Pháp cú 19, 20: Truyện 2 vị pháp học pháp hành
"Dù thuyết kinh lưu loát
Nhưng lười biếng thực hành
Giống người chăn bò mướn
Không xứng hạnh sa môn"
(I-Phẩm Song Yếu, Pháp Cú 19)
"Tuy không nói kinh nhiều
Nhưng siêng năng tu tập
Từ bỏ tham sân si
Tâm sáng ngời giải thoát
Không chấp thủ hai đời
Thật xứng hạnh sa môn"
(I-Phẩm Song Yếu, Pháp Cú 20)
Tích Pháp Cú: Vào thời Đức Phật có hai người bạn thân. Họ là thương nhân giàu có giai cấp Vê-sa thượng lưu. Khi Phật ở thành Xá Vệ vườn ông Cấp Cô Độc thuyết pháp cho mọi người thì hai người đến tham dự. Sau khi nghe Phật thuyết pháp thì cả hai đều phát tâm xuất gia từ bỏ gia tài vợ con.
Trong 5 năm đầu họ rèn luyện tập sự, uy nghi tế hạnh, giới luật rồi thọ Tỳ kheo. Sau khi trở thành Tỳ kheo thì họ cùng đến gặp Phật xin được chuyên sâu tu tập. Phật nói trong pháp của Phật có pháp học và pháp hành. Pháp học là đi sâu vào lý thuyết triết lý ít thực hành. Pháp hành là đi sâu vào thực hành và ít lý thuyết.
Hai vị mỗi người xin theo một phương pháp khác nhau. Một vị xin Phật rời Kỳ Viên tu hành chuyên sâu thiền định ở Tinh xá khác vắng vẻ hơn. Một vị đi theo Pháp Học chuyên sâu nghiên cứu lý thuyết kinh điển ở lại Kỳ Viên nơi có Phật thuyết pháp và có nhiều Trưởng lão, Cao Tăng để nghe và học kinh.
Ta chú ý: Thời Đức Phật chữ viết chưa thịnh hành. Vậy nên muốn học kinh phải đi theo các Trưởng lão nghe các vị đọc tụng các bài kinh Phật. Đó chính là khẩu truyền. Sau khi Phật nhập diệt 218 năm dưới thời vua A Dục ở đại hội kết tập kinh lần 3 thì kinh Phật mới được ghi chép thành Tam Tạng Kinh Điển Phật Giáo bằng ngôn ngữ Pali.
Nhiều năm trôi qua hai vị trưởng thành trong giáo pháp và có nhiều đệ tử. Một hôm vị chuyên sâu Pháp Hành có duyên về Kỳ Viên gặp Phật. Ngài mang theo các đệ tử của mình. Vị theo Pháp Học ở Kỳ Viên nghe tin trong tâm khởi ý niệm: "Bạn mình lâu rồi mới gặp, lần này ta sẽ chất vấn bạn đề đạo lý xem ai hơn". Ý nghĩ đó mới khởi lên động niệm và Phật biết.
Phật cũng biết: "Tâm hơn thua phàm phu của một vị pháp học không thực hành muốn khoe khoang với một vị chứng thánh tội rất nặng". Nên khi hai vị mới gặp nhau chào hỏi chưa thi thố tài năng thì Phật xuất hiện. Phật gọi hai vị ngồi xuống và chủ động hỏi:
- Hôm nay cũng vì nhân duyên gặp mặt nên ta hỏi các ông điều này. Những người chứng sơ thiền thì tâm thế nào?
Vị Pháp học nhanh nhẹn trả lời trước:
- Bạch Phật, hành giả chứng sơ thiền thì ly dục ly ác pháp chứng và an trú thiền thứ nhất một trạng thái hỉ lạc do ly dục sinh còn tầm còn tứ...
Phật hỏi tiếp:
- Vậy nhị thiền thì tâm thế nào?
