Nụ Cười NINAKAWA



Ninakawa đang hấp hối trên giường bệnh. Sự sống đang mất dần. Thầy của cô là Thiền Sư Ikkyu đến thăm và hỏi: "Ta biết ngươi đang chịu đựng cơn đau ghê gớm. Ta giúp được gì cho ngươi?"

"Con đến không đem theo vật gì, ra đi cũng không mang theo gì, ngài giúp được gì cho con?"

"Nếu thực sự ngươi nghĩ "Có Đến, Có Đi" thì ta sẽ chỉ cho ngươi con đường "Không Đến, Không Đi"
Những lời nói đó đã đưa Ninakawa vào cõi Chân Không vô cùng vô tận với nụ cười giải thoát trên môi."

Chết là mục tiêu tối hậu. Chết là đỉnh cao cuối cùng mà con người phải chạm tới, giáp mặt và vượt quạ Ngay lúc Thần Chết đến gõ của nhà bạn, tất cả mọi sự việc đều đã phải sẵn sàng. Nếu bạn đã chuẩn bị, thiền định và chờ đợi, thì ngay lúc cái chết thực sự xẩy ra, bạn không bị hốt hoảng, lo sợ hay bàng hoàng; và có thể bạn sẽ liễu ngộ được ngay lúc hơi thở cuối cùng chấm dứt.
Vì sao? - Vì Chết và Giác Ngộ rất giống nhau. Cái gì xảy ra khi bạn chết? Bất thình lình, bạn mất đi cái thân xác dấu yêu này; bất thình lình bạn không còn khả năng suy tưởng được gì nữa cả; bất thình lình, bạn thấy bạn bị tách xa ra khỏi những người thân yêu; bạn thấy bạn không còn là bạn nữa và những gì trước kia là của bạn cũng không thể nắm giữ được nữa. Điều đó, đối với bạn thật đớn đau vô cùng, vì bạn cảm thấy bạn như đang bị chới với hụt hẫng trong khoảng hư không vô cùng vô tận. Bạn không biết rồi sẽ đi đâu, về đâu; tất cả như xa lạ, hững hờ; ngay cả cái thân xác dấu yêu mà trước kia bạn đã từng ấp ủ, nâng niu, lo lắng thì giờ đây cũng nằm đó, im lìm, lạnh teo, trải dài cứng đơ như một vật vô tri vô giác, không lên một tiếng nói.

Trong từng bước chân tiến dần về cái chết, bạn phải chạm trán một sự thực trắng trợn, phũ phàng và khắc nghiệt của kiếp nhân sinh là:
"Tại sao không ai tránh được cái chết?

Tại sao có những cuộc ra đi đau lòng cướp theo đời sống và mọi niềm vui của kiếp sống?

Đời sống thực sự có giá trị gì nếu cặp mắt kia có lần đã sáng tỏ trong niềm vui, có lần rực rỡ trong tình thương, giờ đây đã mãi mãi nhắm lại, im lìm không linh động?

Cái "Tôi" yêu dấu của bạn đang tàn nhẫn giã từ. Bạn run sợ hãi hùng bên bờ vực thẳm của hư không. Bạn sẽ không còn. Bạn sẽ biến mất. Đối với hạng người thông thường, Chết không phải là một đề tài hấp dẫn, dầu để thảo luận hay để thuyết trình. Chết là một cái gì buồn thảm, thê lương, ảm đạm, là áp bức, là cái gì thật sự giết chết mọi niềm vui.
Hạng người thông thường co rút trở vào nằm bên trong cái Ta của mình, luôn luôn chạy đi tìm dục lạc, luôn luôn rượt bắt những gì kích thích và thỏa mãn dục vọng mà không bao giờ dừng chân lại để bình tĩnh ngồi xuống và nghiêm chỉnh suy gẫm rằng chính những thú vui vật chất và những thỏa mãn dục vọng kia rồi sẽ phải chấm dứt một ngày nào. Chỉ đến khi nào cái Chết thực sự xảy ra dưới mái nhà của họ, cho người thân yêu của họ hay chính bản thân họ thì lúc đó họ mới mở mắt bừng tỉnh dậy và đau khổ hãi hùng.

