Câu 5: Tại sao Chủ tịch HCM khẳng định bảo vệ T.Q VNXHCN là tất yếu khách quan?

Câu 5: Tại sao Chủ tịch HCM khẳng định bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là tất yếu khách quan? Làm rõ sự vận dụng của Đảng ta trong xác định mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.
_____Trả lời_____
❖ Chủ tịch HCM khẳng định bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là tất yếu khách quan vì:
‐ Tính tất yếu khách quan đó được Chủ tịch HCM chỉ rõ: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước." ; "Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất quyết không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ... Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!..."
‐ Ngay sau CMT8-1945 thành công, trước sự uy hiếp của thực dân đế quốc và bọn phản động tay sai, Chủ tịch HCM đã cùng Đảng đề ra nhiều biện pháp thiết thực, cụ thể để giữ vững chính quyền nhân dân chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài.
‐ Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ cứu nước, Chủ tịch HCM đã chỉ ra 1 chân lý: "Không có gì quý hơn độc lập tự do", "Hễ còn 1 tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi." Trong Di chúc, Người căn dặn: "Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước có thể còn kéo dài, đồng bào ta có thể phải hi sinh nhiều của nhiều người. Dù sao chúng ta phải quyết tâm đánh thắng giặc Mĩ đến thắng lợi hoàn toàn."
‐ Ý chí quyết tâm giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc là tư tưởng xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động của Chủ tịch HCM.
❖ Sự vận dụng của Đảng ta trong xác định mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc VNXHCN giai đoạn hiện nay:
Nghị quyết số 28-NQ/TW được ban hành trên cơ sở thành tựu, kinh nghiệm về lý luận và thực tiễn qua gần 30 năm đổi mới đất nước, nhất là kế thừa kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) trong tình hình mới. Đây là Nghị quyết chuyên đề về nhiệm vụ BVTQ của Đảng ta. Trong đó, xác định rõ mục tiêu, quan điểm, phương châm chỉ đạo, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện BVTQ trong bối cảnh mới của tình hình thế giới, khu vực, hội nhập quốc tế. Chúng ta cần quán triệt sâu sắc những nội dung cơ bản sau:
‐ Một là, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp BVTQ. Đây là một nội dung quan trọng, nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp BVTQ. Trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và các thế lực thù địch tranh thủ mọi sơ hở của ta để chống phá thì việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước càng cần phải được coi trọng. Đó cũng là nhân tố bên trong quyết định sự thành bại của cách mạng, sự mất còn của chế độ XHCN ở nước ta. Nếu tình hình nội bộ ổn định, đất nước phát triển, đời sống nhân dân được đảm bảo và cải thiện thì lòng tin vào chế độ được giữ vững và do đó các thế lực bên ngoài không có cớ và thời cơ để can thiệp.
‐ Hai là, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Đảng ta luôn giương cao hai ngọn cờ: độc lập dân tộc và CNXH và đã giành thắng lợi trọn vẹn. Thực tiễn cũng đã chứng minh, chỉ có kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH nước ta mới có độc lập dân tộc thực sự và sự thực trong gần 30 năm đổi mới vừa qua, CNXH đã thể hiện được tính ưu việt của nó, mặc dù mô hình này chưa có tiền lệ trong thực tiễn và cần tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới. Những năm qua, vấn đề dân tộc luôn được Đảng ta đặc biệt coi trọng và trên thực tế đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, nhất là đối với kiều bào ta ở nước ngoài. Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) nhấn mạnh sự cần thiết phải gắn bó chặt chẽ giữa BVTQ với các yếu tố tự nhiên, lịch sử với yếu tố chính trị - xã hội; đặc biệt là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc phải gắn với bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN. Như vậy có thể khẳng định bất luận trong hoàn cảnh nào, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cũng phải luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Đây là mục tiêu và cũng là quan điểm của Đảng ta. Chừng nào chúng ta xa rời mục tiêu đó, tức là tách rời độc lập dân tộc với CNXH thì chừng đó sẽ chệch hướng và thất bại. Do đó, cần phải quán triệt thật sâu sắc thật vững vấn đề đặc biệt quan trọng này.
‐ Ba là, phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của đất nước, nhất là vai trò của nhân dân đối với sự nghiệp BVTQ. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, để chống lại kẻ thù xâm lược lớn mạnh hơn ta gấp nhiều lần, chúng ta đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc. Kế thừa truyền thống đó, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) tiếp tục khẳng định sức mạnh BVTQ là sức mạnh tổng hợp của cả nước, bao gồm sức mạnh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và của các lực lượng; kết hợp sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế, nhưng suy cho cùng sức mạnh của nhân dân mới là điều căn bản nhất. Dưới thời nhà Hồ, khi trả lời nhà vua về kế sách chống giặc giữ nước, Hồ Nguyên Trừng đã nói: "Thần không sợ giặc mạnh, chỉ sợ lòng dân không theo" và chính vì không được lòng dân nên mặc dù có thành cao, hào sâu, nhà Hồ đã không ngăn được quân xâm lược và bị mất nước. Ngày nay, sức mạnh của nhân dân vẫn là yếu tố quyết định, nhưng sức mạnh đó huy động được đến đâu cho sự nghiệp BVTQ còn tùy thuộc vào lòng tin và sự đồng thuận của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN. Vì vậy, để phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, vai trò của nhân dân đối với sự nghiệp BVTQ đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp phải gắn bó mật thiết với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, giải quyết kịp thời những vướng mắc trong nhân dân và điều cốt yếu là phải đem lại lợi ích ngày càng nhiều hơn cho nhân dân. Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) nhấn mạnh: phải "thường xuyên bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình, chủ động xử lý đúng đắn, kịp thời mọi tình huống gây mất ổn định chính trị - xã hội"; "củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận".
