Chấp niệm mình anh 4
Chấp niệm mình anh.
Chương 4. Hòa nhập cuộc sống.
Ngoài việc Huệ Châu thực sự sống lại thì cuộc sống mà nó đang trải qua chẳng khác gì kiếp trước. Giờ thì nó có thể khẳng định và gọi là “kiếp trước”, vì đã qua nhiều tháng nó sống lại, sau mỗi đêm ngủ thức dậy nó đã mong đây chỉ là mơ, nhưng sự thật trước mắt lại cứ phũ phàng nói với nó rằng “nó thực sự xuyên không” sống lại.
Cũng rất nhanh nó bắt nhịp cuộc sống gia đình và trường học. Chỉ có điều hàng ngày tới trường đối mặt với Hải Phong khiến tim nó không ngừng đập loạn.
Hàng đêm lại có nỗi nhớ “con trai”.
Huệ Châu đã xác định được mục tiêu của mình bây giờ, chính là chăm chỉ học hành hơn, dù sao cũng không thay đổi được cuộc sống nghèo khó của gia đình, nhưng nếu có thể học thì tại sao không học chăm chỉ hơn để biết đâu kết quả học tập mai này tốt hơn sẽ giúp nó có cơ hội với một tương lai khác.
Hàng ngày đến trường, chăm chỉ nghe giảng, về nhà giúp mẹ làm thêm, không trốn đi chơi, nếu không phải làm thì bỏ bài vở ra học. Huệ Châu đang xây dựng một hình tượng “con ngoan trò giỏi” hoàn toàn khác với kiếp trước. Dẫu cho kiếp trước nó đã từng giúp bố mẹ nhiều và cũng rất vất vả, nhưng nó còn muốn mình làm tốt hơn nữa khi có thể.
Hôm nay đi học về, nghe bố mẹ và chị Ngọc nói ngày cuối tuần anh trai nó-anh Trung sẽ về thăm nhà. Thời gian này anh đang đi bộ đội, nửa năm được nghỉ phép về thăm nhà một lần, còn nửa năm nữa là anh hết nghĩa vụ quân sự.
Huệ Châu thấy rất bình thường, không có cảm giác háo hức như bố mẹ nó bây giờ, nó cũng chẳng nhớ kiếp trước nó đã từng háo hức mong đợi mỗi lần anh trai đi xa về thăm nhà như thế nào.
Thời điểm này chị lớn của Huệ Châu là Châu Mỹ đang đi lao động Đài Loan, anh Trung đi bộ đội nên khi nó sống lại nhà chỉ có bốn người.
Nhà vốn nghèo, không có quan hệ xã hội giúp đỡ, Huệ Châu nhớ rất rõ lúc chị Châu Mỹ muốn đi lao động Đài Loan để giúp gia đình thay đổi kinh tế. Nhưng vì không hề có vốn liếng, bố mẹ nó đã phải chạy vạy ngược xuôi để có thể vay đủ số tiền 25 triệu cho chị Châu Mỹ làm thủ tục đi Đài Loan. Hiện giờ vẫn còn đang trong giai đoạn “trả nợ” nên kinh tế gia đình cũng chưa được cải thiện gì.
Anh Trung vốn dĩ đã nuông chiều em út, mà kiếp này Huệ Châu lại đặc biệt ngoan ngoãn được khen nhiều nên lần này về thăm nhà anh mua quần áo làm quà cho nó và chị Ngọc.
Phải nói nó thất kinh thế nào khi anh Trung về đến nhà thấy nó thì lập tức bế xốc nó lên cưng nựng.
-Út ít nhất nhà, càng ngày càng xinh nhỉ, sắp thành thiếu nữ rồi.
Khuôn mặt nó cứng đờ khi đó không biết mọi người nhìn vào có thấy buồn cười.
Tâm hồn của một người con gái ngoài ba mươi có chồng có con không thể quen việc “được bế” từ một người đàn ông khác. Dù người đàn ông này có là anh trai ruột của mình đi chăng nữa.