Theo đường lối suy tư của người Phật tử,
Chết không phải là một đề tài phải lẫn tránh hay xua đuổi, mà là cái chìa khóa để mở cánh cửa đưa vào những gì được xem là bí ẩn của cuộc đời.
Chính nhờ hiểu biết cái Chết mà ta hiểu được Sự Sống; bởi vì hiểu theo một chiều hướng, Chết là một phần trong tiến trình Sống.
Theo một lối hiểu khác, Sống và Chết là hai giai đoạn tận cùng của một tiến trình, hai đầu của một luồng trôi chảy, và nếu hiểu biết được đầu này thì cũng hiểu biết được đầu kia. Do đó, khi hiểu được ý nghĩa và mục tiêu của sự Chết, ta cũng hiểu được ý nghĩa và mục tiêu của kiếp nhân sinh. Chính nhờ gia công suy niệm về cái Chết mà ta có thể tiêu diệt được tánh tự cao tự mãn. Chính nhờ gia công suy niệm về cái Chết mà ta có thể tìm lại được thế quân bình cho cái tâm qúa đỗi dao động của ta Chính nhờ gia công suy niệm về cái Chết mà ta có thể thắt chặt lại dây thân ái giữa người này với người kia, để phá tan những hàng rào giai cấp và san bằng những ranh giới chủng tộc, xã hội, quốc gia hay tôn giáo.

Cái Chết có khả năng san bằng rất vĩ đại. Tự cao tự đại vì sanh trưởng trong một gia đình giàu sang, quyền quí, lắm tiền nhiều của; hống hách vì quyền cao chức trọng, địa vị ăn trên ngồi trước hay kiêu căng hợm hĩnh vì sắc dẹp tài năng... tất cả đều phải nhường bước cho Thần Chết, tất cả đều phải sụp đổ dưới những nhát cuốc, lưỡi xuổng- và trong đám cát bụi vô tình đó, tất cả đều bình đẳng, ngang nhau khi xuôi tay nằm xuống. Giác Ngộ cũng vậy. Giác Ngộ có khả năng san bằng rất mầu nhiệm. Giác ngộ san bằng Tham, Sân, Si, đạp đổ thành trì Bản Ngã, xô xập hàng rào Vô Minh, chế ngự Tham Vọng Khát Ái và đưa hành giả thẳng bước về miền đất tâm linh thơm lành. Vì thế, nếu bạn đã chuẩn bị, đã thực tập thiền định, đã gia công suy niệm về cái chết, sẵn sàng làm một bước nhảy vọt thì bạn không e sợ, lo buồn, hốt hoảng gì cả khi đối diện với sự thật và bạn cũng không tiếc nuối than phiền. Trái lại, có thể bạn còn tỏ vẻ an nhiên tự tại hơn nữa.
Tuy nhiên, bạn đừng bao giờ lầm lẫn ý nghĩa "Đón nhận" và "Chấp nhận" nghen. Hai danh từ đó mang hai nghĩa khác nhau hoàn toàn. Khi bạn dùng danh từ "Chấp nhận" có nghiã là bạn không muốn nhưng vẫn phải nhận sự việc đó hay một vật gì đó. Nó hàm ý bắt buộc, chịu đựng, miễn cưỡng, ép bức. Còn "Đón nhận" chứng tỏ một sự mời chào, vui vẻ, nồng nhiệt, hân hoan hơn. Như thế, nếu bạn không lãnh hội được ý nghĩa sâu sắc đó và phải chấp nhận cái chết thì trong bạn dâng trào lên một luồng đối kháng mãnh liệt giữa bản năng tham sống và sợ chết. Chính luồng đối kháng đó sẽ đưa bạn đến những vùng tăm tối của tâm thức, kết thành nghiệp quả luân hồi vô tận.

