Pháp Cú 413: Truyện Tôn giả Nguyệt Quang
"Như mặt trăng đẹp đẽ
Sáng trong và tĩnh lặng
Ai đoạn tận hữu ái
Ta gọi Bà-la-môn."
(XXVI-Phẩm Bà-la-môn, Pháp Cú 413)
Tích Pháp Cú: Trong giới Bà-la-môn có vị tên là Nguyệt Quang (San-da-ba-ha). Vị đó khi sinh ra thì trước bụng có vầng tròn sáng giống Mặt trăng. Khi vị đó đứng trong bóng tối thì thấy rõ còn đứng dưới ánh nắng mặt trời thì khó thấy. Giới Bà-la-môn tôn vị đó lên thành thần rồi đồn lan đi khắp nơi:
- Ai chạm được vào thân vị Nguyệt Quang này sẽ có nhiều phúc lành, được may mắn và được cứu độ.
Rồi Bà-la-môn đó đi tuyên truyền quảng cáo khắp nơi thì gặp cư sỹ Phật giáo. Cư sỹ Phật giáo phản đối:
- Chỉ có Đức Thế Tôn mới có hào quang phủ trùm cả trời đất. Thế Tôn mới có thể cứu độ chúng sinh giải thoát khỏi Luân hồi.
Rồi 2 bên cãi nhau. Rồi các vị Bà-la-môn dẫn ông Nguyệt Quang đó đến thì cư sỹ cũng thấy bụng ông có vầng sáng nhẹ như ánh sáng mặt trăng. Cư sỹ mới nói rằng:
- Thế Tôn còn có hào quang toàn thân phủ khắp trời đất chứ không nhỏ bé yếu ớt thế này.
Ông Nguyệt Quang đó nghe vậy mới ngạc nhiên "Chẳng lẽ thế gian lại có người có hào quang hơn ta?". Và ông quyết định đi cùng mọi người đến gặp Đức Phật. Rồi là 1 đoàn Bà-la-môn, cư sỹ đi vào Tinh xá Đức Phật.
Khi ông Nguyệt Quang đó vừa nhìn thấy Phật thì vầng sáng ở bụng ông biến mất. Ông ta ngạc nhiên bèn đi ngược trở lại khi không còn thấy Phật thì hào quang ở bụng hiện trở lại. Ông ta lại đi vào Tinh xá thấy Phật thì hào quang đó lại biến mất.
Ông Nguyệt Quang đó nghĩ rằng: "Vị Sa Môn này bùa phép giỏi thật, bùa của vị đó linh đến mức làm biến mất hào quang của ta. Từ khi sinh ra đến giờ ta chưa bao giờ bị biến mất hào quang đó".
Ông bèn đến hỏi Phật:
- Thưa Sa Môn Gô-ta-ma, Ngài có bùa phép gì mà linh nghiệm làm biến mất hào quang của ta. Ngài có thể dạy cho ta được không?
- Này Bà-la-môn, ta có cái bùa đó nhưng không dạy cho người ngoài được. Phải là đệ tử xuất gia của ta thì ta mới dạy.
Ông Nguyệt Quang đó lập tức đồng ý xuất gia theo Phật. Các Bà-la-môn khác vội vã cản lại vì Nguyệt Quang là vị thần hộ mệnh của họ. Mất ông ta là mất đi bao lợi ích cúng dường. Nhưng Nguyệt Quang hẹn để học xong bùa phép đó thì ông sẽ quay lại với hào quang sáng hơn. Mọi người đồng ý và họ hẹn 7 ngày sau sẽ đến đón Ngài trở lại.
Sau đó ông Nguyệt Quang xin Phật dạy bùa phép. Đức Phật bảo phải học căn bản xong mới học nâng cao. Căn bản là ngồi thiền, quán thân vô thường, quán tâm, quán thọ, quán pháp... Thế là ông Nguyệt Quang nghe theo tu thiền 7 ngày sau chứng A-la-hán.
Đến hẹn thì Bà-la-môn mới đến thỉnh Ngài Nguyệt Quang trở lại. Nhưng Tôn giả nói:
- Này Bà-la-môn, ta đã đến một nơi không còn trở lại. Các ngươi hãy về đi.
Các Bà-la-môn đó buồn rầu ra về. Tỳ kheo chưa chứng đạo không biết Nguyệt Quang đã chứng A-la-hán. Họ chỉ biết 7 ngày trước thì vị đó hẹn sẽ trở lại. Nay đến hẹn có người đến đón thì lại nói: "Ta đã đến một nơi không còn trở lại". Tỳ kheo mới lên hỏi Phật. Phật nói rằng Nguyệt Quang đã chứng A-la-hán. Các Tỳ kheo ngạc nhiên vì mới cách đó 7 ngày thì Ngài là vị thần của Bà-la-môn. Vậy mà 7 ngày sau đã chứng A-la-hán. Khi đó Đức Phật mới kể rằng:
Vào thời Phật Ca Diếp. Lúc đó Đức Phật đã nhập Niết Bàn và dân chúng xây tháp thờ Xá Lợi Phật. Ông Nguyệt Quang là người thợ rừng. Vì tôn kính Phật nên ông đã lấy gỗ đàn hương loại quý nhất, hương thơm cao quý nhất rồi tạc 1 vầng trăng vô cùng tinh xảo đẹp đẽ cúng dường tháp Xá Lợi Phật.
