NGUYÊN TẮC 5: BẢO VỆ THANH DANH VÀ UY TÍN
Thanh danh là hòn đá tảng của uy quyền. Chỉ cần có thanh danh là bạn đã có thể hù dọa người khác và chiến thắng họ. Tuy nhiên khi thanh danh tuột dốc thì bạn dễ bị tổn thương và bị tấn công từ mọi phía. Hãy bảo vệ thanh danh và uy tín thật kỹ lưỡng. Luôn dè chừng và triệt tiêu những đòn bôi nhọ trước khi chúng diễn ra. Trong khi đó, hãy tìm cách tiêu diệt địch thủ bằng cách bắn thủng bức tường uy tín của họ. Sau đó bạn chỉ việc đứng im chờ công luận kết liễu họ.
TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC
Vào thời kỳ Tam quốc, quân sư Gia Cát Lượng dàn quân nhà Thục ra những trận địa xa xôi, trong khi ông ở lại một làng nhỏ với số ít binh sĩ. Thình lình lính canh cho biết là Tư Mã Ý đang dẫn 150.000 quân tiến đến. Chỉ còn lại khoảng trăm binh sĩ, tình thế Gia Cát Lượng xem như hết cứu. Cuối cùng địch thủ cũng sẽ bắt được quân sư lỗi lạc. Không nói một lời, không mất thời gian nghĩ suy nhiều về số phận mình, Gia Cát Lượng lệnh cho binh sĩ hạ cờ, mở toan cổng thành và trốn cho thật kỹ. Bản thân quân sư mặc áo đạo sĩ ngồi bảnh chọe trên cái ghế bành đặt ở nơi dễ thấy nhất phía trên tường thành. Rồi ông thắp hương, gảy đàn, ngân nga tiếng hát. Vài phút sau, quân đội đối phương tiến tới từ xa, phủ kín cả chân trời. Cứ vờ không quan tâm, ông tiếp tục đàn hát.
Chẳng bao lâu sau địch quân đã án binh trước cổng thành. Tư Mã Ý nhận ra ngay người đang xướng hát. Ngay cả khi binh sĩ nóng lòng tấn công cái thành trì bỏ ngỏ không lính canh, Tư Mã Ý vẫn do dự, quan sát Gia Cát Lương, rồi cuối cùng ra lệnh lui quân. [4] Diễn giải Gia Cát Lượng được mệnh danh là "Ngọa Long". Chiến công của ông vào thời kỳ Tam quốc thật hiển hách và đi vào truyền thuyết. Ngày kia khi có tướng địch đến xin làm hàng binh, Lượng biết ngay hắn trá hàng và ra lệnh chém đầu. Tuy nhiên đến phút chót khi đao phủ sắp vung tay, Lượng bằng lòng tha mạng tướng địch với điều kiện hắn phải làm điệp viên. Vừa mừng vừa hãi, hắn ưng thuận và bắt đầu cung cấp thông tin sai lạc cho chủ cũ. Lượng thắng liên tiếp trận này đến trận khác.
Vào lúc khác, Lượng thu được ấn khế của địch thủ và ngụy tạo nhiều quân lệnh dàn trải quân địch ra chốn xa xôi. Khi địch quân bị dàn mỏng, Lượng thừa cơ tiến chiếm nhiều dinh trấn, từ đó kiểm soát được nguyên cả hành lang trong vương quốc địch. Ngoài ra ông ta còn làm cho địch thủ lầm tưởng rằng một trong những vị tướng tài đã phản bội, khiến tướng đó phải bỏ trốn và quy hàng nhà Thục. Ngọa Long luôn bảo vệ tiếng tăm để mọi người nghĩ rằng mình là người mưu trí nhất, lúc nào cũng sẵn có kế hay. Hùng mạnh không kém gì đao kiếm, tiếng tăm đó làm cho kẻ địch run sợ. Tư Mã Ý từng đụng độ với Gia Cát Lượng nhiều lần và biết khá nhiều về Lượng.
