Pháp cú 51, 52: Truyện 2 vợ của vua Ba Tư Nặc
"Như bông hoa tươi đẹp
Có sắc mà không hương
Cũng vậy lời khéo nói
Không làm, không ích gì"
(IV-Phẩm Hoa, Pháp Cú 51)
"Như bông hoa tươi đẹp
Có sắc lại có hương
Cũng vậy lời khéo nói
Có làm, có an vui"
(IV-Phẩm Hoa, Pháp Cú 52)
Tích Pháp Cú: Một lần vua Ba Tư Nặc mời Phật vào cung giảng pháp cho hoàng hậu và cung nữ. Vua có 2 bà vợ là hoàng hậu Mạc Lợi (Ma-li-ca) và vương phi Va-sa-ba-ca-ti-a (mẹ của vua Lưu Ly). Phật đến giảng lần đầu sau Phật giao cho Ngài A-Nan giảng.
Ngài A-Nan có đặc điểm là chưa đắc A-la-hán nhưng lại là Đại đệ tử đa văn đệ nhất của Phật. Ngài thuyết pháp chân lý rõ ràng, thậm chí có người nghe pháp của Ngài thì chứng đạo mà Ngài vẫn không chứng. Mãi đến khi Phật nhập Niết Bàn 7 ngày sau đó Ngài mới đắc A-la-hán. Đó là điều bí mật quan trọng, vĩ đại và thú vị. Ta sẽ bàn ở phần bài học.
Khi Ngài A-Nan vào cung giảng thì hoàng hậu và vương phi có 2 thái độ khác nhau. Hoàng hậu Mạc Lợi siêng năng học và hiểu sâu đạo lý. Bà ứng dụng được các đạo lý đó vào đời sống. Bà thường khuyên vua cũng như khuyên cung nữ làm lành tích thiện tạo phúc. Dần dần nhờ hoàng hậu Mạc Lợi khuyên mà vua Ba Tư Nặc thay đổi tâm tính, thương dân như con. Ngài lãnh đạo đất nước được thái bình.
Còn vương phi Va-sa-ba-ca-ti-a không mến đạo, không thích học, vì vua bắt học thì cũng tham dự. Bà học và trình bày đạo lý theo sách vở mà không hiểu sâu, không ứng dụng tu tâm. Chính vì vương phi không hiểu đạo lý nên hoàng tử Lưu Ly ôm mối hận căm thù dòng họ Thích Ca mà bà không khuyên. Kết quả là thảm kịch dòng họ Thích Ca bị diệt vong và toàn bộ quân đội và cả vua Lưu Ly bị lũ cuốn chết.
Khi về Tinh xá Ngài A-Nan kể lại cho Phật về truyện vương phi và hoàng hậu có 2 cách tiếp nhận chánh pháp như vậy. Đức Phật bèn đọc bài kệ:
"Như bông hoa tươi đẹp
Có sắc mà không hương
Cũng vậy lời khéo nói
Không làm, không ích gì"
(IV-Phẩm Hoa, Pháp Cú 51)
"Như bông hoa tươi đẹp
Có sắc lại có hương
Cũng vậy lời khéo nói
Có làm, có an vui"
(IV-Phẩm Hoa, Pháp Cú 52)
Nhân duyên khiến vua Ba Tư Nặc thỉnh Phật vào hoàng cung giảng pháp là do một cư sỹ khuyên Ngài. Vị đó tên là Sa-ta-pa-li chứng Nhị quả nhất lai.
Lần đó, ông ngồi hầu Phật thì vua Ba Tư Nặc đến thăm Phật. Do Sa-ta-pa-li đang hầu Phật nên không chào vua theo nghi thức triều đình. Vua Ba Tư Nặc khá bực mình. Khi đó Phật biết rõ vì sao Sa-ta-pa-li không chào vua theo nghi thức và Phật cũng biết vua Ba Tư Nặc bực mình. Sau khi vua Ba Tư Nặc an tọa thì Phật giới thiệu Sa-ta-pa-li và Phật khen vị cư sỹ đó để vua giảm tức giận. Vua thấy Đức Phật khen người đó thì tâm có chút vị nể nên không giận nữa.
