Pháp cú 15: Truyện gã đồ tể Chun Đa

"Hiện đời khổ đã đến

Đời sau khổ nhiều hơn

Kẻ ác đầy nước mắt

Hái quả đắng đã gieo"

(I-Phẩm Song Yếu, Pháp Cú 15)

Tích Pháp Cú: Gần Tinh xá Phật có một gã đồ tể nuôi heo giết thịt tên là Chun-đa. Chun-đa có công nghệ giết mổ heo tinh tế mà ác độc. Trong kinh diễn tả chi tiết như sau:

"Trước khi giết heo, gã ta trói heo thật chặt không thể nhúc nhíc. Gã lấy cây gỗ đập nó bầm dập làm thịt nó mềm ra. Gã đánh thật đau nhưng không để heo chết. Sau đó gã lấy một dụng cụ bằng sắt đặt vào miệng heo cho nó mở hàm. Rồi gã rót nước nóng vào miệng heo với độ nóng vừa đủ không để heo chết. Toàn bộ thức ăn và phân trong ruột heo bị nước nóng rửa trôi ra ngoài cho đến khi gã thấy nước được sạch.

Kế đó gã dùng nước từ ruột heo tuôn ra ngoài đun sôi tưới lên da khiến da heo lột sạch. Con heo vẫn sống và kêu la thảm thiết nhưng bị trói chặt cứng. Khi da và lông heo bị lột sạch bởi nước sôi thì gã cắt đầu heo hứng máu tưới lên thịt cho có mầu đỏ hồng. Rồi quay thịt heo. Gã để lại phần ngon cho gia đình còn lại mang bán. Gã ta rất giàu vì công nghệ chế biến thịt heo ngon nổi tiếng kinh thành đó".

Gã thấy cuộc sống như vậy là ổn và không cần bố thí, làm phúc, cúng dường. Gã không một ngày nào đến Tinh xá nghe pháp dù nhà rất gần Tinh xá Phật. Thỉnh thoảng các Tỳ kheo có ghé qua cửa nhà gã khất thực. Nhưng gã đều đuổi họ đi hoặc đóng cửa.

Đến ngày phúc hết, gã tự nhiên mắc phải bệnh lạ khiến gã vật vã, la lối và kêu lên bằng tiếng heo. Gã bò bằng 4 chân lê lết quanh nhà, đập đầu vào tường, chui xuống gầm giường, hất tung mọi thứ bằng cái đầu của gã... Gã giống như một con heo thật sự.

Người nhà muốn giữ gã nhưng gã quá khỏe không thể giữ được. Họ đành đóng kín cửa trước, cửa sau để một mình gã trong nhà vật vã với căn bệnh lạ.

Tiếng la hét thêu gào của gã như tiếng heo khi gã giết chúng làm thịt. Trong suốt 7 ngày liên tiếp gã hóa thành một con keo như vậy. Đến ngày thứ 7 gã kêu thét lên bằng hơi sức cuối cùng toàn thân nám đen rồi gục chết.

Các Tỳ kheo khất sĩ đi ngang qua nhà gã không biết truyện. Họ chỉ thấy tiếng heo kêu trong nhà gã đồ tể Chun Đa liên tục trong 7 ngày. Các vị tưởng gã giết heo suốt ngày suốt đêm nên ngạc nhiên hỏi Phật:

- Bạch Thế Tôn, nhà ông đồ tể Chun-đa đó vì sao suốt 7 ngày nay giết heo liên tục vậy?

Phật trả lời:

- Này các Tỳ kheo, không phải Chun-đa giết heo đâu. Tiếng kêu la đó chính là của Chun-đa. Chun-đa vừa chết và nay đã xuống Địa ngục A Tỳ. Người đồ tể này suốt đời tạo nghiệp sát sinh nặng nề mà không làm chút phúc bù lại. Do vậy, ngay trong hiện đời quả báo khổ đã hiện ra một phần. Chun-đa phải làm con heo bị tra tấn đau khổ kêu than 7 ngày. Sau khi chết quả báo khổ còn nhiều hơn gấp bội.