Khi đứng trước cổng thành mở toang và thấy Lượng đàn hát, Tư Mã Ý sững sờ. Lễ phục đạo sĩ, nhang khói và đàn hát – tất cả đều là trò hù dọa. Tư Mã Ý thấy ra rằng là Lượng đang chế giễu và qua đó dụ mình vào cái rọ. Trò này lộ liễu đến mức Tư Mã Ý không thể thoáng nghĩ rằng thực sự Lượng đang thân cô thế cô và hết đường tẩu thoát. Nhưng vì Lượng nức tiếng mưu sâu nên Tư Mã Ý không dám liều lĩnh. Chỉ bằng tiếng tăm của mình, Gia Cát Lượng đã giữ chân cả 150.000 quân, thậm chí buộc họ phải lui binh mà không tốn một mũi tên nào.
Như Cicero từng nói, ngay cả những ai chống lại việc mua danh, thì những quyển sách mà họ viết ra để bảo vệ lập trường, họ cũng đề tên mình trên đó và hy vọng mình sẽ nổi tiếng vì đã khinh thị tiếng tăm. Mọi thứ khác đều có thể đổi chác: nếu cần, ta có thể hy sinh của cải và sinh mạng cho bạn bè, nhưng việc chia sẻ tiếng tăm và để cho ai đó thụ hưởng thanh danh ta, thì điều đó xưa nay hiếm. (Montaigne, 1533-1592)
TRÙM XIẾC BARNUM
Vào năm 1841, chàng trai P. T. Barnum muốn được tiếng là ông bầu số một của nước Mỹ nên quyết định mua lại nhà American Museum ở Manhattan (Mỹ) rồi chuyển nó thành nơi sưu tập những điều kỳ lạ. Vấn đề là chàng ta không có tiền. Nhà bảo tàng đòi 15.000 đôla. Tuy không sẵn có số tiền đó nhưng Barnum khéo léo trưng ra vài hồ sơ khá hấp dẫn giới sở hữu chủ nhà bảo tàng: đó là nhiều loại giấy tờ bảo đảm và chứng nhận về mặt tài chính. Mấy ông chủ ưng thuận miệng với Barnum song vào giờ phút chót lại đổi ý, bán cả nhà bảo tàng và các bộ sưu tập cho Peale's Museum. Barnum điên tiết lên, nhưng phe đối tác bảo kinh doanh là kinh doanh – nhà bảo tàng được bán cho Peale's là vì Peale's nổi tiếng, còn Barnum thì không.
Barnum tự nhủ nếu mình không có tiếng tăm gì để đặt tụ thì cách duy nhất là làm hoen ố thanh danh Peale's. Barnum liền khởi sự một chiến dịch viết thư gửi báo chí, gọi mấy ông chủ kia là "đám giám đốc ngân hàng kiệt quệ" không biết cách quản lý nhà bảo tàng hoặc tiêu khiển người dân. Barnum cảnh giác mọi người không nên mua cổ phiếu của Peale's, vì khi mua lại nhà bảo tàng, ngân quỹ của Peale's sẽ giảm hẳn. Chiến dịch này còn có tiếng vang, cổ phiếu rớt giá thê thảm.
Vì không còn tin vào thành tích và uy tín của Peale's, giới chủ của American Museum lại đổi ý và bán nhà bảo tàng cho Barnum. Phải mất nhiều năm sau Peale's mới phục hồi nổi và họ không bao giờ quên được đòn bẩn của Barnum. Bản thân ông Peale quyết định tấn công Barnum bằng cách xây dựng cho mình cái mác "nơi tiêu khiển của giới trí thức", quảng cáo rằng các chương trình ở nhà bảo tàng của mình có trình độ khoa học hơn là của kẻ cạnh tranh tầm thường kia.
Thôi miên là một trong những màn biểu diễn "khoa học" của Peale's, và trong một thời gian, màn biểu diễn ấy thu hút được khá nhiều người xem. Để phản đòn, Barnum quyết định tấn công danh tiếng của Peale's lần nữa. Barnum tổ chức một màn biểu diễn thôi miên và cho biết mình sẽ đưa một bé gái vào thạng thái xuất thần. Khi cô bé có vẻ đã mê mê, Barnum lại xoay sang thôi miên vài khán giả. Nhưng dù ông có cố gắng cách mấy thì không người nào bị thôi miên, mà ngược lại họ còn cười nhạo. Rất "quê độ", Barnum gỡ gạc bằng cách tuyên bố là mình sẽ cắt đứt một ngón tay mà cô bé không hề hay biết để chứng tỏ rằng phép thôi miên đã làm cô bé xuất thần thật.