Nói "Vâng" với Thần Chết thì bạn sẽ thản nhiên bình tĩnh; nói "Không" với Thần Chết thì bạn sẽ chiêu cảm đau khổ, lo sợ, hay hốt hoảng bất an ngay, xong dù không hay có thì tất cả chúng ta và mọi sanh linh khác cũng đều phải đi qua đoạn đường cuối cùng này, thế thì tội gì chúng ta phải chống đối phản kháng lại cho uổng công? Không cũng chết, Vâng cũng chết, người khôn ngoan nên chọn lựa thái độ nào để ít nhất ra còn gặt hái được chút kết quả tốt?

Một vị Phật, một vị giác ngộ an nhiên đón nhận cái chết đến. Không có một chút phản kháng chống trả nào, không có một chút nuối tiếc, dây dưa, hay bấn xúc não loạn nào giữa bậc giác ngộ và cái chết.

Chết cũng mầu nhiệm linh thiêng như Sống vậy. Vì thế, nếu người nào có chuẩn bị, có tu tập, thì ngay lúc cận kề cái chết, chỉ cần vài lời nói của một vị đạo sư thôi đã đủ đưa người chết về cõi an lành rồi vậy.
Chỉ cần một lời nói đúng lúc là ngọn lửa trong tâm bừng sáng, bạn đắc đạo ngay - vì cái giây phút cận kề cái chết đó rất quan trọng thiết yếu, cái giây phút đó rất mong manh căng thẳng, bạn dốc toàn lực tập trung cả con người bạn vào đó, tập trung toàn bộ tư tưởng vào đó, nên chỉ cần một que diêm làm mồi thôi thì ngọn đuốc tâm linh bạn bùng cháy ngaỵ.

Người ta kể lại rằng Thiền Sư Ikkyu là một vị đại sư kỳ đặc, phóng khoáng, không câu nệ giới luật hay tiểu tiết gì cả.

Một ngày kia, Thiền Sư đi ngang qua một ngôi chùa và ghé vào xin trọ lại một đêm. Đêm đó, trời trở cơn thật lạnh và trong chánh điện không có gì để sưởi ấm ngoài ba tượng Phật gỗ. Sư Ikkyu chẳng nói chẳng rằng, leo lên rinh một pho tượng Phật xuống, chẻ ra chụm đốt sưởi ấm. Lúc đó, ông đạo trụ trì chợt thức giấc và cảm thấy như có cái gì khác thường nên ông đạo đi chung quanh chùa xem xét. Đến cửa chánh điện, ông đạo tá hỏa tam tinh lên khi thấy nhà sư lang thang kia đang ung dung tự tại chẻ tượng Phật ra hơ ấm đôi tay Ông đạo tức quá, phùng mang trợn mắt la lớn lên: "Trời ơi, ông làm cái gì vậy?

Tại sao ông dám chẻ tượng Phật ra chụm lửa vậy trời? Bộ Ông điên rồi hả? Tôi thấy ông là nhà sư nên tôi mới cho ông vào trú chân qua đêm, nào ngờ đâu ông lại dám làm cái chuyện kinh thiên động địa thế này hả?"

"Nhưng ông Phật trong tôi lạnh lắm. Tại sao lại hy sinh ông Phật sống này cho mấy ông tượng gỗ kia chứ?" Thiền Sư ikkyu trả lời.
Nhưng ông đạo tức giận nên nào có nghe thấy những gì Sư Ikkyu nói.
Ông ta cứ ong óng lên: "Trời ơi, thật đúng là điên qúa cỡ rồi. Thế này thì chết tôi rồi còn gì. Thôi thôi, ông cuốn xéo đi cho tôi nhờ!" Sư Ikkyu lặng thinh, lấy cây que khừi khừi bươi bươi đống tro, có vẻ như muốn tìm tòi cái gì. Ông đạo lạ lùng, hỏi: "Này ông lại muốn làm cái gì nữa đó?"

