Chương 4: Ăn bớt

Khoảnh khắc nhìn thấy mẹ, tim tôi như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, tôi sợ... sợ rằng ba sẽ nhất kiến chung tình. Mẹ tôi ngày trẻ rất đẹp, như trăng rằm tháng tám, như bông hoa nở ngày đầu xuân. Đến khi có tuổi mẹ cũng giữ được nét trẻ đẹp. Cũng khó trách làm sao ở tuổi của ba lại si mê một cô thiếu nữ đôi mươi, đẹp như hoa hậu là mẹ tôi.

Tôi chạy vội đến, tranh cả phần của ba mình, người ta khi gặp lại mẹ sẽ chạy đến ôm sao? Tôi không làm được vậy, làm sao tôi có thể quên bà ham mê mấy trò đỏ đen khiến gia đình chết lên chết xuống bao phen, sống tủi nhục như chó. Thế nên tôi phải ngăn cản đoạn nhân duyên của họ.

Tôi vừa chạy vừa tự thụi vào bụng mình một cái, đem những "tinh hoa" còn chưa được tiêu hoá hết nôn ra. Hình như có văng trúng người mẹ tôi, bà sợ quá hốt hoảng vô cùng, ba tôi lại nhanh chân nhanh tay, muốn đi tới. Thôi... đã làm thì làm cho trót, tôi nôn sang người ba, làm gì có cô gái nào thấy cảnh tượng này mà dám ở lại. Mẹ tôi nhanh nhanh chóng chóng đi mất, mặc cho ba có gọi lại thế nào.

-Ông làm sao đấy?

Nghe giọng của ba cũng biết ông đang hết hồn vì tác phẩm tôi ghi dấu ấn trước cửa nhà và trên người ông.

-Tự dưng bụng dạ khó chịu, muốn chạy vào nhà nhưng không kịp... xin lỗi... xin lỗi...

-Đỡ chưa?

-Đỡ rồi.

-Đỡ thì dọn đi! Khiếp cả người!

Ba vào nhanh bên trong, bỏ mặc tôi ở ngoài. Tôi cười thầm, có phải dọn cũng chẳng sao, tầm này chỉ cần làm kỳ đà cản mũi thành công, lao động một chút cũng được.

Dọn dẹp xong tôi vào nhà, thấy bụng mình hơi đau thật, chắc là do cú thụi ban nãy.

Ba tắm táp xong đi ra, bộ đồ bị tôi nôn vào ba mang ra rác vứt luôn, kinh đến mức không dám giặt.

-Thế này sau ông có con nó cứ trớ ra người là bỏ quần áo đi luôn à?

Tôi trêu ba.

-Con mình phải khác, người ngoài phải khác chứ! Trẻ con nó có thế cũng là bình thường, ai như ông, không say không xỉn tự dưng nôn oẹ. Em gái ban nãy xinh quá, còn chưa kịp làm quen ông đã đuổi người ta chạy mất. Ông ế bằng thực lực đúng không?

Nghe ba nói, tôi thấy trong lòng có chút gì đó... khó tả. Ừ... con mình phải khác... không biết hồi tôi bé xíu, ba chăm tôi thế nào.

Ba đến bên giường ngồi cạnh tôi, tôi đánh liều hỏi dò một chuyện, để xem, sau bao năm ông đã thay đổi tư duy thế nào.

-Nếu như con ông mà vào tù, ông có nhìn mặt nó nữa không? Á!

Tôi kêu thất thanh khi đang tự dưng ăn ngay một phát đánh vào lưng.

-Phủi phui cái mồm! Rủa nhau đấy à?!!!

Ông cáu.

-Tôi hỏi... hỏi thôi mà...

Bỗng chốc tôi thấy ba trầm lại, có gì đó suy tư lẫn ái ngại nhìn tôi. Phải chăng ba đã nghi ngờ tôi là kẻ từng có tiền án tiền sự? Có thể ba sẽ hỏi tôi đã từng làm gì. Nhưng liệu có ai chứa chấp một kẻ như tôi ở trong nhà nếu biết sự thật không?