Nhưng trong khi anh ta đang mài dao thì cô bé mở mắt ra và bỏ chạy khiến nhiều khán giả một phen cười khoái chí. Barnum lặp đi lặp lại nhiều màn tương tự suốt vài tuần liên tiếp, đến khi không còn ai tin vào màn "độc" của Peale's, và số vé bán ra giảm mạnh. Chẳng bao lâu Peale's phải dẹp màn thôi miên. Những năm sau đó, Barnum dần dà xây dựng cho mình tiếng tăm của một ông bầu sô táo bạo và tài năng, tiếng tăm này còn tồn tại sau khi ông qua đời.
Trong khi đó Peale's không bao giờ hồi phục được thanh danh của mình. Diễn giải Barnum sử dụng hai chiến thuật để làm hoen ố thanh danh của Peale's. Đòn đầu tiên khá đơn giản: Anh ta chỉ cần gieo mối nghi ngờ về sự ổn định và tình hình tài chính của nhà Peale's. Sự hoài nghi là một vũ khí hùng mạnh: Một khi gieo mối nghi kèm theo tin đồn quỷ quyệt, ta đẩy đối phương vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Một mặt, họ có thể phủ nhận tin đồn, thậm chí chứng minh rằng ta vu khống. Nhưng dù sao thiên hạ cũng còn ít nhiều hoài nghi: Tại sao bọn người kia lại giãy nảy phủ nhận ghê thế nhỉ? Nếu không có lửa làm sao có khói? Mặt khác, nếu họ tự nhủ cây ngay không sợ chết đứng thì tiếng đồn không được phủ nhận kia sẽ càng củng cố. Nếu ta làm đúng cách, việc gieo rắc tiếng xấu có thể khiến địch thủ điên tiết và bất an đến nỗi, khi tự phòng vệ, họ có khả năng lầm lỗi. Đây là vũ khí hoàn hảo cho những ai chưa có chút tiếng tăm nào để làm thuốc. Khi đã có uy tín rồi, Barnum dùng chiến thuật thứ nhì mềm mỏng hơn, đó là việc biểu diễn thôi miên dởm: Anh ta đem tiếng tăm đối phương ra làm trò cười. Cách này cũng hết sức thành công.
Một khi ta đã có uy tín vững chắc thì việc bêu riếu đối phương sẽ làm hắn bị động, trong khi đó ta tập trung được sự chú ý của mọi người và uy tín ta càng vững mạnh. Ở thời điểm này, những chiêu phỉ báng và nói xấu trực tiếp có vẻ thô bạo quá. Nhưng những câu móc họng và chế giễu nhẹ nhàng chứng tỏ ta biết rõ thực lực của mình để mỉm cười khoái chí về sự thua thiệt của đối phương. Vẻ trào phúng sẽ làm cho mọi người thấy rằng ta là kẻ pha trò vô hại, trong khi thực ra ta đang bắn phá tơi bời uy tín của đối phương. Đương đầu với lương tâm tội lỗi còn dễ hơn với một tiếng tăm hoen ố. (Friedrich Nietzsche, 1844-1900)
CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC
Những người quanh ta, ngay cả bạn bè thân thiết nhất, trong chừng mực nào đó đều luôn bí ẩn và khó dò. Tính cách họ có những điều thầm kín mà họ không bao giờ để lộ ra. Việc này sẽ gây hoang mang nếu ta mãi suy nghĩ về nó, bởi vì nếu như vậy thì hầu như ta không thể đánh giá người khác. Do đó ta thường chọn giải pháp là lờ đi, chỉ đánh giá họ qua vẻ bề ngoài, qua những gì mắt ta dễ thấy nhất – quần áo, điệu bộ, lời nói, việc làm. Ngoài xã hội, vẻ bề ngoài là thước đo cho hầu hết mọi đánh giá, vì vậy ta phải hết sức cẩn thận đừng để đánh lạc hướng. Chỉ cần một sơ suất nhỏ, một thay đổi vụng về hay đột xuất ở vẻ bề ngoài cũng có thể gây nguy hại.
