CHƯƠNG 1: Bắp, Gạo, Mía và chiếc chìa khóa đi nhầm



"Này Ân Lâm, Có bao giờ cậu tin vào định mệnh hay những thứ đại loại như duyên số không?" – Mía ngồi tựa lưng vào gốc muồng trong cái làn gió thoảng nhẹ của tiết trời tháng 10 bâng quơ hỏi Lâm.

"Câu còn nhớ ngày đầu tiên chúng ta gặp nhau?" – Mía ngẩn đầu lên nhìn bầu trời trong trẻo nhớ lại cái ngày ấy.

Nếu như nhựa sống chính là linh hồn của cây thì thanh xuân có lẽ là linh hồn của chúng ta.

Ngày Mía gặp cậu cũng thật trớ trêu. Đó là vào một ngày mưa rơi nhẹ, à mà không, nói đúng hơn là một ngày mưa dầm phải không cậu. Lớp luyện thi đại học môn toán thầy Luật lúc nào cũng kết thúc bằng màn phát đề thi đại học của những năm trước do thầy sưu tầm. Đã hơn tám giờ tối rồi mà trời vẫn chẳng chịu ngừng mưa. Mía chạy vội ra xe, loay hoay mở cốp, lấy áo mưa.

"Quái, cái ổ khóa bị hư rồi hả trời, sao mở hoài không ra vầy nè" – Mía lẩm nhẩm trong đầu.

Một tay đút tới đút lui cái khóa, vặn qua vặn lại, một tay đập đập yên xe.

Loay hoay gần 5 phút mà cái cốp vẫn không chịu bật lên, người thì cũng bắt đầu ướt hết rồi. Đang bực thì chớ, nhỏ Gạo cứ ở trong hành lang nói vọng ra giọng điệu mất kiên nhẫn:

"Sao lâu vậy Mía? Có cần tao giúp không?"

Gạo là cái nickname Mía đặt cho nhỏ Đỗ Quyên, nhỏ bạn thân nhất của Mía từ tấm bé, Mía và nó cũng coi như là "Nhà nàng ở cạnh nhà tôi. Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn".

Đỗ Quyên quả là một cái tên đẹp, bởi vậy mà một buổi học vỏn vẹn năm tiết thì tới ba tiết cái tên Đỗ Quyên đã được thầy cô gọi lên bục giảng rồi, không phải trả bài kiểm tra miệng thì cũng là bắt lên giải bài tập. Gạo không ít lần cằn nhằn vì cái tên này của mình, Gạo ước có thể quay ngược thời gian lại cái thời điểm ba mẹ Gạo làm thủ tục đăng ký khai sinh, rồi dùng nội công xâm nhập vào ý thức của ba nó, tự đặt lại tên cho mình. Cái tên Đỗ Quyên nghe đâu được ra đời thế này: Ba Gạo họ Đỗ, Quyên là tên lót của má Gạo (Vũ Thị Quyên Mỹ), vô tình lại là tên một loài hoa nên ba Gạo quyết định lấy cái tên đó làm tên cúng cơm cho Gạo". Nhà Gạo còn một anh trai là Đỗ Minh (chắc ý là đỗ đạt, thông minh) lớn hơn Mía và Gạo hai tuổi. Mía và Gạo thích gọi anh là anh Bắp hơn, ai bảo con trai gì đâu mà da trắng hơn da con gái, lại có da có thịt y như quả bắp nếp ngoài vườn. Nhìn rất cưng. Chẳng hiểu sao Mía lại thích cái tên Đỗ Quyên vô cùng tận, vừa đẹp, lại ngắn gọn xúc tích. Mía vẫn thường bông đùa với Gạo:

"Nếu sau này lấy chồng tao cũng sẽ chọn anh nào họ Đỗ để đặt tên con là Đỗ Quyên."

Gạo cười nhếch mép: "Đợi tới lúc mày lấy được chồng đi rồi hãy tính nhá"

Quay lại với cái xe ...

