Pháp cú 36: Truyện Công tử tu 1 điều duy nhất

"Tâm sâu sa khó thấy

Theo các dục quay cuồng

Người trí phòng hộ tâm

Nên được nhiều an lạc."

(III-Phẩm Tâm, Pháp Cú 36)

Tích Pháp Cú: Sa-va-ti (thành Xá Vệ) là kinh đô nước Ko-sa-la. Nước Ko-sa-la là một đại quốc phía tây tiểu quốc Thích Ca. Khi Đức Phật đản sinh thì ở Ko-sa-la vua Ba Tư Nặc ra đời. Khi Thái Tử Tất Đạt Đa 29 tuổi, Ngài từ bỏ cung điện đi xuất gia thì vua Ba Tư Nặc lên ngôi. Sau đó vua Ba Tư Nặc quy y Phật và hộ trì Chánh pháp Đức Phật mạnh mẽ.

Trong thời Đức Phật thì Phật đã giáo hóa được 2 đại quốc là Ko-sa-la của vua Ba Tư Nặc và Ma Kiệt Đà của vua Bình Sa. Cũng vì 2 đại quốc hùng mạnh nhất tiểu lục địa Ấn Độ quy y Đức Phật nên gần như toàn bộ các tiểu quốc lân bang đều học theo để lấy lòng Đại Quốc.

Ở kinh đô Xá Vệ nước Ko-sa-la, Phật có "Tinh xá Kỳ Viên vườn ông Cấp Cô Độc". Tinh xá có tên rất dài vì truyện tích ông Cấp Cô Độc mua vườn của Thái tử Kỳ Đà bằng số tiền vàng phủ kín đất vườn. Chỉ còn một mảnh nhỏ thấy ông trầm tư Thái Tử tưởng ông hết tiền bèn hỏi. Ông trả lời: "Còn mảnh nhỏ tôi đang tính chuyển vàng từ kho nào đến cho gần". Thái Tử nghe vậy bèn xin cúng dường Đức Phật diện tích mảnh nhỏ đó. Thế là Tinh xá có tên ghép của 2 vị là "Tinh xá Kỳ Viên vườn ông Cấp Cô Độc".

Ở kinh đô Vương Xá nước Ma Kiệt Đà, Phật được vua Bình Sa cúng dường vườn trúc lâm để xây làm Tinh xá Trúc Lâm. Ta đã nghe ở Tích Pháp Cú 11, 12.

Thành Xá Vệ có Công tử tên là A-lu-cu-ba con quan trưởng quốc khố nước Ko-sa-la. Công tử có duyên với một vị Trưởng lão đắc đạo. Một lần Ngài đến hỏi Trưởng lão:

- Xin Trưởng lão hãy chỉ dạy cho con cách thức tu hành cần bắt đầu từ đâu?

- Đầu tiên con cần tu hạnh bố thí để tăng phúc. Con nên chia tài sản làm nhiều phần: phần bố thí cho người nghèo, phần cúng dường tam bảo, phần làm điều lợi ích cho người. Phần tài sản con sử dụng để nuôi gia đình bản thân và làm vốn.

Công tử vâng lời Trưởng lão. Sau một vài năm thực hành hạnh bố thí một cách thuần thục viên mãn. Công tử đến thăm hỏi Trưởng lão:

- Thưa Trưởng lão, con đã thực hành hạnh bố thí theo lời người dạy của người một cách thuần thục viên mãn. Nay con xin hỏi bước tiếp theo sẽ phải làm gì để tu hành được thăng tiến?

- Con hãy Quy Y Tam Bảo và thực hành Ngũ Giới Cư sỹ.

- Vâng thưa Trưởng lão. Xin Trưởng lão hãy Quy Y cho con và con nguyện thực hành đầy đủ Giới hạnh Cư sỹ.

Rồi chàng thực hành đầy đủ Tam Quy Ngũ Giới là: Quy Y Phật, Quy Y Pháp, Quy Y Tăng, không sát sinh, không rượu và chất kích thích, không tà dâm, không ác ngữ, không trộm cướp.

Lần trước Công tử có tài sản lớn nên thực hành bố thí cảm thấy dễ dàng. Nay Công tử thực hành Ngũ Giới: không được uống rượu tiệc tùng với bạn bè, phải chung thủy một vợ một chồng, không được có 5 thê 10 thiếp, phải làm ăn chân thật không nói dối, lừa đảo. Ngài thấy khó khăn vất vả hơn.

