Pháp cú 25: Truyện Ngài Châu Lợi Bàn Đặc

"Siêng năng không dừng nghỉ

Tự điều phục lấy mình

Bậc trí xây hòn đảo

Nước lụt không tràn qua"

(II-Phẩm Không Phóng Dật, Pháp Cú 25)

Tích Pháp Cú:

Các bạn chú ý những vị Trưởng lão nổi tiếng thời Đức Phật trong kinh A-Hàm từ thời Ngài Trần Huyền Trang nhà Đường đã nhắc đến nên có tên Việt hóa. Ví dụ Tôn giả Sa-ri-pu-ta theo Pali thì A-Hàm gọi là Tôn giả Xá Lợi Phất. Theo Pali Ngài Chun-na-pa-ta-ca nhưng gọi theo A-Hàm là Ngài Châu Lợi Bàn Đặc. Tôi ưu tiên dùng tên theo Kinh A-Hàm vì hơn ngàn năm qua chúng ta đã quen rồi.

Ngài Châu Lợi Bàn Đặc (Chun-na-pa-ta-ca) đến bạch với Phật.

- Bạch Thế Tôn, con quá ngu dốt. Một bài kệ đầu tiên con không học nổi. Nên anh con bảo con về hầu ông ngoại còn được chút công đức hơn ở trong đạo mà không học được gì. Nay con xin về.

Phật hỏi:

- Con có muốn tu hành giải thoát không?

- Bạch Thế Tôn, đó là ước mơ cháy bỏng trong lòng con. Không lúc nào con nguôi ngoai lý tưởng tu hành giải thoát.

- Con xuất gia với ai?

- Con xuất gia với Thế Tôn.

- Ta đâu bảo con về sao con bỏ về? Hãy đến đây.

Đức Phật dắt Ngài đến một hòn đá to dưới bóng cây. Đức Phật đưa bàn tay liền hiện ra cái khăn. Cái khăn đó bằng thần thông ứng hiện chứ không phải khăn thường. Phật nói:

- Con hãy cầm cái khăn này lau mặt và nói: "Tẩy sạch những dơ bẩn". Mỗi lần con lau con nói một câu cho đến khi thấy điều lạ xảy ra.

Sau đó Đức Phật cùng tăng đoàn hơn ngàn người rời Tinh xá Vườn xoài về tư gia ông Kì Bà dự trai tăng.

Ở Vườn xoài chỉ còn Châu Lợi Bàn Đặc ngồi kiết già cầm cái khăn của Phật lau mặt. Sau mỗi lần lau Ngài nói một câu: "Tẩy sạch những dơ bẩn". Không lâu sau cái khăn từ từ dơ bẩn nhanh lạ kì. Ngài nhìn cái khăn dơ bẩn nghiệm ra thân thể con người thật là dơ bẩn. Ngài ngồi đó chìm trong suy nghiệm đạo lý thấy rõ thân người thật đáng chán. Rồi Ngài nhập định lúc nào không hay.

Đức Phật ở nhà ông Kì Bà biết ở Vườn xoài Châu Lợi Bàn Đặc đã nhập định và căn cơ tu hành kiếp xưa đã quay về. Phật liền hiện thêm một thân khác đứng trước Châu Lợi Bàn Đặc nói:

- Cái dơ của thân là nhỏ. Cái dơ của tâm mới to lớn. Chính những tham, sân, si, vô minh, bản ngã mới là cái cần tẩy sạch.

Phật vừa dứt câu thì Ngài Châu Lợi Bàn Đặc chứng A-la-hán. Phật mỉm cười biến mất.

Ông Kì Bà đang mang đồ trai tăng tới cúng dường chư tăng. Khi đến trước bát của Phật, ông chuẩn bị cúng dường thì Phật chặn lại hỏi:

- Ở Tinh xá còn Tỳ kheo nào không?

Ông Kì Đà thưa:

- Bạch Thế Tôn ở Tinh xá không ai nữa.

- Không vẫn còn một người. Ngươi hãy về tìm và mời ra đây.

Ông Kì Đà cho gia nhân về tìm. Gia nhân lập tức lên ngựa chạy đến vườn xoài thấy có 1000 Châu Lợi Bàn Đặc đang đi lại khắp vườn.

Gia nhân vội chạy về bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn trong Tinh xá có 1000 vị mặt mũi giống nhau.

- Ngươi hãy đến hỏi: "Ai là Châu Lợi Bàn Đặc ?" thì mời về đây.

Gia nhân lại tức tốc về Tinh xá và hỏi:

- Xin thưa, trong các vị ai là Châu Lợi Bàn Đặc?

