Lê - 09
"Á!"
Tôi chỉ kịp la lên một tiếng trước khi đầu tôi đập xuống sàn. Đau điếng. Mở mắt ra, đầu óc tôi cứ ong ong.
- Này, sao lại đi đứng bất cẩn thế!
Tôi nghe thấy giọng nói ấy từ trên cao, và cũng nhìn thấy hai mũi giày tây xuất hiện trước mắt tôi. Chống một tay xuống đất, tôi dựng người dậy, thấy người mình nặng trịch. Người đứng trước mặt tôi khi ấy, thầy Bách, ân cần đỡ tay tôi cho đến khi tôi đứng thẳng. Nhìn mặt tôi, thầy lại cười. Với riêng tôi, thầy luôn dịu dàng một cách đặc biệt như vậy - tất nhiên, chỉ trừ những lần tôi điểm kém và cái lần thầy mắng tôi qua điện thoại ngày hôm qua. Cứ như thể tôi là trò cưng của thầy vậy. Tôi cũng không còn thấy đó là chuyện lạ, vì cả lớp chỉ có mình tôi hứng thú với kịch - chuyên môn của thầy
- Con còn chưa thay đồ cơ à? Tùng xong xuôi rồi, bây giờ đang ngồi ngoài khán đài đấy.
- Vâng. Em cũng định đi xem tiếp đây ạ.
Thầy quả quyết:
- Sao con có vẻ lo thế nhỉ? Mọi vấn đề giải quyết xong hết rồi. Thầy thấy con là người làm tốt nhất hôm nay đấy. Anh Tùng làm ăn cũng được, chứ hai anh chị kia làm thầy chán quá. Thầy chỉ tiếc con không phải thành viên câu lạc bộ; chỉ cần con là thành viên thôi, thì kiểu gì thầy cũng chọn con làm nữ chính cho bằng được. Con thực sự hợp với vai này. Vở kịch này mà không liên quan tới câu lạc bộ thì đã tốt...
Thầy vừa nói vừa cười niềm nở. Tôi cứ thấy có gì không đúng. Nghe thầy nói mãi về mình như thế, tôi không thể nào tránh khỏi cảm giác sợ đến nổi da gà. Tôi vẫn chưa quen được với cách hành xử sáng nắng chiều mưa của thầy, đặc biệt là trong cách thầy đối xử với tôi: lúc thì hiền lành đặc biệt, lúc nổi quạu lại khiến không chỉ tôi mà tất cả mọi người đều run sợ. Và chính tôi cũng không dám tin hẳn vào những lời thầy nói, vì đây mới chỉ là lần đầu tôi lên sân khấu lớn. Nhưng thầy đã khen, thì dù sao tôi cũng vui lòng đón nhận và bỗng thấy tự tin lạ thường. Tôi đáp lại thầy cho có lệ:
- Vâng, thầy là biên kịch mà, có dựng vở riêng thì cũng sẽ thành công thôi.
- Nhanh lên nhé, sắp kết rồi đấy. - Thầy nhìn đồng hồ, giục tôi, rồi vẫn giữ nguyên nụ cười ấy, thầy rảo bước ngay vào phòng nghỉ diễn viên - Anh Phong đâu rồi nhỉ?
Thầy vui đến thế sao? Vui vì may mắn có chúng tôi ở đó tiện thể hỗ trợ thầy lúc vở kịch gặp khó? Kể cũng lạ. Một người ưa thích sự trơn tru, hoàn hảo như thầy đúng là sẽ ghi nhớ lâu chuyện ấy, nhưng chắc sẽ chẳng bao giờ nhắc lại nó thường xuyên như thế, nhất là với thái độ vui vẻ, tích cực thế này, vì dù sao đó cũng là một sự sai khác so với kế hoạch hoàn chỉnh thầy đã đặt ra. Mà với ai cũng vậy, một kế hoạch bị phá hỏng dù có được sửa chữa kịp thời để vận hành như dự định cũng khó đem đến những cảm xúc hứng khởi như ban đầu, nói gì đến vui vẻ hơn thế nữa.
Nhưng, rảo bước vào phòng thay đồ, tôi gạt hết những suy nghĩ đó đi, vì thấy mình chỉ toàn suy diễn. Dù gì thì lòng người cũng như đại dương, nông sâu sao mà dò được.
Mệt lử người, tôi ngả lưng ra cái ghế đệm êm bọc vải đỏ ở một hàng ghế phía trước khán đài mà tôi chiếm chỗ sẵn từ lúc nhập nhoạng tối. Chỉ đến lúc yên vị trên khán đài, tôi mới cảm nhận được bây giờ mình đang được nghỉ ngơi thực sự. Mong là từ giờ đến cuối vở sẽ không có chuyện bi hài nào nữa bên trong hậu trường. Như thế là vất vả lắm rồi.