Rồi khó khăn đó cũng qua đi. Sau vài năm việc thực hành Ngũ Giới và Bố Thí đều thuần thục viên mãn. Công tử lại đến gặp Trưởng lão và hỏi:

- Thưa Trưởng lão, nay con đã thực hành Bố thí được viên mãn. Con cũng đã Quy Y Tam Bảo và thực hành Ngũ Giới được viên mãn. Xin Trưởng lão cho con lời khuyên con nên làm gì tiếp theo để công đức được tăng trưởng?

- Con hãy xuất gia.

- Thưa Trưởng lão con xin vâng lời người.

Công tử lập tức về nhà thu xếp công việc, gia tài, phân chia tài sản thừa kế. Rồi chàng từ giã gia đình vợ con đi xuất gia với Trưởng lão.

Trưởng lão gửi đệ tử cho 2 vị Giáo thọ và Luật nghi. Vị Giáo thọ thì dạy các giáo lý: Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Tứ chánh cần, Ngũ căn, Ngũ lực, Thập nhị nhân duyên và mênh mông các giáo lý khác... Vị Luật nghi thì dạy giới luật Tỳ kheo 250 giới và giám sát vị Tỳ kheo trẻ nghiêm mật chặt cứng.

Tỳ kheo trẻ bắt đầu thoái trí. Trước kia Chàng là công tử con quan Trưởng khố gia tài nhiều nên Bố thí đơn giản. Rồi chàng giữ Ngũ Giới không tiệc tùng, không thê thiếp, không nói dối, không trộm cướp, không sát sinh... tuy có khó khăn nhưng rồi cũng có thể vượt qua. Vậy mà đến khi xuất gia làm Tỳ kheo thì lại cảm thấy quá khổ không thể chịu nổi.

Vị Tỳ kheo trẻ đến gặp Trưởng lão và xin hoàn tục. Trưởng lão bèn dẫn đệ tử đến gặp Phật ở Tinh xá Kỳ viên vườn ông Cấp Cô Độc. Phật hỏi:

- Này Tỳ kheo vì sao con muốn hoàn tục?

- Bạch Thế Tôn, trước khi xuất gia thì con ở gia đình. Con thực hành bố thí thấy dễ dàng và hạnh phúc. Sau đó con thực thành Tam Quy Ngũ Giới cũng thấy an lạc hạnh phúc. Nhưng sau khi xuất gia thì con học giáo lý thấy mênh mông như biển khiến con hoang mang. Con học thực hành giới luật thì thấy nó bó cứng ngắc hễ động chân động tay là phạm giới. Con không cảm thấy chút an lạc.

- Vậy nay ta dạy cho con chỉ một điều duy nhất thì con có ở lại không?

- Bạch Thế Tôn, nếu chỉ có một điều duy nhất thì con sẽ chuyên tâm tu hành.

- Vậy con hãy giữ tâm của con nghiêm mật.

Và Phật đọc bài kệ:

"Tâm sâu sa khó thấy

Theo các dục quay cuồng

Người trí phòng hộ tâm

Nên được nhiều an lạc."

(III-Phẩm Tâm, Pháp Cú 36)

Và câu chuyện kết thúc tại đây. Ta không thấy được đoạn sau kể tiếp về Tỳ kheo Công tử đó tu hành đắc đạo hay không. Vì sao vậy? Các bạn đoán nhé?

Bài học kinh nghiệm:

Bài học 1: Tâm luôn theo các dục quay cuồng

Bài Pháp Cú rất đơn giản dễ hiểu. Phật dạy tâm của chúng ta khuất kín khó thấy. Tâm đó theo các dục vọng tham sân si quay cuồng loạn động và bất an. Người trí tu hành phòng hộ tâm, đề phòng từng ý niệm sai lầm. Chỉ cần tu phòng hộ tâm như vậy sẽ đắc đạo và được hưởng niềm an lạc hạnh phúc của thánh vị. Và đây là lời khẳng định thay cho kết luận: "Người trí phòng hộ tâm nên được nhiều an lạc".

Ta thấy, tỳ kheo công tử đó có phúc lớn được giàu có, làm con quan trưởng khố. Vị đó tu giữ tâm không dục vọng tham, sân, si đúng Chánh pháp Phật dạy. Vậy chắc chắn 100% vị đó sẽ đắc đạo. Nên cuối truyện ta không thấy nói Tỳ kheo công tử đó có đắc đạo hay không. Vì nói ra sẽ là thừa do Phật đã khẳng định ở câu cuối Kệ Pháp Cú rồi.