Rất nhanh nó tụt xuống khỏi vòng tay của anh Trung và cố gắng tỏ ra tự nhiên nhất có thể với bộ dạng của cô gái mười ba.
Khi sống lại Huệ Châu đã chăm chỉ học hành nên kết thúc năm học lớp sáu với kết quả học sinh tiên tiến ở mức điểm khá cao. Huệ Châu có thành tích mười hai năm trên trường đều là học sinh tiên tiến, nhưng mức điểm khá thấp, có thể nói thấp nhất trong những người được học sinh tiên tiến. Đôi khi chỉ đúng tổng 6.5 đủ để được xét duyệt thành học sinh tiên tiến nên nhiều lần bố nó còn trêu là “tiên tiến vớt”, ý là được chiếu cố.
Khi ấy có lẽ Huệ Châu không nghĩ nhiều, nhưng nếu bây giờ nghe được từ “tiên tiên vớt” thì tin chắc tâm trạng sẽ không hề vui. Không hài lòng với chính bản thân mình. Vì rõ ràng nó có thể học chăm hơn, có thể làm tốt hơn để đạt mức tổng điểm cao hơn mà nó đã không từng hay chưa từng cố gắng.
Kiếp này thì khác rồi.
Hai ngày cuối tuần gia đình khá vui vẻ khi anh Trung về chơi. Huệ Châu thì vẫn không thể coi như mình không biết gì mà ngây thơ như kiếp trước được.
Trước ngày anh Trung quay lại doanh trại, bữa tối chủ nhật khi gia đình đã ăn cơm xong, anh Trung ngồi ghế xem tivi với bố mẹ, chị Ngọc ngồi giường bên cạnh.
Huệ Châu không hứng thú gì với chuyện trò người lớn, những chuyện “đã được” nghe. Nó ngồi bàn học sắp bài vở ngày mai đến trường. Huệ Châu đã lên lớp 7 rồi.
Khi ấy nhà không chia phòng, dù nói cách một bức tường nhưng mọi người trong nhà nói gì vẫn có thể nghe thấy rõ ràng.
-Còn nửa năm nữa hết ngũ rồi, có dự định gì chưa?
Bố Huệ Châu hỏi anh Trung.
Một lúc chưa thấy tiếng anh Trung trả lời. Lại nghe tiếng mẹ nó xen vào:
-Nhà thì nghèo, không có “vây cánh” gì thì cũng chỉ đi học kiếm cái nghề mà làm công nhân thôi chứ dự định gì nữa.
Huệ Châu có thể tưởng tượng được bố nó lúc này có lẽ lườm mẹ nó vì “chõ mõm” vào lời người khác đang nói, như bố nó vẫn nói mẹ.
-Con...cũng nghĩ vậy, vì con không quen với việc làm xã hội.
Anh Trung nói có vẻ lơ đãng.
Huệ Châu được biết, khi ấy sau khi hết quân ngũ người ta có đề nghị anh có làm ở xã phường gì không, tất nhiên là từ việc “sai vặt”. Thế nhưng anh Trung không đồng ý dấn thân vào chốn công sở, nói rằng không đủ nhẫn nhịn với sách nhiễu của người trong “chính trị”. Bố mẹ nó nhiều lần cũng bóng gió nói nhưng anh không nghe nên chẳng làm được gì.
Từ một người con trai hiền lành, trói gà không chặt. Anh Trung đi bộ đội ra thì “cái gì cũng biết”, từ thói hư tật xấu cho đến những “cú lừa” của cuộc sống.
Cũng từ đấy trở đi anh không còn là “con ngoan” trong mắt gia đình nữa.
Bố với mẹ nó bắt đầu lời qua tiếng lại, anh Trung đứng dậy nói rằng đi tìm bạn chơi một lúc rồi về, tránh lại phải nghe bố mẹ cãi nhau.