Sư Ikkyu nói: "Ồ, tôi muốn tìm xá lợi Phật cho ông."
Ông đạo đang giận mà cũng phải bật cười: "Ông thật đúng là không điên thì cũng mát. Tượng Phật gỗ làm gì có xá lợi?"
Sư Ikkyu phá lên cười ha hả: "Thế thì rinh nốt hai pho kia xuống đốt luôn đi. Trời còn lâu lắm mới sáng mà đêm nay thì lạnh lắm, ông đạo ạ."

Vị thiền sư đó kỳ quặc như vậy, nhưng ông ta có đến hàng trăm, hàng ngàn đệ tử khắp nơi trên đất Nhật và Sư không ngừng đi hoằng hóa nơi này nơi kia để dạy dỗ đệ tử. Câu chuyện về Ninakawa cũng là một phần trong cuộc du trình hành đạo của Sư. Ninakawa đang mấp mé bên bờ quả vị. "Sắp chứng đắc" có nghĩa là sẽ chứng, mà cũng có nghĩa là không. Ninakawa đã tu hành suốt cả một cuộc đời nhưng vẫn còn vướng mắc, chưa thông suốt. Ông ta còn kẹt vào kinh điển, văn tự; và đang loay hoay chưa biết tháo gỡ ra như thế nào. Thật khó mà thoát ra được ngục tù chữ nghĩa, kinh điển. Điều đó chỉ xảy ra khi bạn đã liễu đạo được mà thôi; và chỉ khi đó bạn mới thấy rằng danh tự kinh điển chỉ là danh tự kinh điển; không có gì cả, sách vở kinh điển chỉ là những phát minh phương tiện của con người sáng tạo ra mà thôi; chúng chỉ là tiếng vang trong tiềm thức. Chúng không phải là Chân Lý; chúng không phải là Giải Thoát; chúng không phải là Cứu Cánh.

Ông tăng Ninakawa đó đã tu tập, đã chiến đấu với chính bản thân mình, đã thiền định, đã sử dụng nhiều pháp môn, đã thử nhiều cách để thanh lọc tự tâm; nhưng Ninakawa vẫn không thể gỡ thoát ra được sức kềm hãm của ngữ ngôn văn thuyết.

Cho đến ngày Ninakawa hấp hối, ông vẫn còn loay hoay với rừng rậm ngôn từ. Đúng lúc đó, Thiền Sư Ikkyu đến thăm ông. Đây là giai đoạn sanh tử; đây là giai đoạn quyết liệt, đây là lúc phải đạp Ninakawa mạnh một cái, xô Ninakawa mạnh một cái vào trong vùng chân không vô tận.

Có thể Ninakawa sẽ hụt mất dịp may hiếm có này trước khi ông trở về cát bụi; có thể ông sẽ tóm trọn được Chân Lý trong tay.

Muốn được như thế, ta cần phải quán chiếu rõ ràng về Tánh Không của vạn hữu; ta cần phải đạt lý thông tâm thì ta mới có thể giáp mặt với cái Chết một cách thong dong tự tại được; vì sao, vì Chết chính là Chân Không Diệu Hữu.
Chỉ lúc đó, Tất cả là Một, Một là Tất cả - Có mà Không, Không mà Có. Do đó, Thiền Sư Ikkyu đến để ban cho đệ tử một ân huệ cuối cùng.
Ninakawa đã hao phí tâm lực cả một đời rồi, phút cuối cùng này, Ninakawa không được vuột mất.

" Ta biết ngươi đang chịu đựng cơn đau ghê gớm. Ta giúp được gì cho ngươi?"

"Con đến đây một mình và ra đi cũng một mình. Ngài giúp được gì cho con?"

Tất cả mọi người đều sanh ra một mình và chết cũng một mình; đó là sự thật hiển nhiên không thể chối cãi; tuy nhiên, giữa hai đầu Sống Chết đó, con người đã lầm tưởng, đã tự dối gạt mình là ta sống chung với người nào đó, chồng vợ, con cái, bạn bè, thân hữu, xã hội v.v... nhưng thật ra, đó chỉ là ảo tưởng. Cô đơn chính là bản chất thực sự của con người.
Đến một mình và ra đi cũng một mình. Cô đơn hoàn toàn. Hoàn toàn cô đơn.
Đó chính là lời Phật dạy.
Đó chính là giáo lý cơ bản của đạo Phật.
Đó chính là vì sao Phật phủ nhận Thượng Đế, một ngôi vị tối cao do con người đặt ra để nương dựa; vì có Thượng Đế thì con người làm sao cô đơn được? Con người vẫn còn có một điểm tựa để bám víu, để dựa dẫm.

