Pháp Cú 408: Truyện Tập khí kiếp xưa
"Nói lên lời ôn hòa
Lợi ích và chân thật
Không mất lòng một ai
Ta gọi Bà-la-môn."
(XXVI-Phẩm Bà-la-môn, Pháp Cú 408)
Tích Pháp Cú: Có Tỳ kheo tên là Pi-đi-na-va-sa. Ông tu lâu được lên hàng Trưởng lão. Thế nhưng khi ông nói chuyện với ai thì xưng hô lỗ mãng "đầu đường xó chợ". Theo tiếng Việt thì xưng hô kiểu như: "Mày, tao, con mụ này, thằng oắt kia, lũ khốn nọ, con đĩ, thằng mọi..." Còn tiếng Ấn Độ sẽ xưng hô kiểu khác nhưng tinh thần lỗ mãng là giống nhau.
Còn các Tỳ kheo khác thì xưng hộ: "Này hiền giả, tại hạ đây, tiểu bối này, này hiền huynh, thưa Tôn giả, này gia chủ..." nghe rất lễ độ và tôn trọng.
Tự dưng xuất hiện một ông "lạc loài" bỗ bã, bốp chát, thô lỗ, cộc cằn, lỗ mãng... nghe rất chối tỉ. Nhưng ông tu lâu nên người ta cũng nể. Nhưng càng ngày "bệnh tình" của ông càng nặng bởi "Già sinh tật như đất sinh cỏ". Cho đến lúc mọi người không thể chịu nổi. Thế là các Tỳ kheo mới lên mách Phật. Phật mới bảo Tỳ kheo rằng:
- Này Tỳ kheo, đừng giận và đừng để tâm. Pi-đi-na-va-sa có duyên tu hành và bản chất tâm không có ác ý. Nhưng 500 kiếp qua ông toàn sinh trong gia đình ăn nói lỗ mãng, thô tục kiểu đó nên tạo thành Tập khí.
Tuy vậy, Đức Phật cũng khuyên các Tỳ kheo nên nói chuyện cư xử với nhau đoàng hoàng bởi đó là Khẩu Nghiệp:
"Nói lên lời ôn hòa
Lợi ích và chân thật
Không mất lòng một ai
Ta gọi Bà-la-môn."
(XXVI-Phẩm Bà-la-môn, Pháp Cú 408)
Bài học kinh nghiệm
Bài học 1: Tập khí đời này sang đời khác
Tích Pháp Cú 251 có chuyện rằng: Một lần Ngài A-nan nghe Phật giảng pháp thì thấy có 5 người ngồi dưới nghe pháp mà mỗi người 1 vẻ kỳ lạ: 1 người thì ngủ. 1 người lấy tay đào đất thành cái lỗ. 1 người ngồi gần cây cứ lấy tay lay lay cành cây. 1 người thì cứ ngắm nhìn bầu trời. Còn 1 người chăm chú lắng nghe. Ngài mới thấy lạ nên sau buổi thuyết pháp thì hỏi Phật. Phật nói rằng:
"5 kẻ đó bị Tập khí kiếp xưa đeo bám. Kẻ nghe pháp ngủ thì kiếp xưa là con trăn. Kẻ nghe pháp mà cứ lấy tay đào lỗ thì kiếp xưa là con chồn. Kẻ nghe pháp mà cứ lấy tay lay lay cành cây thì kiếp xưa là con khỉ. Kẻ nghe pháp mà cứ nhìn lên bầu trời thì kiếp xưa là nhà chiêm tinh. Kẻ nghe pháp chăm chú thì kiếp xưa là vị Bà-la-môn".
Ta mới thấy Tập khí nhiều đời bám dính vào thân tâm ta rất khó thay đổi. Đến đời này sinh làm người mà vẫn mang theo thói quen bản chất của loài vật kiếp xưa.
Trong đó có Tập khí chăm chú lắng nghe pháp của vị Bà-la-môn là tập khí tốt. Bởi kiếp xưa vị đó đã từng tư duy pháp trong kinh Vệ Đà. Nay gặp Đức Phật giảng pháp thì chăm chú lắng nghe và tư duy Pháp. Vị đó rất dễ đắc đạo nếu đủ phúc. Bởi duyên Chánh pháp Đức Phật đã có, tâm yêu thích Pháp cũng đã có. Nếu vị đó có đủ phúc thì ắt đắc đạo. Vậy nên Tập khí có tốt, có xấu ta nên nhớ điều này.
Còn ông Tỳ kheo Pi-đi-na-va-sa này 500 kiếp toàn sinh vào gia đình ăn nói bỗ bã. Đời này bị Tập khí đó chi phối. Nên ở trong chúng hội thánh tăng có Đức Phật mà vẫn cứ lỗ mãng. Và sự thật rằng Đức Phật bó tay với ông trừ khi ông ta chứng A-la-hán.