Lần khác Sa-ta-pa-li có dịp gặp vua Ba Tư Nặc thì ông bỏ mũ, bỏ giày, quỳ lạy đầu chạm đất và tung hô chào vua đúng nghi thức. Vua Ba Tư Nặc mới hỏi:
- Này ngươi, vì sao lần trước ngươi thấy ta tại nơi Thế Tôn thì ngươi chỉ cúi đầu chào còn lần này thì ngươi quỳ lạy?
- Thưa đại vương, trước mặt Thế Tôn bậc đại thánh giác ngộ, thầy của trời người, tôi đã dành trọn lòng tôn kính lên Đức Thế Tôn nên không thể dành tiếp sự cung kính đó cho bất kỳ ai. Nay ở đây gặp đại vương thì tôi phải hành đúng theo nghi thức của một dân thường dành cho vua đáng kính của họ.
Sau đó, vua hỏi Sa-ta-pa-li về đạo lý vì vua nghe Phật khen ngợi ông ta. Sa-ta-pa-li trả lời rõ ràng, khúc triết, minh bạch khiến vua thỏa mãn. Vua bèn mời Sa-ta-pa-li vào giảng đạo lý cho vương phi và hoàng hậu. Sa-ta-pa-li bèn đáp:
- Thưa đại vương, hiện thành Xá Vệ của ta đang có diễm phúc là có Đức Thế Tôn và tăng đoàn đang ngự tại Tinh xá Kỳ Viên vườn ông Cấp Cô Độc. Tôi nếu so với các thánh tăng A-la-hán giống như giọt nước so với đại dương. Đây là một cơ duyên vĩ đại vậy Đại vương nên mời Thế Tôn và các vị A-la-hán đến giảng pháp trong cung sẽ có nhiều lợi ích.
Vua Ba Tư Nặc hiểu ra vấn đề. Vua theo lời khuyên của Sa-ta-pa-li mời Phật và các Tỳ kheo vào cung giảng pháp cho hoàng hậu, vương phi và cung nữ. Thật tiếc vì vua Ba Tư Nặc lại không tham dự nghe Đức Phật thuyết pháp. Với phúc vĩ đại của vua mà nghe Chánh pháp của Phật thì dễ đắc thánh quả.
Bài học kinh nghiệm:
Bài học 1: Lý thuyết và thực hành
Kệ Pháp cú Phật ví người chỉ học lý thuyết mà không thực hành như bông hoa có sắc mà không hương, chẳng lợi ích gì. Còn người có học lý thuyết và có thực hành như bông hoa có sắc và có hương, được nhiều an vui. Điều đó rất đúng.
Vậy nên, trong Bát Chánh Đạo mà Phật dạy thì đầu tiên là học lý thuyết về những điều thiện, gọi là Chánh kiến. Sau đó Phật dạy chúng ta phải tư duy, suy luận, phản biện, chiêm nghiệm lý thuyết đó trong đời sống, gọi là Chánh tư duy. Sau khi học Chánh kiến và Chánh tư duy ta phải bắt tay vào thực hành bằng lời nói thiện lành, gọi là Chánh ngữ. Và ta phải hành động thiện, gọi là Chánh nghiệp.
Vậy nên chỉ dừng lại ở lý thuyết mà không tư duy, không nói lời thiện, làm việc thiện thì ta như bông hoa nhựa. Còn hương thơm của bông hoa là cái hồn, cái thần hay cái lợi ích thiết thực thì ta không có.
Bài học 2: Đức A-Nan tu 42 năm không đắc đạo
Tôn giả A-Nan tu 7 ngày đắc Sơ quả Dự Lưu. Thế nhưng sau đó Ngài tu tiếp 42 năm đến khi Phật nhập diệt mà không thể đắc A-la-hán. Sao lạ vậy?