Từ tinh thần nương dựa nhờ cậy đó, con người đâm ra hèn yếu, sợ sệt, do dự, hoài nghi, không dám chiến đấu, không dám nhìn nhận sự thật. Sự ràng buộc bám víu vào nhau từ đó cũng hình thành, dẫn đến luân hồi sanh tử.
Ninakawa trả lời Sư Ikkyu: "Con đến một mình và ra đi cũng một mình. Thầy giúp được gì cho con?"

Câu nói đó của Ninakawa tuy mang âm hưởng như đã liễu suốt đạo; nhưng thực ra Ninakawa chưa đạt được phần cốt tủy của Thiền. Nếu thực sự Ninakawa không cần sự giúp đỡ của Thầy thì Ninakawa cứ mặc nhiên cười và giản dị nói "Cám ơn." Không cần phải nói rườm rà lễ mễ như vậy. Không cần phải vay mượn những ngôn từ trong nhà thiền như vậy. Một khi bạn không chắc chắn, một khi bạn trống rỗng nội tâm thì bạn phải vay mượn, bạn phải nương nhờ Phật, Chúa, Thượng Đế,
Krishna, bởi vì đằng sau những bức bình phong vĩ đại đó, bạn sẽ che dấu được mọi người sự ngu dốt, trống rỗng, hay nông cạn tâm linh.

Bất cứ khi nào bạn sử dụng càng nhiều danh từ, bạn càng che dấu một cách thảm hại sự vô minh, sự giả dối của bạn. Ninakawa đã lập lại những ngôn thuyết rỗng tuếch đó, nên Thiền Sư Ikkyu mới phang thẳng cho một cú
"Nếu ngươi nghĩ có đến có đi, Ta sẽ chỉ cho ngươi con đường Không Đến Không Đi!"

Một cú sấm sét giáng lên đầu Ninakawạ Một trái bom nổ tung đất trời lồng lộng. Một câu nói lật ngược càn khôn vũ trụ. Một ngọn sóng thủy triều dâng cao dập xuống vỗ bờ. Đẹp, đẹp tuyệt vời từng chữ trong câu nói của Thiền Sư Ikkyu đó là tinh túy; đó là cốt tủy của tất cả chư Phật, của tất cả Mahavira, của kinh Áo Nghĩa Thư; chỉ một câu thôi, chỉ cần một câu thôi đã bao gồm trọn vẹn 50 năm thuyết pháp của Phật; chỉ cần một câu thôi gói trọn tinh hoa của trời đất.
"Con đường Không Đến Không Đi," đó chính là những danh từ đẹp nhất của trần thế. Thiền Sư Ikkyu nói:
"Nếu ngươi nghĩ có đến có đi, đó chỉ là ảo tưởng của ngươi... "

Thật khó hiểu và tế nhị sâu sắc quá, phải không? Câu nói của Sư Ikkyu có ý như thế này: "Nếu ngươi nghĩ là có đến có đi, thì ai đến ai đi cái nào của ngươi đến, cái nào của ngươi đỉ cái tâm của ngươi đến hay cái thân của ngươi đến; cái tâm của ngươi đi hay cái thân của ngươi đi. Nếu ngươi không giải được, có nghĩa là ngươi chỉ lập đi lập lại lời nói của chư Phật như con vẹt mà thôi.

" Người dịch xin mượm tạm một thí dụ trong kinh Na Tiên Tỳ Khưu để giải rõ thêm: "Đại Đức Na Tiên (Nagasena) muốn giải thích cho vua Milinda biết đặc tánh cấu thành của vạn hữu, hỏi vua đi đến tinh xá bằng gì, đi bộ hay đi xe. Vua đáp bằng xe.