Ý của ông muốn tán thán Đức Phật đẹp đẽ, sáng trong như vầng trăng. Vầng trăng đó được treo lên tháp Xá Lợi Phật. Nhiều người lễ lạy cũng cảm nhận được niềm Tôn kính Đức Phật.
Sau đó ông sinh lên cõi trời và sống trên đó rất lâu. Đến kiếp này sinh làm người thì bụng hiện ra vầng trăng tỏa sáng.
Kể xong thì Phật đọc bài kệ:
"Như mặt trăng đẹp đẽ
Sáng trong và tĩnh lặng
Ai đoạn tận hữu ái
Ta gọi Bà-la-môn."
(XXVI-Phẩm Bà-la-môn, Pháp Cú 413)
Bài học kinh nghiệm
Bài học 1: Quý tướng và phúc báu
Kinh Tướng (Trường Bộ Kinh) kể về các nhân duyên kiếp xưa khiến kiếp này Đức Phật Thích Ca có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Ở truyện tích này ta thấy Ngài Nguyệt Quang thời Phật Ca Diếp dùng gỗ quý trạm khắc vầng trăng đẹp đẽ tinh xảo cúng dường tháp Xá Lợi Phật. Quả báo Ngài sinh cõi trời ở đó ngàn vạn năm. Đến đời này thì sinh cõi người hiện quý tướng ở bụng có vầng trăng sáng.
Vậy Nhân Tướng học là gì? Bản chất Nhân Tướng học chính là Luật Nhân Quả. Thấy tướng là thấy quả báo. Nhưng đa phần các thầy tướng không hiểu Nhân Quả. Các vị chỉ theo sách cổ nói thế thì nói lại thôi. Còn người viết sách là dùng thống kê để hệ thống hóa Nhân Tướng tạo thành sách.
Vì Nhân tướng là Nhân quả nên ta thấy Kinh Phật luôn ca ngợi Đức Phật có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Kinh Phật đề cao Nhân Tướng học bởi nó chính là Nhân Quả. Còn ai không hiểu thì cho là mê tín.
Bàn về "Nhân tướng học" tôi thích Thượng Thừa Tướng Pháp của Ma Y Thần Tướng: Thanh - Thần - Hương - Sắc. Tức là thanh âm giọng nói, Thần thái phong cách, Hương thơm cơ thể, Sắc diện khuôn mặt. Thế cho nhẹ đầu vì mình không chuyên.
Bài học 2: Ba điều kiện để đắc đạo
Để tu đắc đạo thì cần có 3 điều: (1) Ý chí tu hành. (2) Phúc báu lớn. (3) Duyên có được Chánh pháp.
Ta xét ví dụ Đức Phật Thích Ca. Ngài là Thái Tử là vua tương lai của nước Thích Ca. Ngài được thần dân và vua cha yêu mến. Vậy Ngài có Phúc lớn. Ngài có ý chí tu hành mãnh liệt. Năm 29 tuổi Ngài từ bỏ ngai vàng, bỏ cung điện, bỏ vợ con mà xuất gia tu hành. Vậy điều kiện 1 và 2 của Ngài là đầy đủ.
Nhưng Ngài tu 6 năm khổ hạnh cực đoan "từ trước tới nay cho đến tương lai sẽ không ai có thể tu khổ hạnh được bằng Ngài". Thế mà Ngài chẳng chứng bởi đó không phải Chánh pháp. Còn khi tìm ra được Chánh pháp Ngài tu thiền 49 ngày là đắc đạo thành Phật.
Ta xét trường hợp Ngài Nguyệt Quang. Ngài có phúc lớn. Ngài được Phật dạy cách tu chuẩn Chánh pháp. Còn ý chí của Ngài là "Tu để có bùa phép". Ngài tu 7 ngày chứng A-la-hán. Quả vị A-la-hán chính là bùa phép mà Phật hứa tặng Ngài Nguyệt Quang.
Bài học 3: Mục tiêu tu hành đôi khi là mồi câu
Mục tiêu tu hành đôi khi chỉ là mồi câu, mồi nhử. Nếu có phúc lớn, có đường đi chuẩn chỉnh Chánh pháp. Rồi Phật nói rằng hãy đi con đường sẽ có được "Bùa phép". Ngài Nguyệt Quang nghe theo thì chứng A-la-hán. Tại đó Ngài hiểu ra "Đó là nơi không còn trở lại, nơi đó là Niết Bàn Bất Tử". Còn bùa phép A-la-hán thì vĩ đại gấp ngàn vạn lần bùa phép thường.