Đức A-Nan quy Y Phật cùng Đề-bà-đạt-đa và 4 vị hoàng thân 3 năm sau khi Phật thành đạo. Tích Pháp cú 17 ta đã nghe rồi. Sau 7 ngày thì 4 vị hoàng thân đắc A-la-hán, Tôn giả A-Nan đắc Sơ quả, còn Đề Bà không đắc đạo mà lại đắc thần thông.
Vậy Tôn giả A-Nan tu 42 năm không đắc đạo là vì sao? Kinh Tứ Niệm Xứ thuộc Trung Bộ Kinh là kinh đầy đủ nhất Phật dạy về Thiền. Cuối kinh đó Phật ấn chứng: "Ai tu theo kinh này nghiêm mật thì sẽ đắc đạo A-la-hán nhanh nhất trong 7 ngày". Tôn giả Maha Ca Diếp tu đúng 7 ngày đắc A-la-hán. Thế nên Tôn giả có danh vị "Phạm hạnh đệ nhất" tức đệ tử đắc chứng A-la-hán nhanh nhất.
Nhưng đức A-Nan làm thị giả cho Phật chiếm hết toàn bộ thời gian. Ngài phải lo cho Phật chỗ ngủ, nghỉ, giảng pháp, rồi thu xếp lịch cho Phật tử ai được gặp Phật, rồi thu xếp hội chúng nghe pháp, còn phải học thuộc lòng 8 vạn 4 ngàn kinh Phật... Vậy nên Ngài không có đủ 7 ngày không làm gì chỉ ngồi thiền nghiêm mật. Thế nên Ngài không thể đắc A-la-hán.
Đúng như tôi suy đoán. Sau khi Phật nhập Niết Bàn thì Tôn giả A-Nan đã có đủ 7 ngày thiền định nghiêm mật. Ngài đắc đạo đúng vào sáng ngày thứ 7 sau khi Phật nhập Niết Bàn cũng là sáng khai mạc kỳ Kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ nhất. Chúng hội viên mãn 500 vị A-la-hán. Trong đó có vị chủ trì đọc tụng Kinh Phật là một A-la-hán tuổi đắc đạo trẻ nhất. Ngài mới đắc A-la-hán vài phút trước đó.
Xin bàn thêm một chút về Đức A-Nan (605 TCN - 485 TCN). Ngài sống thọ 11*11=121 tuổi (cả tuổi mụ). Khi Ngài chuẩn bị viên tịch thì 2 đại quốc Ma Kiệt Đà và Ko-sa-la đều muốn thỉnh Ngài nhập diệt ở nước họ để có Ngọc Xá Lợi thờ tự. Ngài đã chọn cách viên mãn vẹn toàn cho cả 2. Ngài dùng thần thông bay lên giữa hư không giữa sông Hằng rồi dùng lửa Tam Muội tự thiêu hóa thân thành Ngọc Xá Lợi chia đều sang 2 bờ sông cho 2 nước.
Về sau Kinh Pháp Hoa thọ ký các đại đệ tử Phật tương lai đều thành Phật thọ 12 tiểu kiếp, Chánh pháp trụ thế 20 tiểu kiếp. Chỉ riêng Đức A-Nan thành Phật thì Kinh Pháp Hoa nói rằng:
"Đức Phật Phật hiệu là Sơn-Hải-Tuệ Tự-Tại Thông-Vương Như-Lai đó thọ mạng vô lượng nghìn muôn ức vô lượng a-tăng-kỳ kiếp tính đếm số kể chẳng có thể biết được, chánh pháp trụ đời gấp bội thọ mạng, tượng pháp lại gấp bội chánh pháp."
Thế mới hay công đức gìn giữ Chánh Pháp của Tôn giả A-nan phúc báu vĩ đại biết chừng nào.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top