"Tâu Đại vương, nếu ngài đến bằng xe, xin Đại vương cho biết phải cái gọng là xe không?"
"Bạch Đại Đức, không phải."
"Có phải cái bánh là xe không?"
"Quả thật không phải."

"Phải cái thùng là xe không?"
"Thưa không phải."
"Tâu Đại vương, Đại vương nói đến bằng xe, vậy cái xe đưa Đại vương đến ở đâu? Ngài là vị vua hùng mạnh nhất ở Ấn mà còn nói dối hay sao khi ngài nói đến bằng xẻ"

Như vậy bằng lối thẳng thắn phân tích, bằng cách phân chia ra từng thành phần cấu tạo nên cái gọi là xe, Đại Đức Na Tiên đã thành công thuyết phục vua Milinda rằng dầu nhà vua có nói sao đi nữa thì vẫn không có cái gì đơn thuần gọi là xe mà chỉ có những thành phần ráp nối lại với nhau mà thôi.
"Kính bạch Đại Đức, Trẫm không nói dối. Danh từ "cái xe" chỉ là một hình ảnh ngôn ngữ, một tiếng nói, một tên gọi, một lối chỉ định có tính cách qui ước, cái gọng, cái thùng, cái bánh v. v... "
Cùng thế ấy, "chúng sanh", "con người", "tôi", chỉ là những danh từ, những chữ không tương ứng chính xác với một cái gì đơn thuần nguyên vẹn, thật sự hiện hữu. Không có cái gì như một thực thể đơn thuần, hiện hữu trong thực tế mà có thể gọi như vậy.

Trong ý nghĩa cùng tột, chỉ có năng lực luôn luôn biến đổi. Tuy nhiên danh từ "cấu thành" không phải chỉ liên quan đến vật chất và tánh chất của vật chất được gọi là Sắc (rùpa) mà cũng bao hàm luôn phần tinh thần, tâm và tánh chất của tâm được gọi là Danh (Nàma).

Do đó, Tâm cũng là một sự phối hợp, giống như thể xác là một sự phối hợp. Nói rằng Tâm là sự phối hợp của nhiều tư tưởng, không có nghĩa rằng những tư tưởng ấy đồng thời hiện hữu, cùng tồn tại trong một lúc, như những thành phần của cái xe. Đây là sự nối tiếp liên tục của những chập tư tưởng cũng gọi là sát na tâm; một tiến trình không gián đoạn của những tư tưởng - khi là những tư tưởng sân hận, lúc thì tư tưởng từ bi, khi thì tư tưởng phiền não, lúc lại là tư tưởng an vui, phục vụ v.v..; một sự nối tiếp liên tục không gián đoạn, vô cùng tận. Mỗi chập tư tưởng phát sanh, tồn tại rồi hoại diệt, nhường chỗ cho một chập khác, những chập tư tưởng liên tục nối tiếp nhau, chập này đến chập kia, vô cùng nhanh chóng, đến đỗi ta có một cảm tưởng như có một cái gì đơn thuần, nguyên vẹn, không biến đổi gọi là "Tâm".