Sau đó Phật đọc bài kệ:

"Hiện đời khổ đã đến

Đời sau khổ nhiều hơn

Kẻ ác đầy nước mắt

Hái quả đắng đã gieo"

(I-Phẩm Song Yếu, Pháp Cú 15)

Bài học kinh nghiệm:

Bài học 1: Quả báo đa phần ở đời sau

Bài kệ pháp cú này Phật khẳng định: "Kẻ hiện đời khổ kéo đến bởi ác nghiệp hiện tại thì đời sau khổ nhiều hơn. Vì quả báo đa phần sẽ đến ở đời sau khi hội tụ đủ các duyên cần thiết".

Ta biết, nhân gieo phải chờ đủ duyên là thời gian (thiên thời) và các điều kiện thuận lợi (địa lợi) mới tạo thành quả báo. Từ hạt nhân cây cối đến Luật nhân quả đời người đều cùng nguyên tắc đó.

Ví dụ: Ta gieo nhân được làm Tỷ Phú. Nhưng nay ta đã 49 tuổi và đang nghèo rớt mồng tơi. Để làm Tỷ Phú cần thời gian học tập, có kinh nghiệm, có quan hệ, có tài làm ăn kinh tế.... Những cái đó ta hoàn toàn mù tịt. Vậy kiếp này ta gieo nhân làm Tỷ phú nhưng ta không đủ duyên để quả báo thành tựu.

Tuy vậy, nếu ta tạo phúc cực lớn hay tội cực lớn (Đại Ác Nhân hoặc Thánh Nhân) thì một phần nhỏ bé của quả báo đến sớm do không đủ duyên cũng khiến ta thay đổi số mệnh. Do vậy Đại Ác Nhân hoặc Thánh Nhân sẽ thay đổi số mệnh trời ban ghi trong lá số tử vi trọn đời. Nếu ai đọc tác phẩm "Liễu Phàm tứ huấn" sẽ thấy rõ điều này.

Bạn có thể tìm trên Google tác phẩm này. Tác phẩm dày khoảng 53 trang. Liễu Phàm Tứ Huấn (了凡四訓) là một tác phẩm được viết bởi Viên Liễu Phàm, sống trong thời nhà Minh, quê ở Gia Thiện, thuộc Chiết Giang, Trung Quốc vào khoảng năm 1550. Ông viết "Bốn điều quan trọng" (Tứ huấn) nhằm giáo dục người con trai, Viên Thiên Khải. Tóm tắt tác phẩm như sau:

"Liễu Phàm từ nhỏ cơ duyên gặp được tiên sinh họ Khổng. Khổng tiên sinh đã bốc lá số tử vi trọn đời và Liễu Phàm ghi lại chi tiết. Từng thời điểm trong cuộc đời sau đó của Liễu Phàm diễn ra theo đúng lá số tử vi đó không sai 1 ly. Đúng đến mức vào ngày giờ đó được vua ban thưởng bao nhiêu đấu gạo đều chính xác 100%. Kể từ đó Liễu Phàm buông xuôi mọi sự việc vì cho rằng đời người là số mệnh an bài.

Một lần Liễu Phàm gặp thiền sư Vân Cốc. Hai vị ngồi thiền đối diện nhau mà tâm Liễu Phàm không động. Sau khi xả thiền Thiền sư đến đảnh lễ hỏi chuyện. Thấy Liễu Phàm kể về số mệnh và lá số tử vi do Khổng tiên sinh tặng. Vân Cốc thiền sư mỉm cười nói: "Tưởng rằng tiên sinh là một cao nhân nhưng không phải vậy". Sau đó Vân Cốc thiền sư giảng cho Liễu Phàm đạo lý Nhân Quả và nguyên tắc hình thành số mệnh. Số mệnh là quả báo do các nhân kiếp xưa đời này đủ duyên tạo quả. Thế nhưng Đại Ác Nhân và Thánh Nhân sẽ thay đổi số mệnh. Đại Ác Nhân thay đổi số mệnh từ tốt thành xấu. Thánh Nhân thay đổi số mệnh từ xấu thành tốt.