- Bạch Phật, nhị thiền là hành giả diệt tầm diệt tứ nội tỉnh nhất tâm. Một trạng thái hỉ lạc do định sinh không tầm không tứ.
Phật hỏi tiếp về thiền, hỏi đến đâu vị pháp học trả lời vanh vách nhanh nhẹn chính xác. Sau đó phật hỏi đến thánh quả:
- Vậy người chứng sơ quả Dự lưu tâm thế nào?
Vị pháp học không rõ vì trong kinh chỉ nói đến thánh quả Dự lưu diệt trừ được ba kiết sử: Thân kiến (ích kỷ), giới cấm thủ (cố chấp), nghi hối (nghi ngờ về con đường chánh pháp) mà không thấy miêu tả cảm giác biến đổi tâm.
Đức Phật liền quay sang hỏi vị pháp hành đã chứng thánh quả những câu hỏi trên. Vị này trả lời chi tiết chính xác bằng chính kinh nghiệm thực chứng của bản thân không căn theo lý thuyết ghi trong kinh. Vị này nói đến đâu Đức Phật khen đến đó. Các tầng trời thì chư thiên cũng rúng động cùng tán thán vị A-la-hán pháp hành.
Các chư tăng ở Tinh xá và cư sĩ cũng quây quần quanh 3 người khen ngợi. Thế nhưng đệ tử vị pháp học thì bất mãn tự ái. Bởi vì thầy họ trả lời thì Phật không khen lại khen vị hành giả phương xa. Phật thấy vậy liền quở mắng đệ tử pháp học bằng bài kệ:
"Dù thuyết kinh lưu loát
Nhưng lười biếng thực hành
Giống người chăn bò mướn
Không xứng hạnh sa môn"
(I-Phẩm Song Yếu, Pháp Cú 19)
Sau đó Phật quay sang khen ngợi vị pháp hành:
"Tuy không nói kinh nhiều
Nhưng siêng năng tu tập
Từ bỏ tham sân si
Tâm sáng ngời giải thoát
Không chấp thủ hai đời
Thật xứng hạnh sa môn"
(I-Phẩm Song Yếu, Pháp Cú 20)
Bài học kinh nghiệm:
Bài học 1: Lý thuyết đi đôi với thực hành
Người có lý thuyết cao siêu mà không thực hành là "Lý thuyết xuông" hay "Tiến sỹ giấy". Người không có lý thuyết mà nhiệt tình thực hành thì: "Ngu si + nhiệt tình = kẻ phá hoại". Chỉ có lý thuyết đi đôi với thực hành mới có thành công vĩ đại.
Thời xưa chỉ có nông nghiệp thì bò là một gia tài. Người lý thuyết rành rọt mà tâm không tu không thực chứng ví như người chăn bò mướn: "Họ luôn ở cạnh bên con bò mà chẳng phải chủ gia tài đó". Vậy nên kẻ ôm một mớ lý thuyết mà không hề thực hành thì lý thuyết đó chỉ là đống giấy lộn mà thôi.
Bài học 2: Không chấp thủ 2 đời
Kệ Pháp Cú 20 có một ý rất hay là "Không chấp thủ hai đời" tức chấp thủ đời này và đời sau. Có người mới biết nhân quả thì làm phúc để mong đời này "ta giỏi hơn người, giàu có hơn người, quyền lực hơn người". Có người hiểu sâu nhân quả biết gieo nhân tạo nghiệp lành đời này thì đời sau mới có quả. Và họ cũng làm thiện tích phúc để đời sau "ta giỏi hơn người, giàu có hơn người, quyền lực hơn người".
Phật nói: "Đó là sai". Dù đời này hay đời sau mà làm với tâm Tham - Sân - Si, bản ngã, cái tôi, của ta... thì vẫn sai vì đó là tham vọng. Chỉ có người làm vì lòng vị tha, vì lợi ích chúng sinh không chấp thủ cá nhân đời này, đời sau mới đúng chánh pháp.
