3 (Reading comprehension) gồm 40 câu hỏi cho từ 10 đến 14 đoạn văn. Phần này tương đối là mang tính chuyên môn vì những đoạn văn thiên về thương mại, kinh tế, kiểu như một đoạn quảng cáo, một đoạn trích về thông tin hoặc báo cáo của một công ty … cũng có những đoạn rất thông thường như lịch trình của một hãng hàng không, menu trong các nhà hàng … Phần này chiếm nhiều điểm trong bài thi của bạn vì vậy bạn nên cố găng luyện phần này càng nhiều càng tốt.
Về độ khó thì tuỳ theo mức độ, có đoạn rất dễ nhưng có đoạn cũng rất khó (nhưng tôi giám khẳng định 110% rằng so với TOEFL thì … muỗi). Phần này đòi hỏi bạn phải tư duy một chút để tìm ra câu trả lời đúng nhất, bạn đừng ngại nó chỉ lừa chút thôi chứ không đánh đố đâu.
Khi làm phần này để nhanh chóng và chính xác bạn nên:
Bước 1: đọc luớt toàn bộ các câu hỏi liên quan đến đoạn văn đó
Bước 2: đọc lướt đoạn văn chú ý vào những chỗ câu hỏi đề cập đến, bạn đừng có dịch nó ra nhé, từ nào mới mà bạn không biết thì đoán nghĩa, bạn nên hiểu tổng thể đoạn đó nói về cái gì thôi.
Bước 3: Đọc từng câu hỏi một và xem lại đoạn văn tìm thông tin cho câu hỏi đó và tick OK.
Đó là khi thi còn khi học thì sao? Khi học bạn nên tích luỹ càng nhiều từ vựng càng tốt. Bạn luyện cho mình cách hiểu tổng quan về một đoạn văn và cách đọc lướt nhanh, trách trường hợp vừa đọc vừa dịch vừa mất thời gian vừa không hiệu quả. Bạn cũng nên học cách suy diễn các thông tin trong đoạn văn nhé vấn đề này tôi phải dẫn chứng một ví dụ as follow:
Đoạn văn:
“Welcome, Ms. Martelli… , to the Star Plaza Holtel. We hope you have a pleasant stay. Please present this card when enjoying our restaurant, coffee shop, and sporting facilities and when signing charges to your room account.
Check out date: 10th December
Room no. 635 P. Angelo (Desk Clerk)”
Câu hỏi đặt ra là
1.When did the guest receive this card?
A.When making a room reservation
B.When checking into the hotel
C.When ordering a meal at a restaurant
D.When paying the bill
2.Who issued this card to the guest?
A.P. Angelo
B.Ms. Martelli
C.The hotel manager
D.The restaurant cashier
Bạn thử trả lời câu hỏi này đi, nó cũng dễ thôi bạn chỉ cần dựa vào thực tế một chút vì sao nhỉ? Bạn không thể nhận được cái Card đó khi bạn đặt phòng đúng không (bản thân “make a room reservation” chỉ là đặt chỗ trước và chưa hề đến ởi thực tế) nếu bạn hiểu sai từ này thì sẽ chọn sai đáp án, vậy câu A loại. Câu C và D thì là lúc bạn “present” cái card thôi, loại tiếp nhé, còn lại câu B thì đúng quá còn gì khi bạn “check into a hotel” chính là lúc bạn chính thức đến ở đó và nhận được Card khi “stay” thôi.
Vậy đấy, bạn phải hiểu rõ từ vựng nhé! và tưởng xem nếu minh đi hotel thì thế nào! Còn câu 2 thì sao? cũng thế thôi, người Issue cái card này không thể là “Guest” đó được, cũng không thể là “Cashier” vì bạn đã “charge” đâu, còn lại bạn lâm vào boăn khoăn giữa “maneger” và cô P. Angelo. Chắc chắn sẽ có nhiều người nhầm thành ông manager vì nghĩ rằng ông ta có quyền phát hành cái Card cho khách sạn của ông ta, nhưng thực tế lại là Ms P. Angelo vì chữ kĩ của cô ta rành rành trên đó, bản chất của “Issue” là tạo ra hoặc hoàn thiện một cái form thôi đừng nghĩ to tát nhé.
VNSTUDY.ORG sưu tầ
Một vài kinh nghiệm học Tiếng anh
Sưu Tầm từ Diễn đàn TiengAnh.com.vn
Bạn có thể học tốt môn tiếng anh theo những cách sau nhé:
1.Thích nói Tiếng Anh và thoải mái khi nói:
Khi sử dụng Tiếng Anh, bạn đừng sợ mắc lỗi, vì nếu không mắc lỗi, có nghĩa là bạn chẳng học được gì. Nhưng điều quan trọng là những gì bạn rút ra sau khi mắc lỗi.Cũng giống như một em bé sẽ không thể đi được nếu như sợ bị vấp ngã.
2.Xác định xem bạn thích hợp với cách học nào:
Nghiên cứu gần đây cho thấy rất nhiều người có cách học riêng mà mình yêu thích. Nếu bạn là người yêu thích hình ảnh,bạn có thể tạo ra một mối liên hệ giữa Tiếng Anh và hình ảnh. Ví dụ, bạn có thể xem phim có phụ đề Tiếng Anh, cố gắng hình dung mình đang ở trong ngữ cảnh cần sử dụng Tiếng Anh, liên tưởng các từ cần học với các hình ảnh. Nếu bạn là người yêu âm nhạc thì nghe các bài hát Tiếng Anh theo sở thích hoặc theo trình độ càng nhiều càng tốt là sự lựa chọn hoàn hảo. Còn nếu bạn là người có đầu óc phân tích, hãy dành nhiều thời gian để học ngữ pháp va so sánh Tiếng Việt với Tiếng Anh.Cool
3.Học cách ghi nhớ:
Bạn có thể luyện trí nhớ của mình qua các sách hướng dẫn.Muốn
trở thành học sinh giỏi Anh Văn thì nhất thiết phải chú trọng đến việc này đó các bạn ạ.
4.Tạo ra cho mình một môi trường Tiếng Anh:
Ai cũng có góc học tập phải không nào?Ở cái góc học tập ấy, bạn hãy ghi những từ mới cần học. Mỗi lúc ngồi vào bàn là lại nhìn thấy, ai mà quên được,phải không nàoBig Grin. Bao giờ thuộc hết rồi thì thay từ khác Bạn hãy tranh thủ đọc,nghe và nói Tiếng Anh ở mọi lúc, mọi nơi nha.
5.Hãy nối mạng:
Internet đã mang đến nhiều lợi ích cho người học ngoại ngữ. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều website hữu dụng cho việc học ngữ pháp, từ vựng, phát âm và bây giờ, quan trọng hơn cả là: giao tiếp.Nhưng phải nhớ, cái gì cũng có chừng mực, các bạn chỉ nên lên mạng nhiều nhất là 4 tiếng một ngày thôi nhé.
6.Học từ vựng một cách có hệ thống:
Xin bạn lưu ý rằng học Tiếng Anh không chỉ đơn thuần là học ngữ pháp. Khi giao tiếp, bạn lựa chọn từ vựng, kết hợp chúng và tạo thành câu để biểu đạt ý kiến của mình.Khi học từ vựng, bạn hãy bố trí sổ ghi chép của mình sao cho hợp lý. Đừng nên liệt kê một dãy dài các từ ngữ mới mà hãy chia sổ của bạn ra từng mục chẳng hạn:
_Chủ đề: shopping, holidays, money, weather…
_Động từ và danh từ đi liền kề: do your homework, make a cake…
_Động từ kép:to grow up, to fell off, to look after…
_Ngữ cố địnhn the other hand, in my opinion,b y the way…
_Thành ngữnce in a blue moon, to be over the moon, out of the blue…
_Ngữ có giới từ:at nigh, at the weekend,i n March,i n 2008…
Trên đây là các kinh nghiệm học môn Anh Văn của Uno.Môn Tiếng Anh cũng không phải là môn học “khó xơi”lắm đâu.
Nói chung, môn Anh có 5 cái quan trọng nhất !
Listening: Mình thường xuyên nghe đài BBC. Siêng nữa thì thu băng lại để nghe kỹ nhiều lần: lần đầu nghe để nắm sơ lược nội dung, lần sau nghe ngữ điệu, phát âm và từ mới. Nghe đi nghe lại nhiều lần sẽ học được cách đọc nối từ và ngữ điệu toàn câu, điều không hề có trong tiếng Việt. Hiện nay truyền hình cáp và KTS đều có các kênh nói tiếng Anh, chất lượng âm thanh tốt hơn nhiều, việc luyện Listening theo tôi ko đến nỗi quá khó. Thư giãn thì nghe nhạc tiếng Anh, nhưng không phải nghe không mà chú ý cả cách sử dụng từ vựng trong bài. Cũng có khi nghe chỉ để thưởng thức âm nhạc, nhưng việc chú ý đến nội dung, theo tôi, là rất quan trọng. Nếu không dễ xảy ra tình trạng thích bài nhạc nào đó, hát nghêu ngao mà không cần biết nội dung như thế nào, người khác nghe được sẽ cười cho!!! Nếu có thời gian rảnh hơn thì thu băng giọng mình nói, một dạng kiểu “spoken diary”, cũng khá thú vị, vừa kiểm tra được ngữ điệu và vốn từ vựng của mình.