Cả 1000 vị đều đồng thanh trả lời:

- Ta là Châu Lợi Bàn Đặc

Gia nhân không biết làm thế nào đành nhảy lên ngựa chạy về hỏi Phật. Phật nói:

- Ngươi hãy về hỏi lại một lần nữa và lắng nghe vị nào trả lời trước thì mời vị đó về.

Gia nhân lại về Tinh xá và hỏi:

- Xin thưa, vị nào là Châu Lợi Bàn Đặc?

Châu Lợi Bàn Đặc biết ý Phật nên trả lời trước. Gia nhân đến quỳ trước mặt xin thỉnh Ngài đến dự trai tăng. Lúc đó 999 vị Châu Lợi Bàn Đặc khác biến mất. Ngài lên ngựa đi đến nhà ông Kì Đà.

Theo tục lệ, sau khi thọ trai thì Phật thuyết pháp. Nhưng hôm đó Phật bảo Châu Lợi Bàn Đặc thuyết pháp. Châu Lợi Bàn Đặc ngồi trên pháp tòa thuyết pháp thao thao bất tuyệt những đạo lý sâu sắc làm mọi người vô cùng bất ngờ.

Cuối hôm đó các Tỳ kheo đến hỏi Phật nguyên cớ gì mà được vậy. Phật trả lời:

- Đời xưa thời Phật Ca Diếp thì Châu Lợi Bàn Đặc là vị đại tăng tu hành rất giỏi. Nhưng không kìm chế được lòng tự cao và thiếu từ bi nên thấy huynh đệ kém dở thì ông khinh thường chúng bạn đồng tu. Ông phải chịu quả báo kém trí tuệ một bài kệ không thể thuộc kể từ đó đến nay.

- Cách đây mấy trăm kiếp Châu Lợi Bàn Đặc là một vị vua. Ông đi vi hành người đầy bụi bẩn. Ông kêu tùy tùng lấy khăn lau mặt và thấy cái khăn quá dơ bẩn. Vua khởi ý nghĩ trong đầu "Thân này thật là cấu uế bất tịnh". Ý nghĩ đó ghim chặt trong lòng vua nhiều kiếp. Nay ta sử dụng công án đó để khai mở tâm thức cho Châu Lợi Bàn Đặc. Sau khi đốn ngộ những kết quả thiền định tu hành kiếp xưa quay lại Châu Lợi Bàn Đặc đắc thành chính quả với trí tuệ uyên bác.

Nhân sự kiện này Phật cảm hứng đọc bài kệ:

"Siêng năng không dừng nghỉ

Tự điều phục lấy mình

Bậc trí xây hòn đảo

Nước lụt không tràn qua"

(II-Phẩm Không Phóng Dật, Pháp Cú 25)

Bài học kinh nghiệm:

Bài học 1: Nước lụt không tràn qua

Bài Pháp Cú này Phật khuyên mọi người nên chăm chỉ tu hành, sửa chữa lỗi lầm. Mọi người nên biết tự kiềm chế những ham muốn bản năng về tham sân si. Phật gọi là: "tự điều phục chính mình". Làm được vậy kẻ đó như xây hòn đảo. Khi nước lụt kéo đến kẻ đó được bình an.

Vậy nước lụt ở đây ý Phật ám chỉ điều gì? Đó chính là quả báo tới. Châu Lợi Bàn Đặc đang là bậc đại tăng trí tuệ mà quả báo tới hóa thành kém trí tuệ không thể học thuộc 1 câu kệ. Thế nhưng Ngài vẫn "Siêng năng không ngừng nghỉ, tự điều phục lấy mình". Đến khi duyên tới thì hốt nhiên đại giác ngộ A-la-hán.

Ta nên nhớ vị Đại đệ tử của Phật giác ngộ nhanh nhất sau khi gặp Phật 7 ngày là Tôn giả Ma-ha Ca Diếp. Nên Ngài được phong danh vị "Phạm hạnh đệ nhất" tức vị thánh đắc thành Phạm hạnh A-la-hán nhanh nhất. Vậy mà Ngài Châu Lợi Bàn Đặc hốt nhiên đại ngộ trong vòng 1 buổi sáng thiền định.

Vậy nên truyện tích về Ngài Châu Lợi Bàn Đặc này rất nổi tiếng trong nhà thiền.

Bài học 2: Quả báo vì khinh thường A-la-hán

Kiếp xưa Ngài Châu Lợi Bàn Đặc vì thấy mình giỏi hơn bạn đồng tu nên khởi tâm khinh thường. Bạn đồng tu của Ngài trong thời Phật Ca Diếp có nhiều vị chứng A-la-hán mà Ngài không biết. Vậy là quả báo ngàn vạn kiếp Châu Lợi Bàn Đặc bị kém trí tuệ từ thời Phật Ca Diếp đến nay.