Kể từ đó Liễu Phàm chăm chỉ tạo phúc tích đức. Rồi mọi việc diễn ra dần dần sai khác với lá số tử vi của Khổng tiên sinh. Đến năm 53 tuổi theo lá số tử vi thì Liễu Phàm chết. Nhưng năm đó Liễu Phàm qua khỏi. Liễu Phàm sống tới 73 tuổi và năm 69 tuổi thì viết tác phẩm này để dạy con trai Viên Thiên Khải."

Bài học 2: Thiện và Ác

Kệ Pháp Cú ta thấy Phật nói về Thiện và Ác. Vậy Thiện và Ác là thế nào? Định nghĩa ra sao? Biểu hiện thế nào? Tiêu chuẩn nào để xét Thiện hay Ác? Kinh Mãn nguyệt (Cùlapunnama sutta) thuộc Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikàya) số TT:110 do Hòa thượng Thích Minh Châu dịch. Kinh đó Phật nói kỹ về tính chất kẻ Ác và người Thiện như sau:

1 - Thiện luôn đi với thiện, ác luôn đi với ác. Tục ngữ có câu: "Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy" là đúng vậy.

2 - Thiện luôn nghĩ thiện, ác luôn nghĩ ác. Thiện hay ác thì đầu tiên tâm kẻ đó phải là thiện hay ác.

3 - Thiện bày mưu tính kế giúp người. Ác bày mưu tính kế hại người. Hóa ra người thiện cũng bày mưu tính kế thâm sâu nhưng mong ước giúp người. Trước đây tôi cứ nghĩ thiện là không làm ác. Nhưng sự thật, thiện không làm ác chỉ là không tạo tội. Nhưng thiện phải làm thiện mới có phúc lớn.

4 - Thiện nói ái ngữ. Ác nói ác khẩu.

5 - Thiện làm điều thiện. Ác làm điều ác.

6 - Thiện tin chánh pháp, nhân quả, luân hồi, tin người thiện sẽ được hạnh phúc, kẻ ác sẽ chịu tội. Kẻ ác không tin chánh pháp, không tin nhân quả, không tin luân hồi. Kẻ ác vô thần, không tin có thần thánh và không tin có đời sau.

7 - Kẻ ác mà làm thiện ắt có mưu đồ. Hoặc kẻ đó bị ép buộc phải làm với lưỡi dao kề cổ. Còn tâm kẻ ác luôn muốn lợi cho bản thân và thích thấy người khác đau khổ.

8 – Người thiện sau khi chết thì sinh cõi thần, trời, người. Kẻ ác sau khi chết thì đọa tam ác đạo: Địa ngục, súc sinh, ngã quỷ.

Bài học 3: Nghiệp là gì?

Ta thấy Chun-đa tạo tội sát sinh. Nhưng nếu hắn chỉ giết 1-2 con heo trong đời thì tội nhẹ. Nhưng cả đời gã hành nghề đồ tể. Ngày này qua ngày khác hắn giết heo bằng công nghệ ác độc. Cuối đời tội ác chồng chất và quả báo khổ tới. Đó là Ác nghiệp.

Do vậy, ta thấy Phật nói về Luật Nhân Quả nhưng lại đề cao về Nghiệp. Ví dụ: Ác Nghiệp, Tam Nghiệp, Thân Nghiệp, Khẩu Nghiệp, Ý Nghiệp, Chánh Nghiệp, Thiện Nghiệp...