Speaking: Listening và Speaking liên quan mật thiết với nhau. Một người nghe hỏi mà ko hiểu thì làm sao có thể trả lời được? Vậy nên từ vựng vô cùng cần thiết. Ngữ pháp theo tôi không quan trọng lắm! Dĩ nhiên nói đúng ngữ pháp sẽ khiến người nghe dễ hiểu hơn và thể hiện trình độ của người nói hơn. Tuy nhiên lưu ý ngôn ngữ nói có ngữ pháp riêng của nó. Cũng giống như tiếng Việt, ngữ pháp trong ngôn ngữ nói rất đa dạng, uyển chuyển. Ta có thể nói chỉ một từ người nghe cũng hiểu được, ko cần lúc nào cũng là một câu hoàn chỉnh. Như vậy tóm lại Speaking cần 2 điều: từ vựng và phản xạ nói. Từ vựng ở đây bao gồm cả cách phát âm đúng và sử dụng từ đúng ngữ cảnh. Phản xạ nói bao gồm nhịp độ trả lời và cách trả lời cho phù hợp. Không phải cứ nhanh là đúng! Nhưng chắc hẳn không nói ra thì ko bao giờ có thể đúng được! Vì thế ta đừng quá ngại ngùng, rụt rè khi có cơ hội giao tiếp, nhưng cũng cần để ý đến lỗi sai để sửa, tránh dùng sai riết thành quen, sau này khi muốn sửa lại sẽ rất khó! Vậy ngay từ bây giờ hãy nói chuyện với bạn bè, thầy cô, người nước ngoài bằng tiếng Anh càng nhiều càng tốt!
Reading: Hãy đọc thật nhiều sách báo tiếng Anh bản gốc, để ý cách dùng từ, chơi chữ, văn phong của tác giả. Đọc nhiều chuyên mục, lĩnh vực, tìm hiểu thêm về những thuật ngữ thường dùng trong đời sống hằng ngày. Reading giúp ích rất nhiều cho Writing, vì thế nếu có thời gian, nên dành 1/2g mỗi ngày đọc một cái gì đó bằng tiếng Anh!
Writing: Viết nhật ký bằng tiếng Anh là một cách học hay và có kết quả. Muốn giỏi viết thì ko có cách nào khác hơn là viết nhiều và sửa nhiều. Một nhà báo nổi tiếng muốn viết một bài xã luận hay còn phải viết đi viết lại 4 lần. Mình bình thường thì chỉ cần 3 lần cũng tốt rồi! Lần đầu nháp, lần hai viết hoàn chỉnh, lần ba sửa lỗi. Những bước này tôi đều áp dụng với các lớp học môn Writing và thấy có hiệu quả. Ngữ pháp rất quan trọng trong môn Writing. Để có giọng văn uyển chuyển, ta cần phải nắm vững các quy tắc ngữ pháp và sử dụng chúng thật thành thạo. Từ vựng cũng rất quan trọng, chú ý ko sai chính tả. Ngoài ra muốn văn hay thì người viết phải có óc quan sát và tổ chức tốt. Óc quan sát nhằm mô tả sinh động, còn tổ chức tốt nhằm biểu đạt khúc chiết những điều mình muốn nói. Quy tắc 1-2-3 là một quy tắc rất hay! Nếu chưa nghĩ ra 3 ý để phát triển bài văn thì khoan hãy viết! Và vì 3>1 nên ý hay nhất nên để dành nói sau cùng (”save the best for the last”!)
Học tốt cả 4 kỹ năng tức không thể bỏ qua phần từ vựng và ngữ pháp. Ngữ pháp muốn giỏi thì học kỹ các quy tắc, làm nhiều bài tập và cuối cùng là sử dụng thật nhiều trong văn nói và viết. Từ vựng cũng thế! Biện pháp sau của tôi tuy cũ nhưng rất hữu ích: các bạn nên chịu khó luôn mang theo bên mình quyển sổ tay nhỏ, khi thấy có vật gì hay điều gì muốn diễn đạt bằng tiếng Anh ko được thì nên ghi chép lại để về tra cứu thêm. Quyển sổ cũng để ghi chú những từ vựng hay, những chủ đề các bạn yêu thích hoặc đơn thuần chỉ là những từ tình cờ học được. Việc ghi ra có thể giúp một số bạn; một số bạn khác cần có hình ảnh, màu sắc mới nhớ thì có thể vẽ hoặc tạo một ký hiệu nào đấy để dễ học. Đây là cơ cấu não bộ của riêng mỗi người, các bạn nên linh động thay đổi sao cho phù hợp.
Tóm lại, theo tôi, nếu xem việc học nhẹ nhàng, vui vẻ thì hiệu quả đạt được sẽ cao hơn. Tiếng Anh cũng giống như các môn học khác, muốn thấm sâu, thấm lâu thì cần phải có một thời gian đầu tư nhất định. Đừng quá nôn nóng vội vã mà hãy lên kế hoạch cho việc học của mình mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng và quyết tâm thực hiện thật gắt gao. Sau một thời hạn nhất định, bạn sẽ thấy ngạc nhiên với kết quả mình đạt được. Chúc các bạn thành công, yeah!!
Mot so kinh nghiem hoc tieng anh
1. Những kinh nghiệm chung
- Học đều đặn hàng ngày theo cách “mưa dầm thấm lâu”, chứ không nên học dồn vào một lúc mà lại ngắt quãng số lần học quá lâu. Sở dĩ cần đưa điều này lên trước là vì khóa học tiếng Anh trực tuyến không đòi hỏi về thời gian “lên lớp” nên nhiều người không chủ động được thời gian học tập. Hãy chủ động học tập hàng ngày với thời gian hợp lí, bạn vừa duy trì được thói quen học tập nề nếp, lại thấy được sự tiến bộ của mình hàng ngày.
- Hãy tận dụng tối đa những tiện ích mà internet và chương trình đào tạo tiếng Anh trực tuyến mang lại để học tập hiệu quả nhất: sử dụng từ điển trực tuyến, tìm kiếm qua google để học bằng các mẫu vật, hình ảnh, đọc các trang web tiếng Anh...
- Gọi cho trung tâm hỗ trợ học viên của các chương trình đào tạo tiếng Anh qua internet để nhận được trợ giúp nhanh hơn và được tư vấn nhiều hơn.
2. Kinh nghiệm để học tốt tiếng Anh giao tiếp quốc tế
Theo cô Nguyễn Thị Thúy, để học tốt tiếng Anh giao tiếp quốc tế thông qua internet các bạn học viên cần lưu ý: Chương trình đào tạo đã có các bước học tập rất khoa học. Vì thế, khi học tập, các bạn nên học theo hướng dẫn của hệ thống. Chú ý luyện nói nhiều bằng cách luyện ngữ âm và luyện các mẫu câu thông dụng, tận dụng tối đa sự hỗ trợ của audio, video hay flash để học tập, giúp rèn luyện các kĩ năng nghe nói đọc viết một cách tốt nhất.
3. Học tiếng Anh trung học và ôn thi đại học như thế nào cho tốt?
Những kinh nghiệm học tiếng Anh của các bạn trung học được cô Vũ Bích Thanh, giáo viên online của trang đào tạo tiếng Anh trung học trên internet phổ biến:
- Khi học tập và ôn thi trắc ngiệm, các bạn học sinh nên ôn từng dạng bài trước cho nhuần nhuyễn rồi mới làm bài tập tổng hợp. Và nên ôn tập từ lớp 10, đến lớp 12, không nên nhảy cóc. Bởi vì, khi học tập và ôn luyện theo trình tự lớp học các bạn sẽ có cơ sở để hệ thống kiến thức và tận dụng tối đa tư liệu đã có trên trang tiếng Anh trung học này.
4. Kinh nghiệm để học tốt tiếng Anh chuyên ngành qua internet
- Khi học tiếng Anh chuyên ngành qua internet, các bạn nên tận dụng tối đa sự hỗ trợ của hệ thống audio để học và luyện phát âm từ mới (từ chuyên ngành thường khó phát âm và khó nhớ). Khi gặp các chuyên ngành lạ, học viên nên dựa vào hình ảnh video để hiểu nội dung và nghĩa nhanh hơn.
- Với mỗi bài học trong tiếng Anh chuyên ngành, học viên cũng nên tận dụng hệ thống internet để tìm kiếm các bài có chủ đề (topic) tương tự để bổ sung vốn từ, rèn lại các kĩ năng sử dụng ngôn ngữ.
- Thường xuyên làm thêm phần ngân hàng bài tập của chương trình đào tạo để mở rộng vốn từ của mỗi chuyên ngành. Sau đó hãy tập nói lại theo nội dung để luyện nói và sử dụng các từ, cấu trúc mới học.
- Muốn học tốt tiếng Anh chuyên ngành, trước hết, các học viên cũng phải có hiểu biết về kiến thức nền của chuyên ngành đó bằng tiếng Việt thì mới dễ dàng hiểu nó bằng tiếng Anh.