Vậy nên trì tụng kinh Pháp Hoa vô cùng nguy hiểm. Trong các Phẩm Công Đức có nhiều đoạn nói rằng: "Chỉ cần trích dẫn hoặc kiến giải một câu trong Kinh Pháp Hoa thì công đức bằng muôn ngàn lần độ chúng sinh đắc đạo A-la-hán". Ai tin vào lời kinh mà khinh thường A-la-hán thì đọa. Pháp môn nào trì tụng kinh Pháp Hoa đọc đến đoạn này mà khởi tâm khinh thường A-la-hán thì pháp môn đó diệt vong.

Sao Kinh Pháp Hoa lại có những đoạn nguy hiểm vậy? Bởi vì Kinh Pháp Hoa không dành cho người thường. Kinh Pháp Hoa dành cho hàng Bồ Tát đắc đạo A-la-hán xong rồi. Các vị đang đi trên con đường Bát Nhã từ bi cứu độ chúng sinh. Ví dụ: Bồ Tát Quan Âm, Bồ Tát Dược Vương, Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Diệu Âm... Để đề phòng tâm Bồ Tát bị kiêu mạn nên Kinh Pháp Hoa hạ rất thấp quả vị A-la-hán cho các vị thấy "ta còn nhỏ bé" mà giữ tâm khiêm hạ.

Ta đặc biệt chú ý đầu Kinh Pháp Hoa có đoạn: "Diệu-Pháp Liên-Hoa" là pháp giáo hoá Bồ-Tát được chư Phật hộ niệm". Và đó là lời cảnh báo: "Đây là thuốc chữa bệnh kiêu mạn dành cho hàng Bồ Tát. Kinh được chư Phật hộ niệm. Người thường không uống thuốc dành cho hàng Bồ Tát".

Bài học 3: Người chưa đắc đạo dù thông minh tài giỏi vẫn mắc lỗi

Ngài Châu Lợi Bàn Đặc thông minh tài giỏi, chánh pháp và lý luận tỏ tường. Thế nhưng Ngài chưa đắc đạo thì Kiết Sử kiêu mạn chưa diệt. Nên Ngài thấy "Ta đây tài giỏi còn bạn đồng tu thật ngu si kém cỏi".

Do vậy, người chưa đắc đạo mà họ tự thấy họ thông minh tài giỏi. Nếu họ không tu thiền thì 100% bị Kiêu mạn. Kinh Hàng Ma (kinh số 50 trong Trung Bộ Kinh) Phật dạy cách diệt tâm Kiêu mạn là "Thiền quán thân vô thường, vô ngã". Nếu không thiền quán vô thường, vô ngã thì 100% là kiêu mạn nếu họ tự thấy họ là tài giỏi.

Cho nên "Tài phải đi đôi với Đức". Bác Hồ có nói: "Có Đức mà không có Tài thì làm gì cũng khó. Có Tài mà không có Đức thì là đồ bỏ đi". Và đây là ví dụ điển hình của có Tài mà thiếu Đức thì quả báo nặng nề.

Bài học 4: Hai yếu tố đắc đạo

Đắc đạo A-la-hán đại giác ngộ, đại giải thoát là quả báo hạnh phúc vĩ đại nhất của đạo Phật. Vậy khi nào quả báo đắc đạo tới? Khi và chỉ khi ta có đại Nhân Duyên. Nhân là có tâm mong cầu chánh pháp, thực hành theo chánh pháp, tích phúc báu vĩ đại. Duyên là vào đúng thời có Chánh pháp Đức Phật tồn tại. Hoặc có một vị Bồ Tát tìm được Chánh pháp tu thành Phật quả.

Vậy nên Sa môn Cồ Đàm phúc báu vĩ đại với 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp. Ngài được làm thái tử và có tâm cầu đạo mãnh liệt đã xuất gia tu hành. Thế nhưng tu sai chánh pháp 6 năm tinh tấn chẳng thể đắc đạo.

Xét trường hợp Ngài Châu Lợi Bàn Đặc. Tâm Ngài mong ước khát khao được đắc đạo. Phúc Ngài lớn đã từng có kiếp sống Ngài được làm vua. Vậy Ngài có Nhân đắc đạo. Duyên ở đây là Ngài được gặp Phật Thích Ca, được tiếp xúc với chánh pháp của chính Đức Phật. Còn giây phút đắc đạo của Ngài "quá nhanh quá nguy hiểm" gọi là hiện tượng "giọt nước tràn ly". Khi đó tâm Ngài bừng sáng, vỡ òa, hốt nhiên đại ngộ. Đó chỉ là kết quả tất yếu của Nhân Duyên mà thôi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #lvt