Chị Ngọc với nó thì chả phản ứng gì, nghe hai người cãi nhau mãi cũng thành thói quen chai sạn.
Từ ngày Huệ Châu sống lại, cũng không ít lần nó đứng tim vì gặp những “bóng ma sống” bên cạnh. Vì ở kiếp trước những người hàng xóm bên cạnh đã có nhiều người chết rồi. Giờ thấy chân chân thật thật họ sống sờ sờ đi qua đi lại nói nói cười cười. Dẫu có chuẩn bị tâm lý thế nào Huệ Châu vẫn cảm giác “gai gai” sợ sợ.
Tập dần với cuộc sống “lại” mới này, nó cũng đỡ bớt chút nỗi nhớ con trai. Người mà ở kiếp này “chưa” tồn tại.
Kiếp này nó không đi chơi nhiều, chăm chỉ học hành nên cũng chẳng có chuyện “trai gái yêu đương” sớm như kiếp trước.
Kiếp trước ở thời điểm năm học lớp 7 là có nhiều bạn trai làng khác đến nhòm ngó ve vãn, nó còn nhớ cũng nhiều lần trốn nhà đi chơi và về bị đánh no đòn.
Những người đó, cả một đời không còn liên quan gì đến nó nữa, nên nó ở kiếp này không muốn “dây dưa” gì đến họ. Tức là hoàn toàn cho họ biến mất khỏi cuộc sống của nó ngay từ đầu.
Ngày ấy thực ra đâu xác định được trai gái yêu đương là gì, chỉ thấy người ta trêu đùa để ý thì đi chơi vậy thôi. Lại thành ra mang tiếng là “yêu sớm” dây dưa cả một đời.
Thấm thoát vậy mà đến tết nguyên đán năm học lớp 7.
Sau khi lấy chồng, mỗi năm đến tết nguyên đán là Huệ Châu lại nhớ nhà da diết vì Hàn Quốc họ không còn đón tết truyền thống vui vẻ như Việt Nam mình nữa. Họ chỉ nghỉ làm, đến thăm gia đình họ hàng gần, làm đồ cúng tại nhà và gia đình anh em ăn uống với nhau thôi. Cũng không có đón giao thừa.
Khi con trai được hai tuổi, gia đình Huệ Châu và gia đình chị Châu Mỹ có một lần về ăn tết tại Việt Nam, cảm giác của nó khi đó là hạnh phúc không diễn tả hết bằng lời.
Giờ sống lại, được tận hưởng cảm giác tất bật dọn dẹp chuẩn bị đón xuân cùng gia đình Huệ Châu không khỏi háo hức.
Ngày 15 tháng chạp, cả nhà nó đang tất bật một buổi tối làm đồ vàng mã, vì đến tết chính là thời điểm bận nhất của món hàng này.
Bố Huệ Châu đang lắp xắp gì đó hình như lau chùi bàn thờ, nó cùng mẹ và chị Ngọc thì luôn tay dán hàng. Bỗng nghe tiếng chị Phượng nhà bên gọi:
-Chú ơi, nghe điện thoại Châu Mỹ gọi về nè.
Cả nhà nghe thấy mà ba mẹ con đang bận làm hàng nên bố nó nhìn ba người rồi đi ra cửa.
Ngày ấy cả một xóm có nhà chị Phượng lắp điện thoại bàn thôi, vì chị ấy làm giáo viên nên cần giao tiếp nhiều. Cả xóm thường nhờ nhà chị ấy nghe gọi điện thoại.
Chị Châu Mỹ thường một tháng sẽ gọi 2,3 lần về hỏi thăm mọi người hay có việc gì thông báo. Chắc sắp đến tết nên chị lại gọi về hỏi thăm đây mà.
Đâu có giống như ngày Huệ Châu lấy chồng sang Hàn là có smartphone thích gọi về lúc nào thì gọi, gọi hình nhìn mặt trực tiếp. Xã hội của bây giờ chắc chưa ai tưởng tượng được thời đại mỗi ngày một khác và cuộc sống sẽ thay đổi tiến hóa phong phú dường nào.
