Tràn nắng
Thứ bảy. Mùa bão không vơi, dù năm nay tai đã chẳng còn chỗ mà nghe nữa. Không ai sẵn sàng cả, nhưng không thể không ngấm mấy thứ tin rát buốt ấy vào người.
Hàng rào dỡ xuống rồi.
Sài Gòn giải phóng. Nghe cứ như những năm 75 ấy nhỉ.
"Chiều nay quán nghỉ: Tiêm mũi 2".
"Không đồng. Một mớ bình yên."
"Một sản phụ sinh con giữa đường. Một người thuộc đoàn xe vừa qua gặp tai nạn, tử vong trên đường."
"Tài sản của chú không gì ngoài tấm thân bạt nắng, cái xe tróc vảy, hai con chó, chiều qua ba ông cháu mắc mưa..."
"Danh sách đóng góp:
Xăng. Xe. Dầu nhớt.
Áo mưa. Mũ bảo hiểm.
Sữa. Thức ăn (nhanh). Nước.
"...cảm ơn các nhóm thiện nguyện và mạnh thường quân..."
Nắng hôm nay đẹp như bao mùa lễ tết, có mấy đứa con xa quê lũ lượt về thăm vườn, thăm đất quê hồn hậu, thăm mùi lúa ngải óng ruộng đồng, thăm bờ cỏ xào xạt xanh, và sân và chuồng rêu rao sột soạt khi bước chân con đắp lên những vụn lá oai oải mùi phân, mà ở phố gọi là phân hữu cơ. Chữ "hữu cơ" đáng xem lạ kì với lũ trẻ mơ hồ thành thị không giữ nổi một con ngỗng lên thì. Có lắm chúng còn chẳng đụng gì ngoài mấy con
Nhưng chẳng ai gọi là "về". Về đâu nữa khi vị Tết còn ám trên chuỗi ngày mòn chờ đợi. Dịch từ mùa Tết năm ấy. Dịch qua những lần ngược xuôi, trở lại: làm, trở lại: học.
Dịch xả đi vị giác (trường hợp ít ra vẫn còn thứ lấp bụng, lưng chừng, mà không đói) và ai chẳng còn biết nụ cười.
Nắng hôm nay đẹp như nắng dưới gốc phượng lom khom ngoài lề khi ba tuổi. Tôi đã kéo ông ra, và ông gọi tôi vào lòng khi ngồi mải mê tán dóc linh tinh với người hàng xóm - bác mất từ hồi tôi mới vào cấp hai. Ông cháu tôi nhặt từng mảnh phượng, khúc cây khẳng khiu vương vãi một bầu lá khi cầm lên đương gió hè. Tôi gom cành, lựa lên lựa xuống, cái nắng chiều rực lên trên khóm phượng không hoa trong tay, và tôi đành lấy hết.
Nghe nói là đem cột lại thành bó thì chắc, bà dùng để đánh trẻ hư (hồi đó thì trong nhà chỉ mình tôi trẻ).
Nắng hôm nay đẹp như nắng ngày tôi từ biệt chiếc phòng cũ, mấy chồng sách rải bụi ấm tươm lên dưới cái bóng lấp ló của chùm lạc tiên trổ xuống trên lầu. Ngoài nó còn hàng trúc vàng xanh khỏe khoắn, còn thứ quả căng đầy chưa từng biết tên tôi vẫn hay ép làm mực vẽ.
Nắng đẹp như cả mùa hè năm kia không ai chết vì dịch, chiều chiều tôi bỏ lại những dải sóng khi gió đưa chân chạy tới cuối chân cầu.
Nắng mùa thi. Nắng trên ngọn bàng quật cường ở lại qua hai mùa bão. Nay đi và để lại quãng không trước nhà trơ trụi. Tôi chưa bao giờ muốn biết quang cảnh thoáng mắt khi bàng không vướng vào là gì. Tôi muốn ngắm nó, ngắm hết những ngày mình sống ở đây, những năm mười chút tuổi. Tôi muốn mẹ tôi rồi vẫn nhớ đứa con gái đã ngày ngày nhìn ngọn bàng ngoài cửa sổ mà lớn. Những tầng lá xum xuê đơm hoa xanh trắng cùng chiếc đỉnh mới lên một năm cả thảy. Đều được chặt đi rồi, "cho" và "vì chính nó thôi": sắp bão, nữa.
Luồng nắng trong khiết tôi có lẽ sẽ chẳng nhớ, nếu bàng vẫn còn hứng nắng, còn tán ánh trời ra hỗn độn và lung linh.
Tôi phải chăng vẫn đang tự an ủi. Tôi phải chăng đang thở phào vì không chịu trách nhiệm cho cái chết của mấy tầng cây mà vẫn được mới mẻ. Tôi phải chăng vẫn đang nhu nhược khuất phục trước sự bất lực của mình trước sự sống thân thuộc trước mắt bị tước đi. Phải chăng vẫn đang thỏa hiệp với hiện thực rồi bội tín với quá khứ, và viện cớ đến nỗi không thể không hỏi mọc đâu ra lại dồi dào quá thế kia.
Tôi phải chăng đang hoan hỉ vì chẳng việc so sánh, dù gì thì sự đã rồi cơ mà.
Nhưng tôi cũng sẽ không so sánh. Giống như người ta vẫn nhẹ bâng trao nét cười vào gió khi ví cho nắng một vẻ hương lạ lùng trong văn chữ. Dù mùi nắng chỉ tồn tại khi bản thân ta, đời và đất cho nắng chiếu lên. Hun ửng lên nhịp tim rạo rực. Thắp lên cả lửa, hữu hình và vô hình, thiêu sạch mầm bệnh, với con người thì mầm mống ấy nhiều kiểu nhiều loại hơn hẳn tự nhiên.
Và ta gọi "không mùi" đó là mùi nắng.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top