5. Những “thủ thuật” để loại bỏ thời gian chờ đợi khi học tập qua mạng internet
- Chọn trang web học tập của bạn làm trang chủ (vào Tools, chọn internet options, gõ địa chỉ trang web vào ô address, sau đó chọn apply, và chọn ok, là bạn đã có một trang chủ như mong muốn) để tiện lợi hơn cho học tập và đây cũng là một lời nhắc nhở dành cho các bạn khi các bạn lên mạng mà “quên” không học tập!
- Khi bạn sử dụng phần hỗ trợ audio hay video của hệ thông để học tập, có thể bạn phải chờ hơi lâu (khoảng 15 giây) do khi soạn bài, các giáo viên online thường để phần âm thanh rất tốt, nên dung lượng lớn và có thể do có nhiều người cùng chọn nghe một lúc. Nếu không muốn chờ đợi, khi hệ thống báo “buffering…” (đang tải dự liệu về máy), các bạn hãy nhấn vào nút stop, sau đó nhấn vào play để không phải chờ đợi.
Kinh nghiệm học tiếng Anh vốn đã có rất nhiều và đã được xuất bản thành nhiều cuốn sách khác nhau. Tuy nhiên, kinh nghiệm để học qua internet thì không phải là ai cũng đã biết. Hi vọng bài viết này giúp các bạn học online học tập hiệu quả hơn và yêu thích hình thức học tập mang tính thời đại này.
Theo Global Education Vietnam
Kinh nghiêm học ti ếng anh bổ ich
Một trong những trở ngại lớn nhất của chúng ta khi học một ngoại ngữ ấy là chúng ta quá… thông minh và có quá nhiều kinh nghiệm….
Quá thông minh: vì mình không thể nào chấp nhận nghe một câu mà mình không hiểu: cần phải hiểu một câu nói gì trước khi nghe tiếp câu thứ hai, nếu không thì mình không buồn nghe tiếp.
Quá kinh nghiệm: Cuộc đời đã dạy ta không nghe những gì người khác nói mà chỉ hiểu những gì mà nội dung chuyển tải. Nếu không hiểu nội dung, chúng ta không thể lặp lại lời người kia. Cũng vì thế mà - trong giai đoạn đầu học ngoại ngữ - mỗi lần nghe một câu tiếng Anh thì trong đầu phải dịch ra được tiếng Việt thì mới yên tâm, bằng không thì … câu ấy không có nghĩa.
Thế nhưng, đấy là lối học sinh ngữ ngược chiều. Tôi biết được 6 ngôn ngữ, trong đó có ba ngôn ngữ thành thạo nghe nói đọc viết: Việt - Anh - Pháp, và tôi thấy rằng trong các ngôn ngữ tôi biết thì, một cách khách quan, nghe và nói tiếng Việt là khó nhất (vì ở phương tây, không có ngôn ngữ nào mà mình đổi cao độ của một từ thì ý nghĩa từ ấy lại thay đổi: ma - má - mà - mạ - mã - mả). Nhưng các bạn ở forum này, cũng như tôi, đều không có vấn đề gì cả với cái sinh ngữ khó vào bậc nhất ấy!
Thế nhưng những thầy cô dạy chúng ta nghe nói tiếng Việt chẳng phải là những vị chuyên viên ngôn ngữ như các thầy ngoại ngữ mà ta học tại các trường. Thầy dạy tiếng Việt chúng ta là tất cả những người quanh ta từ ngày ta ra đời: cha mẹ, anh chị, hàng xóm, bạn bè… nghĩa là đại đa số những người chưa có một giờ sư phạm nào cả, thậm chỉ không có một khái niệm nào về văn phạm tiếng Việt. Thế mà ta nghe tiếng Việt thoải mái và nói như sáo. Còn tiếng Anh thì không thể như thế được. Ấy là vì đối với tiếng Việt, chúng ta học theo tiến trình tự nhiên, còn ngoại ngữ thì ta học theo tiến trình phản tự nhiên.
Từ lúc sinh ra chúng ta đã nghe mọi người nói tiếng Việt chung quanh (mà chẳng bao giờ ta phản đối: “tôi chẳng hiểu gì cả, đừng nói nữa”! Mới sanh thì biết gì mà hiểu và phản đối!). Sau một thời gian dài từ 9 tháng đến 1 năm, ta mới nói những tiếng nói đầu tiên (từng chữ một), mà không hiểu mình nói gì. Vài năm sau vào lớp mẫu giáo mới học đọc, rồi vào lớp 1 (sáu năm sau khi bắt đầu nghe) mới tập viết… Lúc bấy giờ, dù chưa biết viết thì mình đã nghe đưọc tất cả những gì người lớn nói rồi (kể cả điều mình chưa hiểu). Như vậy, tiến trình học tiếng Việt của chúng ta là Nghe - Nói - Đọc - Viết. Giai đoạn dài nhất là nghe và nói, rồi sau đó từ vựng tự thêm vào mà ta không bao giờ bỏ thời gian học từ ngữ. Và ngữ pháp (hay văn phạm) thì đến cấp 2 mới học qua loa, mà khi qua hết trung học thì ta đã quên hết 90% rồi.
Nhưng tiến trình ta học tiếng Anh (hay bất cứ ngoại ngữ nào) thì hoàn toàn ngược lại.
Thử nhìn lại xem:
Trước tiên là viết một số chữ và thêm nghĩa tiếng Việt nếu cần. Kể từ đó, học càng nhiều từ vựng càng tốt, kế đến là học văn phạm, rồi lấy từ vựng ráp vào cho đúng với văn phạm mà VIẾT thành câu! Rồi loay hoay sửa cho đúng luật! Sau đó thì tập đọc các chữ ấy trúng được chừng nào hay chừng ấy, và nhiều khi lại đọc một âm tiếng Anh bằng một âm tiếng Việt! (ví dụ fire, fight, five, file… đều được đọc là ‘phai’ ).
Sau đó mới tới giai đoạn NÓI, mà ‘nói’ đây có nghĩa là Đọc Lớn Tiếng những câu mình viết trong đầu mình, mà không thắc mắc người đối thoại có hiểu ‘message’ của mình hay không vì mình chỉ lo là nói có sai văn phạm hay không. Lúc bấy giờ mới khám phá rằng những câu mình viết thì ai cũng hiểu, nhưng khi mình nói thì chỉ có mình và … Thượng Đế hiểu thôi, còn người bản xứ (tiếng Anh) thì ‘huh - huh’ dài cổ như cổ cò!
Sau thời gian dài thật dài, mình khám phá rằng mình từng biết tiếng Anh, và nói ra thì người khác hiểu tàm tạm, nhưng khi họ nói thì mình không nghe được gì cả (nghĩa là nghe không hiểu gì cả). Lúc bấy giờ mới tập nghe, và rồi đành bỏ cuộc vì cố gắng mấy cũng không hiểu được những gì người ta nói.
Vấn đề là ở đó: chúng ta đã học tiếng Anh ngược với tiến trình tự nhiên, vì quá thông minh và có quá nhiều kinh nghiệm.
Tiến trình ấy là Viết - Đọc - Nói - Nghe!
Vì thế, muốn nghe và nói tiếng Anh, chuyện đầu tiên là phải quên đi kinh nghiệm và trí thông minh, để trở lại trạng thái ‘sơ sinh và con nít’, và đừng sử dụng quá nhiều chất xám để phân tích, lý luận, dịch thuật!
Và đây là bí quyết để Nghe:
A. Nghe thụ động:
1. - ‘Tắm’ ngôn ngữ. Nghe không cần hiểu:
Hãy nghe! Đừng hiểu.
Bạn chép vào CD một số bài tiếng Anh (ví dụ từ trên forum này). Mỗi bài có thể dài từ 1 đến 5 phút.
Khi nào bạn ở nhà một mình, thì mở các bài đó ra vừa đủ nghe, và cứ lặp đi lặp lại mãi ra rả như âm thanh nền suốt ngày. Bạn không cần để ý đến nó. Bạn cứ làm việc của mình, đánh răng, rửa mặt, học bài làm bài, vào internet… với tiếng lải nhải của bài tiếng Anh. (thậm chí, trong lúc bạn ngủ cũng có thể để cho nó nói).
Trường hợp bạn có CD player, USB player hay iPod, thì đem theo để mở nghe khi mình có thời gian chết - ví dụ: di chuyển lâu giờ trên xe, đợi ai hay đợi đến phiên mình tại phòng mạch.