Lúc sau bố Huệ Châu trở về, khuôn mặt có vẻ thư thái, ba mẹ con đoán là chị thông báo chuyện gì vui đây. Đúng như dự đoán, bố cất lời:
-Cái Mỹ nó bảo sang tuần nhờ người gửi tiền về cho gia đình ăn tết, vì nợ ngân hàng trả hết rồi, tôi sợ bà đi chợ bận rộn nên tôi bảo tôi đi lấy.
Mẹ chỉ nhìn lên nghe bố nói xong rồi lại làm hàng tiếp và nói:
-Tùy ông.
Bố mẹ Huệ Châu gọi nhau là ông-bà từ khi nào nó cũng chẳng nhớ, chỉ biết vì cơm áo gạo tiền mà hai người không còn nhẹ nhàng “yêu thương” nhau như người khác được nữa.
Đến năm học cấp ba thì gia đình nó mới “khấm khá” hơn, khi ấy nợ ngân hàng cho chị đi lao động đã trả hết. Chị đi lao động xa xứ để mong thay đổi cho bố mẹ ngôi nhà cũ nát mà ai đó bước vào nhà đã nói “chỉ có thế này thôi à”. Có lẽ chị đã căm hận những kẻ sinh ra ở vạch đích, không thể hiểu cảm giác của những người ăn bữa nay lo bữa mai.
Mấy ngày sau là buổi cuối học trước khi nghỉ tết.
Huệ Châu mặc chiếc áo len vàng anh Trung mua cho khi về thăm nhà hôm bữa. Chiếc áo mà có lẽ nó không còn nhớ trong ký ức vì nó quá “quê mùa” nhưng khi này là chiếc áo xịn lắm rồi.
Bước ra đường đê thấy Linh đi tới, Huệ Châu cười đứng chờ. Linh đi tới nhìn ngắm cái áo rồi nói:
-Áo đẹp thế, mua mặc tết à?
-Không, anh Trung hôm bữa về mua cho. Chắc là mặc tết luôn.
Huệ Châu và Linh đều hiểu câu nói có hai nghĩa. Rằng nhà nó thường đâu có khái niệm quần áo mới mặc tết như chúng bạn. Rằng đến tết là bắt buộc phải có quần áo mới, cái nào đẹp thì mặc thành “quần áo tết” thôi.
Huệ Châu không quên được ngày của kiếp trước, có một năm gần đến ngày tết mà nó cũng không có “cái gì mới”, nó đã khóc và hỏi mẹ:
-Mẹ ơi! Mẹ có thể mua cho con bộ quần áo mới mặc tết được không?
Mẹ nó cũng rưng rưng nước mắt, giọng bà nghẹn trong cổ họng:
-Con gái ơi, đợi chị Mỹ đi làm có tiền trả hết nợ, cho mẹ tiền mẹ sẽ mua cho con nhé, giờ mẹ cũng không có tiền để mua cho nhà mình đồ tết gì cả.
Huệ Châu nhớ rõ nét mặt bất lực của mẹ nó, trông bà khi ấy thật khổ hạnh. Mai này nó cũng “từng” là mẹ nên nó hiểu nỗi lòng người mẹ không thể chăm lo được cho con cái và gia đình.
Kiếp này nó chỉ mong nó có thể khiến bà và cả gia đình bớt túng thiếu.
Huệ Châu và Linh trên đường ra trường thì gặp Thủy và Trang cũng đi nên mấy đứa họp lại nói chuyện vui vẻ vào lớp. Do chỉ còn buổi cuối rồi nghỉ tết nên học sinh không ai còn tâm trạng học tập, các thầy cô cũng không o ép quá.
Cả buổi học cuối thật vui vẻ, bạn bè ai nấy đều hớn hở khoe rằng tết này đã mua được đồ gì, bố mẹ sẽ mua cho đồ gì, tết này sẽ được đi đâu chơi.
