con nguoi xhcn, nguon luc con nguoi, o viet nam
28. Nêu quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về con người, con người xã hội chủ nghĩa và nguồn lực con người.
* Con người và con người xã hội chủ nghĩa
- Quan niệm về con người
Chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng, con người là một thực thể tự nhiên, vừa là thực thể xã hội, đồng thời là chủ thể cải tạo hoàn cảnh. Các Mác quan niệm con người là một thực thể tự nhiên đặc biệt, một thực thể tự nhiên đã nhân loại hóa. "Bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội".
Con người là sản phẩm tiến hóa, phát triển lâu dài trong tự nhiên. Ăng ghen cho rằng, lao động là nguyên nhân sâu xa cho quá trình chuyển biến từ vượn thành người và cũng là điều kiện cho con người tồn tại và phát triển. Mặt khác, trong quá trình lao động, con người không chỉ tác động vào tự nhiên, làm biến đổi thế giới tự nhiên, mà con người còn quan hệ với nhau tạo nên bản chất người, làm cho con người khác với con vật.
Con người không thể tồn tại được một khi tách khỏi xã hội. Chỉ trong xã hội thông qua lao động và ngôn ngữ, con người mới thỏa mãn được nhu cầu trong cuộc sống và nâng cao được nhận thức về mình một cách đầy đủ hơn để từ đó hoàn thiện được mọi mặt.
Xã hội càng phát triển, mối quan hệ giữa con người với con người ngày càng bền chặt hơn, con người được mở rộng mối quan hệ với xã hội. Do vậy, để cho con người ngày càng phát triển, cần phải mở rộng những quan hệ xã hội. Quan hệ giữa cá nhân con người với xã hội là quan hệ thường xuyên và có sự thống nhất biện chứng với nhau.
Mặt khác, xã hội càng phát triển, năng suất lao động cao, của cải dồi dào càng tạo điều kiện để chăm sóc con người. Khi con người được chăm sóc đầy đủ càng có điều kiện cống hiến cho xã hội nhiều hơn. Vì vậy Hồ Chí Minh nói: "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa".
- Quan niệm về con người xã hội chủ nghĩa
Con người xã hội chủ nghĩa là con người phát triển toàn diện, hài hòa được từng bước hình thành trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa. Con người xã hội chủ nghĩa vừa là chủ thể trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa là sản phẩm của quá trình đó. Con người xã hội chủ nghĩa không chỉ là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, mà còn là động lực của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội sẽ không thành công nếu không xây dựng và phát triển con người xã hội chủ nghĩa.
Mặt khác, trong lao động sản xuất, đấu tranh xã hội, con người tạo ra những điều kiện cơ sở vật chất ngày một tốt hơn, cuộc sống con người ngày càng đầy đủ hơn, môi trường xã hội ngày càng trong sạch hơn, nhân văn hơn. Do vậy, càng có những điều kiện để xây dựng nên những phẩm chất của con người xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, thông qua quá trình lao động cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội mà con người cải tạo chính bản thân mình.
Mỗi thời kỳ lịch sử, trên cơ sở của sự phát triển lực lượng sản xuất, của trình độ phát triển xã hội, cần phải xác định mô hình con người cần xây dựng. Một khi con người đã hình thành với những phẩm chất tốt đẹp, nó lại trở thành chủ thể tự giác để phát triển xã hội theo mục tiêu xã hội chủ nghĩa.
- Những đặc trưng cơ bản của con người xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà chúng ta phấn đấu xây dựng là:
+ Đó là con người có ý thức, trình độ và năng lực làm chủ.
+ Đó là con người lao động mới, có nhận thức sâu sắc về công việc mà mình đang đảm nhận, lao động có ý thức kỷ luật, có tinh thần hợp tác với đồng nghiệp, biết đánh giá chất lượng và hiệu quả lao động của mình.
+ Đó là con người sống có văn hóa, có tình nghĩa, có ý thức nâng cao trình độ trí thức về mọi mặt, giải quyết tốt các mối quan hệ xã hội.
+ Đó là con người giàu lòng yêu nước, thương dân, có tình thương yêu giai cấp và đồng loại, sống nhân văn, nhân đạo, kiên quyết đấu tranh chống những âm mưu chống phá của kẻ thù, bảo vệ thành quả cách mạng.
* Nguồn lực con người
Trong các nguồn lực có thể khai thác như nguồn lực tự nhiên, nguồn lực khoa học - công nghệ, nguồn lực con người thì nguồn lực con người là quyết định nhất, bởi lẽ những nguồn lực khác chỉ có thể khai thác có hiệu quả khi nguồn lực con người được phát huy, Những nguồn lực khác ngày càng cạn kiệt, ngược lại nguồn lực con người ngày càng đa dạng và phong phú.