Công việc ‘tắm ngôn ngữ’ này rất quan trọng, vì cho ta nghe đúng với từng âm của một ngôn ngữ lạ. Tai của chúng ta bắt rất nhanh một âm quen, nhưng loại trừ những âm lạ. Ví dụ: Nếu bạn nghe câu: ‘mặt trời mọc cánh khi chim voi truy cập chén chó’, một câu hoàn toàn vô nghĩa, nhưng bảo bạn lặp lại thì bạn lặp lại được ngay, vì bạn đã quá quen với các âm ấy. Nhưng khi một người nói một câu bằng chừng ấy âm (nghĩa là 11 âm/vần), trong ngôn ngữ bạn chưa từng học, và bảo bạn lặp lại thì bạn không thể nào lặp lại được, và bảo rằng… không nghe được! (Bạn có điếc đâu! Vấn đề là tai bạn không nhận ra được các âm!) Lối ‘tắm ngôn ngữ’ đó chỉ là vấn đề làm quen đôi tai, và sau một thời gian (lâu đấy chứ không phải vài ngày) bạn sẽ bắt được các âm của tiếng Anh, và thấy rằng âm ấy rất dễ nghe, nhưng hoàn toàn khác với âm Việt.
Đừng nản lòng vì lâu ngày mình vẫn không phân biệt âm: hãy nhớ rằng bạn đã tắm ngôn ngữ tiếng Việt ít ra là 9 tháng liên tục ngày đêm trước khi mở miệng nói được tiếng nói đầu tiên và hiểu được một hai tiếng ngắn của cha mẹ; và sau đó lại tiếp tục ‘tắm ngôn ngữ’ Việt cho đến 4, 5 năm nữa!
Kinh nghiệm luyện thi TOEFL (hot)
by Check Nguyễn on December 2, 2009 · 0 comments
in Kinh nghiệm học Anh ngữ
TOEFL là một kì thi quan trọng bậc nhất với người học tiếng Anh. VNSTUDY sẽ chia sẻ với bạn những gì mình tìm được về việc luyện thi TOEFL, sao cho hiệu quả.
Bài 1: Kiếm TOEFL trên 600 điểm
Bài viết trên Học Bổng Toàn Cầu. Giờ sắp chuyển New TOEFL rồi nhưng mấy kinh nghiệm này chắc vẫn có ích. Chẳng biết là làm như thế này có được không, nhưng dù sao cũng nên đọc qua tí. Hi vọng ngày nào đó sẽ có “Kinh nghiệm luyện thi New TOEFL đạt trên 100 điểm”. Hơ hơ, biết đâu ngày ấy bạn sẽ là người viết bài đó.
Điểm TOEFL là điều kiện cần để bạn có thể theo học tốt tại các trường nói tiếng Anh. Bài viết này ghi lại kinh nghiệm của một sinh viên đang du học tại Cambridge “sẽ giúp bạn hoàn thành TOEFL test trên 600 điểm và tự tin trong giao tiếp”.
Bạn không nên nhìn TOEFL test chỉ như là một yêu cầu để được chấp nhận nhập học mà hãy coi nó như sự đánh giá về khả năng giao tiếp của bạn. Bạn học TOEFL vì đó là điều khẳng định bạn có thể theo học tốt trong môi trường tiếng Anh. Bạn thử tượng tượng ngồi trong một lớp học mà bạn không thể hiểu được thầy cô nói gì và bạn bè xung quanh mình nói gì thì có nên du học không? Hãy học vì trình độ tiếng Anh của bạn trước tiên và sau đó điểm cao trong kỳ thi sẽ đến với bạn.
Muốn đạt điểm cao trong kì thi ở ĐH thì bạn phải học theo chương trình thầy cô đã giảng dạy ở lớp. Đối với TOEFL cũng vậy, nhưng giờ đây không có thầy cô nào đưa ra chương trình cho bạn mà chính bạn phải tìm hiểu và lên đề cương cho mình. TOEFL dùng để test khả năng giao tiếp của bạn trong môi trường ĐH. Chính vì lẽ đó nếu bạn để ý sẽ thấy các bài nghe sẽ thường xoay quanh các vấn đề học tập, trường lớp.
Như vậy, về cơ bản để hoàn thành test được điểm cao thì cách làm đúng nhất là tập trung nâng cao khả năng giao tiếp của bạn. Kỹ năng thực hành test hay làm test chỉ nên được đề cập đến sau khi bạn đã có thể giao tiếp vững tin bằng tiếng Anh. Kỹ năng làm test chỉ có tác dụng tương đối khá khi trình độ của bạn tương đối thấp.
Ví dụ: Nếu hai người có cùng khả năng giao tiếp thì người không có kỹ năng làm TOEFL test sẽ đạt 500 điểm, nhưng với người có kỹ năng làm bài thì có thể đạt đến 550 điểm. Tuy nhiên, sự chênh lệch này sẽ không còn nhiều khi mà trình độ được nâng lên.
Bạn sẽ nghe rất nhiều người đi học luyện TOEFL nói rằng từ 500 đến 550 thì nhanh nhưng từ 550 đến 580 thì lại không đơn giản chút nào. Điều này cũng dễ hiểu vì từ 550 đến 580 là trình-độ-tiếng-Anh của bạn phải được nâng cao lên một bậc, trong khi từ 500 đến 550 chỉ là trình-độ-làm-test của bạn được nâng cao lên một bậc.
Điểm có thể đi du học
Trước khi bắt tay vào chuẩn bị TOEFL test, bạn phải đặt ra ngưỡng phấn đấu của mình. Để đặt ra ngưỡng này, bạn cần lướt qua yêu cầu của những trường mà bạn định apply trong mục admission. Mỗi trường, mỗi khoa đều có nhưng yêu cầu riêng về điểm TOEFL. Tuy nhiên bạn nên đặt ngưỡng cao hơn nhưng đòi hỏi này một chút. Thông thường các trường sẽ đòi 550-600 (các chuyên ngành tự nhiên) còn xã hội thì bạn nên kiểm tra lại. TOP 50 sẽ đòi từ 550-570, TOP 30 sẽ đòi khoảng 570-600.
Tài liệu
Sẽ có nhiều bạn chạy cuống cuồng tìm về một đống tài liệu, tiêu tốn rất nhiều thời gian trên mạng chỉ để tìm tài liệu. Và cuối cùng thì cũng chỉ đụng đến được chưa đầy 20% tổng số tài liệu mà mình có.
Bạn chỉ nên chọn 1 hay hai quyển sách về TOEFL và ngồi đọc và làm hết từ A-Z trong những quyển đó thì bạn học được nhiều hơn là cứ mỗi tài liệu lại “chấm mút” một chút. Bởi vì khi bạn “ngốn” được hết được một cuốn sách thì nó bao gồm toàn bộ chương trình thi TOEFL; còn bạn cứ liếc bên này, bên kia thì cuối cùng bạn sẽ chẳng nắm được toàn bộ chương trình.
Bạn nên chọn một quyển về TOEFL chung chung (Barron, Cliff…) và quyển cracking TOEFL của ETS. Tất nhiên là sau khi “cày nát” hai quyển này thì chẳng ai cấm bạn học thêm những quyến khác cả. Nhưng nên học từng bước một chậm mà chắc.
Tài liệu thứ hai bạn nên có đó là bộ đề thi TOEFL từ các năm trước. Bạn có thể download trên www.dethi.com. Ngoài ra quyển đó thì bạn download thêm một file các bài essay mẫu.
Đó là phần sách vở, nhưng học sách vở mãi thì chán mà TOEFL còn là một kỳ test về giao tiếp và quan trọng hơn đó chính là trình độ trao đổi tiếng Anh của bạn. Khi bạn trao đổi với người nước ngoài, nếu bạn nói chưa được tốt thì bạn có thể tìm cách diễn đạt khác: nói ngắn không hiểu thì đi đường vòng… nhưng bạn không thể suốt ngày bắt người ta nhắc lại câu nói được. Do vậy trước tiên bạn nên tập trung vào kỹ năng nghe vì khi bạn nghe được hiểu được bạn sẽ tự tin trong giao tiếp. Bạn nghe nhiều sẽ có phản xạ nói, sẽ quen với từ và sẽ được điểm cao trong phần nghe TOEFL…
Một cách học tiếng Anh hiệu quả là xem phim. Bạn hay thử mua phim Friends. Phim này đã được chiếu trên VTV nhưng không bắt đầu ngay từ đầu nên khó có thể thấy đuợc những điểm hài hước, dí dỏm của phim.
Trong phim sử dụng ngôn ngữ rất đời thường mà bạn có thể nghe thấy hàng ngày trong cuộc sống ở Mỹ. Phim phản ánh chân thật văn hoá Mỹ sẽ giúp bạn không bị shock nếu sau này qua Mỹ du học. Từ vựng không quá nhiều và không quá khó. Bạn có được những nụ cười ngất ngưởng khi xem phim và như vậy bạn có thể enjoy nó, cái này gọi là “cười” mà học đó bạn.
Cách học
Nên chia ra làm hai quá trình:
- Nâng cao trình độ tiếng Anh cho kỳ thi: Bạn chuẩn bị bước này bằng hai quyển sách như đã nêu trên và bộ phim Friends. Như vậy là quá đủ.
- Nâng cao kỹ năng làm test: dùng bộ đề mà bạn load được từ www.dethi.com.
Bạn hãy chia quỹ thời gian của bạn theo tỷ lệ 2-1, ví dụ bạn có 6 tháng nữa là đến test thì bạn nên bỏ ra 4 tháng để nâng cao trình độ và 2 tháng làm test. Và phải có gắng để tiêu thụ hết “chừng đó” công việc.