Đó là lý do quan trọng hàng đầu tại sao bạn phải tạo ra và gìn giữ tiếng tăm. Tiếng tăm này sẽ bảo vệ ta trong trò chơi của dáng vẻ bề ngoài vì nó tạo thêm một thách thức đối với những cặp mắt dò xét của người khác, khiến họ khó có thể biết ta thực sự là ai, hơn nữa còn giúp ta kiểm soát được ít nhiều cách đánh giá của người khác – đặt ta vào thế mạnh. Tiếng tăm có khả năng tựa như phép thuật: Chỉ cần quơ đũa thần một phát là sức mạnh ta tăng gấp đôi. Tiếng tăm cũng có thể làm cho mọi người e sợ và tránh xa ta. Cùng một hành động đó thôi, nhưng người khác cho là đáng quý hay đáng sợ lại tùy vào tiếng tăm của người hành động.
Vào thời nhà Vệ ở Trung Quốc xưa kia có một người nổi tiếng lịch sự tao nhã. Anh ta được nhà vua sủng ái vào bậc nhất. Ở nước Vệ có luật rằng "ai lén sử dụng xa giá của vua sẽ bị chặt chân", nhưng khi nghe tin mẹ đang lâm trọng bệnh, anh ta dùng xa giá này để về thăm, bảo rằng đã được phép vua. Khi tin đến tai, vua bảo "Y quả hiếu để! Vì quá lo cho mẹ mà anh ta quên mất mình đang phạm tội có khả năng bị chặt chân!"
Lần khác khi cùng vua bách bộ trong ngự uyển, anh ta ăn không hết một quả đào quá to nên đưa phần thừa cho vua. Vua nói "Ái khanh yêu mến trẫm đến độ quên rằng quả đào dính nước bọt của khanh, và dám đưa nó cho trẫm!"
Tuy nhiên thời gian sau nhiều người trong triều ghen ghét sàm tấu rằng anh ta bất minh và ngạo mạn. Những lời ong tiếng ve đó riết rồi cũng làm hoen ố thanh danh của anh ta, làm cho nhà vua nhìn hành động của anh ta dưới góc độ khác. "Tên này dám giả lệnh ta để sử dụng xa giá, và còn dám đưa cho ta quả đào đang ăn dở."
Những hành động đó từng làm dịu lòng nhà vua, nhưng cũng chính chúng lại đưa anh ta vào chỗ nguy nan. Số phận anh ta tùy thuộc vào độ vững chắc của uy tín. Thoạt tiên, ta nên gắng sức tạo ra thanh danh dựa vào một đức tính nổi bật, chẳng hạn như sự rộng lượng bao dung, hoặc tính thanh liêm hay đa mưu túc trí.
Đức tính này giúp ta nổi bật giữa đám đông và làm cho mọi người trầm trồ. Sau đó ta quảng bá thanh danh này càng rộng càng tốt (nhưng phải tinh vi, ta phải xây dựng chậm mà chắc), rồi tự nó sẽ lan nhanh như lửa rừng. Uy tín vững chãi sẽ ghi đậm sự hiện diện của ta và thổi phồng sức mạnh của ta mà ta không phải tốn nhiều công sức. Uy tín cũng tạo cho ta vầng hào quang khiến mọi người nể phục, thậm chí e sợ.
Trong Thế chiến thứ hai tại Bắc Phi, tướng Đức Erwin Rommel nổi tiếng xảo quyệt trên lĩnh vực điều binh, khiến ai ai cũng kinh sợ. Ngay cả khi quân lực của ông ta đã suy yếu, khi số lượng xe tăng Anh đông gấp năm lần số xe Đức thì nhiều thành phố vẫn phải di tản sạch trước tin Rommel sắp đến. Có người từng nói rằng tiếng tăm ta luôn đi trước ta, vì vậy nếu ta làm mọi người nể phục thì phần lớn công việc đã được thực hiện trước khi ta tới nơi, trước khi ta nói được nửa lời. Có lẽ thành công của ta tùy thuộc vào những vinh quang trong quá khứ. Hầu hết thành công trong công việc ngoại giao con thoi của Henry Kissinger đặt trên cơ sở tiếng tăm, rằng ông ta có khả năng dung hòa những điểm bất đồng.