Vở kịch cũng dần đi đến cảnh cuối.
"...Vì em là Cantarella của đời anh."
Tiếng vỗ tay reo lên ầm ầm, rộn cả khán đài, và cũng gợi lên trong tôi bao nhiêu cảm xúc. Chẳng biết từ lúc nào, tôi đã vỗ tay theo, mũi cứ nhức lên như muốn khóc đến nơi, dù tuyệt nhiên không có giọt nước mắt nào nơi khóe mi. Phấn chấn, tôi cũng có một chút. Vở kịch này, dưới sự lèo lái của thầy Bách cùng với bao nhiêu con người, sau tất cả những sự cố kia, vẫn thành công tốt đẹp. Tôi hơi buồn khi thấy những giọt nước mắt của những người xung quanh; đi vắng quá lâu, tôi chẳng biết điều gì đã làm mọi người xúc động. Vắng mặt phần lớn thời gian vở kịch, tất nhiên, tôi không sao hiểu rõ được những ý tứ sâu xa ẩn dưới những hành động, câu thoại cuối cùng kia. Nhưng chắc hẳn vở diễn cũng phải có nhiều nét đáng chú ý vô cùng. Thầy Bách là đạo diễn, chắc thầy cũng sẽ không để lọt qua lấy một sai sót. Một cảm giác tiếc nuối từ từ chảy qua lòng tôi. Nhưng nghĩ sâu hơn, tôi nhận ra chẳng có gì phải tiếc. Vì ngày hôm nay, tôi đã có được những trải nghiệm kì thú và hạnh phúc, những trải nghiệm chưa chắc tôi đã gặp được lần thứ hai trong đời. Kể cả nếu như tôi có thật sự trở thành một diễn viên kịch nổi danh - tôi hi vọng thế. Kỉ niệm về lần đầu tiên là đáng nhớ, nhưng những ký ức về lần thứ hai, thứ ba, vô số lần làm cùng một việc chưa chắc đã đáng để được gọi là kỉ niệm.
Rồi tôi mỉm cười, mắt ngước lên sân khấu. Đôi mắt tôi được ánh đèn nhà hát rọi vào, như lại càng tròn và sáng long lanh, tươi vui thêm. Hôm nay quả thực là một ngày đáng nhớ.
__________
"Tùng ơi"
"Mai mang đồ đi cho tao được chưa"
Đã tròn một tuần kể từ buổi diễn kịch thành công mỹ mãn ấy, và cũng đúng một tuần kể từ khi Tùng hứa cho tôi bộ đồ. Mấy ngày trong tuần vừa rồi, dù chưa có đồ, nhưng tôi và Tùng cứ cùng nhau nói mãi về nó. Nó ở đâu ra, ai là người gửi, trị giá bao nhiêu, chỗ này chỗ kia may khéo thế nào, nó cặp với bộ váy trắng hay đen đều hợp ra sao... Cậu bạn kiệm lời luôn chịu ngồi nghe tôi nói bao nhiêu thứ tầm phào như thế với ánh mắt trìu mến, nhưng tôi cứ bảo cậu ấy mang đồ cho tôi là cậu lại lảng đi. Biết rằng tôi cũng chẳng nên giục giã làm gì, nhưng tôi không thể chờ đợi một cách mông lung thêm một phút giây nào nữa. Tôi không chịu nổi, sắp hóa vô vọng rồi; dù hôm nay là chủ nhật, không gặp được nhau, tôi cũng phải nhắn tin mà giục cậu. Ít nhất hôm nay tôi phải có cho bằng được một cái hẹn từ Tùng.
Tôi vừa thoát khỏi Messenger, mở Facebook lên, đập vào mắt tôi đã là một post của fanpage Music Club. Đó không phải lời cảm ơn sau vở kịch; cái đó page đã đăng từ tối thứ hai vừa rồi. Mà ngay đầu post đã là tiêu đề [COMEBACK].
Vui mừng khấp khởi, tôi nhấp vào xem. Và quả đúng như tôi dự đoán. Vì vở kịch được khán giả trong và ngoài trường ủng hộ nhiệt liệt, ban tổ chức quyết định bán vé thêm một buổi diễn nữa! Hai tuần nữa, tối Chủ nhật!
