Pháp Cú 406: Truyện 4 chú Sa-di A-la-hán

"Thân thiện giữa thù địch

Ôn hòa giữa hung hăng

Thanh tịnh giữa nhiễm ô

Ta gọi Bà-la-môn."

(XXVI-Phẩm Bà-la-môn, Pháp Cú 406)

Tích Pháp Cú: Có vợ chồng nọ thì ông chồng rất nghe lời vợ. Hôm đó vợ nói với chồng rằng:

- Mai tôi sẽ nấu món ngon để cúng dường Chư tăng. Nhưng tôi chỉ đủ sức làm đồ ăn cho 4 vị. Vậy mai ông đến Tinh xá thỉnh 4 vị Thánh tăng về đây.

Ông chồng đồng ý đến thỉnh. Ngài Xá Lợi Phất nhận lời. Sáng hôm sau Ngài sai 4 chú Sa-di nhỏ đến nhà vợ chồng đó. Vợ chồng đó để 4 chú đó ngồi ở hiên đợi rất lâu. Rồi vợ mới hỏi chồng:

- 4 vị Thánh tăng đâu sao không thấy tới? Ông đến mời lại xem?

Ông chồng đến mời lại thì Ngài Xá Lợi Phất đến thấy 4 chú Sa-di ngồi đó thì hỏi:

- Này gia chủ, 4 vị này ăn chưa?

- Thưa Tôn giả, 4 vị này chưa ăn.

Thế là Ngài Xá Lợi Phất ôm bát đi mà không ăn. Lúc sau có mấy vị Thánh tăng khác đến cũng hỏi 4 vị Sa-di này ăn chưa? Vợ chồng nói rằng chưa ăn thì các Thánh tăng đó lại bỏ đi.

Vợ chồng đó mới ngạc nhiên vì Tôn giả Xá Lợi Phất và các vị Thánh tăng đó thấy 4 chú Sa-di không ăn thì đều không ăn. Họ không biết là vì sao?

Lúc sau thì 4 chú Sa-di đó nói với nhau rằng: "Thôi bây giờ đã quá giờ rồi nên không ăn nữa". Thế là 4 vị đó cất mình lên hư không bay trở về Tinh xá. Vợ chồng khi đó mới té ngửa rằng 4 vị đó là 4 vị A-la-hán. Rồi họ ân hận. Không biết về sau vợ chồng đó thế nào vì chuyện không nhắc tới.

Về sau các Tỳ kheo chưa chứng đạo mới tò mò hỏi 4 vị Sa-di A-la-hán đó: "Khi bị bỏ đói ngồi ở hiên thì các vị có giận không?" Các vị đó nói rằng: "Không hề giận". Các Tỳ kheo đó ngạc nhiên vì "Suy bụng ta ra bụng người". Nếu là Tỳ kheo được mời đến ăn lại không cho ăn. Rồi bắt ngồi ở hiên nhịn đói thì họ sẽ giận lắm lắm.

Rồi các Tỳ kheo mới mang chuyện đó hỏi Phật. Đức Phật mới đọc bài kệ để khen 4 vị Sa-di A-la-hán:

"Thân thiện giữa thù địch

Ôn hòa giữa hung hăng

Thanh tịnh giữa nhiễm ô

Ta gọi Bà-la-môn."

(XXVI-Phẩm Bà-la-môn, Pháp Cú 406)

Bài học kinh nghiệm

Bài học 1: Tác dụng của thần thông

Ta thấy vợ chồng mời 4 vị Thánh tăng đến để cúng dường mà lại thấy Ngài Xá Lợi Phất cho 4 chú Sa-di đến. Vợ chồng cố ý chờ 4 vị Thánh tăng đến thì vào ăn cùng chứ chẳng có cố ý bắt 4 chú Sa-di nhịn đói. Nhưng chờ mãi chẳng thấy 4 Thánh tăng đâu. 4 chú Sa-di đó thấy quá giờ ăn rồi thì dùng thần thông bay về Tinh xá.

Vợ chồng khi đó với té ngửa ra rằng 4 chú Sa-di đó là 4 vị Thánh tăng. Vậy nên để biết đâu là thánh, đâu là phàm thì có 2 cách:

Cách thứ 1: Dùng thiền ngữ, đạo lý thâm sâu, thuyết pháp trí tuệ, triết học để chứng minh đã chứng Thánh... Nhưng nếu trí tuệ ta kém thì ta không hiểu, không thấy hay, không thấy vĩ đại. Muốn biết các pháp đó hay ho, vĩ đại thì ta phải có trí tuệ cao hơn vị đó. Muốn hiểu Thiền ngữ hay thì ta phải chứng thiền cao hơn vị đó. Nên cách này khó dùng.