Nhân là một hành động thiện (ác). Còn nghiệp là nhân thiện (ác) tích lũy sâu dày theo năm tháng. Do nghiệp là tập hợp của vô số các nhân thiện (ác) nên nghiệp quả to lớn vĩ đại.

Nghiệp có tính chất gần giống với nghề nên hay nói ghép là: Nghề nghiệp, sự nghiệp, cơ nghiệp, sản nghiệp. Nghề được đào tạo ở trường lớp theo chuyên môn. Nghiệp giống nghề vì cùng làm những việc giống nhau theo năm tháng.

Do vậy cùng là nghề kế toán. Kế toán ở công ty thu nợ xã hội đen thì đồng nghiệp với kẻ ác chém giết khủng bố. Kế toán ở trường học thì đồng nghiệp với giáo viên dạy trẻ sẽ hưởng quả báo phúc. Rồi đồng nghiệp trong công ty thì có thể là: Kế toán, giám đốc, trưởng phòng, kinh doanh, tin học, tạp vụ, thiết kế... Đồng nghiệp sẽ có quả báo tương đồng nhưng nghề chuyên môn của họ là hoàn toàn khác nhau.

Tiểu kinh Nghiệp phân biệt (Cùlakammavibhanga sutta) thuộc Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikàya) số TT:135 do Hòa thượng Thích Minh Châu dịch. Phật khẳng định tầm quan trọng của Nghiệp như sau:

Này Thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình, bởi vì có liệt (xấu), có ưu (tốt)".

Phật nói rằng: "Chúng sinh là chủ nhân của nghiệp và thừa tự của nghiệp". Tức chúng sinh tạo ra nghiệp và nghiệp sẽ đưa chúng sinh đi theo nó.

Phật nói tiếp: "Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình, bởi vì có liệt (xấu), có ưu (tốt)". Tức người đó sinh ra nghiệp (thai tạng), nghiệp đó bám chặt vào họ (quyến thuộc), nghiệp là xuất phát điểm (điểm tựa) chia tách chúng sinh làm 2 ngả: cõi lành hay ác đạo, bởi vì nghiệp có thiện (ưu) có ác (liệt).

Bài học 4: Cận tử nghiệp

Cận tử nghiệp tức nghiệp ở giây phút cuối đời. Cận tử nghiệp chính là cõi giới nơi đến của người đó sau khi chết. Chứ không phải chết mà thấy hơi ấm lưu lại ở đầu thì về cõi lành. Chết mà hơi ấm lưu lại ở bụng thì về cõi trung. Chết mà hơi ấm lưu lại ở chân thì về cõi dữ. Những quan niệm đó là sai lầm. Hoàn toàn không có Kinh Phật nào nói vậy cả. Không biết vì sao ai đó chế ra điều đó không hề đúng Nhân Quả.

Một người khi chết mà đau đớn, gào thét, máu me thì cõi giới họ đến là địa ngục như gã đồ tể Chun-đa. Một người chết mà si mê lú lẫn chẳng nhớ ai với ai thì cõi giới họ đến là súc sinh. Một người chết mà tâm thần hoảng loạn, sợ hãi, cô đơn, lạnh lẽo, đói rách thì cõi giới họ đến là ngã quỷ.

Ở Truyện tích Pháp Cú 16 ngay sau đây ta thấy ông Thiện Tín chết bình an tự tại vui vẻ hạnh phúc, có hương thơm, có hào quang và tiếng nhạc trời... Ông Thiện Tín đó có "Cận tử nghiệp lành" và được đi về cõi lành. Cụ thể là về cõi Đâu Suất Đà Thiên.

Vậy nên muốn xét đoán một người chết sẽ sinh về đâu ta hãy chú ý đến giây phút "Cận tử nghiệp". Bởi vì sao? Bởi vì Truyện tích Pháp Cú 15 và 16 này Phật đã ngầm nói rõ cho ta biết sự thật đó.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #lvt