Nâng cao trình độ
- Nghe: Bạn hãy bắt đầu với tập phim đầu tiên của Friends (20-25 phút episode 1 saison 1). Nếu bạn thấy khó hiểu thì bật subtitle ban đầu rồi vừa nghe vừa đọc. Sau đó bạn tra từ điển những từ bạn chưa hiểu rõ, cố gắng hiểu mạch câu chuyện rồi xem lại một lần nữa vẫn với subtitle để hiểu là tại sao tụi nó lại cười ồ lên thế kia.
Lần thứ ba thì bạn bỏ subtitle đi và coi tiếp để học từ. Mỗi ngày chừng 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng. Sau khi bạn khá hơn thì không phải xem đến ba lần đâu. Sau hai tháng bạn sẽ thấy sự tự tin của bạn về nghe tiếng Anh được nâng cao đáng kể.
- Cấu trúc bài thi: ngữ pháp thì bạn học ở quyển sách thứ nhất ở trên.
- Viết: tập viết các essay trong các bài essay mẫu và tham khảo bài viết mẫu để nâng cao trình độ viết.
Nâng cao khả năng làm test
- Mỗi lần học TOEFL bạn dành ra 30 phút đọc quyển sách thứ hai: Cracking TOEFL và 2 tiếng rưỡi để hoàn thành một đề thi.
- Rút kinh nghiệm từ những câu sai và cố gắng áp dụng những phương pháp trong quyển cracking vào trong cách làm bài của bạn, nó sẽ giúp bạn nâng cao điểm số của bạn.
(sưu tầm)
A . Nếu bạn con hơn 1 năm nữa mới thi Toefl.
Bạn hãy tập trung nâng cao vốn tiếng anh cơ bản. Toefl thực chất chỉ là một thước đo trình độ tiếng anh, nên cho dù học hết các tips làm bài trong sách mà trình độ của mình không khá thì cũng khó mà lên đến điểm cao được.
Vậy, nâng cao vốn tiếng anh cơ bản như thế nào?
1. Các đĩa CD-ROM nên học
a. Bộ đĩa Langmaster. Bộ này có 13 đĩa. Hay nhất là đĩa từ điển, một từ mới sẽ có ví dụ, hướng dẫn cách phát âm, đọc luôn cả ví dụ mẫu (chưa có bộ từ điển nào có chức năng này) và giúp các bạn ôn tập từ mới hàng ngày. Việc ôn tập từ và đọc ví dụ mẫu sẽ giúp các bạn không những nhớ từ mà còn nhớ từ trong văn cảnh, sau này dùng từ sẽ rất tự nhiên và thuần thục. Nếu các bạn đã đạt trình độ kha khá, có thể bắt đầu từ đĩa thứ 9-12 (trình độ intermediate)
b. Langmaster Toefl (2 đĩa, một đĩa preparation, 1 practice test). Tôi rất thích bộ đĩa này và đây là giáo trình tự học Toefl đầu tiên của tôi. Hướng dẫn rất kĩ lưỡng tất cả các kĩ năng thi Toefl, chia thành từng chương mục rất khoa học. Đặc biệt phần nghe rất hay. Nếu các bạn yếu phần nghe thì nên xem qua bộ này. Sau khi học hết các kĩ năng thì làm Practice test.
Các đĩa sau đây tôi cũng đã dùng để luyện khi học Toefl. Chủ yếu là để nâng cao phần nghe (do nghe trên đĩa tốt hơn nghe trên băng) và phần ngữ pháp (một phần càng làm nhiều thì càng thành thạo).
c. Longman Toefl
d. Barron Toefl
e. Delta Toefl
f. Cambridge Toefl
g. Kaplan Toefl
2. Các sách Toefl nên học
Tuy học trên CDs rất hay, nhưng hầu hết người học Toefl đều sử dụng các bộ sách có bán trên thị trường để ôn luyện. Tôi sẽ chia thành từng kĩ năng để các bạn tiện theo dõi và nâng cao phần mình còn yếu nhất.
1. Ngữ pháp.
Đây là thế mạnh của dân Việt Nam. Phần này dễ lên điểm và dễ đạt điểm cao. Nếu ngữ pháp tốt, ví dụ được 68 điểm (sai 2 câu/40 – không phải là quá khó) thì có thể bù đắp được rất nhiều cho phần nghe và phần đọc. Có rất nhiều sách ngữ pháp trên thị trường, và hầu hết các sách Toefl đều có phần ôn tập lại ngữ pháp căn bản hay test.
a. Longman English Grammar Practice (for intermediate student). Tôi thấy đây là cuốn sách viết đầy đủ, ngắn gọn, dễ hiểu, có bài tập minh hoạ rất hài hước nên học không cảm thấy chán như các sách khác. Tôi học ngữ pháp không giỏi lắm, lại hay nản, nên tôi thường đặt kế hoạch mỗi ngày làm 3 - 4 bài trong sách, trong vòng khoảng 3 tháng thì ngữ pháp cũng tạm ổn.
b. Toefl Cliff. Thực chất đây là cuốn dạy ngữ pháp Toefl. Học Cliff kết hợp với bộ ngữ pháp thầy Mạnh (các bạn có thể download ở www.dethi.com) thì nắm khá chắc chắn ngữ pháp căn bản hay dùng để thi. Bài tập và đề thi dễ
c. Toefl success. Chia thành từng dạng cấu trúc hay hỏi, bài tập rất hay.Các phần reading, listening, writing viết cũng rất tốt. Đây là cuốn sách duy nhất tôi dùng để ôn Toefl trước khi thi. Làm hết cuốn này điểm ngữ pháp ít nhất cũng phải 60.
d. Longman complete course for the Toefl. Phần ngữ pháp viết đầy đủ và rất dễ hiểu. Phần nghe, nhất là các tips viết hay.
e. Barron’s Toefl. Cấu trúc phần ngữ pháp sách này viết khác hẳn so với các cuốn khác, tập trung phân tích ví dụ về các cấu trúc các bạn hay sai. Tuy nhiên bài tập dễ và không sát thi thật mấy.
f. Toefl Grammar Flash
Ngoài ra chắc chắn còn rất nhiều cuốn sách hay khác mà các bạn có thể dùng để luyện phần ngữ pháp như Cambridge Toefl của Peterson’s hay Cracking the Toefl. Mỗi cuốn đều có những điểm hay riêng, và tuỳ có bạn phù hợp với sách này mà không phù hợp với sách khác. Nếu các bạn còn rất nhiều thời gian, có thể mua các sách này về học dần, nhất là làm bài ngữ pháp nhiều thì lên điểm rất nhanh. Nhưng nhớ ghi chép lại những lỗi ngữ pháp các bạn đã sai, thỉnh thoảng xem lại thì sẽ không mắc lại nữa.
2. Nghe.
Đây là phần mà dân Việt Nam thấy khó nhất. Cách học nghe tốt nhất là gì? Là chép lại những gì mà bạn đã nghe được. Chép lại nhiều sau này các bạn sẽ thấy mình nghe được từng từ trong đoạn một cách dễ dàng mà còn quen với những chủ đề hay test trong Toefl. Điều này rất có lợi khi thi, do nhiều khi các bạn sẽ phải đoán, và càng nghe chép nhiều khả năng đoán đúng của bạn càng cao, có khi đến 80%.Tuy vậy việc chép lại đòi hỏi thời gian và kiên trì. Tôi đã chép lại các bài tập và bài test trong cuốn Toefl Longman và Toefl Success. Ngoài ra các bạn cũng nên có một sổ tay chép lại các idiom thường dùng trong part A. Tôi học hết 2 idiom list của Toefl success và Toefl Secret (tại trang www.dethi.com). Hơn nữa, để tăng phản xạ tiếng, nếu có điều kiện các bạn có thể nghe CNN, BBC hay một số đài phát tiếng anh khác.
3. Đọc.
Cơ sở để nâng cao phần này là vốn từ vựng của các bạn. Từ vựng nhiều không chỉ giúp các bạn trả lời đúng câu hỏi vocabulary mà còn cả các câu hỏi khác nữa. Hai cuốn sách có wordlist rất hay, đó là Barron Essential Words for the Toefl (những từ cơ bản hay dùng) và Toefl success (từ nâng cao hơn) Học xong 2 cuốn này thì coi như chắc đến 70% phần vocabulary của Toefl reading.
Có một điểm rất “bực mình” của phần đọc Toefl là chúng rất vô bổ, đọc chỉ để trả lời câu hỏi và biết thêm một mẩu thông tin không đâu và sau đó quên luôn. Vậy nếu các bạn thích về thiên văn học, hãy đọc sách thiên văn học bằng tiếng anh, nếu các bạn học về kinh tế, hãy đọc sách chuyên ngành của đại học Mỹ. Lợi cả đôi đường, vừa lên điểm Toefl vừa giỏi cái mình thích!
4. Viết
a. Barron’s How to prepare for the Toefl Essay. Có tất cả 185 topic và bài mẫu tham khảo.