-Thất vọng! Thật sự rất thất vọng! Ai có con cái chẳng muốn nó giỏi giang, lương thiện. Nhưng nếu con dại cái mang, nó đã dính vòng lao lý, thật sự... đau lòng lắm.

Tôi không dám thở mạnh, từng câu của ông nghe tuy nhẹ nhàng nhưng đối với tôi lại là một tảng đá lớn đè trong lòng. Ba đã quá thất vọng về mình nên mới từ mặt.

-Nhưng mà có thế nào chăng nữa, chỉ cần nó biết ăn năn hối cải, quay đầu là bờ, chịu khó tu tâm dưỡng tính, biết chăm lo làm ăn, sống biết người biết ta, tôi nghĩ... không một ai là không tha thứ cho con mình đâu.

Ba đặt tay lên vai tôi, tôi sửng sốt nhìn ông. Hình như đây là lời ba muốn dành cho tôi.

-Ông từng vào tù rồi đúng không? Gia đình từ mặt?

Ba hỏi thẳng tôi. Tôi khẽ gật đầu.

-Cuộc đời còn dài, biết làm lại cuộc đời, làm ăn lương thiện, không dính vào tệ nạn, người nhà ông sẽ có ngày tha thứ thôi.

-Tại sao không hỏi tôi làm gì mà phải vào tù?

Tôi thật không hiểu nổi ba mình, tốt thì cũng chỉ có mức độ thôi chứ? Cứ thế này chẳng mấy là rước hoạ vào thân.

-Thật ra tôi cũng đoán ông phải có chuyện gì đấy rồi. Người không muốn nhắc đến quá khứ chỉ có hai trường hợp, một là quá đau buồn, hai là đã có vết đen, đến mức không dám nói tới.

Ba cười.

-...

Tôi chẳng biết nói gì hơn ngoài sự cảm kích từ đáy lòng. Giá như khi ra tù rồi ba cũng có thể dang tay đón tôi trở về, cổ vũ động viên tôi như này thì tốt biết bao.

Nhưng mình đã mắc sai lầm, đã hỗn láo, đã ngu ngốc sống bất cần, hoang dã, thì còn có tư cách gì bắt người ta cứ phải bao dung với mình? Chính mình còn không tự nhận thức được đúng sai, còn chờ đợi việc "đi để trở về" sao?

Tôi nằm cạnh ba, thật muốn ôm ông, tận hưởng cảm giác bản thân thu bé lại, có tấm lưng của ba, có bờ vai đó để tôi dựa vào, nhưng... hiện tại bọn tôi lại ngang ngang tuổi nhau, ông cũng chẳng biết tôi là con trai ông, hai thằng ôm nhau, đúng là sẽ khiến tôi bị đá văng ra khỏi nhà.

...

Ba bận việc riêng nên đi vắng, nồi nước dùng ba đã nấu cẩn thận, chỉ cho tôi ở trong bếp làm thế nào. Tôi tự tin vào sự nhanh nhẹn của mình, hai chú sẽ chạy bàn, bưng bê, còn tôi ở trong bếp phục vụ.

Tôi chợt nghĩ thế này, giờ mà làm ít đi một chút không phải lãi sẽ cao hơn sao? Làm ăn ai chẳng muốn kiếm lời, mà hàng ăn ít nhiều thì cũng có làm sao. Đồ còn dư có thể bán thêm mấy bát.

Chú Trung Nhân và Hoài Sâm không phát hiện ra điểm này, họ chỉ bưng bê, còn nhiều hay ít khách phải cầm đũa ăn mới biết được. Thứ mà tôi bớt đầu tiên đương nhiên là thịt và giò, ba tôi cho khá nhiều hai thứ này. Tiếp đến là bớt thêm bún, đậu một chút. Cứ như vậy, có thể yên tâm ăn lãi cao hơn ngày thường.

-Ô... nay không đông khách sao?

Ba về nhà ngó vào trong bếp thấy còn đồ liền hỏi.

-Đông chứ! Làm còn không xuể!

Chú Trung Nhân nói.

-Sao? Kiểm thiếu tiền đừng có đổ cho bọn này!

Chú Hoài Sâm gắt.

-Đã kiểm đâu mày! Đây để tao xem, tao hỏi thế vì trong bếp còn nhiều đồ.