Tôi giật nảy mình trên giường, ồ lên một tiếng thật to, rồi cười trong vui sướng khôn xiết. Tôi nôn nóng quá. Tôi chỉ muốn hét lên. Cha, mẹ và em tôi mà không ở dưới nhà thì có khi giờ này tôi đang hò vang cả phố. Hai lần đến nhà hát, tôi vẫn chưa xem được trọn vẹn vở kịch này. Sao trời lại thương tôi thế chứ! Chẳng biết chia sẻ niềm vui này với ai, tôi lại mở cuộc hội thoại của tôi và Tùng, tay cuống cả lên:
"MÀY ƠI MÀY ƠI MÀY ƠI"
"CÓ COMEBACK KÌA"
"ĐI VỚI TAO KHÔNG"
"Sao loi choi thế?"
"Đi chứ. Nhưng mà xem sao được. =))))"
"Thầy chưa gọi mày à?"
"Chờ tí tao nghe điện thoại đã"
Đi mà sao lại không xem? Tùng thường hay như vậy, hay làm tôi thấy khó hiểu. Nhưng đúng lúc ấy điện thoại tôi lại reo. Số lạ.
"Con là Lê lớp 10B đúng không nhỉ?"
Thiêng thật. Nghe giọng, tôi nhận ra ngay thầy Bách.
"Vâng, thầy có việc gì ạ?"
"Tuần trước vở diễn không trơn tru lắm nhưng vẫn thành công; các anh chị ở câu lạc bộ bảo khán giả phản hồi tích cực, nhiều người vẫn muốn xem lại. Thầy cũng chưa thật hài lòng với công tác tổ chức tuần trước đâu. Cho nên thầy và các anh chị đang tính làm thêm một buổi diễn vở Cantarella vào chủ nhật tuần sau nữa."
"À, em cũng vừa thấy thông báo."
"Thầy biết bây giờ nói với con chuyện này là hơi muộn. Phong với Mai đều rút khỏi dàn diễn viên để ôn thi Quốc gia. Tìm diễn viên thay thế trong từng đấy thời gian tưởng là gấp lắm rồi, thế mà cả câu lạc bộ mãi không thống nhất được phương án. Bây giờ mọi người mới quyết định xong. Thầy chỉ chờ mỗi ý kiến của con nữa thôi."
Những lời tiếp đó, thầy nói chậm rãi hẳn, nhấn mạnh từng chữ một:
"Tùng được chọn vào vai nam chính. Bạn ấy đồng ý rồi. Còn con, con là cái tên được đề xuất đầu tiên trong các phương án chọn nữ chính thay thế.
Bây giờ con trả lời thầy có hay không thôi: Con có muốn tham gia diễn vai nữ chính Lucrezia hay không?"
Tôi đánh rơi điện thoại.
Người tôi đông cứng lại. Cả tôi, và cả không gian đều lặng như tờ, nhưng trong đầu óc tôi ầm ầm hàng bao nhiêu tiếng nói của những suy nghĩ.
Tôi như ná thở. Không thể tin nổi. Chuyện tôi có cơ hội vàng này, thật không thể tin nổi. Là tôi may mắn chăng? Hay hôm đó, tôi đã làm tốt đến vậy ư? Nhưng tôi đã có được nó, nghĩa là bằng cách này hay cách khác, tôi xứng đáng với nó. Tôi muốn ôm, giữ chặt, nắm lấy cơ hội này ngay tức khắc. Vì tôi biết, chưa bao giờ có chuyện một nữ sinh mới vào trường, không là thành viên câu lạc bộ được câu lạc bộ mời đóng kịch. Lại còn được tặng ngay vai nữ chính. Cái vị trí được người ta chú ý nhất trên sân khấu. Cái vị trí có hàng chục ánh đèn, hàng ngàn con mắt dõi theo sau lưng. Cái vị trí mà hàng chục người ngày đêm mơ ước. Cái vị trí mà chính tiền bối của tôi, chị Mai, phải gồng mình cố gắng suốt hơn một năm. Vậy mà tôi có được nó chỉ sau hai ngày. Đúng hơn là chỉ vì một phân cảnh duy nhất.
Nếu đồng ý, tôi sẽ lại diễn với Tùng. Tôi chẳng còn trách được Tùng bất cứ điều gì vì ém đồ đi nữa. Hóa ra Tùng cứ giữ đồ mãi vì cậu ấy cũng sẽ lên diễn cùng tôi! Tôi nghĩ đến những cảnh chuyện trò, âu yếm, những điệu nhảy cùng nhau trên sân khấu của anh Phong và chị Mai. Rồi tôi đổi trắng thay đen, lắp đè lên hình ảnh của hai người đàn anh đàn chị bằng hình ảnh tôi và Tùng. Nghĩ đến Tùng, nụ cười của tôi lại bất giác lớn thêm, tôi hạnh phúc không tả nổi. Tôi bị sao vậy nhỉ? Chắc là tại tôi đang vui quá...