Điều quan trọng nhất phải nhớ khi viết Toefl là chúng ta chỉ có 30 phút và người chấm chỉ có 2 phút để đọc bài. Do vậy cấu trúc càng rõ ràng càng tốt. Tốt nhất các bạn nên xây dựng một template riêng cho bài essay của mình. Tôi tự làm một template riêng, và bài nào tôi cũng áp nguyên cái template đó!J
Thêm nữa, tuy 185 bài essay là rất nhiều nhưng các chủ đề trùng nhau rất nhiều, nên các bạn hoàn toàn có thể dùng ý bài này để lắp vào bài khác. Trước khi thi không cần viết hết 185 bài essay mà chỉ cần lập dàn ý (gạch ý định viết) cho các topic bạn thấy băn khoăn nhất. Đến khi thi thì tự nhiên sẽ viết được thôi.
B. Bạn chỉ còn 3 tháng nữa là đến ngày thi?
Theo tôi, bạn chỉ nên chú tâm vào một việc duy nhất, đó là làm đề thi của các kì thi trước (download tại www.dethi.com). Càng làm nhiều bạn càng quen hơn với cấu trúc đề thi, với áp lực làm bài.
Khi làm đề, bạn nên cố gắng tạo một môi trường càng giống thi thật càng tốt. Chọn một chỗ ngồi yên tĩnh không bị quấy rầy trong vòng 3 tiếng. Làm phần writing đầu tiên (30 phút), sau đó đến phần listening, structure và cuối cùng là phần reading. Photo answer sheets và dùng bút chì mềm đánh dấu như thi thật. Ban đầu thi thử tôi rất hay đánh dấu nhầm, mãi sau mới sửa được. Và kinh nghiệm xương máu của tôi là bạn nên làm bài thi thử ở nhà vào đúng giờ bạn sẽ thi thật Ví dụ như ở Hà Nội bạn sẽ phải thi vào buổi sáng, khoảng từ 9h30 tới 12h30. Tôi hay làm bài ở nhà lúc 8h, ngủ trưa lúc 12h, nên lúc thi thật làm bài đọc buồn ngủ, mệt và đói. Tốt nhất là cố sắp xếp thời gian làm bài thi thử lúc 9h sáng, lên IIE làm được thì càng tốt, vì không khí phòng thi cũng sẽ tương tự với không khí ở IIE.
Qui trình làm bài của tôi rất đơn giản.
1. Làm đề cũ như thi thật trong vòng 3 tiếng.
2. Nghe và chấm lại phần listening. Nếu các bạn yếu phần nghe thì bước này rất quan trọng. Nghe lại giúp chúng ta kiểm soát suy nghĩ, tìm hiểu lý do vì sao lại sai ở câu hỏi này, do không nghe được, do đoán nhầm hay hiểu sai…
3. Nghe và đọc script phần nghe, gạch chân các idiom và newwords cần học
4. Xem lại phần structure, tập trung vào những câu bị sai, vì sao sai, xem lại ngữ pháp phần sai đó thật kĩ
5. Đọc lại bài reading, tìm hiểu vì sao lại sai. Nếu bài đọc sai hơn 10 câu/50 thì phải tra từ và dịch toàn bộ bài khoá đó cho đến khi thật hiểu.
Nguồn: thành viên changmi tại dethi.com
Một vài kinh nghiệm học Tiếng anh
Sưu Tầm từ Diễn đàn TiengAnh.com.vn
Bạn có thể học tốt môn tiếng anh theo những cách sau nhé:
1.Thích nói Tiếng Anh và thoải mái khi nói:
Khi sử dụng Tiếng Anh, bạn đừng sợ mắc lỗi, vì nếu không mắc lỗi, có nghĩa là bạn chẳng học được gì. Nhưng điều quan trọng là những gì bạn rút ra sau khi mắc lỗi.Cũng giống như một em bé sẽ không thể đi được nếu như sợ bị vấp ngã.
2.Xác định xem bạn thích hợp với cách học nào:
Nghiên cứu gần đây cho thấy rất nhiều người có cách học riêng mà mình yêu thích. Nếu bạn là người yêu thích hình ảnh,bạn có thể tạo ra một mối liên hệ giữa Tiếng Anh và hình ảnh. Ví dụ, bạn có thể xem phim có phụ đề Tiếng Anh, cố gắng hình dung mình đang ở trong ngữ cảnh cần sử dụng Tiếng Anh, liên tưởng các từ cần học với các hình ảnh. Nếu bạn là người yêu âm nhạc thì nghe các bài hát Tiếng Anh theo sở thích hoặc theo trình độ càng nhiều càng tốt là sự lựa chọn hoàn hảo. Còn nếu bạn là người có đầu óc phân tích, hãy dành nhiều thời gian để học ngữ pháp va so sánh Tiếng Việt với Tiếng Anh.Cool
3.Học cách ghi nhớ:
Bạn có thể luyện trí nhớ của mình qua các sách hướng dẫn.Muốn
trở thành học sinh giỏi Anh Văn thì nhất thiết phải chú trọng đến việc này đó các bạn ạ.
4.Tạo ra cho mình một môi trường Tiếng Anh:
Ai cũng có góc học tập phải không nào?Ở cái góc học tập ấy, bạn hãy ghi những từ mới cần học. Mỗi lúc ngồi vào bàn là lại nhìn thấy, ai mà quên được,phải không nàoBig Grin. Bao giờ thuộc hết rồi thì thay từ khác Bạn hãy tranh thủ đọc,nghe và nói Tiếng Anh ở mọi lúc, mọi nơi nha.
5.Hãy nối mạng:
Internet đã mang đến nhiều lợi ích cho người học ngoại ngữ. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều website hữu dụng cho việc học ngữ pháp, từ vựng, phát âm và bây giờ, quan trọng hơn cả là: giao tiếp.Nhưng phải nhớ, cái gì cũng có chừng mực, các bạn chỉ nên lên mạng nhiều nhất là 4 tiếng một ngày thôi nhé.
6.Học từ vựng một cách có hệ thống:
Xin bạn lưu ý rằng học Tiếng Anh không chỉ đơn thuần là học ngữ pháp. Khi giao tiếp, bạn lựa chọn từ vựng, kết hợp chúng và tạo thành câu để biểu đạt ý kiến của mình.Khi học từ vựng, bạn hãy bố trí sổ ghi chép của mình sao cho hợp lý. Đừng nên liệt kê một dãy dài các từ ngữ mới mà hãy chia sổ của bạn ra từng mục chẳng hạn:
_Chủ đề: shopping, holidays, money, weather…
_Động từ và danh từ đi liền kề: do your homework, make a cake…
_Động từ kép:to grow up, to fell off, to look after…
_Ngữ cố địnhn the other hand, in my opinion,b y the way…
_Thành ngữnce in a blue moon, to be over the moon, out of the blue…
_Ngữ có giới từ:at nigh, at the weekend,i n March,i n 2008…
Trên đây là các kinh nghiệm học môn Anh Văn của Uno.Môn Tiếng Anh cũng không phải là môn học “khó xơi”lắm đâu.
Nói chung, môn Anh có 5 cái quan trọng nhất !
Listening: Mình thường xuyên nghe đài BBC. Siêng nữa thì thu băng lại để nghe kỹ nhiều lần: lần đầu nghe để nắm sơ lược nội dung, lần sau nghe ngữ điệu, phát âm và từ mới. Nghe đi nghe lại nhiều lần sẽ học được cách đọc nối từ và ngữ điệu toàn câu, điều không hề có trong tiếng Việt. Hiện nay truyền hình cáp và KTS đều có các kênh nói tiếng Anh, chất lượng âm thanh tốt hơn nhiều, việc luyện Listening theo tôi ko đến nỗi quá khó. Thư giãn thì nghe nhạc tiếng Anh, nhưng không phải nghe không mà chú ý cả cách sử dụng từ vựng trong bài. Cũng có khi nghe chỉ để thưởng thức âm nhạc, nhưng việc chú ý đến nội dung, theo tôi, là rất quan trọng. Nếu không dễ xảy ra tình trạng thích bài nhạc nào đó, hát nghêu ngao mà không cần biết nội dung như thế nào, người khác nghe được sẽ cười cho!!! Nếu có thời gian rảnh hơn thì thu băng giọng mình nói, một dạng kiểu “spoken diary”, cũng khá thú vị, vừa kiểm tra được ngữ điệu và vốn từ vựng của mình.
Speaking: Listening và Speaking liên quan mật thiết với nhau. Một người nghe hỏi mà ko hiểu thì làm sao có thể trả lời được? Vậy nên từ vựng vô cùng cần thiết. Ngữ pháp theo tôi không quan trọng lắm! Dĩ nhiên nói đúng ngữ pháp sẽ khiến người nghe dễ hiểu hơn và thể hiện trình độ của người nói hơn. Tuy nhiên lưu ý ngôn ngữ nói có ngữ pháp riêng của nó. Cũng giống như tiếng Việt, ngữ pháp trong ngôn ngữ nói rất đa dạng, uyển chuyển. Ta có thể nói chỉ một từ người nghe cũng hiểu được, ko cần lúc nào cũng là một câu hoàn chỉnh. Như vậy tóm lại Speaking cần 2 điều: từ vựng và phản xạ nói. Từ vựng ở đây bao gồm cả cách phát âm đúng và sử dụng từ đúng ngữ cảnh. Phản xạ nói bao gồm nhịp độ trả lời và cách trả lời cho phù hợp. Không phải cứ nhanh là đúng! Nhưng chắc hẳn không nói ra thì ko bao giờ có thể đúng được! Vì thế ta đừng quá ngại ngùng, rụt rè khi có cơ hội giao tiếp, nhưng cũng cần để ý đến lỗi sai để sửa, tránh dùng sai riết thành quen, sau này khi muốn sửa lại sẽ rất khó! Vậy ngay từ bây giờ hãy nói chuyện với bạn bè, thầy cô, người nước ngoài bằng tiếng Anh càng nhiều càng tốt!