Ta còn nhớ Pháp Cú 13,14 Phật độ cho em Nan Đà. Nan Đà vô cùng thương nhớ cô vợ xinh đẹp chuẩn bị cưới thì Phật bắt đi tu. Đầu óc chàng chỉ có hình ảnh cô gái đẹp nên tu khốn khổ. Đến khi khổ quá thì Phật dắt em bay lên cõi trời chào hỏi Chư thiên và Tiên nữ.
Rồi khi bay về Tinh xá thì Phật hỏi em: "Em thấy Tiên nữ đẹp không?" Nan Đà đáp "Có ạ". Rồi Phật lại hỏi tiếp: "Bây giờ em thấy vợ chưa cưới của em thế nào?" Nan Đà đáp: "Em thấy cô đó như con khỉ". Phật nói: "Vậy em cố gắng tu ta sẽ bảo Thiên chủ Đế Thích cho em 7 cô tiên nữ cưới làm vợ". Nan Đà sướng quá mà chăm chỉ tu chứng A-la-hán. Chứng xong thì tâm chàng thanh tịnh chẳng thèm 7 cô tiên nữ nữa.
Vậy nên mục tiêu tu hành đôi khi chỉ là mồi nhử mà Phật biến hóa ra. Nếu có Phúc, có Chánh pháp và đi theo mồi nhử đó sẽ đắc đạo A-la-hán.
Bài học 4: Tôn kính Phật là Ý Nghiệp phải thể hiện bằng hành động là Thân Nghiệp
Tôn kính Phật mà ta để trong lòng không làm gì thì quả báo lành không tới. Hoặc ta làm mà điều sai lầm ác độc thì vẫn khổ. Ví dụ: "Hồi giáo cực đoan tôn kính Thánh Alla của họ. Họ nguyện mang bom tự sát ở ga tầu điện ngầm để dâng mạng sống của họ lên Thánh Alla". Rồi chết xong đọa địa ngục.
Còn ở đây người thợ rừng tôn kính Phật Ca Diếp. Ngài chọn gỗ đẹp nhất, hương thơm sang trọng nhất rồi tạc, đẽo, khắc thành Mặt trăng chi tiết tinh xảo. Sau đó chàng dâng lên tháp thờ Xá Lợi Phật. Ai đến lễ nhìn thấy Mặt trăng đó đều cảm thán và thêm Tôn kính Phật. Quả báo phúc lớn đến với ngài nhiều đời nhiều kiếp về sau.
Vậy nên Tôn kính Phật phải thể hiện bằng hành động mang đến ích lợi cho đời. Đặc biệt hành động đó lại giúp mọi người thêm Tôn kính Phật. Quả báo lành ở tương lai rất lớn.
Bài học 5: Tín ngưỡng thờ Thần
Ta thấy Bà-la-môn Nguyệt Quang được phong làm thần. Vị thần đó được mọi người đến lễ bái là để cầu tài, cầu lộc, cầu danh. Vậy mục đích của người mê tín thờ Thần là để xin Quả báo phúc. Đây được gọi là Mê tín bởi vì không đúng Nhân Quả. Chẳng làm thiện thì sao quả báo lành tới mà xin.
Còn đạo Phật thì dạy tu sửa tâm, sửa tính, tăng đạo đức, sửa hành vi và lời nói, diệt bỏ tham sân si... đó đều là gây tạo nhân lành. Theo Luật Nhân Quả thì Nhân lành được tạo ra thì Quả báo lành sẽ tới chẳng cần cầu. Còn nếu cầu thì sẽ hướng quả báo lành đi đúng hướng ta cần.
Nếu không cầu thì quả báo sẽ chạy lung tung vô tổ chức. Giống như tự dưng ta có 7 cô tiên nữ nguyện thề sống chết với ta. Ta "bỏ thì thương, vương thì tội". Đó là vì ta có phúc mà không cầu để hướng quả báo vào trí tuệ, thiền định nên nó trổ lung tung.
Ai tu theo đạo Phật hiểu Luật Nhân Quả thì không hề mê tín. Dù kẻ đó cũng cầu xin lễ lạy nhìn ngoài chẳng khác gì kẻ mê tín thờ Thần.
Bài học 6: Đoạn tận hữu ái
Theo đạo lý Duyên Khởi thì "Ái sinh thủ" - "Thủ sinh hữu" - "Hữu sinh sinh" - "Sinh sinh Lão Tử" tạo thành Luân hồi. Bởi tâm ta có "Ái" tức là yêu những món phúc báu làm ta sung sướng nên ta muốn nắm giữ gọi là "Thủ". Vì muốn nắm giữ nên ta muốn sở hữu gọi là "Hữu". Vì muốn sở hữu nên kiếp sau thân ta được sinh ra gọi là "Sinh". Vì có sinh nên có già chết "Lão Tử" tạo thành Luân hồi. Ai "Đoạn tận hữu ái" sẽ chất dứt Luân hồi sinh tử.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top