Nhưng tôi khựng lại khi nhớ ra mình đã bị kéo sâu vào vở kịch này như thế nào. Nhỡ đâu, đây lại chỉ là một kế dụ dỗ tôi, để tôi lún sâu hơn vào trong đó? Cả tuần bận bịu với cuộc sống học hành thường ngày, tôi chẳng có thời gian chơi game và nghĩ kĩ về game. Tùng cũng không nói gì về chuyện này cho tôi cả. Tôi hoàn toàn không biết thứ gì đang ẩn giấu sau lời mời gọi hấp dẫn này. Đang mừng vui, tôi lại bủn rủn chân tay vì lo lắng. Nhưng... Tùng đồng ý rồi đấy chứ? Chắc cũng chẳng sao đâu nhỉ.
Chiếc điện thoại đang lăn lóc trên giường, nhưng giọng thầy Bách vẫn đủ to và vang như mọi khi trên lớp để tới được tai tôi:
"Các anh chị gửi con kịch bản và lịch tập diễn rồi đấy. Con cứ suy nghĩ đi nhé, cố gắng trả lời thầy trong tối nay."
"Vâng...", tôi vừa cất tiếng, điện thoại đã chỉ còn vang lên tiếng tút... tút.
Tôi chạy ngay xuống phòng khách, nơi cha mẹ và em tôi đang xem ti vi. Cha mẹ chưa kịp nhắc nhở tôi vì chạy ầm ầm trong nhà, tôi đã xoa lưng em tôi rồi reo lên:
- Cha ơi, mẹ ơi! Con được chọn làm nữ chính vở kịch hôm qua rồi! Nếu con đồng ý thì hai tuần sau diễn luôn!
- Thế à? Tốt, tốt lắm!
- Chị Lê cho em đi xem kịch nhé! - Mẹ vừa cười, vừa cầm tay đứa em nhỏ của tôi, vẫy vẫy.
Thật may mắn cho tôi, tất cả những sở thích lạ kỳ của tôi cha mẹ đều ủng hộ. Chẳng như Tùng, chẳng như bao nhiêu đứa học trò tôi biết, những đứa xin đi chơi một hôm còn khó khăn biết bao nhiêu... Cha mẹ thi nhau hỏi:
- Hóa ra đồ tuần trước chuyển đến là đồ diễn của con đúng không?
- Có lịch tập với lịch diễn chưa? Xem có trùng lịch học thêm không?
Tôi mở file lịch các anh chị vừa gửi cho cha mẹ xem. Lịch khá dày, hôm nào cũng tập kịch. Nhưng tôi cũng chẳng học thêm nhiều, hai tuần tập chỉ trùng mỗi tuần một buổi.
- Cha mẹ đồng ý với điều kiện con không bỏ hết học thêm. Nghỉ tập hai buổi cũng chẳng sao đâu. Hoặc một buổi đi tập, một buổi đi học thêm nếu con thích. Con thấy được thì chốt luôn đi. Nếu con đồng ý thì chủ nhật tuần sau nữa mẹ mua vé, cả nhà đi xem ủng hộ.
Cả nhà cùng vui cười, chỉ có tôi là về phòng suy nghĩ. Cha mẹ tôi, và nhất là em tôi, đâu có biết được những hiểm nguy tôi có khả năng phải đối mặt là gì. Vì chính tôi cũng không biết nữa...
Từ nãy đến giờ Tùng vẫn không nhắn cho tôi thêm tin nào cả. Tôi lại bắt đầu trước:
"Thầy Bách vừa gọi tao thật"
"Thầy bảo gì chắc mày cũng biết rồi"
"Hôm đấy thái độ mày như thế khi nhắc đến cái game trước mặt tao, mà sao bây giờ vẫn đồng ý đi diễn"
"Thì mày cũng cứ đi đi."
"Có gì mà phải sợ?"
"Tao mà bị làm sao thì mày tính thế nào"
Từng dòng tin nhắn trả lời của Tùng hiện lên. Cậu ấy làm tôi yên tâm gấp vạn lần. Nhờ cậu ấy mà giờ tôi có thể đưa ra quyết định của mình rồi. Nhưng sao chắc chắn đến thế rồi mà tim tôi vẫn còn đập mạnh?
"Không sao đâu."
"Chỉ là tao muốn diễn cùng mày thôi."
"Còn nếu có chuyện gì,"
"Tao sẽ bảo vệ mày."
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top