Ai mà ngờ được trời đổ mưa, người ta đến quán ăn cũng ít hơn, nên kế hoạch bán dư thêm của tôi cũng bị đỏ bể. Nhưng không sao, có những thứ có thể cho vào tủ lạnh dùng cho ngày mai.

-Lạ ghê... thế này thì đồ phải hết rồi chứ? Sao lại còn thừa nhiều?

Ba tôi luôn là một người làm ăn tính toán chi ly, nhưng ông lại hơi xông xênh quá, cái gì cũng thích đầy đặn. Mọi khi ông đặt đồ lúc nào cũng vừa đủ, có hôm hết sớm còn nghỉ sớm.

-Khang! Ra đây tôi hỏi.

Tôi từ trong bếp đi ra.

-Ông nấu cho khách ăn thế nào mà còn dư nhiều đồ vậy?

Trời đã mưa thì chớ tôi còn bị hỏi cung.

-Thì bớt mỗi thứ một ít đi, bán cho nhiều, ăn lãi cho cao. Thừa thì cất tủ mai dùng tiếp. Ông phải linh hoạt lên chứ?

Tôi cảm thấy mình cần "bổ túc" cho ông.

Nghe xong ba đập mạnh tay xuống bàn, ánh mắt nhìn tôi... lại là ánh mắt đấy. Mỗi lúc ba chuẩn bị lên giọng với tôi đều như vậy.

-Chưa làm đã lo ăn bớt! Ông nghĩ cái gì trong đầu thế hả Khang? Tôi nghiêm cấm chuyện ăn bớt. Ở đâu làm điêu tôi không biết, nhưng ở đây tôi cần chất lượng và uy tín! Hàng ăn phải ngon, đầy đặn người ta mới quay lại!

Ông không những nói cho mình tôi nghe, mà còn nói cho cả hai chú cùng nghe. Hai chú gật gù đồng tình, còn quay sang nhìn tôi.

-Đây là tôi muốn tốt cho quán thôi! Có gì sai?

Tôi bật lại.

-Bọn mày về trước đi.

Ông bảo với hai người họ, chú Hoài Lâm và chú Trung Nhân đi, trước khi ra về họ còn đóng cửa lại.

-Ông đi ăn ở đâu mà mỗi thứ bôi ra một tí ông có bực mình không?

Ba hỏi tôi.

-Bình thường!

Bực mình chứ sao không! Nhất là vừa đắt lại còn ít! Nhưng ba hỏi vậy nên tôi vẫn phải ngoan cố một chút.

-Cái thái độ thiếu đòn! Ông phải hiểu mỗi người có một cách kinh doanh riêng, ông làm ở đây là phải theo quy định của tôi! Tôi không làm điêu! Tôi muốn giữ chân thực khách đến quán! Ông biết sao quán mình đông không? Ông đừng tưởng mấy thằng mặt mũi khôi ngô tuấn tú ở đây là kéo khách hàng đến! Ông đừng nhầm! Người ta đến ăn bún chứ không phải đến ăn ông đâu! Cho dù ông có ma chê quỷ hờn, nhưng làm ngon, làm tử tế khách vẫn lui tới. Tôi muốn giữ thương hiệu lâu năm, chứ không phải vài ngày nửa năm là bỏ!

Ba cao giọng giáo huấn tôi. Tôi nghe ba nói xong... quả thực... muốn cãi nhưng không biết cãi thế nào.

-Tôi sẽ không vì việc này mà trừ lương hay đuổi ông. Nhưng ông vẫn cần phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Quay người lại, chống tay lên bàn.

Ba đứng dậy, tôi thấy ông đi lấy cây chổi, phần cán chổi đó... lại sắp được giáng vào mông tôi sao?

-Có ai suốt ngày đánh nhân viên không?

Cuối cùng cái danh nghĩa này cũng có thể làm bia đỡ đạn cho tôi.

-Tôi coi ông là bạn, là người nhà chứ không phải là nhân viên. Nếu chỉ coi ông là nhân viên, tôi chỉ mắng mỏ vài câu, lần sau ông còn làm bừa một là trừ lương, hai là đuổi việc.