Reading: Hãy đọc thật nhiều sách báo tiếng Anh bản gốc, để ý cách dùng từ, chơi chữ, văn phong của tác giả. Đọc nhiều chuyên mục, lĩnh vực, tìm hiểu thêm về những thuật ngữ thường dùng trong đời sống hằng ngày. Reading giúp ích rất nhiều cho Writing, vì thế nếu có thời gian, nên dành 1/2g mỗi ngày đọc một cái gì đó bằng tiếng Anh!
Writing: Viết nhật ký bằng tiếng Anh là một cách học hay và có kết quả. Muốn giỏi viết thì ko có cách nào khác hơn là viết nhiều và sửa nhiều. Một nhà báo nổi tiếng muốn viết một bài xã luận hay còn phải viết đi viết lại 4 lần. Mình bình thường thì chỉ cần 3 lần cũng tốt rồi! Lần đầu nháp, lần hai viết hoàn chỉnh, lần ba sửa lỗi. Những bước này tôi đều áp dụng với các lớp học môn Writing và thấy có hiệu quả. Ngữ pháp rất quan trọng trong môn Writing. Để có giọng văn uyển chuyển, ta cần phải nắm vững các quy tắc ngữ pháp và sử dụng chúng thật thành thạo. Từ vựng cũng rất quan trọng, chú ý ko sai chính tả. Ngoài ra muốn văn hay thì người viết phải có óc quan sát và tổ chức tốt. Óc quan sát nhằm mô tả sinh động, còn tổ chức tốt nhằm biểu đạt khúc chiết những điều mình muốn nói. Quy tắc 1-2-3 là một quy tắc rất hay! Nếu chưa nghĩ ra 3 ý để phát triển bài văn thì khoan hãy viết! Và vì 3>1 nên ý hay nhất nên để dành nói sau cùng (”save the best for the last”!)
Học tốt cả 4 kỹ năng tức không thể bỏ qua phần từ vựng và ngữ pháp. Ngữ pháp muốn giỏi thì học kỹ các quy tắc, làm nhiều bài tập và cuối cùng là sử dụng thật nhiều trong văn nói và viết. Từ vựng cũng thế! Biện pháp sau của tôi tuy cũ nhưng rất hữu ích: các bạn nên chịu khó luôn mang theo bên mình quyển sổ tay nhỏ, khi thấy có vật gì hay điều gì muốn diễn đạt bằng tiếng Anh ko được thì nên ghi chép lại để về tra cứu thêm. Quyển sổ cũng để ghi chú những từ vựng hay, những chủ đề các bạn yêu thích hoặc đơn thuần chỉ là những từ tình cờ học được. Việc ghi ra có thể giúp một số bạn; một số bạn khác cần có hình ảnh, màu sắc mới nhớ thì có thể vẽ hoặc tạo một ký hiệu nào đấy để dễ học. Đây là cơ cấu não bộ của riêng mỗi người, các bạn nên linh động thay đổi sao cho phù hợp.
Tóm lại, theo tôi, nếu xem việc học nhẹ nhàng, vui vẻ thì hiệu quả đạt được sẽ cao hơn. Tiếng Anh cũng giống như các môn học khác, muốn thấm sâu, thấm lâu thì cần phải có một thời gian đầu tư nhất định. Đừng quá nôn nóng vội vã mà hãy lên kế hoạch cho việc học của mình mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng và quyết tâm thực hiện thật gắt gao. Sau một thời hạn nhất định, bạn sẽ thấy ngạc nhiên với kết quả mình đạt được. Chúc các bạn thành công, yeah!!
Mot so kinh nghiem hoc tieng anh
1. Những kinh nghiệm chung
- Học đều đặn hàng ngày theo cách “mưa dầm thấm lâu”, chứ không nên học dồn vào một lúc mà lại ngắt quãng số lần học quá lâu. Sở dĩ cần đưa điều này lên trước là vì khóa học tiếng Anh trực tuyến không đòi hỏi về thời gian “lên lớp” nên nhiều người không chủ động được thời gian học tập. Hãy chủ động học tập hàng ngày với thời gian hợp lí, bạn vừa duy trì được thói quen học tập nề nếp, lại thấy được sự tiến bộ của mình hàng ngày.
- Hãy tận dụng tối đa những tiện ích mà internet và chương trình đào tạo tiếng Anh trực tuyến mang lại để học tập hiệu quả nhất: sử dụng từ điển trực tuyến, tìm kiếm qua google để học bằng các mẫu vật, hình ảnh, đọc các trang web tiếng Anh...
- Gọi cho trung tâm hỗ trợ học viên của các chương trình đào tạo tiếng Anh qua internet để nhận được trợ giúp nhanh hơn và được tư vấn nhiều hơn.
2. Kinh nghiệm để học tốt tiếng Anh giao tiếp quốc tế
Theo cô Nguyễn Thị Thúy, để học tốt tiếng Anh giao tiếp quốc tế thông qua internet các bạn học viên cần lưu ý: Chương trình đào tạo đã có các bước học tập rất khoa học. Vì thế, khi học tập, các bạn nên học theo hướng dẫn của hệ thống. Chú ý luyện nói nhiều bằng cách luyện ngữ âm và luyện các mẫu câu thông dụng, tận dụng tối đa sự hỗ trợ của audio, video hay flash để học tập, giúp rèn luyện các kĩ năng nghe nói đọc viết một cách tốt nhất.
3. Học tiếng Anh trung học và ôn thi đại học như thế nào cho tốt?
Những kinh nghiệm học tiếng Anh của các bạn trung học được cô Vũ Bích Thanh, giáo viên online của trang đào tạo tiếng Anh trung học trên internet phổ biến:
- Khi học tập và ôn thi trắc ngiệm, các bạn học sinh nên ôn từng dạng bài trước cho nhuần nhuyễn rồi mới làm bài tập tổng hợp. Và nên ôn tập từ lớp 10, đến lớp 12, không nên nhảy cóc. Bởi vì, khi học tập và ôn luyện theo trình tự lớp học các bạn sẽ có cơ sở để hệ thống kiến thức và tận dụng tối đa tư liệu đã có trên trang tiếng Anh trung học này.
4. Kinh nghiệm để học tốt tiếng Anh chuyên ngành qua internet
- Khi học tiếng Anh chuyên ngành qua internet, các bạn nên tận dụng tối đa sự hỗ trợ của hệ thống audio để học và luyện phát âm từ mới (từ chuyên ngành thường khó phát âm và khó nhớ). Khi gặp các chuyên ngành lạ, học viên nên dựa vào hình ảnh video để hiểu nội dung và nghĩa nhanh hơn.
- Với mỗi bài học trong tiếng Anh chuyên ngành, học viên cũng nên tận dụng hệ thống internet để tìm kiếm các bài có chủ đề (topic) tương tự để bổ sung vốn từ, rèn lại các kĩ năng sử dụng ngôn ngữ.
- Thường xuyên làm thêm phần ngân hàng bài tập của chương trình đào tạo để mở rộng vốn từ của mỗi chuyên ngành. Sau đó hãy tập nói lại theo nội dung để luyện nói và sử dụng các từ, cấu trúc mới học.
- Muốn học tốt tiếng Anh chuyên ngành, trước hết, các học viên cũng phải có hiểu biết về kiến thức nền của chuyên ngành đó bằng tiếng Việt thì mới dễ dàng hiểu nó bằng tiếng Anh.
5. Những “thủ thuật” để loại bỏ thời gian chờ đợi khi học tập qua mạng internet
- Chọn trang web học tập của bạn làm trang chủ (vào Tools, chọn internet options, gõ địa chỉ trang web vào ô address, sau đó chọn apply, và chọn ok, là bạn đã có một trang chủ như mong muốn) để tiện lợi hơn cho học tập và đây cũng là một lời nhắc nhở dành cho các bạn khi các bạn lên mạng mà “quên” không học tập!
- Khi bạn sử dụng phần hỗ trợ audio hay video của hệ thông để học tập, có thể bạn phải chờ hơi lâu (khoảng 15 giây) do khi soạn bài, các giáo viên online thường để phần âm thanh rất tốt, nên dung lượng lớn và có thể do có nhiều người cùng chọn nghe một lúc. Nếu không muốn chờ đợi, khi hệ thống báo “buffering…” (đang tải dự liệu về máy), các bạn hãy nhấn vào nút stop, sau đó nhấn vào play để không phải chờ đợi.