Sau khi nghe thấy cái giọng ơi ới của nhỏ Gạo vọng ra, hai tay Mía vẫn đang bận bịu với cái khóa, miệng nói vọng vào:

"Không cần, đợi tao tí, sắp xong rồi"

Đang trong cái tư thế ngồi xổm lổm dưới đất, dùng hết sức lực mở cho bằng được cái cốp xe thì bất chợt một cái bóng đen dừng lại ngay chỗ Mía. Một đôi giày thể thao chắc là màu đen, trời vừa tối vừa mưa nên việc phân biệt màu sắc một cách chính xác lúc này là việc thừa thải. Mía ngước nhìn lên. Cái bóng đen đó là một cậu con trai có vẻ cao, trên tay cầm cây dù có phần hơi hướng về phía cô nhiều hơn, như thể muốn che cho cô khỏi ướt. Mía giật mình đứng dậy ngơ ngác chưa kịp định thần thì cậu ấy lên tiếng:

"Cậu đang làm gì vậy?" – Một giọng nói trầm ấm vang lên

"Tôi mở cốp lấy cái áo mưa" - Mía vừa đáp vừa nghĩ bụng "Không thấy hay sao còn hỏi. Muốn kiếm chuyện à?"

"Nhưng trong cốp làm gì có cái áo mưa nào" – Khỉ thật. Cái giọng trầm ấm đó lại vang lên

"Sao lại không. Hồi sáng rõ ràng tôi vừa gấp bỏ vào trong này mà" – Miệng làm việc của miệng, tay làm việc của tay, duy chỉ não là không hoạt động thôi.

"Này bạn, xe này của mình" – Lại là cái giọng nói đó

"Xe nào của cậu" – Mía ngây ngô đáp

Hắn đập đập cái tay lên yên xe

"Cái này"

Mía ngây người vài giây, lủi thủi nhìn từ đầu đến cuối xe. Trong phút chốc hình như não đã đưa ra tính hiệu là có cái gì đó không đúng. Mía thò đầu ra phía sau nhìn chăm chú cái biển số xe "47-A1 83XX". Rồi vội vàng rút đầu lại, tay rút chìa khóa ra khỏi ổ, miệng liên tục nói "Xin lỗi", mắt thì dáo dác tìm xe của mình.

Trời ơi, tin được không, nó nằm ngay xát xe cậu ta. "47A1 33XX" đúng xe mình rồi. Mía chạy vội lại xe của mình, mở cốp, lấy áo mưa, đóng cốp một cái "cạch", hú nhỏ Gạo chạy ra, đề máy, đạp số rồi lên ga chuồng cho lẹ. Để mặc cậu ta ở đó coi như chưa có chuyện gì xãy ra. Nghĩ tới cái cảnh lúc nãy Mía thực sự chỉ muốn đào một cái hố rồi chui xuống ngay tức khắc mà thôi.

"Không thể kể chuyện này với nhỏ Gạo được, thể nào nó cũng cười vô mặt mình" – Mía nghĩ.

"Mình không nhìn rõ mặt cậu ta, chắc cậu ta cũng không nhận ra mình đâu, trời tối như vậy kia mà" – Cứ nghĩ tới cái cảnh tượng quê độ lúc nãy Mía lại tự an ủi bản thân.

"Trớ trêu thật chứ, trên đời này còn có sự nhầm lẫn nào ác nghiệt như cái nhầm của mình không trời, cái xe to đùng ra đó cũng đi nhận nhầm là sao. Mà ma xui quỷ kiến gì lại để hai cái xe đã giống nhau thì chớ, lại còn dựng gần nhau nữa mới mệt chứ" – Mía lại lên cơn.

Chở con Gạo về tới nhà cũng gần 9h tối rồi. Ông ngoại đã lên giường ngủ, bà ngoại thì còn thức coi mấy cái chương trình trên TV. Mía đi tắm, ăn một ít cơm rồi lại ngồi vào bàn học.

Mía từ lúc năm tuổi đã sống với ông bà ngoại. Ba má ư? Có chứ. Lúc Mía năm tuổi cũng là lúc ba má Mía mỗi người một ngã. Ba lấy vợ khác. Má thì đi làm ăn xa, hàng tháng vẫn gửi tiền đều đặn về phụ ông bà ngoại. Mía được sống trong tình thương của ông bà kể ra cũng hạnh phúc hơn biết bao người rồi. Năm tuổi - ở cái thời của Mía trẻ con đã biết tự nấu cơm, giặt đồ, rửa chén, quét nhà, ... hết cả rồi. Đứa nào tuổi đó mà chưa biết làm những công việc trên thì mặc định là tiểu thư, hoàng tử hay là con đại gia. Con Gạo ấy mà, nó là tiểu thư chính hiệu. Lớp mười hai rồi nó còn chưa tự mình nấu nổi bữa cơm tử tế.