Nhưng trong thực tế, không có cái gì trường tồn bất biến mà chỉ có sự trôi chảy của những chập tư tưởng kế tiếp nối đuôi nhau, có thể sánh với sự trôi chảy của một dòng sông. Từng giọt nước kế tiếp nối đuôi nhau và trôi chảy nhanh chóng đến đỗi ta có cảm tưởng như có một cái gì nguyên vẹn, một thực thể không biến đổi gọi là con sông.
Nhưng đó chỉ là một cảm tưởng, một ảo tưởng. Trong thực tế, dòng sông luôn luôn trôi chảy, luôn luôn biến đổi. Cùng thế ấy, không có một cái gì là một thực thể nguyên vẹn không thay đổi gọi là cái tâm mà chỉ có sự liên tục nối tiếp của những chập tư tưởng, một dòng tư tưởng phát sinh rồi hoại diệt.
Nếu tôi nói rằng buổi sáng tôi băng qua con sông và buổi chiều tôi băng trở lại, cũng qua con sông ấy; trên thực tế có phải tôi băng qua và băng trở lại cũng một con sông ấy không?
Con sông mà tôi băng qua buổi sáng và con sông mà tôi băng qua buổi chiều có phải là một không?
Nước sông mà tôi băng qua buổi sáng có phải là nước sông mà tôi băng qua buổi chiều không? Vậy nước buổi sáng hay nước buổi chiều là con sông hay có hai con sông, một con sông buổi sáng và một con sông buổi chiều?
Và nếu tôi băng qua con sông vào lúc buổi trưa, vậy lại còn có một con sông buổi trưa chăng?
Suy luận như vậy, chúng ta sẽ thấy rằng mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây,mỗi khoảnh khắc đều có một con sông khác biệt.
Như vậy thì đâu là cái trọn vẹn mãi mãi tồn tại gọi là con sông? Như thế, con sông chỉ tồn tại như một danh từ. Bằng một cách qui ước để được tiện lợi trong sự thông cảm với nhau, chúng ta đồng ý gọi là con sông những giọt nước riêng biệt nối tiếp nhau trôi chảy vô cùng tận. Cái Tâm cũng y hệt như thế. Tâm chỉ là một luồng trôi chảy của những tư tưởng nối tiếp vô cùng tận. Chúng ta không thể nào chỉ riêng một tư tưởng đang thóang qua và nói:

"đây là cái tâm của tôi, đây là cái tâm thường còn không biến đổi của tôi".
Nếu tư tưởng ấy là cái tâm thường còn không biến đổi thì làm sao trong một lúc có những tư tưởng tốt đẹp, và chớp nhoáng thay đổi tư tưởng xấu xả Còn nếu tư tưởng thân ái này cũng là cái tâm thưòng còn và không biến đổi của tôi thì ra tôi có hai cái tâm thường còn và không biến đổi, và hai cái tâm đối nghịch nhau.
Nếu tự đặt ra những câu hỏi dài dài như vậy theo chiều hướng này, ta sẽ đi đến một kết luận là không có một cái gì tương tợ như cái tâm bất di bất dịch mà chỉ có một danh từ, một phương tiện để diễn đạt sự liên tục nối tiếp của những tư tưởng. Cái xe, con sông, danh sắc, tất cả chỉ là những phối hợp, những sự cấu thành.
Không có gì tự nó có đặc tánh vững bền, trường tồn, không biến đổi; và cùng thế ấy, Tâm chỉ là một danh từ diễn đạt dòng trôi chảy của những tư tưởng liên tục thì sự phối hợp tâm - vật lý - danh sắc- gọi là con người, không thể là một đơn vị nguyên vẹn thường còn không biến đổi, chỉ là một danh từ, một phương tiện qui ước. Khi sự phân tích tỉ mỉ và công phu ấy khám phá rằng không có một con người mà chỉ có một tiến trình, không có người hành động mà chỉ có hành động, chúng ta đi đến một kết luận rằng không có người chết mà chỉ có tiến trình của sự chết. Di chuyển là một tiến trình. Đi là một tiến trình. Chết là một tiến trình. Không có một nhân vật hay một nguyên lực ẩn núp phía sau tiến trình di chuyển hay tiến trình đi, cũng như không có một nhân vật hay nguyên lực nào phía sau tiến trình chết. Quả thật là một khám phá kỳ diệu, thần khải; và khi nhận thức được như vậy, bao nhiêu lo âu, bao nhiêu sợ sệt liên quan đến sự chết đều tan biến; và ngày nào nhờ gia công tham thiền suy niệm như vậy, chúng ta dứt bỏ được quan kiến sai lầm bám víu vào sự vật và làm mù mờ mọi nhận định về sự vật của chúng ta; chừng ấy chúng ta mới có thể phát huy trí kiến minh mẫn và chỉ có trí huệ ấy mới rọi sáng cho chúng ta thấy rõ thực tướng của sự vật; chỉ đến chừng ấy chúng ta mới nhận thức rằng không có ai đang chết mà chỉ có tiến trình của sự chết, cũng như không có ai đang sống mà chỉ có tiến trình của sự sống. Gia công thực hành quán niệm như vậy, có nghĩa là dần dần chúng ta sẽ dứt bỏ được thói quen không tốt đã nhiễm sâu vào đời sống chúng ta là tự đồng nhất mình với tiến trình hành động bằng thân, khẩu, ý, và do đó, thay vào đó bằng giáo lý Vô Ngã.
Suy niệm như vậy, chúng ta mới cởi mở dần dần, nới rộng cái tự ngã để vượt ra khỏi mọi luyến ái ràng buộc; chừng ấy chúng ta mới có thể vui vẻ, không lo sợ, bình tĩnh đối diện với hiện tượng chết một cách mạnh dạn an nhiên. (trích một đoạn trong Tử Niệm của Vô Danh Thị).
Thế cho nên Sư Ikkyu nói: "Nếu ngươi cho là có đến có đi, thì đó là ảo tưởng của ngươi mà thôi. Không có một ai đến, một ai đi và cũng chẳng có nơi nào để đến để đi. Vì không có người đến đi và cũng chẳng có nơi nào đến đi thì con đường cũng không thực sự hiện hữu. Như thế để ta chỉ ngươi con đường Không Đến Không Đi".