Bài học 3: Người phúc lớn tu đúng thì đắc đạo
Ta thấy thời Đức Phật người đắc đạo luôn là người phúc lớn. Các vị A-la-hán thời đó toàn là hoàng tộc, giai cấp bà-la-môn, trưởng giả hay con trưởng giả. Nếu họ ở thế gian không tu thì giàu có, quyền lực. Còn họ tu theo Phật thì đắc đạo A-la-hán.
Lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận một số vị tu hành đắc đạo. Và ta cũng thấy các vị đó xuất thân "không phải dạng vừa". Vạn Hạnh Thiền Sư làm quân sư cho vua Lê Đại Hành đánh Tống rồi làm thầy của vua Lý Công Uẩn. Phật Hoàng Trần Nhân Tông lãnh đạo dân Đại Việt đánh Nguyên Mông lần 2 và 3 với số quân giặc lên đến hơn 100 vạn quân. Thiền sư Từ Đạo Hạnh viên tịch để lại thân xá lợi 300 năm từ thời Lý đến khi giặc Minh xâm lược. Từ Đạo Hạnh là con quan tổng trấn Từ Vinh. Sau Từ Vinh xúc phạm Sùng Hiền Hầu (em vua) nên bị Sùng Hiền Hầu sai Pháp Sư Đại Điên dùng phép thuật đánh chết. Sau Từ Đạo Hạnh học đạo về giết Đại Điên bằng pháp thuật trả thù cha.
Vậy nên phúc là điều kiện cần để đắc đạo. Không có phúc thì tu hoài, tu mãi, tu đúng mà chẳng đắc đạo. Tu đúng chánh pháp là điều kiện đủ để đắc đạo. Ví như Sa môn Cồ Đàm phúc vĩ đại mà tu sai khổ hạnh cực đoan 6 năm chẳng thể đắc đạo.
Và truyện tích này cũng vậy. Hai người bạn ở giai cấp Vê Sa cao quý tức họ có phúc lớn. Một vị tu đúng thì đắc đạo. Một vị tu sai chỉ học lý thuyết mà không thực hành dù có phúc lớn cũng chẳng thể đắc đạo.
Bài học 4: Pháp học và Pháp hành
Trước đây Việt Nam ta và trên Thế Giới chỉ có học viện Phật Giáo chứ không có "Hành Viện Phật Giáo". Đó là trong quá khứ. Ngày nay Việt Nam ta có rất nhiều Thiền viện chính là "Hành Viện Phật Giáo". Âu cũng là nhờ ơn đức của Thiền sư Thích Thanh Từ và các vị Trưởng lão khác có công xây dựng Đạo Phật Việt Nam đi đúng đường. Thật lành thay!
Tôi xin liệt kê một số Thiền Viện ở Việt Nam: Trúc lâm Yên tử, Trúc lâm Bạch Mã, Trúc lâm Giác Tâm, Trúc lâm Thượng Hoàng, Trúc lâm Tây Thiên, Trúc lâm Chánh Giác, Trúc lâm Phương Nam, Trúc lâm Đà Lạt, Trúc lâm Sùng Phúc, Trúc lâm Hàm Rồng, Trúc lâm Tuệ Đức, Trúc lâm Tuệ Quang, Trúc lâm Chính Pháp, Trúc lâm Hộ Quốc, Trúc lâm Trà Vinh, Trúc lâm Thiên Trường, Trúc lâm Chân Không, Trúc lâm Chân Nguyên, Thường Chiếu, Trúc lâm Viên Ngộ...
Và truyện tích này Phật nhắc nhở chúng ta rằng: "Biết rõ căn bản và thực hành tu thiền sẽ đắc đạo giải thoát. Còn chỉ học lý thuyết mà không thực hành thiền thì mãi mãi không thể đắc đạo". Vậy nên chỉ tụng kinh không tu thiền sẽ mãi mãi không thể đắc đạo.