Bài học 2: Bàn về Bố thí

Bố thí là con đường đầu tiên để kết duyên lành với chúng sinh trong Tứ Nhiếp Pháp của Bồ Tát. Bố thí sẽ tạo nợ, từ nợ tạo thành duyên. Khi có duyên nợ thì Bồ Tát nói đạo chúng sinh sẽ nghe. Sao lại thế? Vì làm việc thiện trước mắt là bị thiệt thòi. Nó ngược với bản năng tham lam ích kỉ. Do vậy nếu không có duyên nợ thì Bồ Tát nói sẽ chẳng ai nghe. Xin nói thêm về Tứ Nhiếp Pháp của Bồ Tát gồm: Bố thí – Ái ngữ – Lợi hành – Đồng sự. Tôi có tác phẩm "Đắc nhân tâm Phật giáo" bàn về Tứ Nhiếp Pháp tu phục nhân tâm con người. Mời bạn tìm đọc.

Bố thí Ba-la-mật là con đường tu hành đầu tiên trong Lục Ba-la-mật. Vì rằng Bố thí để tích phúc. Khi phúc đủ lớn thì Bồ Tát sẽ tu hành đắc đạo. Thiếu phúc tu không bao giờ đắc đạo. Xin nói thêm về con đường Bồ Tát Đạo là Lục Ba-la-mật gồm: Bố thí – Trì giới – Nhẫn nhục – Tinh tấn – Thiền định – Bát nhã.

Vậy nên, trong giáo lý Đại Thừa bố thí được đẩy lên đầu tiên quan trọng nhất "Mẹ của các pháp". Nhưng trong Nguyên Thủy Phật Giáo thì Bố thí là Thân nghiệp đứng sau Ý nghiệp và Khẩu nghiệp. Còn trong Bát Chánh Đạo thì Bố thí là Chánh nghiệp (4) và Chánh mạng (5) đứng sau Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ. Ô sao lại thế? Ta hãy phân tích nhé.

Ta thấy Kinh Phật hay nói về Đại Ác Ma thần thông vĩ đại, phúc vĩ đại. Ô thế sao Đại Ác Ma lại có phúc vĩ đại? Bởi vì Đại Ác Ma hiểu rõ Luật nhân quả. Đại Ác Ma cũng bố thí vĩ đại để tích phúc vĩ đại nhưng tâm ác độc. Đại Ác Ma bố thí gieo duyên với chúng sinh nhưng không dạy đạo đức mà Ác Ma dùng Bố thí để xây dựng binh đoàn ác quỷ.

Vậy nên cái gốc không phải là bố thí tích phúc. Bố thí chỉ là ngọn. Cái gốc là tu đạo đức: (1) Chánh kiến là học tập đạo lý kiến thức chánh thiện. (2) Chánh tư duy là tư duy suy nghĩ chánh thiện. (3) Chánh ngữ là lời nói lành thiện tạo lợi ích cho chúng sinh.

Nên ta thấy, ở chùa đền miếu phủ... Ai ai cũng bố thí rải tiền cúng dường Phật, Bồ tát, Thánh, Thần. Thế nhưng tâm họ thì sao? Tâm họ chỉ cầu: "đắc tài, đắc lộc, nói có người nghe, đe có người sợ, không bệnh không tật, tai qua nạn khỏi, cầu được ước thấy".

Bài học 3: Tám vạn bốn ngàn pháp môn, 250 giới luật chỉ hướng đến 1 cái đích là diệt trừ dục vọng

Đó là điều Phật ngầm nhấn mạnh qua truyện tích này. Tỳ kheo Công tử A-lu-cu-ba có thể bỏ qua toàn bộ 84.000 pháp môn, 250 giới luật. Vị đó chỉ tu duy nhất 1 điều: Tu tâm ý diệt trừ các dục vọng sẽ đắc đạo A-la-hán. Sao lại thế?

Vì 84.000 pháp môn có nền tảng là Bát Chánh Đạo. Trong Bát Chánh Đạo thì đầu tiên là tu Tâm ý: Chánh kiến - Chánh tư duy. Nên Ý nghiệp là gốc của 84.000 pháp môn. "Tâm dẫn đầu các pháp – Tâm làm chủ tạo tác" chắc các bạn còn nhớ 2 câu đầu tiên của bài kệ đầu tiên trong Kinh Pháp Cú.

250 Giới luật Tỳ kheo có gốc là Đạo đức. Mà Đạo đức chính là Tu Tâm Ý không tham-sân-si. Nên Phật dạy rằng: "Ta có thể bỏ hết mọi pháp môn, bỏ hết mọi giới luật. Chỉ cần tu 1 điều duy nhất là tu tâm diệt trừ các dục tham sân si sẽ đắc đạo".