Câu nói của ba chạm đến trái tim tôi. Lạ nha, ngày trước thì ba có nói thế nào cũng không vào đầu, mà tự dưng quay ngược thời gian, sống cùng ba thời trẻ, tôi bỗng yếu đuối đến lạ.

Chắc là qua cái thời ngông nghênh bất cần rồi, giờ mới biết học cách trân trọng.

Tôi quay người, chống tay vào bàn, chỗ nào cần đưa ra thì vẫn phải nhô ra thôi.

"Bốp" "Bốp" "Bốp" "Bốp" "Bốp"

Tôi cắn chặt răng, tự nhủ làm thế nào để không mất mặt gào rú ôm mông kêu đau bây giờ? Ngoài chuyện tự nhủ độ tuổi của bản thân ra tôi chẳng còn "thần chú" nào khác.

"Bốp" "Bốp" "Bốp" "Bốp" "Bốp"

Đau thật sự, mặt tôi chắc nhăn như quả táo tàu, răng tôi nghiến chặt, cơ thể gồng lên chịu đòn. Haiz ~ ba khoẻ quá mức! Nói ra thì bảo bất hiếu chứ riêng lúc này tôi mong ba yếu một chút, đánh cho đỡ đau.

"Bốp" "Bốp" "Bốp" "Bốp" "Bốp"

-Au... đủ rồi!

Tôi chịu hết nổi đứng thẳng người dậy, bị đánh vào một chỗ, còn nhiều thịt thế này đau đớn khó chịu vô cùng. Thà kiểu đánh bừa toàn thân tôi còn có thể chịu kiên cường bất khuất hơn thế này. Tôi đứng dậy, làm màu bằng việc quay người, tóm lấy cây chổi trên tay ông.

-Đau lắm rồi à? Thế thôi không đánh nữa.

Mặt ba tỉnh bơ.

Ơ thế tôi mà không kêu thì cứ nhằm mông tôi mà vụt tiếp à?!!!!

-Phan Vũ Thành!

Tôi cay cú gọi cả họ cả tên ba.

-Gọi gì ba thế con trai?

Ông cười cợt trêu chọc tôi. Nếu là người bình thường chắc sẽ tức điên, nhưng tôi tức không nổi. Tôi vừa được nghe ông xưng ba, còn gọi tôi là con.

-Sao mà thất thần ra thế?

Ba khua khua tay trước mặt tôi.

-Không sao.

Tôi đáp.

-Lạ nhỉ? Cãi thì nhanh mà lúc bị gọi là con thì không thấy mắng người.

Tôi buông lỏng cây chổi, ba đem nó cất đi. Làm sao tôi nhảy dựng lên được? Tôi mong còn chẳng kịp mà...

Ba nấu cơm trong bếp, tôi có ý thức hơn trước, dọn dẹp bàn ăn. Tôi chẳng còn muốn có suy nghĩ giận dỗi vì bị đánh vào lúc này, hai chữ "người thân" đó, một câu ba con bông đùa đó đã khiến một đứa cứng đầu cứng cổ như tôi chịu khuất phục.

Thế nhưng nghĩ đến sự xuất hiện của mẹ, có phải... tình tiết hơi nhanh không? Giá như là trong một bộ phim, còn tập nọ tập kia rồi người đó mới ra sân, thì trong cuộc đời tôi bà xuất hiện quá sớm. Điều đó khiến tôi sợ, tôi sợ họ yêu nhau, sợ tôi là kết tinh cho tình yêu của họ, càng sợ hơn, nếu như... tôi thành công đạt được ước nguyện. Vậy tôi còn thời gian bao lâu?

Cuộc đời tôi chính ra lại trớ trêu, lúc có thì không trân trọng, lúc sắp mất đi rồi mới thấy tiếc nuối. Nhưng chỉ cần họ không yêu nhau, ba có thể tìm được mối lương duyên khác. Thực sự mà nói suy nghĩ này cứ luôn quanh quẩn trong đầu tôi. Nhưng chính tôi cũng sợ mình sẽ biến mất... nghe có mâu thuẫn quá không?

-Ngồi được không đấy?

Ba đặt bát canh rau ngót xuống, nhìn vào mông tôi hỏi.

-Ngồi được.