Cách thứ 2: dùng Thần Thông. "Thần thông là sự chứng minh chân thật nhất về mức độ chứng đạo". Thể hiện thần thông thì kẻ phàm phu cũng thấy được sự vĩ đại. Thế nên thần thông khuất phục kẻ phàm phu cứng đầu là dễ nhất. Còn trí tuệ chỉ dùng để khuất phục người có trí tuệ và yêu mến đạo lý.

Thế nên Đức Phật mới có 2 vị Thượng thủ tăng đoàn là Ngài Xá Lợi Phất trí tuệ đệ nhất và Ngài Mục Kiền Liên thần thông đệ nhất. Khi gặp kẻ cứng đầu khó bảo thì Ngài Mục Kiền Liên hiện thần thông khiến kẻ đó tâm phục khẩu phục. Khi tâm đã mềm ra rồi, chịu lắng nghe đạo lý rồi thì Ngài mới nói đạo khiến kẻ đó giác ngộ. Còn tâm đã ương bướng bảo thủ thì nói đạo như "nước đổ lá khoai".

Còn gặp kẻ có tâm cầu đạo, muốn tìm đạo thì Ngài Xá Lợi Phất đến nói đạo là vị đó hiểu ra mà giác ngộ. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của 2 vị đã hóa độ được nhiều người quy y đạo Phật.

Bài học 2: Người đời thường chấp tuổi tác

Chấp tuổi nặng nề nhất chính là Việt Nam ta. Cụ thể là các cấp bậc xưng hô: "anh, chị, em, cô, dì, chú, bác, cậu, mợ, thím, dượng, ông, bà, cụ, kị, cố..." Mỗi cách xưng hô lại thiết lập cấp bậc về vai vế tuổi tác. Còn tiếng Anh chỉ có 3 ngôi: "I, you, he she they".

Ở Anh dù con nít nói chuyện với ông già thì vẫn là "I, You". Còn Việt Nam ta thấy kém tuổi thì gọi là em, hơn tuổi thì gọi là anh chị, hơn nữa thì là cô chú, già hơn bố mẹ mình thì là bác, già nữa thì là ông, rồi cụ. Mỗi mức độ tuổi sẽ có cách xưng hô phù hợp.

Trong đạo Phật thì cũng chấp tuổi đạo khi chưa biết người đối diện chứng cao hay thấp. Thời nay thì mặc định là không ai chứng thánh. Nên trong đạo Phật căn cứ duy nhất vào tuổi đạo (tuổi hạ nạp) để thể hiện tôn kính mà thôi.

Và Pháp Cú này thì có 4 chú Sa-di nhỏ tuổi đều chứng A-la-hán. Đó là bài học cho ta. Có thể ông già rất già mà đạo đức không có. Có thể đứa trẻ con lại có đạo đức của một vị thánh. Nếu ta chấp ngặt vào tuổi mà ta khinh thường đứa trẻ có đạo đức rồi tôn kính ông già nhiều tật thì là sai.

Nên khi mới gặp mặt chưa biết đạo đức thế nào thì ta theo tuổi mà thể hiện lòng kính trọng. Nhưng khi đã biết tâm tính, đạo đức của người thì ta nên theo đạo đức mà thể hiện sự kính trọng. Đó mới là đúng pháp.

Bài học 3: Vì sao Ngài Xá Lợi Phất lại cho 4 chú Sa-di A-la-hán tới?

Chuyện không kể đoạn sau. Nhưng tôi nghĩ vợ chồng đó có duyên với đạo Phật. Vậy nên Ngài Xá Lợi Phất muốn đẩy họ đến tâm lý hối hận vì đã khinh thường 4 vị Thánh tăng Sa-di đó. Sau đó Ngài dẫn họ đến chứng đạo bằng 1 bài pháp, 1 câu kệ gì đó. Đấy là cách thức mà Phật hay dùng. Nhưng đoạn sau đó chuyện lại không kể.

Bài học 4: Được mời rồi bị bỏ đói mà không giận

"Thân thiện giữa thù địch

Ôn hòa giữa hung hăng

Thanh tịnh giữa nhiễm ô

Ta gọi Bà-la-môn."

Đức Phật nói bài kệ này ý rằng: "Tâm một vị A-la-hán thì luôn thân thiện, ôn hòa, thanh tịnh. Còn tâm kẻ phàm phu thì luôn thù địch, hung hăng, nhiễm ô".

Ta thấy, 4 vị Sa-di A-la-hán đó dù bị bỏ đói, bị bắt ngồi ở ngoài hiên dù chú được mời đến dự tiệc. Vậy mà tâm 4 vị vẫn thân thiện, ôn hòa, không thù ghét, không hung hăng. Tâm chú vẫn giữ thanh tịnh mà không khởi tâm nhiễm ô, ác độc.

Còn kẻ phàm phu ở đây là Phật nhắc các Tỳ kheo. Trong hoàn cảnh đó thì các vị đó sẽ sân hận, thù hận, ăm thù, tức tối với tâm lý ác độc.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #lvt