Không ai muốn bị xem là không biết điều đến mức Kissinger không lung lạc được. Một khi có tên ông ta trong thành phần đàm phán thì xem như hòa ước là chuyện phải thành. Hãy giữ uy tín của bạn mộc mạc đơn sơ và thiết lập trên nền tảng đức tính hàng đầu. Đức tính này sẽ là tấm danh thiếp báo trước sự xuất hiện của bạn và bao phủ những người khác trong màn sương mê hoặc.
Nổi tiếng là lương thiện, bạn sẽ có cơ hội thực hiện nhiều loại lừa bịp. Lừng danh bay bướm, Casanova dùng tiếng đồn này để lót đường cho những cuộc chinh phục trong tương lai. Phụ nữ nào từng nghe về sức quyến rũ của ông ta cũng hết sức tò mò, muốn chính mình khám phá xem điều gì giúp ông ta thành công trên tình trường đến như vậy. Giả định thanh danh ta đã hoen ố và giờ đây ta không thể xây dựng một thanh danh mới. Muốn vậy ta phải gắn liền tên tuổi mình với một người mà hình ảnh của họ đi ngược lại hình ảnh ta, như thế ta dùng thanh danh của họ để thanh minh và tôn tạo cái của ta.
Chẳng hạn như đã lỡ mang tiếng bất lương thì thật là khó gột rửa, vì vậy ta cố gắng liên đới với một mẫu mực của sự lương thiện. Khi muốn tẩy sạch cái mác mà thiên hạ gán cho mình là kẻ chuyên tổ chức trình diễn những gì hạ cấp, Barnum liền mời Jenny Lind từ châu Âu sang. Nữ ca sĩ này đang vang danh là ngôi sao cao cấp, do đó khi tài trợ cho tua lưu diễn của cô ta, Barnum đã làm cho hình ảnh của mình đẹp lên rất nhiều. Tương tự như thế, những bậc thầy lừa đảo ở Mỹ hồi thế kỷ XIX không làm sao để tẩy sạch được tiếng xấu là nhỏ nhen và tàn ác.
Chỉ đến khi họ bắt đầu sưu tầm tranh tượng, để cho những cái tên như Morgan và Frick gắn liền với Da Vinci hoặc Rembrandt thì hình ảnh ghê gớm của họ mới phần nào dịu bớt. Uy tín là một tài sản mà bạn nên gom góp và giữ gìn cẩn thận. Đặc biệt khi mới lần đầu tạo ra, bạn nên bảo vệ nó thật kỹ, luôn đi tiên liệu việc người khác bôi bẩn nó. Một khi uy tín đã vững chắc rồi, nếu địch thủ gièm pha chế giễu thì bạn đừng quá giận mất khôn – vì như thế chỉ chứng tỏ bạn không tin chắc vào uy tín ấy. Ngược lại bạn nên đóng vai quân tử và đừng bao giờ tỏ vẻ nản lòng khi tự vệ. Mặt khác, bạn nên có vũ khí tuyệt vời là tấn công ngược lại vào tuy tín địch thủ, đặc biệt là khi bạn yếu hơn hắn.
Trong cuộc đọ sức như thế nếu mất thì hắn sẽ mất nhiều hơn, và cái tiếng tăm nhỏ bé của bạn sẽ là cái đích nhỏ bé mà hắn khó nhắm trúng. Barnum sử dụng những chiến dịch như vậy rất hiệu quả khi ông khởi đầu sự nghiệp. Song phải biết khéo léo áp dụng chiến thuật đó, đừng để thiên hạ bảo rằng bạn thù vặt nhỏ nhen. Nếu không biết cách đánh bại uy tín của địch thủ, bạn sẽ làm suy yếu chính thanh danh của mình.