Bài học 2: Sở thích, Đam mê, Năng khiếu chính là Tập khí kiếp xưa
Thế giới có những vị Thần đồng. Ví dụ: Mozart (1756-1791) nhà soạn nhạc người Áo có ảnh hưởng nhất trong nền âm nhạc cổ điển Châu Âu. Ngài sinh ra trong gia đình có cha là nhạc công cho dàn nhạc Công giáo. Mozart năm 3 tuổi khi cha dạy chị chơi đàn thì cậu ngồi nhìn. 4 tuổi thì cậu chơi đàn dương cầm không chút lỗi. 5 tuổi cậu sáng tác bản nhạc đầu tiên.
Thế giới không thể giải thích nổi vì sao lại có Thần đồng vĩ đại vậy? Họ cho rằng môi trường từ trong bụng mẹ, rồi sinh ra cha làm nhạc công. Thế nhưng có hàng triệu trẻ em có môi trường như vậy, cha làm nhạc công như vậy trong ngàn năm qua sao không có Thần đồng như thế?
Sự thật rằng Mozart là người mang theo Tập khí kiếp xưa đam mê âm nhạc. Nay sinh vào gia đình có môi trường như thế thì Tập khí đó phát khởi tạo thành Thần đồng âm nhạc. Thiếu 1 trong 2 yếu tố: Tập khí và Môi trường thì đều không có Mozart.
Vậy nên Thần đồng trong bất cứ bộ môn nào đều do Tập khí kiếp xưa. Dù đó là bóng đá, thể thao, nghệ thuật, kinh doanh, võ thuật... đều vậy. Bởi 5 tuổi thì không thể đủ trình độ, kiến thức mà sáng tạo được một bản nhạc của nền âm nhạc cổ điển Châu Âu.
Tập khí bộc lộ rõ nét nhất là ở thời thơ ấu. Khi lớn lên thì môi trường giáo dục rèn luyện, thầy cô dạy bảo, xã hội uốn nắn thì những Tập khí yếu có thể biến mất. Thay vào đó là những thói theo do giáo dục, rèn luyện, học tập, môi trường hiện đời tạo thành sở thích, thói quen, tính cách mới.
Còn những Tập khí sâu bền như 500 kiếp sống trong gia đình ăn nói thô lỗ thì Phật cũng bó tay. Thế nên Phật mới khuyên Tỳ kheo: "Này Tỳ kheo, thôi chịu khó nghe đi bởi Như Lai đã bó tay".
Bài học 3: Tập khí xấu (Kiết sử) đưa ta đọa cõi dữ
Như ta đã biết thì Tập khí có tốt có xấu. Ví dụ Tập khí của Mozart thích âm nhạc là Tập khí tốt. Còn Tập khí nói năng lỗ mãng như Tỳ kheo Pi-đi-na-va-sa là Khẩu Nghiệp Dữ nên xấu.
Còn tập khí thích lay cành cây như con khỉ, lấy tay đào lỗ như con chồn, ngủ như con trăn thì là ngu si của loài súc vật. Còn tập khí thích thú chăm chú nghe pháp của vị kiếp xưa là Bà-la-môn thì tốt.
Phật có liệt kê 10 Tập khí xấu gọi là Thập Kiết Sử sẽ kéo chúng sinh vào ác đạo mà ta cần chú ý.
Tỳ kheo tu hành là diệt 10 Kiết sử: Ai diệt được 3 Kiết sử đầu thì chứng Sơ quả Dự Lưu. Ai diệt thêm 3 Kiết sử tiếp thì chứng Nhị quả Nhất Lai. Ai diệt toàn bộ 5 Hạ phần Kiết sử cuối thì chứng A-la-hán. Và trong Kinh Nikaya không có Tam quả Bất Lai.
Thập Kiết Sử đó là: 1- Thân kiến (tham lam ích kỷ), 2- Giới cấm thủ (bảo thủ cố chấp), 3- Nghi (Nghi ngờ Chánh pháp đúng sai), 4- Tham ái dục (Tham tình dục), 5- Sân hận (căm thù tức giận), 6- Trạo cử hối tiếc (Ngồi thiền bị loạn tâm), 7- Kiêu mạn (kiêu căng ngạo mạn), 8- Tham sắc ái (tham và yêu cõi trời Sắc giới), 9- Tham vô sắc ái (tham và yêu cõi định Vô sắc giới). 10- Vô minh (Không có Tam Minh: Thiên nhãn minh, Túc mạng minh, Lậu tận minh).
Bài học 4: Nói ôn hòa, lợi ích, chân thật, không mất lòng ai
Khẩu nghiệp thì quả báo rất nặng. Nhưng Tỳ kheo Pi-đi-na-va-sa nói lỗ mãng mà tâm không ác nên quả báo cũng nhẹ. Đức Phật khuyên rằng: "Lời nói thì nên ôn hòa, nhã nhặn, chân thật, mang lại lợi ích, không mất lòng ai. Đừng nói năng lỗ mãng, cộc cằn, bỉ ổi, lừa đảo, dối trá, xàm bậy, nhảm nhí, gây mất lòng người nghe". Phật gọi đó là Ái Ngữ. Ái Ngữ ắt sẽ được người khác cảm mến dù chẳng tốn xu nào.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top