Chín tuổi Mía một buổi đi rửa chén thuê cho một quán ăn của nhà người quen, có lúc đi phụ bán đồ ngoài chợ, buổi còn lại thì đi học, học về rồi thì lại nấu cơm, giặt quần áo, lau nhà, rửa chén, xong xui cũng hơn 9h tối, khoảng thời gian này Mía mới có thể ôn bài và làm hết bài tập về nhà cho buổi học ngày mai. Vào những ngày sắp thi giữa kỳ hay cuối kỳ con Gạo mới chạy qua nhà Mía học chung. Nói là học chung cho nó sang cái miệng, chứ chủ yếu con Gạo qua làm gia sư không công cho Mía thì đúng hơn.

Mười lăm tuổi Mía lại một buổi làm phục vụ trong một quán cà phê, một buổi đi học. Nhiều đêm đang học, vô tình Mía nhìn qua khung cửa sổ thấy nhỏ Gạo đang căm cụi ghi ghi chép chép, rồi mẹ nó bước vào phòng đặt trên bàn một cái dĩa chắc có lẽ là đựng đồ ăn khuya và một ly sữa cạnh bàn nó rồi lặng lẽ ra ngoài. Chẳng hiểu sao khóe mắt Mía cay xè. Mía chỉ biết gượng cười rồi thở một cái thật dài tự động viên bản thân.

Lên lớp 12, má Mía đã có thu nhập ổn định hơn nên lúc này Mía cũng không phải đi làm thuê nữa mà chỉ tập trung cho việc học.

Còn con Gạo từ nhỏ đã được sống trong cái điều kiện mà mọi đứa trẻ đều ao ước mình được sinh ra như thế. Là con gái út của một gia đình khá giả, lại được yêu thương chiều chuộng, ngày ngày chỉ có học và học. Kể ra ông trời cũng khéo sắp đặt cho Mía và Gạo, hai hoàn cảnh đối nghich nhau lại giao nhau tại một điểm. Gạo thùy mị nết na. Mía ồn ào, sôi động. Gạo tráng trẻo xinh xắn. Mía đen nhẻm vô vị. Gạo thông minh lanh lợi. Mía thì cần cù chịu khó (chẳng qua cũng vì hoàn cảnh áp đặt mà thôi). Ấy vậy mà Mía và Gạo lại có thể chơi thân với nhau, một chuyện cũng không dấu diếm. Ba má Gạo, anh Bắp và Gạo đều coi Mía như người trong nhà, chắc có lẽ họ thương cho cái hoàn cảnh của Mía.

Bắp, Gạo và Mía - ba người hằng ngày cùng đạp xe đi học, cùng đi thả diều, cùng hái trộm trái cây nhà hàng xóm mặc dù ở nhà không thiếu, rồi cả ba cùng cười hả hê với chiếm lợi phẩm thu về. Có lần ba đứa bị tóm gọm khi đang hái trộm xoài non nhà bác Hùng, lần đó sau một hồi nghe giáo huấn của bác Vinh cô Mỹ (ba má Gạo) nào là:

"Mấy con hết trò rồi hay sao? Ở nhà có sao mấy con không hái mà đi hái trộm nhà người ta?" – Cô Mỹ la

"Mấy đứa lớn hết rồi, rãnh sao không lo học mà đi phá làng phá xóm vậy con" – Chú Vinh hùa theo.

Rồi thì:

"Mấy đứa học thói xấu từ đâu ra đó, bộ xoài nhà người ta ngon hơn xoài nhà mình hay sao? Một lần nữa là mẹ cho mấy đứa ăn roi nghe chưa" – Cô Mỹ dọa.

Tiếp sau đó là bị bắt quì gối, úp mặt vào tường tự suy ngẫm về hành vi sai trái của bản thân, bị bỏ đói bữa trưa, bụng đứa nào đứa đó sôi ục ục.

Sau gần hai tiếng đồng hồ ba đứa mới nhận được ân xá từ "cơ quan chức năng" cho miễn tội vì đã ăn năng hối cải.

"Ba đứa ăn đi, lần này mẹ tha" – Cô Mỹ xoa dịu.

Nhanh thật, mới đó Bắp đã là sinh viên năm hai đại học Xây dựng như ý nguyện của anh, Gạo và Mía cũng đã vào năm cuối cấp ba rồi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top