Kinh nghiệm học tiếng Anh vốn đã có rất nhiều và đã được xuất bản thành nhiều cuốn sách khác nhau. Tuy nhiên, kinh nghiệm để học qua internet thì không phải là ai cũng đã biết. Hi vọng bài viết này giúp các bạn học online học tập hiệu quả hơn và yêu thích hình thức học tập mang tính thời đại này.
Theo Global Education Vietnam
Kinh nghiêm học ti ếng anh bổ ich
Một trong những trở ngại lớn nhất của chúng ta khi học một ngoại ngữ ấy là chúng ta quá… thông minh và có quá nhiều kinh nghiệm….
Quá thông minh: vì mình không thể nào chấp nhận nghe một câu mà mình không hiểu: cần phải hiểu một câu nói gì trước khi nghe tiếp câu thứ hai, nếu không thì mình không buồn nghe tiếp.
Quá kinh nghiệm: Cuộc đời đã dạy ta không nghe những gì người khác nói mà chỉ hiểu những gì mà nội dung chuyển tải. Nếu không hiểu nội dung, chúng ta không thể lặp lại lời người kia. Cũng vì thế mà - trong giai đoạn đầu học ngoại ngữ - mỗi lần nghe một câu tiếng Anh thì trong đầu phải dịch ra được tiếng Việt thì mới yên tâm, bằng không thì … câu ấy không có nghĩa.
Thế nhưng, đấy là lối học sinh ngữ ngược chiều. Tôi biết được 6 ngôn ngữ, trong đó có ba ngôn ngữ thành thạo nghe nói đọc viết: Việt - Anh - Pháp, và tôi thấy rằng trong các ngôn ngữ tôi biết thì, một cách khách quan, nghe và nói tiếng Việt là khó nhất (vì ở phương tây, không có ngôn ngữ nào mà mình đổi cao độ của một từ thì ý nghĩa từ ấy lại thay đổi: ma - má - mà - mạ - mã - mả). Nhưng các bạn ở forum này, cũng như tôi, đều không có vấn đề gì cả với cái sinh ngữ khó vào bậc nhất ấy!
Thế nhưng những thầy cô dạy chúng ta nghe nói tiếng Việt chẳng phải là những vị chuyên viên ngôn ngữ như các thầy ngoại ngữ mà ta học tại các trường. Thầy dạy tiếng Việt chúng ta là tất cả những người quanh ta từ ngày ta ra đời: cha mẹ, anh chị, hàng xóm, bạn bè… nghĩa là đại đa số những người chưa có một giờ sư phạm nào cả, thậm chỉ không có một khái niệm nào về văn phạm tiếng Việt. Thế mà ta nghe tiếng Việt thoải mái và nói như sáo. Còn tiếng Anh thì không thể như thế được. Ấy là vì đối với tiếng Việt, chúng ta học theo tiến trình tự nhiên, còn ngoại ngữ thì ta học theo tiến trình phản tự nhiên.
Từ lúc sinh ra chúng ta đã nghe mọi người nói tiếng Việt chung quanh (mà chẳng bao giờ ta phản đối: “tôi chẳng hiểu gì cả, đừng nói nữa”! Mới sanh thì biết gì mà hiểu và phản đối!). Sau một thời gian dài từ 9 tháng đến 1 năm, ta mới nói những tiếng nói đầu tiên (từng chữ một), mà không hiểu mình nói gì. Vài năm sau vào lớp mẫu giáo mới học đọc, rồi vào lớp 1 (sáu năm sau khi bắt đầu nghe) mới tập viết… Lúc bấy giờ, dù chưa biết viết thì mình đã nghe đưọc tất cả những gì người lớn nói rồi (kể cả điều mình chưa hiểu). Như vậy, tiến trình học tiếng Việt của chúng ta là Nghe - Nói - Đọc - Viết. Giai đoạn dài nhất là nghe và nói, rồi sau đó từ vựng tự thêm vào mà ta không bao giờ bỏ thời gian học từ ngữ. Và ngữ pháp (hay văn phạm) thì đến cấp 2 mới học qua loa, mà khi qua hết trung học thì ta đã quên hết 90% rồi.
Nhưng tiến trình ta học tiếng Anh (hay bất cứ ngoại ngữ nào) thì hoàn toàn ngược lại.
Thử nhìn lại xem:
Trước tiên là viết một số chữ và thêm nghĩa tiếng Việt nếu cần. Kể từ đó, học càng nhiều từ vựng càng tốt, kế đến là học văn phạm, rồi lấy từ vựng ráp vào cho đúng với văn phạm mà VIẾT thành câu! Rồi loay hoay sửa cho đúng luật! Sau đó thì tập đọc các chữ ấy trúng được chừng nào hay chừng ấy, và nhiều khi lại đọc một âm tiếng Anh bằng một âm tiếng Việt! (ví dụ fire, fight, five, file… đều được đọc là ‘phai’ ).
Sau đó mới tới giai đoạn NÓI, mà ‘nói’ đây có nghĩa là Đọc Lớn Tiếng những câu mình viết trong đầu mình, mà không thắc mắc người đối thoại có hiểu ‘message’ của mình hay không vì mình chỉ lo là nói có sai văn phạm hay không. Lúc bấy giờ mới khám phá rằng những câu mình viết thì ai cũng hiểu, nhưng khi mình nói thì chỉ có mình và … Thượng Đế hiểu thôi, còn người bản xứ (tiếng Anh) thì ‘huh - huh’ dài cổ như cổ cò!
Sau thời gian dài thật dài, mình khám phá rằng mình từng biết tiếng Anh, và nói ra thì người khác hiểu tàm tạm, nhưng khi họ nói thì mình không nghe được gì cả (nghĩa là nghe không hiểu gì cả). Lúc bấy giờ mới tập nghe, và rồi đành bỏ cuộc vì cố gắng mấy cũng không hiểu được những gì người ta nói.
Vấn đề là ở đó: chúng ta đã học tiếng Anh ngược với tiến trình tự nhiên, vì quá thông minh và có quá nhiều kinh nghiệm.
Tiến trình ấy là Viết - Đọc - Nói - Nghe!
Vì thế, muốn nghe và nói tiếng Anh, chuyện đầu tiên là phải quên đi kinh nghiệm và trí thông minh, để trở lại trạng thái ‘sơ sinh và con nít’, và đừng sử dụng quá nhiều chất xám để phân tích, lý luận, dịch thuật!
Và đây là bí quyết để Nghe:
A. Nghe thụ động:
1. - ‘Tắm’ ngôn ngữ. Nghe không cần hiểu:
Hãy nghe! Đừng hiểu.
Bạn chép vào CD một số bài tiếng Anh (ví dụ từ trên forum này). Mỗi bài có thể dài từ 1 đến 5 phút.
Khi nào bạn ở nhà một mình, thì mở các bài đó ra vừa đủ nghe, và cứ lặp đi lặp lại mãi ra rả như âm thanh nền suốt ngày. Bạn không cần để ý đến nó. Bạn cứ làm việc của mình, đánh răng, rửa mặt, học bài làm bài, vào internet… với tiếng lải nhải của bài tiếng Anh. (thậm chí, trong lúc bạn ngủ cũng có thể để cho nó nói).
Trường hợp bạn có CD player, USB player hay iPod, thì đem theo để mở nghe khi mình có thời gian chết - ví dụ: di chuyển lâu giờ trên xe, đợi ai hay đợi đến phiên mình tại phòng mạch.
Công việc ‘tắm ngôn ngữ’ này rất quan trọng, vì cho ta nghe đúng với từng âm của một ngôn ngữ lạ. Tai của chúng ta bắt rất nhanh một âm quen, nhưng loại trừ những âm lạ. Ví dụ: Nếu bạn nghe câu: ‘mặt trời mọc cánh khi chim voi truy cập chén chó’, một câu hoàn toàn vô nghĩa, nhưng bảo bạn lặp lại thì bạn lặp lại được ngay, vì bạn đã quá quen với các âm ấy. Nhưng khi một người nói một câu bằng chừng ấy âm (nghĩa là 11 âm/vần), trong ngôn ngữ bạn chưa từng học, và bảo bạn lặp lại thì bạn không thể nào lặp lại được, và bảo rằng… không nghe được! (Bạn có điếc đâu! Vấn đề là tai bạn không nhận ra được các âm!) Lối ‘tắm ngôn ngữ’ đó chỉ là vấn đề làm quen đôi tai, và sau một thời gian (lâu đấy chứ không phải vài ngày) bạn sẽ bắt được các âm của tiếng Anh, và thấy rằng âm ấy rất dễ nghe, nhưng hoàn toàn khác với âm Việt.
Đừng nản lòng vì lâu ngày mình vẫn không phân biệt âm: hãy nhớ rằng bạn đã tắm ngôn ngữ tiếng Việt ít ra là 9 tháng liên tục ngày đêm trước khi mở miệng nói được tiếng nói đầu tiên và hiểu được một hai tiếng ngắn của cha mẹ; và sau đó lại tiếp tục ‘tắm ngôn ngữ’ Việt cho đến 4, 5 năm nữa!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top