Từ cách hiểu như vậy, ta có thể đưa khái niệm về nguồn lực con người.
Nguồn lực con người là tổng thể những yếu tố thuộc về thể chất, tinh thần, đạo đức, phẩm chất, trình độ, vị thế xã hội v.v... tạo nên năng lực của con người, của cộng đồng người có thể sử dụng, phát huy trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và trong những hoạt động xã hội.
Nội dung về nguồn lực con người bao gồm các khía cạnh sau:
- Nói đến nguồn lực con người là nói đến con người với tư cách là chủ thể hoạt động sáng tạo tham gia cải tạo tự nhiên, làm biến đổi xã hội.
- Nói đến nguồn lực con người là nói đến số lượng và chất lượng nguồn nhân lực. (Số lượng nguồn nhân lực được xác định trên quy mô dân số, cơ cấu độ tuổi, sự phân bố dân cư giữa các vùng v.v....). Còn chất lượng của nguồn nhân lực là thể lực, trí lực, tay nghề, năng lực quản lý v.v...).
Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực có quan hệ chặt chẽ với nhau.
Nếu số lượng ít sẽ gây khó khăn trong phân công lao động và do vậy, chất lượng lao động cũng bị hạn chế. Chất lượng được nâng cao sẽ làm giảm số lượng người lao động trong một đơn vị sản xuất.
Xã hội muốn phát triển nhanh và bền vững phải quan tâm đào tạo nguồn lực con người có chất lượng ngày càng cao.
Nguồn lực con người không khai thác, không phát huy được là lãng phí vô cùng. Hồ Chí Minh khẳng định: "Con người là vốn quý nhất, là nhân tố quyết định thành công của cách mạng". Đặc biệt là đội ngũ trí thức càng hoạt động, càng nghiên cứu, càng làm cho trí tuệ của họ đa dạng, phong phú và sâu sắc. Nước ta đang là một nước nghèo, kinh tế kém phát triển, thì việc phát huy nguồn lực con người để xây dựng đất nước càng trở nên quan trọng. Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm, bồi dưỡng đội ngũ trí thức, tạo điều kiện cho họ cống hiến hết khả năng trí tuệ cho đất nước, cho sự phát triển của xã hội. Bác Hồ nói "Vì lợi ích mười năm trồng cây; vì lợi ích trăm năm trồng người".
29. Trình bày những phương hướng và giải pháp cơ bản mà Đảng ta đã đưa ra nhằm để phát huy nguồn lực con người Việt Nam hiện nay.
* Những phương hướng
Thứ nhất: Đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế đất nước
Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế đất nước, một mặt vừa nâng cao mức sống nhân dân; mặt khác, đặt ra yêu cầu, thách thức đối với người lao động phải phấn đấu vươn lên, nếu họ không muốn thải loại ra khỏi dây chuyền sản xuất.
Như vậy, công nghiệp hóa, hiện đại hóa vừa là điều kiện để xây dựng, bồi dưỡng, phát huy nguồn lực con người, đồng thời nguồn lực con người là yếu tố quyết định thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thứ hai: Xây dựng và từng bước hoàn chỉnh một hệ thống chính sách xã hội phù hợp
Chính sách xã hội là một bộ phận hợp thành chính sách của Đảng và Nhà nước, là sự thể hiện cương lĩnh, đường lối cách mạng của Đảng, hệ thống pháp luật của Nhà nước, nhằm đảm bảo những nhu cầu vật chất và tinh thần của con người, Đó là những chính sách điều chỉnh các mối quan hệ xã hội và là một trong những động lực trực tiếp để con người hoạt động trên lĩnh vực xã hội. Chính sách xã hội dưới chủ nghĩa xã hội phải hướng tới con người và vì con người. Thực hiện tốt chính sách xã hội là tạo điều kiện cho người lao động học tập phấn đấu vươn lên, cống hiến hết sức mình cho xã hội sẽ góp phần to lớn phát triển kinh tế của đất nước. Hồ Chí Minh chỉ rõ: Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. Mục tiêu của cách mạng là giải phóng con người, mang lại tự do, hạnh phúc cho con người.
Thứ ba: Từng bước xây dựng và không ngừng hoàn thiện cơ chế quản lý của chế độ xã hội chủ nghĩa
Cơ chế quản lý của một xã hội là toàn bộ những thiết chế, những quy định về mối quan hệ trách nhiệm, quyền hạn giữa cá nhân với tổ chức, giữa tổ chức với tổ chức nhằm thực hiện mục đích quản lý xã hội theo một định hướng nhất định của giai cấp cầm quyền.