Với những lời nói sắc bén đập thẳng vào tâm thức, Sư Ikkyu đã vén bức màn Vô Ngã là Niết Bàn cho đệ tử và Ninakawa thỏng tay an nhiên đi vào cõi Vô Cùng với nụ cười giải thoát trên môi. Nụ cười Ninakawa là nụ cười của Phật, một nụ cười giác ngộ. Câu truyện thật đẹp; thật tuyệt vời, thật cảm xúc. Câu truyện đó là một ẩn dụ cho sự giác ngộ rốt ráo, tột cùng.

Chúng ta phải chết đi để sống lại; chúng ta phải chết đi con người đầy tham lam sân hận si mê để sống lại thật tràn đầy an lac giải thoát.
Cái chết của Ninakawa không phải là cái chết vật lý tầm thường, đó chỉ là một chuyến viễn du, một cuộc hành trình, một bước chân đi vào một thế giới khác, bắt đầu một cuộc sống khác. Nếu bạn có thể chết với nụ cười giải thoát trên môi thì bạn đã biết nghệ thuật chết; và tinh hoa của tất cả mọi tôn giáo đều nằm gọn trong nghệ thuật Chết đó.

Hãy chết như Ninakawa đã chết! Hãy cười như Ninakawa đã cười!
Nụ cười Ninakawa!
Nụ cười Chư Phật!
Xách nước qua đây
Đai tre ải đứt Thùng vỡ đáy tung
Nước ào ra hết
Đâu còn đáy nước trăng trong
Hư không còn lại tay không hững hờ
Hãy buông bỏ đi!
Đừng nắm giữ gì cả!
Hãy để nước trào ra, hãy để bóng trăng tan biến đi; có như thế bạn mới có thể thoải mái ngước mặt lên nhìn vành trăng thực thụ đang chiếu sáng thái hư; hãy tận hưởng niềm an lạc giải thoát đó; hãy để tâm bạn thanh thoát trống rỗng như bầu trời lồng lộng trên cao kia; và một khi bạn đã nếm được cảm giác thanh thoát tự tại đó rồi thì bạn sẽ mặc nhiên hiểu được ý nghĩa Sự Sống cũng như ý nghĩa Cái Chết.

Tay tôi rỗng không chẳng có vật gì
Tâm tôi rỗng không chẳng có vật gì.
Nụ cười Ninakawa!
Nụ cười Chư Phật!
Tịch tịch Lăng Già nguyệt
Không không độ hải chu
Tri không, không giác hữu
Tam muội nhiệm thông chu
Huệ Minh Thiền Sư

Trăng Lăng Già lặng sáng Biển cả chiếc thuyền không Thấu triệt Không và Có Giải thoát bước thong dong.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top