Được mọi người xem là kẻ đã khống chế được sức mạnh dòng điện, Thomas Edison tin là hệ thống phải được đặt trên cơ sở điện một chiều (DC). Khi nhà khoa học người Serbia là Nikola Tesla thành công với hệ thống điện xoay chiều (AC), Edison tức điên lên. Ông ta quyết định đánh sập uy tín Tesla bằng cách làm cho dân chúng thấy rằng hệ AC là không an toàn, và Tesla sẽ hứng chịu mọi trách nhiệm vì đã khuếch trương nó. Edison liền bắt các loại thú cưng và làm chúng chết bằng dòng điện xoay chiều. Liệu chừng như thế vẫn chưa đủ, ông thuyết phục giới lãnh đạo trại giam bang New York tổ chức lần tử hình đầu tiên bằng dòng điện, tất nhiên là điện AC.
Song trước đó mọi thử nghiệm của Edison đều với thú nhỏ, điện tích quá yếu nên đến khi tử hình thì tội nhân chỉ ngất ngư chứ không chết hẳn. Có lẽ đó là buổi hành quyết tàn nhẫn nhất. Nhưng dù sao, chiến dịch của ông ta đã làm hại uy tín của chính ông nhiều hơn là hại Tesla. Edison phải lui binh.
Bài học khá đơn giản – đừng bao giờ đi quá xa với những loại tiến công như vậy, bởi vì mọi người sẽ để ý nhiều vào hành động trả thù của bạn hơn là vào nạn nhân mà bạn đang bắn phá. Khi có uy tín vững chãi, bạn hãy dùng chiến thuật tinh vi hơn, chẳng hạn như châm biếm và chọc quê, như thế địch thủ vẫn bị suy yếu và thiên hạ chỉ xem bạn là thằng xỏ lá tiếu lâm mà thôi. Mãnh hổ chỉ đùa với con chuột nhắt vô tình chạy ngang qua – bất kỳ hành động nào khác sẽ làm nhơ uy danh đáng sợ của hổ.
Hình ảnh: Hầm mỏ đầy kim cương đá quý. Bạn đào tìm, bạn phát hiện và chắc chắn là bạn giàu sang. Hãy bảo vệ hầm mỏ đó bằng mạng sống. Đạo tặc sẽ xuất hiện từ mọi phía. Đừng bao giờ cho rằng của cái đó là điều tất yếu, mà phải bảo đảm đầu vào – thời gian sẽ làm cho đá quý bớt óng ánh, và làm mọi người quên mất nó đi.
Ý kiến chuyên gia: Vì vậy tôi mong rằng các triều thần của ta sẽ tăng cường giá trị cố hữu bằng tài năng và mưu trí, và bảo đảm rằng khi sắp sửa viếng thăm một chốn xa lạ nào, thì thanh danh của triều thần ấy sẽ đi trước... Bởi vì thứ tiếng tăm nào có vẻ như tùy thuộc vào ý kiến của số đông, thì tiếng tăm đó sẽ trưởng dưỡng một niềm tin bất dịch vào giá trị của một người, và giá trị ấy sẽ dễ dàng được củng cố trong những đầu óc đã được tác động trước. (Baldassare Castiglione, 1478-1529)
NGHỊCH ĐẢO
Không có sự nghịch đảo khả dĩ nào hết. Tiếng tăm là sinh tử, luật này không có ngoại lệ. Có thể khi phớt lờ những gì người khác nghĩ về mình thì bạn bị lên án là xấc xược và ngạo nghễ, nhưng bản thân hình ảnh đó có thể ít nhiều lợi ích – Oscar Wilde từng sử dụng thành công hình ảnh đó. Vì chúng ta sống trong xã hội và tùy thuộc vào ý kiến người khác, bạn sẽ không được gì nếu lơ là với uy tín của mình. Nếu không quan tâm đến những gì người khác nghĩ về bạn, bạn sẽ để họ quyết định điều đó thay mình. Hãy làm chủ định mệnh và làm chủ cả tiếng tăm của mình.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top