Huệ Châu lẳng lặng nghe, cười theo khi chúng bạn thao thao bất tuyệt.
Vào năm học lớp 7, cơ thể cũng bắt đầu phát triển, trai gái bắt đầu có sự thay đổi về tâm lý thể chất. Có nhiều bạn nữ lớp Huệ Châu đã xuất hiện “đèn đỏ”. Huệ Châu nhớ là đến trung thu năm lớp 9 nó mới có “kỳ kinh nguyệt”.
Nét đẹp ngây thơ trong sáng của nam thanh nữ tú đã bắt đầu xuất hiện, nên có nhiều đứa bắt đầu có tình cảm đầu đời. Mai này sang Hàn thì người ta có một từ chuyên môn hơn đó là “khủng hoảng tuổi dậy thì”, còn khi này nếu con cái có chút thay đổi cũng không bố mẹ nào biết được tại sao tâm trạng của bọn nó lại thế vậy. Hay bố mẹ nghĩ rằng con cái càng lớn thì càng ngỗ ngược không nghe lời người lớn.
Huệ Châu cảm nhận được sự thay đổi của cơ thể, nên nó khá cẩn thận tỉ mỉ. Thật may là sống lại, ký ức của nó vẫn còn. Nếu nó chỉ “đơn thuần” sống lại, không tồn tại ký ức của “tương lai” thì có lẽ nó vẫn hành động như kiếp trước nó đã làm, vì vòng tuần hoàn cuộc sống không có gì thay đổi.
11 giờ 30 là kết thúc năm tiết của buổi học cuối cùng.
Học sinh lao ra khỏi trường như ong vỡ tổ, vừa nhốn nháo lại vừa bình yên đến lạ.
Linh luôn đồng hành cùng Huệ Châu trên đường về nhà. Hôm nay có cả Việt và anh nó.
Đi được vài bước cảm nhận được tiếng bước chân ai đó chạy tới gần, rồi vai Huệ Châu bị huých một cái khá mạnh. Hốt hoảng nhìn lại là Hải Phong.
Hải Phòng chạy lại ôm vai Việt Hồng mà do Việt và Huệ Châu đang đi song song nên vai Hải Phong đập vào vai nó.
Suýt chút nữa tim Huệ Châu rơi ra khỏi lồng ngực.
Tính ra từ khi trở lại đến giờ, đây là lần đầu tiên nó và Hải Phong có cự ly gần với nhau đến thế.
Hải Phong cười cười với nó ý như xin lỗi đã huých phải. Nụ cười khách sáo nhưng làm tim Huệ Châu đập loạn không kiểm soát.
Nhiều khi Huệ Châu thấy mình thật không tiền đồ. Rõ ràng sống qua 1 kiếp, lại trải qua ngần ấy tháng trời, mà mỗi lần đứng cạnh hay nhìn Hải Phong nó vẫn tim đập chân run.
Huệ Châu nhanh chóng cúi mặt rồi bước tiếp, nhưng nó cảm nhận được bàn chân mình đã lỗi nhịp.
Bỗng nghe tiếng:
-Áo đẹp thế.
Huệ Châu ngẩng lên, thấy Hải Phong đang nhìn nó. Khuôn mặt không biểu hiện quá nhiều cảm xúc.
-Có cái áo tết mà đã mặc luôn rồi.
Việt Hồng nhìn sang Huệ Châu vừa nói vừa cười. Mấy đứa thực ra còn quá trẻ không để ý lời nói của mình. Huệ Châu cũng không bận tâm điều đó vì tâm hồn của nó đang treo tận 9 tầng mây rồi.
Hải Phong nhìn Huệ Châu một lúc rất ngắn, có khi chỉ đến 5 giây, nhưng đến mãi sau này Huệ Châu cũng không quên nổi ánh mắt Hải Phong khi đó nhìn mình.
Có gì đó...
Một ánh mắt khá lạ...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top