Chế độ xã hội chủ nghĩa là chế độ xã hội do nhân dân lao động làm chủ. Do vậy, xã hội phải tạo ra những điều kiện cho con người lao động tham gia tích cực vào công việc quản lý xã hội, quản lý nhà nước, thông qua đó để đóng góp tài năng, trí tuệ của mình cho xã hội.
Tóm lại, những phương hướng nói trên nhằm bồi dưỡng nguồn nhân lực nước ta ngày càng có tri thức, có trình độ, có sức khỏe v.v..., đồng thời phát huy ngày càng tốt hơn nguồn lực con người trong sự nghiệp xây dựng một xã hội "Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
* Một số giải pháp cơ bản phát huy nguồn lực con người ở nước ta hiện nay
Thứ nhất: Trong lĩnh vực kinh tế.
- Nâng cao vị thế của người lao động trong quá trình sản xuất, tạo điều kiện cho mọi người dân làm chủ cụ thể những tư liệu sản xuất của toàn xã hội, ở mọi thành phần kinh tế.
- Huy động mọi người dân đóng góp ý kiến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương, của đơn vị mình.
- Phát huy sáng kiến của người lao động, động viên mọi người dân bỏ vốn để sản xuất kinh doanh, phát huy trình độ tay nghề, năng lực quản lý của mỗi thành viên trong xã hội, để cùng nhà nước giải quyết những khó khăn của đất nước.
- Tăng cường giáo dục đạo đức, khơi dậy lương tâm nghề nghiệp, nêu cao trách nhiệm của mỗi người trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều đó vừa tạo điều kiện cho xã hội phát triển, vừa là điều kiện cho sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả.
Thứ hai: Trong lĩnh vực chính trị.
- Nâng cao trình độ nhận thức chính trị về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng ta cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ đó nâng cao trách nhiệm và năng lực của họ trong việc tham gia vào công việc của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị của nước ta.
- Tăng cường vai trò kiểm tra giám sát của quần chúng nhân dân trong mọi hoạt động của Nhà nước, thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội. Huy động nhân dân tham gia đấu tranh chống tham nhũng.
- Giáo dục tinh thần yêu nước, nâng cao ý thức tự cường dân tộc, trách nhiệm của mỗi công dân, bản lĩnh chính trị của mỗi người dân. Kiên quyết đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực và những âm mưu chống phá của kẻ thù, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba: Trên lĩnh vực xã hội.
- Loại bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu; những quan hệ bất bình đẳng, xây dựng mối quan hệ mới tốt đẹp giữa người với người trên tinh thần tương trợ giúp đỡ lẫn nhau.
- Cần thực hiện những biện pháp làm giảm dần khoảng cách chênh lệch giữa các tầng lớp dân cư, giữa các vùng lãnh thổ. Quan tâm đến hộ nghèo, gia đình chính sách, tạo cho mọi người dân được hưởng những thành quả văn hóa, giáo dục, y tế.
- Thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ tri thức, trình độ tay nghề cho người lao động để cống hiến sức mình cho xã hội.
Thứ tư: Trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Nghị quyết Hội nghị lần 2 Trung ương Đảng khóa VIII khẳng định: "Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài" cho đất nước, đáp ứng công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Cần tuyên truyền cho mọi người dân thấy được tầm quan trọng của vấn đề này, để từ đó có trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp giáo dục.
Để đào tạo ra những cán bộ vừa "hồng" vừa "chuyên" có ý thức và năng lực làm chủ, cần phải có sự đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục. Nội dung giáo dục phải phản ánh được tri thức quan trọng của thời đại. Phương pháp dạy phải kích thích được tính sáng tạo của người học.
Thứ năm: Trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật.
- Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Đảng ta khẳng định: "Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực xây dựng chủ nghĩa xã hội". Trong quá trình cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, văn hóa nghệ thuật nước ta đã phục vụ tốt sự nghiệp cách mạng. Những năm đổi mới vừa qua, văn học, nghệ thuật đã có những đổi mới về nội dung, hình thức, động viên toàn dân tham gia sự nghiệp đổi mới, xây dựng bảo vệ đất nước.
- Tăng cường hơn nữa công tác quản lý của nhà nước trong hoạt động sáng tác, biểu diễn, sao cho văn học nghệ thuật phải cổ vũ cái hay, cái đẹp, góp phần xây dựng lối sống lành mạnh, nâng cao giá trị nhân văn trong con người Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, phê phán những tư tưởng phản động đang tìm cách phủ nhận con đường xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng, suy thoái về đạo đức, lối sống.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top