Bài học 5: Vô Minh và Quang Minh
Người chỉ học lý thuyết con chữ mà không hề bắt chân ngồi thiền thực tu, thực chứng giống người mù không thấy ánh sáng. Phật gọi kẻ đó là Vô Minh (không thấy ánh sáng). Kẻ đó chỉ biết về đạo, về cảnh giới chứng thánh, về cảm nhận hạnh phúc của các vị thánh như người mù biết màu sắc ánh sáng thông qua sự miêu tả của người sáng (Quang Minh). Họ hoàn toàn không thể cảm nhận thực tế ánh sáng màu sắc nó ra sao hay thế nào.
Bài học 6: Bản tính phàm phu luôn đố kỵ
Một vị thánh thiền định đắc đạo sẽ diệt trừ các tật xấu "Tham sân si". Tham sân si là thành ngữ mà cụ thể là 10 tật xấu Kiết sử. Kiết sử bám keo két trong tâm mọi chúng sinh nhiều đời nhiều kiếp gọi là "Kiết hay Kết". Nó sai sử mọi hành động của chúng sinh gọi là "Sử". Trong đó có: (1) Thân kiến là tham lam, ích kỷ, mong nhiều lợi ích bản thân. (5) Sân hận là thù ghét con người. (7) Kiêu mạn là kiêu căng ngạo mạn thấy bản thân là tài giỏi.
Chính 3 kiết sử trên đã thành bản tính cố hữu của phàm phu là thích hơn thua đố kị. Còn các vị thánh đắc đạo thì diệt xong 10 kiết sử sẽ mất tật xấu hơn thua đố kị. Chính vì không tu, không diệt kiết sử nên vị pháp học nghe thấy tin vị pháp hành đến thăm thì khởi tâm hơn thua đố kị muốn thi thố tài năng.
Bài học 7: Coi khinh A-la-hán tội nặng
Pháp cú 25 kể về Ngài Châu Lợi Bàn Đặc. Kiếp xưa thời Phật Ca Diếp thì Ngài tu có trí tuệ nhưng chưa đắc đạo. Ngài khởi tâm coi thường chúng bạn đồng tu trong đó có những vị chứng A-la-hán mà Ngài không biết. Quả báo từ thời Phật Ca Diếp đến thời Phật Thích Ca thì Ngài luôn sinh ra làm người kém trí tuệ. Một câu kinh, một bài kệ mà không thể học.
Chính vì Phật biết sự nguy hiểm của tội coi khinh A-la-hán nên đã hiện ra giữa 2 người. Phật đã khéo léo ngăn cản cuộc đấu khẩu do vị pháp học tham sân si muốn thách đố để giành chiến thắng.
Bài học 8: Chân lý chánh pháp do thực chứng nói ra thì rúng động cõi trời
Thời nay vẫn có Kinh Nikaya do chính Phật Thích Ca giảng là chân lý chánh pháp. Đã 2500 năm qua các sư tụng niệm trì trú kinh này mà chẳng thấy trời đất cảm ứng gì. Mà trong truyện tích thì những lời bộc bạch giải trình của vị pháp hành xuất phát từ tâm thực chứng khiến trời đất rúng động. Sao vậy?
Như tôi đã nói ở trên. Chỉ có đọc tụng kinh tức chỉ học lý thuyết mà không chút thực hành thiền định và thực chứng sẽ như người mù (Vô Minh) nói về ánh sáng màu sắc. Họ chỉ biết ánh sáng màu sắc thông qua lời giải thích của người sáng mắt. Còn sự thật họ không biết tẹo gì về nó.
Và đó chính là sự vĩ đại của tâm thực chứng nói về chánh pháp vị đó thấy trong tâm. Khi đó trời đất cảm ứng, rúng động, các thiên thần vỗ tay khen ngợi. Còn 2500 năm đã qua biết bao thế hệ các sư tụng niệm trì trú Kinh Nguyên Thủy do Phật Thích Ca nói ra mà chẳng thấy cảm ứng gì.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top