Tự dưng lại nổi cái tính sĩ diện hão, tôi ngồi mạnh xuống rồi nhăn nhó nhổm dậy, ba cười phá lên. Bực mình rồi! Tôi đấm một cái vào cánh tay ba, đương nhiên chỉ đấm nhẹ thôi.

-Đau mới nhớ.

Cứ tưởng được hỏi han thế nào, ai dè lại tạt cho tôi một gáo nước lạnh vào mặt. Ừ thì đau mới nhớ, nhưng không đau cũng có thể nhớ mà?!!

-Mẹ... à em gái hôm trước đứng ở cửa, eo ơi nhìn đã biết không ra gì. Tối muộn còn đứng ở cửa nhà người ta làm gì không biết?

Bảo tôi xấu tính cũng được, nhưng nếu nói xấu trước để ba có ác cảm với mẹ tôi cũng dám làm.

-Ông đấy! Không ngờ ông lại cổ hủ như vậy. Treo biển tuyển người bên ngoài, người ta muốn xin làm đứng đấy thì sao?

-Biển gì?

Tôi dường như mất trí.

-Biển tuyển người làm chứ còn gì!

-Ơ... chưa tháo sao?

-Nhân với Sâm không làm lâu dài đâu, họ đến giúp là chính thôi, còn không định lấy lương, chờ đến lúc tuyển được người, làm ăn ổn định họ sẽ đi.

Tôi ngạc nhiên, nhưng hoá ra đây mới là tình bạn đáng quý. Có thể giúp đỡ bạn mình khởi nghiệp, không phải là tiền nong mà là công sức, sau khi bạn mình làm ăn khởi sắc rồi mới đi. Nhưng công việc của hai chú ngày trẻ là gì vậy? Tôi có chút tò mò.

-Thế họ vô công rồi nghề à?

-Không, một người sẽ về tiếp quản công việc của gia đình, một người sẽ đi học nghề.

Ba nói.

Tôi gật gù. Nhưng không! Hỏng! Nếu như thế có khi mẹ vẫn còn quay lại xin việc, mà với tính của ba, cùng ánh mắt nhìn thấy gái xinh say như điếu đổ đó chắc chắn sẽ nhận vội. Đúng là tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa.

-Dọn thôi.

Ba nhắc tôi. Tôi đứng dậy phụ ba, ba tính toán sổ sách chuyện buôn bán cẩn thận rồi đến chỗ tôi. Đây là lúc tôi mới ngả lưng xuống giường, còn đang định nghe nhạc cho dễ ngủ.

-Nằm sấp xuống tôi thoa thuốc cho. Lần này đánh đau hơn, chắc phải thoa thuốc đấy.

Ba bảo tôi. Lúc tôi ngửng mặt thấy trên tay ba đã cầm tuýp thuốc.

-Thôi... ngại lắm.

Dù là mình nhưng tôi vẫn xấu hổ, lớn rồi mà.

-Của ông của tôi có gì khác nhau mà ngại? Hay là có vấn đề gì nên giấu?

Ba còn xấu xa chọc tôi.

-Hay ông có vấn đề gì nên mới muốn xem mông tôi?!

Đã chọc tôi rồi tôi cũng phải đáp trả.

-Hay thế nhỉ?

Ba cười khanh khách, còn chẳng chờ tôi có đồng ý hay không tự kéo tay tôi, ấn lưng tôi xuống. Tay ba nhanh thoăn thoắt cởi quần tôi qua mông. Tôi buồn cười, nghĩ thì ngại thật nhưng đến lúc ba làm lại mặc kệ.

-Đừng có trách tôi ác. Tôi cũng chỉ là... muốn ông...

Ba bỏ lửng câu, không hiểu ba định nói gì.

-Muốn tôi làm sao?

Tôi hỏi.

-Muốn ông ăn đòn!

Ba lại cười giòn tan. Lần này tôi còn quay lại đấm vào bụng ông. Là đấm đùa thôi, đừng vội gán cho tôi cái danh bất hiếu. Còn tưởng sẽ nói gì đó cảm động lắm, ngờ đâu chỉ rình để trêu tôi là nhanh! Đúng là ba quá trẻ trâu, còn chẳng chín chắn được như tôi!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top