Bài học 4: Duyên nợ của chúng sinh

Công tử A-lu-cu-ba sống ở thành Xá Vệ nơi có Tinh xá Kỳ viên của Phật. Nhưng chàng không quy y Phật mà lại quy y Trưởng lão. Rồi công tử không gặp Phật nghe pháp lại chỉ nhất nhất nghe lời Trưởng lão. Đó là điều kỳ lạ. Vậy lạ ở đâu?

Vì Phật giống như Mặt trời, còn Trưởng lão dù đắc A-la-hán cũng chỉ là đốm lửa nhỏ. Phật giống như núi Tuyết Sơn Himalaya còn Trưởng lão chỉ là hòn đá ta cầm trên tay. Vậy mà công tử con quan trưởng khố giàu có sống ở thành Xá Vệ lại nhất tâm quy y Trưởng lão, vâng lời Trưởng lão. Sao lạ vậy?

Đó chính là duyên nợ chúng sinh. Thế nên có cô gái xinh đẹp, đảm đang, hiền thục nhiều chàng đẹp trai, tài giỏi, giàu có theo đuổi. Nhưng cô không chọn họ. Cô lại chọn một chàng xấu trai, nhà nghèo, kém tài làm chồng. Thế vì sao cô lại quyết định vậy? Bởi vì đó là tình yêu xuất phát từ duyên nợ kiếp xưa. Đời này họ gặp nhau thì yêu nhau không cần lý do. Còn nếu tình yêu xuất phát từ bản năng thì cô sẽ chọn trai đẹp 6 múi, cao to khỏe mạnh, tài giỏi, nhà giàu...

Ta còn nhớ truyện "Pháp Cú 30: Truyện về Thiên chủ Đế Thích". Khi đó vua Atula kén rể cho con gái là nàng Thiện Sanh hóa sinh. Rồi toàn bộ trai tráng Atula đẹp đẽ rạng ngời xếp hàng mà nàng không chọn. Nàng lại chọn ông già ốm yếu do vua trời Đế Thích hóa thành. Đó chính là duyên nợ tình nghĩ sâu nặng giữa nàng Thiện Sanh và vua trời Đế Thích còn thắm thiết. Thế nên nàng đã bước qua toàn bộ thanh niên Atula với tâm hững hờ. Chỉ đến khi đứng trước ông già ốm yếu thì "tâm hồn nàng thổn thức".

Bạn có nhớ Phật có Tam Bất Năng: 1- Chúng sinh vô lượng Phật không biết hết. 2- Định nghiệp đã tới Phật không thể cứu. 3- Chúng sinh vô duyên Phật không thể độ. Và đây là trường hợp: "Chúng sinh vô duyên với Phật nhưng có duyên với Trưởng lão".

Bài chọ 5: Người giàu dễ bố thí nhưng khó giữ giới. Người nghèo dễ giữ giới nhưng khó bố thí

Tâm lý thường tình là: "Khi bạn có cái gì đó thật nhiều thì bạn cho đi dễ. Bạn có cái gì đó cần thiết mà cực ít thì bạn khó cho đi". Người giàu chẳng có gì ngoài "điều kiện" nên dễ bố thí. Người nghèo tiền ăn không có, bố thí xong là nhịn đói nên thành khó.

Ví dụ: Tỷ phú có tài sản 100 tỷ. Họ biết đạo sống biết đủ. Họ sẵn sàng bố thí 99 tỷ thì họ vẫn là tỷ phú. Còn người nghèo ngày kiếm 100k, cơm ăn ba bữa hết 90k còn 10k tiết kiệm. Nay bảo họ bố thí rất khó.

Bàn về giới. Người giàu muốn gì được nấy. Rượu ngoại cả hầm, quần áo 1 phòng, xe xịn đầy gara, sổ đỏ tính bằng kilogram, có chuyên cơ, phi thuyền, lâu đài, người hầu kẻ hạ... mà bắt họ giữ giới chỉ có 3 bộ quần áo và 1 cái bát, ngày đi xin ăn 1 bữa, chỉ ăn trước ngọ... quá khó để thực hiện. Hoặc đơn giản là bắt họ không 5 thê 7 thiếp, không uống rượu, không nói dối cũng là rất khó. Nhưng kẻ phúc lớn đó nếu từ bỏ các dục mà giữ giới thì tu dễ đắc đạo.

Còn người nghèo đói rách không nhà cửa... Nay xuất gia có quần áo sạch đẹp 3 bộ, sáng đi khất thực dân quỳ xuống 2 bên đường cúng dường, được ở trong Tinh xá sạch đẹp thơm tho, sống chẳng phải lo nghĩ... Đối với họ giữ giới như vậy thật quá sướng. Nhưng những người này tu dù đúng Chánh Pháp của Đức Phật dạy cũng chẳng thể đắc đạo.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #lvt