‐ Bốn là, giữ nước phải giữ từ thời bình. Kế thừa tư tưởng "giữ nước từ khi nước chưa nguy", Đảng ta đã không ngừng phát triển, hoàn thiện tư duy, nhận thức của mình về BVTQ trong điều kiện mới; trong đó, giữ nước phải được thực hiện ngay từ thời bình là một trong những quan điểm cơ bản. Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) đã khẳng định: "giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội là lợi ích cao nhất của đất nước". Như vậy, theo Đảng ta, không phải cứ tiến hành chiến tranh hoặc hoạt động liên quan đến chiến tranh mới được coi là giữ nước, mà giữ nước tối ưu là làm cho đất nước không phải tiến hành chiến tranh. Phát triển quan điểm trên, chúng ta đã nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ xa. BVTQ từ xa không chỉ xét về mặt địa lý, mà chủ yếu là chủ động chuẩn bị BVTQ ngay khi đất nước đang hòa bình và phát triển; thực hiện ngăn ngừa và đẩy lùi nguy cơ xung đột và chiến tranh. Đồng thời, không coi nhẹ vấn đề tự bảo vệ và khẳng định phải xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại", trong đó có một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại để BVTQ. Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) cũng chỉ rõ phương châm BVTQ là: Đối với nội bộ, lấy việc giáo dục, thuyết phục, phòng ngừa là chính đi đôi với giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật. Đối với các tranh chấp, bất đồng với các nước liên quan thì kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đảng ta cũng chỉ rõ phương thức đấu tranh là kết hợp đấu tranh vũ trang và phi vũ trang, nhưng lấy đấu tranh phi vũ trang là chủ yếu nhằm chủ động ngăn ngừa, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; khắc phục tình trạng sơ hở, mất cảnh giác. Phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các nguy cơ xung đột, chiến tranh biên giới, biển, đảo, chiến tranh mạng; không để xảy ra bạo loạn, khủng bố, hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước.
‐ Năm là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Đây là quan điểm mang tính truyền thống của dân tộc ta. Phát huy truyền thống này, trong công cuộc đổi mới, Đảng ta đã phát triển từ nhận thức cứng về bạn, thù trước đây đến việc xác định đối tác, đối tượng hiện nay và nhấn mạnh, cần có cách nhìn biện chứng trong sự tồn tại đan xen và chuyển hóa lẫn nhau giữa đối tác và đối tượng. Theo đó, trong mỗi đối tác có thể có mặt mâu thuẫn với lợi ích của ta cần phải đấu tranh; trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt đồng thuận cần tranh thủ hợp tác. Nhận thức biện chứng trong xác định đối tác, đối tượng đó đã mở ra điều kiện thuận lợi cho quan hệ hợp tác quốc tế, bảo đảm tranh thủ ngày càng tốt hơn sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Để thực hiện "trong ấm, ngoài êm", thêm bạn bớt thù, cùng với xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta cần "quán triệt đường lối độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Kiên trì chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa; thêm bạn, bớt thù, vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Tăng cường hợp tác tạo thế đan xen lợi ích chiến lược giữa nước ta với các nước, nhất là các nước lớn, các đối tác chiến lược, các nước láng giềng và các nước trong khu vực; tránh xung đột, đối đầu, tránh bị cô lập, lệ thuộc".
‐ Sáu là, xây dựng lực lượng vũ trang thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, làm nòng cốt cho toàn dân trong sự nghiệp BVTQ. Chúng ta đều biết, sức mạnh BVTQ là sức mạnh tổng hợp, trong đó có sức mạnh quân sự, nhưng cần nhận thức đúng vai trò của sức mạnh quân sự trong các giai đoạn của cách mạng để không quá đề cao hoặc coi nhẹ sức mạnh này. Xét cho cùng, trong chiến tranh, sức mạnh của đất nước cũng phải thông qua sức mạnh quân sự để trực tiếp giành thắng lợi trên chiến trường; còn trong thời bình thì sức mạnh quân sự chính là khả năng răn đe hiệu quả trong các tình huống quốc phòng, an ninh, BVTQ. Vì vậy, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) nhấn mạnh việc tăng cường sức mạnh quân sự bảo đảm vừa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước, vừa đủ sức BVTQ trong mọi tình huống. Để xây dựng sức mạnh quân sự phải coi trọng nhiều yếu tố; trong đó, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân mà trực tiếp là Quân đội nhân dân vững mạnh có ý nghĩa hết sức quan trọng. Việc xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp của Quân đội, trước hết là nâng cao chất lượng về chính trị, bảo đảm cho lực lượng này thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Xây dựng Quân đội có tổ chức hợp lý, tinh, gọn, cơ động, có sức mạnh chiến đấu cao, có vũ khí, trang bị hiện đại, nhất là một số vũ khí chiến lược; nâng cao khả năng phòng thủ tác chiến tầm cao, tầm xa, khả năng kiểm soát vùng trời, vùng biển, đảo xa bờ, tác chiến ban đêm, sẵn sàng đánh thắng trong các tình huống xung đột và chiến tranh. Cùng với đó, chú trọng xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, có chất lượng cao; đồng thời, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của lực lượng Công an nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ BVTQ trong tình hình mới.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: